Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bốn - Phẩm Ngạ Quỷ - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BỐN

PHẨM NGẠ QUỶ  

TẬP HAI  

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy liền dùng văn tuệ, thấy chúng sinh kia, vào đời trước do tham lam của cải mà nhận làm người đồ tể giết thuê cho người, cắt băm mỡ, thịt, lòng không chút thương xót. Người kia do tâm tham mà sát sinh, giết rồi lại thích thú, tạo ra nhiều nghiệp ác, tâm không hề hối hận.

Sau khi qua đời, người ác ấy bị đọa vào đường ác làm thân ngạ quỷ Ca Bà Ly ở sâu dưới đất năm trăm do tuần. Từ đây, khi qua đời, liền sinh đến chỗ tối tăm rất kinh hãi. Sau khi sinh vào đó, hai núi trên dưới hợp lại cùng một lúc đè ép thân nó, phải chịu khổ não cùng cực.

Thân nó chuyển lớn lên đầy cả một do tuần, luôn bị đói khát thiêu đốt thân. Trong đường ngạ quỷ, nó phải trải qua năm trăm năm. Một ngày đêm ở đây tính theo ngày tháng năm nơi cõi Diêm phù đề là mười năm. Như vậy, năm trăm năm gọi là một đời, giảm bớt ít nhiều mạng sống cũng không nhất định.

Nghiệp thứ hai bị đọa trong cõi ngạ quỷ: Có chúng sinh nào nhận giữ vật của người khác mà tìm cách khước từ, không chịu trả lại thì sinh vào loài ngạ quỷ ấy. Hoặc người nam hay nữ không thực hành ba loại bố thí: Bố thí của cải, bố thí pháp, bố thí vô úy, lại thường ôm lòng tham lam, bỏn sẻn thì sinh trong loài ngạ quỷ ấy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp rồi lại quan sát về ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét các ngạ quỷ Châm khẩu miệng như lỗ kim.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ quán loài ngạ quỷ Tô chi mục khư Tô chimục khư: Đời Ngụy dịch là miệng như lỗ kim, biết chúng sinh này đời trước dùng tiền của thuê người sát sinh, tham lam, keo kiệt, ganh ghét, không thực hành hạnh bố thí, không bố thí cơm áo, không bố thí pháp, không bố thí vô úy.

Người ấy khi qua đời bị đọa làm thân ngạ quỷ miệng như lỗ kim. Do tạo nghiệp dối gạt, làm mê hoặc người nên thọ thân ngạ quỷ miệng như lỗ kim, bụng như núi lớn, luôn luôn đau khổ, bị đói khát đốt cháy hành hạ thân thể.

Bên trong bị các khổ, bên ngoài bị lạnh, nóng, ruồi, muỗi loài trùng ác, các bệnh về nhiệt… thân tâm như thế là chịu vô số các khổ bức. Một ngày một đêm trong địa ngục so với số ngày tháng năm của nhân gian trải qua là mười năm. Như vậy, thọ thân ngạ quỷ đủ năm trăm năm, mạng sống cũng không nhất định. Nếu người nam hoặc nữ gây tạo nghiệp thứ hai thì bị đọa vào loài ngạ quỷ miệng như lỗ kim ấy.

Hoặc có người chồng bảo vợ cúng dường một ít thức ăn cho các Sa Môn, Bà La Môn, nhưng người vợ keo kiệt, tiếc của, có mà nói là không có, rồi nói với người chồng: Trong nhà không có gì cả thì lấy đâu để cúng dường Sa Môn và các Đạo Sĩ?

Người vợ ấy vì tham lận, tiếc của nên dối gạt chồng, không chịu cúng dường. Sau khi qua đời, bà ta bị đọa vào loài ngạ quỷ miệng như lỗ kim, vì đã tích chứa huân tập nhiều nghiệp ác. Thế nên phần nhiều người nữ sinh trong đường ngạ quỷ.

Vì sao?

Vì người nữ có nhiều tham dục, đố kỵ, không bằng đàn ông. Người nữ tâm nhỏ mọn, keo kiệt, không rộng rãi như đàn ông. Vì nhân duyên đó nên sinh trong loài ngạ quỷ.

Cho đến khi nghiệp ác tâm đố kỵ không mất, không hoại, không hủy, thì không thể nào thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, nếu nghiệp hết thì mới được thoát. Từ đây, sau khi qua đời, lại sinh vào loài súc sinh, thọ thân loài quạ Già trá ca Quạ này chỉ ăn nước mưa từ Trời, ngửa miệng lên hứng đón lấy nước mưa để uống.

Ngoài ra không được uống nước gì khác, thường khổ sở vì đói khát, chịu nhiều khổ bức. Thoát thân súc sinh rồi sinh làm người, do nghiệp ác còn sót lại nên thường khốn khổ, đói khát, bần cùng, phải xin ăn để sống. Vì nghiệp ác còn sót lại nên phải chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết rõ quả báo của nghiệp, lại quan sát về các ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán loài ngạ quỷ ăn các thứ ói mửa.

Chúng sinh vì nghiệp gì mà làm thân ngạ quỷ ăn các thứ ói mửa?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh này vào đời trước làm thân người nữ, dối gạt chồng mình, tự ăn những món ngon ngọt, tâm bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét con mình nên không cho. Hoặc có người chồng, vợ không phản bội, lại khởi ý ganh tỵ, một mình ăn những món ngon ngọt, không cho vợ con ăn.

Do nhân duyên đó nên những người kia sau khi qua đời bị đọa vào loài ngạ quỷ Bàn đa Bàn đabà xoa, đời Ngụy dịch là ăn các thứ ói mửa. Làm thân ngạ quỷ này thường bị đói khát thiêu đốt khắp thân. Thân nó cao lớn hơn nửa dotuần, ở trong vùng đồng hoang chạy đôn đáo khắp nơi để tìm kiếm nước uống, lớn tiếng kêu gào vì bị đói khát.

Chúng sinh ấy do đời trước không đem của cải bố thí, không bố thí pháp, không bố thí vô úy, do nhân duyên ấy nên sinh trong loài ngạ quỷ này, thọ mạng lâu dài như trên đã nói. Trải qua năm trăm năm, nếu nghiệp ác chưa hết, chưa hoại thì trọn không thoát được. Loài ngạ quỷ ấy luôn tìm kiếm những thứ do ói mửa rất là khốn khổ nhưng cũng không có.

Từ đấy sau khi qua đời, sinh vào loài súc sinh cũng thường ăn những thứ do ói mửa, chịu khổ vì đói khát. Thoát được thân súc sinh thì sinh làm người, do nghiệp ác còn sót lại nên luôn bị đói khát, ở bờ ruộng, ngõ hẻm, thường nhặt những thức ăn vứt bỏ của người đời để ăn. Hoặc theo các Sa Môn, Bà La Môn xin ăn để sống. Vì nghiệp ác còn sót lại nên phải chịu quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp lại quán các loài ngạ quỷ.

Vị ấy dùng văn tuệ nhận biết các chúng sinh này do đời trước nhiều tham lam, ganh ghét, thường ôm lòng keo kiệt, bỏn sẻn, không thực hành bố thí, đã đem các thức ăn bất tịnh bố thí cho các Sa Môn, Bà La Môn, khiến chư vị ấy không biết thức ăn bất tịnh nên đã thọ dụng. Do nhân duyên tạo nghiệp ác ấy, nên sau khi qua đời, người bỏn sẻn kia bị đọa vào đường ác. Sinh trong loài ngạ quỷ ăn phân nhơ, thọ mạng dài ngắn như trước đã nói.

Cũng trải qua năm trăm năm đói khát đốt thân, luôn tìm kiếm những thứ phân nhơ nhưng vẫn không có. Do nghiệp lực nên luôn chẳng được vừa ý, các chỗ bất tịnh với sâu giòi phẩn uế mãi chạy xuôi ngược tìm kiếm nhưng vẫn không no đủ đến nỗi phải chết. Luôn bị khổ não như vậy mà nghiệp ác vẫn chưa hết, không hoại, không tan, nên không thoát được. Nếu nghiệp ác hết, sau khi qua đời, tùy theo nghiệp lưu chuyển thọ khổ theo sinh tử.

Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm lỗ hổng nơi cây nổi, thân xấu ác thọ khổ khắp nơi. Nếu sinh làm người thì bần cùng nhiều bệnh, khốn khổ vì đói khát, thường xin thức ăn dư thừa để tự nuôi sống. Vô lượng suy nghĩ ác luôn đeo đuổi nơi thân. Thân tướng lở lói, bất tịnh, uế tạp, bị mọi người khinh ghét, hơi miệng hôi hám, răng nướu đen sạm. Do nghiệp ác còn sót lại nên bị quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết rõ quả báo của nghiệp, lại quan sát về nơi chốn của loài ngạ quỷ keo lận, ganh tỵ. Tất cả loài ngạ quỷ đều do keo kiệt, đố kỵ làm gốc.

Các chúng sinh ấy vì nghiệp gì mà phải sinh trong loài ngạ quỷ không ăn?

Vị ấy dùng văn tuệ biết các ngạ quỷ đó từ đời trước do bỏn sẻn, ganh tỵ, tự che lấp tâm mình, nói dối, lừa gạt, tự ỷ mình có sức mạnh, vu khống người lương thiện, cột trói họ trong nhà tù, cấm mọi người không được cho ăn, khiến người kia phải chết. Giết rồi, tâm hả hê, không hối hận mà lại sinh tâm tùy hỷ, sau còn dạy bảo người khác làm như vậy, tạo nghiệp ác rồi mà không hề cải hối.

Người ác ấy, sau khi qua đời, sinh làm ngạ quỷ không ăn. Hoặc nam hoặc nữ sinh vào chốn đó luôn bị lửa đói khát đốt cháy hừng hực giống như nước trong núi được khởi thông, dòng chảy tung vọt lên cao. Lửa trong bụng bốc lên thiêu đốt thân người ác kia, không chừa một chút nào. Chết rồi thì sống trở lại, sống lại rồi bị thiêu đốt.

Có hai loại khổ luôn bức bách thân họ: Một là đói khát, hai là lửa đốt. Người ác ấy bị khổ bức nên kêu gào thảm thiết, chạy khắp nơi. Quả báo của nghiệp ác thật không thể lường tính như vậy, người kia bị khổ cả bên trong lẫn bên ngoài, toàn bộ thân thể bị lửa nghiệp thiêu đốt.

Trong thân phát ra lửa rồi tự đốt lấy thân, cũng như trong thân cây lớn khô ráo có chỗ rỗng, người ta đem lửa đốt, khiến cây cháy dữ dội. ngạ quỷ này bị thiêu đốt cũng giống như thế, khắp thân đều bị cháy, kêu gào thê thảm, miệng phát ra lửa, hai ngọn lửa phát ra cùng lúc thiêu đốt thân, khiến quỷ kinh hoàng, tìm đường chạy trốn. Khi chạy, trên đất mọc đầy gai gốc, tất cả đều bị lửa cháy xuyên qua hai chân, làm nó đau đớn cùng cực không chịu nổi.

Khi kêu gào thì lửa đốt lưỡi, khiến nát rã giống như nấu sữa đặc. Chết rồi, sống lại. Do nghiệp ác nên giong ruổi khắp nơi để tìm nước. Khi đến ao, suối, nơi có nước thì hết thảy đều khô cạn. Vì nghiệp ác nên chỉ thấy toàn là lửa lớn dữ dội.

Cây cối, đất đai, núi rừng đều bị đốt cháy. Nó chạy đến chỗ có nước thì nơi ấy có ngạ quỷ giữ nước, tay cầm binh khí đón đánh vào đầu nó. Bị khổ não tột cùng như thế đều do đời trước tham lam, bỏn sẻn, bị giặc tâm làm cuồng loạn, thọ mạng lâu dài trải qua năm trăm năm như trước đã nói. Vì nghiệp ác ấy nên luôn không được ăn. Nghiệp ác chưa hết nên khiến không chết. Nghiệp ác chưa hết, không hoại, không hủy thì vẫn không thoát được.

Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, bị gió nghiệp ác thổi, theo nghiệp mà lưu chuyển, thọ khổ nơi sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu sinh làm người, khi ở trong thai thì làm cho mẹ không thể ăn được, khiến người mẹ thân tướng tiều tụy, xấu xí.

Do nghiệp sát sinh nên bào thai bị sẩy. Giả sử thai không yểu thì lại tạo cho thân thể mẹ trở nên hôi hám, đáng ghét, lại còn thích làm điều bất thiện. Nếu được sinh ra thì mạng ngắn, nạn nhiều như nạn bị Vua bắt trói, bị khổ nơi lao ngục, đói khát, chết đói… Do nghiệp ác còn sót lại nên thọ quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết rõ về quả báo của nghiệp, lại quan sát Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét các ngạ quỷ ăn hơi.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh do đời trước tự mình ăn nhiều món ngon, không cho vợ con và quyến thuộc. Vợ con chỉ được ngửi mùi thơm chứ không hề biết đến vị ngon của thức ăn ấy. Trước vợ con, người kia chỉ ăn một mình. Do tánh bỏn sẻn đối với người thân, quyến thuộc, đã không lấy cho mà còn sai bảo người khác không được cung cấp, lại sinh tâm tùy hỷ.

Tạo ra nhiều tội lỗi như vậy mà người kia không cải hối, không hề sinh tâm xấu hổ. Sau khi qua đời, người ác ấy bị đọa vào loài ngạ quỷ ăn hơi, thường bị đói khát đốt thân, giong ruổi khắp chốn, kêu gào khóc lóc, chỉ nương vào tháp miếu. Khi có người tin tưởng cúng tế Trời đất bày biện các món cúng thì quỷ nhờ vào mùi thơm của thức ăn và ngửi lấy các mùi khác để sống.

Lại có các ngạ quỷ khác cũng ngửi mùi: Khi người đời bị nhiều bệnh hoạn, sắp bày các món tế lễ ở bên sông, trong rừng, bờ ruộng, các ngả đường, thì quỷ đó nhờ vào những mùi thơm này để sống. Như vậy, các ngạ quỷ ăn hơi có vô lượng khổ não. Vì nghiệp ác chưa hết nên khiến nó không chết.

Bị khổ như thế nhưng nghiệp ác chưa hết, không hoại, không hủy thì vẫn không thoát được. Nếu nghiệp ác hết thì mới thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ở đây qua đời, tùy theo nghiệp mà lưu chuyển thọ khổ theo sinh tử. Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm kiếm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu sinh làm người thì nghèo khốn, nhiều bệnh hoạn, thân thể hôi dơ, do nghiệp ác còn sót lại nên bị quả báo như vậy.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán về Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét loài ngạ quỷ ăn pháp.

Nhờ nhân duyên của pháp, khiến chúng đứng vững và có thể lực.

Vì nghiệp gì mà sinh vào loài ngạ quỷ này?

Vị ấy dùng văn tuệ quán thấy các ngạ quỷ ấy lúc làm người tánh nhiều tham lam, đố kỵ. Vì để nuôi sống thân mạng, vì cầu tài lợi, nói pháp cho người mà tâm không kính trọng, phạm giới, không có lòng tin, không vì mục đích giáo hóa, điều phục các chúng sinh mà lại nói pháp bất tịnh.

Nói: Sát sinh được sinh Thiên, hưởng phước. Cưỡng bức đoạt của cải, cho là không có tội báo. Đưa con gái cho người khác để được phước đức cũng như thả một con trâu chúa…

Đem những pháp bất tịnh ấy thuyết giảng cho người, được của cải thì tự mình thọ dụng, không chịu làm bố thí, lại đem chôn giấu, tích trữ. Do bỏn sẻn, ganh tỵ che lấp tâm, sau khi qua đời, người kia sinh vào đường ác, làm thân ngạ quỷ ăn pháp, mạng sống trải qua năm trăm năm, ngày tháng dài ngắn như trước đã nói.

Ở các chỗ hiểm nạn cứ chạy xuôi ngược khắp nơi, tìm kiếm ăn uống, bị đói khát đốt thân, không ai cứu vớt, giống như cây khô. Quỷ ấy bị lửa thiêu đốt, đầu tóc rối bời, lông trên thân rất dài, thân thể gầy ốm, yếu ớt, mạch máu như sớ lưới, thịt mỡ tiêu tan, chỉ còn da bọc xương, đơ cứng, cao lớn, thô lậu, móng chân móng tay dài, bén.

Do tạo nghiệp ác là lừa dối, nên mặt nhăn, mắt quầng sâu, nước mắt chảy như mưa, thân hình đen sạm giống như mây đen, toàn thân đều bị sâu ác khoét ăn, ruồi muỗi, trùng đen theo lỗ chân lông mà vào rúc rỉa thịt, làm cho nó sợ hãi, kinh hoàng bỏ chạy. Nếu đến Chùa của Chư Tăng, hoặc có người đến trụ xứ của Chúng Tăng, thực hành hai loại bố thí, nhân đấy mà Thượng Tọa thuyết pháp và được mọi người khen ngợi.

Quỷ này nhờ đấy mà được sống còn, có sức lực, thân mạng được tồn tại, nhưng nghiệp ác vẫn chưa hết, chưa hoại, thì vẫn không thoát được kiếp ngạ quỷ. Nếu nghiệp dứt thì mới thoát khỏi. Ở đây mạng chung, do đời trước đem tâm tạo các nghiệp nên bị sinh vào các chốn.

Thân người khó được, giống như con rùa trong biển tìm lỗ hổng nơi cây nổi. Nếu sinh làm người thì thường làm Bà La Môn giữ đền thờ, giết dê để tế Trời, làm thầy chú thuật, không được tự tại, thường theo người khác xin ăn để sống. Do nghiệp ác nên trở lại đọa vào địa ngục. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Thế Giới của ngạ quỷ. Vị ấy dùng văn tuệ quán xét các ngạ quỷ ăn nước.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần