Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM ĐỊA NGỤC  

TẬP MƯỜI  

Mờ mịt về Phật Pháp

Hỏng cả đời lẫn đạo

Thiêu cháy đường giải thoát

Chính là do pháp rượu.

Người nào bỏ được rượu

Là người sống đúng pháp

Sẽ đến nơi bậc nhất

Nơi không sinh không tử.

Người xả bỏ việc lành

Là bị rượu lừa dối

Đọa vào địa ngục dữ

Còn than khóc làm gì.

Rượu mới uống tuy ngọt

Sau chịu khổ bậc nhất

Độc như kim ba ca

Bậc trí nói như vậy.

Người trí không ưa rượu

Nên rượu không hại được

Ngoài lạnh mà trong nóng

Rượu dẫn đến địa ngục.

Người nào gây nghiệp ác

Coi thường và vui vẻ

Chịu nỗi khổ lớn nhất

Người ngu sau hối hận.

Ý tham dục đáng ghét

Thường hay lừa dối người

Buộc vào đường sinh tử

Là nhân của địa ngục.

Người nào ưa thích dục

Người ấy khổ vô cùng

Bị tham dục cắn xé

Không thể được an vui.

Người vốn thích dục lạc

Đến chốn địa ngục này

Chịu khổ não cùng cực

Nay sao lại hối tiếc?

Xưa ngươi gây nghiệp ác

Bị tham dục lừa dối

Sao không hối lúc ấy

Nay hối tiếc sao kịp!

Gây ra nghiệp sâu dày

Nay gặp quả báo ác

Nếu xưa không làm ác

Thì nay đâu có khổ.

Nghiệp ác sinh quả ác

Người làm ác tự chịu

Ác không hại người lành

Vì vậy nên bỏ ác.

Người nào xả bỏ ác

Thì không còn lo sợ

Chính mình làm mình chịu

Chẳng phải do người khác.

Quở trách tội nhân xong, ngục tốt lại tạo ra vô lượng loại khổ não. Hễ nghiệp ác chưa hết là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết họ mới thoát được địa ngục đó. Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì thân thể khô gầy, thường hay sân hận, khó dạy bảo. Đó là quả báo còn sót lại của nghiệp ác.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát địa ngục Khiếu hoán thì không còn thấy thêm nơi nào khác nữa. Địa Ngục chỉ có mười sáu vùng như vậy. Địa Ngục này có đầy đủ tất cả sự khổ não, mà tội nhân ở các địa ngục Hoạt, Hắc Thằng, Hợp phải chịu.

Ngoài ra, nỗi khổ nơi địa ngục này lớn gấp mười so với tất cả khổ não mà tội nhân nơi những địa ngục kia phải chịu, vì tội nhân ở đây gây nghiệp ác nặng nề hơn tội nhân ở các địa ngục trước. Nghiệp ác đó là sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, cho người trì giới uống rượu. Tội nhân ở địa ngục này chịu đủ loại quả báo sâu dày, thọ mạng cứ kéo dài.

Quan sát và tư duy về bốn loại nghiệp ác và quả báo khổ não rồi, Tỳ Kheo ấy càng chán đường sinh tử gấp mười lần.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, thuận theo chánh pháp, quan sát pháp hành. Đã quan sát về địa ngục rồi, Tỳ Kheo ấy càng thêm sợ đường sinh tử và chứng đắc địa thứ mười.

Biết điều ấy, Dạ Xoa nơi đất hoan hỷ nói với Dạ Xoa nơi hư không, như đã nói ở trước. Họ tâu lần lượt như vậy cho đến Trời Phạm chúng, Trời Phạm phụ và Trời Đại Phạm.

Nghe xong, các vị Phạm thiên vui vẻ nói với nhau: Ma sinh tử đã giảm bớt, chánh pháp tăng thêm.

Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát về các địa ngục lớn khác. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có địa ngục tên Đại khiếu hoán.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh trong địa ngục ấy?

Vị ấy thấy, nghe, biết người nào thích và thường sát sinh, trộm cướp, tà hạnh uống rượu, vọng ngữ thì sinh vào địa ngục Đại khiếu hoán. Nghiệp và quả báo của sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, uống rượu đã nói ở trước. Nay nói về vọng ngữ. Nó là thứ gây ra đầy đủ việc ác độc nhất, bị tất cả những người hiền thiện khinh ghét, là cửa ngõ của tất cả đường ác.

Nghiệp đó là có người hoặc Vua, hoặc đại thần, hoặc quân lính tự cho là trung thực làm nhân chứng cho hai người kiện tụng nhau, bảo: Tôi biết việc ấy, tôi đã lường xét, việc ấy đúng như vậy. Sau khi hai người kiện tụng nhau nói xong, người làm chứng nói không đúng sự thật mà mình biết, để được của cải, hoặc vì bạn bè, hoặc do dục nhiễm, họ bị sự lừa dối làm hại như đã nói ở trước.

Người làm chứng này nghĩ: Lúc trước, người kia nói như vậy, nay ta nói khác đi, tức là nói láo.

Nói láo như vậy mắc tội gì?

Người ấy cho nói láo không có tội và nghĩ: Ta không có tội.

Vì người ấy nói sai với sự thật nên trong hai người kia có một người mắc tội vọng ngữ và bị phạt theo pháp luật đương thời, hoặc bị xử tử, hoặc sợ hãi mà chết, hoặc bị đánh đập, hoặc là bị tịch thu nhà cửa.

Do nghiệp ác nói láo, khi chết người ấy bị đọa vào địa ngục Đại khiếu hoán, có thọ mạng rất lâu. Thọ mạng ấy lấy gì để so lường. Như tuổi thọ của Trời Hóa Lạc là tám ngàn năm. Một ngày một đêm ở Cõi Trời ấy là tám ngàn năm ở cõi người. Ở nơi đó ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm. Vậy mà tám ngàn năm ở Cõi Trời ấy thì ở địa ngục này chỉ mới là một ngày đêm.

Địa Ngục Đại khiếu hoán ấy là nơi của người gây nghiệp ác nói láo. Do lừa dối cả mình lẫn người nên họ hủy hoại hết thảy căn lành. Họ như bóng mờ ám lớn không được mọi người tin tưởng.

Người hiền thiện thì không nói láo, tất cả các Bậc Thánh Nhân, Thanh Văn, Duyên Giác, Chánh Biến Tri đều quở trách người nói láo. Nó không tương ưng với cả đường thế gian lẫn xuất thế gian.

Nó là búa lớn chặt gãy tất cả cầu thiện căn, thường làm rối trí người khác như là xác chết thúi, hư rã, không chắc chắn, như là chất độc. Nó là nhân duyên của đường ác sinh tử ở thế gian, làm cho miệng hôi thối giống như phân, thường sinh lưới khổ không đáng ưa thích, là địa ngục lớn rất đáng sợ.

Lúc sắp chết, người ấy rất sợ ngục tốt và bị lệ thuộc vào cảnh giới. Nói láo là tên giặc lớn khiến ta đọa vào cõi ngạ quỷ, súc sinh, bị nghèo thiếu, khiến ta bị đọa vào địa ngục đáng sợ, hoặc làm súc sinh ăn nuốt lẫn nhau, gieo hạt giống sinh tử từ vô thỉ đến nay. Do quả báo của việc nói láo nên họ sinh ở xứ ấy.

Địa Ngục này có mười tám khu lần lượt có các tên:

1. Hống hống.

2. Thọ khổ vô số lượng.

3. Thọ kiên khổ não bất khả nhẫn nại.

4. Tùy ý áp.

5. Nhất thiết ám.

6. Nhân ám yên.

7. Như phi trùng đọa.

8. Tử hoạt đẳng.

9. Dị dị chuyển.

10. Mất hy vọng.

11. Song bức não.

12. Điệt tương áp.

13. Kim Cang chủy ô.

14. Hỏa man.

15. Thọ phong khổ.

16. Thọ vô biên khổ.

17. Huyết tủy thực.

18. Thập nhất viêm.

Đó là mười tám nơi khác nhau thuộc địa ngục Đại khiếu hoán.

Do nghiệp gì mà chúng sinh sinh vào nơi đó?

Ai thích và thường tạo nghiệp ác cùng khắp thì bị đọa vào địa ngục Đại khiếu hoán, chịu khổ não lớn ở trong địa ngục rất đáng sợ.

Nỗi khổ đó là lưỡi họ dài ba cư xa, mềm mại như cánh sen, thè ra khỏi miệng. Ngục tốt cầm cày sắt nóng phát lửa cày thành đường và đem nước đồng sôi màu đỏ thẫm tưới lên lưỡi.

Trong lưỡi sinh ra trùng có miệng phát lửa ăn trở lại lưỡi. Do nghiệp lực, lưỡi của người nói láo chịu khổ lớn, không thể rút vào miệng.

Trong miệng tội nhân ấy có trùng tên Đối nhổ răng họ, có gió phân chia lợi răng và nghiền nát như cát, có gió đao bén cắt rạch cổ họng, có trùng sắt mỏ lửa ăn nuốt tim họ. địa ngục Đại khiếu hoán thiêu đốt dữ dội thân của người nói láo. Do nghiệp ác, trong thân sinh trùng, trở lại ăn thân, thân trùng bốc lửa.

Tội nhân bị trùng ăn bên trong thân, chịu bệnh khổ nguy cấp, chịu hai loại khổ não trong ngoài như vậy.

Ngục tốt lại cho tội nhân chịu đủ loại khổ não như lấy móc sắt móc gân, mạch, xương, tủy, phá tan nát hết tất cả các bộ phận của thân. Tội nhân lại chịu các khổ não khác là bị rìu búa chặt bằm tất cả các bộ phận của thân, kể cả xương.

Người nói láo ấy bảo: Không dựa vào tất cả cầu pháp mà hành. Đó là cửa ngõ của tất cả những điều không lợi ích, chính là mưa đá dội xuống đồng lúa tốt tươi, là cửa ngõ của tất cả đường ác, cũng là kho chứa tất cả khổ não.

Người ấy bị tất cả chúng sinh nghi ngờ, tất cả Thánh Nhân lìa bỏ như phẩn, bị các vị Phật Thế Tôn, Thanh Văn, Duyên Giác, A La Hán xả bỏ như xả bỏ chất độc. Nếu đi trên đường thế gian và xuất thế gian thì họ giống như bóng tối lớn, không được người yêu thích. Đó chính là nhân duyên thứ nhất của địa ngục. Nó gây đủ việc xấu như vậy.

Như đã nói, đang nói và sẽ nói, nghiệp nhân nào thì tương ưng với quả báo nấy. Ngục Đại khiếu hoán ấy lại có lửa thiêu tội nhân như thiêu đầu, có cưa sắt phát lửa cưa xẻ thân thể khiến thân tâm khổ não, bị lửa lớn trong địa ngục thiêu đốt. Người nào thấy cảnh ấy đều rất thương xót.

Họ còn mắc các bệnh nặng đến nỗi không biết gọi là bệnh gì. Người mắc bệnh này bị đau khổ cùng cực.

Hai loại khổ như đã nói bao gồm vô lượng khổ não. Hễ còn nghiệp ác là họ còn chịu khổ không dứt. Đến khi nghiệp ác hết họ mới thoát được địa ngục đó.

Nếu có nghiệp lành trong quá khứ đã chín, không sinh vào loài ngạ quỷ, súc sinh mà sinh làm người, ở nơi tương ưng với nghiệp, thì nghèo khổ, tuổi thọ ngắn, loạn trí, bán nam bán nữ, bị tất cả khinh ghét, mọi người không tin tưởng. Đó là quả báo còn sót lại của nghiệp sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Người nào mắc một lỗi

Là nói láo như vậy

Phá hỏng đời vị lai

Tạo hết thảy việc ác.

Chớ có nói vọng ngữ

Nhân của tất cả ác

Trói buộc trong sinh tử

Không thể thấy đường lành.

Không lợi ích hai đời

Bị tất cả ghét bỏ

Người vọng ngữ hay khiến

Hết thảy pháp trống rỗng.

Con người vừa sinh ra

Miệng đã sẵn búa lớn

Có thể tự chặt mình

Đó là nói vọng ngữ.

Cờ của hết thảy ác

Dây trói buộc ác độc

Nơi cất chứa ngu tối

Đó là nói vọng ngữ.

Người nào không nói thật

Những người lành đều lánh

Đời này giống như cỏ

Sau bị thiêu nơi ác.

Người mạnh chớ nói láo

Nói láo là rất xấu

Hơi hôi hám trong miệng

Về sau sẽ hối tiếc.

Ai bỏ lời chân thật

Người ấy không đắc pháp

Người lìa pháp như vậy

Cuộc sống khổ vô cùng.

Nói thật là đèn pháp

Báu vật của người lành

Thù thắng trong Cõi Trời

Xa lìa sự nóng bức.

Nói thật được sinh Thiên

Nói thật được giải thoát

Người nào mà nói láo

Thì không khác gì chó.

Người nào không nói thật

Tiểu nhân trong tiểu nhân

Nói thật, thềm thang pháp

Sáng nhất trong tự sáng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần