Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Một - Phẩm Trưởng Giả Hiền Hộ - Tập Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MỘT
PHẨM TRƯỞNG GIẢ HIỀN HỘ
TẬP NĂM
Pháp nào không bị giảm mất?
Là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không bị giảm mất. Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn không giảm mất. Nhãn giới, thức giới, nhãn thức giới, cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới không giảm mất. Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới không bị giảm mất.
Nếu các pháp này không giảm mất thì không có nhiễm ô. Do không nhiễm ô, cho nên mau chóng được khinh an.
Pháp nào là khinh an?
Là không sở kiến. Nếu không sở kiến thì hướng đến tất cả, không có một pháp nhỏ nào làm chướng ngại. Nếu không chướng ngại thì không hại chính mình, không hại người khác, không hại mình và người. Do không hại cho nên tâm không bị hoại. Vì thế nên có khả năng nhập vào vô dư y thanh tịnh Niết Bàn.
Lại nữa, này các trưởng giả! Nói nhập, vậy nhập vào cái gì?
Là không phải mắt sở nhập, không phải tai, mũi, lưỡi, thân, ý sở nhập.
Lại nữa, này các trưởng giả! Nếu chấp rằng mắt thành từ duyên, thì là chấp vào ngã và ngã sở. Do vậy lìa xa Niết Bàn.
Sao gọi là lìa xa Niết Bàn?
Vì tham cho nên lìa xa Niết Bàn. Vì sân cho nên lìa xa Niết Bàn. Vì si cho nên lìa xa Niết Bàn. Vì Vô trí cho nên lìa xa Niết Bàn.
Này các trưởng giả! Người vô trí không lìa quá khứ, không lìa vị lai, không lìa hiện tại, vô trí quyết định lìa trí sở sinh.
Sao gọi là trí?
Là vô tận trí.
Sao gọi là tận trí?
Là quá khứ vô tận trí, vị lai vô tận trí, hiện tại vô tận trí, duyên pháp vô trí lìa trí sở sinh. Vô trí lìa trí ấy tức là mắt từ duyên lìa trí sở sinh, nên mắt là vô ngã. Nếu vô ngã thì không có chấp thủ. Nếu không chấp thủ thì là không xả. Nếu không xả thì là giải thoát.
Sao gọi là giải thoát?
Là giải thoát ngã chấp, giải thoát chúng sinh chấp, giải thoát thọ giả chấp, giải thoát nhân chấp, giải thoát đoạn, thường chấp, giải thoát tất cả chấp, giải thoát phân biệt chấp. Khi đã không còn phân biệt thì không còn năng phân biệt và sở phân biệt. Pháp không phân biệt cũng không lìa phân biệt.
Sao gọi là không phân biệt?
Là không còn phân biệt ngã và ngã sở. Nếu không còn phân biệt ngã thì không còn lấy bỏ. Nếu không còn lấy bỏ thì là nhập vào giải thoát, lìa pháp, lìa trói buộc, hoặc pháp không phải lìa trói buộc, cả hai đều được xuất ly.
Sao gọi là lìa?
Là lìa tất cả khổ.
Này các trưởng giả! Các ông nên cầu pháp xuất ly như vậy. Nhưng đối với pháp ấy không có pháp nào có thể chấp thủ.
Vì sao?
Vì còn chấp thủ thì còn sinh sợ hãi.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên bèn lập lại kệ rằng:
Nếu còn chấp pháp thì còn sợ
Do sợ nên đọa vào đường ác
Nếu thấy nhân sợ hãi như vậy
Do biết pháp có nên chấp thủ
Nếu đúng như lý quán chánh đạo
Ánh sáng trí tuệ phá tối tăm
Do thấy được trí tuệ thù thắng
Nên biết dị tánh không thể được
Phải nên quán kỹ các không xứ
Vận động hư giả lại không thật
Trong đó chớ chấp môn an lạc
Thế gian hư cuồng vì khát ái
Biết rõ như thật đối pháp không
Biết các pháp không đều không thật
Ta được an lạc lìa khổ não
Cũng được không động vui tối thượng
Nếu hay hiểu rõ đúng như vậy
Thì biết tất cả pháp đều không
Do vậy thoát khỏi các nhân khổ
Tranh cãi từ đâu mà xảy ra
Bởi do dục vọng sinh chấp trước
Vì chấp nên sinh các phiền não
Chấp đó chính là tên của thủ
Do thủ cho nên sinh ba hữu
Vì hữu có sinh nên luân chuyển
Chấm dưt ba hữu tức không sinh
Pháp già, bệnh, chết cũng không có
Rốt ráo không thọ khổ vô thường
Nên biết không dục thì không thủ
Do không thủ nên không ba hữu
Nếu như hữu dứt tức không sinh
Khổ, già, bệnh, chết đều không thọ
Thế nên, này trưởng giả các ông
Đồng phát xả ly tâm chấp trước
Bỏ các quyến thuộc nhân thương yêu
Mau chóng thành tựu tướng
Bí Sô biết rằng tài lợi các mong muốn
Phải cần sinh tâm biết vừa đủ
Tùy chổ khiêm cung khởi hạ tâm
Hướng đến mọi người tăng thiện lợi
Chớ khởi ý chấp ta giữ giới
Chớ xem người là kẻ phá giới
Đối với giới tướng trì phạm ấy
Chớ khinh chê người là phạm giới
Ví như nai rừng bị mắc bẩy
Nên biết chính nó tự tổn hại
Quỷ trói buộc tâm hại cũng thế
Hủy người, bị hại cũng như vậy
Người ngu sinh các ý tổn hại
Khen mình chê người tội rất lớn
Người phá giới còn không hủy báng
Huống là người trì giới phạm hạnh
Người học trên chúng đủ dũng trí
Thường tu hạnh tịch tĩnh viễn ly
Lìa bỏ thân mạng không luyến tiếc
Cần cầu pháp giải thoát tịch tĩnh
Các kẻ ngoại đạo và điển chương
Căn bản không lợi đều xa lìa
Ham thích chánh pháp rất thậm thâm
Tuyên nói pháp ấy lý chơn không
Nếu biết tâm căn bản xứ này
Đó là trong ngoài mười hai xứ
Từ đó sinh khởi các nghiệp nhân
Nghiệp xứ cửu trụ gọi tư pháp
Nhãn căn, sắc cảnh hai thứ duyên
Nhãn thức sinh duyên là ba việc
Nếu không hòa hợp thì phá tan
Như không củi, lửa nghĩa như vậy
Như vậy chỗ sinh tất cả pháp
Hòa hợp lẫn nhau nên có sinh
Người tạo, người nhận thảy đều không
Chánh đạo thường hiện các tạo tác
Các pháp trong ngoài được thành thân
Trong đó nên biết pháp ngã không
Người ngu điên đảo tâm chấp trước
Đối ngã, ngã sở không biết gì
Trong mắt không pháp mà lại có
Bên ngoài cũng lại không sở đắc
Vô ngã, vô tác, vô thọ giả
Nên biết các pháp cũng như vậy
Không mắt, biến tư, dục giải thoát
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy
Sắc không chuyển vào không tạo tác
Nên quán các pháp cũng như vậy
Như nước biển cả nổi cơn sóng
Tạm nổi bọt nước nhưng không thật
Hãy quán kỹ mắt cũng như thế
Không chắc, không lực, như bọt nước
Tự tánh năm uẩn giả hòa hợp
Như bọt nước kia không chắc chắn
Giải thoát tất cả các phiền não
Và sinh, già cùng các ưu não
Ta dạy các ông xuất gia rồi
Hiểu rõ tất cả pháp như huyễn
Không có lừa gạt tâm tín thí
Lại hay cúng khắp mười phương Phật.
Nghe Đức Phật nói chánh pháp thậm thâm, năm trăm trưởng giả được pháp nhãn tịnh, xa lìa trần cấu ngay ở giữa đường. Ví như áo trắng dễ dính các màu khác, năm trăm trưởng giả này, ở nơi đây xa lìa trần cấu được pháp nhãn tịnh cũng lại như vậy.
Lúc đó, Đức Thế Tôn lại vì năm trăm trưởng giả tuyên nói pháp yếu, chỉ dạy làm cho lợi ích an vui.
Đức Phật dạy: Này các trưởng giả! Mắt rất hừng hẫy.
Sao gọi là hừng hẫy?
Là lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy. Lửa sinh già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ não hừng hẫy. Ta nói pháp này tự chịu khổ não.
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý hừng hẫy cũng vậy.
Sao gọi là hừng hẫy?
Là lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy, lửa sinh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ não hừng hẫy. Ta nói pháp này tự chịu khổ não.
Sắc trần hừng hẫy.
Sao gọi là hừng hẫy?
Là lửa tham, lưa sân, lửa si hừng hẫy. Các loại lửa thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng lại như vậy.
Lại nữa, này các trưởng giả! Sắc uẩn hừng hẫy.
Sao gọi là hừng hẫy?
Là lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy. Các loại lửa thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn hừng hẫy cũng lại như vậy. Nghĩa của mười tám giới pháp cũng thế.
Lại nữa, này các trưởng giả! Địa giới hừng hẫy, lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy. Thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới hừng hẫy cũng lại như vậy. Lửa tham, lửa sân, lửa si hừng hẫy. Sinh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ não hừng hẫy cũng vậy. Ta nói pháp này tự chịu khổ não.
Lại nữa, này các trưởng giả! Mắt không chấp thủ, nên học như vậy. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng không chấp thủ. Sắc không chấp thủ. Thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng không chấp thủ. Phải nên học như vậy.
Lại nữa, này các trưởng giả! Sắc uẩn không chấp thủ. Thọ uan, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn và mười tám giới đều không chấp thủ. Phải nên học như vậy.
Lại nữa, này các trưởng giả! Địa giới không chấp thủ. Thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới cũng không chấp thủ. Phải nên học như vậy.
Lại nữa, này các trưởng giả! Giới này không chấp thủ, giới kia không chấp thủ. Phải nên học như vậy.
Lại nữa, này các trưởng giả! Nếu mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không chấp thủ, thì không có nương tựa. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không chấp thủ, cho nên đối với các xứ không có nương tựa.
Lại nữa, này các trưởng giả! Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn và mười tám giới không chấp thủ, cho nên đối với uẩn giới ấy không có nương tựa.
Lại nữa, này các trưởng giả! Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới, vốn không chấp thủ, cho nên đối với sáu giới không có nương tựa.
Lại nữa, này các trưởng giả! Giới này, giới kia không chấp thủ, cho nên đối với tất cả Thế Giới không có nương tựa.
Lại nữa, này các trưởng giả! Nếu tất cả pháp không chấp thủ, thì đối với tất cả pháp không có nương tựa.
Này các trưởng giả! Tất cả pháp không sở đắc, cũng không phải không sở đắc. Nếu có khả năng hiểu rõ không sở đắc, không phải không sở đắc thì có khả năng giải thoát sinh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não. Ta nói pháp này là giải thoát các khổ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, lập lại kệ rằng:
Các thế gian này rất hừng hẫy
Hai lửa sinh tử đốt rụi sạch
Kẻ ngu nhiễu não không ai cứu
Đạo pháp Thánh Tôn thường bất diệt
Pháp nào làm ánh sáng thế gian
Có Phật Như Lai nay xuất hiện
Sát na khéo quán môn chánh đạo
Phát khởi tinh tấn thường kiên cố
Thường quán các pháp không nương tựa
Ánh sáng trí tuệ phá tối tăm
Do thấy nên được tuệ thù thắng
Nên biết dị tánh không thể được
Nếu hay quán sát không nương tựa
Biết rõ tất cả pháp đều không
Biết rõ pháp môn không như vậy
Tâm bồ đề không, không sở hữu
Nên biết các pháp tham, sân, si
Ba ngọn lửa này rất mãnh liệt
Đốt sạch thọ mạng cả thế gian
Thùy miên ngủ mãi ngu không biết
Tất cả sinh già và bệnh, chết
Lo buồn khổ não luôn bức bách
Nên biết nhiễu não các thế gian
Tất cả pháp ấy không nương tựa.
Nghe Đức Thế Tôn nói chánh pháp như vậy, năm trăm trưởng giả tâm ý được sáng ra, liền bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay chúng con quyết được thiện lợi, đối với pháp Phật phát lòng tin thanh tịnh xuất gia, lại ở ngay chỗ Phật đầy đủ tịnh giới.
Khi ấy, Đức Phật khen: Lành thay, các Bí Sô! Đức Phật vừa khen xong, râu tóc của các trưởng giả liền rụng, thân mặc Ca Sa, thành tướng Bí Sô.
Lúc đó, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Các ông thọ trì y Ca Sa
Râu tóc tự rụng đều thanh tịnh
Tay cầm bình bát tướng tròn đầy
Tất cả đều thành A La Hán
Đã chứng quả rồi nương Pháp Sư
Đều nói Ốt Đà Nam thanh tịnh
Ở trước hàng Trời, Người đại chúng
Viên mãn thanh tịnh tướng Bí Sô
Thuở xưa từng ở chỗ Chư Phật
Đều tu hạnh bố thí rộng lớn
Một lời lành thay sinh hoan hỷ
Mọi nơi đều tu các thiện pháp
Nay được thấy ta xuất thế gian
Phát tâm thanh tịnh càng tối thắng
Do tâm thanh tịnh tối thắng ấy
Nên được nghe pháp tịnh tối thượng
Nghe Phật dạy rồi chứng Thánh quả
Xa lìa ngã kiến các chấp trước
Hiện tiền pháp không, ngộ viên thành
Đời này đã hết đều giải thoát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Hai - Phẩm Bốn Pháp điên đảo
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Mười Tám
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Sáu - Phẩm Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Hai - Phẩm đà La Ni Hộ Trì Quốc Giới