Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bản Sinh Tâm địa Quán - Phẩm Tám - Phẩm Ba La Mật đa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH ĐẠI THỪA

BẢN SINH TÂM ĐỊA QUÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã, Đời Đường  

PHẨM TÁM

PHẨM BA LA MẬT ĐA  

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, do nhân duyên gì mà Đức Thế Tôn ân cần khen ngợi sự tu hành của Bồ Tát ở nơi A Lan Nhã, lại không khen ngợi sự tu hành của Bồ Tát ở nơi khác?

Có một thời Đức Thế Tôn ở núi Linh Thứu vì các Bồ Tát nói rộng pháp mầu, mà nói lời này: Bồ Tát, hoặc có khi ở nhà dâm nữ, hoặc thân cận với người đồ tể để chỉ dạy sự lợi ích vui vẻ cho họ, dùng vô số phương tiện đem lại lợi cho chúng sinh, vì họ nói diệu pháp, khiến họ nhập Phật Đạo. Ngày nay Đức Thế Tôn vì các vị mới phát tâm mà nói diệu pháp, Ngài lại không nói như thế.

Song, chúng con luôn luôn thân dự trước Phật, được nghe pháp sâu xa, không có gì ngờ vực, nhưng kính xin Đức Như Lai vì những người cầu Phật Đạo mai sau, mà diễn nói cho những chân lý sâu xa mầu nhiệm, khiến hạnh Bồ Tát của họ không bị thoái chuyển.

Khi ấy, Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Di Lặc: Thiện nam, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác cầu đạo Bồ Đề có hai hạng Bồ Tát:

Một là tại gia.

Hai là xuất gia.

Bồ Tát tại gia vì nhằm giáo hóa dẫn dắt, nên các nơi chốn như phòng dâm, hàng thịt đều được thân cận. Bồ Tát xuất gia thì không như thế.

Tuy nhiên, Bồ Tát ấy đều có chín bậc: Ba bậc thượng căn đều ở nơi A Lan Nhã, không gián đoạn sự tinh tấn làm lợi ích cho chúng sinh. Các Bồ Tát trung căn và hạ căn tùy chỗ nào hợp thì ở, nơi chốn không nhất định, hoặc ở nơi A Lan Nhã, hoặc ở nơi làng xóm, tùy duyên tạo lợi ích, an ổn cho chung sinh.

Nẻo hành hóa như thế, ông nên quán sát!

Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia tu tập Phật Đạo, đã được pháp vô lậu chân thực, thời tùy duyên dốc làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Nếu có Phật Tử chưa được chân trí, ở nơi Lan Nhã, cần nên thân cận Chư Phật, Bồ Tát và nếu gặp được bậc chân thiện tri thức, thời đối với hạnh Bồ Tát quyết không thoái chuyển. Do nhân duyên ấy các Phật Tử cần nên dốc lòng cầu gặp một Đức Phật và một vị Bồ Tát. 

Thiện nam, như thế gọi là pháp xuất thế cốt yếu, các ông đều nên nhất tâm tu học.

Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia chán bỏ thế gian, ở nơi A Lan Nhã biết dùng công lực thành tựu viên mãn tám vạn bốn ngàn hạnh Ba la mật và chóng chứng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Vì sao?

Vì người bỏ danh lợi vào ở trong rừng núi, đối với thân mạng mình cũng như của cải không còn tham tiếc gì nữa, vĩnh viễn không lệ thuộc vào nó, thời tự nhiên đầy đủ dễ dàng ba thứ Ba la mật đa.

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, ở nơi A Lan Nhã, Bồ Tát xuất gia không chứa cất của báu, vậy nhờ nhân duyên gì mà Bồ Tát ấy làm viên mãn được bố thí Ba la mật?

Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Di Lặc: Thiện nam, ở nơi A Lan Nhã, Bồ Tát xuất gia vào trong xóm làng khất thực, những món ăn xin được, trước tiên nên đem phần nhỏ cho chúng sinh, sau nữa lại đem phần còn thừa cho những chúng sinh nào muốn, tức được gọi là Bố Thí Ba la mật.

 Đem thân mạng mình cúng dường Tam Bảo, đem đầu, mắt, tủy, óc bố thí cho người lại xin, tức được gọi là thân cận Ba la mật. Vì người cầu đạo nói pháp xuất thế, khiến họ phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, tức được gọi là chân thực Ba la mật. Thiện nam, thế gọi là Bồ Tát xuất gia thành tựu được bố thí Ba la mật đa. 

Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia ở nơi A Lan Nhã, tu mười hai hạnh Đầu Đà, nếu khi đi bộ nên nhìn kỹ xuống đất cách chừng hai khuỷu tay, để không làm tổn hại chúng sinh, tức được gọi là trì giới Ba la mật. Kiên trì giới cấm, không tiếc thân mạng, tức được gọi là thân cận Ba la mật.

Vì người cầu đạo xuất thế, Thuyết Pháp giáo hóa, khiến họ phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, tức được gọi là chân thực Ba la mật. Thiện nam, thế gọi là Bồ Tát xuất gia thành tựu được trì giới Ba la mật đa.

Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia ở nơi A Lan Nhã, diệt sự giận dữ, đạt được từ tâm tam muội và cũng không hủy nhục tất cả chúng sinh, tức được tên gọi là nhẫn nhục Ba la mật.

Nếu vì một người nói một câu pháp, khiến họ phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tức được gọi là chân thực Ba la mật.

Thiện nam, thế gọi là Bồ Tát xuất gia thành tựu được nhẫn nhục Ba la mật đa.

Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia vì muốn khiến chúng sinh được thành Phật nên tu hạnh tinh tấn: Chưa được thành Phật, phước đức, trí tuệ kém cỏi, nhưng không tham yên vui, không tạo mọi tội, đối với những hạnh khổ hạnh của Chư Bồ Tát xưa, sinh tâm rất mừng, cung kính, tôn ngưỡng, luôn luôn không lúc nào thôi, do nhân duyên ấy, nên gọi là tinh tấn Ba la mật.

Bỏ thân mạng như nhổ nước bọt, trong tất cả thời chưa từng biếng nhác, tức được gọi là thân cận Ba la mật. Gặp người có duyên, nói đạo tối thượng, khiến họ hướng tới Vô Thượng, Chánh Đẳng Bồ Đề, tức được gọi là chân thực Ba la mật.

Do tâm tinh tấn, mười hạnh như thế, đời quá khứ không bị thoái chuyển, đời hiện tại được bền vững, đời vị lai chóng được viên mãn.

Này Thiện nam, thế gọi là Đại Bồ Tát xuất gia thành tựu được tinh tấn Ba la mật đa. Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia ở nơi A Lan Nhã, tu tập chánh định, vì giữ cho pháp lành không tan mất, thể nhập các môn giải thoát.

Dứt hẳn biên kiến, hiển hiện thần thông, hóa độ chúng sinh, khiến họ được chánh trí, dứt được gốc phiền não, chứng nhập chân pháp giới, ngộ đạo như thực và sẽ tới Bồ Đề. Do nhân duyên ấy, tức được gọi là thiền định Ba la mật.

Muốn làm cho chúng sinh như mình không khác, nghĩa là đều được đầy đủ phép điều trị chúng sinh, không bỏ chánh định, không tiếc thân mạng, tu chánh định ấy tức được gọi là thân cận Ba la mật. Vì các chúng sinh nói pháp sâu xa, khiến họ hướng tới đạo Vô Thượng Bồ Đề, tức được gọi là chân thực Ba la mật.

Thiện nam, thế gọi là Bồ Tát xuất gia thành tựu thiền định Ba la mật đa. Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia ở nơi thanh vắng tịch tĩnh, thân cận cúng dướng Chư Phật, Bồ Tát, những bậc đạt Nhất Thiết Trí, thường thích nghe những pháp sâu xa vi diệu, tâm sinh ngưỡng mộ tôn kính luôn luôn, không hề biết chán, chưa từng biết đủ.

Lại hay phân biệt rành chân lý Nhị Đế dứt trừ hai chướng, thông suốt năm minh, nói pháp cốt yếu, giải trừ mối nghi. Do nhân duyên ấy nên gọi là bát nhã Ba la mật.

Vì cầu nửa bài Kệ mà hủy bỏ thân mạng, không sợ mọi khổ, quyết chí cầu đạo Bồ Đề, tức thành tựu được thân cận Ba la mật. Ở trong đại hội vì người nói pháp, đối với những nghĩa sâu xa nhiệm mầu không hề tiếc giấu, khiến người phát khởi tâm Đại Bồ Đề, đối với hạnh Bồ Tát đạt được bất thoái chuyển, thường hay quán sát thân ta, Lan Nhã, tâm Bồ Đề, Pháp Thân chân thực:

Bốn thứ ấy không có sai khác. Vì quán diệu lý như thế, như thế tức gọi là chân thực Ba la mật. Thiện nam, đó gọi là Bồ Tát xuất gia thành tựu được bát nhã Ba la mật đa.

Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia ở nơi thanh vắng tịch tĩnh, thường hay tu tập phương tiện thắng trí Ba la mật đa. Dùng tha tâm trí hiểu rõ ý muốn, phiền não, tâm hành sai biệt của chúng sinh, tùy bệnh cho thuốc đều làm cho họ lành mạnh, được thần thông tam muội diệu dụng tự tại, phát bi nguyện lớn.

Thành tựu đầy đủ cho chúng sinh, các pháp của Chư Phật đều thông suốt cả vì nhân duyên ây, tức được tên gọi là phương tiện thiện xảo Ba la mật đa.

Vì nhằm đem lại lợi ích cho các chúng sinh, đối với thân mạng và của cải đều không hề tham tiếc, tức được gọi là thân cận Ba la mật đa.

Vì các chúng sinh oán, thân đều bình đẳng, nói pháp vi diệu, làm cho họ chứng nhập được Phật Trí, tức được gọi là chân thực Ba la mật đa.

Thiện nam, thế gọi là Bồ Tát xuất gia thành tựu được phương tiện thiện xảo Ba la mật đa. Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia vào trong rừng núi, vì các chúng sinh nên thường tu tập nguyện Ba la mật.

Tâm các vị ấy luôn luôn quán sát chân tánh của các pháp, chẳng phải có, chẳng phải không mà là diệu lý trung đạo. Đối với việc thế tục đều phân biện rõ ràng và cũng vì nhằm hóa độ chúng sinh nên luôn luôn tu về từ bi. Do nhân duyên ấy, tức được gọi là nguyện Ba la mật.

Đem bốn lời thệ nguyện rộng lớn nhiếp thọ chúng sinh, cho đến dù bỏ thân mạng vẫn không làm hoại mất bi nguyện ấy, tức được gọi là thân cận Ba la mật.

Nói pháp vi diệu, biện tài vô ngại, nếu có người nào lắng nghe diệu pháp ấy thì rốt ráo không bị thoái chuyển, tức được gọi là chân thực Ba la mật. Thiện nam, đó gọi là Bồ Tát xuất gia thành tựu được Nguyện Ba la mật đa.

Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia ở A Lan Nhã dùng năng lực của chánh trí, hiểu rõ về tâm hạnh thiện, ác, thanh tịnh, không thanh tịnh của chúng sinh, vì chúng sinh nói pháp tương ứng, khiến họ chứng nhập nghĩa sâu xa mầu nhiệm của đại thừa, an trụ nơi cứu cánh Niết Bàn. Do nhân duyên ấy nên gọi là Lực Ba la mật.

Dùng mắt Chánh trí soi thấy năm uẩn vắng lặng tịch tĩnh, có thể bỏ thân mạng nhằm làm lợi ích cho chúng sinh, tức được gọi là thân cận Ba la mật.

Dùng năng lực của diệu trí hóa độ người tà kiến, khiến họ dứt bỏ nghiệp ác sinh tử luân hồi, hướng về nẻo Niết Bàn cứu cánh thường lạc, tức được gọi là chân thực Ba la mật. Thiện nam, thế gọi là Bồ Tát xuất gia thành tựu được Lực Ba la mật đa.

Lại nữa thiện nam, Bồ Tát xuất gia ở A Lan Nhã, đối với tất cả các pháp biết rõ thiện hay ác, xa lìa tà kiến, nhiếp thọ chánh pháp, không chán sinh tử, không thích Niết Bàn, tức được gọi là Trí Ba la mật.

Không yêu thân mình, luôn luôn thương xót chúng sinh. Đối với thân mạng và của cải thường tu hạnh đại xả tức được gọi là thân cận Ba la mật.

Dùng trí tuệ vi diệu vì các chúng sinh nói pháp nhất thừa, khiến họ chứng nhập đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Do nhân duyên ấy, tức được gọi là chân thực Ba la mật. Thiện nam, thế gọi là Bồ Tát xuất gia thành tựu được trí Ba la mật đa.

Này Thiện nam, những Ba la mật đa ấy, do nghĩa gì mà ta lại nói nó phát sinh ra tám vạn bốn ngàn sự sai khác?

Các ông nên biết, vì những người nhiều tham mà phân biệt, diễn nói ra hai ngàn một trăm Ba la mật đa.

Vì những người nhiều sân mà phân biệt, diễn nói ra hai ngàn một trăm Ba la mật đa.

Vì những người nhiều si mà phân biệt, diễn nói ra hai ngàn một trăm Ba la mật đa.

Vì những người đẳng phần mà phân biệt, diễn nói ra hai ngàn một trăm Ba la mật đa.

Thiện nam, đối với những số hai ngàn một trăm Ba la mật đa ấy làm căn bản, rồi chuyển gấp hơn lên, thành tám vạn bốn ngàn Ba la mật đa. Những pháp như thế, đều là hạnh lợi tha.

Thiện nam, nếu có chúng sinh, căn tánh khó nhiếp phục, nghe pháp ấy rồi mà tâm chưa điều phục được, liền vì họ tuyên thuyết tám vạn bốn ngàn tam muội môn.

Diệu Pháp như thế đều là hạnh tự lợi!

Nếu có chúng sinh tánh khí khó nhiếp phục, nghe pháp ấy rồi, mà tâm chưa điều phục được, liền vì họ tuyên thuyết tám vạn bốn ngàn Đà La Ni môn. Diệu Pháp như thế đều là hạnh lợi tha.

Thiện nam, Ta vì dốc điều phục tất cả chúng sinh nên nói ra pháp như thế và đem vô số phương tiện thiện xảo, thị hiện mọi tướng, giáo hóa chúng sinh.

Thiện nam, vì nghĩa ấy nên tất cả Trời, người đều gọi Như Lai là Đạo Sư. Thiện nam, Chư Phật Thế Tôn trong hiện tại và vị lai đều tu tập tám vạn bốn ngàn Ba la mật môn, tám vạn bốn ngàn tam muội môn, tám vạn bốn ngàn Đà La Ni môn.

Dứt hẳn tám vạn bốn ngàn phiền não chướng vi tế, tám vạn bốn ngàn sở tri chướng vi tế và đều tới gốc cây Bồ Đề nơi Lan Nhã, ngồi Tòa Kim Cang, nhập định Kim Cang, hàng phục tất cả Thiên Ma oán thù, chứng được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại ý nghĩa ấy Ngài nói lời kệ:

Đại Pháp Vương vượt qua ba cõi

Hiện ra đời hóa độ chúng sinh

Các Bồ Tát số nhiều vô lượng

Vào Phật Môn trí tuệ Cam Lộ.

Di Lặc đắc đạo trong nhiều kiếp

Dùng tâm đại bi mà thưa hỏi.

Lành thay, Pháp Vương Tử vô cấu

Trí tuệ dốc hỏi Chân Phật thừa.

Ta đem biện tài vô úy nói

Giảng pháp đại thừa, hướng giác ngộ.

Các ông nhất tâm lắng nghe kỹ

Chuyển đến đời sau điều nên trao

Mười phương Thế Giới có thể không

Những đạo xuất thế không thể dứt

Muốn cầu đạo xuất thế giải thoát

Không ngoài ba căn, chín phẩm loại.

Ba phẩm thượng căn tại Lan Nhã

Trung, hạ tùy duyên ở thế gian.

Chỗ cầu đạo quả không sai khác

Đồng nói về Phật Tánh chân như.

Bậc Đại Sĩ chứng đắc vô lậu

Tùy nghi ứng hiện cứu quần sinh.

Mở bày pháp môn có, không bất nhị

Lợi người, lợi mình chẳng lúc dừng.

Người Phật Tử chưa chứng vô lậu

Nên tinh cần tu học ba môn

Đem căn lành dâng cho tất cả

Chỉ một lòng hằng niệm Hồng Danh.

Nguyện con thường thấy Phật, Bồ Tát

Thân tướng công đức rất trang nghiêm

Nếu thường được nghe tiếng mưa pháp

Tất cả thấm nhuần tâm chẳng thoái.

Dù thân thường ở chốn địa ngục

Cũng vẫn thân cận Đại Từ Tôn,

Dù thân thường ở chốn luân hồi

Cũng vẫn được nghe pháp vi diệu.

Do nhân duyên ấy, các Phật Tử

Buộc tâm thường niệm Thiên Nhân Sư.

Nếu có Phật Tử tu Thánh Đạo

Phát khởi tâm Vô Thượng Bồ Đề

Chán đời ở tại A Lan Nhã

Cũng được gọi là tu ba độ.

Bố thí trước khi ăn mỗi ngày

Và đem Pháp Bảo cho chúng sinh

Tam luân thanh tịnh là bố thí

Vì nhân tu ấy, đức viên mãn

Nên biết chứng được Ba la mật

Chỉ do tâm tịnh, không do vật.

Nếu dùng tâm nhiễm cho ngọc quý

Không bằng tâm tịnh thí chút phần.

Cho của tức được bố thí độ

Ba la mật ấy chẳng hai, ba.

Hay cho thân mạng và vợ con

Như thế gọi là thân cận độ

Thiện nam, tín nữ đến cầu pháp

Vì đó nói hết Kinh Đại Thừa

Khiến cho phát khởi tâm vô thượng

Mới gọi chân thực Ba la mật.

Từ bi, tịnh tín đủ thẹn hổ

Nhiếp thọ chúng sinh lìa tham chấp

Nguyện thành Như Lai Vô Thượng Trí

Cho của, cho pháp là sơ độ.

Giữ bền tam tụ giới Bồ Tát

Khai phát bồ đề, lìa sinh tử

Ủng hộ Phật Pháp ở thế gian

Hối sự lầm phạm chân trì giới.

Dẹp tâm sân giận, quán từ bi

Nên nghĩ nhân xưa trừ oán hại

Không tiếc thân mạng cứu chúng sinh

Đó là nhẫn nhục Ba la mật.

Làm hạnh khó làm không tạm bỏ

Ba tăng kỳ kiếp thường tăng tiến

Không cùng nhơ nhiễm, thường luyện tâm

Vì độ chúng sinh cầu giải thoát.

Vào ra chánh định được tự tại

Biến hóa thần thông dạo mười phương

Dứt nhân phiền não cho chúng sinh

Tu Tam Ma Địa cầu giải thoát.

Nếu muốn thành tựu chân trí tuệ

Thân cận Bồ Tát và Như Lai

Thích nghe diệu lý môn xuất thế

Tu đạt ba minh, dứt hai chướng.

Biết tâm chúng sinh thường sai biệt

Tùy bệnh cho thuốc khiến họ uống

Từ bi thiện xảo hợp căn cơ

Phương tiện lợi sinh độ hữu tình.

Quán chân cú nghĩa tất cả pháp

Không chấp giữa, bên, lìa có, không

Tịnh trí không ngừng ngộ chân như

Lợi mình, lợi người khắp pháp giới.

Trí lực hiểu rõ tánh chúng sinh

Vì đó nói các pháp tương ứng,

Trí lực thể nhập tâm chúng sinh

Khiến dứt gốc luân hồi sinh tử,

Trí lực phân biệt pháp trắng đen

Tùy nên lấy, bỏ đều hiểu thấu.

Sinh tử, Niết Bàn vốn bình đẳng

Thành tựu chúng sinh lìa phân biệt.

Mười hạnh thù thắng trên như thế

Nhiếp vào số tám vạn bốn ngàn

Tùy theo phẩm loại thắng pháp môn

Mới là Bồ Tát Ba la mật.

Tám vạn bốn ngàn Tam Ma Địa

Diệt tâm tán loạn cho chúng sinh.

Tám vạn bốn ngàn môn tổng trì

Trừ diệt hoặc chướng, tan ma chúng.

Năng lực phương tiện Đấng Pháp Vương,

Ba thứ thắng pháp độ chúng sinh

Lưới giáo bủa giăng biển sinh tử

Đặt Trời, người lên chốn an lạc.

Khi Đức Thế Tôn nói pháp ấy, tám vạn bốn ngàn Thiên Tử Cõi Trời Đao Lợi, dứt được các chướng trong ba cõi, chứng hoan hỷ địa.

Vô số trăm ngàn Thiên Tử trong sáu Cõi Trời Dục ngộ vô sinh nhẫn, được Đà La Ni. Mười sáu đại Quốc Vương lãnh hội được pháp Đà La Ni, vô lượng tứ chúng lãnh hội hạnh Bồ Tát hoặc đạt được địa bất thoái, hoặc được tam muội môn, hoặc được Đà La Ni, hoặc được đại thần thông, hoặc có Bồ Tát chứng được hai, ba địa cho đến mười địa, vui mừng hớn hở.

Vô lượng trăm ngàn các Trời, Người… phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, không bị thoái chuyển. Tám ngàn Trời, Người xa lìa trần cấu, đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần