Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Như Lai Chẳng Thể Nghĩ Bàn - Tập Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN

PHẨM NHƯ LAI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN  

TẬP BẢY  

Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực Chí xứ đạo thứ sáu của Như Lai. Do Như Lai đầy đủ trí lực thù thắng cho nên biết rõ thắng xứ, cho đến thế gian không có phap nào bằng Như Lai.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là trí lực khởi Thiền định giải thoát đẳng trì đẳng chí nhiễm tịnh của Như Lai?

Nghĩa là, Như Lai đối với mình, đối với người có thiền định giải thoát đẳng trì đẳng chí các pháp nhiễm tịnh, đều biết như thật.

Sao gọi là năng tri?

Tất cả pháp tạp nhiễm của chúng sinh, hoặc nhân, hoặc duyên, Như Lai đều biết như thật và các pháp thanh tịnh của chúng sinh ấy, hoặc nhân hoặc duyên, Như Lai cũng đều biết như thật.

Sao gọi là nhân?

Sao gọi là duyên?

Trong các pháp tạp nhiễm của tất cả chúng sinh, tác ý không như lý là nhân, vô minh là duyên. Vô minh là nhân, hành là duyên. Hành là nhân, thức là duyên. Thức là nhân, danh sắc là duyên. Danh sắc là nhân, lục xứ là duyên. Lục xứ là nhân, xúc là duyên. Xúc là nhân, thọ là duyên. Thọ là nhân, ái là duyên. Ái là nhân, thủ là duyên. Thủ là nhân, hữu là duyên.

Hữu là nhân, sinh là duyên. Sinh là nhân, sở duyên là duyên. Phiền não là nhân, nghiệp là duyên. Kiến là nhân, ái là duyên. Thùy miên là nhân, sở khởi là duyên. Các tạp nhiễm của tất cả chúng sinh như vậy là nhân, như vậy là duyên, mỗi mỗi Như Lai đều biết như thật.

Lại nữa, nhân duyên là tất cả chúng sinh đối với pháp thanh tịnh có hai nhân và hai duyên. Nếu các chúng sinh nghe lời tùy thuận từ người khác, liền tác ý chắc chắn, đối với Tam Ma Địa khéo quán tưởng, khéo trụ tâm vào một cảnh tánh.

Lại nói về hai nhân hai duyên là đã khởi trí và chưa khởi trí. Hai nhân hai duyên là suy xét sinh pháp, không chứng Niết Bàn. Hai nhân hai duyên là đầy đủ minh hạnh, thủ chứng giải thoát. Hai nhân hai duyên là tu tập môn giải thoát, trí tự tánh giải thoát.

Hai nhân hai duyên là tận trí, vô sinh trí. Hai nhân hai duyên là biết rõ chân thật, sở đắc chân thật. Như vậy tất cả chúng sinh, đối với pháp thanh tịnh có nhân như vậy, có duyên như vậy, mỗi mỗi Như Lai đều biết như thật.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Tất cả chúng sinh có nhiều loại, thanh tịnh sở duyên, tạp nhiễm sở duyên. Có người giữ thanh tịnh sở duyên, suy xét như thật. Có người giữ tạp nhiễm sở duyên, suy xét như thật. Có người trong tạp nhiễm sở duyên lại giữ thanh tịnh sở duyên, suy xét như thật. Có người trong thanh tịnh sở duyên lại giữ tạp nhiễm sở duyên, là vì chấp chặt vào tăng thượng mạn.

Xá Lợi Tử! Trí thù thắng của Như Lai rộng lớn vô biên, có khả năng chuyển khắp, biết tất cả như thật. Nghĩa là xa lìa các tội nghiệp, thu thập thiện pháp, nhập vào Sơ Thiền định môn Ly sinh hỷ lạc, từ định Sơ Thiền nhập vào diệt thọ tưởng định, rồi xả. Cho đến từ diệt thọ tưởng định nhập trở lại Sơ Thiền rồi xả.

Tám giải thoát nghĩa là thuận nhập, nghịch nhập và nghịch thuận nhập.

Những gì là tám?

1. Có sắc quán các sắc giải thoát.

2. Bên trong không sắc tưởng quán các sắc bên ngoài giải thoát.

3. Thân thanh tịnh giải thoát tác chứng trụ cụ túc.

4. Không vô biên xứ giải thoát.

5. Thức vô biên xứ giải thoát.

6. Vô sở hữu xứ giải thoát.

7. Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát.

8. Diệt thọ tưởng giải thoát.

Tám giải thoát này, hoặc thuận, hoặc nghịch, đẳng trì đẳng chí và Tam Muội da đều hay quán tưởng. Nhưng Phật Như Lai đối với Tam Ma Địa đều không phân biệt cũng không sở duyên và bỉ sở nhập. Như Lai trụ trong một Tam Ma Địa biến nhập tất cả Tam Ma Địa, xả một định thì các định khác cũng vậy.

Như Lai đối với tâm Đẳng dẫn không có chuyển liên tục, không có tâm sở đắc, không có tâm năng quán. Tất cả Tam Ma Địa của Duyên Giác hơn Tam Ma Địa của Thanh Văn. Tam Ma Địa của Bồ Tát hơn Tam Ma Địa Duyên Giác. Tam Ma Địa Chư Phật hơn Tam Ma Địa Bồ Tát.

Vì sao?

Vì trí thù thắng tăng thượng của Như Lai biến chuyển khắp tất cả. Nếu người phát tâm Thanh Văn có nói ra điều gì, hay giảng dạy giáo pháp, Như Lai đều biết. Nếu người phát tâm Duyên Giác, hoặc người phát tâm Bồ Tát, Như Lai cũng biết như thật, rồi tùy theo trình độ thích ứng mà nói pháp dạy dỗ.

Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực khởi lên thiền định giải thoát đẳng trì đẳng chí nhiễm tịnh thứ bảy của Như Lai, không có cùng tận, ngang bằng với hư không. Các Bồ Tát trụ tín nghe rồi phát lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, biểu hiện thân tướng vui, tâm vui và sinh ý tưởng hy hữu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập bằng kệ rằng:

Có các chúng sinh tánh tạp nhiễm

Và các chúng sinh nhân thanh tịnh

Bậc Đại Vô Úy đều biết rõ

Biết rồi tùy ứng mà nói pháp

Nhưng các phiền não từ đâu có?

Từ duyên vô minh mà sinh ra

Vô minh là nhân, hành là duyên

Cho đến chi hữu sinh các khổ

Tất cả phiền não các căn bản

Nguyên do tác ý không như lý

Từ nhân duyên ấy sinh chi hữu

Phật biết rõ rồi vì khai sáng

Các nghiệp căn bản gọi là hành

Vô minh và thức lại làm duyên

Cho đến các khổ chi hữu sinh

Theo âm thanh khác khởi các pháp

Tác ý sâu xa nhưng nội quán

Biết rõ hai nhân và hai duyên

Biết rõ nhân chúng sinh như thật

Vì khi nhân kia vắng lặng rồi

Chúng sinh nếu cầu nhân giải thoát

Phải nên quán sát pháp các duyên

Điều Ngự Thánh Tôn đều biết rõ

An trụ vững chắc giới thanh tịnh

Như ứng quán sát kỹ pháp không

Rồi khéo tu tập môn giải thoát

Giải thoát nạn khổ trong ba cõi

Thanh tịnh như thật khéo khai sáng

Chúng sinh tin pháp Phật thanh tịnh

Không, vô tướng, nguyện giải thoát môn

Tam ma bát để lại tuyên bày

Thanh Văn, Duyên Giác các thiền định

Chúng sinh đủ cả các phiền não

Phật nói thiền định giải thoát môn

Viên thành lực thứ bảy không nhiễm

Điều phục, khó điều Phật khéo nói.

Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực thứ bảy của Như Lai. Như Lai do đầy đủ trí lực thù thắng cho nên biết rõ thắng xứ, cho đến hết thảy không có pháp nào ngang bằng với Như Lai.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là trí lực nhớ nghĩ việc đời trước của Như Lai?

Đức Như Lai dùng trí vô thượng, tùy theo nhớ nghĩ mà biết rõ việc chính mình, hoặc người khác. Vô số nhiều loại các việc đời trước, hoặc một đời, hoặc hai đời, ba, bốn, năm đời. Hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, cho đến việc từ vô số câu chi na do đa trăm ngàn đời, tùy theo nhớ nghĩ Như Lai đều biết.

Hoặc kiếp thành, hoặc kiếp hoại, hoặc kiếp thành hoại, cho đến vô số kiếp thành hoại, ở nơi nào, chỗ nào, đời xa xưa có các chúng sinh có tên như vậy, dòng họ như vậy, chủng tộc như vậy, tướng như vậy, sắc tướng như vậy, hình thể như vậy.

Tuổi thọ như vậy, sống lâu như vậy, chịu khổ như vậy, hưởng vui như vậy, chết ở nơi nào, sinh ở nơi nào, lại chết ở nơi này rồi lại sinh nơi khác, hoặc có biểu hiện, hoặc không biểu hiện, hoặc mình, hoặc người, Như Lai đều nhớ nghĩ vô số các việc đời trước.

Nếu các chúng sinh có nhân như vậy, do nhân đó, cho nên mới có ra như vậy, mỗi mỗi Như Lai đều biết như thật, biết rồi lại nói pháp yếu. Các tâm hạnh quá khứ của tất cả chúng sinh Như Lai đều biết rõ chắc chắn, hoặc tâm liên tục, hoặc tâm sở duyên, hoặc tâm sinh khởi, đối với tâm sở duyên không hoại không diệt.

Này Xá Lợi Tử! Như Lai biết rõ như thật về tâm tương tục, cho đến có những tâm tương tục gì của tất cả chúng sinh. Như Lai cũng biết rõ như thật về tâm khởi từ đâu, dù trải qua hằng hà sa số kiếp nói không thể hết được, nhưng Như Lai đều biết như thật. Vì thế nên biết, Chư Phật Như Lai biết rõ tâm hạnh của tất cả chúng sinh không có biên tế, trải qua câu chi kiếp nói cũng không hết, trí vô thượng tối thắng của Như Lai cũng không có biên tế.

Này Xá Lợi Tử! Như vậy, trí lực tác chứng nhớ nghĩ việc đời trước của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, không có gì so sánh, không có hạn lượng, không thể tính đếm, không thể nói hết.

Đối với cái không biên tế của chúng sinh, chỉ có trí lực thần thông nhớ nghĩ của Như Lai mới có thể biết được. Nếu các chúng sinh, sinh các thiện căn, hoặc Phật thừa, hoặc Duyên Giác thừa, hoặc Thanh Văn thừa, hoặc các thiện pháp, Như Lai tùy niệm đều biết hết.

Như Lai dùng đại oai lực, tùy theo thiện căn sở duyên của các chúng sinh mà vì nói pháp, khiến các chúng sinh ấy không còn thoái chuyển đối với quả Chánh Đẳng Chánh Giác, tin hiểu như vậy đều được xuất ly, hoặc phát tâm Thanh Văn thừa, hoặc phát tâm Duyên Giác thừa, hoặc phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Này Xá Lợi Tử!Đây là trí lực tác chứng nhớ nghĩ việc đời trước thứ tám của Như Lai, không có biên tế, ngang bằng với hư không. Các Bồ Tát trụ tín nghe rồi phát lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, cho đến sinh ý tưởng hy hữu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, lập lại bằng kệ rằng:

Trăm câu chi kiếp không biên tế

Phật chiếu thấu tận việc đời trước

Biết rõ tâm tự tha năm loại

Như xem trái Am ma trong tay

Thọ lượng kiếp số và sắc tướng

Chúng sinh sinh diệt tạo nghiệp nhân

Người đủ pháp khí cũng đều biết

Quá khứ vô biên không cùng tận

Thế gian chúng sinh tâm, tâm sở

Cứ sinh liên tục không gián đoạn

Đại trí Thánh Tôn biết hết cả

Quá khứ vô lượng các tâm pháp

Phật biết một tâm chúng sinh rồi

Hằng hà sa số tâm cũng vậy

Ba Cõi vô tế, lại vô biên

Cho đến hậu tế không thể tận

Như vậy trí sở hành vô tận

Vô số cũng lại không hạn lượng

Biển trí Thế Tôn rộng vô biên

Đều biết chúng sinh thiện ý vui

Tôn trọng Năng Nhân đủ vô lượng

Thần thông trí lực đều rộng lớn

Như xưa đã tu nhân thiện pháp

Dùng oai thần lực để nhớ nghĩ

Vô lượng việc phước lớn như vậy

Ba thứ trí thông khéo nhớ nghĩ

Đại tâm an trụ không thoái chuyển

Đã tu thắng hạnh đạo giải thoát

Chánh trí Thiện Thệ lượng vô biên

Hay biết tất cả tâm chúng sinh

Trí lực thứ tám rộng vô biên

Phật tử nên sinh tin thanh tịnh.

Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực thứ tám của Như Lai. Do Như Lai có đầy đủ trí lực thù thắng, cho nên biết rõ thắng xứ, cho đến không có một pháp nào ngang bằng với Như Lai.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là trí lực thiên nhãn tùy niệm tác chứng của Như Lai?

Nghĩa là, Như Lai dùng trí vô thượng, thiên nhãn thanh tịnh, hơn cả nhục nhãn, quán thấy tất cả chúng sinh thế gian, lúc sinh lúc diệt, giàu sang, nghèo hèn, thiện tướng ác tướng, hướng đến đường lành, rơi vào nẻo ác, tất cả đều tùy theo nghiệp báo của chúng sinh nào chịu quả báo ấy. Như Lai đều biết.

Lại nữa, nếu chúng sinh, thân, miệng, ý tạo các bất thiện, hủy báng các Hiền Thánh, khởi các từ kiến. Do tích tập nhân tà kiến đó, cho nên khi mạng chung đọa vào đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu các chúng sinh, thân, miệng, ý nghiệp làm các việc lành, không hủy báng Hiền Thánh, khởi lên chánh kiến. Do tích tập nhân chánh kiến đó, cho nên khi mạng chung, được sinh lên Cõi Trời.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần