Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Tám - Phẩm Công đức Không Lỗi Lầm Của Như Lai - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM TÁM

PHẨM CÔNG ĐỨC

KHÔNG LỖI LẦM CỦA NHƯ LAI  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Vua Nghiêm Sí đã nghe Tát Già Ni Kiền Tử nói rồi, tâm rất vui mừng, liền hỏi điều nghi ngờ: Thưa Đại Sư! Nay những chúng sinh sống trong Thế Giới này, có người nào thông minh, đại trí, lợi căn, thông tuệ, biết pháp và phi pháp mà không có tội chăng?

Đáp: Đại Vương! Có những chúng sinh này và họ không có tội lỗi.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Nay ai là những người như thế?

Đáp: Đại Vương! Đó là Sa Môn Cù Đàm, con dòng họ Thích, sinh ra ở trong Vương gia họ Thích, vì đạo xuất gia.

Đại Vương nên biết! Ở trong Kinh từ vi đà có nói: Sa Môn Cù Đàm dòng họ Thích kia không có tội lỗi. Bởi vì sinh trong Vương gia, không có sự ganh tỵ.

Vì sao?

Vì sinh ở trong nhà Vua Chuyển Luân, thuộc dòng họ cao quý nên không thể ganh tỵ.

Vì sao?

Vì sinh ở trong nhà thuộc dòng họ Cam giá, phước đức trang nghiêm nên không thể có sự ganh tỵ.

Vì sao?

Vì thân có đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm, đầy đủ sự thật không thể ganh tỵ.

Vì sao?

Vì đầy đủ hoàn toàn thành tựu trì giới, mười lực, bốn vô sở úy và mười tám pháp bất cộng. Như thế, biết Sa Môn Cù Đàm kia không có tội.

Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm con của dòng họ Thích kia, nếu không vì đạo bỏ nhà xuất gia thì sẽ thành bậc Chuyển Luân Thánh Vương, làm Vua trong bốn châu thiên hạ, sẽ làm vị Pháp Vương thực hành pháp hạnh.

Ngài có đầy đủ bảy báu, như xe báu, voi báu, ngựa báu, phu nhân báu như ý, đại thần báu, chủ kho báu và có đầy đủ ngàn người con, dũng mãnh tuấn kiệt, lại có tướng trượng phu. Thân của Ngài có đầy đủ uy đức, không thể chê bai được. Có năng lực hàng phục các quân đội khác.

Thành tựu đầy đủ tướng Chuyển luân vương ở trong bốn thiên hạ, đều được tự tại, không có ai hơn Ngài. Ở trong đại địa này không có oán thù, không có não hại, không có vũ khí mà chỉ dựa theo pháp cai trị, sống trong sạch, bình đẳng tự tại.

Hơn thế nữa, Vương Tử Sa Môn Cù Đàm kia cũng không thích thú vui ở thế gian, lại bỏ nhà xuất gia, dũng mãnh tinh tấn, thực hành đại khổ hạnh, ngày ăn một hạt vừng hay một hạt gạo, tâm không lười biếng.

Trải qua sáu năm tu khổ hạnh, thành Đẳng Chánh Giác, ngồi nơi Đạo Tràng tu khổ hạnh, thu phục ma lực, nhất tâm nghĩ về điều mình đã biết, điều mình đã đắc, đã thấy và điều đã chứng ngộ tương ứng với trí tuệ.

Tất cả pháp đã chứng ngộ kia không bởi học từ thầy mà chính tự trí của mình thể chứng được giác trí như thật ấy. Cho nên biết rằng, tất cả thế gian Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn không ai có thể bằng Sa Môn Cù Đàm, huống gì có người hơn Sa Môn Cù Đàm là Bậc Vô Đẳng Đẳng, Vô Thắng Đẳng! Bởi thế, Ngài không có lỗi lầm.

Vì sao?

Vì dòng họ của Sa Môn Cù Đàm kia không ai bằng, thân tướng không ai bằng, trí tuệ không ai bằng, nên không có lỗi lầm.

Rồi nói kệ rằng:

Thân sinh dòng họ quý

Các tướng trăm phước quý

Tám mươi vẻ đẹp diệu

Trang nghiêm tự thân Phật

Sáu năm tu khổ hạnh

Ngồi dưới cây Bồ Đề

Thu phục các chúng ma

Đạt đến nhất thiết trí

Là Thầy các Trời người

Thường nghĩ lợi thế gian

Từ bi tâm bình đẳng

Cứu khổ không oán thân

Thành Ba La Nại nói

Pháp tương ứng Tứ Đế

Vô ngã, mạng, chúng sinh

Cho nên không lỗi lầm.

Bấy giờ, Vua Nghiêm Sí thưa Tát Già Ni Kiền Tử: Thưa Đại Sư! Nên nói cho chúng tôi biết thế nào là ba mươi hai tướng Đại Trượng Phu của Như Lai, và cách dùng ba mươi tướng này trang nghiêm thân và được tên Đại Trượng Phu Sư Tử chúa.

Khi ấy, Đại Tát Già Ni Kiền Tử bảo Vua Nghiêm Sí: Đại Vương! Xin chí thành lắng nghe, tôi sẽ nói.

Nhà Vua trả lời: Thưa Đại Sư! Tôi xin được nghe.

Tát Già Ni Kiền Tử nói: Đại Vương!

Ba mươi hai tướng tốt của Sa Môn Cù Đàm, đó là:

1. Dưới bàn chân của Sa Môn Cù Đàm rất bằng phẳng, đứng vững vàng trên đất.

2. Dưới bàn chân của Sa Môn Cù Đàm có đầy đủ tướng Thiên bức luân bánh xe ngàn căm.

3. Sa Môn Cù Đàm tay, chân mềm mại giống như vải hoa Trời.

4. Các ngón tay của Sa Môn Cù Đàm dài và rất thon thả.

5. Giữa các ngón tay của Sa Môn Cù Đàm có màng lưới.

6. Gót chân của Sa Môn Cù Đàm rất tròn trịa.

7. Mu bàn chân của Sa Môn Cù Đàm đầy đặn.

8. Sa Môn Cù Đàm có đùi nai chúa.

9. Sa Môn Cù Đàm thân tướng đoan nghiêm.

10. Âm tàng của Sa Môn Cù Đàm như ngựa chúa.

11. Sa Môn Cù Đàm mỗi một lỗ chân lông trên người, chỉ mọc một sợi lông không lẫn lộn nhau.

12. Tóc của Sa Môn Cù Đàm có màu sắc như lưu ly tinh diệu.

13. Lông trên thân Sa Môn Cù Đàm mọc hướng lên trên rất mềm mại.

14. Da của Sa Môn Cù Đàm có màu sắc như vàng.

15. Da của Sa Môn Cù Đàm mịn màng và mềm mại.

16. Bảy chỗ của Sa Môn Cù Đàm bằng phẳng.

17. Hai vai của Sa Môn Cù Đàm tròn dầy.

18. Hai vai của Sa Môn Cù Đàm cao và ngang bằng như núi vàng.

19. Thân thể của Sa Môn Cù Đàm rất cao lớn.

20. Thân thể của Sa Môn Cù Đàm thon thả, ngay thẳng như chúa Ni câu.

21. Má của Sa Môn Cù Đàm như má của Sư Tử.

22. Sa Môn Cù Đàm có đủ bốn mươi chiếc răng.

23. Răng của Sa Môn Cù Đàm khít và sát.

24. Răng của Sa Môn Cù Đàm đều và bằng phẳng.

25. Răng của Sa Môn Cù Đàm trắng như tuyết.

26. Lưỡi của Sa Môn Cù Đàm thưởng thức được vị tối thặng.

27. Lưỡi của Sa Môn Cù Đàm che hết cả mặt.

28. Tiếng nói của Sa Môn Cù Đàm như tiếng Phạm.

29. Mắt của Sa Môn Cù Đàm như mắt trâu chúa, trên dưới đều có thể nhìn lên xuống được.

30. Con mắt của Sa Môn Cù Đàm tươi sáng như cánh hoa sen xanh.

31. Trên trán của Sa Môn Cù Đàm co sợi lông dài thể hiện tướng công đức đầy đủ.

32. Đầu của Sa Môn Cù Đàm rất cao, không thấy đảnh.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm dùng ba mươi hai tướng tốt này trang nghiêm thân, nên gọi là Đại Trượng Phu Sư Tử chúa.

Rồi nói kệ rằng:

Đảnh cao tướng vi diệu

Thân trang nghiêm tối thắng

Tóc như lưu ly xanh

Màu đẹp xoáy bên phải.

Mắt đẹp giống trâu chúa

Như cánh hoa sen xanh

Cho nên, thân Cù Đàm

Chỉ khen không ganh tỵ.

Giọng Cù Đàm vi diệu

Vượt các tiếng Phạm thế

Như chim Ca Lăng Già

Các chim đều không bằng.

Lưỡi che khắp cả mặt

Sạch như cánh hoa sen

Diệu tướng vượt quần sinh

Cho nên, đời không bằng.

Lưỡi nếm đến thượng vị

Các vị không sai khác

Mau thành thân tướng đẹp

Nên Phật không lỗi lầm.

Răng công đức Cù Đàm

Tất cả không ai bằng

Trong sáng như ngọc tuyết

Ngang bằng không lồi lõm.

Gò má cao và rộng

Vuông như Sư Tử chúa

Môi hồng ai cũng khen

Giống như trái Tần Bà.

Hai vai cao và bằng

Trước sau đều tròn trịa

Thần quang chiếu các mắt

Cao đẹp như núi vàng.

Các tướng thân Cù Đàm

Trang nghiêm ba mươi hai

Trên dưới thân tròn đầy

Như cây chúa Ni Câu.

Thân Cù Đàm cao lớn

Đứng vững không chê được

Trí giả thường mong đợi

Ưa nhìn không biết chán.

Cù Đàm thân công đức

Bảy chỗ đều đầy đủ

Màu da luôn tươi sáng

Như vàng Diêm Phù Đàn.

Lông thân nhỏ mềm mại

Bụi trần không làm nhơ

Mọc xoáy về bên phải

Dựa nhau hướng lên trên.

Tóc sạch màu xanh đẹp

Dày rậm không thưa thớt

Cho nên tướng Cù Đàm

Hơn các tướng thế gian.

Thân Cù Đàm ngay thẳng

Ngồi đứng không cong quẹo

Âm tàng tướng ngựa chúa

Cũng như Đại Long Vương.

Đùi như chân nai chúa

Lớn nhỏ trên dưới đều

Cho nên người trí nhìn

Không có tâm nhàm chán.

Ngón tay, chân có màng

Trong ngoài thường tươi sáng

Móng như lá đồng đỏ

Ngón như hình đốt đồng.

Thân mu chân đầy cao

Dáng tròn như viên ngọc

Gót bàn chân rất đẹp

Ngang bằng không cao thấp.

Các ngón nhỏ và dài

Co duỗi rất mềm mại

Dưới chân phẳng đứng vững

Dẫm đất thường an ổn.

Đây là phước Cù Đàm

Công đức như các núi

Theo nhóm công đức đây

Hiện thành thân Cù Đàm.

Thân công đức như vậy

Hơn thế gian Trời người

Như trăng tròn sáng kia

Xuất hiện giữa các sao.

Cù Đàm tướng Trượng phu

Công đức trang nghiêm thân

Đại bi tự tại hiện

Lợi ích các thế gian.

Pháp thanh tịnh không dơ

Vô lượng các công đức

Các diệu tướng như thế

Chỉ cảnh giới Cù Đàm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Tám mươi vẻ đẹp của Như Lai là những nghiêm thân, nên nói Như Lai có trăm phước tướng trang nghiêm thân công đức?

Đáp: Đại Vương! Nay tôi nói ví dụ về sự thành tựu của việc này. Nếu gom hết chúng sinh thuộc bốn loại sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới. Nghĩa là những loài sinh bằng trứng, sinh bằng thai, sinh bằng ẩm ướt, sinh bằng biến hóa. Tất cả những chúng sinh này, giả sử cùng một lúc được làm thân người. Khi đã được làm thân người rồi, mỗi mỗi chúng sinh ấy đều tu mười thiện nghiệp, thành tựu phước đức của Vua Chuyển Luân Thánh.

Những chúng sinh ấy đã tu thành tựu phước đức hội tụ của Vua Chuyển Luân Thánh rồi, mỗi mỗi phước đức ấy lại tăng lên gấp trăm lần thì chỉ mới thành tựu tướng công đức của một lỗ chân lông Cù Đàm. Đó là công đức trong một lỗ chân lông, còn công đức trong mỗi mỗi lỗ chân lông khác cũng như thế.

Đại Vương nên biết! Công đức trong tất cả lỗ chân lông lại tăng lên trăm lần thì chỉ mới thành tựu một công đức tốt ở thân Sa Môn Cù Đàm. Đó là một công đức tốt, còn mỗi công đức khác cũng lại như thế.

Như vậy, tất cả các công đức tốt lại tăng lên trăm lần thì chỉ mới thành tựu một tướng công đức Đại Trượng Phu trong thân Sa Môn Cù Đàm. Đó là một tướng cong đức, còn các tướng công đức khác cũng lại như thế.

Như vậy, ba mươi hai tướng công đức lại tăng lên trăm lần thì chỉ mới thành tựu một tướng công đức giữa lông trắng chân mày của Sa Môn Cù Đàm. Như vậy, tướng công đức lông trắng giữa chân mày lại tăng lên trăm lần mới được thành tựu một tướng đỉnh đầu công đức trong tướng Đại Trượng Phu của Sa Môn Cù Đàm.

Như vậy, công đức tướng đảnh đầu lại tăng thêm trăm, ngàn, vạn, ức lần mới được thành tựu một âm thanh như tiếng ốc công đức trong tướng Đại Trượng Phu của Sa Môn Cù Đàm.

Sa Môn Cù Đàm với công đức tiếng ốc này, tất cả những âm thanh của tất cả chúng sinh trong cảnh giới chúng sinh, với ngôn ngữ không đồng nhau, cùng một lúc đưa ra trăm ngàn câu hỏi khác nhau. Có những sự việc mà chúng sinh này hỏi rồi, chúng sinh khác không hỏi nữa. Nhưng có thể bằng trí tuệ, chỉ trong một niệm dùng một âm thanh trả lời tất cả các câu hỏi của chúng sinh ấy và có thể khiến cho họ cùng một lúc hiểu rõ vấn đề mình hỏi.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm dùng công đức này trang nghiêm thân, nên gọi là thành tựu tướng Đại trượng phu. Bởi thế, Sa Môn Cù Đàm đã thành tựu thân tướng trăm phước công đức, nên Sa Môn Cù Đàm thành tựu âm thanh vi diệu của Phạm Vương.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần