Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Mười Một - Phẩm Tuệ Thù Thắng Ba La Mật đa - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM TUỆ THÙ THẮNG BA LA MẬT ĐA  

TẬP MỘT  

Này Xá Lợi Tử! Sao gọi là tuệ thù thắng Ba la mật đa của Đại Bồ Tát?

Này Xá Lợi Tử! Nếu Bồ Tát thực hành hạnh Bồ Tát không thoái chuyển, đối với chánh pháp tạng thù thắng nghĩa lợi phải thọ trì, đọc, tụng lắng nghe rốt ráo, khai thị rộng rãi, diển nói cho mọi người, được tướng tuệ thu thắng.

Tuệ thù thắng ấy sao gọi là tướng?

Sao gọi là giải nhập?

Nghĩa là đối với tướng tuệ thù thắng đã nghe tùy ý hiểu rõ.

Lại nữa, sao gọi là tướng đã nghe?

Nghĩa là, tướng ham muốn, tướng ý nguyện, tướng khéo hòa hợp, tướng thiện tri thức, tướng biến hóa, tướng hồi hướng, tướng cao quý, tướng tôn trọng, tướng xoay bên phải, tướng hết sức tự tại, tướng thân cận, tướng không nghe ngoại cảnh, tướng thừa sự, tướng tác ý, tướng không tán loạn, như tướng cầu của báu.

Như tướng cầu thuốc thang, tướng diệt tất cả bệnh khổ, tướng niệm pháp khí, tướng thông đạt Bồ Đề, tướng đối trị giác ngộ, tướng nhập Phật trí, tướng nghe không nhàm chán, tướng tập pháp thí, tướng thí rồi không hối hận, tướng thích gần đa văn, tướng khéo làm hoan hỷ lãnh nạp, tướng toàn thân hoan hỷ, tướng tâm rất vui thích, tướng lắng nghe không mệt mỏi.

Tướng thích nghe chánh pháp, tướng thích nghe chánh hạnh, tướng thích nghe không xúc vô trí, tướng thích nghe Ba la mật đa, tướng thích nghe chánh pháp Bồ Tát tạng, tướng thích nghe nhiếp sự, tướng thích nghe phương tiện khéo léo, tướng thích nghe phạm hạnh, tướng thích nghe thần thông, tướng thích nghe bốn niệm xứ, tướng thích nghe bốn chánh đoạn, tướng thích nghe bốn thần túc.

Tướng thích nghe mười hai duyên sinh, tướng thích nghe vô thường, khổ, vô ngã tịch tĩnh, tướng thích nghe không, vô tướng, vô nguyện, giải thoát, tướng thích nghe không tích tập căn hạnh bất thiện, tướng thích nghe tích tập hạnh thiện căn, tướng thích nghe sống một mình, tướng thích nghe chuyển pháp luân.

Tướng đối với tạp nhiễm mà không tưởng tán loạn, tướng điều phục tất cả tưởng phiền não, tướng hướng về người trí, tướng thân cận Hiền Thánh, tướng xa lìa không luật nghi, tướng thích nghe Thánh Nhân, tướng thích nghe năm căn, tướng thích nghe tùy niệm quán sát, tướng thích nghe bảy giác chi, tướng thích nghe tám Thánh Đạo, tướng thích nghe mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô lượng, mười tám pháp bất cộng của Như Lai.

Này Xá Lợi Tử! Đối với các điều đó tức là văn, tu, tuệ.

Vì sao?

Vì ham muốn chánh pháp Bồ Tát tạng, khi nghe pháp rồi có khả năng biết rõ, biết rồi tu hành. Nếu ý nguyện muốn lắng nghe chánh pháp Bồ Tát tạng, khởi tâm hòa hợp, gần thiện tri thức, hoặc biến hóa, hoặc nhiếp thọ, hoặc xoay bên phải, hoặc hết sức tự tại.

Nếu thân cận đa văn, không nghe ngoại cảnh, an trụ đa văn, siêng năng dũng mãnh tác ý. Như tưởng mong cầu đồ báu, như tưởng mong cầu Y Vương, tưởng diệt tham, sân, si. Tưởng thọ trì. Nếu thông đạt chỉ thú của các pháp và đối với ý vui khiến ý tăng trưởng, lắng nghe lãnh thọ không nhàm chán.

Nghe bố thí rồi hay phấn khởi mạnh mẽ bố thí. Nghe nói giới rồi hay hộ trì tịnh giới. Nghe nói nhẫn nhục rồi hay nhẫn nhục. Nghe nói tinh tấn rồi không có biếng nhác. Nghe nói thiền định rồi không có tán loạn.

Nghe nói tuệ thù thắng rồi tâm khởi tận hết lậu hoặc thích đa văn thù thắng. Nghe pháp rồi thân tâm vui thích. Nghe Đại Thừa rồi lại sinh thắng dục. Nghe việc nhiếp thọ rồi tâm hành nhiếp thọ. Nghe bốn niệm xứ rồi thân thọ tâm pháp niệm trụ.

Nghe bốn chánh đoạn rồi liền diệt trừ bất thiện đã sinh, xả bỏ bất thiện chưa sinh, khiến tăng trưởng thiện căn đã sinh, khiến phát khởi thiện căn chưa sinh. Nghe nói lìa tranh cãi thân tâm dục đều được khinh an. Nghe nói thiền định tâm hành quyết định.

Nghe bốn vô lượng rồi khởi đại từ đối với tất cả hữu tình, khởi tâm đại bi đối với những ai đắm trước, khởi đại Hỷ đối với các chánh pháp, khởi đại xả đối với điều bất thiện. Nghe năm căn rồi tâm hay thực hành tín, tấn, niệm, định, tuệ. Nghe bảy giác chi tâm sinh giác ngộ tất cả các pháp.

Nghe tám Thánh Đạo khởi tâm hướng đến Niết Bàn. Nếu đối với mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô lượng, mười tám pháp bất cộng của Như Lai cho đến vô lượng pháp Phật, nên học như vậy, phát tâm Chánh Đẳng, Chánh Giác, khi đã nghe rồi mới có thể biết rõ, biết rồi mới có thể tu học.

Này Xá Lợi Tử! Như vậy là ta đã nói về các tướng đã nghe, tùy ý hiểu rõ. Đó là Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa thì mới có khả năng đối với chánh pháp Bồ Tát tạng nghĩa lợi thù thắng, thọ trì đọc tụng, lắng nghe, khai thị rộng rãi, diễn nói cho mọi người, được các pháp chánh hạnh.

Sao gọi là các pháp chánh hạnh?

Nghĩa là, đối với pháp này, như trên đã nói an lập chánh hạnh.

Này Xá Lợi Tử! Pháp chánh hạnh nghĩa là tùy thuận nhiếp thọ các pháp.

Vì sao?

Vì pháp không chấp trước. Đó tức là chánh hạnh. Nếu còn chấp trước thì không thể có. Đối với pháp Bổ đặc già la mà cầu xuất ly cũng không có điều đó. Đối với pháp Bổ đặc già la không có chấp trước thì gọi là chánh hạnh, được vô ngại hoặc, việc này đương nhiên. Thế nên, các vị tu hành đối với chánh pháp này tùy thuận nhiếp thọ không bị chướng ngại. Đó là chánh hạnh.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu đối với các pháp và pháp tôn trọng mà không chấp, không giữ, không sinh, không diệt và đối với các pháp như tùy thuận chánh lý, cũng không chấp thủ, nói như vậy tức là chánh hạnh. Như nay ta nói không có một phần nhỏ nào, cũng không có sở kiến, không thấy, không chấp thủ, như vậy là tướng các pháp.

Sao gọi là tướng?

Đó là có tướng, không tướng.

Vì sao?

Vì tướng này không tướng nên gọi là không tướng.

Lại nữa, tướng này đối với tất cả pháp đều không biết rõ, không tướng này vốn không thấy, không giữ được, như vậy tức là chánh hạnh. Thế nên đối với chánh hạnh này phải nên tu tập hiện chứng các pháp, không bị chướng ngại.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này liền nói kệ rằng:

Đối với Bồ Tát tạng

Không nên sinh quyết định

Các người trí như vậy

Được an trụ chánh hạnh.

Lại nếu đối pháp này

Mà sinh ra chấp thủ

Và khơi chấp một bên

Đó không phải chánh hạnh.

Pháp tuy không thể được

Nhưng chớ hiểu là không

Huống là chánh diệu pháp

Không đồng với hư không.

Nếu pháp đồng hư không

Thế gian không lãnh hội

Do vì không lãnh hội

Nên không phải chánh hạnh.

Lại chánh diệu pháp này

Không thủ không không thủ

Thế nên pháp phi pháp

Không nên sinh chấp thủ.

Do không chấp thủ đó

Mới chánh là pháp tướng

Hành tướng như thế đó

Mới gọi là chánh hạnh.

Lại chánh diệu pháp này

Chưa từng có chấp trước

Tùy thuận mà biết rõ

Không thể bị tổn hại.

Do không bị tổn hại

Người trí không vin vào

Hành tướng như thế ấy

Mới gọi la chánh hạnh.

Lại nữa, các người trí

Trụ công đức thiểu dục

Đối với chánh pháp này

Tương ưng khéo tu hành.

Nếu an trụ các thiện

Hành oai nghi chánh hạnh

Đối với chỗ hướng đến

Tùy ứng được thanh tịnh.

Chỗ hướng đã thanh tịnh

Biết chánh pháp như vậy

Thì dù ở nơi nào

Rõ tâm ý hữu tình.

Lại nữa, các người trí

Biết rõ tâm ý rồi

Đối hành tướng như vậy

Hay tuyên nói chánh pháp.

Lại pháp thậm thâm này

Thông đạt thắng nghĩa đế

Đối với nghĩa như vậy

Thường đạt được quyết định.

Lại nữa, các người trí

Đa văn như biển cả

Do sâu rộng như vậy

Hành vô lượng công đức.

Không mượn văn và nghĩa

Hay thông đạt chánh lý

Đối vô lượng văn nghĩa

Được kiên cố bất động.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa, đối với chánh pháp Bồ Tát tạng nghĩa lợi thù thắng, nghe rồi diễn nói cho mọi người, đạt được tuệ thù thắng sáng suốt, nó có khả năng diệt trừ các pháp vô minh tối tăm mù mịt cản trở và mau chóng thành tựu tuệ quang thù thắng, biết rõ pháp như thật thiện và bất thiện, cho đến mạng chung đoạn trừ rốt ráo các pháp bất thiện, nghe các pháp thiện như đã giác ngộ và có khả năng tuyên nói pháp thiện vắng lặng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên liền nói kệ rằng:

Ví như vào chỗ tối

Các sắc tướng hiện tiền

Mắt ấy không thể thấy

Lửa sáng soi tối tăm.

Kiếp hiện tại như vậy

Có người sinh tử kia

Đối pháp thiện, bất thiện

Không nghe cũng không biết.

Vì do nghe pháp này

Không gây ra tội lỗi

Và trừ lợi phi nghĩa

Mau chóng đến Niết Bàn.

Thích thân cận thầy, bạn

Tăng trưởng thêm văn tuệ

Nhờ tuệ thanh tịnh ấy

Nên được nghĩa diệu lạc.

Người trí nghe nghĩa ấy

Thấy phi pháp xuất ly

Đối tịnh pháp dũng mãnh

Được diệu lạc thù thắng.

Nếu đối Bồ Tát tạng

Nghe rồi trụ pháp tánh

Ánh sáng chiếu thế gian

Chân hành hạnh bồ đề.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát thực hành hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa, đối với chánh pháp Bồ Tát tạng nghĩa lợi thù thắng, ham muốn thanh tịnh. Đối với người thọ trì đọc tụng chánh pháp, phải nên phát khởi tưởng thiện tri thức, dũng mãnh tinh tấn, tâm chân chánh nhiếp thọ. Vì muốn phát khởi chánh nguyện và bốn chánh đoạn nên đối với tất cả pháp tướng không bị chướng ngại.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên liền nói kệ rằng:

Tôn trọng thiện tri thức

Được làm thầy nói pháp

Khiến chúng nghe pháp ấy

Thường trụ trong chánh hạnh.

Không tiếc thân mạng này

Siêng năng càng tối thượng

An trụ trong thật trí

Được thắng tuệ thanh tịnh.

Tự biết rõ chánh pháp

Tịnh tín đều thông đạt

Do giác ngộ xuất ly

Như Phật rộng khai thị.

Cũng như các người trí

Thông đạt văn cú nghĩa

Thường tu hạnh thanh tịnh

Được dự các học vị.

Tất cả phần nhiễm tịnh

Đều không bị nhiễm trước

Vì không bị nhiễm trước

Đối pháp không bị giảm.

Do tinh tấn lạc dục

Thân mau chóng khinh an

Lắng nghe pháp này rồi

Trí tăng không thất niệm.

Thường trụ vào trí niệm

Rõ pháp thiện, bất thiện

Do học thừa tối thượng

Thông đạt lực niệm tuệ.

Biết ý hữu tình ấy

Như ta trong nhiều kiếp

Nhờ tu học pháp này

Được thắng tuệ thanh tịnh.

Rõ ý hữu tình rồi

Vì khai thị chánh pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần