Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới Ba La Mật đa - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BẢY

PHẨM TRÌ GIỚI BA LA MẬT ĐA  

TẬP BỐN  

Lại nữa, này Xá Lợi Tử!

Chín là, Bồ Tát phát tâm như vậy: Thương thay! Tất cả chúng sinh trong thế gian, bởi do chấp trước luyến ái thân mạng, thường làm tất cả hạnh không nghĩa lợi, chạy theo điên đảo.

Cái gì là hạnh không nghĩa lợi?

Đó là chúng sinh luyến tiếc chấp trước vào thân mạng, không ham thích pháp phần bồ đề. Đó là do ngã kiến dẫn dắt, tâm chấp trước ngu si che lấp, chạy theo các việc suy đồi phá hoại. Đây gọi là hạnh không nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh luyến tiếc thân mạng là do ngã kiến dắt dẫn, luyến ái vợ, con, trai, gái, tri thức. Do tâm luyến ái chấp trước che lấp, ngu si tối tăm, xa lìa các việc nhiêu ích. Đây là hạnh không nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh luyến tiếc chấp trước thân mạng, bởi do ngã kiến dẫn dắt, thích làm người nô tỳ để làm các việc, coi ngó giữ gìn. Đây là làm việc không nghĩa lợi.

Lại nữa, tất cả chúng sinh trong thế gian luôn đeo đuổi hạnh nghĩa lợi, hoặc có chúng sinh không tiếc thân mạng, ham thích pháp phần bồ đề, với tâm bồ đề là trước hết, khéo tu ba nghiệp thân, miệng, ý. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh không tiếc thân mạng luôn ham thích pháp phần bồ đề, tâm bồ đề là trước hết, tích tập bố thí Ba la mật đa. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh không tiếc thân mạng, thường ham thích pháp phần bồ đề với tâm bồ đề là trước hết, thực hành bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, nhiếp hóa hết tất cả chúng sinh. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh không tiếc thân mạng, thường ham thích pháp phần bồ đề, với tâm bồ đề là trước hết, tu tập niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn lực, giác đạo, bồ đề phần thù thắng. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh không tiếc thân mạng, thường ham thích pháp phần bồ đề, với tâm bồ đề là trước hết, lắng nghe vâng lời dạy bảo của cha mẹ và các bậc A Xà Lê. Lễ bái, khen ngợi, cung kính, chấp tay, phụng hành các việc. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh khong tiếc thân mạng, thường ham thích pháp phần bồ đề, với tâm bồ đề là trước hết, thường đem tâm thanh tịnh làm việc Tam Bảo. Đây gọi là hạnh có nghĩa lợi.

Lại nữa, chúng sinh nghĩ như vậy: Ta vì tiếc thân mạng, cho nên việc không nghĩa lợi luôn theo đuổi ta. Vậy ta nên siêng năng tinh tấn, thân cận hầu hạ A Xà Lê, không tiếc thân mạng, làm những việc cần làm, nhàm chán thân không chân thật này mong cầu thân chắc chắn chân thật, phước trí thắng lực sẽ được đầy đủ. Do đầy đủ cho nên mọi thao tác tu tập đều được thành tựu, đến bồ đề tràng, sẽ chứng Thánh quả.

Này Xá Lợi Tử! Đây là phát tâm thứ chín của Bồ Tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Nếu người còn luyến tiếc thân mạng

Pháp phần bồ đề không ham thích

Ba nghiệp bất thiện đều tạo đủ

Đó là kẻ ngu si dị sinh

Luyến ái thân mình và vợ con

Và các trai gái cùng quyến thuộc

Tâm chấp trước này không nghĩa lợi

Kẻ ngu si xoay chuyển ba cõi

Lại làm nô tỳ làm mọi việc

Bởi tâm bất giác thường luyến tiếc

Dính mắc vào việc không nghĩa lợi

Nuôi sống cho các loài bốn chân

Chứa nhóm tiền của lúa thóc nhiều

Mình không thọ dụng không cho ai

Không nghĩa lợi này ái trước sâu

Che dấu âm thầm không lộ ra

Nhiễm trước vào không nghĩa lợi này

Tâm kẻ ngu si thường ái tiếc

Ngược lại với thiện ý Bồ Tát

Xả bỏ không thể sinh yêu thích

Nếu người không tiếc cả thân mạng

Ham thích bồ đề phần thù thắng

Ba pháp thiện nghiệp tạo đầy đủ

Điều này gọi là có nghĩa lợi

Thí, giới, nhẫn nhục và tinh tấn

Thiền định, thắng tuệ cũng như vậy

Cùng với phương tiện hạnh tương ưng

Điều này gọi là có nghĩa lợi

Phụng thờ cha mẹ là trước hết

Vâng lời Tôn Sư cũng như vậy

Suy nghĩ kỹ lưỡng môn Tam Bảo

Điều này gọi là có nghĩa lợi

Các Đại Bồ Tát tạng thậm thâm

Nhiếp hết tất cả pháp thù thắng

Thọ trì đọc tụng rộng tuyên dương

Điều này gọi là có nghĩa lợi

Các thắng hạnh có nghĩa lợi này

Chính là Chư Phật đã tuyên nói

Như trên đã nói nghĩa tương ưng

Đây là Phật tử hạnh to lớn

Phát sinh đại tâm như vậy rồi

Lại phát tâm thanh tịnh chắc chắn

Thân cận hầu hạ A Xà Lê

Cung phụng trà nước làm các việc.

Này Xá Lợi Tử! Đây là phát tâm thứ chín của Bồ Tát.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử!

Mười là, Bồ Tát phát tâm như vậy: Thương thay! Tất cả chúng sinh trong thế gian không thể điều phục tâm ý như lý, trái nghịch với lời dạy của A Xà Lê, những người này sẽ không được Thánh tài của A Xà Lê.

Những gì gọi là thánh tài của A Xà Lê?

Đó là tín tài, giới tài, văn tài, xả tài, tuệ tài, tàm tài, quý tài. Bảy pháp này là Thánh tài của A Xà Lê. Do không được thánh tài như vậy, cho nên phải chịu nghèo cùng bức bách tâm ý. Người trí nên khéo điều phục tâm, tùy thuận với lời dạy của A Xà Lê tập hạnh bố thí, làm các việc thiện.

Vì sao?

Vì nếu có khả năng điều phục tâm, tùy thuận lời dạy, tu hạnh bố thí, người này liền được Thánh tài của A Xà Lê.

Sao gọi là Thánh tài của A Xà Lê?

Đó là chánh pháp Bồ Tát tạng, nhiếp hết tất cả pháp khéo điều phục của Bồ Tát. Biết như vậy rồi siêng năng tu tập chánh pháp Bồ Tát tạng, tuyên nói rộng rãi cho mọi người.

Nếu ai có khả năng an trụ Bồ Tát tạng thì đoạn trừ được nghèo khổ rốt ráo, hướng đến Chánh Đẳng, Chánh Giác. Phát tâm như vậy rồi thì có khả năng tùy thuận của A Xà Lê, hành bố thí, nhàm chán than không chân thật này, mong cầu thân chắc chắn chân thật, thân cận hầu hạ A Xà Lê, cho đến dâng trà nước.

Này Xá Lợi Tử! Đây là phát tâm thứ mười của Bồ Tát.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Tất cả chúng sinh khó điều phục

Trong lòng dối trá lại hiểm ác

Trái với lời dạy của Tôn Sư

Không thể kham nhận và nhẫn nhục

Biết được khó điều phục này rồi

Phải nên tùy thuận lời thầy dạy

Đem lời chỉ dạy để tuyên dương

Liền được Thánh tài của Như Lai

Đó là tín tài và giới tài

Văn tài, xả tài cũng như vậy

Trong đó tối thắng là tuệ tài

Tàm quý Thánh tài là bảy pháp

Biết rõ Thánh tài như vậy rồi

Bảy thứ phục tàng dùng không hết

Nếu như không biết rõ như vậy

Thì đó không phải là pháp khí

Nếu chúng sinh này là pháp khí

Thì được đầy đủ pháp Chư Phật

Không dối, khéo điều phục xưng dương

Siêng năng tinh tấn tu thí hạnh

Dục tâm tôn trọng pháp vi diệu

Vứt bỏ thân mạng không khó gì

Tu bồ đề Phật thành pháp khí

Biết rồi tu trì không gián đoạn

Pháp giới bình đẳng không sai biệt

Phật Điều Ngự Tôn đã tuyên nói

Môn chánh pháp Bồ Tát tạng này

Hay khéo an trụ trong bồ đề

Như trên đã nói pháp rộng lớn

Đó là chân thật tài Chư Phật

Vì tất cả pháp là vô ngã

Không tướng, cũng lại không không tướng

Không có thọ mạng, không tác giả

Cũng không hý luận, không hàm tàng

Đối với tự tánh tất cả pháp

Không sinh, không tướng vốn như vậy

Các pháp không thành cũng không hoại

Quán kỹ các pháp vốn không tướng

Người khéo điều phục vâng lời dạy

Tùy theo lời dạy khéo tu tập

Nếu được thấy Phật trí tự nhiên

Tùy tự cảnh vào cửa giải thoát

Như là tín tài và giới tài

Văn, xả, tàm quý, tuệ bảy tài

Thánh tài vô thượng báu như vậy

Đầy đủ bảy pháp dùng không hết

Nghe pháp tạng ấy rộng bố thí

Khéo điều tâm ý đều tùy thuận

Luôn luôn thân cận các bạn lành

Và thường tu tập các thiện hạnh

Tôn trọng đại bồ đề vô thượng

Siêng hành các pháp cũng như vậy

Phát sinh tâm thù thắng như vậy

Như khát nhớ nước không biết mệt

Nước sạch chứa đầy trong bình sạch

Tâm rộng lớn ham thích hiến dâng.

Này Xá Lợi Tử! Đây là phát tâm thứ mười của Bồ Tát. Do phát tâm rồi cho nên siêng năng tu tập chánh pháp Bồ Tát tạng, thân cận phụng thờ A Xà Lê, làm các việc cần làm cho đến hầu hạ trà nước.

Nhờ sức thiện căn tối thắng này, cho nên người tu tập hạnh Bồ Tát đạt được bốn pháp:

1. Như A Xà Lê đã dạy, mau chóng đạt được tất cả thiện pháp.

2. Vâng lời dạy của A Xà Lê.

3. Tu hành mau chóng được thành tựu.

4. Tu hành nhân chánh pháp đầy đủ.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Người tu hạnh Bồ Tát sinh vào nhân gian, đạt được bốn pháp:

1. Dạy dỗ nhiều người, tất cả thiện pháp tùy theo khả năng mà an trụ.

2. Ở trong núi sâu, được nhiều người hoan hỷ.

3. Vì tâm rộng lớn cho nên cả ngày lẫn đêm được nhiều người đến.

4. Không có chỗ sinh ra, đến khi mạng chung được sinh lên Cõi Trời.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Người tu hạnh Bồ Tát sinh lên Cõi Trời đạt được bốn pháp:

1. Được Thiên Chúng dâng cúng tòa tối thượng.

2. Mọi chỗ đi đến được Thiên Chúng chiêm ngưỡng tướng đẹp vi diệu.

3. Tuy theo lời nói ra mọi người đều lãnh thọ rõ ràng.

4. Chỉ đến chỗ chúa Trời Đế Thích thưa hỏi những điều nghi, chứ không đến chỗ của các Trời khác, được thọ dụng cung điện ở trong Cõi Trời.

Này Xá Lợi Tử! Người tu hạnh Bồ Tát sinh lên Cõi Trời được bốn pháp như vậy, nếu sinh vào cõi người được vô lượng trăm ngàn pháp môn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Được tòa tối thắng trong Cõi Trời

Lại được Thiên Chúng luôn cung kính

Tất cả Thiên Chúng đều chiêm ngưỡng

Thường nghe nói thiện pháp như vậy

Tất cả việc làm đều là trí

Hỏi pháp Đế Thích tâm không tiếc

Được cung điện thù thắng ở Cõi Trời

Diệt ở Cõi Trời sinh cõi người

Lại được sinh vào chỗ tối thắng

Làm Chuyển Luân Vương nhiếp bốn châu

Sau khi chết rồi sinh trở lại

Ở trên Cõi Trời hưởng vui sướng

Cõi Trời không có các khổ não

Tôn trọng Tôn Sư gieo nhân này

Bốn môn thù thắng vi diệu này

Thường được việc rộng lớn như vậy

Do tâm không khởi lên chấp trước

Tôn trọng Tôn Sư khéo tu tập

Với tâm thanh tịnh dâng trà nước

Ham thích tôn trọng thường không chán

Thường được các hàng Trời, Người, rồng

Tôn trọng cung kính và cúng dường

Khi được sinh lên Cõi Trời kia

Cũng lại được bốn thứ pháp ấy

Tại sao gọi là bốn thứ pháp?

Biết rõ những nghiệp trước đã làm

Tích tập hạnh thiện va nhân thiện

Việc làm hiện tại thường không giảm

Lại nữa vì do thiện pháp này

Cho nên biết rõ chỗ sinh diệt

Hiện sinh không động cũng biết rõ

Thế nên biết rõ các pháp hành

Tuyên nói rộng rãi cho Chư Thiên

Y pháp hiển bày và dạy dỗ

Rộng làm lợi ích hạnh thù thắng

Rồi sau diệt độ từ Cõi Trời.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần