Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bốn - Phẩm đà la Ni - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM BỐN

PHẨM ĐÀ LA NI  

TẬP HAI  

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp không thể không tùy thuận.

Những gì là mười?

1. Thiện nam! Bồ Tát tùy thuận theo pháp không từ nơi sắc.

2. Tùy thuận pháp không từ thọ, tưởng, hành, thức.

3. Tùy thuận pháp không từ Dục Giới.

4. Tùy thuận pháp không từ Sắc Giới.

5. Tùy thuận pháp không từ Vô Sắc Giới.

6. Tùy thuận pháp không từ nơi pháp.

7. Tùy thuận pháp nhưng không thuận chúng sinh.

8. Tùy thuận pháp nhưng không thuận đoạn kiến.

9. Tùy thuận pháp không từ nơi đạo.

10. Dùng trí phương tiện thiện xảo để tương ưng, chẳng phải là không tùy thuận.

Thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp không thể không tùy thuận.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp khéo thông hiểu về pháp giới.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Đầy đủ trí tuệ.

2. Được tri thức thiện thâu nhận.

3. Tinh tấn dũng mãnh.

4. Lìa xa hết thảy chướng ngại.

5. Khéo được thanh tịnh.

6. Sinh tâm ân trọng đối với điều được dạy bảo.

7. Hằng tu không tướng.

8. Lìa xa những kiến chấp lệch lạc, hẹp hòi.

9. Khéo hành Thánh đạo.

10. Thấy rõ chân đế.

Đó là mười pháp.

Này thiện nam! Bồ Tát nuôi dưỡng tuệ mạng phải nên thân cận thiện hữu, sinh tâm hoan hỷ khi gặp tri thức thiện. Đối với thiện hữu nên sinh tưởng như Thế Tôn, y chỉ mà trụ. Nương thiện hữu rồi, dũng mãnh tinh tấn diệt trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu viên mãn hết thảy pháp thiện.

Dũng mãnh như vậy, tất cả chướng ngại đều được diệt tận. Chướng ngại không còn nhưng vẫn tấn tu không dừng, nên được thanh tịnh. Lìa xa tất cả thân khẩu ý ác cùng nghiệp phá giới. Được thanh tịnh rồi, đối với điều được dạy bảo sinh tâm ân trọng.

Ân trọng lời dạy rồi, luôn tu không tướng. Tu không tướng rồi, chẳng sinh thấy biết điên đảo. Lìa xa thấy biết điên đảo rồi, tu tập Thánh đạo.

Tu Thánh đạo rồi liền thấy chân thật.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là chân thật?

Phật bảo: Này thiện nam! Chân thật là chẳng điên đảo.

Bồ Tát thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng điên đảo?

Phật bảo: Thiện nam! Chẳng hư vọng gọi là không điên đảo.

Bồ Tát thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng hư vọng?

Phật bảo: Tức là pháp Như như không biến đổi.

Bồ Tát thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là như như?

Phật bảo: Cái Như như ấy là pháp chứng biết ở bên trong, chẳng thể dùng văn tự hiển bày.

Vì sao?

Vì pháp này tất cả nẻo ngôn ngữ đều chết. Văn tự, chương cú chẳng thể giải thích được. Nó vượt qua cảnh giới âm thanh, lìa các khẩu nghiệp, dứt các lý luận, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng ra, chẳng vào, chẳng hiệp, chẳng tán, chẳng thể dò xét, chẳng thể suy tính.

Vượt qua cảnh giới toán số, chẳng phải chốn hành của tâm, không ngại, không tưởng, vượt qua cảnh giới của tưởng, vượt qua hết thảy cảnh giới ấu trĩ, chẳng phải nơi đến của tất cả kiến giải còn non kém. Vượt qua tất cả cảnh giới của ma. Vượt qua tất cả cảnh giới của phiền não. Vượt qua cảnh giới của thức, không có chỗ trụ, không trụ nơi hành xứ của Thánh trí tịch tĩnh.

Chỗ được chứng đắc bên trong như vậy, không cấu, không uế, không nhiễm, thanh tịnh vị diêu bậc nhất, rốt ráo tối thắng, thường hằng, an nhiên, chẳng phải pháp sinh diệt. Như Lai xuất hiện ở đời, hay không xuất hiện ở đời, pháp giới vẫn thường như vậy.

Này thiện nam! Bồ Tát vì pháp này nên tinh cần không bê trễ, tu hành tinh tấn, nhẫn các loại khổ. Khổ hạnh như vậy mới chứng pháp giới ấy. Ở trong pháp này lại an lập thêm cho tất cả chúng sinh.

Thiện nam! Đó gọi là Như như, gọi là thật tế, gọi là nhất thiết trí, gọi là nhất thiết chủng trí, gọi là cảnh giới bất khả tư nghì, gọi là cảnh giới không hai.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Kính bạch Thế Tôn! Làm sao để chứng, làm sao đạt được pháp giới gọi là chỗ được chứng đắc bên trong như vậy?

Phật bảo: Thiện nam! Cần phải dùng trí tuệ xuất thế gian mới có thể nội chứng, nội đắc.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Kính bạch Thế Tôn! Dùng trí nơi đối tượng được chứng đắc thì có thể đạt được nội chứng không?

Phật bảo: Thiện nam! Chẳng được.

Vì sao?

Vì phải dùng trí tuệ mới có thể thấy pháp như thật để thân chứng.

Bồ Tát lại thưa: Kính bạch Thế Tôn! Các thiện nam hoặc dùng văn tuệ, hoặc dùng tư tuệ chứng đắc pháp này, có thể gọi là nội chứng chăng?

Phật bảo: Thiện nam! Chẳng thể được.

Vì sao?

Vì chẳng thể dùng văn tuệ, chẳng thể dùng tư tuệ mà nội chứng pháp ấy.

Này thiện nam!

Ta nay vì ông mà nói thí dụ: Thiện nam! Như vào cuối tháng mùa hạ, giữa khu rừng hoang dã rộng lớn, giả sử có người từ phương Đông đi qua thành phương Tây. Lại có một người từ phương Tây đi qua thành phương Đông, anh này bị nung nóng, khổ sở, não loạn vì quá khát nước.

Giữa đường gặp người phương Đông đi đến, anh hỏi: Nhân Giả! Nay tôi bị nóng bức khó chịu vì cái khổ khát nước.

Anh có thể vì tôi chỉ đường đến nơi có ao, hoặc hồ nước trong sạch, mát mẻ không nhơ, có thể giúp tôi trừ được cơn khát này?

Khi ấy, người đến từ phương Đông biết rõ đường đi đến chỗ nước mát, vì tự thân anh đã từng uống nước này và tắm rửa tại đây, anh ta liền đáp: Nhân Giả! Theo con đường này, ông đi thẳng đến chỗ kia, thấy có hai đường, nên tránh đường bên trái, đi đường bên phải. Đi mãi sẽ có rừng cây tươi tốt. Trong khu rừng này có ba ao nước trong sạch, thơm ngon, hòa diệu, nhẹ nhàng, mát mẻ, đầy đủ tám công đức.

Thiện nam! Ý ông nghĩ sao?

Người bị bức não do cái khổ khát nước ấy mới nghe tên nước, nghĩ đến nước này có thể trừ hết khát không?

Liền chứng biết nước này mát mẻ không?

Bồ Tát thưa: Không, bạch Thế Tôn! Người khát nước ấy phải đến chỗ nước trong mát kia uống, tắm rồi cơn khát mới dứt trừ, tự thân mới chứng biết.

Phật bảo: Này thiện nam! Hai tuệ văn, tư chẳng được nội chứng, cũng lại như vậy.

Này thiện nam! Khu rừng ấy tức là sinh tử. Người bị khổ nóng bức là tất cả chúng sinh.

Vì sao?

Vì bị ba chướng phiền não thiêu đốt, bứt bách nên khao khát năm dục.

Người chỉ đường đi ấy là Bồ Tát khéo hiểu đạo nhất thiết trí, đã chứng pháp này, nội chứng đắc pháp.

Nước thanh tịnh ấy tức là Đệ nhất nghĩa đế.

Này thiện nam! Ta nay vì ông lại nói thí dụ, ông nên lắng nghe.

Thiện nam! Ý ông nghĩ sao?

Giả sử Chư Phật Như Lai thọ mạng một kiếp, trụ nơi Thế Giới, ở Cõi Diêm Phù Đề, Như Lai đối trước mọi người xưng tán vị cam lồ: Sắc hương, mỹ vị thanh tịnh, mềm mại đầy đủ.

Những chúng sinh này nghe khen món ăn ấy có được no không?

Bồ Tát thưa: Không, bạch Thế Tôn!

Phật bảo: Thiện nam! Vì ý nghĩa ấy ông nên biết, hai tuệ văn, tư chẳng thể nội chứng đắc pháp như thật.

Lại nữa, thiện nam! Hãy lắng nghe thí dụ: thiện nam! Ví như một người từng ăn quả cam, biết được mỹ vị của nó. Đối trước mọi người, anh ta tán thán sắc, hương, vị, xúc của nó đầy đủ.

Thiện nam! Ý ông nghĩ sao?

Những người này nghe nói mùi vị của quả cam, họ có được mùi vị ấy không?

Bồ Tát thưa: Không, bạch Thế Tôn!

Phật dạy: Thiện nam! Nương nơi nghĩa ấy nên biết, hai tuệ văn, tư chẳng thể nội chứng đắc pháp như thật.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Lành thay, Thế Tôn! Lành thay, Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn!

Những chúng sinh kia làm sao chứng đắc pháp ấy?

Phải chăng do nhân duyên từng nghe Kinh này?

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Vì những chúng sinh kia chứng đắc pháp, nhân nghe pháp ấy mà không điên đảo.

Phật bảo: Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Được nghe pháp này, do không điên đảo, nên được pháp ấy như ta không khác.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát mười pháp thông hiểu pháp giới.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp hành cảnh giới không.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Lực không.

2. Vô úy không.

3. Phật bất cộng pháp không.

4. Giới tạng không.

5. Định tạng không.

6. Tuệ tạng không.

7. Giải thoát tạng không.

8. Giải thoát tri kiến tạng không.

9. Nhất thiết pháp không.

10. Không không.

Bồ Tát đều biết rõ tất cả, không vì nhân duyên này mà thủ đắc pháp không, cũng chẳng chấp trước nơi không, cũng không thấy biết không, cũng không nương nơi không, cũng chẳng vì nhân duyên này mà rơi vào tướng đoạn diệt.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp hành cảnh giới không.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp trụ nơi vô tướng.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Lìa tướng ở ngoài.

2. Lìa tướng ở trong.

3. Lìa các hý luận.

4. Lìa tất cả sự phân biệt.

5. Lìa tất cả sở đắc.

6. Lìa tất cả chuyển động.

7. Lìa tất cả hành xứ.

8. Lìa tất cả cảnh giới.

9. Chẳng thủ đắc nơi thức.

10. Cũng chẳng thủ đắc nơi pháp theo đối tượng của thức.

Này thiện nam! Đó là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp trụ nơi vô tướng.

Khi ấy, Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chư Phật, Bồ Tát quan sát pháp vô này như thế nào?

Phật bảo: Này thiện nam! Chỗ này thì chẳng thể nghĩ bàn, do nghĩa ấy rất thâm diệu.

Vì sao?

Vì nó vượt qua cảnh giới của ý thức. Hết thảy chúng sinh đối với pháp này đều sinh loạn động.

Thiện nam! Pháp của Như Lai này là bất khả tư nghì. Tất cả chúng sinh chẳng thể thấy biết. Pháp của Như Lai này vi diệu hết mức, chẳng thể suy tính, lao nhọc tâm thức.

Vì sao?

Thiện nam! Vì pháp này khó chứng nhập, sâu xa, vượt mọi nẻo ngôn luận, không bỉ, không thử, bình đẳng như hư không, chẳng phải là cảnh giới của tất cả luận sư, chẳng thể suy lường, chẳng thể dò xét.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Bạch Thế Tôn! Hôm nay con muốn hỏi thêm, xin Thế Tôn cho phép?

Phật dạy: Thiện nam! Ông tùy ý hỏi, ta sẽ giải đáp.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại liền bạch Phật: Như điều Phật dạy, pháp vô tướng này tất cả chúng sinh chẳng thể thấy biết.

Vậy pháp của Như Lai ấy ai có thể tin?

Như Lai là Đấng Pháp Vương mà tự khen mình, chẳng phải là cao ngạo, tăng thượng mạn sao?

Phàm là cao ngạo thì chẳng phải là tướng Đại nhân.

Phật bảo: Thiện nam! Ông hỏi rất hay! Hãy khéo lắng nghe mà suy nghĩ.

Bồ Tát thưa: Con xin lắng nghe! Bạch Đức Thế Tôn!

Phật bảo: Này thiện nam! Phật không kiêu mạn, cũng không cống cao ngạo, không vì danh tiếng, không vì lợi dưỡng, không vì tri thức, chẳng tự khen hư dối, chẳng tự cao hư dối. Chỉ vì tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh chứng đắc pháp ấy nên nói lời như thế.

Vì sao?

Vì những chúng sinh kia ở bên Như Lai nghe lời ấy liền được đại hoan hỷ, thanh tịnh vô lượng, sẽ được pháp ấy không khác. Ta ngày nay, làm bậc pháp khí nhiều kiếp đạt lợi ích an lạc, cho đến chứng đắc đạo quả bồ đề vô thượng.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Những chúng sinh này sẽ không biết oai thần nơi Phật chăng?

Phật bảo: Thiện nam! Những chúng sinh này chẳng biết.

Vì sao?

Vì tâm còn thấp kém.

Thiện nam! Cõi Phật đây có nhiều chúng sinh tâm ý nhỏ hẹp, thấp kém, trí nhỏ, tín nhỏ, ít phần thiện căn. Do vậy chẳng biết công đức, oai thần của Như Lai. Vì những chúng sinh này nên Phật tự khen mình, khiến họ đối với Phật sinh tâm tin tưởng.

Này thiện nam! Như có một vị Y Vương khéo giỏi trị bệnh. Khi ấy có nhiều chúng sinh bị bệnh khổ trầm trọng. Nơi thôn xóm ấy chỉ có vị lương y này, không còn ai khác. Những chúng sinh bệnh khổ trầm trọng, không một ai biết vị lương y này khéo giỏi trị bệnh, đầy đủ oai đức.

Khi ấy, lương y nghĩ: Những người bệnh này khốn khổ đáng thương, bị khổ não bức bách, chẳng biết dược tánh, chẳng biết tăng giảm. Ta nay nên vì những chúng sinh này mà điều trị cho họ hết bệnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần