Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Tám - Phẩm Công đức Không Lỗi Lầm Của Như Lai - Tập Mười Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI
KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM TÁM
PHẨM CÔNG ĐỨC
KHÔNG LỖI LẦM CỦA NHƯ LAI
TẬP MƯỜI MỘT
Rồi nói bài kệ rằng:
Cù Đàm không lỗi lầm
Cũng không có tập khí
Các niệm đều thanh tịnh
Bậc trí ấy không lỗi.
Tất cả tướng không khác
Nhưng tâm không quên mất
Xả bỏ tâm tạo tác
Các dục đều không giảm.
Tinh tấn không lười biếng
Có niệm chưa từng quên
Không thoái tuệ giải thoát
Chánh kiến không mất giảm.
Trí tuệ không dao động
Nghiệp thân khẩu cũng vậy
Lấy trí làm căn bản
Thường triển chuyển như thế.
Trí thường không lỗi lầm
Đời quá khứ cũng vậy
Vị lai và hiện tại
Các nơi không chướng ngại.
Cù Đàm là người trí
Các công đức như thế
Lại có pháp thắng khác
Làm chủ rất nhiều nơi.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Như Lai thành tựu thân trang nghiem bằng công đức như thế là thường hay là vô thường?
Công đức như thế là có giới hạn hay không có giới hạn?
Đáp: Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm trụ ở công đức ấy, chấm dứt ngọn nguồn sinh tử. Thân sau cùng là thân thường trụ, chẳng phải vô thường.
Đại Vương! Ngài chớ quán sát thân Cù Đàm đồng với vô thường.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thân thường trụ như vậy, nên quán như thế nào?
Đáp: Đại Vương! Như tự quán chiếu thân pháp tánh của mình, quán thân Cù Đàm cũng như thế. Thân ấy là sắc, vì không giống như sắc thấy được. Thân ấy là tâm, vì không giống như tâm biết được. Thân ấy là cây đuốc, vì tánh không tối tăm. Thân ấy cường tráng, vì thu phục các điều ác.
Thân ấy có sức mạnh, vì không thể bị hàng phục. Thân ấy không trái ngược, vì tánh bình đẳng. Thân ấy là không, vì lìa thấy nghe. Thân ấy là vô tướng, vì lìa giác quán. Thân ấy là vô nguyện, vì ra khỏi ba cõi. Thân ấy là một tướng, vì không có tướng khác.
Thân ấy như hư không, vì không giống nhau. Thân ấy chẳng phải sinh, bởi vì từ duyên sinh. Thân ấy chẳng diệt, vì nó vốn không sinh. Thân ấy chẳng trụ, vì không có ba đời. Thân ấy chẳng có phương hướng, nên không lìa phương hướng. Thân ấy chẳng phải chúng sinh nên không lìa tất cả chúng sinh.
Đại Vương nên biết! Người nào quán như thế gọi là quán thân thường trụ, gọi là thấy pháp thân. Người nào quán như thế gọi là chánh quán. Người nào quán khác gọi là quán tà.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là chẳng phải sinh mà từ duyên sinh?
Đáp: Đại Vương! Pháp Thân chẳng phải sinh mà từ duyên sinh.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là từ duyên sinh?
Đáp: Đại Vương nên biết! Nói từ duyên sinh tức là sinh từ công đức trí tuệ ở vô số kiếp. Sinh từ giới, sinh từ định, sinh từ tuệ, sinh từ giải thoát, sinh từ giải thoát trí kiến.
Sinh từ từ, bi, hỷ, xả. Sinh từ bố thí, sinh từ trì giới, sinh từ nhẫn nhục, sinh từ tinh tấn, sinh từ thiền định, sinh từ trí tuệ, sinh từ giải thoát tam muội, sinh từ các phương tiện Ba La Mật, sinh từ sáu phep thần thông, sinh từ ba minh, sinh từ bốn vô ngại.
Sinh từ mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng. Sinh từ đoạn dứt các pháp bất thiện, tích tập các pháp thiện, sinh từ trí tuệ chân thật, sinh từ không phóng dật.
Đại Vương nên biết! Sinh pháp vô lượng công đức thanh tịnh như thế, nên thân của Cù Đàm có công đức vô tận, Pháp Thân vô tận.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Pháp sinh có cùng tận.
Như vậy, thế nào là có sinh mà không tận?
Đáp: Đại Vương! Vì vốn không sinh nên không có tận.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là vốn không sinh?
Đáp: Pháp Thân chẳng sinh, vì bản thân nó có, vì duyên sinh nên gọi là sinh.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Pháp Thân sinh từ duyên vô lượng, vô biên như thế.
Nếu muốn thực hành nó thì lấy gì làm gốc và bắt đầu làm từ đâu?
Đáp: Đại Vương! Tất cả những công đức là hạnh trợ giúp đạo. Nói tóm lại là lấy giới làm căn bản và bắt đầu bằng trì giới. Nếu không trì giới, thậm chí đến thân dã can cũng không được, huống gì được thân công đức.
Đại Vương! Vì giới thanh tịnh nên không đoạn giống Phật, thành Đẳng Chánh Giác không đoạn giống Pháp, phân biệt pháp tánh không đoạn giống Tăng, tu đạo vô biên. Vì trì giới thanh tịnh liên tục không gián đoạn nên công đức vô tận.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Tất cả giới thiện đều không cùng tận và cũng có cùng tận chăng?
Đáp: Đại Vương! Tất cả không có cùng tận mà cũng có cùng tận.
Vì sao?
Vì sự liên tục gián đoạn nên có cùng tận, vì không gián đoạn nên vô tận.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là liên tục gián đoạn?
Thế nào là liên tục không gián đoạn?
Đáp: Đại Vương! Giới thanh tịnh liên tục không gián đoạn nên công đức không cùng tận.
Vì sao?
Giới của người phạm ở chỗ thọ sinh gián đoạn nên có chấm dứt. Người ở trong giới thập thiện đạt được quả báo gián đoạn nên có chấm dứt. Công đức phước báo của các Trời ở Cõi Dục gián đoạn nên có sự chấm dứt.
Chư Thiên Cõi Sắc đi vào các định mà tâm còn gián đoạn nên có chấm dứt. Chư Thiên Cõi Vô Sắc đi vào các thiền định có gián đoạn nên có chấm dứt. Tất cả các Thanh Văn giới học, vô học đi vào cõi Niết Bàn có gián đoạn nên có chấm dứt. Giới Bích Chi Phật không có tâm đại bi có gián đoạn nên có chấm dứt. Các giới Bồ Tát đạt đến bồ đề, thành tựu tâm đại bi nên công đức không cùng tận.
Vì sao?
Vì ở trong giới đó phát sinh ra tất cả các giới phàm tục, nhị thừa. Như vậy, hạt giống vô tận nên quả cũng vô cùng.
Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Pháp thân này, nên nương vào pháp gì để khởi lên sự quán chiếu như thế?
Đáp: Đại Vương! Nên nương vào tất cả thân phiền não của chúng sinh để quán chiếu. Nên nương vào trong tham dục, sân hận, ngu si của chúng sinh để quán chiếu. Nên nương vào bốn cái thấy điên đảo của chúng sinh để quán chiếu. Nên nương vào trong ấm, giới, các nhập của chúng sinh để quán chiếu. Nên nương vào các thân trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cho đến A Tu La để quán chiếu.
Vì sao?
Vì những thân này tức là Như Lai tạng. Ở trong tất cả tạng phiền não, các cấu nhiễm đều có tánh Như Lai hiển nhiên đầy đủ, như vàng ở trong đá, như lửa ở trong cây, như nước ở trong đất, như bơ ở trong dừa, như dầu ở trong mè, như mầm ở trong hạt, như báu ở trong kho, như tượng ở trong khuôn, như thai ở trong bào thai, như mặt trời trong mây, cho nên, ta nói trong thân phiền não có Như Lai tạng.
Bấy giờ, Tát Già Ni Kiền Tử nói kệ:
Cù Đàm thân Pháp tánh
Sắc diệu thường sáng ngời
Thanh tịnh thường vắng lặng
Thân ấy như hư không,
Cho nên thân pháp tánh
Chúng sinh không gì khác
Cảnh giới này thậm thâm
Nhị thừa làm sao biết?
Lúc bấy giờ, Vua Nghiêm Sí nghe Đại Tát Già Ni Kiền Tử nói về pháp thân công đức chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, sinh tâm vui mừng, thích thú, hớn hở và tâm vô cùng hoan hỷ. Sinh tâm kính ngưỡng vô lượng, sinh tâm ái niem vô lượng và sinh tâm vui mừng vô lượng.
Đối với Đại Tát Già Ni Kiền Tử, nhà Vua lại sinh tâm chẳng thể nghĩ bàn, sinh tâm không thể lường, sinh tâm tôn kính, sinh tâm tôn trọng, sinh tâm cung kính, sinh tâm biết rõ đạo bồ đề, sinh tâm nhất thiết trí, sinh tâm đến bờ kia, sinh tâm như ngủ say thức dậy, sinh tâm khởi niệm, sinh tâm trụ bồ đề giải thoát chẳng thể nghĩ bàn.
Khi sinh những tâm chẳng thể nghĩ bàn như thế rồi, nhà Vua lấy trăm ngàn vạn A tăng kỳ anh lạc có giá trị và vô số y phục đẹp có giá trị tự tay dâng lên cúng dường Đại Tát Già Ni Kiền Tử.
Nhà Vua lại thưa: Lành thay, thưa Đại Sư Tát Già! Đại Sư có khả năng nói pháp môn khéo léo đại thắng phương tiện.
Thưa Đại Sư Tát Già! Pháp ngài nói rất khéo léo, tùy thuận trí nhất thiết trí. Pháp này có khả năng đến địa vị nhất thiết trí. Pháp thầy nói có thể vượt qua các dòng thế gian. Pháp của Đại Sư nói co thể rửa sạch tất cả cấu nhiễm phiền não.
Pháp của Đại Sư nói có khả năng phá vỡ cánh cửa tật đố. Pháp của Đại Sư nói có khả năng nhổ sạch những khổ đau trong đường ác. Pháp của Đại Sư nói là phương tiện rất tốt phá hoại tất cả các núi lớn kiêu mạn.
Pháp của Đại Sư nói đều có thể làm khô cạn tất cả biển lớn ái dục trong thế gian. Pháp của Đại Sư nói có khả năng chiếu đến những khu rừng rậm vô trí. Pháp của Đại Sư nói khong mất thời gian, không mất khi tiếp nhận.
Bấy giờ, Tát Già Ni Kiền Tử bảo với Vua Nghiêm Sí: Đại Vương! Đúng như vậy. Các Đại Bồ Tát không có oai nghi thì không giáo hóa chúng sinh. Không có một pháp thì không thể tùy thuận theo pháp môn Đại Thừa. Không có một pháp thì không thể đến được địa vị nhất thiết trí.
Không có một pháp thì không thể đoạn tất cả phiền não. Không có một pháp thì không thấy các lỗi lầm thế gian. Không có một pháp thì không thấy công đức vô thượng của Niết Bàn. Không có một pháp thì không thấy hạnh thù thắng vô thượng của Bồ Tát.
Đại Vương! Tất cả hạnh mà các Đại Bồ Tát thực hành đều vì tự lợi và lợi tha, phải có đầy đủ hai sự lợi ích ấy.
Khi Tát Già Ni Kiền Tử nói pháp môn này, Vua Nghiêm Sí đạt được tâm kiên cố, không thoái chuyển nơi đạo bồ đề.
Mười sáu người con của Vua đạt được chỗ gọi là cảnh giới tín tâm vui mừng, hớn hở. Tám ngàn Thiên Tử được gọi là quán Phật Tam Muội trang nghiêm.
Bấy giờ, mười ba ngàn quyến thuộc của Vua Nghiêm Sí và quyến thuộc của Đại Tát Già Ni Kiền Tử phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Những chúng sinh ấy, mỗi người tự cởi y ngoài trên thân mình mang đến cúng dường Tát Già Ni Kiền Tử và thưa rằng: Hôm nay chúng con được lợi ích rất lớn, vì chúng con được thấy Tát Già Ni Kiền Tử, được nghe nói pháp môn thắng diệu nhất thiết trí tuệ này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh đại Duyên Phương Tiện
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Bảy - Phẩm Tu Thiện
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Ba Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Mười Sáu
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Thánh Cầu - Phần Năm - Khai Giảng Chánh Pháp
Phật Thuyết Kinh Vô Cực Bảo Tam Muội - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Năm - Phẩm Tập Tương ưng - Kinh Niết Bàn