Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai Mươi Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN HAI MƯƠI BA  

Này Hải Ý! Các Kim Cang cú như vậy là cú không thể phá hoại.

Là cú tinh diệu.

Là cú bình đẳng.

Là cú Thánh Đế.

Là cú kiên cố.

Là cú không có các thứ loại.

Là cú ái lạc.

Là cú bất đoạn.

Là cú tịch tĩnh tịch tĩnh khắp cận tịch tĩnh.

Là cú vô tác dụng.

Là cú bất hòa hợp.

Là cú vào cõi không cõi.

Là cú vô hành.

Là cú chân tánh.

Là cú như thật,

là cú không trái với Phật.

Là cú không hủy báng Pháp.

Là cú không phá Tăng.

Là cú như chỗ giảng.

Là cú ba luân thanh tịnh.

Là cú dũng mãnh.

Là cú phạm hạnh.

Là cú không tịch.

Là cú hư không.

Là cú giác chi.

Là cú vô tướng.

Là cú vô nguyện.

Là cú pháp tướng.

Là cú tâm ý thức vô trú.

Là cú dẹp trừ chư ma ngoại đạo.

Là cú thanh tịnh sáng tỏ vô cấu.

Là cú quán chiếu bồ đề.

Là cú tuệ quang minh.

Là cú không pháp hiển bày.

Là cú rốt ráo không sinh không diệt.

Là cú tự thanh tịnh cảnh giới.

Là cú cảnh giới Phật.

Là cú không tư duy, phân biệt, biến kế.

Là cú pháp giới vô sai biệt cú.

Là cú nhập nơi cú của vô cú.

Này Hải Ý! Các cú Kim Cang thắng diệu như vậy, nếu Bồ Tát nào có thể lãnh thọ, quyết định lựa chọn nghĩa ấy thì ta cho rằng người đó nhất định sẽ ngồi Đạo Tràng Bồ Đề, gầm lên tiếng Sư Tử.

Lúc Thế Tôn thuyết giảng Môn cú, Ấn cú, Kim Cang cú, trong hội này có tám ngàn Bồ Tát chứng nhập tất cả pháp môn Ấn Đà La Ni, vào khắp Tam Ma Địa ý lạc của tất cả chúng sinh.

Bấy giờ, những vị đến tập hội, tất cả chúng Đại Bồ Tát ở mười phương Thế Giới, nghe pháp này, rồi đều vô cùng hoan hỷ, tâm ý phấn khích, mỗi mỗi vị đều dùng thần lực, tùy từ chỗ đến là các cõi nước của Chư Phật.

Trong mỗi mỗi cõi nước ấy, mỗi vị đều có vòng hoa, hương xoa, hương bột đem đến trong pháp hội này nên đều mưa xuống các hương hoa vi diệu đầy khắp, tất cả đều dùng các phẩm vật báu ấy dâng cúng Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai và chánh pháp này, nguyện cho chánh pháp ấy được trụ lâu thế gian.

Chư Bồ Tát này thực hiện cúng dường xong thì cùng phát khởi diệu âm tán thán Đức Thế Tôn nên nói kệ:

Vô tướng hiển bày các sắc tướng

Một tướng ly tướng Đại Thánh tôn

Các tướng bình đẳng tướng vô tướng

Đảnh lễ, an trú tướng chân thật.

Vào tất cả ngôn âm chúng sinh

Vào nơi âm thanh trí tùy nhập

Tất cả âm thanh, cửa giải thoát

Đảnh lễ bình đẳng, tâm giải thoát.

Các tâm hành thế gian sai khác

Tâm như huyễn nên không chỗ giác

Vô hành bình đẳng hành không hành

Con lễ hư không tâm sáng tỏ.

Vô, hữu bình đẳng, bờ không bờ

Pháp, pháp phân biệt lìa phân biệt

Tất cả tâm ý vốn vắng lặng

Con nay đảnh lễ tâm vắng lặng.

Phật biết vận dụng các nhân duyên

Phật thường tuyên nói các nhân hành

Nhân duyên giải thoát trong bản tế

Phật biết thật tế chân bình đẳng.

Nay vào nơi ấy tướng bình đẳng

Con quán Thiện thệ thân phi thân

Không thể phân biệt thân hữu tướng

Nên hiện các diệu tướng sai biệt.

Tất cả mười phương cõi Chư Phật

Đều cùng vào trong Cõi Phật này

Mà Cõi Phật ấy không hề tăng

Cõi ấy không động cũng không giảm.

Các tâm bình đẳng, tâm vô tâm

Tâm huyễn không khác, không phan biệt

biết rõ bình đẳng tâm bồ đề

Thế Tôn thường hành pháp bình đẳng.

Thể nhập pháp giới bình đẳng giới

Các pháp vô tánh đều thể nhập

Tánh thường bình đẳng trong nhiễm tịnh

Con lễ Đấng lợi lạc thế gian.

Nhật, nguyệt có thể rơi xuống đất

Gió không hình tướng còn buộc được

Thổi bay Tu Di cũng như bụi

Chỉ Phật Thế Tôn không vọng thuyết.

Ngữ ngôn chân thật vốn thanh tịnh

Tâm tịnh như không tâm sáng tỏ

Pháp tục tham ái chẳng nhiễm tâm

Như sen không nhiễm ở ba cõi.

Hoặc nghe khen ngợi không vui mừng

Hoặc nghe hủy báng không nổi sân

Như núi Tu Di không lay động

Con lễ Đấng lợi lạc thế gian.

Chúng Đại Bồ Tát nói kệ xong đều bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời là của báu xuất hiện. Là pháp lạc xuất hiện. Là niệm tuệ, hạnh trí xuất hiện. Là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, thắng tuệ xuất hiện. Là từ, bi, hỷ, xả xuất hiện. Là thắng nghĩa xuất hiện.

Là Thật đế xuất hiện. Là chánh pháp xuất hiện. Là sự chứng pháp xuất hiện. Là pháp niệm xứ, chánh cần, thần túc, căn, lực, giác, đạo xuất hiện. Là Xa Ma Tha xuất hiện. Là Tỳ Bát Xá Na xuất hiện. Là sáu thông, ba minh, tám giải thoát xuất hiện. Nói tóm lại là đoạn dứt tất cả pháp bất thiện và xuất sinh tất cả pháp thiện.

Lúc ấy, trong pháp hội có một vị Bồ Tát tên là Tuệ Tích, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như chỗ hiểu của con về điều Phật nói: Vì có thân nên các kiến sinh ra. Phật xuất thế vì đời có vô minh, hữu ái. Phật xuất thế vì có tham, sân, si sinh khởi. Phật xuất thế vì bốn điên đảo, năm ái, sáu nhập, bảy thức xứ, tám pháp tà, chín não xứ, mười nghiệp bất thiện sinh khởi nên Phật xuất thế.

Vì sao?

Vì đoạn nghiệp bất thiện của tất cả chúng sinh nên Phật xuất thế. Nhưng Phật cũng không đối trị và tăng lực thù thắng. Vì không đối trị nên Phật xuất thế.

Bạch Thế Tôn! Nếu chư Bồ Tát muốn biết nhân duyên của Chư Phật xuất thế thì nên biết như vậy, nên tu học như vậy.

Phật nói: Này Thiện Nam!

Đúng vậy, đúng vậy, đúng như ông nói! Chư Phật xuất thế nên biết như vậy, nên tu học như vậy, vì nhân duyên của Chư Phật xuất thế như vậy. Chư Pháp xuất thế cũng lại như vậy.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn!

Bồ Tát mới phát tâm nghe nói nhân duyên của Phật xuất thế như vậy, họ vẫn không hiểu: Phật xuất thế là thế nào?

Phật bảo Đại Bồ Tát Hải Ý: Nhân duyên Phật xuất thế, Bồ Tát tùy theo sự ứng hợp của mình mà tâm được thanh tịnh.

Vì sao?

Hải Ý nên biết, Bồ Tát có bốn hạng.

Những gì là bốn?

1. Bồ Tát mới phát tâm.

2. Đang ở phần vị tu hành.

3. Bồ Tát bất thoái chuyển.

4. Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ.

Hải Ý trong bốn loại Bồ Tát này, nếu Bồ Tát mới phát tâm quán sắc tướng trang nghiêm Phật Như Lai thì tâm được thanh tịnh. Nếu Bồ Tát đang ở phần vị tu hành quán tất cả công đức thắng diệu thành tựu của Phật Như Lai thì tâm được thanh tịnh.

Nếu Bồ Tát bất thoái chuyển quán thân tâm Phật thì được thanh tịnh. Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ không quán sắc tướng của Phật trang nghiêm, không quán chủng tánh, dòng dõi Phật, cũng không quán công đức thành tựu của Phật, vì trong đó đều không pháp nào có thể quán.

Vì sao?

Vì tuệ quán chiếu, vì sức tuệ nhãn, vì tuệ thâu giữ, vì tuệ vô hành, đều lìa các hý luận. Bồ Tát ấy không quán như vậy, cũng không phải không quán.

Vì sao?

Vì hữu kiến và vô kiến là nhị biên, Bồ Tát này đối với kiến và phi kiến đều lìa nhị biên, nên quán Phật như vậy. Vì quán Phật như vậy nên quán thân cũng vậy. Quán thân thanh tịnh rồi, quán Phật thanh tịnh. Quán Phật thanh tịnh rồi, nên biết tất cả các pháp cũng như vậy. Trong khi quán như vậy mà được thanh tịnh, ấy là trí quán, đó tức là quán Phật chân thật.

Này Hải Ý! Chính vì vậy nên xưa kia, lúc ta thấy Phật Nhiên Đăng, ta liền đắc pháp nhẫn vô sinh và tương ưng với nhẫn vô sở đắc. Ngay lúc đó, ta bay lên hư không cao bảy cây đa la, ở trong hư không liền chứng đắc trí Nhất thiết trí, sức không sai biệt vĩnh viễn đoạn dứt các kiến, siêu vượt các tư duy, biến kế phân biệt, ở trong các cảnh giới, ý vô sở trụ.

Lúc đó ta đắc sáu vạn môn Tam Ma Địa, cho nên Như Lai Nhiên Đăng vì ta mà thọ ký: Tương lai ông sẽ được làm Phật Hiệu là Thích Ca Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc ta được Đức Phật ấy nói về sự thọ ký nhĩ căn của ta không hề đối ngại, cũng không do thức khác mà có chỗ biết rõ. Ta có chỗ thấy ở trong sự hòa hợp mà không chỗ trú. Khi đó, ta không tưởng Phật hay không Phat, tưởng ngã hay vô ngã, tưởng thọ ký hay không thọ ký.

Này Hải Ý! Cho nên Bồ Tát ba luân thanh tịnh sẽ được thọ ký thành Phật. Người có ba luân thanh tịnh là không tưởng Phật hay không Phật, tưởng ngã hay vô ngã, tưởng thọ ký hay không thọ ký.

Này Hải Ý! Lại có ba luân thanh tịnh.

Những gì là ba?

Đó là không chấp ngã. Không chấp chúng sinh. Không chấp pháp.

Lại có ba luân thanh tịnh: Đó là không chấp danh, không chấp sắc tướng, không chấp đối tượng.

Lại có ba luân thanh tịnh: Đó là biết trí quá khứ đã qua, trí vị lai chưa đến, trí hiện tại trú pháp giới.

Lại có ba luân thanh tịnh: Đó là trí về thân như ảnh tượng, trí về lời như tiếng vang, trí về tâm như huyễn.

Lại có ba luân thanh tịnh: Đó là năm uẩn và pháp uẩn bình đẳng, mười tám giới và pháp giới bình đẳng, mười hai xứ quán như không tụ.

Lại có ba luân thanh tịnh: Đó là biết rõ về không, tin thuận vô nguyện, vô tướng, vô cầu.

Hải Ý! Nếu ba luân thanh tịnh tức là tất cả pháp thanh tịnh. Cho nên nếu chư Bồ Tát ba luân thanh tịnh thì nên tu trí phương tiện thiện xảo.

Bồ Tát Hải Ý lại bạch Phật: Hy hữu Thế Tôn! Bồ Tát bất thoái chuyển có thể đạt đầy đủ trí pháp thâm diệu.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát ấy có thể đầy đủ trí pháp như vậy thì có thể khéo thành tựu trọn vẹn công đức.

Phật bảo Bồ Tát Hải Ý: Này Hải Ý nên biết! Bồ Tát đang trụ vị ấy, nhờ sức của bản nguyện nên làm việc thù thắng. Giả như Bồ Tát ấy thoái vị thì nhờ sức bản nguyện nên cũng không hoại các công đức đã thành thục.

Hải Ý! Ở đời có một hạng người vô trí không thể hiểu được chỗ giảng nói của ta, nay dùng thí dụ để khiến cho người nghe hiểu được.

Hải Ý! Ví như thế gian có ruộng mía, ruộng lúa, hoặc ruộng đậu, người nông phu canh tác đối với các ruộng ấy đều làm hoàn tất mọi việc: Mở đường nước, dẫn nước vào ruộng, nước chảy vào khắp đủ.

Người nông phu ấy khéo sắp đặt rồi lại nghỉ ngơi ở chỗ khác. Nơi các ruộng ấy, nước tùy chỗ đi qua và tự nhiên vào ruộng, chứ không nhờ công sức người làm ruộng bỏ ra mà các ruộng gieo trồng đều được thành tựu.

Bồ Tát cũng vậy, hoặc lúc Bồ Tát tuy ở Tán vị nhưng có phương tiện khéo léo nên ở trong thiện căn tương tục của tất cả chúng sinh mà có thể thành thục. Tùy chỗ thuyết giảng tất cả pháp Phật ấy mà thiện căn nơi các cõi đều được viên mãn.

Bồ Tát ấy tâm ý thanh tịnh, khéo hộ giới uẩn. Hoặc ở trong định, nhờ sức của bản nguyện nên có thể thành tựu đầy đủ các thiện căn, khiến chúng sinh đối với pháp Phật, tất cả pháp thiện liên tục lớn mạnh.

Này Hải Ý! Vì duyên cớ ấy nên các Bồ Tát tùy theo sự ứng hợp của mình, không nhờ dụng lực mà tự viên mãn thiện căn. Lại khéo hồi hướng nơi nhất thiết trí nên Bồ Tát hoặc định, hoặc tán đều nhờ vào sức của bản nguyện, ở trong các thiện căn, thân tâm thư thái, niệm không tán loạn không học thừa, khác chí hướng đại thừa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần