Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Năm - Phẩm An Lạc Hạnh - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẨM NĂM
PHẨM AN LẠC HẠNH
TẬP BA
Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp an tọa không nằm.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Không vì hành thân khổ mà ngồi, không ngủ.
2. Không vì tâm ưu não mà ngồi, không ngủ.
3. Không vì bị lôi kéo nên thân ngồi, không nằm.
4. Đại Bồ Tát ngồi mãi không ngủ.
5. Chỉ vì nhằm làm viên mãn các hạnh Bồ Đề.
6. Vì nhất tâm.
7. Vì hướng đến chánh đạo.
8. Vì ngồi nơi Đạo Tràng.
9. Vì tạo lợi ích cho chúng sinh.
10. Vì diệt tất cả phiền não… nên ngồi mà không nằm.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp thường ngồi, không nằm.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp tùy nghi trải tòa ngồi, nằm.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Chỗ ngồi không quá cao, sang trọng.
2. Cũng không mong cầu người khác trải tòa cho mình.
3. Cũng không giả trang thiền tướng để người trải tòa.
4. Chỗ ngồi hoặc bằng lá, hoặc bằng cỏ, tùy theo đó mà ngồi.
5. Nếu chỗ ngồi có quá nhiều trùng, kiến, muỗi, ruồi, nhặng, rệp… làm hang ở và chỗ thiêu thây chết, Bồ Tát đều nên tránh xa.
6. Nếu khi an nghỉ, Bồ Tát nằm nghiêng hông phải, hai chân chồng lên nhau, Ca Sa phủ thân, chánh niệm nhiếp tâm, tác tưởng ánh sáng, luôn tác tưởng thức mà tạm ngủ.
7. Không đắm say ngủ.
8. Không ưa nằm mãi một bên.
9. Vì điều hòa thân, giữ cho bốn đại không quá mệt nhọc.
10. Ngày đêm dụng tâm vào pháp trợ đạo.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp tùy nghi trải tòa ngồi, nằm.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp nhiếp tâm cùng lý tương ưng.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Tu nhiều quán bất tịnh.
2. Tu nhiều quán từ bi.
3. Tu nhiều quán mười hai nhân duyên.
4. Khéo biết pháp nhiễm tâm.
5. Tu nhiều tướng không.
6. Tu nhiều vô tướng.
7. Tu nhiều nhiếp tâm.
8. Không có chỗ mong cầu.
9. Thường tu không nghỉ, không để hối hận.
10. Đầy đủ giới phẩm.
Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tu nhiều quán bất tịnh?
Thiện nam! Đại Bồ Tát một mình ở chỗ thanh vắng, ẩn trong rừng núi, không ra nhân gian. Ngồi kiết già khiến thân điều hòa, ngay thẳng. Tâm cũng điều hòa chân chánh, chuyên nhất mặc niệm.
Thấy chi tiết của thân. Co, duỗi, cúi, ngước sinh tâm chán bỏ. Nên quán ba mươi sáu vật trong thân, niệm niệm theo thứ lớp, chớ quán lơ là. Quán như vậy cho đến quán các loại ẩm thực mỹ vị tịnh khiết của chúng sinh hoặc tốt, hoặc xấu, đưa vào trong bụng, liền thành bất tịnh. Tiếp xúc với lửa bên trong liền thành khí uế, hôi thối, trái nghịch lỗ mũi, tất cả thế gian chẳng ai chịu nổi.
Thân như vậy mà tất cả hàng phàm phu chúng sinh luyến đắm, Bồ Tát nên khéo dùng trí tuệ nương nơi Thánh giáo quán sát nó một cách như thật. Do vậy, nay ta không nên ái luyến thân hôi thối này. Nhờ nhân duyên ấy nên nhàm chán, xa lìa nó. Đó là Bồ Tát tu nhiều quán bất tịnh.
Thế nào là Bồ Tát tu nhiều quán từ bi?
Đại Bồ Tát một mình ở nơi thanh vắng, nói đủ như trước, y theo thứ lớp như trước mà suy nghĩ: Những chúng sinh này có nhiều sân hận, oán thù, phẫn hận, tạo các nghiệp ác, kết tạo oan gia, vô cớ trách mắng chủ. Nếu ở quá khứ, hiện tại, vị lại, tất cả sân hận đã diệt tận rốt ráo thì ta mới được ngồi nơi Bồ Đề Đạo Tràng. Bồ Tát tư duy quán rất sâu xa như vậy nên khởi tâm từ bi chân thật, chẳng nói suông.
Bồ Tát tu nhiều quán mười hai nhân duyên như thế nào?
Nếu khi tham dục sinh, hoặc sân hận sinh, hoặc ngu si sinh, Đại Bồ Tát nên tư duy: Tham, sân, si này mượn nhân duyên sinh, mà nhân duyên ấy lại mượn nhân duyên khác sinh… các pháp này đều do nhân duyên khác sinh, không có tự tánh, đều là hư vọng do nhân duyên sinh mà tự tạo cho minh cái ung nhọt.
Bồ Tát khéo biết pháp nhiễm tâm như thế nào?
Đại Bồ Tát quán pháp nhiễm này, hoặc ở tâm mình, hoặc ở tâm người khác, chẳng thể lường xét. Vì diệt những pháp nhân duyên ấy nên Bồ Tát quán sát chúng.
Pháp nhiễm ấy là gì?
Đó là không kính Phật, không kính Pháp, không kính Tăng, không kính giới luật, không kính bạn đồng học, không kính già trẻ… đây gọi là pháp nhiễm ô nơi tâm.
Chỉ trọng thân mình, khinh chê người khác, buông lung tán loạn theo các cảnh giới, chối bỏ Niết Bàn, chấp chặt ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, chấp trước không kiến, chấp trước đoạn kiến, chấp thường, vô thường.
Oán ghét người thiện, thân cận phàm ngu, xa người trí giới, gần đám phá giới, phục dịch bạn ác, xa trí thức thiện, hủy báng Kinh Điển sâu xa của Chư Phật.
Đối với pháp thâm diệu sinh tưởng lo sợ, bê trễ, biếng nhác.
Ở trong thân mình, sinh tưởng thấp kém, không có oai đức, lời nói lẫn lộn, sinh nghi phi xứ. Chỗ đáng nghi thì không nghi, chỗ không nên nghi thì lại nghi.
Bị các chướng, kết sử trói buộc. Huyễn hoặc người đời, chia rẻ, dua nịnh, mê ngủ, mờ mịt, chỉ tham lợi dưỡng, mong cầu danh tiếng, dựa vào dòng họ, luyến ái quyến thuộc, mê nhiễm tà kiến, cậy nhờ đất nước, luyến mộ đám đông, học tập chú thuật Lộ Già Da Đà, chuộng văn chương thế tục, xả ly chánh pháp, bỏ sự hành đạo.
Đối với pháp bất thiện thì nhanh nhẹn, chuyên cần gây dựng. Đối với nghiệp công đức thì không siêng năng tạo lập. Oán ghét, chê bai người xuất gia. Chỉ ưa ca vịnh, khen ngợi nữ sắc, diệu ngọt với các thiếu niên hoặc nam hoặc nữ.
Chẳng thích tịch tĩnh, ở nơi A Lan Nhã buồn rầu không vui.
Đối với pháp thiện, bất thiện chẳng biết dò xét, lường tính.
Những nơi đáng tôn trọng thì không đến thăm hỏi, gần gũi cúng dường. Đọc tụng Kinh Điển thì chẳng biết thời. Ở chỗ hành xử chẳng tránh sự cơ hiềm. Đối với các điều khinh trọng của giới luật đều chẳng thọ trì. Đối với các pháp ác thì chẳng kinh sợ.
Các căn ám độn, ngu si, tăm tối. Tâm luôn vọng động, thích thú với nghiệp ác. Một mình tự buông thả, chẳng kiên sợ gì, giữ lấy pháp chống trái, ưu lự sầu não. Chấp theo hình tướng, bình phẩm, so lường sắc đẹp, sắc xấu.
Không tu từ bi nơi cảnh sân hận. Không khởi lòng thương cảm những người khốn khó. Thấy khổ bệnh tật không sinh chán bỏ. Thấy chết không sợ. Ở trong nhà lửa không muốn thoát ra. Thân chỉ lo việc kinh doanh, chẳng hộ trì giới luật.
Trong đời quá khứ đã làm việc gì?
Đời hiện tại đang làm việc gì?
Nơi đời vị lai sẽ làm việc gì?
Những chảnh giới như vậy đều không tư duy.
Nơi chẳng thể nghĩ bàn cho là có thể nghĩ bàn. Nơi chẳng thể lường xét cho là có hạn lượng. Cái chẳng thể cầu lại siêng năng tìm cầu. Chỗ chẳng thanh tịnh tưởng là thanh tịnh. Nơi chẳng xuất ly tưởng là xuất ly. Nơi chẳng phải chánh đạo tưởng là chánh đạo. Ở chỗ chưa đắc mà nói đã đắc.
Ta nay đa sự, chưa được tu thiện. Ta là phàm phu, nào có thể tu hành các pháp Thánh đạo, đắm luyến việc đời, tìm cầu từng bữa ăn, tránh bỏ công đức, thiện căn ít mỏng, chẳng tán thán pháp đại, tiểu thừa. Giả sử thấy người ưa tin chánh pháp của Phật thì hủy báng họ.
Thích sự tranh chấp ưa tướng phải trái. Ác khẩu, thô bạo, tự đại, cao ngạo, hung dữ, mắng chửi, nhiễu loạn, xâm phạm người khác. Nói lời vô nghĩa. Thích bàn luận hơn người. Điều chẳng thể nói, lại ham giảng nói. Ưa hý luận, đam mê chơi bời.
Những việc như vậy gọi là pháp nhiễm ô, hay làm nhiễm ô tâm, nên khéo biết rõ.
Vì diệt trừ tất cả sự hý luận nên thường tu pháp không mà nhập thiền định.
Do điều phục tâm ấy, tu không như vậy, nên đối với cảnh giới này, tâm theo nơi đó bị nhiễm. Nên tìm chỗ này, cầu đạt thể tánh ấy liền thấy là không sở hữu.
Do không sở hữu nên thông đạt không. Đều nên quán sát cảnh của đối tượng được duyên và tâm của chủ thể duyên.
Quan sát vậy rồi, hai pháp tâm cảnh đều thấy là không sở hữu mà thông đạt không.
Do thông đạt không nên tu vô tướng, thâu giữ tâm ấy, nhập vào thiền định. Tất cả tướng mạo hiển hiện tương tợ. Khéo quán sát nó liền thấy phi tướng.
Đã rõ phi tướng, chẳng thủ đắc nơi thân, tức là không có chân tướng.
Được vô tướng rồi thì không còn chấp vào thân mình.
Chẳng chấp trước vào thân nên chẳng được tất cả các cảnh tướng bên ngoài.
Đối trước các ngoại cảnh, tâm chẳng dời đổi, chẳng tác phân biệt. Tâm đã bất động nơi tướng bên ngoài và bên trong.
Vì diệt trừ chấp tướng nơi vô tướng nên tu quán hành, không sinh vui buồn. Tuy được định này nhưng tập khí còn nhiều. Vì diệt tập khí nên thường tu định ấy, tâm tâm tương tục không để dứt đoạn, giống như vòng lửa. Trụ ở trong Xa Ma Tha và Tỳ Bà Xá Na.
Tỳ Bà Xá Na nghĩa là pháp quán như thật.
Xa Ma Tha nghĩa là nhất tâm tịch mặc.
Được định tâm rồi, sau chẳng còn hối.
Do chẳng còn hối nên sinh tâm hoan hỷ.
Do đâu hoan hỷ?
Do giới thanh tịnh.
Tất cả Bồ Tát đầy đủ giới phẩm, nhiếp tâm thanh tịnh, cùng lý tương ưng.
Vì sao?
Vì giới thanh tịnh nên thâu tóm, tâm được thành tựu, cho nên gọi là cùng lý tương ưng.
Thiện nam! Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ mười pháp thâu tóm tâm cùng lý tương ưng.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp thọ trì Kinh Điển.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Vì hộ trì chánh pháp nên đến nghe pháp, không vì tiền tài.
2. Vì hộ trì chánh pháp nên chuyên cần nghe chánh pháp, không vì lợi dưỡng.
3. Vì không để chủng tánh của Tam Bảo đoạn tuyệt nên chuyên cầu đa văn, không vì lợi dưỡng của thế gian.
4. Vì muốn làm lợi ích cho người học đại thừa nên tu tập đa văn, không vì sự tán thán.
5. Vì các chúng sinh không ai cứu hộ, vì nhân duyên là đem lại lợi ích nên tu tập đa văn.
6. Vì chúng sinh bị ba khổ bức bách mà tạo sự an lạc nên tu tập đa văn.
7. Vì các chúng sinh không có tuệ căn, làm cho họ được tuệ căn nên tu tập đa văn.
8. Vì người tiểu thừa mà nói pháp Thanh Văn nên tu tập đa văn. Vì người đại thừa mà nói đạo Bồ Tát nên tu tập đa văn.
9. Vì tự chứng đắc trí tuệ vô thượng nên tu tập đa văn.
10. Vì không cầu thừa thấp nên tu tập đa văn.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp thọ trì Kinh Điển.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp thọ trì Tỳ Ni.
Những gì là mười?
Đó là: Biết rõ Tỳ Ni cùng với thể của luật tông. Tỳ Ni sâu xa, Tỳ Ni vi tế, phạm cùng không phạm. Tánh tội, chế tội, Ba La Đề Mộc Xoa. Cội nguồn của việc tu học. Tỳ Ni của Thanh Văn, Tỳ Ni của Bồ Tát, Bồ Tát thảy đều biết rõ.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp thọ trì Tỳ Ni.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp oai nghi, hành xử tề chỉnh trọn vẹn.
Những gì là mười?
Đó là:
1. Đã từng học pháp Thanh Văn.
2. Đã từng tu học pháp Duyên Giác.
3. Đã từng tu học pháp Bồ Tát.
4. Học như vậy rồi nên oai nghi đầy đủ.
5. Phàm là Sa Môn, những chỗ trống không nên đến đều phải lìa xa.
6. Vì nhân duyên ấy nên không đến những nơi phi xứ, không đi phi thời, không đến Quốc Độ phi pháp.
7. Tu hạnh Sa Môn nên đến chỗ cần đến.
8. Không mất oai nghi.
9. Chớ để Sa Môn, Bà La Môn chê cười.
10. Xét oai nghi ấy cùng lý tương ưng. Lại giáo hóa người khác khiến trụ nơi pháp ấy, khiến người hành pháp đủ các oai nghi tinh tế, nội tâm tương ưng không có hư dối.
Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp oai nghi hành xử tề chỉnh trọn vẹn.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp tâm không xan tham, cũng không ganh ghét.
Những gì là mười?
Đó là: Tự hay tuệ thí. Lại khuyên người khác hành bố thí. Tán thán sự bố thí. Thấy người bố thí liền khởi tâm tùy hỷ. Tán thán, khích lệ, làm cho người bố thí hoan hỷ.
Không nên khởi niệm: Chỉ thí cho ta, chẳng thí người khác. Chỉ để mình ta đầy đủ, chẳng để người khác được đầy đủ.
Phải nên nghĩ rằng: Làm cho các chúng sinh được an lạc, đầy đủ các loại tiền tài. Hoặc ở thế gian, hoặc xuất thế gian đều đầy đủ an lạc. Ta nay vì những chúng sinh này mà tạo lợi ích, an lạc, tu các khổ hạnh. Do vậy, nay ở bên chúng sinh, ta không nên khởi các tâm xan tham, ganh ghét.
Này thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp không có tâm xan tham, ganh ghét.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba