Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Năm - Phẩm Vương Luận - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM NĂM

PHẨM VƯƠNG LUẬN  

TẬP BA  

Bấy giờ, Vua Chuyển Luân bảo các Vua: Này các chư hầu! Mỗi vị phải làm cho quốc gia của mình được thái bình. Ta đến là vì chư vị, chứ không vì đất nước. Các vị phải y theo chánh pháp cai quản và xây dưng đất nước, không theo tà pháp, phải có tâm bình đẳng, không thiên vị.

Trong nước của các vị, nếu có tà pháp thì mau chóng trừ diệt đi, đó là tuân theo lệnh của ta, mới gọi là các vị yêu nước. Nếu không trừ diệt đi thì ta và các vị mắc tội rất nặng.

Đại Vương nên biết! Như thế mới gọi là Chuyển Luân Thánh Vương bảo hộ các chúng sinh.

Các Tiểu Vương là Vua cai quản phần nhỏ, dưới Vua cai quản phần nhỏ là Vua ở biên địa. Hai hạng Vua ấy đều tuân theo mệnh lệnh của Vua Chuyển Luân Thánh.

Đại Vương nên biết! Như thế gọi là Vua làm chủ Quốc Độ giáo hóa chúng sinh.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Các Tiểu Vương khác, nương theo những pháp gì để cai trị đất nước, chăm lo đời sống nhân dân?

Đáp: Đại Vương! Các Vua nhỏ phải y theo Pháp Vương luận, lấy đạo đức cai trị đất nước, bảo hộ các chúng sinh, trừ Vua Chuyển Luân.

Vì sao?

Khi Vua Chuyển Luân Thánh xuất hiện ở thế gian, khi ấy các chúng sinh từ bỏ pháp bất thiện, tâm tham ác, lìa tâm tham điên đảo, lìa tâm tà kiến.

từ đó các Quốc Độ ấy không còn phi pháp, không có thợ săn, mổ giết… vì sao?

Vì họ sống theo vương pháp, nhận thức rõ ràng về tội và phước. Đối với pháp không mê mờ, lầm lẫn, thực hành hợp với lý, không gây ra lỗi lầm.

Đại Vương nên biết! Như thế, Vua Chuyển Luân Thánh chỉ dựa theo công đức nghiệp lực của chính mình để bảo hộ thế gian. Lúc bấy giờ, các Vua nhỏ bàn luận với nhau về những việc không nên làm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Ở trong thời kỳ nào, các Tiểu Vương thực hành Pháp Vương luận?

Đáp: Đại Vương! Vào thời kỳ Mạt Pháp, Vua Chuyển Luân Thánh ẩn mất, không xuất hiện, chánh pháp bị coi thường, chỉ thực hành theo tà pháp, khởi lên sự đấu tranh.

Tâm chúng sinh xấu xa, phát sinh ba sự sai lầm:

1. Tâm tham ưa thích phi pháp.

2. Tâm tham khởi lên điên đảo.

3. Mạng lưới tà pháp che khuất tâm.

Những Tiểu Vương kia chính họ không có trí tuệ, đánh mất sự sáng suốt.

Vì thế, Thánh Nhân nói: Các Tiểu Vương cai trị đất nước bằng luận pháp là thực hành chánh pháp và bảo hộ chúng sinh trong thế gian.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư!

Thế nào là tâm tham ưa thích phi pháp?

Đáp: Đại Vương! Đối với mười bất thiện nghiệp đạo mà sinh tâm ưa thích, đó gọi là tâm tham ưa thích phi pháp.

Hỏi: Thế nào là tâm tham điên đảo?

Đáp: Của cải do năng lực của chính mình làm ra, hoặc nhờ thời tiết mà có được, nhờ chánh pháp mà có được, nhờ như pháp mà được, nhưng tâm tham lam lại vô cùng, còn mong cầu của cải của người khác. Như vậy, gọi là tâm tham điên đảo.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là tâm bị màng lưới tà kiến trói buộc?

Đáp:  Đại Vương! Đối với những lập luận không đúng của ngoại đạo mà lại khởi lên tưởng là luận đúng. Đối với luân không lợi ích lại khởi tưởng lợi ích. Đối với phi pháp mà khởi tưởng là chánh pháp. Vào đời mạt pháp, chẳng phải là bậc trí đã làm ra luận này mà lại cho là chánh luận rồi sinh lòng tin, tu tập theo tà kiến cho là được phước. Đó gọi là màng lưới tà pháp che khuất tâm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Những pháp nào gọi là Vương luận?

Nay các Tiểu Vương theo pháp luận này để cai trị đất nước, dạy dỗ nhân dân, đó có thể bảo hộ chúng sinh như pháp chăng?

Đáp: Đại Vương! Lìa bỏ các tâm tham dục điên đảo, lìa bỏ các tâm giận dữ điên đảo, lìa bỏ các tâm ngu si điên đảo, nương theo đối trị, nương theo thật thể, nương theo sai biệt, nương theo lợi ích. Nương theo đối trị, nương theo thật thể là thiện căn không tham, không sân và không si.

Vì sao có thể phát khởi pháp bị đối trị và pháp đối trị?

Pháp bị đối trị là tâm buông thả và tâm không từ bi. Pháp để đối trị là nhà Vua thực hành pháp hạnh, tâm Vua không buông thả. Có từ bi rộng lớn, biết thân là vô thường, của cải là vô thường, khéo tự quán sát thân thấy nhiều lỗi lầm. Có thể biết như thật, thấy như thật, từ bỏ thọ hưởng của cải, thực hành pháp hạnh của Vua. Dẫu được tự do nhưng không làm phi pháp. Như thế gọi là tâm không buông lung.

Đại Vương nên biết! Theo pháp luận của vương pháp, không nên được vật, được thì không nên lấy. Chỗ đáng được nhưng chẳng phải thời thì không lấy. Nếu theo thời tiết, vật đáng được nhưng đối với người nghèo khổ thì không nên cưỡng ép lấy.

Cho đến như nạn nguy hiểm, nạn giặc cướp, nạn phản nghịch, nạn tàn sát lẫn nhau, khi có những nạn như thế nên khởi lòng từ, không xa lánh sự nguy hại để bảo hộ các chúng sinh. Đối với những người nghèo khổ nên ban phát cho họ cơm ăn, áo mặc. Đối với người làm ác thì dùng pháp thiện dạy bảo họ. Đó gọi là lòng từ.

Đại Vương nên biết! Nương theo hai pháp này gọi là Vua thực hành pháp hạnh, đúng là bảo hộ chúng sinh, tâm không buông thả, tâm từ bi rộng lớn.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh thì phải có lòng từ bi.

Như thế làm sao xử trị những chúng sinh ác hạnh kia?

Đáp: Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh, nếu muốn tự phạt những chúng sinh ác hạnh kia, trước hết phải khởi tâm từ, dùng trí tuệ quán sát, suy nghĩ về năm pháp rồi sau đó mới trị phạt.

Năm pháp đó là:

1. Dựa theo sự thật, chẳng phải không thật.

2. Dựa theo thời, chẳng phải không đúng thời.

3. Theo nghĩa, chẳng phải vô nghĩa.

4. Phải nói những lời từ tốn, không nên nói những lời thô thác.

5. Nương theo lòng từ bi, chẳng phải tâm giận dữ.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là y theo sự thật, chẳng phải không thật?

Đáp: Đại Vương! Phải nên như pháp mà tra hỏi, căn cứ vào lời họ tự khai rồi y theo đúng tội trị phạt họ, chứ không theo điều không thật. Đó gọi là y theo sự thật chẳng phải không thật.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là y theo thời, chẳng phải không đúng thời?

Đáp: Đại Vương!  Khi nhà Vua có năng lực, người kia trái lệnh Vua thì nên trị tội người ấy. Nếu nhà Vua không có năng lực thì nên dừng lại không trị. Đó gọi là y theo thời, chẳng phải không đúng thời.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là y theo nghĩa, chẳng phải vô nghĩa?

Đáp: Đại Vương! Nên hỏi người đối địch rằng họ gây nên tội lỗi với tâm như thế nào?

Nếu phát xuất từ tâm ác thì nên như pháp mà trị, còn nếu chẳng tâm ác thì không nen trị tội. Đó gọi là dựa theo nghĩa, chẳng phải vô nghĩa.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là lời nói từ tốn, không nói những lời thô ác?

Đáp: Đại Vương! Khi biết chúng sinh này đã Phạm Vương pháp, nhưng chỉ quở trach không cần trị phạt gì cả, nên như tội ấy khai báo đúng không che dấu, khéo nói những lời hòa thuận, khéo nói lời nhã nhặn, quở trách như thế mới đúng là quở trách. Đó là gọi là lời nói không thô thác.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là tâm từ chẳng phải tâm giận dữ?

Đáp: Đại Vương! Người trí biết tội này không chỉ quở trách, nhưng phán xét tội này đáng bị tử hình thì không được chặt tay, chân, móc mắt, cắt tai, mũi, lưỡi, mà nên y theo tâm đại từ bi ra lệnh bắt nhốt họ vào nhà lao. Hoặc gông, cùm, trói, đánh. Dùng những lời lẽ để trách mắng.

Lấy hết của cải đuổi đi nơi khác. Làm như vậy là để họ hối cải, chẳng phải đem lòng ác từ bỏ chúng sinh này. Đó gọi là tâm từ, chẳng phải tâm giận dữ.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vì sao Vua thực hành pháp hạnh trói nhốt, đánh đập, làm khổ những chúng sinh khác như thế, mà lại còn nói là có lòng đại từ bi?

Hai điều này đều mâu thuẫn nhau.

Vậy, thế nào là Vua thực hành pháp hạnh?

Bấy giờ, Đại Tát Già Ni Kiền Tử nói: Đại Vương!

Theo như nghĩa ở trên, nay ta nói với ông ví dụ này: Ví như cha mẹ có một người con lam điều ác. Vì nghĩ đến con, muốn để nó ăn năn hối cải nên buộc lòng phải trị phạt thật.

Ngoại trừ ra không giết, không đoạn dứt các chi phần trên thân thể, mà chỉ trị phạt bằng cách trách mắng, đánh đập, tùy theo tội đó mà trị thật nặng. Đó không thể gọi là vô lương tâm, tâm ác hay tâm làm hại mà chỉ vì quá thương đến con nên phải làm như thế để khiến nó hối cải không tiếp tục làm ác nữa. Người cha mẹ ấy không thể gọi là phi pháp mà gọi là nghĩ đến con, không đánh mất tâm từ.

Đại Vương nên biết! Vua thực hành pháp hạnh phải trị phạt tất cả những chúng sinh làm việc ác cũng như vậy. Với lòng từ sâu nặng, vì khiến người ác hối cải, tuyệt đối không tử hình, không hủy hoại thân thể. Vì lòng từ, lòng bi nên giam cầm, đánh, trói, mắng nhiếc, thu lấy của cải, đuổi đi nơi khác.

Đó là muốn khiến cho họ hối cải, bỏ điều ác, làm điều thiện, và cũng khiến những chúng sinh khác có ý nghĩ ác thì không làm phi pháp. Đấy chẳng phải chỉ bình thường đối với tâm ác bỏ những chúng sinh này, cũng không cố tâm làm cho chúng sinh đau khổ và hành hạ họ. Đó là Vua thực hành pháp hạnh, vì lòng từ bi buông ra những lời nói không tốt đẹp để trị tội chúng sinh.

Vì thế, hai hành động này tuy là mâu thuẫn nhau nhưng không trái ngược nhau.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Những chúng sinh nào là ác hạnh?

Đáp:  Đại Vương!

Chúng sinh ác hạnh nói sơ lược có năm hạng:

1. Chúng sinh đó đối với Vua không có lợi ích.

2. Những chúng sinh đó cùng nhau tụ họp làm những việc không lợi ích.

3. Chúng sinh ấy khởi lên sự chống đối.

4. Chúng sinh tà hạnh.

5. Chúng sinh tà mạng.

Đại Vương nên biết! Những chúng sinh đối với nhà Vua không lợi ích có mười một hạng:

1. Chúng sinh đó chống đối nhà Vua.

2. Chúng sinh đó dạy người khác làm phản.

3. Chúng sinh đó cho nhà Vua uống thuốc độc.

4. Chúng sinh đó cướp đoạt của cải của nhà Vua.

5. Chúng sinh đó phá hoại những công việc của nhà Vua đang làm.

6. Chúng sinh đó xâm phạm hoàng hậu và cung nữ của nhà Vua.

7. Chúng sinh đó trái với mệnh lệnh của nhà Vua.

8. Chúng sinh đó tiết lộ bí mật của nhà Vua.

9. Chúng sinh đó dò xét đất nước.

10. Chúng sinh đó chửi mắng nhà Vua.

11. Chúng sinh đó nói xấu hủy nhục nhà Vua.

Như vậy, này Đại Vương! Đó là những chúng sinh đối với nhà Vua không có lợi ích.

Đại Vương nên biết! Những chúng sinh cùng nhau tụ họp làm những việc không có lợi ích, có mười hạng:

1. Những chúng sinh tụ họp giết hại lẫn nhau.

2. Những chúng sinh tụ họp cướp đoạt của nhau.

3. Những chúng sinh tụ họp xâm chiếm vợ của nhau.

4. Những chúng sinh dối trá làm chứng cho người khác.

5. Chúng sinh đó không thật, lừa dối người khác.

6. Những chúng sinh đó phá sự thân thiết bạn bè của người khác.

7. Những chúng sinh đó dùng lời ác khẩu mạt sát người khác.

8. Những chúng sinh đó hành ác nghiệp, cân đo đong đếm luôn lường gạt, thu góp của người khác.

9. Những chúng sinh đó tụ họp để hủy báng nhau.

10. Những chúng sinh đó tu họp thiêu đốt lẫn nhau.

Đại Vương! Đó là những chúng sinh quây quần, tụ họp làm những việc không có lợi ích.

Đại Vương nên biết! Những chúng sinh phản nghịch, nghĩa là các Tiểu Vương ở biên địa, thành ấp, hoặc chủ tụ lạc… không tuân mệnh lệnh căn bản của Đại Vương đã đưa ra. Đó gọi là những chúng sinh phản nghịch.

Đại Vương nên biết! Những chúng sinh tà hạnh là những chúng sinh không có giới.

Sao gọi là không có giới?

Chúng sinh đó có đầy đủ luật nghi ác, như làm đồ tể, thợ săn, nuôi heo, dê, gà, chó, ngỗng, vịt, mèo, hồ, chim, cú, diều. Dùng câu bắt cá, ba ba. Giăng lưới, đào hầm, đốt lửa, tên độc để đánh bắt cầm thú, giết hại người khác. Tự mình buông lung làm những việc độc ác. Đó là những chúng sinh có hạnh sai trái.

Đại Vương nên biết!

Những chúng sinh tà mạng là những chúng sinh đó tuy đã xuất gia, cạo bỏ râu tóc, từ bỏ các thứ của cải, tu hạnh không tham đắm, mặc những thứ y phục khác đời, nhưng lại không có giới, khởi lên tà kiến, làm những việc lạ lùng, tìm mọi phương tiện để cầu lợi dưỡng, đời sống không đúng với chánh pháp. Tất cả những ý nghĩ và hành động của họ đều không có trong chánh pháp.

Đó là những chúng sinh có đời sống sai trái.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vì sao Vua thực hành pháp hạnh lại tự phạt năm hạng chúng sinh kia?

Đáp: Đại Vương! Vua thực hành pháp hạnh trị phạt tội nhân kia, nhưng không tử hình, không thi hành những hình phạt hủy hoại thân thể như móc mắt, cắt tai, mũi, lưỡi, tay chân.

Có ba hình thức trị phạt:

1. Trị tội bằng cách quở trách.

2. Trị tội bằng cách tịch thu tài sản của người đó.

3. Trị tội bằng cách dùng dây trói nhốt vào lao, hoặc gông cùm, đánh đập, trách mắng rồi đuổi đi.

Tùy theo những việc làm ác của chúng sinh kia thuộc tội nặng, vừa hay nhẹ mà tự phạt họ trong ba phương pháp này. Đó là Vua thực hành pháp hạnh trị phạt năm loại chúng sinh làm ác kia.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh lại trị phạt những chúng sinh đối với nhà Vua không có lợi ích như thế nào?

Đáp: Đại Vương! Những tội nhân như thế, trị tội bằng cách không tử hình, không hủy hoại thân thể mà được dùng dây trói, nhốt vào nhà lao, gông cùm, đánh đập, tịch thu tài sản, đuổi đi nơi khác.

Đại Vương! Đó là Vua thực hành pháp hạnh trị tội những chúng sinh đối với nhà Vua không có lợi ích.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua thực hành pháp hạnh trị phạt những chúng sinh cùng nhau tụ họp làm việc không lợi ích như thế nào?

Đáp: Đại Vương! Ngoài việc không tử hình, không hủy hoại thân thể ra, họ được dùng dây trói, nhốt vào nhà lao, gông cùm, đánh đập. Không nên đoạt hết tất cả tài sản của họ, mà trong sáu phần chỉ tịch thu một phần rồi đuổi đi nơi khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần