Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Ba - Phẩm Bình đẳng - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẨM BA
PHẨM BÌNH ĐẲNG
TẬP MỘT
Đức Phật bảo Đại Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại: Này thiện nam! Bồ Tát có đầy đủ mười pháp bình đẳng như đất.
Những gì là mười?
1. Rộng lớn vô lượng.
2. Nuôi dưỡng chúng sinh.
3. Đối với có ân, không ân, không có tưởng khác.
4. Có khả năng lãnh thọ những cơn mưa pháp lớn.
5. Làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh.
6. Làm chỗ trồng thiện căn.
7. Làm đồ chứa châu báu.
8. Làm đồ chứa diệu dược.
9. Chẳng thể khuynh động.
10. Không có sợ hãi.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát rộng lớn vô lượng?
Ví như đại địa trùm khắp mười phương rộng lớn vô lượng. Bồ Tát cũng lại như vậy, phước đức trí tuệ đầy đủ, song hành, hiện bày mọi nơi, rộng lớn vô lượng. Đây gọi là Bồ Tát rộng lớn vô lượng.
Thế nào là Bồ Tát nuôi dưỡng tất cả chúng sinh?
Thiện nam! Ví như đại địa là chỗ tất cả chúng sinh nhờ vào đó mà tồn tại, tùy ý sử dụng các loại sản vật. Bồ Tát cũng vậy trưởng dưỡng chúng sinh bằng các loại bố thí, trì giới nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ… tất cả pháp hành thanh tịnh của Bồ Tát. Ngoài ra còn cho vô lượng các loại vật báu khiến được lợi ích. Đây gọi là Bồ Tát dưỡng dục tất cả chúng sinh.
Thế nào là Bồ Tát đối với có ân, không ân, không có tưởng khác?
Thiện nam! Ví như đại địa bị hủy nhục thương tổn cũng không sinh sân, hoặc được cúng dường cũng không sinh vui, trong vấn đề này không sinh hai tưởng. Bồ Tát cũng vậy, bị tổn não không sân, được lợi dưỡng cũng không vui. Đối với chúng sinh đó, Bồ Tát không sinh thương ghét, không mong đền đáp. Đây gọi là Bồ Tát đối với có ân, không ân đều bình đẳng.
Thế nào là Bồ Tát có khả năng lãnh thọ tất cả những cơn mưa pháp lớn?
Thiện nam! Ví như đại địa thọ nhận những cơn mưa lớn, ngoài ra còn có thể dung chứa tất cả các dòng nước lớn. Bồ Tát cũng vậy, có khả năng dung nạp các trận mưa pháp lớn của Như Lai. Đây gọi là Bồ Tát có khả năng lãnh thọ các trận mưa pháp lớn.
Thế nào là Bồ Tát làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh?
Thiện nam! Ví như đại địa, tất cả chúng sinh hoặc ra hoặc vào đều nương nơi đại địa. Bồ Tát cũng vậy, làm nơi y chỉ cho tất cả chúng sinh đang sinh hoạt nơi sáu cõi, cho đến Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát làm nơi nương tựa cho tất cả chúng sinh.
Thế nào là Bồ Tát làm nơi gieo căn lành?
Thiện nam! Ví như đại địa, tất cả hạt giống đều nhờ vào đó mà sinh trưởng. Bồ Tát cũng vậy, các hạt giống lành của tất cả chúng sinh nhân nương vào Bồ Tát mà được sinh trưởng. Đây gọi là Bồ Tát làm nơi gieo các chủng từ pháp thiện.
Thế nào là Bồ Tát làm đồ chứa châu báu?
Thiện nam! Ví như đại địa là đồ chứa châu báu, nhân nương vào đất mà vô lượng châu báu được xuất hiện. Bồ Tát cũng vậy, các loại công đức quang minh quý báu nhân nương vào Bồ Tát mà được xuất hiện. Đây gọi là Bồ Tát làm đồ chứa châu báu.
Thế nào gọi là Bồ Tát làm đồ chứa diệu dược?
Thiện nam! Ví như đại địa sinh ra các loại thuốc vi diệu, có khả năng trị tất cả bệnh khổ chúng sinh. Bồ Tát cũng vậy, tất cả pháp dược nhân nơi Bồ Tát xuất hiện, có khả năng diệt trừ các loại bệnh nặng phiền não của tất cả thế gian. Đây gọi là Bồ Tát hay làm đồ chứa thuốc vi diệu.
Thế nào là Bồ Tát chẳng thể khuynh động?
Thiện nam! Ví như đại địa, tất cả các thứ khổ chẳng thể nhiễu loạn, xâm phạm. Thời tiết nóng lạnh, muỗi, kiến, trùng độc… xúc phạm chẳng động. Cũng vậy, chúng sinh khởi tạo tất cả các loại khổ đều chẳng thể nhiễu loạn, não hại Bồ Tát. Đây gọi là Bồ Tát chẳng thể khuynh động.
Thế nào là Bồ Tát không có sợ hãi?
Thiện nam! Ví như đại địa chẳng kinh sợ khi nghe âm thanh phát ra từ các loài: Sư Tử Vương, Tượng Vương, Long Vương…, Bồ Tát cũng vậy, nghe các tiếng của ma, tiếng của ngoại đạo chẳng lo chẳng sợ, chẳng khiếp, chẳng hãi. Đây gọi là Bồ Tát không có kinh sợ.
Thiện nam! Đây là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp bình đẳng như đất.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có mười pháp bình đẳng như nước.
Những gì là mười?
1. Phước đức sâu dần.
2. Sinh pháp trong sạch.
3. Hoan hỷ, tán dương, nhuần thấm.
4. Nhận chìm tất cả gốc rễ phiền não.
5. Thanh tịnh không ô trược.
6. Diệt phiền não nóng bức.
7. Trừ các khát ái.
8. Sâu xa, khó dò.
9. Cuốn trôi mọi thứ tốt, xấu.
10. Làm sạch phiền não trần cấu.
Thiện nam! Thế nào là Đại Bồ Tát phước đức sâu dần?
Thiện nam! Ví như các dòng nước từ chỗ cạn chảy vào chỗ sâu, theo thứ lớp. Bồ Tát cũng vậy, gom các pháp thiện từ cạn đến sâu.
Đây gọi là Bồ Tát phước đức sâu dần.
Thế nào là Bồ Tát sinh pháp bạch tịnh?
Thiện nam! Ví như nước trong hay sinh dưỡng các loại diệu dược, cỏ cây, rừng rậm. Bồ Tát cũng vậy, nhờ tam muội nên sinh trưởng tất cả trợ pháp bồ đề. Sinh trưởng rồi liền phát triển lớn rộng, cho đến thành nhất thiết chủng trí. Ở Cõi Phật, cây cối vườn rừng sinh quả pháp nuôi sống chúng sinh. Đây gọi là Bồ Tát sinh trưởng pháp thiện.
Thế nào là Bồ Tát hoan hỷ, nhuần thấm?
Thiện nam! Ví như nước trong, tự tánh thấm ướt, lại hay thấm ướt vật khác. Bồ Tát cũng vậy, tự tánh hoan hỷ, tán dương, nhuần thấm, lại hay thấm nhuần kẻ khác. Nói hoan hỷ ấy là pháp xuất thế. Nói tán dương là nương vào Phật, Pháp, Tăng. Nói nhuần thấm ấy là tâm thanh tịnh. Đây gọi là Bồ Tát hoan hỷ, nhuần trạch.
Thế nào là Bồ Tát làm thối rữa gốc rễ của phiền não?
Thiện nam! Ví như nước trong, có khả năng làm thối rữa tất cả cỏ cây, rễ, lá… Bồ Tát cũng vậy, nhân tu tam muội mà làm thối rữa tất cả phiền não tương tục, cho đến diệt tận danh tướng cùng tập khí phiền não xú uế, không còn chỗ nương tựa. Đây là Bồ Tát làm thối rữa tất cả gốc rễ của phiền não.
Thế nào là Bồ Tát thanh tịnh không nhơ?
Thiện nam! Ví như nước trong bình, thể tánh thanh tịnh không có cấu uế, Bồ Tát cũng vậy, tự tánh thanh tịnh, không cấu uế. Nói thanhh tịnh nghĩa là tất cả tùy miên, phiền não, kết sử, tham, sân, si… đã tiêu diệt. Các căn không nhiễm, không cấu, không uế. Đây gọi là Bồ Tát thanh tịnh không nhơ.
Thế nào là Bồ Tát diệt trừ phiền não nóng bức?
Thiện nam! Ví như tánh nước làm cho tất cả chúng sinh cùng đất và các vật trên đất được mát mẻ vào những tháng hè oi bức. Bồ Tát cũng vậy, dùng pháp tịnh thủy diệt trừ phiền não nóng bức của các cõi chúng sinh, khiến cho được mát mẻ. Đây là Bồ Tát diệt trừ phiền não nóng bức.
Thế nào là Bồ Tát trừ bỏ các khát ái?
Thiện nam! Ví như nước lạnh, người khát nước uống vào thì hết khát. Bồ Tát cũng vậy, vì tất cả chúng sinh khát ái nơi sáu trần khó nhẫn chịu mà làm mưa pháp. Nhờ mưa pháp nên khiến các chúng sinh hết khát ái nơi sáu trần.
Thế nào là Bồ Tát sâu rộng khó dò?
Thiện nam! Ví như biển nước sâu rộng khó dò. Bồ Tát cũng vậy, tu các trí tuệ thâm diệu khó dò. Nghĩa là tất cả thiên ma, ngoại đạo chẳng thể xét lường. Đây là Bồ Tát sâu rộng khó dò.
Thế nào là Bồ Tát hay làm trôi các thứ tốt xấu?
Thiện nam! Ví như nước chảy, hay làm trôi tất cả vùng đất hoặc tốt hoặc xấu. Bồ Tát cũng vây, dùng nước chảy làm trôi tất cả các cõi chúng sinh hoặc tốt hoặc tốt hoặc xấu. Tuy làm trôi như vậy nhưng không não hại chúng sinh. Cũng như nước chảy, Bồ Tát đem đại từ bi làm nhuận thấm nơi chúng sinh, làm mưa pháp lớn, không tổn não ai. Đây là Bồ Tát cuốn trôi các thứ tốt xấu.
Thế nào là Bồ Tát làm sạch mọi phiền não trần cấu?
Thiện nam! Ví như nước lớn, hay làm cho tất cả các vật bất tịnh, nhơ uế, cấu bẩn trên đất đều được thấm nhuần, trong sạch, không còn chút bẩn. Bồ Tát cũng vậy, nhờ nương vào định tuệ thanh tịnh mà dứt tận các tâm tánh thô bạo, các thức phiền não nơi khách trần của các chúng sinh. Đây gọi là Bồ Tát làm sạch mọi phiền não trần cấu.
Thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp bình đẳng như lửa.
Những gì là mười?
1. Năng thiêu đốt phiền não uế tạp.
2. Làm thành thục tất cả pháp Phật.
3. Làm khô ráo bùn nhơ phiền não.
4. Ví như hỏa tụ.
5. Hay làm ánh sáng.
6. Hay làm cho kinh sợ.
7. Hay làm an ổn.
8. Bình đẳng đối với các chúng sinh.
9. Được thế gian cúng dường.
10. Chẳng thể bị khinh miệt.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát có thể thiêu đốt mọi phiền não uế tạp?
Thiện nam! Ví như tánh của lửa, hay thiêu tất cả đồ nhơ nhớp cấu uế, cỏ cây, rừng rậm, các cây thuốc… Bồ Tát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ thiêu cháy tất cả phiền não, thùy miên, tất cả kết sử tham, sân, si… phiền não uế tạp. Đậy gọi là Bồ Tát năng thiêu tất cả phiền não uế tạp.
Thế nào là Bồ Tát làm thành thục tất cả pháp Phật?
Thiện nam! Ví như tánh của lửa làm chín tất cả các thứ dược thảo, động thực vật. Bồ Tát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ làm thành thục tất cả các Pháp Phật bên trong, thành thục như vậy, mãi mãi không mất. Đây là Bồ Tát làm thành thục tất cả các Pháp Phật.
Thế nào là Bồ Tát làm khô bùn nhơ phiền não?
Thiện nam! Ví như tánh của lửa làm khô ráo tất cả bùn nhơ. Bồ Tát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ thiêu khô tất cả pháp hữu lưu. Đây là Bồ Tát làm khô bùn nhơ phiền não.
Thế nào là Bồ Tát dụ như đống lửa?
Thiện nam! Như đống lửa lớn làm tan biến sự cóng lạnh. Bồ Tát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ đẩy lùi phiền não lạnh rét cho tất cả chúng sinh. Đây là Bồ Tát dụ như đống lửa.
Thế nào là Bồ Tát hay làm ánh sáng?
Thiện nam! Ví như đống lửa lớn trên ngọn núi Tuyết, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp một do tuần, hoặc hai do tuần, hoặc ba, hoặc bốn do tuần. Bồ Tát cũng vậy, dùng trí quang minh chiếu xa ngàn do tuần, hoặc vạn do tuần, cho đến vô lượng A tăng kỳ Thế Giới, vì các chúng sinh mà tạo ra ánh sáng soi chiếu rực rỡ khắp. Bồ Tát dùng trí quang minh đẩy lùi tất cả pháp vô trí tối tăm. Đây là Bồ Tát hay làm ánh sáng.
Thế nào là Bồ Tát hay làm kinh sợ?
Thiện nam! Ví như các loài muông thú hoặc Sư Tử Vương thấy đống lửa lớn liền sinh kinh sợ, nghĩa là chúng sợ tổn hại thân mình nên tránh xa chổ ấy. Cũng vậy, ma ác cùng các chúng ma nếu thấy Bồ Tát liền sinh kinh sợ. Do chúng không có oai đức nên liền tránh xa, thậm chí chẳng nghe danh hiệu của Bồ Tát, huống nữa là thấy hình tướng. Đây là Bồ Tát hay làm kinh sợ.
Thế nào là Bồ Tát khéo làm an ổn?
Thiện nam! Ví như có người mê ở nơi rừng rậm hoang dã, quên mất đường ra, bỗng nhiên thấy được một đống lửa lớn, liền đến nơi đó. Ở chốn này, người đó thấy được xóm làng hoặc thấy bầy trâu bò. Thấy như vậy, người đó liền được an ổn, lìa các lo sợ. Cũng vậy, hết thảy vô lượng chúng sinh nơi rừng già hoang dã sinh tử, nếu thấy Bồ Tát liền được an ổn, lìa mọi sự sợ hãi. Đây là Bồ Tát khéo làm an ổn.
Thế nào là Bồ Tát bình đẳng với tất cả chúng sinh?
Thiện nam! Ví như tánh của lửa đều bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Như đối với Vua và hàng Chiên Đà La, lửa đều bình đẳng không hai. Bồ Tát cũng vậy, đều bình đẳng đối với các chúng sinh. Như đối với Quốc Vương và kẻ đồ tể, Bồ Tát đều làm lợi ích như nhau.
Đây là Bồ Tát đều bình đẳng với các chúng sinh.
Thế nào là Bồ Tát được thế gian cúng dường?
Thiện nam! Ví như tánh của lửa được các Sát Lợi, Bà La Môn,… cúng dường. Bồ Tát cũng vậy, đều bình đẳng với các chúng sinh. Như đối với Quốc Vương và kẻ đồ tể, Bồ Tát đều làm lợi ích như nhau. Đây là Bồ Tát đều bình đẳng với các chúng sinh.
Thế nào là Bồ Tát chẳng thể bi khinh miệt?
Thiện nam! Như lửa tuy nhỏ, nhưng không nên khinh thường mà chạm vào, không nên kiêu mạn. Bồ Tát cũng vậy, từ lúc mới phát tâm trụ vào tín hạnh, tuy chưa được uy lực nơi pháp Đại Thừa, nhưng chẳng ai dám khinh miệt.
Tất cả thế gian, hoặc trời, hoặc người, các chúng Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà… đều biết Bồ Tát và cùng nói: Nay Bồ Tát này chẳng bao lâu nữa sẽ an tọa nơi Bồ Đề Đạo Tràng, chứng đắc Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây là Bồ Tát chẳng thể bị khinh miệt.
Thiện nam! Đó gọi là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp bình đẳng như lửa.
Thiện nam! Đại Bồ Tát lại có mười pháp bình đẳng như hư không.
Những gì là mười?
1. Rộng lớn.
2. Vô ngại.
3. Tịch tĩnh.
4. Tuệ vô biên.
5. Trí vô biên.
6. Tùy thuận pháp giới.
7. Tin tất cả các pháp đồng tánh hư không.
8. Không xứ sở.
9. Vượt qua cảnh giới của tưởng.
10. Siêu việt mọi sự nghĩ lường.
Thiện nam! Đại Bồ Tát đủ mười pháp này, được gọi là bình đẳng như hư không.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có mười pháp bình đẳng như hư không.
Những gì là mười?
1. Đối với sắc đẹp sắc xấu, Bồ Tát không tham, không sân.
2. Đối với âm thanh hay dở, Bồ Tát không thích, không ghét.
3. Đối với mùi thơm, mùi thối, Bồ Tát không tham, không bỏ.
4. Đối với vị ngon, vị dở, Bồ Tát không ham, không bỏ.
5. Đối với sự xúc chạm tốt xấu, Bồ Tát không tham, không ghét.
6. Đối với các pháp tốt xấu, Bồ Tát không nhiễm, không chê.
7. Đối với sự được, không được, Bồ Tát không mừng, không giận.
8. Đối với khổ, Bồ Tát không buồn. Đối với lạc, Bồ Tát không vui.
9. Đối với danh tốt, danh xấu, Bồ Tát không mến mộ, cũng không khước từ.
10. Đối với lời khen, tiếng chê, Bồ Tát không ưa, không ghét. Đây là mười việc bình đẳng như hư không.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Ba - Phẩm Hành Không - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba Mươi Năm - Kinh Gương Trong Rương Báu
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi - Phẩm Lặc Na Xà Da
Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Mười - Phẩm Chí Nguyện đại Thừa
Phật Thuyết Kinh Phương đẳng Bát Nê Hoàn - Phẩm Ba - Phẩm Bốn đồng Tử
Phật Thuyết Kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc - Phần Hai