Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Dũng Mãnh - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT
THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI BỐN
PHẨM DŨNG MÃNH
TẬP HAI
Lại nữa, Bồ Tát tu hành ba trí nhẫn: Quá trí, vô quá trí và chẳng phải quá trí cũng chẳng phải vô quá trí.
Bồ Tát tu hành quá trí như thế nào?
Nghĩa là không bỏ pháp giới, thân thể vốn không. Đây là sự tu hành của Như Lai, chẳng phải của Duyên Giác, La Hán. Vô quá trí là trí tuệ tăng thượng, là sự tu hành của Hiền Thánh, Duyên Giác, chẳng phải là sự tu hành của Phật, La Hán. Chẳng phải quá trí cũng chẳng phải vô quá trí là sự tu hành của La Hán chẳng phải của Phật, Duyên Giác.
Quá trí là gì?
Đó là sự hành hóa của Phật, chẳng phải là của La Hán và Bích Chi Phật.
Đối với trí này, trong một khảy móng tay, bằng trí tuệ, Bồ Tát nghĩ: Ta nên cứu giúp cho vô lượng, vô số chúng sinh khiến họ đạt được trí tuệ không có giới hạn, tam muội kim cương cũng không thoái chuyển, thệ nguyện rộng lớn vượt hẳn La Hán và Bích Chi Phật. Đó gọi là Quá trí, chẳng phải là sự tu hành của Bậc Hiền Thánh, Bích Chi, Bồ Tát.
Bất quá trí là gì?
Là sự tu hành của Bậc Hiền Thánh, Bích Chi. Bồ Tát phát tâm tu học trí này, vì muốn pháp giới thanh tịnh nên dẫn dắt chúng sinh, tuyên dương Phật Pháp, diễn bày trí tuệ giải thoát, vì đạo vô thượng mà cầu đến Đạo Tràng. Nếu có chúng sinh đi đến chỗ Bồ Tát, đem đầu, mắt, tuỷ, não, nước, thành, vợ con và những vật yêu thích. Chỉ trừ cha mẹ, Sư Trưởng, đều bố thí hết cho người xin, bố thí mà không cầu sự báo đáp.
Như vậy, một đời đến trăm đời, một kiếp đến trăm kiếp, đem của cải ra bố thí mà vẫn không thấy có vật bố thí, không thấy vật là của ai, từ đâu mà có, vốn từ đâu đến, diệt rồi đi về đâu. Hiểu rõ vật không có nguồn gốc, không thấy nhà cửa để dừng nghỉ.
Lúc ấy, Bồ Tát dùng trí tuệ quán sát về không, nên không thấy thân, không thấy vật, không thấy người và cũng không thấy bố thí chỗ nào. Nhưng Bồ Tát này đã tích chứa công hạnh từ lâu, tâm ý nhạy bén, muốn mau đến đạo vô thượng, ưa cứu giúp chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật.
Bồ Tát thích thanh vắng nên thường ẩn tu trong rừng sâu, tâm ý luôn tịch tĩnh, đạt niệm trước mặt, tư duy quán chiếu, đầy đủ các công hạnh bố thí rồi, được thành tựu đạo quả chánh chân vô thượng, làm bậc Chánh Giác tối tôn.
Khi Đức Phật ấy ra đời, thân tướng trang nghiêm, cứu giúp chúng sinh đến bờ giải thoát. Bậc Thánh Giả vào cảnh giới Niết Bàn Vô dư y rồi, sau đó ta mới thành đạo quả.
Đức Phật bảo Bồ Tát Tối Thắng: Suy nghĩ và hạnh nguyện của Bồ Tát đều không sai lầm. Đức Như Lai khi còn ở đời, việc giáo hóa hoàn tất mới vào Niết Bàn Vô dư.
Chánh Pháp đã diệt hết, đời không có Phật, một kiếp, hai kiếp đến trăm kiếp, Bồ Tát ẩn tu trong núi sâu, tự trách: Than ôi! Thật là uổng công, Phật diệt độ đã lâu, đời Tượng pháp cũng diệt hết, chúng sinh có duyên lành cũng không còn nữa.
Bồ Tát buồn bã, liền đi kinh hành đến gốc cây, dùng móng tay tách vỏ cây, làm hở ra một khoảng trống, phát ra tiếng kêu. Nhờ đó Bồ Tát bỗng nhiên giác ngộ, liền chứng đắc đạo quả chánh chân vô thượng.
Nhìn quanh chẳng thấy ai, Bồ Tát ẩn mất hình tướng, không chuyển pháp luân, thị hiện giống như phàm phu nhưng vượt trên thế gian. Đó là bất quá trí, là sự tu hành của Hiền Thánh Bích chi, chẳng phải của Phật, La Hán.
Không phải Quá trí và không phải Bất quá trí là gì?
Là sự tu hành của La Hán, chẳng phải của Phật và Bích Chi Phật. Từ xưa đến nay, Bồ Tát đã siêng năng tu tập trí này, vì muốn chứng đắc quả vị chánh chân vô thượng thành bậc giác ngộ tối tôn nên tu hành bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Hoặc bố thí đầu, mắt, nước, tài sản, vợ con tôi tớ. Có ai xin gì đều cho hết, tự đâm vào thân, máu chảy nhiều như nước bốn biển, bố thí thân thể cho khắp trong bốn châu thiên hạ, nhưng làm như thế mà vẫn không chứng quả, liền dần dần thoái lui, trở lại phàm phu, lo sợ sinh tử, không còn dũng mãnh, tinh tấn, nghĩ lại việc đã làm từ trước luôn ân hận đến nỗi muốn bỏ thân này, xa lìa chúng sinh.
Lâu dần, vị ấy dùng phương tiện tìm thầy để thưa hỏi, lãnh thọ về pháp của thừa Thanh Văn, mới được giác ngộ. Nghĩ lại công sức đà làm từ trước, vị ấy tự trách mình không theo kịp. Đó là chẳng phải quá trí cũng chẳng phải bất quá trí, là sự tu hành của La Hán, không phải Phật và Bích Chi Phật.
Hạnh thanh tịnh tương ưng của Bồ Tát là gì?
Đó là sự tu hành của Phật, La Hán và Bích Chi Phật, hạnh thanh tịnh nghĩa là ba giải thoát môn thanh tịnh, ba nhãn thanh tịnh, ba tụ thanh tịnh, thanh tịnh về giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Từ ba pháp lành đến mười tám pháp vô lậu, pháp lành của thế gian và xuất thế gian đều thanh tịnh.
Phật, Bích Chi Phật và A La Hán đều tu hạnh thanh tịnh này cho đến khi chứng đạo không hề thoái lui, không khởi các tưởng cũng không thấy, không khởi, không diệt cũng chẳng biết nơi dừng lại, có đầu tiên, có cuối cùng và có nơi cất giữ. Đã không đạt là không có đầu tiên và cuối cùng thì đâu còn nơi chốn.
Khi ấy, Bồ Tát Tối Thắng thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát xa lìa tham dục, tâm không tăng giảm, cũng không nghĩ đến khổ vui, tốt xấu, trước sau, ở giữa, quá khứ, vị lai, hiện tại, thiền chỉ, tam muội, cũng chẳng nghĩ về ngã đối với tham dục và không tham dục như thế nào?
Đức Phật dạy: Này Tối Thắng! Bậc Bồ Tát không còn tham dục ở trong Cõi Dục, đến khắp nơi để thuyết pháp, giáo hóa, tâm tuy không còn đắm nhiễm nhưng vẫn giống như ở trong tro nóng nơi hầm lửa rất sâu.
Vì thương chúng sinh bị ràng buộc trong bốn lưu, chìm đắm trong mười hai biển, muốn tìm đường để thoát ra nhưng không biết nơi hướng đến, tự chịu đựng chẳng từ khó nhọc, phân biệt về sự sinh diệt của năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tư duy về sự sinh diệt của bốn đại như bong bóng nước, như dợn nắng, như cây chuối, như huyễn, như hóa hư dối không thật có, cũng chẳng bền chắc.
Vì sao?
Vì pháp sâu xa khó thể biết được tường tận. Sắc pháp rất sâu xa, đạo cũng như vậy. Năm ấm sâu xa, pháp thế gian cũng vậy, pháp thế gian sâu xa, cõi hư không cũng vậy, khéo léo quán sát cõi hư không và pháp giới cũng không thấy có thức, tưởng, ngã, nhân, tuổi thọ và mạng sống, biết rõ các pháp này như huyễn hóa, tư duy về tám nơi không an ổn ở thế gian, những sự nhơ uế, nhiễm ô ngăn cản người đến với đạo, quán sát tư duy thì thấy chúng đều không có xứ sở.
Vì sao?
Vì pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã, những ai có mắt đều thông đạt điều này. Đó là tâm không tăng, không giảm của Bồ Tát, không còn thấy khổ, vui, lành dữ, tốt xấu, không vướng mắc về duyên khởi trong ba đời.
Địa chủng là cứng, là cảnh giới tự nhiên. Tánh của thủy là ẩm ướt, mềm mại. Tánh của hỏa là phát triển, hủy diệt, là tánh nóng tự nhiên. Tánh của phong là dao động, chuyển động không dừng, quán sát về tánh của pháp thì vắng lặng không có. Bốn đại địa, thủy, hỏa, phong từ đâu sinh ra, do đâu mà diệt.
Nếu Bồ Tát phân biệt về pháp giới, giả sử địa đại tăng thì tánh của thủy, hỏa, phong đều không bằng nó, thần thức chìm mất, không còn tương ưng, địa đại nặng thì thần thức nhẹ nên sắp lìa bỏ thân. Nếu thủy tăng thì địa, hỏa và phong giới sẽ dần suy yếu, thần thức sẽ đổi dời không còn tồn tại trong thân nữa.
Như có người ở trong nhà vắng vẻ, muốn đi xây ngôi nhà khác, trước tiên bước chân phải ra khỏi cửa, đó là địa đại tăng, kế đó, tay phải ra khỏi cửa là thủy đại tăng, tiếp theo chân trái ra khỏi cửa là hỏa đại tăng, khi tay trái ra khỏi cửa phong đại tăng, đang trên đường đi đến gọi là thần thức đã đi mất, đến làng xóm tức là vào nơi năm đường, biết rõ như vậy mới gọi là thông đạt về pháp giới, không cứng, không mềm, không nóng, không nhẹ. Cứng là sự tồn tại, mềm là sự đến, nóng là sự đạt đến, nhẹ là sự hướng đến.
Bồ Tát phân biệt về pháp giới như thế, quán sát biết rõ tất cả đều không có nơi chốn, tư duy về pháp giới, tánh tự khác nhau, sự trưởng dưỡng thần thức và thân thể đều sai khác. Ở trong bốn đại, hỏa đại lớn mạnh hơn hết, còn ba đại kia tánh tự tương ưng.
Vì sao?
Bồ Tát nên quán sát bốn đại bên trong và bên ngoài như thế. Bốn đại của chúng sinh trong ba cõi cũng không giống nhau, nếu muốn tìm nguồn gốc của chúng thì không thể biết được, lại nên tư duy về sự hướng đến sáu căn, mắt là không, nhãn thức cũng không, biết rõ về không mới gọi là pháp giới.
Bồ Tát lại phải tư duy để hiểu rõ về sáu trần, khi mắt thấy sắc, sắc cũng không có, vật đi vào sắc uẩn cũng không có, cho đến tai, mũi, miệng, thân và ý cũng vậy. Bồ Tát nên học tướng chân thật, chẳng phải tướng chân thật, tướng đạo, chẳng phải tướng đạo. Tướng không, chẳng phải tướng không.
Bồ Tát học về tướng chân thật, chẳng phải tướng chân thật như thế nào?
Đối với điều này, Bồ Tát biết rõ vốn là không, do vốn là không phải một mà cũng chẳng phải hai, biết đạo để chứng nhưng cũng không chứng, không thấy sự chứng quả cũng chẳng thấy sự không chứng quả. Không thấy có quả vị Ứng Cúng cũng chẳng thấy không có quả vị Ứng Cúng, biết rõ Ứng Cúng hay chẳng phải Ứng Cúng. Đó là tướng chân thật.
Tướng chân thật của Bồ Tát là ở nơi không cũng chân thật mà xa lìa không cũng chân thật. Không tồn tại cũng chẳng phải không tồn tại. Đó là tướng chân thật tam muội Kim cương, cũng nương vào không làm căn bản để tu hành đạt được diệt tận, biết rõ ba việc này cũng là tướng chân thật.
Tướng chân thậtcủa Bồ Tát là thông đạt bên trong không thật có, biết bên ngoài không có sự giác ngộ, không thấy ưa thích cũng chẳng thấy không có ưa thích. Không thấy có thị xứ và phi xứ cũng là tướng chân thật, bên trong thì chánh kiến không gián đoạn, bên ngoài thì thị hiện, nếu ở nơi vắng vẻ thì tâm tịch tĩnh, còn ở nơi ồn ào thì tâm tán loạn, biết sự tồn tại và đến đi của khổ đều như nhau.
Tướng chân thật ấy là đạo để chứng, biết rõ năm ấm là không, năm ấm không có chủ tể, duyên khởi của chúng cũng là không, không trụ cũng không thấy trụ vào Tuệ tận tưởng, không trụ ở nghi kết cũng chẳng phải không trụ, không trụ nơi năm pháp cũng không theo mười điều lành, mười điều ác là ngọn nguồn của thế gian. Đó là tướng chân thật. Bồ Tát thực hành tướng chân thật như vậy thì không hề thoái lui.
Chẳng phải tướng chân thật là: Nghĩa thù thắng bậc nhất của hư không giới, biết hư không là vắng lặng, nương nơi sự giải thoát mà không bị trói buộc. Đó là chẳng phải tướng chân thật của Bồ Tát.
Bồ Tát học tướng đạo và chẳng phải tướng đạo như thế nào?
Nghĩa là do dự, nghi kết, thế gian đều không đáng ưa mến, tự mình gây hại rồi rơi vào trong khổ, đó là tướng đạo. Thân hiện tại tạo tác thì đời sau sẽ chịu quả báo, không nương bậc thầy, không nhờ thiện tri thức cũng là tướng đạo.
Chẳng phải tướng đạo của Bồ Tát là thế nào?
Chẳng phải tướng đạo là ba mươi bảy phẩm, nơi hướng đến của pháp hữu vi, vô vi, không ở hai bên cũng chẳng xa lìa hai bên, không theo duyên cũng không lìa duyên, không trụ vào duyên cũng không tùy thuộc duyên, không vượt qua cũng chẳng phải không vượt qua, không quả báo cũng chẳng phải không có quả báo.
Không có một, hai, ba hay bốn cho đến mười cũng chẳng phải không có mười, chẳng có chỗ sinh cũng chẳng phải không sinh, không diệt tận cũng chẳng phải không diệt tận, không sinh diệt cũng chẳng phải không sinh diệt, không giáo hóa cũng chẳng phải không có giáo hóa, chẳng hiểu rõ về không cũng chẳng phải không hiểu rõ về không, không tư duy về pháp chỉ cũng chẳng phải không tư duy về pháp chỉ.
Nếu Bồ Tát quán sát hai mươi bốn việc thì biết rõ nguồn gốc của sự phân biệt là tâm, không còn sinh tử, xa lìa trói buộc, không có tâm hơn thua cũng không hung dữ, không tự đề cao mình, không hạ thấp người, liền đạt được tam muội Phân thân khắp nơi là định tối thượng trong trăm ngàn loại định, là tôn là quý, không có gì hơn, chẳng phải là cảnh giới của La Hán và Bích Chi Phật.
Khi ấy, ngồi nơi tòa, đang ở trong tam muội Chánh thọ tên là Nhất tâm không sợ hãi Đức Thế Tôn làm cho bốn bộ chúng đều chánh niệm như nhau, không có loạn tưởng.
Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tối Thắng: Hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, hôm nay ta sẽ nói rõ pháp tam muội này cho ông, làm cho mọi người trong chúng hội không còn nghi ngờ.
Bồ Tát Tối Thắng thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy, con rất ưa thích nghe, vì ưa thích nghe nên được an ổn.
Phật bảo Bồ Tát Tối Thắng: Có tam muội tên là Tiêu tan các kết sử, khiến cho vô số chúng sinh có hình tướng trong vô lượng cõi nước, trừ bỏ các khổ đau, không còn các phiền não. Lại có tam muội tên là Quang minh từ bi rất dũng mãnh, khiến các chúng sinh không còn oán kết.
Lại có tam muội tên là Công đức sung mãn, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho các chúng sinh không còn tưởng về đói khát. Lại có tam muội tên là Thanh Tịnh, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho các chúng sinh được pháp nhãn thanh tịnh. Lại có tam muội tên là Nhĩ căn thanh tịnh, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho các chúng sinh được thiên nhĩ thông.
Lại có tam muội Tâm ý tịch tĩnh, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho các chúng sinh bỏ tà về chánh. Lại có tam muội Trừ bỏ điều ác, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho các chúng sinh tu hành mười điều lành.
Lại có tam muội tên là Độc hành, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho các chúng sinh không còn tà kiến, thọ trì chánh đạo. Lại có tam muội đi đến các cõi, Như Lai nhập vào tam muội này, khiến chúng sinh đến với đạo không còn mê lầm. Lại có tam muội Hoàn thành các việc, Như Lai nhập vào tam muội này, khiến các chúng sinh trừ bỏ giới ác, thành tựu giới thanh tịnh.
Lại có tam muội tên là An lạc hổ thẹn, Như Lai nhập vào tam muội này, khiến chúng sinh thực hành nhẫn nhục. Lại có tam muội tên là Phước đức tinh tấn, Như Lai nhập vào tam muội này, khiến chúng sinh biếng nhác phát tâm mạnh mẽ. Lại có tam muội tên là Tự mình chứng đắc, Như Lai nhập vào tam muội này, khiến chúng sinh bị vọng tưởng mau thành Thiền định.
Lại có tam muội tên là Hàng phục, Như Lai nhập vào tam muội này, khiến chúng sinh ngu si, chấp trước đạt được trí tuệ tự ngộ. Lại có tam muội tên là Không còn các lậu, Như Lai nhập vào tam muội này, khiến chúng sinh không có tâm tin được an trú trong tín căn.
Lại có tam muội tên là Công đức tổng trì, Như Lai nhập vào tam muội này, khiến các chúng sinh ít học được học hiểu nhiều. Lại có tam muội tên là Phép tắc oai nghi, Như Lai nhập vào tam muội này, khiến các chúng sinh có oai nghi tề chỉnh, đầy đủ lễ tiết. Lại có tam muội tên là Ân huệ bố thí, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho chúng sinh vướng mắc vào tham dục, vĩnh viễn không còn ái dục.
Lại có tam muội tên là Vượt qua, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho chúng sinh giận dữ đoạn trừ sân hận. Lại có tam muội tên là không còn mê hoặc, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho chúng sinh ngu si được huân tập trí tuệ. Lại có tam muội tên là Đi đến khắp nơi, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho chúng sinh không bị vướng vào Ba Cõi.
Lại có tam muội tên là tất cả thân thể hình sắc, Như Lai nhập vào tam muội này, làm cho chúng sinh trong các cõi nước ở khắp mười phương hóa ra trăm ngàn ức hình sắc, nhưng các chúng sinh ấy đều không biết nhau.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy Mươi Hai - Phẩm Bồ Tát Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tuệ ấn Tam Muội - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đạo Thủ Nhị Bính
Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Bốn - Bồ Tát Từ đất Vọt Lên
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bảy - Bảy Pháp - Phẩm Bảy - ðại Phẩm - Phần Ba - Thành Trì
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Hai Mươi Hai - Từ Bi Với Hữu Tình