Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Năm Mươi Hai - Phẩm Nghi Thức Thuyết Pháp
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẨM NĂM MƯƠI HAI
PHẨM NGHI THỨC THUYẾT PHÁP
Một thuở nọ, tại đại thành Vương Xá có chúng ngoại đạo Ba Ly Bà Xà Ca, thường cứ mỗi năm ngày tập hợp quần chúng thuyết pháp. Thính giả đến nghe pháp rất đông.
Vì vậy, trong thời gian này, hàng ngoại đạo Ba Ly Bà Xà Ca ấy được cung kính tôn trọng và nhiều lợi dưỡng.
Khi ấy Quốc Vương Tần Bà Sa La ở thành Vương Xá, nước Ma Già Đà rất chánh tín Phật Pháp, suy nghĩ: Ngày nay ngoại đạo Ba Ly Bà Ca thường thường cứ mỗi năm ngày tập họp quần chúng thuyết pháp, thính giả đến nghe pháp rất đông.
Vì vậy hàng ngoại đạo này được người đời quý trọng, cung kính cúng dường, được nhiều lợi dưỡng. Ngày nay, ta cũng tập hợp các thầy Tỳ Kheo, khuyến thỉnh các thầy cứ mỗi năm ngày thuyết pháp một lần, rồi ta đích thân đi dự đại hội.
Nếu chúng hội thấy ta đến, thì tất cả dân chúng cũng đều đến dự. Vì vậy sẽ khiến thầy của ta được người thế gian tôn trọng, cung kính cúng dường, được nhiều lợi dưỡng. Nghĩ như vậy rồi, Nhà Vua liền đem mọi việc đến bạch Phật.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nhân sự việc này tập hợp chúng Tỳ Kheo, bảo: Này các Tỳ Kheo, ta đã hứa với Đại Vương Tần Bà Sa La, cứ mỗi năm ngày các Tỳ Kheo được phép tổ chức đại hội, vì quần chúng mà thuyết pháp, luận bàn nghĩa lý các pháp.
Các Tỳ Kheo lúc ấy bạch Phật: Thưa Thế Tôn, chúng con sẽ thuyết những pháp gì?
Và không nên thuyết những pháp gì?
Khi các Tỳ Kheo hỏi như vậy, Đức Phật bảo đại chúng Tỳ Kheo: Này các thầy, ta đã hứa với Đại Vương Tần Bà Sa La, cứ mỗi năm ngày, khi tập họp đại chúng xong, các thầy nên tán thán công đức của Phật, công đức của pháp, công đức của Tăng.
Công đức của chánh tín, cho đến tán thán sơ lược các công đức trì giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, tri túc, thiểu dục, đầu đà, xa lia làng xóm thành ấp, thường ưa ở chỗ vắng lặng, hành diệu hạnh, lợi ích, tinh tấn.
Các công đức cúng dường cha mẹ, Tôn Trưởng, Sa Môn và Bà La Môn, cúng dường thiện hữu tri thức. Tán thán thiện ngôn, tán thán chế ngự các căn, tán thán ăn uống có tiết độ, tán thán đầu đêm cuối đêm tỉnh thức không ngủ nghỉ, tán thán sinh chánh niệm, tán thán cùng phục vụ nhau, tán thán công đức cùng nhau học hỏi, tán thán công đức nghe pháp được lãnh ngộ, tán thán công đức đã làm theo điều đã nghe thầy dạy, không chông trái.
Tán thán công đức nghe chánh pháp rồi sinh chánh tri kiến, nghe pháp rồi tùy thuận tu tập. Tán thán công đức niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thiên, niệm thí, niệm tịch diệt, niệm quán sổ tức, niệm thân, thường niệm quán tưởng bất tịnh, niệm tử tưởng, niệm ăn uống khởi tưởng bất tịnh.
Tán thán quán tưởng thế gian không an lạc, tưởng vô thường, tưởng khổ không, tưởng vô ngã. Tán thán công đức của tưởng từ bỏ diệt, tưởng ly dục, tưởng diệt, tưởng tướng xương trắng, tưởng xương phân tán, tưởng sình trướng, tưởng sắp rã nát, tưởng mất nửa thân người, tưởng thân tan rã.
Tán thán tưởng thiêu cháy nửa thân, tưởng thiêu cháy đỏ, tưởng thân đáng ghét, cũng nên tán thưởng niệm các công đức. Cũng nên tán thán tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác, bát đạo phần, tán thán pháp môn giải thoát và các phần giải thoát, tán thán tám thắng xứ, tán thán tam minh. Cũng tán thán công đức sáu phép thần thông.
Bấy giờ các Tỳ Kheo suy nghĩ: Như Lai đã cho phép chúng ta, cứ mỗi năm ngày nhóm họp quần chúng để tán thán công đức của Chư Phật, tán thán sáu phép thần thông.
Sau đó, các Tỳ Kheo cứ năm ngày lại nhóm họp một lần, rồi các thầy thuyết pháp bằng cách đồng thanh tán thán công đức Chư Phật, tán thán công đức sáu phép thần thông.
Khi ấy thính giả nghe pháp đều bàn tán chê bai, nói: Tại sao các thầy của ta thuyết pháp cùng một âm điệu, giống như bọn con nít mới tập học, cùng nhau tập đọc. Các Tỳ Kheo nghe thính giả chê bai như vậy, đem việc này về trình lên Phật.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, từ nay trở đi, ta không cho các thầy đồng thanh tán thán giáo pháp, chỉ cho phép các thầy thỉnh một vị nào có biện tài khả năng thuyết pháp.
Lúc ấy các Tỳ Kheo hoặc thỉnh các thầy kém khả năng, thiếu uy nghi, giới đức bị hủy phạm, không được thanh tịnh, làm người thuyết pháp. Thính giả lại chê bai bằng những lời không vui lòng đẹp ý.
Họ chê rằng: Các Pháp Sư mà còn nói lời như vậy, huống gì không phải Pháp Sư. Các Tỳ Kheo nghe như vậy, trình lại đầy đủ lên Đức Phật.
Đức Phật dạy: Này các Tỳ Kheo, từ nay về sau, ta dạy các đệ tử không được thỉnh các thầy kém khả năng, thiếu uy nghi, giới đức không thanh tịnh làm vị Pháp Sư.
Nếu có thỉnh vị Pháp Sư thì phải thỉnh thầy đầy đủ khả năng, phải là thầy ở trong chúng thành tựu giới hạnh.
Cho đến Đức Phật quy định: Cần phải thỉnh thầy hiểu giáo pháp và có tài thuyết pháp, tuần tự hiểu rõ các Kinh A Hàm làm vị Pháp Sư.
Trong chúng có nhiều thầy hiểu các Kinh A Hàm, Đức Phật dạy các thầy Tỳ Kheo: Chẳng những chỉ thỉnh các thầy hiểu các Kinh A Hàm làm vị Pháp Sư, mà vị ấy cần phải hiểu các luận khác. Nếu được thế thì mới nên thỉnh vị ấy đại diện chúng làm Pháp Sư.
Nếu trong đại chúng có nhiều Tỳ Kheo hiểu nghĩa lý các Kinh, Luật và Luận thì chọn trong chúng những vị hiểu rõ văn tự, giỏi diễn giảng.
Nếu trong chúng đang có những vị hiểu rõ văn tự, giỏi cá diễn giảng thì ta cho phép thỉnh trong số ấy theo thứ lớp từ hạ tọa lần lên, thay đại chúng làm vị Pháp Sư.
Nếu vị thứ nhất bị ốm yếu thì lại thỉnh vị thứ hai.
Nếu vị thứ hai bị ốm yếu thì thỉnh vị thứ ba.
Nếu vị thứ ba bị ốm yếu thì nên thỉnh vị thứ tư.
Nếu vị thứ tư ốm yếu thì nên thỉnh vị thứ năm.
Như vậy lần lượt thỉnh các thầy Tỳ Kheo có khả năng thuyết pháp, thay đại chúng làm vị Pháp Sư.
Lúc bấy giờ có những Tỳ Kheo thuyết pháp ngoài Trời, hoặc bị nóng hay bị lạnh. Đức Phật liền cho phép cất giảng đường ở trong đó thuyết pháp.
Tuy có giảng đường mà không có bốn vách, bị gió thổi bụi rác làm nhơ nhớp các thầy, Đức Phật lại cho phép xây tường chung quanh giảng đường ngăn chận bụi rác.
Các Tỳ Kheo thuyết pháp trong giảng đường như vậy, nhưng nền giảng đường không bằng phẳng, nên dừng các thứ đay hoặc cỏ rải trên mặt đất, hoặc dùng bùn tô trên mặt nền để được sạch sẽ.
Khi ấy các Tỳ Kheo xây cất giảng đường tráng nền đất xong, ở trong đó tu tập, đọc tụng, kinh hành. Bị bụi làm dơ chân nên Đức Phật cho các thầy Tỳ Kheo được phép rửa chân.
Khi ấy các Tỳ Kheo thường xuyên rửa chân nên gót bị đau nhức, Đức Phật mới dạy các Tỳ Kheo nên dùng nước nóng thơm rưới trên nền để quét sạch bụi.
Sạch bụi rồi, thì nền nhà khô trở lại, làm dơ chân nên Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Ta nay cho phép các thầy dùng phân bò và nước hương thơm trét trên nền giảng đường.
Khi nước hương thơm khô rồi thì phân bò bị bong nát làm dơ chân như trước.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo nên dùng cỏ mềm hoặc đay trải lên mặt nền.
Khi thấy các Pháp Sư đầy đủ biện tài thuyết pháp, quần chúng liền đem hoa thơm rải trên mình Pháp Sư.
Khi ấy các Pháp Sư không nhận pháp cúng dường này, lại xa lánh.
Vì sao?
Vì Đức Phật cấm người xuất gia không được dùng hương thơm và các tràng hoa thơm.
Khi ấy thính giả nghe thấy việc như vậy mới chê trách các Tỳ Kheo này: Đối với đồ cúng dường tầm thường như vậy mà không dám nhận, huống nữa là vật tốt đẹp hơn.
Các Tỳ Kheo đem việc này trình lên Đức Phật.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Này các thầy, nếu có đàn việt cư sĩ vì cầu an lành, hoan hỷ đem các loại hoa thơm, bột thơm và tràng hoa rải lên người Pháp Sư thì các thầy nên thọ lãnh. Khi ấy lại có kẻ đàn việt cư sĩ đem của cải quý giá áo Ca Sa cúng dường, vị Pháp Sư lo sợ, xấu hổ nên không nhận lãnh.
Người đời thấy vậy bàn tán, chê bai: Hàng Sa Môn Thích Tử này đối với đồ vật tầm thường như vậy còn không dám thọ nhận, huống nữa là vật tốt hơn. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe việc như vậy, đem việc này trình lên Đức Phật.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Nếu có người đời đem của cải và Ca Sa dâng cúng cho vị Pháp Sư với tấm lòng hoan hỷ, thì ta cho phép các thầy xả thí. Nếu thầy nào cần dùng thì cho phép nhận lãnh. Nếu thầy nào không cần dùng, thì được phép cho lại.
Bấy giờ các Tỳ Kheo trong thời thuyết pháp lại đem Bộ Kinh lớn, nên tụng thầm hoặc một tháng mà không xong, chỉ muốn mau xong, lo sợ xâu hổ, chỉ muốn mong tụng mau hết, nên thân tâm mỏi mệt.
Khi ấy các Tỳ Kheo đem việc này trình lên Đức Phật.
Bấy giờ Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Vì đại chúng thuyết pháp phải hợp thời. Thuở ấy các Tỳ Kheo thuyết pháp dùng giọng truyền cảm, lời lẽ văn chương diễn thuyết. Khi ấy các Tỳ Kheo lo sợ, xấu hổ, liền đem việc này bạch lên Phật.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Ta cho phép các thầy dùng lời văn chương truyền cảm diễn thuyết nghĩa lý các pháp. Thuở ấy có các thầy lược lấy các nghĩa chính trong Kinh mà thuyết pháp cho đại chúng nghe, không thuyết theo thứ lớp. Khi ấy các Tỳ Kheo lo sợ, xấu hổ, lo trái với kinh luật, đem đầy đủ việc này trình lên Đức Phật.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Ta cho phép tùy tiện trích lấy nghĩa cốt yếu trong các Kinh, sắp đặt theo câu văn mà thuyết pháp, nhưng phải lấy đúng nghĩa, không được sai ý bổn kinh.
Thuở ấy các vị Pháp Sư trong khi thuyết pháp, vì đại chúng nhóm họp đông đảo, tiếng thuyết pháp nghe không được rõ ràng, làm cho đại chúng không được hoan hỷ vừa lòng. Khi ấy các Tỳ Kheo đem việc này bạch lên Phật một cách đầy đủ.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Ta nay cho phép ở trong đại chúng được thiết lập tòa cao, rồi thỉnh Pháp Sư thăng tòa thuyết pháp để mọi thính giả được nghe.
Một hôm các thầy Tỳ Kheo tổ chức đại hội thuyết pháp, quần chúng nhóm họp đông đảo, tiếng thuyết pháp của Pháp Sư cũng không cùng khắp. Các Tỳ Kheo bạch Phật.
Đức Phật lại dạy: Cần phải thiết tòa cao gấp bội, mời Pháp Sư lên tòa ấy thuyết pháp. Đại chúng thiết tòa cao gấp nhiều lần mà tiếng của vị Pháp Sư vẫn không vang khắp. Các Tỳ Kheo lại bạch Phật.
Đức Phật dạy: Ta cho phép các thầy tùy tiện hoặc đi hoặc đứng mà thuyết pháp. Thuở ấy, các Tỳ Kheo tập trung trong một giảng đường mà có đến hai thầy diễn nói Kinh Pháp nên làm trở ngại lẫn nhau.
Do đó liền cất hai giảng đường, ở trong mỗi giảng đường có một Pháp Sư thuyết pháp khác nhau, nhưng vẫn còn trở ngại lẫn nhau.
Vì chúng Tỳ Kheo ở trong giảng đường này đi đến giảng đường kia, rồi Tỳ Kheo giảng đường này rủ Tỳ Kheo giảng đường kia thay nhau trở lại giảng đường này.
Hoặc có Tỳ Kheo không thích nghe pháp môn này nên thính giả có kẻ qua giảng đường này, kẻ lại giảng đường kia, làm cho Pháp Hội ồn ào, sự nghe pháp không được liên tục. Lúc ấy các Tỳ Kheo đem việc này bạch lên Đức Phật một cách đầy đủ.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Từ nay trở đi, không được hai người thuyết pháp chung một giảng đường, lại cũng không được xây cất hai giảng đường gần nhau khiến tiến?
Nói giảng đường này làm ồn giảng đường kia. Cũng không được chúng giảng đường này đến giảng đường kia, chúng giảng đường kia đến giảng đường này, không được chê bai pháp môn, không ưa thích nghe thuyết.
Ai chê bai phải theo đúng như luật mà xử trị. Một hôm, trong chùng không có Pháp Sư, các Tỳ Kheo đem việc này bạch lên Phật.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Nếu không có Pháp Sư, nên thỉnh một vị lên tòa tụng kinh. Lúc ấy trong chúng không có người biết tụng kinh, các Tỳ Kheo đem việc này bạch lên Phật.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo:
Ta cho phép các thầy theo thứ lớp mà tụng Kinh: Hoặc từ hàng Thượng Tọa theo thứ lớp sai tụng Kinh, hoặc từ hàng hạ tọa theo thứ lớp sai tụng Kinh, cho đến đọc một bài kệ bốn câu.
Bấy giờ có những Pháp Sư tụng Kinh giống như người đời, ca ngâm các pháp, nên người nghe bàn luận chê bai: Tụng Kinh như vậy giống chúng ta ngoài đời ca vịnh. Sa Môn cạo tóc đâu được ca vịnh như vậy mà nên thuyết pháp. Các Tỳ Kheo nghe việc như vậy, liền đem việc này trình lên Phật.
Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Nếu thầy Tỳ Kheo dùng giọng ca vịnh theo đời để thuyết pháp thì mắc phải năm lỗi.
Năm lỗi ấy là gì?
Một là nhiễm thói quen giọng ca vịnh.
Hai là người nghe sinh nhiễm tâm, không nhận được nghĩa chánh pháp.
Ba là do giọng trầm bổng làm mất chữ trong câu kinh.
Bốn là người đời nghe được, bàn tán chê bai.
Năm là người đời tương lai nghe việc như vậy liền căn cứ vào việc làm thế gian cho là nguyên tắc thông lệ.
Nếu có Tỳ Kheo nào dựa vào giọng ca vịnh của thế tục mà thuyết pháp thì người ấy bị năm lỗi như vậy. Vì vậy, không được dùng giọng ca vịnh mà thuyết pháp.
Này các Tỳ Kheo, nếu thầy nào chưa hiểu các pháp như trên, đến ở nơi nào, trước phải thỉnh ý vị Hòa Thượng hay A Xà Lê. Khi ấy các có Tỳ Kheo muốn du hành tha phương đến thành ấp, xóm làng.
Các vị Hòa Thượng và A Xà Lê bảo các Tỳ Kheo đó: Này các thầy, các thầy không nên đến đó. Khi ấy các Tỳ Kheo không tuân lời, cứ ra đi. Khi đi đến giữa đường gặp phái bọn cướp, chúng bắt lấy các Tỳ Kheo này.
Họ dùng tay chân đánh đập, các thầy đau khổ vô cùng, chỉ còn lại mạng sống thoi thóp. Bọn cướp đoạt lấy y bát, rồi sau đó mới thả ra.
Sau đó, các Tỳ Kheo trở về Chùa, đem việc này thuật lại đầy đủ với các thầy khác. Bây giờ Tỳ Kheo đem việc này bạch lên Phật.
Đức Thế Tôn nhân việc này cho triệu tập Chúng Tăng, hỏi các thầy: Thật sự các Hòa Thượng và A Xà Lê của các thầy không đồng ý cho các thầy viễn du đến các xóm làng đó phải không?
Các Tỳ Kheo đó trả lời: Bạch Thế Tôn, thật sự như vậy.
Đức Phật lại hỏi: Này các Tỳ Kheo, các thầy phải biết việc làm như vậy là không tốt.
Hòa Thượng và A Xà Lê của các thầy đã không cho, tại sao các thầy tự tiện đi đến xóm làng ấy?
Đức Phật bảo: Này các Tỳ Kheo, vì sao có chuyện như vậy?
Ta nhớ trong quá khứ, ở trong cõi Diêm Phù Đề này, trong đoàn thương nhân năm trăm người, có một thương chủ tên là Từ Giả, là người dẫn đầu.
Lúc ấy các thương nhân tập trung bàn luận với nhau: Chúng ta ngày nay nên sắm đầy đủ tất cả dụng cụ lương thực để đi vào biển cả tìm kiếm bảo vật, quyết sẽ được nhiều trân bảo như Ma Ni, chân châu, kha ngọc, san hô, vàng, bạc đem về nhà, khiến bọn chúng ta giàu có trong bảy đời liên tiếp, trở thành đại phú gia, giữ lấy tài vật này, nuôi dưỡng quyến thuộc, kinh doanh sự nghiệp.
Lúc ấy năm trăm thương nhân sắm đầy đủ các dụng cụ phương tiện, hàng hóa để đi vào biển, tổn phí lên đến ba ngàn vạn tiền.
Một ngàn vạn lo việc lương thực trong khi đi đường. Một ngàn vạn cho thương nhân làm vốn buôn bán. Một ngàn vạn lo vào việc tu bổ và thuê người lái thuyền.
Chuẩn bị đầy đủ như vậy rồi, mỗi người đều an tâm thọ Bát Quan Trai. Thọ Bát Quan Trai rồi, mỗi người đều về nhà mình từ biệt cha mẹ, vợ con, quyến thuộc.
Lúc ấy thương chủ Từ Giả đem việc này thỉnh ý mẹ. Khi đó mẹ ông ta đang ở trên lầu, vừa mới tắm rửa xong, thọ Bát quan trai giới được yên tĩnh.
Từ Giả đến trước cha mẹ thưa: Lành thay! Thưa cha mẹ, con muốn vào đại dương tìm của báu. Đến nơi đó con tìm được nhiều của cải như Ma Ni, chân châu, pha lê cho đến vàng, bạc, rồi sẽ trở về, sẽ khiến nhà mình giàu có trong bảy đời, mọi vật dụng đều được đầy đủ, vô cùng giàu có, cúng dường cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, lại đem bố thí tạo các công đức.
Lúc ấy mẹ của thương chủ Từ Giả bảo: Con cần gì phải vào trong biển cả. Trong nhà con ngày nay đầy đủ tài sản, hết sức giàu có, hễ cần thứ gì thì đều có đầy đủ, không thiếu hụt đến bảy đời nữa có thể sinh sống và cứu tế, làm việc cúng dường và bố thí để tạo các công đức.
Này con yêu quý, trong biển cả có nhiều điều khủng bố như phong ba bão chướng dữ dội, cá Đê Di La, Thần biển gây khủng bố, cùng quỷ nữ La Sát.
Này con yêu quý, trong biển cả có nhiều tai nạn như vậy. Mẹ tuổi đã già, sự suy yếu đã đến, con yêu quý nếu ra đi thì việc mẹ con tái ngộ thật khó khăn. Mạng sống của mẹ ngày nay thật mong manh, ngày chết gần kề. Mẹ Từ Giả tha thiết nói ba lần như vậy.
Từ Giả lại thưa mẹ: Lành thay! Thưa mẹ, con đã quyết định đi vào biển để tìm của báu. Đến đó, con sẽ thâu được nhiều ngọc quý rồi quyết định sẽ trở về, mang theo các thứ Ma Ni, chân châu, vàng, bạc đem dâng cha mẹ, Sư Trưởng, cứu tế, bố thí, tạo nhiều công đức. Nói lời này rồi, Từ Giả ra đi.
Lúc ấy mẹ Từ Giả rời khỏi chỗ ngồi, đi đến ôm lấy Từ Giả, nói: Từ Giả, con yêu quý của mẹ!
Mẹ không đồng ý cho con vào biển tìm châu báu.
Vì sao trong nhà mình đang có rất nhiều của cải mà con còn đi tìm?
Khi ấy Từ Giả thầm nghĩ: Mẹ ta không vui với việc của ta đã là tổn hại rồi. Hôm nay lại không cho ta vào biển tìm châu báu thì ta sẽ bị tai họa thất bại.
Vì vậy, Từ Giả nổi giận, đánh mẹ mình té nằm trên đất, đạp vào đầu rồi bỏ đi. Từ Giả cùng đoàn thương nhân đi đến bờ biển. Đến nơi, họ tổ chức lễ tế Thần biển.
Tế lễ xong, họ sửa soạn thuyền bè nghiêm chỉnh. Ngoài ra, họ còn thuê riêng năm người giá gấp ba lần.
Năm người này lo các việc sau: Một người giữ dây buồm, một người nắm bánh lái, một người tu bổ tàu, một người có tài bơi lặn, một người có tài đi biển. Mọi việc được sắp đặt xong, họ liền lên thuyền ra khơi, vào trong biển cả để tìm của báu.
Khi đoàn người đi vào trong biển, tàu bè bị vỡ tan, năm trăm thương nhân đều bị chết đuối, chỉ còn một mình thương chủ Từ Giả sống sót.
Lúc ấy Từ Giả bám vào mảnh thuyền vỡ, nương vào mảnh gổ này dùng sức tay chân bơi lội hết sức lực, nhờ sức gió thổi nên sóng đưa vào bờ, lạc đến một hòn đảo nhỏ tên là Tỳ Thi Đề Bà nhà Tùy dịch là Hóa Chủ.
Lúc ấy Từ Giả ở trên đảo chỉ ăn trái cây và rau cỏ. Sống ở đây một thời gian ngắn, sau đó Từ Giả dạo khắp nơi, đến phía Nam đảo thấy có một lối đi, liền đi theo lối này chừng một khoảng ngắn, xa xa trông thấy một thành bằng bạc, thành này rất hấp dẫn, đẹp đẽ ít có, xem hoài không chán.
Nào lầu gác, vọng gác đẩy lui quân địch, hào lũy bao quanh, có lan can cửa chắn. Các cửa đó đều làm bằng ngọc quý, cung điện lầu đài, thềm thang lót ván, trên giăng bảo trướng, trang hoàng ngọc quý, treo đủ phướn lọng, dùng những bảo phan, bàn án, lư hương, xông hương thơm ngát.
Chung quanh thành có nhiều vườn rừng, hồ ao, sông rạch đều là chỗ đầy đủ thú vui chơi. Chính giữa thành có một Bảo Điện tên là Hỷ Lạc.
Điện này được làm bằng bảy báu như là vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, hổ phách, chân châu Lúc ấy có bốn phụ nữ tuyệt thế giai nhân từ trong thành đi ra, dung nhan kiều diễm, khả ái, trang điểm bằng chuỗi anh lạc, nhìn hoài không chán.
Họ hướng về thương chủ Từ Giả thưa: Lành thay! Từ Giả đã tới đây.
Làm sao có thể mạo hiểm lặn lội đến đây?
Thành này vô chủ, lại đầy đủ của cải không thiếu vật gì. Trong thành có một Bảo Điện tên là Hỷ Lạc, làm bằng Thất Bảo. Chúng em đang sống trong đó.
Tối ngủ, sáng thức dậy tâm ý trong sạch, ăn nói chân thật, dung hạnh thùy mỵ, giọng nói dịu hiền. Do vậy, ngày nay chàng có thể vào thành này, đi lên Bảo Điện.
Nơi đó không có đàn ông, mặc tình chàng đi, đứng, nằm, ngồi. Chúng ta cùng nhau hòa hợp thọ hưởng dục lạc. Chúng em đem tất cả phẩm vật dâng hiến, cung phụng cho chàng.
Khi ấy Từ Giả liền vào thành, đến cung điện không có đàn ông, cùng bốn nàng này mặc tình thọ hưởng năm dục. Sống như vậy trải qua vài năm, rồi trải qua một trăm năm, trải qua một ngàn năm buông lung hưởng thụ khoái lạc.
Vào một hôm, bốn nàng lại thưa với Từ Giả: Lành thay! Này Thánh Tử, chàng cứ ở trong thành này, không được đi đến các thành khác.
Từ Giả liền sinh nghi:
Tại sao các nàng ấy lại nói với ta lời thế này: Ngày nay Thánh Tử chỉ ở trong thành này, không được đi đến các thành khác. Ta không nên nghe lời các nàng, sẽ lén đi. Chờ cho các nàng ngủ say, ta theo con đường này đi khắp mọi nơi để biết việc này đích thực thế nào, hoặc lành hoặc dữ, khi đó ta tùy nghi xử lý.
Từ Giả chờ các cô gái nằm ngủ say, từ từ đứng dậy, ra khỏi Bảo Điện, tuần tự đi ra khỏi cửa thành phía Đông rồi đi quanh bốn phía thành.
Khi đến mặt phía Nam thành thấy một con đường, liền theo đường này lần lần tiến tới, lại thấy từ xa một thành bằng vàng đẹp đẽ, hấp dẫn, có nhiều sông ngòi, suối ao đầy nước bao quanh.
Trong thành có một Bảo Điện tên là Thường Túy được làm bằng bảy báu vàng, bạc, xa cừ, chân châu nguy nga tráng lệ đẹp mắt.
Lúc ấy có tám cô gái hình dung xinh đẹp, trang điểm bằng chuỗi anh lạc đẹp đẽ tuyệt vời từ trong thành này đi ra, hướng về thương chủ Từ Giả thưa: Lành thay! Từ Giả, làm sao chàng có thể từ xa đến đây?
Họ lại thưa thương chủ: Thành này làm toàn bằng vàng ròng, đầy đủ tài sản bảo vật, ở chính giữa thành có một Bảo Điện tên là Thường túy, làm bằng bảy báu.
Chúng em tôi ngủ sáng dậy. Từ Giả cũng vào thành, lên Bảo Điện, nơi không đàn ông, cùng với tám nàng này mặc tình vui chơi hoan lạc thú vui ngũ dục. Như vậy, trải qua vài năm, trăm năm sông tự do.
Một hôm nọ, tám cô gái lại thưa với Từ Giả: Này Thánh Tử, Thánh Tử chớ nên ra khỏi thành này mà đi đến thành khác. Khi ấy Từ Giả cũng lại sinh nghi, rồi tìm cách trốn ra khỏi thành, du hành quán sát mọi nơi. Lại từ xa trông thấy một thành làm bằng pha lê, đẹp đẽ hấp dẫn, xem hoài không chán.
Trong thành có một Bảo Điện tên là Ý Lạc, làm bằng bảy báu vàng, bạc, lưu ly, chân châu trang nghiêm tráng lệ, đẹp mắt.
Lúc đó có mười sáu cô gái dung mạo đẹp đẽ tuyệt vời, với bảo châu anh lạc trang điểm trên thân, nhìn hoài không chán, từ trong thành đi ra, hướng về chỗ Từ Giả và cũng thưa: Lành thay! Từ Giả, sao chàng lại mạo hiểm đến đây. Thành này làm toàn bằng pha lê, đầy đủ tài sản bảo vật. Trong thành có một Bảo Điện tên là Ý Lạc, cũng làm toàn bằng bảy báu.
Mười sáu chúng em tối ngủ sáng dậy. Như trước, thỉnh Từ Giả ở trong Bảo Điện. Từ Giả liền vào thành, lên Bảo Điện, nơi không có đàn ông, cùng với mười sáu nàng này vui chơi, thọ hưởng thú vui ngũ dục.
Trải qua vài năm, vài ngàn năm, rồi vào một hôm nọ, các nàng lại thưa với Từ Giả: Cẩn thận, chớ nên đi đây đó. Từ Giả cũng sinh nghi, liền không nghe lời, ra khỏi thành này, lần lần tiến bước dạo khắp các nơi.
Lại xa xa trông thấy một thành làm bằng lưu ly, bốn tường kiên cố, tráng lệ, hấp dẫn, suối ao, sông hồ đầy nước bao vây. Trong thành có một Bảo Điện tên là Phạm Đức, làm bằng bảy báu, nguy nga, hấp dẫn.
Lúc ấy có ba mươi hai mỹ nhân trang sức bằng chuỗi anh lạc, dung nhan đẹp đẽ tuyệt vời, ra khỏi thành này, hướng đến Từ Giả, thưa: Lành thay, làm sao Thánh Giả từ xa đến đây được?
Họ lại nói: Thành này làm bằng lưu ly, đầy đủ của cải vật báu, chúng em hoàn toàn trong trắng, sống với nhau không chống trái, hễ làm một việc gì, trước phải hội ý rồi sau mới thực hiện, tâm ý hòa thuận, lời nói thanh nhã, phong lưu. Chúng em đến thỉnh Thánh Tử vào trong thành, lên Bảo Điện để cùng chúng em hòa hợp vui chơi, thọ hưởng thú vui ngũ dục.
Hễ Thánh Tử cần những thứ gì, chúng em cung phụng đầy đủ. Khi ấy Từ Giả vào thành, lên Bảo Điện, là nơi không có đàn ông, cùng với ba mươi hai mỹ nhân thọ hưởng đủ thú vui ngũ dục. Trải qua vài năm, vài trăm năm, vài ngàn năm sống cuộc đời thích thú.
Một hôm nọ, ba mươi hai nàng lại thưa Từ Giả: Lành thay! Thưa Thánh Tử, chàng hãy thận trọng, không được rời thành này mà đi đến các thành khác.
Lúc ấy Từ Giả lại sinh nghi, suy nghĩ:
Tại sao các nàng lại nói với ta: Thánh Tử nên thận trọng, không nên rời thành này mà đi đến các thành khác. Ta nay có thể chờ các nàng ngủ say, sẽ lén đứng dậy, theo con đường này mà đi đến đó để biết việc lành hay việc dữ. Biết rồi tùy nghi xử lý.
Sau đó, Từ Giả chờ các nàng ngủ say, lén đứng dậy, xuống khỏi Bảo Điện, ra khỏi cửa thành phía Đông, tuần hành khắp quanh thành.
Đến mặt Nam thấy một con đường, rồi theo đường này mà đi, chỉ trong chốc lát xa xa chàng trông thấy một tòa thành bằng sắt, các mặt thành đều có cửa, bên trong không có một người, hoặc đàn ông hay đàn bà, đồng nam hay đồng nữ ra nghinh tiếp.
Chỉ nghe tiếng như thế này: Ai đói, ai khát, ai lõa thân, ai chạy nhanh, ai đi xa về mỏi mệt, ta nương vào ai!
Lúc ấy Từ Giả lại nghĩ thế này: Từ trước ta đã gặp thành bằng bạc, trong thành này có bốn nàng ra tiếp rước ta.
Lại khi ta đi đến thành vàng, trong thành này có tám nàng ra tiếp rước ta.
Lại khi ta đến thành pha lê, trong thành này có mười sáu nàng ra tiếp rước ta.
Lại khi ta đến thành lưu ly, trong thành này có ba mươi hai nàng ra tiếp rước ta.
Mà nay thành này không có một người đàn ông hay đàn bà, đồng nam hay đồng nữ ra tiếp rước ta, chỉ nghe những tiếng chẳng vui: Ai đói, ai khát, ai lõa thân, ai chạy nhanh, ai đi xa về mỏi mệt, ta nương vào ai. Ta nên vào thành này coi thử ai nói lời như vậy. Bấy giờ Từ Giả liền bước vào thành. Vừa vào trong thành thì bốn cửa thành liền đóng kín.
Từ Giả kinh hồn hoảng vía, toàn thân dựng chân lông, chạy khắp đó đây kêu la thế này: Ta nay thất bại chăng?
Ta nay bị hủy hoại chăng?
Trong khi Từ Giả tìm lối thoát bỗng thấy một người đầu đội bánh xe sắt, bánh xe đỏ rực giống như lửa hừng đang bốc cháy, thật đáng kinh hoàng.
Từ Giả liền đến hỏi: Thưa Nhân Giả, người là ai?
Tại sao trên đầu có bánh xe xoay chuyển, đốt cháy đỏ rực, đáng sợ, giống như đống lửa như vậy?
Tội nhân đáp:
Này Nhân Giả, người có biết chăng, tôi là thương chủ Cù Tần Bà.
Từ Giả lại hỏi: Trước kia do nhân duyên tạo nghiệp gì mà ngày nay người bị vòng sắt đốt cháy đỏ rực xoay chuyển trên đầu như vậy?
Tội nhân đáp: Ngày trước do tôi sân hận đánh, đạp trên đầu mẹ tôi. Vì nhân duyên tội nghiệp như vậy nên ngày nay bị bánh xe sắt cháy đỏ rực xoay chuyển trên đầu.
Từ Giả nghe nói như vậy, buồn khóc kêu la, tự trách, sám hối, nhớ lại nghiệp mình thuở trước, rồi thốt lên: Ta đang bị giam cầm như con nai trong chuồng!
Đang lúc ấy có một quỷ Dạ Xoa quản thủ thành này tên là Bà Lưu Ca, đến gỡ vòng sắt trên đầu thương chủ Cù Tần Bà, đến chụp dính trên đầu Từ Giả. Lúc đó, vòng sắt đốt cháy đỏ rực làm cho Từ Giả đau khổ vô cùng, không thể chịu nổi.
Chàng dùng kệ hỏi Dạ Xoa:
Thành này chu vi có bốn cửa
Thường rực ánh lửa khủng bố người
Ta đã thành giam hãm rồi
Giống như nai nọ sập vào bẫy.
Lành thay Dạ Xoa, ta xin hỏi:
Vòng lửa cớ gì dính đầu ta
Bùng cháy phừng phực như đống lửa
Làm cho mạng ta sắp từ trần?
Ta trước trải qua điện Hỷ Lạc
Lại vào thành vàng, cung Thường Túy
Đến thành pha lê, cung Ý Lạc
Cuối cùng đến sống Cung Phạm Đức.
Trước vào thành bạc có bốn nàng
Sau đến thành vàng lại gặp tám
Pha lê thành nọ mười sáu nàng
Thành lưu ly ba mươi hai cô
Như vậy gặp đây, lại gặp kia
Tuần tự trải qua càng tốt đẹp.
Nay chẳng may gặp việc thế này
Nay sao vòng lửa khủng bố ta?
Do ta tham dục không biết đủ
Nay gặp khổ ách nạn như đây.
Hay là trước kia tạo nghiệp gì?
Nay bị vòng sắt cháy trên đầu
Bốc cháy đỏ rực như đống lửa
Làm mạng ta sắp lìa trần.
Xin vua Dạ Xoa thương nói rõ
Trải bao nhiêu năm chịu vòng này?
Khi ấy Dạ Xoa quản thủ thành sắt liền dùng kệ giải đáp cho Từ Giả:
Xưa kia, mẹ ngươi giữ tịnh giới
Ngươi dùng gót chân đạp đầu bà
Do vì nhân duyên nghiệp như vậy
Nay bị vòng sắt xoay trên đầu
Bốc cháy giống như đống lửa đỏ
Ngọn lửa cháy đỏ thật ghê mình.
Vòng lửa chuyển động trên đầu ông
Làm cho mạng ông chết rồi sống
Như vậy trải đủ sáu vạn năm
Số năm như vậy không giảm bớt
Vòng lửa thường ở trên đầu ông
Sự thật như vậy quyết không nghi.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Như có người quen giúp ích người
Người lại đền ân bằng tai họa
Người ấy về sau mắc tai ương
Giống như Từ Giả nổi sân si.
Chẳng nên gây ác lại gây ác
Chẳng nên tạo tội lại tạo tội
Người ấy về sau mắc tai ương
Giống như Từ Giả nổi sân si.
Như khởi từ tâm sau đổi ỷ
Với chỗ ân đức không báo ân
Người ấy về sau mắc tai họa
Giống như Từ Giả nổi sân si
Nghiệp lực quá khứ dẫn đến nay
Nghiệp lực hôm nay sẽ tiếp diễn
Nghiệp lực dẫn người sinh các xứ
Tùy người tạo nghiệp thọ khổ vui.
Chẳng phải trong biển, đất, hư không
Cũng không giữa núi hay trong đá
Không thể ở bất kỳ chỗ nào
Có thể thoát ly không thọ nghiệp.
Đức Phật báo các Tỳ Kheo: Ý các thầy thế nào?
Chẳng nên nghĩ gì khác. Từ Giả lúc ấy là thân ta ngày nay. Lúc ấy, trước khi vào biển ta thọ Bát Quan Trai, do vì sức nhân duyên tạo nghiệp này nên được phước báo là bốn lần gặp thành báu, tất cả các vật đều được đầy đủ không thiếu hụt như vậy.
Do nhân duyên ác tâm, tức giận đạp đầu mẹ mình nên tròn sáu vạn năm thọ quả báo bị vòng sắt đốt cháy rất cực khổ. Này các Tỳ Kheo, do nhân duyên nghiệp báo, không phải vô cớ mà thọ khổ. Chỉ vì chúng sinh tạo nghiệp thiện ác, rồi theo nhân duyên ấy mà thọ quả báo. Do vậy các thầy cần phải tạo nghiệp thân khẩu, ý thanh tịnh.
Này các Tỳ Kheo, nếu thầy nào ngu si không rõ được tội phước thiện ác, cần phải thưa hỏi Sư Trưởng, Hòa Thượng, A Xà Lê, rồi sau đó mới đi vào xóm làng. Nếu Hòa Thượng, A Xà Lê không cho phép mà tự ý ra đi thì theo pháp mà trị Tỳ Kheo ấy về tội bất kính không hiếu thuận.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Thấp Ba Thệ
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chiên đà Việt Quốc Vương
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - QUYỂN THƯỢNG ( Phẩm thứ nhất)
Phật Thuyết Kinh đại Sự Nhân Duyên Lợi ích Của Danh Hiệu Phật Vô Lượng Thọ