Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Thọ Ký đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT
CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI SÁU
PHẨM THỌ KÝ ĐẠI BÍ MẬT
CHỦ BỒ TÁT KIM CANG THỦ
Lúc ấy, các Bồ Tát trong hội đều khởi ý nghĩ như vậy: Còn bao lâu nữa Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ mới thành tựu quả vị giác ngộ cao tột?
Cõi Phật ấy tên là gì?
Bồ Tát thành Phật hiệu là gì?
Quyến thuộc viên mãn số ấy bao nhiêu?
Khi ấy Đức Thế Tôn biết tâm niệm của các Bồ Tát liền mỉm cười. Pháp mà Chư Phật mỉm cười nhất định là có nhân duyên. Lúc đó, từ mặt Thế Tôn phóng ra vô lượng tia sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, xanh biếc. Các tia sáng ấy chiếu khắp vô lượng, vô biên Thế Giới đến tận cả Phạm Thế, rồi ánh sáng ấy xoay trở lại chỗ Phật vòng quanh ba vòng bên phải rồi nhập vào đảnh Phật.
Lúc đó Đại Bồ Tát Tịch Tuệ ở trước Đức Phật chắp tay cung kính, dùng kệ vi diệu thỉnh hỏi:
Như tia sắc vàng diệu vô cấu
Mặt như vầng trăng, thể rạng ngời
Ánh sáng nhật quang xua tăm tối
Thế Tôn mỉm cười vì lý gì?
Tư thế tịch định tướng hoa sen
Rống tiếng đại bi tăng tấn lực
Niệm trí công đức, xông diệu hương
Thiện Thệ liên hoa cớ sao cười?
Niệm như đèn sáng, định như dầu
Đốt đèn từ bi phá tam cấu
Ánh sáng diệu tuệ xua tối tăm
Thiện thệ trí sáng vì sao cười?
Vầng sáng từ bi, tuệ quán sát
Dứt trừ tam cấu, diệt tối tăm
Tịnh khai mắt trí lợi thế gian
Phật nhật diệu quang cớ sao cười?
Phật biết ý ba cõi thế gian
Chiếu thấu tất cả tâm Trời, Người
Mat hiền Thế Tôn nhìn chúng sinh
Nay đây duyên cớ Thế Tôn cười?
Bồ Tát Tịch Tuệ nói kệ xong, Đức Thế Tôn liền bảo Đại Bồ Tát Tịch Tuệ: Nay Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ này, vào hiền kiếp ở chỗ Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, cầm chày Kim Cang, thường xuyên cúng dường đem tâm lợi ích giữ gìn chánh pháp. Nay ở trong giáo pháp bí mật của ta xiển dương rộng rãi. Vì vô lượng tất cả chúng sinh mà thành thục căn lành Bồ Đề tối thượng.
Trong hiền kiếp này, cho đến cuối cùng ở trong pháp của Đức Như Lai Lâu chí mà nhập diệt, rồi sinh qua Thế Giới Cực lạc trong cõi của Đức Như Lai A Súc, Đức Như Lai A Súc vì các Bồ Tát mà nói một trăm lẻ tám ấn bí mật. Lúc đó, Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ nghe pháp bí mật ấy rồi, không nhờ gia hạnh mà đã hiểu rõ nghĩa thú, tùy thuận theo lý như thật tu hành.
Về sau lại ở chỗ vô lượng, vô số các Đức Như Lai thân gần cung kính tôn trọng cúng dường. Bồ Tát Kim Cang Thủ ở chỗ mỗi Đức Phật ấy, đều tu phạm hạnh hộ trì chánh pháp, rộng vì trăm ngàn ức chúng sinh mà thành thục pháp giác ngộ.
Về sau quá hằng hà sa số kiếp, viên mãn Bồ Đề pháp phần, rồi mới thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, hiệu là Kim Cang Bộ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời. Thế Giới ấy tên là Phổ tịnh, kiếp tên Thanh diệu.
Này Tịch Tuệ! Thế Giới Phổ tịnh, cõi nước của Đức Như Lai Kim Cang Bộ, an ổn sung sướng, trang nghiêm thanh tịnh trong suốt đẹp mắt, Trời, Người đông đúc, Bồ Tát vô kể, đầy đủ bảy báu, trang nghiêm đẹp đẽ lạ thường. Các thứ bảy báu như vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách và ngọc châu đỏ, bảy thứ báu này được cất chứa cao đến tám bước ở trong Thế Giới ấy. Đất đai bằng phẳng như lòng bàn tay, mềm mại như Ca tả lân ni, ai cũng thích rờ vào.
Dựng tràng phan vi diệu, dây báu đan chéo nhau, hoa báu Trời vi diệu rơi xuống khắp nơi, các thứ hương thơm tinh diệu xông tỏa, trong hư không âm nhạc tự nhiên trổi lên, không có các đường ác và hiểm nạn, thọ dụng tối thắng như Cõi Trời Đâu Suất.
Lại nữa, Thế Giới ấy, tùy theo ý muốn mà được đầy đủ cung điện, nhà cửa, vườn rừng, lầu gác, ăn uống, y phục và các thứ trang nghiêm khác, tất cả đều đầy đủ tùy ý sử dụng. Sự thọ dụng này cũng giống như Trời, Người không khác. Các Trời, Người lòng tin rộng lớn, thâm hiểu trí Phật.
Lại nữa, ở Thế Giới ấy không nghe đến danh tự của hàng Nhị thừa Thanh Văn, Duyên Giác. Đức Phật ấy nói pháp thuần nhất thanh tịnh của Đại Bồ Tát, Đức Như Lai Kim Cang Bộ có trăm ngàn Bồ Tát làm quyến thuộc.
Người trong Thế Giới ấy không hoại luật nghi, thọ mạng không giảm, không phá giới hạnh, không mất chánh kiến, cũng không có các hạng người điên cuồng, câm điếc, què, lưng gù, xin ăn, hung ác, tranh đấu, các căn khuyết giảm… tất cả đều trang nghiêm đầy đủ hai mươi tám tướng thù thắng của Trời, Người. Đức Phật ấy thọ đến tám trung kiếp, trong khoảng thế gian đó không có Trời, Người chết yểu.
Tịch Tuệ nên biết! Các việc của Đức Như Lai Kim Cang Bộ là như vậy và còn có vô lượng công đức thù thắng khác. Đức Phật Thế Tôn ấy khi muốn nói pháp liền phóng ánh sáng. Các chúng sinh thấy được ánh sáng này, liền biết Như Lai tuyên nói diệu pháp.
Nếu có chúng sinh khởi lên suy nghĩ muốn đến chỗ Phật để chiêm ngưỡng nghe pháp, liền nhờ vào sức thần thông trí lực gia trì của Đức Phật ấy mà liền đến chỗ Phật. Hoặc có chúng sinh tự dùng thần lực để đến chỗ Phật, tức thì đại chúng Trời, Người đều đến tập hội.
Lúc đó Đức Thế Tôn ấy liền bay lên hư không cao bằng trăm ngàn cây Đa La, tất cả bốn đại châu đều thấy thân tướng rộng lớn của Như Lai. Lại mười phương Thế Giới đều nghe tiếng thanh tịnh vi diệu của Như Lai phát ra, tất cả chúng sinh nghe đều vui thích.
Lại nữa, khi Đức Như Lai ấy tuyên nói chánh pháp cho các Bồ Tát, không có một chúng sinh nào trái với pháp mà Đức Như Lai đã nói. Các chúng sinh ấy căn tánh đều lanh lẹ hiểu biết nhanh chóng. Lại Thế Giới ấy không có Vua, chỉ có Phật Thế Tôn Kim Cang Bộ Như Lai là Pháp Vương tối thượng, tất cả chúng sinh ở cõi ấy không chấp, không ngã.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Đức Kim Cang Bộ Như Lai ở trong Cõi Trời, Người đó, muốn đi khất thực, thì lúc đó hoặc Trời, hoặc người liền thấy Thánh tượng Như Lai đứng ở trước ôm cầm bình bát. Các Trời, Người ấy thấy thánh tượng rồi, đều muốn dâng thức ăn thanh tịnh lên Như Lai và tùy theo ý muốn mà các dụng cụ để ngồi, nằm và thức ăn trăm vị… thảy đều trang nghiêm đầy đủ.
Đức Phật ấy biết đúng thời mà nhận sự cúng dường. Đức Phật nhận cúng dường rồi, liền rời khỏi nhà trở về Tăng phòng của Như Lai. Các Bồ Tát cũng tùy sự thích ứng mà nhập Tam Ma Địa.
Tịch Tuệ nên biết! Thế Giới mà Đức Như Lai kia ở đầy đủ như vậy và còn có vô lượng công đức thù thắng khác nữa, cho nên gọi là Thế Giới Phổ tịnh.
Khi Đức Thế Tôn thọ ký cho Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ, trong hội có hai vạn người phát tâm hướng đến quả vị giác ngộ, tất cả đều nguyện sinh vào cõi của Đức Kim Cang Bộ Như Lai, Thế Giới Phổ tịnh.
Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ nghe Phật thọ ký như vậy tâm sinh vui thích phấn khởi hoan hỷ, liền ném chày Kim Cang, tam thiên đại thiên Thế Giới sáu cách chấn động, Trời mưa các hoa âm nhạc trổi lên. Lại ở trong tất cả chúng hội, tay phải tự nhiên hiện ra các vòng hoa màu sắc tươi đẹp tối thượng.
Khi ấy, Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ ở trước Phật chắp tay chí thành nói kệ rằng:
Đấng Pháp Vương quảng bác
Diệu pháp tạng vô tận
Vì lợi ích thế gian
Khéo phân biệt các pháp.
Đã ở trong các pháp
Xả trừ ý keo kiệt
Tùy pháp, nương pháp tu
Con quy mạng Thiện Trụ.
Phật tịnh hóa Bồ Tát
Hạnh thanh tịnh viên mãn
Danh xưng Công Đức Vương
Vang khắp cả ba cõi,
Hay ở trong thế gian
Thường trì trí vô tận
Khéo tu hạnh bình đẳng
Đảnh lễ không chướng ngại,
Nguyệt quang thật viên tịnh
Biến tịnh lại thanh tịnh
Nhật quang thật sáng rỡ
Diệu quang càng tụ sáng,
Phạm âm cực diệu âm
Tịnh âm tiếng thâm diệu
Tam Bảo vượt kim quang
Nên nay con đảnh lễ.
Thường hiện thân tịnh diệu
Lìa nói năng phân biệt
Tuy là Đại Pháp Sư
Nhưng không sinh pháp tưởng,
Giải thoát các chúng sinh
Nhưng không chúng sinh tưởng
Thế gian làm thế nào
Để báo đại ân Phật?
Trong công đức thắng lợi
Chỉ xuất gia mới báo
Khi nghe Phật trao truyền
Nên chuyển vô úy pháp
Tùy chỗ thọ pháp môn
Chân tu hành như lý.
Khi ấy, Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ và tất cả đại chúng trong hội, đều đem các vòng hoa đẹp rải lên Đức Phật. Nhờ oai thần của Phật nên khi rải vòng hoa, tức thời khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, đều hiện các vòng hoa đẹp trang nghiêm, tất cả tích tụ đến tám bước chân.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba