Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bảy Mươi Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN BẢY MƯƠI CHÍN  

Chí đạo của Bồ Tát, thường dùng mấy sự việc có thể khiến cho trong tâm thanh tịnh chuyên nhất, chứng đắc thiền.

Khi thấy người già đầu bạc, răng rụng, hình thể đổi khác, thấy thế thì lòng hiểu rằng: Ta sau này ắt như vậy. Một lòng hiểu vậy thì đạt được thiền.

Hoặc thấy người bệnh, thân tâm khôn đốn, đau đớn như bị đánh gậy, bùi ngùi hiểu ra: Ta sau này cũng như thế. Một lòng hiểu như vậy thì đạt được thiền.

Hoặc thấy chúng sinh thọ mạng hết rồi, hơi thở dứt, khí ấm tan đi, thần hồn rời khởi, thân xác lạnh tanh, họ hàng bỏ rơi, đem đặt ngoài đồng xa, trong khoảng mười ngày thì thân thể sình lên thôi rữa, hoặc bị chồn, chó, các loài chim đến ăn thịt, thịt da sinh dòi, dòi quay lại ăn thịt của thân, mủ, máu nước dơ chảy nhầy nhụa trên đất, xương cốt rời rã mỗi đoạn một nơi, chân, bàn chân, đùi vế, xương mông, xương ống, xương sườn, xương tay, đầu, răng, sọ mỗi thứ đều tự chia lìa.

Người học đạo nghĩ: Phàm đã sống là có chết, người vật như huyễn, hợp tức có tan, thần hồn, đi thân thể rã.

Ta há được riêng khác, không như thế sao?

Thấy vậy thì buồn thương, một lòng hiểu như thế thì được thiền.

Hoặc thấy thây chết lâu thân thể xương cốt tiêu diệt, tan cùng với cát bụi bùn đất, tự nghĩ sâu rằng: Thân thể ta rồi cũng như vậy. Một lòng hiểu như thế thì đạt được thiền.

Hoặc do nghe về khổ độc dữ, nước sôi, lửa bỏng của ngục Thái Sơn, đau đớn khốc liệt, những nỗi nhọc nhằn, đói khát của loài ngạ quỷ, những sự khổ sở vì bị mổ, giết, cắt, chặt của loài súc sinh, lòng thấy những điều đó, ngạc nhiên. Một lòng hiểu vậy thì được thiền.

Hoặc thấy kẻ nghèo cùng, đói rét, mà chết. Hoặc thấy kẻ có hành vi phi pháp bị phép Vua trừng phạt.

Người học đạo nghĩ: Người này bị nạn là do không có chí đạo. Ta không tinh tấn ắt lại như họ vậy thôi. Một lòng hiểu vậy thì đắc thiền. Nghĩ sâu, quan sát chính bên trong bản thân, dưới thì bị đại, tiểu tiện bức bách, trên thì bị nóng lạnh lấn hiếp. Nhân đó biết rõ về thân là đáng ghét. Một lòng hiểu vậy thì được thiền.

Hoặc gặp năm mất mùa, ngũ cốc vơi cạn, dân chúng nghèo cùng làm loạn, đánh giết lẫn nhau, thây chết ngổn ngang.

Thấy đó nên buồn thương nghĩ: Ta không hành đạo ắt cũng như vậy. Một lòng hiểu thế thì được thiền. Thấy có thịnh có suy, của cải khó má bảo tồn, trẻ trung tráng kiện thì có già lão bệnh hoạn thọ, mạng như ánh chớp.

Kinh ngạc nhớ nghĩ thế thì ngạc nhiên, một lòng hiểu vậy thì được thiền. Nghĩ về Đức Phật tướng tốt lồng lộng, đều do tu hành thanh tịnh mà thành Bậc Thế Tôn, nghĩ vậy lòng vui, một lòng hiểu thế thì được thiền.

Hoặc luôn nhớ diệu nghĩa sâu xa của Kinh Điển, những hạnh cao của hàng Sa Môn, một lòng hiểu vậy thì được thiền. Thân chỉ làm thiện, trước sau tích lũy công đức, một lòng nghĩ vậy thì được thiền. Chỉ kẻ ngu mới mong trái với pháp sáng của Đức Phật, đã nhọc nhằn mà thêm tội. Chư Thiên ở đời, giữ giới trì trai, tự đạt đến Cõi Trời, sống lâu, vinh hiển không lường. Một lòng hiểu như vậy thì được thiền.

Nhận kinh thâm diệu của Đức Phật, rồi tư duy kỹ lưỡng về nghĩa sâu đó, vì chúng sinh dạy bảo dắt dẫn, trong lòng hoan hỷ. Một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền. Luôn nhớ nghĩ về chúng sinh có thành liền có hoại, mọi sự hoại diệt đều thống khổ, nghĩ thế buồn thương. Một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền.

Tánh khí của chúng sinh, không thể tự giữ lấy, xưa nay luôn biến đổi, người học đạo tự sợ hãi, mạng hết chết đến, hoặc đọa vào đường ác, thấy rõ nẻo vinh hoa của cuộc đời thật dối như mộng, tâm lại tỉnh ngộ. Một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền.

Các món ăn vào miệng, cùng với nước giải hòa quyện, ngoài ngon trong thôi, hóa thành phân, nước tiểu. Nhớ nghĩ lại đáng chán, một lòng nghĩ vậy thì được thiền.

Đứa trẻ ở trong bụng mẹ, mới đầu đọng lại như cháo, rồi dần dần lớn lên, đủ tháng đủ ngày, thân thể đều hình thành, đến nạn sinh ra, nhiều nguy ít an, sau khi đã sinh, các thứ bệnh hoạn cùng tăng, hoặc sống được một, hoặc mười, hoặc năm mươi, thậm chí cả trăm năm đi nữa cũng đều phải già chết, không ai khỏi cái nạn ấy. Nghĩ mình cũng thế. Một lòng nghĩ vậy thì được thiền.

Có còn tức có hoại, theo tìm không chốn, ba cõi đều không, lòng chẳng tham luyến, nghĩ thương chúng sinh không thấy Kinh Phật, bị tà dục che khuất, không biết vô thường, nên thệ nguyện cứu vớt. Một lòng nghĩ vậy thì được thiền.

Hoặc chí quyết hoàn thành hạnh cao, luôn giữ bốn thứ tâm, thương xót nuôi dưỡng chúng sinh, giống như mẹ hiền thương giữ con trẻ. Con theo bạn bè nô đùa, mẹ đem lòng từ bi đi tìm, thấy con bị bùn bụi làm dơ bẩn, đói khát kêu khóc.

Thấy con như thế, thương đến rơi nước mắt, bồng con trở về, tắm rửa thay quần áo, cho ăn uống, con được khỏe khoắn, vui tươi, lòng từ mẫu hoan hỷ. Mẹ thương yêu giữ gìn con quanh quẩn bên mình, không bỏ bê như trước nữa.

Người học đạo từ bi, yêu thương giúp đỡ chúng sinh còn hơn mẹ hiền kia, chỉ dạy mọi người trong thiên hạ, cùng các loài bò, bay, máy, cựa... thờ Phật, xem Kinh, thân chuộng chúng Sa Môn, giữ lấy giới Phật, nhớ nghĩ mà thực hành theo, xa lìa ba ác, lòng nghĩ điều thiện, miệng nói điều thiện, thân làm việc thiện, ngăn chặn ba việc ác trên, luôn hưng khởi ba việc thiện, thì mãi mãi khiến không phải chịu nỗi cùng khổ, hiểm nguy nơi địa ngục Thái Sơn, ngạ quỷ, súc sinh nữa, yên ổn nơi nhà phước đức vô bờ.

Người học đạo lại còn tìm theo để dạy dỗ, sợ ở nơi nhiều phước rồi trở nên kiêu ngạo, phóng đãng, buông thả theo lòng ác mà trở lại nơi ba nẻo dữ, cũng là cái họa của sự giàu sang. Bèn đem cảnh vô thường, khổ, không, biến đổi để khuyên răn. Khuyên giữ vô vi, như lòng người mẹ hiền gìn giữ con. Tư duy về mười sáu việc, một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền.

Mười sáu việc ấy gồm những gì?

Hơi thở dài, ngắn liền tự biết, hơi thở động thân liền tự biết. Hơi thở nhỏ liền tự biết. Hơi thở nhanh chậm liền tự biết. Hơi thở dừng, đi liền tự biết. Hơi thở vui, buồn liền tự biết.

Tự nghĩ về vạn vật vô thường, hơi thở tự biết, vạn vật quá khứ không thể đuổi theo, hơi thở tự biết. Lòng không điều suy, bỏ đi chỗ nghi hơi thở tự biết. Buông bỏ thân mạng hay không bỏ thân mạng, hơi thở tự biết. Người học đạo nghĩ ngợi sâu xa.

Có đó tức được đó. Không có tức không được đó. Phàm có sống ắt có cái nạn già chết, hồn linh không mất, liền phải thọ thân. Không sinh thì không già, không già thì không chết. Một lòng nghĩ vậy thì được thiền.

Người học đạo dùng mắt quan sát về sự sống chết ở đời, chỉ dốc quán về mười hai nhân duyên, một lòng nghĩ vậy thì được thiền.

Người học đạo dùng năm việc để tự quán về hình thể.

Một là tự quán về mặt mày nhiều lần biến đổi.

Hai là khổ vui nhiều lần thay đổi.

Ba là tâm ý nhiều lần biến đổi.

Bốn là thân thể nhiều lần đổi khác.

Năm là thiện ác nhiều lần cải đổi. Đó là năm việc, có nhiều biến đổi giống như dòng nước chảy trước sau dồn dập. Nghĩ những việc này mà dốc một lòng thì được thiền.

Người học đạo nhớ thiền phải thế nào?

Mắt thấy người chết, từ đầu đến chân, nghĩ kỹ nhìn rõ giữ niệm trong tâm. Đi, đứng, nằm ngồi, ăn uống... mọi việc luôn giữ niệm ấy nơi tâm để củng cố ý chí thì được thiền, suy nghĩ tự tại.

Ví như người nấu cơm đến mấy hộc gạo, muốn biết chín chưa, chỉ cần lây một hột gạo đang nấu mà xem, hột gạo ấy đã chín thì biết là phần còn lại đều chín. Chí đạo cũng như thế.

Tâm đi về giống như dòng nước chảy. Người học đạo nghĩ thẳng một việc, tâm dừng, ý sạch thì có thể chứng được đạo chân A La Hán giải thoát.

Ớ bậc thiền thứ nhất, muốn chứng A La Hán có thể được chăng?

Đáp: Trong ấy có người chứng được, có người không chứng được.

Làm gì thì có thể được, làm gì thì không được?

Trong thiền thứ nhất mà có niệm, có ái thì đạo không thành. Trời đất vô thường, hư không khó giữ, cấu bẩn nơi tâm sạch hết, không còn ý niệm tham ái, tâm thanh tịnh như thế thì chứng được A La Hán.

Từ thiền thứ hai, thứ ba đến thiền thứ tư giữ tâm như ở thiền thứ nhất, luôn nhớ đến thiền thứ nhất, dù chưa đắc A La Hán thì sau khi mạng chung, cũng có thể hướng đến, liền sinh lên Cõi Trời thứ bảy, thọ mạng một kiếp.

Ở thiền thứ hai, mạng chung sinh lên Cõi Trời thứ mười một, thọ mạng hai kiếp. Ở thiền thứ ba, mạng chung sinh lên Cõi Trời thứ mười lăm, thọ mạng tám kiếp. Ở thiền thứ tư, mạng chung sinh lên Cõi Trời thứ mười chín, thọ mạng mười sáu kiếp.

Người học đạo tự quan sát về mọi nẻo trong thân thể đều không sạch, tóc da, đầu lâu, thớ thịt, nước mắt, nước dãi, gân mạch, thịt tủy rồi cả sáu phủ, năm tạng. Các thứ dơ bẩn ấy chung hợp lại mới làm thân người. Giống như dùng bao đựng đầy năm thứ lúa thóc hoa màu. Có túi chứa nước mắt, xem xét riêng ra từng thứ từng thứ đều khác.

Nhận rõ về người như thế, nội quán về thân mình số lượng giống loại của bốn đại mỗi thứ đều có tên, đều là không có chủ thể. Dùng quán vô dục mới thấy người vốn không. Quán như thế mà dốc một lòng thì được thiền.

Người học đạo quan sát sâu xa, nhận rõ về trong thân bốn đại: Đất, nước, gió, lửa, tóc, lông, xương, răng, da, thịt, năm tạng... đó là thuộc đất. Nước mắt, mũi dãi, máu mủ, mồ hôi, mở, tủy não, tiểu tiện... đó là thuộc nước. Nóng ấm trong thân, chủ làm tiêu việc ăn uống, ấy là thuộc lửa. Hơi thở ra vào ấy là thuộc gió. Ví như người đồ tể giết súc vật, mổ ra riêng biệt làm bốn phần, biết tường tận đầy đủ.

Người học đạo quan sát trong thân, phân biệt bốn đại rành mạch: Đây là đất, kia là nước... lửa, gió cũng vậy, đều là không chủ thể. Luôn tâm niệm, về điều đó cho đến khi lòng hoàn toàn trong lặng. Một lòng như vậy thì được thiền.

Người học đạo biết được hơi thở dài ngắn, chậm mau, lớn nhỏ. Thảy đều phân biệt biết rõ. Giống như người nạo đồ vật thì sâu cạn tự biết, nhớ nghĩ về hơi thở cũng như thế. Một lòng nghĩ vậy thì đạt được thiền.

Thiền độ vô cực của Bồ Tát luôn nhất tâm như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần