Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Một - Phẩm Trưởng Giả Hiền Hộ - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

PHẨM TRƯỞNG GIẢ HIỀN HỘ  

TẬP HAI  

Lúc đó, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên nói kệ rằng:

Chúng sinh nhiều sân hận

Làm tổn hại lẫn nhau

Đã hiện sẽ tổn hại

Thành mười việc tổn hại

Người yêu không sinh hại

Đã làm và sẽ làm

Đang làm cũng như thế

Không thành pháp tổn hại

Ngã không phải bạn yêu

Làm các việc tổn hại

Đã, hiện, sẽ cũng vậy

Sinh tội nghiệp tổn hại

Và lỗi lầm vô nghĩa

Mười tổn hại trói buộc

Ta thấy pháp tổn hại

Mới tịnh tín xuất gia.

Lại nữa, này trưởng giả! Trong mọi thứ kiến, các hiểm ác kiến tích tập lại trong thế gian, khổ này rất lớn.

Hiểm ác kiến có mười thứ:

1. Đối với ngã kiến khởi lên hiểm ác kiến.

2. Đối với chúng sinh kiến khởi lên hiểm ác kiến.

3. Đối với thọ giả kiến khởi lên hiểm ác kiến.

4. Đối với nhân kiến khởi lên hiểm ác kiến.

5. Đối với đoạn kiến khởi lên hiểm ác kiến.

6. Đối vơi thường kiến khởi lên hiểm ác kiến.

7. Đối với vô tác kiến khởi lên hiểm ác kiến.

8. Đối với vô nhân kiến khởi lên hiểm ác kiến.

9. Đối với bất bình đẳng kiến khởi lên hiểm ác kiến.

10. Đối với tà kiến khởi lên hiểm ác kiến.

Ta thấy được mười thứ hiểm ác kiến này rồi, vì muốn chúng sinh phá tất cả các kiến ấy, nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lúc đó, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên liền nói kệ rằng:

Ngã, nhân, chúng sinh kiến

Thọ giả kiến cũng thế

Các kẻ ngu dị sinh

Hiểm ác kiến che lấp

Đoạn, thường và vô tác

Tà vô nhân bất bình

Khiến an trụ chánh kiến

Vì thế ta xuất gia

Ta ở trong tăng kỳ

Na do tha trăm ngàn

Vô số câu chi kiếp

Vì lợi lạc chúng sinh.

Lại nữa, này trưởng giả!

Có mũi tên bệnh nặng bắn vào thế gian, khổ này rất lớn.

Có mười mũi tên bệnh nặng:

1. Mũi tên ái.

2. Mũi tên vô minh.

3. Mũi tên dục.

4. Mũi tên tham.

5. Mũi tên sân.

6. Mũi tên si.

7. Mũi tên mạn.

8. Mũi tên kiến.

9. Mũi tên thành.

10. Mũi tên hoại.

Ta muốn khiến cho tất cả chúng sinh đều nhổ sạch mười mũi tên bệnh nặng này, nên ta mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia hướng đến chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên liền nói kệ rằng:

Tên ái chứa tham lam

Vô trí nên tối tăm

Vô minh si che lấp

Quay tròn trong khổ uẩn

Tên dục theo đó bắn

Tên tham luôn đeo đuổi

Tên sân khởi hôn mê

Tên si phủ che lấp

Tên kiến khởi trái ngược

Mạn, thành, hoại cũng thế

Những kẻ ngu dị sinh

Mới hủy báng lẫn nhau

Hư vọng mất chân thật

Dấy lên sự tranh cãi

Phá tên bệnh thế gian

Chỉ pháp vô sinh Phật

Các chúng sinh thế gian

Thường bị tên bắn vào

Vì cứu hộ dứt trừ

Khiến tất cả lìa khổ.

Lại nữa, này trưởng giả! Các pháp ái, các pháp tích tập kiến lập căn bản ở thế gian, khổ này rất lớn.

Nền tảng của ái có mười thứ:

1. Do ái duyên cho nên khởi lên tìm cầu.

2. Do tìm cầu, cho nên sinh tham trước.

3. Do tham trước, cho nên nổi lên ngã kiến.

4. Do ngã kiến, cho nên chấp quyết định.

5. Do chấp quyết định, cho nên sinh tham dục.

6. Do tham dục, cho nên khởi chấp trước.

7. Do chấp trước, cho nên sinh xan lận.

8. Do xan lận, cho nên chấp thủ.

9. Do chấp thủ, cho nên không phòng hộ.

10. Do không phòng hộ, nên sinh các khổ.

Do không phòng hộ nên mới cầm dao gậy chiến đấu tranh cãi. Vì lý do đó cho nên nói hai lưỡi gây nhiều tội lỗi bất thiện. Ta do thấy được mười thứ nền tảng ái hợp tập thế gian, muốn khiến cho chúng sinh an lập pháp không nền tảng, nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng kệ rằng:

Chúng sinh bởi vì ái

Cho nên khởi tìm cầu

Được lợi tham ngã kiến

Vì thọ nên quyết định

Việc này ta sẽ làm

Tham dục càng tăng trưởng

Tham dục tăng trưởng rồi

Chấp trước sinh xan lận

Lỗi xan tham thế gian

Kiên cố lại chấp trước

Do chấp nên không hộ

Tội lỗi cứ khởi mãi

Người ngu do không hộ

Cầm đao gậy tổn hại

Gây ra nhiều tội nghiệp

Về sau khổ càng tăng

Ái duyên tăng trưởng rồi

Mới sinh ra các khổ

Ta chứng quả bồ đề

Khiến trụ không căn bản.

Lại nữa, này trưởng giả! Tụ pháp tà định tích tập ở thế gian, khổ này rất lớn.

Tà pháp có mười:

1. Nhận thức tà vạy.

2. Suy nghĩ tà vạy.

3. Lời nói tà vạy.

4. Nghiệp tà vạy.

5. Mạng tà vạy.

6. Tinh tấn tà vạy.

7. Niệm tà vạy.

8. Định tà vạy.

9. Giải thoát tà vạy.

10. Trí tà vạy.

Ta thấy được mười thứ tà định tích tập ở thế gian, khổ này rất lớn. Vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh thoát khỏi tà pháp, nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng kệ rằng:

Chất chứa các tà kiến

Cảnh giới suy nghĩ tà

Toàn nói lời tà ngụy

Làm các việc tà nghiệp

Tà mạng và tà cần

Tà niệm cùng tà định

Nỗi lên tà giải thoát

Hướng thẳng đến tà trí

Các tụ tà định này

Kẻ ngu si gầy dựng

Khiến chuyển tà theo chánh

Thế nên ta xuất gia.

Lại nữa, này trưởng giả! Đường ác hiểm sâu, tích tập ở thế gian, khổ này rất lớn, dần dần hướng đến nẻo ác, tăng trưởng nẻo ác và làm lớn nẻo ác.

Đó là mười nghiệp bất thiện:

1. Giết hại.

2. Trộm cắp.

3. Tà nhiễm.

3. Nói dối.

4. Nói thêu dệt.

5. Nói hai lưỡi.

6. Nói ác.

7. Tham lam.

8. Sân hận.

9. Tà kiến.

Mười thứ nghiệp bất thiện này dần dần hướng đến nẻo ác, tăng trưởng nẻo ác và mở rộng nẻo ác. Ta thấy vậy rồi, muốn khiến chúng sinh lìa mọi đường hiểm, nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng kệ rằng:

Chúng sinh khởi giết hại

Cướp đoạt của người khác

Dục, tà hạnh, biến hành

Mau đọa vào Địa Ngục

Hai lưỡi và nói ác

Nói dối không quyết định

Người ngu nói thêu dệt

Dị sinh phiền não trói

Tâm tham thích của giàu

Sân gây các lỗi lầm

Tà kiến phá hoại nhiều

Sẽ đọa vào đường ác

Thân có ba nghiệp tội

Miệng bốn nghiệp nên biết

Ý ba nghiệp cũng vậy

Người làm đọa đường ác

Nếu ai tạo các tội

Nhất định đọa đường ác

Nếu lìa ba tội này

Thì không đọa đường ác.

Lại nữa, này trưởng giả! Phiền não, tùy phiền não, các nhơ bẩn tạp nhiễm tích tập thế gian, khổ này rất lớn.

Tạp nhiễm có mười:

1. Nhơ bẩn keo kiệt tạp nhiễm.

2. Nhơ bẩn phá giới tạp nhiễm.

3. Nhơ bẩn sân nhuế tạp nhiễm.

4. Nhơ bẩn biếng nhác tạp nhiễm.

5. Nhơ bẩn tán loạn tạp nhiễm.

6. Nhơ bẩn ác tuệ tạp nhiễm.

7. Nhơ bẩn vô văn tạp nhiễm.

8. Nhơ bẩn si hoặc tạp nhiễm.

9. Nhơ bẩn không tin hiểu tạp nhiễm.

10. Nhơ bẩn không tôn trọng tạp nhiễm.

Mười thứ nhơ bẩn tạp nhiễm như vậy tích tập ở thế gian. Ta thấy vậy rồi, muốn khiến cho tất cả chúng sinh an trụ pháp vô nhiễm, cho nên mới phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, hướng đến chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lập lại nghĩa trên bằng kệ rằng:

Pháp thế gian liên tục

Mười tạp nhiễm bức bách

Đắm tạp nhiễm hữu vi

Tạm thời không mệt mỏi

Các kẻ ngu dị sinh

Bị nhơ bẩn tham nhiễm

Giới học nhiếp chúng sinh

Nhưng lại hủy giới ấy

Kẻ ngu trái nhẫn nhục

Biếng nhác ít siêng năng

Tâm không thể an định

Ác tuệ thêm đần độn

Xa lìa cả cha mẹ

Tôn trưởng và thầy tổ

Không thấy được ánh sáng

Ác tuệ khởi niệm si

Phật nói pháp thậm thâm

Mà lại sinh hủy báng

Bị si ám che lấp

Không tôn trọng Thánh pháp

Thấy pháp tạp nhiễm rồi

Không còn đắm hữu vi

Không nhiễm ô vô vi

Khiến chúng sinh vắng lặng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần