Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Mười Tám Phép Quyền Biến
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH PHỔ DIỆU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI MƯƠI NĂM
PHẨM MƯỜI TÁM PHÉP QUYỀN BIẾN
Phật bảo các Tỳ Kheo: Như Lai khi ấy chuyển pháp luân giáo hóa nhóm năm người.
Câu lân kia xong, lại nghĩ: Gần đây còn có nhóm ông Ưu Vi Ca Diếp rất có tiếng tăm, nhà vua, dân chúng rất tôn sùng, ông có năm trăm đệ tử. Ta nay trước hết muốn đến đó giáo hóa khiến cho thầy trò ông hiểu được đạo pháp, rồi sau đó lần lượt nhiếp phục. Nghĩ như vậy xong, Đức Thế Tôn liền đi đến chỗ của thầy trò Ca Diếp.
Ca Diếp thấy Đức Phật đi đến, đứng dậy đón rước và chào hỏi: Thật quý hóa thay được Đại Đạo Nhân đến thăm, Ngài có được khỏe không?
Đức Phật trả lời:
Không bệnh rất lợi
Biết đủ rất giàu
Có lòng rất thân
Vô vi rất an.
Ca Diếp thưa: Chẳng hay Đại Đạo Nhân có gì dạy bảo?
Phật đáp: Tôi muốn thưa một điều, xin Ngài đừng giận, cảm phiền cho tôi được nghỉ tạm qua đêm nơi đền thờ lửa của Ngài.
Ca Diếp thưa: Thưa Ngài, không thể được, vì đền thờ lửa hiện đang có một con Độc Long ở trong đó, sợ nó sẽ làm hại Ngài.
Phật bảo: Không lo. Độc Long không hại ta. Và Phật lại hỏi mượn đến lần thứ ba, Ca Diếp mới bằng lòng. Phật liền tắm rửa rồi đi vào đền thờ lửa. Ngài lấy nệm trải trên đất, vừa ngồi được giây lát, rồng liền nổi giận, từ trong thân tuôn ra khói, Phật cũng tuôn ra khói.
Rồng càng giận dữ, toàn thân tuôn ra lửa. Phật cũng hiện thần thông, toàn thân tuôn ra lửa sáng rực. Lửa của rồng và lửa của Phật khi ấy đều rất mạnh nên thạch thất bị cháy rụi. Khói lửa tuôn ra như hiện tượng hỏa hoạn.
Ca Diếp ban đêm dậy xem các tinh tú, thấy đền thờ lửa bị cháy rụi, than: Đáng tiếc thay! Vị đại Sa Môn này đoan chánh, bởi không tin lời ta nên bị lửa làm hại. Phật biết tâm ý Ca Diếp nhưng khi đó Ngài đang dùng đạo lực hàng phục rồng.
Rồng hết khí lực, liền tự quy phục: Phật bảo rồng: Ý ngươi muốn quy phục thì phải tự chui vào trong bình bát của ta. Rồng liền chui vào trong bình bát của Phật, Phật để nguyên trong bát. Ca Diếp thấy lửa cháy rất sợ hãi, bảo năm trăm đệ tử mỗi người đem một bình nước đến để diệt lửa nhưng mỗi người đem đến một bình đầy nước lại trở thành một bình đầy lửa.
Thầy trò càng sợ hãi, đồng nói: Than ôi! Độc Long đã giết hại vị Sa Môn này mất rồi. Sáng hôm sau, Đức Phật đem bình bát có đựng con Độc Long từ đền thờ lửa đi ra.
Ca Diếp thấy Phật rất vui mừng thưa: Đại Đạo Nhân còn sống đó ư?
Vật gì ở trong bình bát của Ngài vậy?
Phật đáp: Thạch thất bị đốt cháy, nhưng ta được an ổn. Độc Long ở trong bình bát này, có thể chứng minh Độc Long bị hại. Nay ta đã hàng phục Độc Long và Độc Long đã thọ giới.
Ca Diếp cho mình đã đắc đạo, còn Phật chưa đắc đạo nên quay lại nói với các đệ tử: Vị Đại Sa Môn này tuy có thần thông nhưng không bằng ta. ta đã đắc đạo quả A La Hán. Phật lại dời đến gần chỗ của Ca Diếp và ngồi dưới một gốc cây. Ban đêm, Tứ Thiên Vương đến dưới gốc cây nghe Kinh, ánh sáng của Tứ Thiên Vương sáng như lửa lớn.
Ca Diếp ban đêm dậy xem khí hậu, thấy lửa, sáng ngày đi đến chỗ Phật, hỏi: Ngài cũng thờ lửa ư?
Phật đáp: Không, đêm qua Tứ Thiên Vương tự xuống nghe Kinh, ánh sáng đó là của họ đấy. Đức Phật ngồi dưới gốc cây. Khi ấy Thiên Đế Thích lại đến nghe Kinh, ánh sáng cửa Thiên Đế Thích rực rỡ hơn ánh sáng trước.
Ca Diếp xem khí hậu thấy ánh sáng rất lớn đó trong lòng nghĩ: Sa Môn tiếp tục công việc thờ lửa.
Sáng ngày hỏi Phật: Ngài có thể bảo là Ngài không thờ lửa được ư?
Đức Phật đáp: Không! Đêm qua Thiên Đế Thích xuống nghe Kinh, ánh sáng đó là của họ đấy. Qua đêm sau, Phạm Thiên lại xuống nghe Kinh. Ánh sáng của Phạm Thiên lại sáng gấp bội ánh sáng của Đế Thích. Ca Diếp ban đêm dậy xem khí hậu, thấy ánh sáng rực rỡ, sáng ngày đến hỏi Phật. Theo tôi nghĩ, Ngài cũng thờ lửa vậy.
Đức Phật đáp: Không. Đêm qua Phạm Thiên xuống nghe Kinh. Đó là ánh sáng của ông ta. Năm trăm người đệ tử của Ca Diếp thờ ba thứ lửa, nhân lên thành một ngàn năm trăm ngọn lửa. Sáng ngày họ nhen lửa, lửa tuyệt nhiên không cháy, rất lấy làm lạ, đi đến hỏi thầy.
Thầy nói: Đây là do vị Sa Môn làm ra như vậy.
Họ liền cùng nhau đi đến hỏi Phật: Chúng tôi thờ lửa, nay đốt lửa sao không cháy?
Đức Phật dạy: Muốn cho lửa cháy ư?
Thưa: Xin cho lửa cháy.
Đức Phật dạy: Hãy đốt lên, lửa sẽ cháy ngay. Sau khi đốt lửa cháy rồi, Ca Diếp muốn tắt lại, không thể tắt được. Năm trăm người đệ tử cùng giúp thầy để tắt, nhưng lửa cũng không tắt.
Họ nghĩ: Đây lại là do vị Sa Môn, liền cùng nhau đi đến hỏi Phật: Chúng tôi đốt lửa đã cháy rồi, nay muốn tắt lại không tắt được.
Đức Phật dạy: Muốn khiến cho tắt không?
Đồng thưa: Muốn tắt.
Đức Phật dạy: Hãy tắt đi! Lửa sẽ tắt ngay.
Ca Diếp bạch Phật: Xin thỉnh Ngài ở lại nơi đây, đừng đi xa. Chúng tôi sẽ dâng cúng thức ăn cho Ngài. Thưa xong, Ca Diếp liền trở về bảo với người nhà sắm sửa một bữa cơm thịnh soạn và khi đến giờ, ông đến thỉnh Phật.
Phật dạy: Hãy về trước. Ta sẽ đến sau. Ca Diếp vừa đi, Phật liền dùng thần túc thông bay lên Trời Đao Lợi lấy quả Trú Độ. Dùng thần túc bay đến phương Đông tới Thế Giới Phất vu đãi cách xa vài ngàn vạn dặm lấy quả Diêm Bức.
Bay đến phương Nam tới Cõi Diêm phù đề lấy quả Ha Lê Lặc. Bay đến phương Tây tới Cõi Câu da ni lấy quả A Ma Lặc. Bay đến phương Bắc đến Cõi Uất Đơn Việt lấy gạo thơm tự nhiên, mỗi thứ đựng đầy bình bát rồi trở về ngồi nơi chỗ của mình trước khi các Ca Diếp về đến.
Ca Diếp hỏi: Ngài từ con đường nào để đi đến đây?
Phật đáp: Sau khi ông trở về, ta đến bốn cõi và lên Trời Đao Lợi lấy trái cây và gạo thơm ngon này. Ông có thể dùng những thứ ấy. Sáng ngày hôm sau Phật đến nhà Ca Diếp nhận thức ăn trở về, ở chỗ thanh vắng thọ trai xong, Ngài nghĩ muốn tắm giặt. Đế Thích biết được ý Phật, liền đi xuống chỉ tay xuống đất, nước liền tuôn ra thành ao để cho Phật dùng tắm giặt.
Ca Diếp chiều tối đi dạo quanh trong thôn thấy ao nước rất lấy làm lạ, không hiểu do duyên cớ gì có việc này, hỏi Phật.
Phật dạy: Sáng nay sau khi ta thọ trai xong, ta muốn tắm giặt, Đế Thích biết ý đưa tay chỉ đất, khiến tuôn ra nước này. Ông nên gọi đây là Ao Chỉ địa.
Phật trở lại dưới gốc cây, trên đường đi, thấy có một chiếc áo rách vứt bỏ, Ngài muốn lượm đem đi giặt, Đế Thích biết ý bèn lên trên núi Phả na lấy đá đẹp vuông vức bằng phẳng, dâng lên để Phật giặt y, Phật muốn phơi y, Đế Thích lại đi lấy đá sáu cạnh đến dâng cho Phật dùng để phơi y.
Ca Diếp thấy bên bờ ao có hai loại đá đẹp, hỏi Phật: Do đâu Ngài có được đá này?
Phật dạy: Ta muốn giặt y, và phơi y, Đế Thích biết ý nên đem dâng lên cho ta dùng. Nguyên do là như vậy. Sau khi Phật vào ao Chỉ Địa tắm giặt xong, muốn lên, nhưng không có chỗ để vịn, cây Ca Hòa trên bờ ao tự nhiên sà nhánh xuống đến chỗ Phật, Phật vịn cây bước lên. Ca Diếp thấy cây sà nhánh xuống rất lấy làm lạ hỏi Phật.
Phật dạy: Ta vào trong ao tắm giặt, khi lên không có chỗ để vịn lên, do đó Thần Cây vì ta Sà nhánh xuống. Bấy giờ vua nước Ma Kiệt Đà cùng với quần thần và dân chúng nhân mùa tiết hội, đem lễ vật đến, ban tặng cho Ca Diếp và cùng nhau vui chơi bảy ngày.
Ca Diếp nghĩ: Phật là Bậc Thánh siêu việt hơn ta, mọi người gặp Ngài ắt sẽ bỏ ta, cùng nhau theo phụng thờ Ngài hết. Giá như hôm nay không có sự hiện diện của Ngài thì sung sướng biết bao. Phật biết tâm niệm của Ca Diếp nên liền ẩn mất. Khi mọi người đã trở về hết.
Ca Diếp lại nghĩ: Ta gặp tiết hội, thức ăn dẫy đầy, giá có Đại Sa Môn cùng thọ hưởng thì vui biết bao. Phật biết, liền hiện ngay trước mặt Ca Diếp.
Ca Diếp vừa Kinh sợ vừa vui mừng, thưa: Ngài đến sao đúng lúc, thật sung sướng.
Vừa rồi Ngài đi đâu vắng mặt?
Đức Phật đáp: Do ý nghĩ của ông.
Sao lại bảo là do ý nghĩ của tôi?
Ca Diếp hỏi.
Đức Phật dạy: Trước đó ông nghĩ là vị Đại Sa Môn này đạo đức cao vời, thân tướng tốt đẹp như sắc vàng ròng, vạn dân nếu thấy Ngài ắt sẽ bỏ ta mà cùng theo thờ phụng Ngài hết. Do đó nên ta ẩn đi. Nay ông lại nghĩ đến ta, cho nên ta lại đến.
Khi ấy năm trăm người đệ tử của Ca Diếp cùng nhau bửa củi, mỗi người đều cầm búa đưa lên và không hạ xuống được, đi đến bạch với thầy, thầy dạy: Lại do vị Đại Sa Môn này làm ra như vậy.
Liền cùng nhau đi đến hỏi Phật: Các đệ tử của tôi đang cùng bửa củi, cùng đưa búa lên nhưng không hạ xuống được.
Đức Phật dạy: Hãy hạ xuống. Ứng theo tiếng, búa liền hạ.
Sau khi hạ xuống, búa lại dính vào củi không thể đưa lên được, lại đến hỏi Phật, Phật dạy: Có thể đi, tự nó sẽ đưa lên. Liền đưa lên được. Bấy giờ nước sông Ni Liên Thiền dâng tràn đầy và chảy cuồn cuộn. Phật dùng thần thông cắt dứt dòng nước khiến cho không chảy, làm cho nước dâng tràn lên cao khỏi đầu người và khiến cho đất dưới đáy sông bày ra và Phật đi Kinh hành trong đó.
Ca Diếp thấy vậy, sợ Phật bị nước cuốn trôi liền cùng với các đệ tử chèo thuyền tìm kiếm Phật.
Thấy nước cắt ngăn đôi, ở giữa bày đất và Phật đi kinh hành trong đó Ca Diếp kêu lớn: Đại Đạo Nhân còn sống đó ư?
Đức Phật đáp: Còn sống.
Ca Diếp lại hỏi: Phật có muốn lên thuyền không?
Đức Phật dạy: Rất tốt!
Phật nghĩ: Hôm nay ta phải hiển bày đạo lực, khiến cho tâm của ông này phải phục. Ngài liền từ trong nước xuyên qua đáy thuyền, vào trong thuyền mà không làm cho thuyền có dấu vết lủng lỗ. Như vậy, Ngài biến hóa tất cả mười tám cách.
Ca Diếp lại nghĩ: Vị Sa Môn này có thần túc thông, nhưng không bằng ta, ta đã đắc A La Hán.
Phật bảo Ca Diếp: Ông không phải A La Hán, không biết chứng đạo, mặt mày gượng gạo không biết xấu hổ. Tự cho mình có đạo đức một cách luống dối.
Khi ấy Ca Diếp trong lòng sợ hãi, sởn tóc gáy, xấu hổ mặt biến sắc, tự biết mình không chứng đạo, liền cúi đầu lạy thưa: Nay Đại Đạo Nhân quả thật là Bậc Thánh nhiệm mầu mới biết được tâm ý của con. Con nguyện được xin theo Đại Đạo Nhân lãnh thọ giới Kinh làm vị Sa Môn.
Phật dạy: Ông hãy trở về bảo với các đệ tử để cùng đồng được lợi ích. Ông là bậc kỳ cựu trong nước, mọi người đều tôn kính.
Nay muốn học đạo, há lại chỉ riêng một mình mình biết thôi ư?
Ca Diếp vâng lời Phật dạy, báo với tất cả các đệ tử: Các con biết không, thầy được tận mắt thấy, lòng mới tin hiểu.
Thầy sẽ cạo bỏ râu tóc, khoác pháp y, nhận lãnh giới cấm của Phật để làm Sa Môn, ý của các con muốn thế nào?
Các đệ tử đồng bạch: Sự hiểu biết của chúng con phần lớn là nhờ ân thầy. Nay thầy có chỗ kính tin thì chắc chắn là không hư dối. Chúng con xin cùng đi theo thầy để làm Sa Môn.
Khi ấy thầy trò đều cởi áo lông cừu, bình đựng nước cúng, giày da cùng với các dụng cụ thờ lửa đem vứt hết xuống dòng sông, rồi tất cả cùng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, thưa: Kính bạch Đức Thế Tôn, nay con cùng năm trăm đệ tử của con đều có lòng tin, nguyện lìa bỏ gia đình, cạo râu tóc làm Sa Môn.
Phật dạy: Lành thay, các Sa Môn hãy đến đây! Ca Diếp cùng năm trăm người đệ tử râu tóc liền tự rụng và đều trở thành Sa Môn.
Ưu vi Ca Diếp có hai người em: Người em kế tên là Na Đề, người em út tên là Kiệt Di. Hai người này mỗi người đều có hai trăm năm mươi người đệ tử. Thảo Am của họ được dựng ở bên bờ sông.
Khi trông thấy y phục cùng hằng trăm dụng cụ thờ lửa của các Phạm Chí trôi trên dòng sông, hai người em vô cùng kinh hãi, sợ anh mình cùng năm trăm đệ tử bị kẻ ác làm hại thả trôi sông nên liền cùng với năm trăm đệ tử đi ngược theo dòng sông.
Đến nơi thấy thầy trò anh mình đều thành Sa Môn, họ rất lấy làm lạ, hỏi đại huynh: Đại huynh năm nay đã một trăm hai chục tuổi, trí tuệ cao xa, Quốc Vương Quần Thần dân chúng đều tôn kính thờ phụng, ý của chúng em nghĩ rằng đại huynh đã là bậc A La Hán, nay đại huynh lại bỏ sự nghiệp Phạm Chí theo học pháp Sa Môn.
Phật đạo đâu phải lớn hơn đạo của đại huynh?
Ca Diếp bảo: Phật đạo tối tôn, pháp đó vô lượng. Anh tuy được người đời tôn kính nhưng thực sự chưa đắc đạo và chưa được thần thông trí tuệ như Phật. Pháp của Ngài rất thanh tịnh.
Anh thấy Ngài có từ tâm, cứu độ người nhiều vô cùng Ngài đem ba việc này để dạy bảo:
1. Đạo định thần túc biến hóa tự nhiên.
2. Trí tuệ hiểu biết bổn ý của người.
3. Đúng theo bệnh cho thuốc.
Hai người em nghe xong, quay lui nói với các đệ tử: Các con muốn thế nào?
Năm trăm người cùng đồng thanh thưa: Chúng con nguyện được như Đại Sư. Liền cùng cúi đầu đảnh lễ Phật, cầu xin được làm Sa Môn.
Phật dạy: Đến đây Tỳ Kheo! Hai anh em và năm trăm người đệ tử râu tóc tự rụng, thân khoác Ca Sa, liền thành Sa Môn đi theo sau Phật. Khi ấy Phật có một ngàn Sa Môn cùng đi đến nước Ba La Nại, ngồi dưới rừng cây Di Huyền. Các đệ tử của Phật đều vốn là Phạm Chí, Phật vì các đệ tử hiển bày thần thông biến hóa.
1. Bay đi.
2. Giảng Kinh.
3. Giáo giới.
Các đệ tử thấy oai thần biến hóa của Phật, không ai là không hoan hỷ, đều chứng quả A La Hán.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba