Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Tinh Tấn Ba La Mật đa - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM CHÍN

PHẨM TINH TẤN BA LA MẬT ĐA  

TẬP BỐN  

Lúc đó, cậu bé tâm rất hoan hỷ nói kệ rằng:

Đầy đủ ba minh trí cam lồ

Hay làm lợi ích cho thế gian

Đảnh lễ Long Tượng Sư Tử Vương

Thế nên nay con thường tán lễ.

Trí Phật chiếu sáng rất hy hữu

Cũng như nhật nguyệt chiếu thế gian

Cũng như Hoa Ưu Đàm xuất hiện

An trụ kiên cố sắc tướng đẹp,

Hữu tình thế gian nhiều chướng nặng

Không thể hiểu biết Phật Thánh đạo

Cũng như người mù lại ngu si

Không biết nên đọa vào đường ác.

Con nguyện đương lai thành Chánh Giác

Cũng như Tỳ Bà Thi Thế Tôn

Khiến các hữu tình lìa các khổ

Diệt lửa ba độc được mát mẻ

Lại khiến vô lượng các hữu tình

Cũng phát thệ nguyện rộng như con

Nghe Phật diễn nói thừa tối thượng

Đều được khai thị đạo bồ đề.

Cậu bé nói kệ này rồi, lại nói như vậy: Nam Mô Tỳ Bà Thi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khéo nói pháp yếu.

Đồng thời tám vạn bốn ngàn câu chi người cũng nói như vậy: Nam Mô Tỳ Bà Thi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khéo nói pháp yếu.

Tán thán ba lần như vậy rồi làm lại từ đầu: Con nguyện đương lai đều được thành Chánh Đẳng, Chánh Giác như Tỳ Bà Thi Như Lai khéo nói pháp yếu.

Khi ấy, Tỳ Bà Thi Như Lai, biết được cậu bé và tám vạn bốn ngàn câu chi người có thể kham nhận thọ ký, liền hiện thần biến, từ nơi mặt phóng ra ánh sáng tên là Quyết định thắng.

Ánh sáng ấy có vô lượng sắc tướng như xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, pha chi ca, kim sắc… sắc tướng như vậy bao trùm vô lượng Thế Giới, chiếu suốt đến Phạm Thiên đến sắc biên tế, che khuất cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Ánh sáng ấy quay trở lại trên đảnh Đức Phật, nhiễu quanh bên phải trăm ngàn vòng rồi bỗng nhiên ẩn mất.

Này Xá Lợi Tử! Lúc đó Bí Sô thị giả của Đức Phật Tỳ Bà Thi Như Lai thấy ánh sáng thần biến của Phật rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa y phục, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay hướng lên Đức Phật chiêm ngưỡng tôn nhan dùng kệ thưa hỏi:

Tỳ Bà Thi Phật đại hy hữu

Là Bậc Thánh tôn trong các Thánh

Nay con thưa hỏi Thiện Thệ Tôn

Vì nhân duyên gì hiện ánh sáng?

Nói kệ xong Bí Sô lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Thế Tôn hiện đại thần thông, phóng ánh sáng này, cúi xin Như Lai rũ lòng thương xót trừ nghi cho con diễn nói việc này. Lại có vô lượng trăm ngàn người hiện đang đứng trước Thế Tôn cung thích muốn nghe, chúng con rất tha thiết ân cần muốn nghe, Thế Tôn hãy vì các hữu tình mà từ bi khai thị.

Như Lai đại bi, là mắt sáng cho thế gian cứu hộ tất cả, như các ngôi nhà che mát tất cả, cúi xin Như Lai đại từ thương xót cắt đứt lưới nghi, các sở hành, tưởng niệm, tất cả hành nghiệp và các nghi hoặc của các hữu tình trong quá khứ, hiện tại, vị lai, Như Lai đều biết rõ.

Lại nữa, các hữu tình trong các Cõi Phật ở trong ba đời, tất cả trí tuệ ngôn ngữ sai khác, Như Lai đều thông đạt. Như Lai là đấng Pháp vương, đầy đủ tám thứ tiếng, nói pháp đều được tự tại, vì nhân duyên gì hiện đại thần thông, phóng ánh sáng này.

Cúi xin Như Lai đoạn trừ tất ca lưới nghi và mọi sự khổ não của chúng con đều được đoạn diệt. Hôm nay chúng con thưa thỉnh ba lần như vậy, nhất tâm chuyên chú, chấp tay cung kính rất thích muốn nghe.

Này Xá Lợi Tử! Lúc đó, Tỳ Bà Thi Như Lai bảo Bí Sô thị giả rằng: Ngươi có thấy cậu bé chấp tay đứng trước ta không?

Bí Sô thưa: Dạ vâng, thưa Thiện Thệ con đã thấy!

Phật bảo Bí Sô: Nay cậu bé này thuở xưa đã từng thân cận xưng tán cung kính lễ bái, lại còn dùng y phuc ngọa cụ, các loại thuốc thang cúng dường tám vạn bốn ngàn câu chi na do tha Chư Phật, trồng các căn lành, vì cầu thành tựu Chánh Đẳng bồ đề, thường tu phạm hạnh.

Đức Phật bảo Bí Sô: Ngươi có thấy tám vạn bốn ngàn câu chi người đang đứng chắp tay ở trước ta không?

Bí Sô thưa: Dạ vâng, con đã thấy thưa Thiện Thệ!

Đức Phật bảo: Các người này ở đời quá khứ đều đã từng là cha mẹ của cậu bé này, đời đời đều được cậu bé này giáo hóa phát tâm, các đời về sau, nguyện đều không thọ thân nữ, đều hay tùy thuận tu tập, đồng phát tâm Chánh Đẳng, Chánh Giác. Nay ta sẽ thọ ký cho họ. Vì nhân duyên đó cho nên ta hiện đại thần thông, phóng ánh sáng này.

Lúc đó, Tỳ Bà Thi Như Lai vì Bí Sô thị giả và mọi người mà nói kệ rằng:

Ngươi thấy hiện tiền các đại chúng

Đi theo cậu bé đến phó hội

Tám vạn bốn ngàn câu chi số

Chuyên chú nhất tâm nghe ta nói.

Phật tuyên nói pháp được tự tại

Bí Sô! Nay ta nói điều đó

Ta biết cậu bé trong nhiều kiếp

Thân cận cúng dường các Đức Phật.

Lại trong vô lượng chỗ Chư Phật

Chí tâm kiên cố cầu xuất gia

Tu trì hạnh thanh tịnh tối thượng

Lại hay lợi lạc chúng Trời người.

Hiện tiền các đại chúng này đây

Tám vạn bốn ngàn câu chi số

Đời đời đã từng làm cha mẹ

Giáo hóa hoan hỷ không gián đoạn.

Lại trong vô số kiếp thuở xưa

Rộng phát vô biên các đại nguyện

Đời đời thảy đều làm cha mẹ

Đồng cầu đại bồ đề vô thượng.

An trụ như vậy lìa sinh tử

Phải nên theo ta cùng tu học

Chí cầu bồ đề diệu vô thượng

Ta nay vì họ thân thọ ký,

Chúng ấy nhất định thành Chánh Giác

Thế nên nay ta hiện thần thông

Ta có khả năng khiến tâm ngươi

Đi, đứng, nằm ngồi không nghi hoặc.

Các vị Trời rồng và nhân chúng

Na do tha số đứng trước ta

Đồng nghe vì họ thân thọ ký

Không lâu sẽ thành Đấng Lưỡng Túc.

Này Xá Lợi Tử! Nghe Đức Phật ấy thọ ký, cậu bé hoan hỷ phấn khởi đi đến chỗ cha mẹ nói lời thành thật bằng kệ rằng:

Tám vạn bốn ngàn chúng như vậy

Thuở xưa từng làm cha mẹ con

Đồng thời cùng phát tâm bồ đề

Hom nay cha mẹ như thế nào.

Này Xá Lợi Tử! Khi ấy cha mẹ vì cậu bé nói kệ rằng:

Như lời con nói cùng các chúng

Mỗi mỗi đã phát tâm bồ đề

Nay ta quy y nhất thiết trí

Cùng con phát nguyện không khác gì

Như vậy tiến cầu đạo cứu cánh

Thân con là thân ta đã sinh

Cùng con đồng phát tâm chân thật

Nguyện được thành tựu quả bồ đề.

Này Xá Lợi Tử! Lúc đó, cậu bé vì cha mẹ lại nói kệ rằng:

Nếu con được thành Phật trước nhất

Nguyện xin khai thị cho tất cả

Con nguyện cha mẹ và mọi người

Cùng thành đại bồ đề vô thượng.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Lúc đó, vì cậu bé và mọi người, Tỳ Bà Thi Như Lai nói như vậy: Nay ta vì các ông mà thọ ký thành Phật chớ sinh nghi hoặc, khéo an ủi chính mình, chớ thấy cái khác.

Vì sao?

Vì thuở xưa các ông đã làm Đại Tự Tại Thiên Tử, lúc đó ta đã từng thọ ký cho các ông, từ đó trở về sau trải qua câu chi na do tha kiếp không đọa đường ác. Lại quá hơn câu chi na do tha kiếp, sinh trong dòng Chuyển Luân Thánh Vương, được thành Phật hiệu là đại bi Như Lai A La Ha Tam Miệu Tam Phật Đà, đầy đủ đại danh xưng, cha là Tịnh Phạn, lìa các ám độn, mẹ là Ma Gia, lìa mọi ưu não.

Người con thuở đó cũng như con ta tên là La Hầu La, xuất hiện ở thế gian rồi, cầu thành Chánh Đẳng, Chánh Giác, được thành tựu đạo bồ đề. Tuổi thọ Đức Phật ấy đủ mười vạn tuổi. Ánh sáng của Đức Phật ấy chiếu sáng mười vạn du thiện na quốc độ.

Tất cả hữu tình ở trong Thế Giới ấy có duyên hay không duyên đều được nương vào ánh sáng của Đức Phật. Lúc đó, trong ánh sáng của Đức Phật có trăm câu chi na do tha câu chi, trăm ngàn na do tha câu chi chúng đại Thanh Văn đều đến tập hội. Lại có một câu chi chúng đều là A La Hán, đầy đủ bạch pháp, đã hết các lậu, không còn phiền não, tâm được tự tại, đủ tám giải thoát, đắc sáu thần thông.

Này Xá Lợi Tử! Đại A La Hán như vậy đều đến tập hội. Lại có vô lượng chúng Đại Bồ Tát đều đến tập hội. Lại có tất cả cha mẹ thuở xưa từng làm cha mẹ của Đức Phật cũng đến tập hội.

Lúc đó, đại bi Như Lai nói pháp giáo hóa vô lượng A tăng kỳ hữu tình đều trụ địa không thoái chuyển, đã làm các việc thiện lợi cho các hữu tình rồi vào Niết Bàn. Chánh pháp tồn tại thế gian một câu chi năm. Xá Lợi của Đức Phật ấy lưu bố rộng rãi ở các thế gian, cũng như sau khi ta diệt độ lưu bố Xá Lợi không khác.

Này Xá Lợi Tử! Lúc nói lời này, có các Chánh Sĩ phát khởi dũng mãnh, tinh tấn càng tăng, sinh khởi tâm từ quán sát thế gian, lợi lạc hữu tình, tâm không thoái chuyển. Lại có Đại Bồ Tát phát khởi chánh niệm, tăng trưởng tối thắng, tâm không gián đoạn, chí cầu Chánh Đẳng, Chánh Giác. Như vậy, trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp, nguyện ở trong sinh tử lưu chuyển hóa độ lợi ích hữu tình, cầu Phật bồ đề.

Này Xá Lợi Tử! Lúc đó ta cũng phát nguyện này, dứt sạch nguồn gốc sinh tử, mặc giáp tinh tấn, hóa độ lợi ích hữu tình, một kiếp viên mãn hạnh nguyện tinh tấn, tinh tấn dũng mãnh tâm không thoái chuyển, nguyện thành bồ đề.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là Đại Bồ Tát tinh tấn dũng mãnh không thoái chuyển?

Đại Bồ Tát khi thực hành tinh tấn dũng mãnh không thoái chuyển, giá như thấy lửa cháy đầy khắp trong tam thiên đại thiên Thế Giới, vì cầu Như Lai Chánh Đẳng, Chánh Giác bồ đề, nên phát khởi tinh tấn dũng mãnh, vào trong lửa nhưng vẫn nhẫn chịu không biếng nhác. Lúc các Bồ Tát nghe pháp này rồi liền được siêu việt viên mãn, một kiếp hạnh nguyện tinh tấn.

Lại nữa, khi các Bồ Tát nghe pháp này rồi, đối với tinh tấn dũng mãnh không thoái chuyển, liền được vô lượng thiện căn.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Khi Đại Bồ Tát thực hành tinh tấn dũng mãnh không thoái chuyển, vì lợi ích tất cả hữu tình, cầu chứng Niết Bàn, thuần nhất không xen tạp thường trụ kiên cố, đối với thiện và bất thiện đều khởi lòng đại bi thương xót, thực hành hạnh tương ưng đối với các hữu tình.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát nên thực hành tinh tấn dũng mãnh không có biếng nhác dù ở đâu, cất bước chân đi thường không lìa tâm bồ đề, quán thấy Tam Bảo luôn ở trước mắt, cũng không rời bỏ tất cả hữu tình, cũng không tùy thuận tất cả phiền não.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát nên thực hành tinh tấn dũng mãnh không có biếng nhác, đem sức thiện căn đã sinh, hoặc chưa sinh đều hồi hướng chánh đạo bồ đề, lại khiến thiện căn tăng trưởng vô tận.

Này Xá Lợi Tử! Ví như nước của trăm con sông chảy ra biển mãi mãi không bao giờ hết. Nay đem thiện căn này hồi hướng bồ đề cũng như vậy, không có cùng tận. Thế nên gọi là tinh tấn dũng mãnh không thoái chuyển.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Khi Đại Bồ Tát thực hành tinh tấn dũng mãnh không có biếng nhác, đối với các hạnh chân chánh nhất thiết trí trí tích tập thiện căn, lại hay lợi lạc tất cả hữu tình, thế nên gọi là tinh tấn dũng mãnh không thoái chuyển.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nay ta lược nói về phước uẩn mà Đại Bồ Tát cho đến tất cả hữu tình đạt được, cho đến phước uẩn mà hữu học, vô học, Thanh Văn, Duyên Giác đạt được. Các phước uẩn đó không bằng đầu sợi lông phước uẩn của Như Lai. Huống nữa là phước uẩn Như Lai đạt được nhiều như lông khắp cả toàn thân.

Vì do Như Lai tu hành tích tập phước uẩn rộng lớn trong vô lượng kiếp. Nếu như có người tích tập phước uẩn rộng lớn, hành tướng như thật trăm phần, ngàn phần, không bằng nhân tướng của Như Lai, huống nữa là tất cả tướng tốt của Như Lai.

Lại nữa, các phước uẩn đó không bằng tướng nhất kha nguyệt bạch hào giữa chặng mày của Như Lai, huống nữa là trăm ngàn phần công Đức Như Lai.

Lại nữa, các phước uẩn đó không bằng môt đảnh tướng vô kiến của Như Lai, huống nữa là tướng đại trượng phu của Như Lai, cho đến ô sắc ni sa các căn tướng tốt phát sinh trăm ngàn câu chi công đức.

Lại nữa, các phước uẩn ấy không bằng âm đại pháp loa nói một tướng của Như Lai, huống nữa pháp âm rộng lớn của Như Lai bao trùm vô lượng Thế Giới, khiến hữu tình các căn điều hòa đều sinh hoan hỷ, tùy theo sự hiểu biết thù thắng khéo được điều phục, phát sinh sự hiểu biết đối với Chánh Đẳng, Chánh Giác khó được như vậy.

Như vậy, Bồ Tát đối với vô lượng Thế Giới tùy theo đó mà học. Như Lai nói ra âm thanh to lớn khiến hết tất cả hữu tình đều được nghe. Bồ Tát mặc giáp tinh tấn, phát ý chí kiên cố, thích tu tập hạnh tinh tấn dũng mãnh không thoái chuyển của Bồ Tát.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Khi Đại Bồ Tát tu hạnh tinh tấn không có thoái lui, giả sử khiến tất cả hữu tình trong tam thiên đại thiên Thế Giới thành tựu đầy đủ trí lực hiểu biết thù thắng.

Nếu các hữu tình đối với chánh pháp Bồ Tát tạng, tùy thuận thành tựu đầy đủ trí lực, đem so với công đức trước trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần, cho đến ô ba ni sát đàm phần cũng không bằng một. Nói tóm lại, tất cả hữu tình trong tam thiên đại thiên Thế Giới như vậy, đều khiến đạt được trí lực Tu Đà Hoàn, trí lực Tư Đà Hàm, trí lực A Na Hàm, trí lực A La Hán.

Lại khiến đạt được trí lực của Thập Tín, Thập Trú, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, địa vị không thoái chuyển, địa vị Nhất sinh bổ xứ Bồ Tát. Nói rộng ra, cho đến tất cả hữu tình trong vô lượng Thế Giới khiến đạt được trí lực của nhất sinh bổ xứ Bồ Tát.

Nếu các hữu tình nghe được trí lực không phân biệt và có phân biệt của Như Lai mà không kinh sợ thì ngay khi ấy, lần lượt ham thích trí lực thậm thâm so với công đức trước trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần, A tăng kỳ phần, cho đến ô ba ni sát đàm phần cũng không bằng một.

Bồ Tát ham thích phát khởi tinh tấn dũng mãnh, thà bỏ thân mạng, đầu, mắt, tủy, não, tất cả chi phần, đối với trí lực của Như Lai tu tập liên tục không để gián đoạn, xả bỏ dũng mãnh tinh tấn như vậy, ta cho rằng đây là Bồ Tát thực hành tinh tấn không thoái chuyển.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần