Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Vua Kính Diện

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH NGHĨA TÚC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

KINH VUA KÍNH DIỆN  

Nghe như vậy!

Đức Phật trú ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc tại nước Xá Vệ. Đến giờ thọ trai, các vị Tỳ Kheo, ôm bát vào thành khất thực.

Các vị tự nghĩ và nói với nhau: Nay vào thành thì quá sớm, chúng ta nên đến giảng đường của các vị Phạm Chí ngoại đạo.

Khi đến nơi, các vị Tỳ Kheo và các chúng Phạm Chí chào hỏi nhau rồi đồng ngồi xuống.

Lúc đó các vị Phạm Chí đang tự tranh luận với nhau, câu chuyện càng lúc càng gay gắt không thể giải quyết được, đến độ họ tức giận, hủy báng nhau: Ta biết pháp này, còn ông biết pháp nào?

Điều ta hiểu biết hợp với đạo, còn điều ông hiểu biết thì hợp với đạo gì?

Pháp ta nói có thể thực hành rất dễ, còn pháp của ông nói khó có thể thực hành được. Điều phải nói trước ông lại nói sau, điều nên nói sau ông lại nói trước. Pháp của ông phần nhiều là sai lầm, chỉ như giao gánh nặng làm người nghe không thể nâng được, bởi vì họ không thể hiểu được nghĩa lý của lời ông nói.

Ông chắc biết điểm cao nhất của pháp là vô sở hữu chứ?

Ông hiểu thế nào, mau trả lời?

Họ dùng miệng lưỡi như kiếm nhọn để công kích nhau. Người này công kích một lời thì người kia phản ứng lại ba lời.

Các vị Tỳ Kheo nghe họ oán trách nhau, người này nói: Như vậy cũng chưa đúng.

Người kia bảo: Lời ông nói cũng không có bằng chứng. Các vị đều đứng dậy vào thành Xá Vệ khất thực. Thọ trai xong các Tỳ Kheo, cất bát rồi quay lại khu Lâm Viên Kỳ Đà, vào đảnh lễ Đức Phật, ngồi qua một bên, trình bày đầy đủ những việc trên cho Đức Phật.

Các Tỳ Kheo bạch: Chúng con nghĩ các vị học giả Phạm Chí ấy tự làm khổ bản thân.

Đến khi nào mới được giải thoát?

Đức Phật dạy: Chúng Phạm Chí này chẳng phải chỉ ngu si một đời thôi đâu. Lâu xa trong quá khứ, ở Cõi Diêm Phù Lợi này có một vị Vua tên là Kính Diện. Nhà Vua truyền lệnh cho sứ thần đi khắp nơi tập trung tất cả những người mù trong nước lại, đưa đến dưới cung điện.

Sứ giả theo lệnh Vua lập tức đi khắp nơi triệu tập tất cả người mù đưa đến trước điện, rồi tâu lên Vua. Nhà Vua lệnh cho vị đại thần dẫn bọn họ đến để xem con voi của Ngài.

Vị đại thần dẫn họ đến chuồng voi, rồi chỉ cho họ từng bộ phận con voi để họ tự sờ mó. Có người thì sờ chân voi, người sờ đuôi voi, người sờ phần trong của đuôi voi, người sờ bụng voi, người sờ hông voi, lưng voi, tai voi, đầu voi, ngà voi, vòi voi. Sau khi các người mù đã sờ xong, vị đại thần bèn dẫn họ trở về chỗ Vua.

Nhà Vua hỏi tất cả bọn họ: Các ngươi đều sờ thấy con voi rồi phải không?

Các người mù thưa: Chúng tôi đều thấy.

Vua hỏi: Nó giống như cái gì?

Có một người trong nhóm sờ trúng chân voi tâu: Thần thấy con voi của Đức Vua giống như cây cột.

Người sờ trúng đuôi voi tâu: Nó giống như cây chổi quét nhà.

Người sờ trúng phần trong của đuôi voi tâu: Nó giống như cây gậy.

Người sờ trúng phần bụng tâu: Nó giống cái trống.

Người sờ trúng hông voi tâu: Nó giống như vách tường.

Người sờ trúng lưng voi tâu: Nó như cái bờ cao.

Người sờ trúng lỗ tai voi tâu: Nó giống như cái sàng lớn.

Người sờ trúng đầu voi thì nói: Nó giống như cái cối giã gạo.

Người sờ trúng ngà voi thì nói: Nó giống như cái sừng.

Người sờ trúng cái vòi thì nói: Nó giống như cây lụa.

Họ ở trước Đức Vua cùng nhau tranh cãi về con voi. Ai cũng cho lời của mình là đúng.

Bấy giờ Đức Vua nói bài kệ:

Nay chúng những người mù

Không thật, cho là thật

Thấy một, bác tất cả

Vì voi mãi oán tranh.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo:

Vua Kính Diện lúc ấy chính là thân của Ta. Còn những người mù lúc đó chính là bọn Phạm Chí ở giảng đường đó. Khi xưa bọn họ không có trí tuệ, ngồi tranh luận suông với nhau.

Bây giờ bọn họ cũng u tối, tranh cãi suông, không có chút ích lợi nào!

Khi đó Đức Phật muốn pháp nghĩa này được ghi chép đầy đủ trong Kinh nên truyền các đệ tử phải hiểu rõ tất cả để soi sáng cho người đời sau, và dạy tôi giữ gìn Kinh Văn và giáo pháp được trụ thế lâu dài.

Ngài nói Kinh Nghĩa Túc này:

Tự mình tối, bảo người si ám

Mê lậu mãi, biết bao giờ sáng

Thân vô đạo tự xưng hiểu đạo

Lý luận, không hành, sao giải thoát?

Thường tự tỉnh, được tôn kính

Điều thấy nghe, hành tối thượng.

Bị trói trong năm cõi thế

Tự cho lạ, vượt hơn người

Sống si mê, mong đạt thiện

Học tà đạo, muốn vượt thoát

Nghe điều gì khéo suy tư

Tuy trì giới, chớ cho đủ.

Gặp việc đời đừng cuốn theo

Tâm luôn niệm, không bằng hành

Tu bình đẳng, luôn tôn kính

Chớ nghĩ tưởng: Không bì kịp

Tưởng ấy đoạn, sau mới hết.

Đừng khởi ý: Một mình được

Không tự nghĩ mình thắng trí

Có kiến thức, nên quán hạnh

Không tìm cầu hai cực đoan.

Cần xa lìa trong sơ niệm

Cũng không trụ ở hai bên

Nên quán pháp, được chánh định,

Ý lãnh thọ các kiến văn

Đừng suy tưởng theo tà niệm.

Tuệ quán pháp để hiểu tâm

Được tâm đó mãi ly trần.

Không tâm đạo, hành pháp nào?

Cầu thật nghĩa nên hành pháp

Chỉ giữ giới, tìm lý chân

Đến bờ kia không thoái chuyển.

Đức Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc xong, tất cả các Tỳ Kheo đều hoan hỷ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần