Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Như Lai Chẳng Thể Nghĩ Bàn - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN

PHẨM NHƯ LAI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN  

TẬP MỘT  

Đức Phật bảo: Này Xá Lợi Tử! Bồ Tát trụ tín tâm đối với mười pháp chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, tin hiểu thanh tịnh, vượt khỏi sự phân biệt, lìa mọi nghi hối, sau lại biểu hiện thân vui, tâm vui, tướng vui, khởi ý tưởng hy hữu.

Những gì là mười?

1. Đối với thân tướng tối thắng chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến biểu hiện tướng vui, khởi ý tưởng hy hữu.

2. Đối với âm thanh hay vi diệu chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

3. Đối với đại trí tối thắng chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

4. Đối với ánh sáng vi diệu chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

5. Đối với giới định viên mãn chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

6. Đối với thần túc to lớn chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

7. Đối với mười trí lực chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai. Tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

8. Đối với bốn vô sở úy chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

9. Đối với tâm đại bi chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

10. Đối với pháp bất cộng chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

Đó là mười pháp hy hữu chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bồ Tát trụ tín phải siêng năng tinh tấn cần cầu, không có tâm sợ hãi biếng nhác, không có lay động.

Dẫu thân, da, gân, thịt, cốt, tủy, máu mạch có khô cằn tiều tụy đi nữa, nếu chưa đạt được mười pháp chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, thì trong khoảng thời gian đó không được biếng nhác, phải siêng năng tinh tấn cần cầu, nhất định đạt được.

Này Xá Lợi Tử! Bồ Tát trụ tín đối với mười pháp chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, phải nên tin hiểu thanh tịnh như vậy, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, lập lại kệ rằng:

Thân tướng Như Lai chẳng nghĩ bàn

Nên quán pháp thân tịnh vi diệu

Không tướng cũng không môn đối ngại

Bồ Tát hay sinh tâm tin hiểu

Cho đến các nẻo rộng phân biệt

Chỉ âm thanh Phật chẳng nghĩ bàn

Đối nhất thiết xứ pháp môn báu

Phải nên tin hiểu cảnh giới Phật

Hiện diện tất cả loại chúng sinh

Căn thượng, trung, hạ có sai khác

Chỉ thắng trí Phật mới biết hết

Tin hiểu trí lực chẳng nghĩ bàn

Ánh sáng Chư Phật chiếu vô biên

Lưới sáng thanh tịnh chẳng nghĩ bàn

Ánh sáng rạng ngời chiếu mười pháp

Vô biên sát hải đều thấu triệt

Mâu Ni xuất Thế Giới thanh tịnh

Nhưng không nương tựa pháp thế gian

Bo tát trụ tín tâm tịnh tín

Tin thần túc Phật chẳng nghĩ bàn

Cảnh giới thần thông của Chư Phật

Các Bồ Tát không thể biết được

Chư Phật tâm thường trụ thiền định

Phật môn giải thoát chẳng nghĩ bàn

Pháp giới rộng lớn không phân biệt

Chỉ thắng lực Phật mới biết được

Đầy đủ trí lực đại Thánh Tôn

Không bờ không bến bằng hư không

Giả sử tất cả loại chúng sinh

Cùng đặt câu hỏi nhiều như biển

Đáp theo câu hỏi tâm vui vẻ

Như Lai vô úy chẳng nghĩ bàn

Vì một chúng sinh làm lợi ích

Vô biên chúng sinh cũng như thế

Khiến cho an trụ tâm điều phục

Như Lai đại bi chẳng nghĩ bàn

Các tướng Như Lai đều đầy đủ

Khả năng biết rõ tất cả pháp

Pháp mon Bất cộng Phật công đức

Trí sáng hiển bày khắp mọi nơi

Mười pháp chẳng nghĩ bàn như vậy

Nhiếp pháp Chư Phật nhập pháp tánh

Nếu hay khởi lên tâm tin hiểu

Bồ Tát khéo trụ tâm tịnh tín.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao goi là Bồ Tát trụ tín đối với thân tướng tối thắng của Như Lai tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu?

Bởi vì thân thanh tịnh của Như Lai có khả năng đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, nhưng lại đầy đủ tất cả pháp thiện. Thân Như Lai đã lìa tất cả bất tịnh uế ác, gân, cốt, máu, thịt và các pháp nhiễm ô. Thân Như Lai là tự tánh sáng lạn thanh tịnh, vĩnh viễn lìa tất cả cấu nhiễm phiền não, vượt khỏi thế gian, không bị tất cả pháp thế gian làm nhiễm.

Thân Như Lai tích tập vô lượng phước trí diệu hạnh, trưởng dưỡng chúng sinh, tu tập vô lượng giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến các thiện pháp, trang nghiêm đầy đủ tất cả hoa công đức thù thắng, như tấm gương sáng lớn hiện rõ các sắc tướng. Lại như mặt nước trong in rõ bóng trăng.

Lại nữa, thân Như Lai như hư không giới nhiếp hết tất cả, lại như pháp giới tối thượng tối thắng. Thân Phật vô lậu, đã dứt het các lậu. Thân Phật vô vi, không còn rơi vào các nẻo, thân như hư không, thân vô đẳng đẳng, thân tối thắng trong tất cả ba cõi.

Lại nữa, thân Như Lai không thể thí dụ, thanh tịnh không dơ, lìa mọi nhiễm ô, tự tánh sáng suốt, không phải đời trước có thể quán, không phải đời sau có thể quán, không phải hiện tại có thể quán, không phải chủng tộc có thể quán, không phải sắc có thể quán.

Không phải tướng có thể quán, không phải tùy hình tốt đẹp có thể quán, không phải tâm có thể quán, không phải ý có thể quán, không phải thức có thể quán, không phải kiến có thể quán, không phải nghe có thể quán, không phải niệm có thể quán, không phải biểu liễu có thể quán.

Không phải uẩn có thể quán, không phải xứ có thể quán, không phải giới có thể quán, không phải sinh có thể quán, không phải trụ có thể quán, không phải diệt có thể quán, không phải thủ có thể quán, không phải xả có thể quán, không phải xuất ly có thể quán, không phải hành có thể quán, không phải hiển sắc có thể quán.

Không phải tướng trạng có thể quán, không phải hình sắc có thể quán, không phải đến có thể quán, không phải đi có thể quán, không phải giới có thể quán, không phải định có thể quán, không phải tuệ có thể quán, không phải giải thoát có thể quán, không phải giải thoát tri kiến có thể quán, không phải hữu tướng có thể quán, không phải lìa tướng có thể quán.

Không phải pháp tướng có thể quán, không phải các tướng thành tựu có thể quán, không phải vô sở úy có thể quán, không phải vô ngại giải có thể quán, không phai thần thông có thể quán, không phải đại bi có thể quán, không phải thành tựu pháp bất cộng Phật có thể quán.

Chư Phật xuất hiện như huyễn, như sóng nắng, như bóng trăng in nước. Thân tự tánh vi diệu. Thân không, vô tướng, vô nguyện, không bờ bến. Thân không chủng loại. Thân không tích tụ. Thân không phân biệt. Thân không nương tựa. Thân không biến đổi. Thân được thiện trụ không còn lay động. Thân tự tánh không sắc, không phải không sắc. Thân tự tánh không thọ, không phải không thọ.

Không tưởng, không phải không tưởng. Không hành, không phải không hành.

Không thức không phải không thức. Thân không thật, không sinh, không phải đại chủng. Thân chưa từng có, chưa từng có nghiệp. Thân không phải mắt sinh, không từ trong sắc mà có, cũng không phải bên ngoài. Không phải ta nương tựa từ trong sắc mà có, cũng không phải bên ngoài.

Không phải mũi ngửi, không từ mùi hương mà có, cũng không phải bên ngoài. Không phải lưỡi liễu biệt, không từ vị mà có, cũng không phải từ bên ngoài. Không phải thân hòa hợp không từ xúc mà có, cũng không phải từ bên ngoài.

Không phải tâm sở chuyển, không phải ý sở chuyển, không phải thức sở chuyển, cũng không phải không chuyển, cũng không phải tùy chuyển, được an trụ không lay động, ngang bằng với hư không, pháp giới tối thượng lưu nhập vào hư không giới.

Này Xá Lợi Tử! Các pháp như vậy, Bồ Tát trụ tín đối với thân tướng vi diệu thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, không có phân biệt, lìa mọi nghi hối, sau lại biểu hiện thân vui, tâm vui và sinh ý tưởng hy hữu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên lập lại kệ rằng:

Vô lượng câu chi na do đa

Nhiều kiếp rộng tu hạnh Bồ Tát

Thân, miệng, ý ba nghiệp thanh tịnh

Cần cầu thân vô đẳng Thiện Thệ

Mười phương Thế Giới khởi ý từ

Đem hết thân mạng hành bố thí

Tâm thường lìa dục hạnh tà nhiễm

Cần cầu thân hư không vô thượng

Y phục trang sức tịnh vi diệu

Trong vô lượng kiếp hành bố thí

Thí Ba la mật diệu hạnh viên

Các Phật tử rộng thí tối thượng

Hộ giới như trâu mao mến đuôi

Hay xả thân mạng nhẫn không oán

Nguyện cầu thân Phật tâm không nhác

Tu mọi tinh tấn Ba la mật

Ưa quán cảnh giới định Chư Phật

Trong tâm thích khởi tuệ phương tiện

Pháp giới tối thượng thân Thiện Thệ

Con nguyện sẽ được thân như thế

Chư Phật đã từng hành thiện hạnh

Được quả bồ đề không ai bằng

Sẽ được thân rộng lớn hư không

Khéo lìa trần nhiễm tịnh không nhiễm

Lìa tướng ngã, nhân tự tánh không

Không tướng, không lời, không sở đắc

Vượt qua các cảnh giới của mắt

Thân đại Mâu Ni được như vậy

Lìa sắc, lìa tiếng ý thanh tịnh

Vô sinh, vô tác xưa nay không

Se được thân không động Như Lai

Mười Lực Thiện Thệ cũng như vậy

Thân như huyễn hóa vượt tất cả

Các loại voi, ngựa và nhân tướng

Ngu si hư vọng tâm điên đảo

Thấy mười lực tôn sắc tướng Phật

Quá khứ vô lượng các Thiện Thệ

Chư Phật vị lai cũng như thế

Đồng thân pháp tánh không gì khác

Pháp Giới tối thượng bằng hư không.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là Bồ Tát trụ tín đối với âm thanh vi diệu chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu?

Này Xá Lợi Tử! Như Lai ở trong tất cả chúng hội, âm thanh nói ra đều là điều phục, tùy thuận làm các thiện lợi, làm cho ý của tất cả chúng sinh trong mười phương Thế Giới đều vui thích.

Tuy vậy, nhưng Như Lai không nghĩ rằng: Ta có thể vì chúng hội Bí Sô tuyên nói các pháp, vì chúng hội Bí Sô Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Phạm Chúng… mà nói pháp ấy.

Lại nữa, Như Lai tùy nghi tuyên nói Khế Kinh, Phúng Tụng, Ký Biệt, Ứng Tụng, Tự Thuyết, Thí Dụ, Duyên Khởi, Bản Sự, Bản Sinh, Phương Quảng, Hy Pháp, Luận nghị. Các pháp như thế, vì tất cả chúng hội cho đến Phạm chúng Như Lai tùy theo trình độ căn cơ mà nói. Các chúng sinh có thượng, trung, hạ căn, mỗi mỗi sai khác đều nghe pháp cú.

Nhưng pháp cú ấy đều từ miệng Như Lai nói ra, tùy theo các căn tánh đều được hiểu rõ. Trong khoảng thời gian đó cũng không có lời nói nào trái ngược nhau, mỗi mỗi đối với pháp ấy đều hiểu một cách rõ ràng. Đó chính là các phước đời trước của Như Lai nên mới được quả báo hiện tại phát ra âm thanh vi diệu như thế, khiến các chúng sinh tùy theo pháp đó mà hiểu.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Tiếng nói của Như Lai phát ra nhỏ nhẹ, ôn tồn, thanh tịnh không có cấu bẩn, làm cho người nghe vui ham thích. Lại nữa, tiếng của Như Lai rõ ràng không thô ác, người nghe càng thêm vui, tâm không nhàm chán mõi mệt. Người nghe tâm vui phát sinh niềm vui, hiểu biết rõ ràng, sinh tâm ham thích, tâm ý điều hòa.

Tiếng của Như Lai như tiếng Sư Tử, như tiếng sấm sét, như tiếng của hải triều âm, như tiếng Ca Lăng Tần Già vi diệu, như tiếng thanh Phạm, tiếng thái cổ, tiếng cát tường, tiếng nhu nhuyến, tiếng vang dội, tiếng thanh tịnh vi diệu, khiến các căn cua chúng sinh vui thích điều phục. Tiếng làm cho chúng hội vui thích, tiếng các tướng đầy đủ tối thắng, tiếng của Chư Phật Như Lai hoặc đây hoặc kia dều đầy đủ vô lượng công đức thanh tịnh.

Này Xá Lợi Tử! Các âm thanh như thế là vì các Bồ Tát trụ tín đối với âm thanh vi diệu chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, lập lại kệ rằng:

Tiếng Phạm Âm vi diệu Như Lai

Lời nói phát ra khéo điều phục

Phạm chúng không bằng âm thanh Phật

Các pháp như vậy đều đầy đủ

Tiếng Phật tương ưng với lòng từ

Tâm Bi rộng lớn lại thù thắng

Tương ưng hỷ, xả cũng như thế

Mâu Ni Thánh Tôn tiếng vi diệu

Chúng sinh nghe tiếng dứt tất cả

Lửa tham, sân độc các bất thiện

Ngu si tối tăm cũng tiêu trừ

Âm thanh như vậy đều đầy đủ

Mọi người ở khắp các phương xứ

Cùng khắp tất cả trong nhân loại

Cho đến giáp tận Diêm Phù Đề

Tất cả ngôn ngữ Phật hiểu rõ

Chúng sinh tùy loại nghe tiếng Phật

Địa cư, không cư các Thiên Chúng

Nghe tiếng vi diệu của Mâu Ni

Tùy âm thanh Phật được hiểu rõ

Hai chân, bốn chân và nhiều chân

Các loại không chân nghe tiếng Phật

Tùy xúc tùy nghe sinh tịch ý

Tất cả chỗ ấy tùy tiếng chuyển

Trong tam thiên đại thiên Thế Giới

Khai sáng điều phục loài chúng sinh

Nhiếp hết các căn thượng trung hạ

Tùy âm thanh Phật mà khéo chuyển

Người đáng điều phục nghe giải thoát

Lìa mọi phân biệt không phân biệt

Tâm chánh định nói môn Thánh đế

Trong đó không chấp cũng không trói

Vô biên chúng sinh nghe tiếng Phật

Nghe rồi dứt trừ các phiền não

Chí thành quy mạng Phật, Pháp, Tăng

Nghe rồi giới nhẫn đều đầy đủ

Âm thanh Như Lai diệu tối thượng

Tiếng ấy sâu xa lượng vo biên

Âm thanh vô biên trí vô biên

Bồ Tát trí tín không nghi hối.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần