Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Tám - Phẩm Công đức Không Lỗi Lầm Của Như Lai - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM TÁM

PHẨM CÔNG ĐỨC

KHÔNG LỖI LẦM CỦA NHƯ LAI  

TẬP BỐN  

Cù Đàm thấy chúng sinh

Rơi vào đường tà kiến

Vì ở chỗ ái lâu

Tâm thường bị trói buộc,

Trong các nạn như thế

Thích thú không nhàm chán

Cho nên Đấng thập lực

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Khởi lên tâm điên đảo

Ở trong khổ bất tịnh

Sinh vui ý tưởng tịnh,

Trong vô thường vô ngã

Lại cho thật ngã thường

Cho nên Đấng thập lực

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Nương theo sức yếu kém

Thường mang vác nặng nhọc

Không sinh tâm chán lìa,

Khởi ý tưởng cố chấp

Đắm nhiễm không buông bỏ

Cho nên Đấng thập lực

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Ở trong biển tham ái

Lợi dưỡng che mất tâm

Thường cầu cảnh giới dục,

Tâm tham như lửa rừng

Cháy mãi không dừng nghỉ

Cho nên Đấng thập lực

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm thấy chúng sinh

Tạo đủ mọi nghiệp khổ

Thường bị mọi buồn bực

Khổ đau dày xéo mãi,

Vì cứu chúng sinh kia

Các phiền não làm hại

Cho nên Đấng thập lực

Thường khởi tâm đại bi.

Cù Đàm luôn quán sát

Tất cả giới chúng sinh

Thường khởi tâm đại bi

Cho nên không tội lỗi.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm hoàn toàn thành tựu ba niệm xứ.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Những gì là ba niệm xứ của Như Lai?

Đáp: Này Đại Vương! Đó là tâm không vui, tâm không giận và tâm không giận không vui.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là tâm không vui?

Đáp: Đại Vương! Tâm không vui tức là khi Sa Môn Cù Đàm ở trong nội chúng thuyết pháp, nếu có chúng sinh với thân tâm đoan chánh cung kính, im lặng nghe, tùy thuận tiếp nhận lời dạy và theo lời dạy tu hành, thì đối với chúng sinh này, Sa Môn Cù Đàm cũng không sinh tâm vui mừng, không thích thú, không hớn hở.

Vì sao?

Vì Sa Môn Cù Đàm có tâm xả, bình đẳng an trụ trong nhất tâm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là tâm không giận?

Đáp: Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm ở trong chúng thuyết pháp. Nếu có chúng sinh thân không cung kính, không chuyên tâm lắng nghe, quay lòng lại với Thánh giáo, thực hành không đúng lời dạy, thì đối với chúng sinh này Sa Môn Cù Đàm cũng không tức giận, chỉ khởi tâm nhẫn, không sinh tâm không tin, cũng không sinh tâm nghĩ người kia không nghe theo lời dạy của mình.

Vì sao?

Vì Sa Môn Cù Đàm đã có tâm xả, bình đẳng và an trụ trong nhất tâm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là tâm không giận, không vui?

Đáp: Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm ở trong chúng thuyết pháp. Trong chúng ấy, có người thân nghiêm chỉnh cung kính, lắng tai nghe, tùy thuận ghi nhớ lời dạy và theo lời dạy để tu hành. Hoac có người không cung kính, để ngoài tai, quay lưng với Thánh giáo, không tu hành như pháp.

Đối với hai hạng người này, Sa Môn Cù Đàm không sinh tâm vui mừng, thích thú, hớn hở và cũng không sinh tâm giận, không khởi tâm bất nhẫn, không khởi tâm không tin, cũng không nghĩ rằng người kia trái với lời dạy của ta.

Vì sao?

Vì Sa Môn Cù Đàm đã có tâm xả, bình đẳng và an trụ trong nhất tâm.

Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm trụ tâm vào ba niệm này, không ô nhiễm. Cho nên ta nói, Sa Môn Cù Đàm không có lỗi lầm.

Rồi nói kệ rằng:

Cù Đàm khi thuyết pháp

Người nhất tâm tiếp nhận

Thường trụ ở chánh niệm

Không khởi tâm vui mừng.

Cù Đàm khi thuyết pháp

Người không lắng tâm nghe

Thường trụ ở chánh niệm

Cũng không khởi tâm giận.

Cù Đàm khi thuyết pháp

Người nghe hay không nghe

Thường trụ ở bình đẳng

Không giận cũng không vui.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm đã hoàn toàn thành tựu ba nghiệp không giữ gìn.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Như Lai hoàn toàn thành tựu ba nghiệp không giữ gìn là những gì?

Đáp: Đại Vương! ba nghiệp đó là:

1. Không cần giữ gìn thân nghiệp.

2. Không cần giữ gìn khẩu nghiệp.

3. Không cần giữ gìn ý nghiệp.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là không cần giữ gìn thân nghiệp?

Đáp: Đại Vương! Những hành động về thân của Sa Môn Cù Đàm đều thanh tịnh. Sa Môn Cù Đàm không có các hạnh bất tịnh. Cho nên Sa Môn Cù Đàm không nghĩ rằng, hành động về thân của ta bất tịnh, sợ người khác biết nên khởi tâm giữ gìn đề phòng.

Vì sao?

Vì Samôn Cù Đàm không có hành động về thân bất tịnh. Đó là không giữ gìn thân nghiệp thứ nhất.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là không giữ gìn khẩu nghiệp?

Đáp: Đại Vương! Miệng của Sa Môn Cù Đàm thanh tịnh. Sa Môn Cù Đàm là người có khẩu nghiệp thanh tịnh, cho nên không nghĩ rằng hành động của miệng là bất tịnh, sợ người khác biết nên giữ gìn đề phòng.

Vì sao?

Vì Sa Môn Cù Đàm có khẩu nghiệp thanh tịnh. Đó là không cần giữ gìn khẩu nghiệp thứ hai.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là không cần giữ gìn ý nghiệp?

Đáp: Đại Vương! Ý nghiệp của Sa Môn Cù Đàm thanh tịnh. Sa Môn Cù Đàm là người có ý nghiệp thanh tịnh, cho nên Sa Môn Cù Đàm không nghĩ rằng ý nghĩ của là bất tịnh, sợ người khác biết nên khởi tâm đề phòng giữ gìn.

Vì sao?

Vì Sa Môn Cù Đàm có ý nghiệp thanh tịnh. Đó là không cần giữ gìn ý nghiệp thứ ba.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm hoàn toàn thành tựu ba việc không cần giữ gìn nghiệp. Cho nên ta nói Sa Môn Cù Đàm không có lỗi lầm.

Rồi nói kệ rằng:

Ba nghiệp của Cù Đàm

Lìa vọng và vô úy

Cho nên thường thanh tịnh

Ra đời hộ Thế Giới,

Vì các chúng đệ tử

Tâm bình đẳng thuyết pháp

Người có lỗi thì bỏ

Người không lỗi khiến giữ.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm thành tựu nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Như Lai?

Đáp: Đại Vương! Nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Sa Môn Cù đàm, có bốn thứ.

1. Thân nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

2. Quán nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

3. Tâm nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

4. Trí nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là Thân nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Như Lai?

Đáp: Đại Vương nên biết! Thân nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Sa Môn Cù Đàm là lìa các phiền não. Tất cả những tập khí đều chấm dứt không còn nữa, tùy ý muốn hay xả, sinh khởi hay thoái lui, ở trong tất cả mọi nơi thân được tự tại. Đó là Thân nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là Quán nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Như Lai.

Đáp: Đại Vương! Quán nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Sa Môn Cù Đàm là đối với thân ứng hóa đã lìa khỏi tất cả phiền não và tập khí phiền não, chấm dứt không còn sự luân chuyển chìm nổi, trong các quán được tự tại. Đó là Quán nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là tâm nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Như Lai?

Đáp: Đại Vương! Tâm nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Sa Môn Cù Đàm là đã xa lìa hết tất cả phiền não, tập khí phiền não và tâm nhiễm ô, tâm được tự tại, chứa đầy đủ các thiện căn. Đó là Tâm nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là Trí nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Như Lai?

Đáp: Đại Vương! Trí nhất thiết chủng trí thanh tịnh của Sa Môn Cù Đàm là tất cả các phần vô minh và các phiền não và tập khí phiền não đều đã dứt trừ không còn nữa, được tự tại trong các pháp, không còn chướng ngại. Đó là Trí nhất thiết chủng trí thanh tịnh.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm hoàn toàn thành tựu nhất thiết chủng trí thanh tịnh như thế. Cho nên ta nói, Sa Môn Cù Đàm không có lỗi lầm.

Rồi nói kệ rằng:

Cù Đàm nhất thiết trí

Nương theo bốn tịnh pháp

Cho nên thấy vô cấu

Trí tuệ thân tự tại

Cù Đàm tuệ thanh tịnh

Đầy đủ bốn loại trí

Phiền não tập khí diệt

Cho nên không lỗi lầm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Như Lai tự tại như thế nào?

Đáp: Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm có mười sự tự tại.

1. Mạng tự tại.

2. Tâm tự tại.

3. Vật tự tại.

4. Nghiệp tự tại.

5. Sinh tự tại.

6. Như ý tự tại.

7. Tín tự tại.

8. Nguyện tự tại.

9. Trí tự tại.

10. Pháp tự tại.

Đại Vương nên biết! Được Cam Lồ thượng diệu, nên gọi là thọ mạng tự tại.

Có thể biết tất cả chỉ trong một tâm, nên gọi tâm tự tại. Ở trong hư không nắm được trân báu gọi là vật tự tại. Xa lìa tất cả phiền não và tập khí vô minh các sử gọi là nghiệp tự tại. Ở trong thiền định sâu xa, giải thoát tam muội, Tam Ma Bạt Đề, tùy ý vận hành, đó gọi là sinh tự tại. Đối với tất cả mọi hành động thực hành một cách tự nhiên gọi là Như ý tự tại.

Ở trong các nhập đạt được quán tự tại gọi là tín tự tại. Khi mới vừa khởi tâm thì ngay lúc đó thành tựu tất cả mọi việc, đó gọi là nguyện tự tại. Ba nghiệp thân, khẩu, ý lấy trí làm căn bản nên gọi là trí tự tại. Hiện tại trụ trong pháp giới bình đẳng, chân như thật tế vô cấu đó là pháp tự tại.

Đại Vương nên biết! Xa lìa sát sinh, không có tâm giận hại, đó là nhân của mạng tự tại. Tam bình đẳng, xả bỏ tất cả sự vật, cầu đại Bồ Đề, đó là nhân của vật tự tại. Hành động của ba nghiệp thanh tịnh không nhiễm ô, đó là nhân của nghiệp tự tại.

Dùng tâm Bồ Đề giữ gìn các thiện căn, đó là nhân của sinh tự tại. Xả bỏ tất cả những sự cúng dường, cung kính, lễ bái, khen ngợi mà bố thí như voi ngựa, xe cộ cho chúng sinh, đó là nhân của như ý tự tại. Thường nói về Tam Bảo, giáo hóa chúng sinh, đó là nhân của tín tự tại. Tùy theo sự mong cầu của tất cả chúng sinh để đáp ứng kịp thời cho họ, đó là nhân của nguyện tự tại.

Thường thực hành bố thí pháp, không vì lợi dưỡng, tiếng tăm và sự cung kính, đó là nhân của trí tự tại. Thường vì chúng sinh nói về lấy pháp thân bình đẳng như của các chúng sinh và các Đức Như Lai làm thể, chứ không phải thân ăn uống, đó là nhân của pháp tự tại.

Đại Vương nên biết! Đạt được thọ mạng tự tại để đối trị tất cả noi sợ hãi về sinh tử. Đạt được tâm tự tại để đối trị tất cả nỗi sợ hãi về phiền não.

Đạt được vật tự tại để đối trị tất cả nỗi sợ hãi về nghèo khổ. Đạt được hành động tự tại để đối trị tất cả nỗi sợ hãi về đường ác. Đạt được sinh tự tại để đối trị tất cả nỗi sợ hãi về trói buộc của sinh. Đạt được như ý tự tại để đối trị tất cả nỗi sợ hãi về sự truy cầu. Đạt được tín tự tại để đối trị tất cả nỗi sợ hãi về sự hủy bang pháp.

Đạt được nguyện tự tại để đối trị tất cả nỗi sợ hãi về sự trói buộc của tâm niệm. Đạt được trí tự tại để đối trị tất cả nỗi sợ hãi về ngu si. Đạt được pháp tự tại để đối trị tất cả nỗi sợ hãi ở trong đại chúng.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm đã hoàn toàn thành tựu sự tự tại như thế, cho nên ta nói Sa Môn Cù Đàm không có lỗi lầm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần