Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Mười Một - Phẩm Tuệ Thù Thắng Ba La Mật đa - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM TUỆ THÙ THẮNG BA LA MẬT ĐA  

TẬP BA  

Sao gọi là tục đế?

Là các thứ tưởng tượng, âm thanh, lời nói, văn tự, cho đến mọi việc làm của thế gian. Đó gọi là thế tục đế.

Sao gọi là thắng nghĩa đế?

Là tâm không sở duyên, huống là có văn tự. Đó là thắng nghĩa đế.

Sao gọi là tướng đế?

Là các tướng, một tướng, không tướng. Đó là tướng đế.

Bồ Tát đối với thế tục đế nói không biết mệt mỏi, đối với thắng nghĩa đế không mất chánh hạnh, đối với tướng đế tùy thuận vô tướng, là tướng chân thật. Đây là Bồ Tát đối với đế thiện xảo.

Lại nữa, nhất đế này không có hai thứ. Nghĩa là tịch đế thật là nhất đế, đối với bình đẳng và không bình đẳng đều có khả năng tùy chuyển tác dụng chân thật vi diệu đạt được đế thiện xảo.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát đạt được đế thiện xảo như vậy cho nên biết rõ năm uẩn là khổ. Nếu khiến chấm dứt khổ tướng năm uẩn, cũng như hư không, là khổ Thánh đế. Lại năm uẩn này tùy hoặc ái kiến, nếu khiến chấp thủ nhân ái kiến, không khởi hợp tập, đó là tập Thánh đế.

Lại năm uẩn này diệt tận rốt ráo, nếu khiến tiền tế không sinh, hậu tế không khởi, hiện tại không trụ, đó là diệt Thánh đế. Nếu đối với khổ trí, tập trí, diệt trí mà có khả năng chứng đạt. Do trí liên tục nên có khả năng điều phục hướng đến chánh hạnh, đó là đạo Thánh đế.

Lại nữa, đối với các đế hiện quán này mà có khả năng tầm từ, quán sát khắp tất cả. Đó là Đại Bồ Tát đối với đế thiện xảo.

Lại nữa, biết rõ các thọ là khổ, cho đến thọ dẫn nhiếp các trí quyết trạch, đó là khổ Thánh đế. Nếu nhân đối với thọ, dẫn sinh đối với hợp tập, biết rõ như thật, đó la tập Thánh đế.

Lại nếu đối với thọ mà được khinh an, thì đối với thọ không phải thọ mà lại quán sát không phải thọ là diệt liền chứng diệt, đó là diệt Thánh đế. Lại nếu thọ đưa đến đạo, như thế gian tích tập tấn cầu không phải thọ không phải đạo, khiến các khổ ấy diệt, hướng đến hạnh chân chánh, đó là đạo Thánh đế. Nếu thấy bốn đế bình đẳng như vậy rốt ráo không thấy thì là thanh tịnh. Đó gọi là Đại Bồ Tát đối với đế thiện xảo.

Lại nữa, đối với diệt mà khởi hiện chứng, lại có thể đối với khổ không sinh quán sát, đó là khổ trí. Nếu hữu duyên sinh, đối với hữu lìa hữu, đó là tập trí. Biết rõ tất cả sinh vốn không sinh, diệt vốn không diệt, đó là diệt trí. Đối với đạo như vậy tùy theo chủng loại ấy, tìm cầu suy xét khiến nhập vào trí ấy, đó là đạo trí. Nếu có khả năng an trụ đế trí như vậy thì là Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa, nên được đế thiện xảo như vậy.

Này Xá Lợi Tử! Lại nữa, Đại Bồ Tát đạt được bốn thứ chánh tri thiện xảo:

1. Nghĩa chánh tri.

2. Pháp chánh tri.

3. Điển tích thế gian chánh tri.

4. Biện tài chánh tri.

Sao gọi là Nghĩa chánh tri?

Là đối với các pháp cú nghĩa thù thắng liên tục, trí nhân, trí duyên, trí tập, trí thông đạt vô biên, trí nhân quả duyên khởi, trí phân biệt pháp giới, trí tùy thuận nhập giải chân như, trí không trụ thật tế, trí như thật pháp không, trí suy xét không tướng, trí đối với nguyện không nguyện.

Trí đối với hành không hành, trí nhập vào nhất chánh lý, trí hiểu rõ vô ngã, trí biết rõ không chúng sinh, trí rõ không thọ giả, trí không Bổ Đặc Già La thắng nghĩa, trí đối với đời quá khứ không bị chướng ngại, trí đối với đời vị lai không hạn lượng, trí đời hiện tại bao trùm khắp tất cả.

Trí đối với huyễn hóa, trí đối với xứ quyết định không, trí đối với giới độ lượng, trí bên trong thân vắng lặng, trí đối với bên ngoài không biến hành, trí xuất ly trần cảnh, trí niệm không chỗ trụ, trí thông đạt không chỗ nhập, trí thắng tuệ quán sát, trí thông đạt bốn đế, trí đối với các khổ là hữu.

Trí đối với các tập là hành, trí đối với các diệt vô tướng trí đối với các đạo xuất ly, trí phân biệt tất cả pháp cú, trí hiểu rõ các căn, trí các lực không thể khuất phục, trí Xa Ma Tha Gia Trì, trí Tỳ Bát Xá Na sáng suốt, trí đối với các huyễn hoặc khởi biến diệt, trí đối với sóng nắng không bị mê loạn.

Trí đối với các cảnh mộng thấy không thật, trí đối với các tiếng vang biết rõ do duyên sinh, trí đối với các hình bóng không có hợp tập, trí đối với các tướng chỉ là một tướng, trí đối với chánh hòa hợp không có hòa hợp, trí đối với các khinh an không có sở đắc, trí đối với Thanh Văn thừa đạt được ngôn âm, trí đối với Duyên Giác thừa hiểu được duyên sinh, trí đối với Tối thừa tích tập tất cả thiện căn. Như vậy là ta đã nói Bồ Tát đối với nghĩa chánh tri.

Lại nữa, Nghĩa chánh tri là nếu đối với nghĩa tùy thuận thì các pháp tùy thuận, tùy theo nghĩa ấy tức là tánh của các pháp.

Vì sao?

Vì nghĩa các pháp rốt ráo như không. Nếu nghĩa như không thì nghĩa của các pháp rốt ráo không tướng. Nếu nghĩa không tướng thì nghĩa của các pháp rốt ráo không nguyện. Nếu nghĩa không nguyện thì nghĩa của pháp ấy không chỗ thú chứng. Nếu nghĩa không thú chứng thì nghĩa của tất cả pháp rốt ráo không thọ giả, không Bổ Đặc Già La.

Nếu nghĩa không Bổ đặc già la thì đối với nghĩa này thông đạt pháp tướng. Nếu nói đối với nghĩa không trụ không tận, đối với nghĩa đã nói đã đạt được chứng tri, Chư Phật Thế Tôn tùy hỷ hứa khả, đối với tuệ thù thắng biết rõ một cách như thật. Nếu đối với tuệ thù thắng biết rõ một cách như thật thì tất cả chỗ không có lỗi lầm. Đây là Bồ Tát đối với nghĩa chánh tri.

Sao gọi là pháp chánh tri?

Nghĩa là trí hiểu rõ chánh pháp hoặc thiện, không thiện, có lỗi, không lỗi, hữu lậu, vô lậu, thế gian, xuất thế gian, hữu vi, vô vi, nhiễm phần, tịnh phần, luân hồi, Niết Bàn, pháp giới, trí giới vốn tự bình đẳng không có giác ngộ. Đây là Bồ Tát đối với pháp chánh tri.

Lại nữa, Pháp chánh tri là đối với nghiệp tham tâm có khả năng biết một cách đúng đắn. Đó là nghiệp tham hư vọng giả dối, nghiệp tham kiên cố, nghiệp tham vi tế, nghiệp tham to lớn, nghiệp tham quá khứ, nghiệp tham vô biên, hiện tại quán sat, tùy duyên mà hiểu rõ.

Hoặc có hữu tình bên trong tham mà bên ngoài không tham. Hoặc bên ngoài tham mà bên trong không tham. Hoặc trong ngoài đều tham. Hoặc cả trong ngoài đều không tham. Hoặc tham sắc không tham tiếng. Tham tiếng không tham sắc.

Tham cả sắc lẫn tiếng. Sắc và tiếng đều không tham. Tham sắc không tham hương, tham tiếng không tham hương. Tham hương không tham vị. Tham vị không tham xúc. Cho đến hoán đổi nhau đối với nghiệp tham sắc, thanh, hương, vị, xúc… Như vậy là không hiểu rõ môn nghĩa lợi.

Hai vạn một ngàn nghiệp tham, hai vạn một ngàn nghiệp sân, hai vạn một ngàn nghiệp si, đó là nghiệp tham, sân, si. Hai vạn một ngàn nghiệp đẳng phần. Như vậy là ta đã nói về trí hiểu rõ tám vạn bốn ngàn tâm hạnh. Như trên đã nói trí tương ưng hành tướng, tướng không tăng không giảm, trí vượt trăm cõi dục, trí pháp khí thù thắng, trí nói năng chân thật. Đó là Bồ Tát đối với pháp chánh tri.

Sao gọi là Điển tích thế gian chánh tri?

Nghĩa là trí hiểu rõ tất cả tiếng, như tiếng Trời, tiếng Rồng, tiếng Dạ Xoa, tiếng Càn Thát Bà, tiếng A Tu La, tiếng Ca Lâu La, tiếng Khẩn Na La, tiếng Ma Hầu La Già, tiếng nhân, phi nhân. Tất cả tiếng như vậy đều có khả năng hiểu rõ.

Hữu tình trong năm nẻo, cao, thấp, thô, tế, nói pháp liên tục không bị gián đoạn, âm Thanh Văn tự, điều đó hoặc nói đơn âm, hoặc nói lưỡng âm, hoặc nói đa âm, tiếng nam, tiếng nữ, tiếng không phải nam, tiếng không phải nữ, nói rộng, nói hẹp, nói thô lổ, nói khéo léo vi diệu, nói quá khứ, nói vị lai, nói hiện tại, tương ưng một chữ, tương ưng nhiều chữ, tất cả đều hiểu rõ. Đây là biết đúng điển tích thế gian.

Lại nữa, Điển tích thế gian chánh tri nghĩa là thành thục văn tự, hiểu rõ nghĩa, lìa mọi sợ hãi, không có lỗi lầm. Đối với thế tục, thắng nghĩa, dùng tự tâm để thấy biết, các món trang nghiêm thậm thâm khéo léo vi diệu, khiến các hữu tình đều sinh hoan hỷ. Đây là Bồ Tát biết đúng điển tích thế gian.

Sao gọi là Bồ Tát Biện tài chánh tri?

Nghĩa là lời nói không trụ, không đoạn, ký biệt chân thật, biệt tài nhanh lẹ, nhất định đạt được quả biện tài như: Biện tài chất vấn.

Biện tài không giảm mất. Biện tài không đoạn diệt. Biện tài không tranh luận. Biện tài thích thiện pháp. Biện tài trụ nhẫn. Biện tài thậm thâm. Biện tài khéo léo. Biện tài thế tục, thắng nghĩa. Biện tài kiến lập tất cả bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, tuệ thù thắng. Biện tài kiến lập niệm xứ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, Thánh đạo, Xa Ma Tha, Tỳ Bát Xá Na.

Biện tài hiểu rõ tất cả Đế trí, định giải thoát Tam Ma Địa, Tam Ma Bát Để. Biện tài giác ngộ tất cả thừa, biện tài hiểu rõ tất cả tâm hạnh của hữu tình. Biện tài nói năng không vấp váp, biện tài nói năng không thô rít, biện tài nói năng không tạp loạn, biện tài nói năng thấm nhuần.

Biện tài nói năng thanh tịnh. Biện tài nói năng giải thoát. Biện tài nói năng không chướng ngại. Biện tài nói năng tôn trọng. Biện tài nói năng từ, ái. Biện tài nói năng tương ưng. Biện tài nói năng không khiếm khuyết.

Biện tài nói năng êm diệu. Biện tài nói năng mềm mỏng. Biện tài nói năng không chê bai. Biện tài nói năng khen ngợi các Bậc Thánh, thông đạt vô biên quốc độ của hữu tình, có khả năng dùng phạm âm tùy theo mỗi loài mà nêu ra.

Biện tài như vậy đối với hữu tình, Bổ đặc già la có khả năng nói pháp, nhờ thế nên Phật mới ấn kha. Nếu nói pháp mà không làm cho người khác được xuất ly thì làm sao dứt hết các gốc khổ, thành tựu chánh hạnh.

Này Xá Lợi Tử! Đây là Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa, nên đạt được biện tài khéo léo.

Sao gọi là Bồ Tát tùy thuận khéo léo?

Lại có bốn:

1. Dựa theo nghĩa không dựa theo văn.

2. Theo trí không theo thức.

3. Theo liễu nghĩa Kinh không theo bất liễu nghĩa Kinh.

4. Theo pháp không theo người.

Những gì là nghĩa?

Sao gọi là văn?

Nghĩa là biết rõ pháp hạnh xuất thế gian là nghĩa. Đạt được pháp thế gian là văn. Nếu đối với chỉnh túc ban bố niềm vui vi diệu là nghĩa. Điều phục ngăn chặn không hý luận là văn. Nếu đối với luân hồi mà diễn nói rộng rãi thì là nghĩa. Đối với không sở đắc khai thị rộng lớn là văn.

Nếu có khả năng phổ biến cái đức Niết Bàn thì là nghĩa. Không phân biệt thể Niết Bàn là văn. Nếu diễn nói phần vị của ba thừa là nghĩa. Trí chỉ thông đạt một thứ giáo lý thì là văn. Khai diễn bố thí cho các hữu tình là nghĩa, ba luân thanh tịnh là văn.

Nếu có khả năng diễn nói oai nghi ba nghiệp tích tập tất cả công đức đầu đà là nghĩa. Đối với hạnh thân, khẩu, ý thanh tịnh thù thắng đều không thể được là văn. Nếu có khả năng tuyên nói nhẫn chịu kiên cố giận dữ, sân hận, não hại, ganh ghét, ngông cuồng, kiêu ngạo, ngã mạn là nghĩa. Được vô sinh nhẫn là văn. Nếu hay khai diễn các thiện căn tinh tấn phấn khởi là nghĩa. Đối với tinh tấn ấy không nhập không trụ là văn.

Nếu có khả năng diễn nói tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí là nghĩa. Trí diệt đẳng chí là văn. Đối với các tuệ căn đa văn tổng trì là nghĩa. Nghĩa không thể nói là văn. Nếu có khả năng khai thị ba mươi bảy phẩm bồ đề pháp phần là nghĩa. Nếu hiện chứng hành quả bồ đề phần là văn.

Nếu có khả năng khai thị khổ, tập, đạo đế là nghĩa. Hiện chứng diệt đế là văn. Nếu trước hết khai thị vô minh một cách chân chánh cho đến lão tử là nghĩa. Nếu vô minh diệt cho đến lão tử diệt là văn. Nếu nói tích tập chỉ quán là nghĩa. Hiểu rõ trí giải thoát là văn.

Nếu có khả năng phân biệt phần loại hành pháp tham, sân, si… thì là nghĩa, nếu đối với giải thoát mà tâm không lay động là văn. Nếu có khả năng khai thị pháp chướng ngại là nghĩa. Nếu chứng trí giải thoát không chướng ngại là văn.

Nếu khai thị chân chánh, hay khen ngợi Tam Bảo vô lượng là nghĩa. Nếu lìa tánh tham và công đức vô vi là văn. Nếu nói công đức mới phát tâm học tập của Bồ Tát, cho đến Bồ Đề Đạo Tràng là nghĩa. Nói một tâm tướng và nhất thiết trí trí, Vô Thượng Chánh Giác cho đến tổng lược tám vạn bốn ngàn pháp uẩn tương ưng là văn. Tất cả âm thanh, ngữ ngôn, văn tự cho đến nghĩa chẳng thể nêu bày đều là nghĩa.

Sao gọi là bất liễu nghĩa Kinh?

Như văn trên đã nói, biết rõ rộng rãi, ấy gọi là bất liễu nghĩa Kinh.

Sao gọi là liễu nghĩa?

Nghĩa ấy như trên đã nói, thông đạt rộng rãi, ấy gọi là liễu nghĩa Kinh. Lại nói tùy thuận Bổ đặc già la không thể xuất ly, đó là không liễu nghĩa. Như pháp đã nói có khả năng xuất ly, đó là liễu nghĩa. Như vậy Đại Bồ Tát đối với hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa được tùy thuận khéo léo.

Sao gọi là Bồ Tát văn cú thiện xảo?

Nghĩa là các Bồ Tát đối với hai pháp này, khéo hay tu hành tuệ thù thắng Ba la mật đa.

Hai pháp đó là:

Một là thiện thức.

Hai là thiện trí.

Sao gọi là thức?

Tức nương vào bốn thứ mà trụ:

1. Thức nương vào sắc mà trụ.

2. Thức nương vào thọ mà trụ.

3. Thức nương vào tưởng mà trụ.

4. Thức nương vào hành mà trụ.

Đó gọi là thức.

Sao gọi là trí?

Nếu biết rõ chấp thủ năm uẩn là trí. Nếu biết rõ địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới thì gọi là thức. Nếu lại an trụ bốn loại pháp giới và có khả năng phân biệt được pháp giới ấy thì gọi là trí.

Này Xá Lợi Tử! Lại nói về thức, mắt quán sắc là tiêu biểu, tai nghe tiếng là tiêu biểu, mũi ngửi hương là tiêu biểu, thân giác xúc là tiêu biểu, ý biết pháp là tiêu biểu, đó gọi là thức. Nếu trong thân vắng lặng, bên ngoài không biến hành, trí có khả năng tùy thuận pháp không chấp thủ thì gọi là trí. Nếu lại phat khởi biến kế chấp thủ thì gọi là thức, không chấp không thủ và không biểu hiện sân thì gọi là trí.

Lại nữa, biết rõ thức trụ vào hành pháp hữu vi sinh diệt thì gọi là thức. Vì vô vi không có thức biến hành, nên trí vô vi không trụ sinh diệt thì gọi là trí.

Sao gọi là liễu nghĩa, bất liễu nghĩa Kinh?

Nếu có hướng đến đạo thì là không liễu nghĩa, hướng đến quả là liễu nghĩa. Nói hạnh thế tục là không liễu nghĩa, tuyên nói nghĩa thù thắng là liễu nghĩa. Dẫn dến nghiệp hạnh là không liễu nghĩa, hết nghiệp phiền não là liễu nghĩa.

Lại nữa, nhiễm phần là không liễu nghĩa, nếu nói tịnh phần thì là liễu nghĩa. Nhàm chán xa lìa luân hồi là không liễu nghĩa, giác ngộ luân hồi và Niết Bàn là pháp không hai, đó là liễu nghĩa. Văn cú khéo léo là không liễu nghĩa, thậm thâm khó hiểu là liễu nghĩa. Đối với các văn cú tâm vui ham thích là không liễu nghĩa, đối với văn cú ít mà sinh quyết định là liễu nghĩa.

Lại nữa, ngã, nhân, sĩ phu, mạng giả, ý sinh, nho đồng, tác giả, thọ giả, các loại ngữ ngôn, hoặc có chủ tể và không chủ tể, là không liễu nghĩa. Đối với không, vô tướng, vô nguyện ba giải thoát môn, không khởi ngã, nhân, sĩ phu cho đến Bổ đặc già la, đó là liễu nghĩa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần