Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tự Tứ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH TỰ TỨ
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở trong Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, tại thành Vương Xá. Bấy giờ, Phật kiết hạ an cư cùng với năm trăm Tỳ Kheo đều là bậc A La Hán các lậu đã hết, việc cần làm đã làm, đã lìa các bỏ gánh nặng, dứt trừ hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát.
Chỉ trừ một Tỳ Kheo là Tôn Giả A Nan, được Thế Tôn ký thuyết, ngay trong đời hiện tại Tôn Giả sẽ đắc vô tri chứng.
Bấy giờ, ngày mười lăm, vào giờ thực thọ, Thế Tôn trải tòa ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ Kheo: Ta là Bà La Môn đắc Bát Niết Bàn, mang thân sau cùng, là Đại Y Sư, nhổ những gai nhọn.
Ta là Bà La Môn đắc Bát Niết Bàn, mang thân sau cùng, là Vô Thượng Y Sư, nhổ những gai nhọn. Các ông là con, từ miệng ta sanh ra, từ pháp hóa sanh, được gia tài pháp. Hãy để Ta Tự Tứ. Chớ để cho thân, khẩu, ý ta có điều đáng hiềm trách.
Lúc ấy Tôn Giả Xá Lợi Phất ở giữa đại chúng đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ chắp tay bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn vừa nói rằng: Ta là Bà La Môn đắc Bát Niết Bàn, mang thân cuối cùng, là Đại Y Sư, nhổ những mũi nhọn. Các ông là con, sanh ra từ miệng ta, được hóa sanh từ pháp, được gia tài pháp. Hãy để Ta Tự Tứ. Chớ để cho thân, khẩu, tâm ý Ta có điều đáng hiềm trách.
Bạch Thế Tôn, chúng con không thấy thân, khẩu và tâm ý của Thế Tôn có điều gì đáng hiềm trách.
Vì sao?
Vì Thế Tôn, với người không thể điều phục có thể khiến điều phục, người không tịch tĩnh có thể khiến tịch tĩnh, người không an nghỉ có thể khiến an nghỉ, người không Bát Niết Bàn có thể khiến Bát Niết Bàn. Như Lai biết đạo, Như Lai nói đạo, Như Lai hướng đạo.
Các đệ tử sau đó thành tựu, tùy thuận đạo tôn sùng đạo, vâng theo lời dạy của Đạo Sư sống đúng như những lời chỉ dạy, chánh hướng, hân lạc chân như thiện pháp. Đối với Thế Tôn con không thấy thân hành, khẩu hành, ý hành có điều gì đáng hiềm trách.
Nay đối trước Thế Tôn, xin chỉ cho con các tội được thấy, được nghe, được nghi, hoặc thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách?
Phật bảo Xá Lợi Phất: Ta không thấy ông có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách.
Vì sao?
Vì Xá Lợi Phất, ông trì giới, đa văn, thiểu dục, tri túc, tu hạnh viễn ly, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh thọ, trí tuệ nhanh nhạy, trí tuệ sáng suốt sắc bén, trí tuệ giải thoát, trí tuệ yểm ly, trí tuệ lớn, trí tuệ rộng, trí tuệ sâu, trí tuệ không ai bằng, thành tựu trí tuệ bảo.
Khai thị, chỉ giáo, soi sáng, hoan hỷ. Và thường cũng tán thán việc khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, mà vì chúng sanh thuyết pháp chưa từng mỏi mệt. Thí như Thái Tử thứ nhất của Chuyển Luân Thánh Vương đáng thọ lễ quán đảnh.
Nhưng chưa quán đảnh mà đang ở vào nghi pháp quán đảnh như pháp của Vua cha, những gì người đã chuyển cũng sẽ theo đó mà chuyển. Nay ông cũng như vậy, là trưởng tử của Ta, gần được thọ quán đảnh, nhưng chưa quán đảnh mà đang ở vào nghi pháp.
Những gì Ta đã chuyển, ông cũng theo đó chuyển và đạt được vô sở khởi. Hết các hữu lậu, tâm khéo giải thoát. Cũng vậy, đối với ông, Ta không thấy có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu con không có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách.
Vậy thì năm trăm Tỳ Kheo này có không các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách?
Phật đáp: Đối với năm trăm Tỳ Kheo này, Ta cũng không thấy các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách.
Vì sao?
Vì năm trăm Tỳ Kheo này đều là A La Hán, các lậu đã hết, những việc cần làm đã làm xong, đã bỏ gánh nặng, đoạn các kết sử, chánh trí, tâm khéo giải thoát. Trừ một Tỳ Kheo, đó là Tôn Giả A Nan, Ta ký thuyết cho A Nan đối trong hiện pháp sẽ đắc vô trí chứng.
Cho nên, năm trăm Tỳ Kheo, Ta không thấy họ có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, năm trăm Tỳ Kheo này đã không có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách hết.
Vậy trong đây có bao nhiêu Tỳ Kheo được tam minh?
Có bao nhiêu Tỳ Kheo được Câu giải thoát?
Có bao nhiêu Tỳ Kheo được Tuệ giải thoát?
Phật bảo Xá Lợi Phất: Trong năm trăm Tỳ Kheo này, chín mươi Tỳ Kheo được tam minh. Chín mươi Tỳ Kheo được Câu giải thoát. Những vị còn lại được Tuệ giải thoát.
Này Xá Lợi Phất, những Tỳ Kheo này đã lìa khỏi mọi dao động, không có ai là vỏ ngoài, mà đều là lõi thật cứng chắc.
Khi ấy Tôn Giả Bà Kỳ Xá ở giữa hội chúng tự nghĩ: Nay ta sẽ ở trước Thế Tôn và hội chúng nói kệ tán thán sự hoài thọ.
Nghĩ vậy xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, lễ Phật, gối phải quỳ sát đất chắp tay bạch: Bạch Thế Tôn, con có điều muốn nói! Bạch Thiện Thệ, con có điều muốn nói!
Phật bảo Bà Kỳ Xá: Cứ nói theo những gì muốn.
Lúc ấy, Bà Kỳ Xá liền nói kệ:
Ngày mười lăm thanh tịnh,
Chúng kia năm trăm người.
Đoạn trừ tất cả kết,
Đại Tiên diệt tận hữu.
Thanh tịnh tập thân cận,
Thanh tịnh rộng giải thoát.
Không còn thọ các hữu,
Sanh tử đã đoạn hẳn.
Việc cần làm đã làm,
Đã hết tất cả lậu.
Mây ngũ cái đã trừ,
Nhổ rễ gai ái dục.
Sư tử không sợ hãi,
Lìa tất cả hữu dư.
Giết kẻ thù là hữu,
Siêu việt cảnh hữu dư.
Các oán địch hữu lậu,
Thảy đều đã tiềm phục.
Giống như Chuyển Luân Vương,
Bao dung các quyến thuộc.
Tâm từ rộng tuyên hóa,
Mọi thần dân vâng theo.
Hay phục địch ma oán,
Là Đạo Sư Vô Thượng.
Tâm kính tín phụng thờ,
Ba minh, lão, tử diệt.
Là chân tử của pháp,
Không lo lắng dao động.
Nhổ sạch gai phiền não,
Kính lễ Đấng Nhật Thân.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Ba Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Phương Quảng - Phần Mười Hai - Tâm Giải Thoát
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai - Phát Tâm Bồ đề
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Lõa Hình Phạm Chí
Phật Thuyết Kinh Lâu Các Chánh Pháp Cam Lộ Cổ
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Ba - Phẩm Tương ưng - Phần Một