Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lộc Trú - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH LỘC TRÚ   

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật hạ an cư tại ấp Lưu lợi trong thành Di họ Thích. Bấy giờ có Tỳ Kheo hạ an cư trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Sáng sớm Tỳ Kheo kia đắp y, ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực, lần lượt đi đến nhà Ưu Bà Di Lộc Trụ. Ưu Ba Di Lộc Trụ từ xa trông thấy Tỳ Kheo vội vàng sửa soạn chỗ ngồi rồi mời Tỳ Kheo an tọa. Nói giống như Kinh A Nan ở trước.

Bấy giờ, Tỳ Kheo ấy nói với Ưu Bà Di Lộc Trụ: Này cô, hãy thôi đi!

Cô làm sao biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh. Này cô, chỉ có Như Lai mới có thể biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh. Nói như vậy xong Tỳ Kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Tỳ Kheo kia sau ba tháng hạ an cư, may y xong, đắp y mang bát đi đến ấp Lưu lợi, thành Di của họ Thích, cất y bát, rửa chân xong, Tỳ Kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, đem những lời đàm luận giữa Tỳ Kheo cùng Ưu Bà Di Lộc Trụ Trình hết lên Thế Tôn.

Phật bảo Tỳ Kheo: Ưu Bà Di Lộc Trụ làm sao có thể biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh thế gian. Chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ căn tính hơn kém của chúng sanh ở thế gian thôi.

Kẻ chẳng lìa sân hận, kiêu mạn, có khi khởi pháp tham, không lãnh thọ pháp, không học hỏi đa văn, ở nơi pháp không điều phục kiến chấp, không thể hằng thời khởi tâm giải thoát.

Này Tỳ Kheo, lại có một người không lìa sân hận, kiêu mạn, có khi khởi pháp tham, nhưng người ấy nghe pháp, tu học đa văn, đối với kiến chấp khéo điều phục, hằng thời có thể khởi tâm pháp giải thoát.

Nếu suy xét về chúng, rằng: Người này có pháp như vậy, người kia có pháp như vậy, thì ở đây họ cùng đi đến một chỗ, cùng thọ sanh như nhau và đời sau như nhau. Người nào so sánh như vậy, thường chịu khổ, không nghĩa, không lợi ích.

Này Tỳ Kheo, lại có người không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, không lãnh thọ pháp, không học hỏi đa văn, ở nơi pháp không điều phục kiến chấp, không thể hằng thời khởi tâm giải thoát, ta nói người này là kẻ hẹp hòi nhỏ mọn, thấp kém.

Này Tỳ Kheo, lại có người không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, nhưng người ấy nghe pháp, tu học đa văn, đối với kiến chấp khéo điều phục, hằng thời có thể khởi tâm pháp giải thoát, ta nói người này là thắng diệu bậc nhất. Giữa hai người này, nếu chẳng phải tự Như Lai, thì ai có thể phân biệt, biết rõ. Cho nên, này Tỳ Kheo, chớ nên so sánh người này với người kia cho đến Như Lai mới có thể biết căn tính ưu, liệt.

Này Tỳ Kheo, lại có người không lìa sân, mạn, lúc nào cũng khởi ác hành nơi miệng… còn lại, nói như trên đã nói.

Lại nữa, có người hiền thiện, an vui, cùng sống vui thích minh trí, người tu phạm hạnh thích ở chung, nhưng người kia chẳng thích nghe pháp cho đến lúc nào cũng không được tâm giải thoát, nên biết người này trụ nơi đất hiền thiện, mà không thể thăng tiến. Chỗ đất hiền thiện đó là Cõi Trời, người.

Lại nữa, có người căn tính hiền thiện, cùng ở chung, được an vui, ưa thích phạm hạnh, lấy làm bạn hữu, ưa nghe chánh pháp, học tập, đa văn, khéo điều phục kiến chấp, lúc nào cũng được tâm pháp giải thoát, nên biết người này ở chỗ hiền thiện, có thể thăng tiến, nên biết người này có đủ khả năng vào dòng chánh pháp, có chỗ kham năng.

Giữa hai người này, nếu chẳng phải tự Như Lai, thì ai có thể phân biệt, biết rõ?

Cho nên, Tỳ Kheo, chớ nên so sánh người này với người kia. Nếu so sánh người này với người kia thì sẽ chuốc lấy tai hại, chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ người mà thôi.

Này Tỳ Kheo, Ưu Bà Di Lộc Trụ vì ngu si, trí kém… nói như Kinh trên.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường