Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới Ba La Mật đa - Tập Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BẢY
PHẨM TRÌ GIỚI BA LA MẬT ĐA
TẬP CHÍN
Sao gọi là kẻ ngu dị sinh?
Tức là trái ngược với chánh pháp, trở lại sinh ngu si, không phải ý tưởng của trượng phu. Cho nên ở chỗ của Chư Phật, Đại Bồ Tát khởi ý tưởng trượng phu, phải loại bỏ những ý tưởng nào không phải trượng phu, không nên sinh các ý tưởng sân giận, luôn làm đại trượng phu trong các nẻo thiện, khởi lên các hạnh chân chánh.
Không đối với đường ác làm việc không phải trượng phu, khởi lên các hạnh tà vạy, không hướng đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không hướng đến chỗ phá giới, không vui và sống yên với người phá giới chỉ vui hướng đến tất cả chánh pháp vô thượng tối thắng, Phật tuệ không chướng ngại, vui đối trị các pháp bat thiện khởi tâm hướng đến, nguyện đương lai rống lên tiếng rống Sư Tử.
Không vui tùy thuận các pháp bất thiện, không rống tiếng rống của các loài thú khác, đương lai con nguyện như thân Phật hiển hiện sắc vàng, không lam thân phàm phu dị sinh, thường làm người hướng dẫn đường tốt nhất cho thế gian.
Ở trong loài người không có các hiểm nạn, an nhiên đầy đủ không bị thiếu thốn, thường được các món ăn thơm ngon thanh tịnh thảy đều đầy đủ, nhưng không nhàm chán các món ăn thô dở ở thế gian, thường nguyện ở chỗ vắng lặng, tu tập thiền định, mau chóng thành tựu Tam Ma Địa thù thắng tối thượng, chuyên chú vào một cảnh.
Xa lìa động loạn các hoặc chướng nhiễm, thường được định môn du hý của Chư Phật, lại xa lìa các định môn của Thanh Văn, Duyên Giác, không thích y chỉ các định môn của tất cả kẻ ngu si dị sinh, cũng không thích đắm trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức năm uẩn mà trụ, không thích y chỉ địa, thủy, hỏa, phong, không, thức mà trụ, không thích y chỉ Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới mà trụ.
Cũng không thích trụ vào cõi này hay cõi khác, nhưng lại suy nghĩ về sự thấy nghe hay biết diệu xúc cảnh giới và chỗ chứng đắc vắng lặng, cũng lại không thích y chỉ mà sống, nguyện thường y chỉ người vắng lặng như thật.
Tuy thích tu định, nhưng đối với mình và người không có tổn hại, nguyện thường viên mãn trí tuệ của Phật, tất cả các việc hữu vi ở Dục Giới đều không ham thích.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát trí giả có bốn pháp xuất ly:
1. Xuất ly Dục Giới.
2. Xuất ly tất cả hữu tình giới.
3. Xuất ly biết ân không báo đáp lại không thân cận.
4. Xuất ly tất cả khổ hạnh.
Phải nên phát khởi bốn pháp xuất ly này.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ở trong đường ác, thấy các dòng họ của mẹ vi diệu, cũng không sinh tâm tham ái, mà lại sinh khởi bốn thứ tưởng:
1. Tưởng tổn giảm.
2. Tưởng hiểm nạn.
3. Tưởng tiện lợi bất tịnh.
4. Tưởng máu mủ ô uế.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ở trong đường ác, chỉ nên phát sinh ba thứ tưởng:
1. Tưởng như mẹ.
2. Tưởng như em.
3. Tưởng người nữ như người thân.
Cần nên phát khởi ba thứ tưởng này.
Như vậy, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát thường nói về tư duy tu tập và các Kinh Điển đều nên tin theo lãnh thọ. Ta quán thế gian từ vô lượng kiếp đến nay không có ai là không phải từ mẹ sinh ra, không phải cha dưỡng dục.
Cho đến tất cả, hữu tình tuần hoàn dưỡng dục, tất cả hữu tình cũng từng làm cha mẹ của ta, hoặc ở đời trước từng gọi là mẹ, cho đến đời này trở lại làm vợ. Các vị hành giả phải nên tu học, cùng với các kẻ ngu dị sinh, ta nên trụ vào hạnh không trái nhau, như vậy hành tướng tùy thuận với điều này.
Tham ái là tâm, trong tâm chuyên chú suy nghĩ như vậy: Tâm tham ái thế nào là hiện sinh và chưa sinh?
Hoặc mắt tham ái các sắc, các vị hành giả trong tâm kiên cố, phải nên quán xét, đối với tự nhãn mà sinh đắm trước.
Thế nào là nhãn sinh kiến kiến?
Thế nào là tự tánh mà thấy tự tánh?
Thế nào là tự nhãn mà thấy tự nhãn?
Như vậy, tự nhãn bốn đại tạo thành, nương vào các duyên nhưng không phải tự tánh. Đã không phải tự tánh mà lại sinh đắm trước, thì tâm đắm cũng không phải tự tánh.
Vì sao?
Vì tánh kia không phải có tâm này, cũng không có sai khác mà sinh đắm trước. Các kẻ ngu dị sinh do không hiểu cho nên trụ vào không phân biệt. Nay ta thích trụ trong cái có phân biệt mà sinh tinh tấn mong cầu.
Vì sao?
Vì sắc tướng như vậy không phải pháp công đức, là dục tư duy.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Cùng nhau hòa hợp thành một nghĩa
Trong đó không có nghĩa sai biệt
Trong tâm cũng không sinh kiên cố
Vì do tham ái nên tích tụ.
Sao gọi chân thật trong chân thật
Đối với bốn đại sinh nhiễm trước
Pháp này cũng như là ngói gỗ
Trong đó không sinh tâm ham thích.
Do chấp ngã nên sinh biến kế
Từ không chân thật làm tích tụ
Trong không chân thật sinh tham ái
Chân thật tham ái không the được.
Giá như tìm cầu khắp mười phương
Chân thật tham tánh không thể được
Đối không chân thật chấp trước rồi
Tâm tham ái sinh lại tích tụ.
Nếu như sinh tìm xét như vậy
Dù cho tìm xét đến tận cùng
Tùy các tăng thắng suy cùng tận
Chân thật tham ái không thể được.
Nói kệ rồi, Đức Thế Tôn lại bảo:
Này Xá Lợi Tử! Những điều ta vừa nói đối với các Khế Kinh lần lượt tăng thắng, tùy thuận căn lực, phải nên tin hiểu.
Này Xá Lợi Tử! Lại như mắt này, như là bong bóng nước không thể lâu bền. Trong bong bóng nước ấy không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không Bổ Đặc Già La, không ý sinh, không nho đồng, không tác giả, thọ giả.
Biết rõ các pháp không sinh như vậy, lìa tất cả tướng, vậy thì tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này, cũng như sóng nắng, là chỗ để tất cả phiền não tham ái tập hợp sinh ra. Mé trước mé sau không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không Bổ Đặc Già La, không ý sinh, không nho đồng, không tác giả cũng không thọ giả.
Như vậy biết rõ các hành không chuyển, lìa mọi tướng, vậy thì tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này cũng như cây chuối, thể của nó không chắc. Trong cây chuối không có ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng.
Vậy thì tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này như huyễn hóa, là chỗ điên đảo tập hợp sinh ra. Trong cái huyễn hóa đó không ngã, không nhân, cho đến lìa mọi tướng.
Vậy thì tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này cũng như giấc mộng, thấy các sắc tướng không phải là chân thật. Trong mộng này không ngã, không nhân, cho đến lìa mọi tướng.
Như vậy tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này như tiếng vang trong hang động, do nhân duyên sinh. Trong tiếng ấy không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng.
Như vậy tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này cũng như cái bóng, tùy theo các nghiệp hoặc mà hiển hiện. Trong cái bóng này không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng.
Như vậy tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này như mây trôi, tụ tán không cố định, thể không rốt ráo. Trong mây trôi ấy không ngã, không nhân, cho đến lìa các tướng.
Như vậy tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này như điện chớp, biến diệt sát na. Trong điện chớp này không ngã, không nhân, cho đến lìa mọi tướng.
Như vậy tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này cũng như hư không, lìa ngã và ngã sở. Trong pháp ấy không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng.
Như vậy tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này cũng như ngu điếc, không biết cái gì, lại như cỏ, cây, tường, vách, ngói, gạch các vật không có tình, không biết gì. Pháp ngu điếc không có tình này không ngã, không nhân cho đến lìa tất cả tướng.
Như vậy tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này cũng như các hành, đều là lưu chuyển. Cũng như con diều mượn các duyên hòa hợp. Trong các hành này không ngã không nhân, cho đến lìa tất cả tướng.
Như vậy tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này đều là hư dối, là chỗ tích tụ tất cả bất tịnh. Pháp hư dối này không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng.
Như vậy tham ái cái gì?
Lại nữa, mắt này như bóng trong gương, tùy vật mà hiển hiện, hoặc có, hoặc không là pháp phá hoại. Bóng trong gương này không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng.
Như vậy có gì để tham ái?
Lại nữa, mắt này cũng như giếng khô, có bốn con rắn già, bệnh, chết, khổ. Có hai con chuột cùng xâm hại bức bách nhau. Trong cái giếng khô này không ngã, không nhân, cho đến lìa tất cả tướng.
Như vậy có gì để tham ái?
Lại nữa, mắt này là biên tế không thật, căn như bụi trần, chết chóc dễ xâm nhập, mới thấy biên tế. Trong biên tế này không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không Bổ Đặc Già La, không ý sinh, không nho đồng, không tác giả, không thọ giả, biết rõ như thế lìa tất cả tướng.
Như vậy có gì để tham ái?
Này Xá Lợi Tử! Pháp uẩn, xứ, giới cũng lại như vậy. Nếu Đại Bồ Tát trong tâm kiên cố tương ưng với chân thật thì vĩnh viễn không rơi vào pháp tham ái. Nếu Bồ Tát mà còn rơi vào tham ái thì không thể có, đối với pháp tham ái nhàm chán xa lìa một cách chân thật.
Này Xá Lợi Tử! Đây gọi là Đại Bồ Tát thực hành giới thanh tịnh.
Lại nữa, Đại Bồ Tát viên mãn giới hạnh thanh tịnh như vậy, không gây tổn hại đối với các hữu tình, cho đến loài hữu tình vi tế cũng đều làm nhiêu ích, cũng lại không tiếc thân mạng tình thương bao trùm tất cả không bỏ một ai, hoặc thọ ân người khác rồi lại trá ân, thọ dụng của mình và người đều khiến viên mãn.
Lại nữa, Đại Bồ Tát ở bất cứ chỗ nào, thà bỏ thân mạng, xa lìa tất cả hạnh tà dục. Thà bỏ thân mạng không nói dối và nói hai lưỡi để lừa gạt hữu tình, thường sinh vui vẻ đối với quyến thuộc của mình.
Thà mất thân mạng xa lìa lời nói thêu, dệt, thường nói lời từ ái nhu thuận, quyết định ngay thẳng, thường hộ chính mình, không sinh tham ái đối với cảnh trần khác. Thà mất thân mạng không sinh sân hận, người khác có hủy báng nhất định không bị lay động, có khả năng kham nhận mọi lời ác. Thà mất thân mạng không sinh tà kiến.
Vì sao?
Vì quy y Chư Phật tâm không thoái chuyển, thường trì cấm giới không bị hủy phạm, cũng lại không thích thế trí biện thông, chỉ học Phật tuệ, kiên trì cấm giới không có lỗi lầm, xa lìa hiểm ác, các pháp tạp nhiễm.
Kiên trì cấm giới xa lìa các ác phiền não tích tập, thường được hạnh thù thắng trong sạch, tăng trưởng lòng bố thí đồ ăn thức uống thuở xưa. Kiên trì cấm giới tùy theo tâm mong muốn hành động tự tại an lạc tốt đẹp, trì các cấm giới không sinh hủy báng các người trí, đầu, giữa, cuối chánh niệm không lỗi lầm.
Khi trì giới, Bồ Tát lìa mọi khinh chê hủy báng, không sinh các lỗi lầm, luôn luôn phòng hộ các căn môn, trì giới được đầy đủ danh tiếng, thường luôn nhiếp thọ các thiện pháp, thiểu dục tri túc và biết phần đối với sự cúng dường, hoan hỷ trì giới, cắt đứt mọi phan duyên, thường sống ngay thẳng.
Kiên trì các cấm giới, thường hay suy xét ba nghiệp, thích ở chỗ hoang vắng. Kiên trì cấm giới, thường sinh nhàm chán các người nữ, nhưng lại ham thích dòng Thánh. Kiên trì cấm giới, thệ nguyện không xem các cảnh đẹp thế gian, đối với hạnh đầu đà không bị khuyết lậu. Trì các cấm giới, đối với thiện căn của mình không do người khác đề xướng lời nói đi đôi việc làm.
Giữ gìn cấm giới, không sinh dối gạt các hàng Trời Người, thường sinh tâm Từ càng tăng thêm thù thắng đối với các hữu tình không có ý tổn hại, trái lại còn khởi tâm đại bi, thường trì cấm giới, nhẫn chịu các việc khổ não, hoan hỷ trì giới, ham thích các pháp, không có chấp trước, thường tu hạnh xả.
Trì các cấm giới, đối với cảnh nghịch thuận thường hành bình đẳng, thường hay suy xét loi của chính mình, tùy thuận tâm người khác, thường luôn thủ hộ, khéo hay điều phục tất cả hữu tình. Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn bố thí Ba la mật đa.
Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn trì giới Ba la mật đa, tâm kiên trì không có ai hơn được. Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn nhẫn nhục Ba la mật đa, lấy các thiện pháp làm rốt ráo. Trì các cấm giới có khả năng viên mãn tinh tấn Ba la mật đa, luôn sống trong tĩnh lự khong sinh biếng nhác. Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn thiền Ba la mật đa, tu tập văn tuệ không có gián đoạn.
Trì các cấm giới, có khả năng viên mãn tuệ thù thắng Ba la mật đa, chí ưa thân cận các bậc thiện tri thức. Trì các cấm giới, tích tập bồ đề phần kiên cố, xa lìa bạn ác. Trì các cấm giới, thường được xa lìa các nạn hiểm khổ, hay nhàm chán thân mình.
Trì các cấm giới, luôn luôn suy xét tưởng vô thường, lại hay vứt bỏ thân mạng này. Trì các cấm giới, không thích sống lâu ở đời, thường hay xa lìa các hạnh trái nhau. Trì các cấm giới, đối với tâm ý của chính mình phải hết sức thanh tịnh, xa lìa mọi nhiệt não.
Trì các cấm giới, xa lìa tham ái, không tự cống cao, luôn biết khiêm hạ. Trì các cấm giới, ngay thẳng không xiểm khúc, lời nói nhu hòa êm ái tương ưng với sự thật. Trì các cấm giới, được danh tiếng lớn vang khắp tất cả, khéo tự điều phục.
Trì các cấm giới, thường không sân hận, ưa thích vắng lặng, dùng lời nói thiện giáo hóa lợi ích hữu tình. Trì các cấm giới, nói đúng như thật, không có trái nhau, dùng bốn nhiếp pháp nhiếp thọ hữu tình. Trì các cấm giới, phòng hộ chánh pháp, pháp tài của chính mình không bị thiếu thốn. Các người trí luôn đầy đủ giới uẩn này, lại có khả năng thực hành hạnh Bồ Tát.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát do trì giới Ba la mật đa này, cho nên hay phát khởi tâm dũng manh, mọi việc ma và quyến thuộc ma đều tan mất, các việc nhiễu não cũng không còn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bất Thoái
Phật Thuyết Kinh Pháp Bí Yếu Trị Bệnh Thiền - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Hai - Phẩm Thí Dụ
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Mười Chín
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Tám - Phẩm Hoạch ích Chúc Lụy