Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Da Xá, Đời Chu
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA ĐỒNG TÁNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Da Xá, Đời Chu
PHẦN BẢY
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Các địa của Bồ Tát lại có mấy?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Các địa của Bồ Tát có mười.
Thế nào là mười?
1. Hoan hỷ địa.
2. Ly cấu địa.
3. Minh địa bằng Phát quang địa.
4. Diễm tuệ địa.
5. Nan thắng địa.
6. Hiện tiền địa.
7. Viễn hành địa.
8. Bất động địa.
9. Thiện tuệ địa.
10. Pháp vân địa.
Thiện Trượng Phu! Đó là mười Địa của Bồ Tát.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Tất cả bạch địa sinh ra từ chỗ nào?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Tất cả bạch địa sinh từ Phật Địa.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Giải thoát và giải thoát kia đây có sự khác nhau?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nước sông và nước biển có khác nhau không?
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì đáp: Bạch Thế Tôn! Nước sông nước biển, rộng hẹp có khác.
Phật nói: Đúng như vậy! Thiện Trượng Phu! Giải thoát của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật như nước sông kia, giải thoát của Như Lai như nước của biển lớn.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Các sông lớn nhỏ đều chảy về biển không?
Phật đáp: Đúng như vậy! Thiện Trượng Phu! Đúng như lời ông nói.
Vì sao?
Vì tất cả pháp của Thanh Văn, pháp của Bích Chi Phật, pháp cả Bồ Tát, pháp của Chư Phật, tất cả các pháp ấy, đều chảy vào biển lớn trí tạng Tỳ Lô Giá Na.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Phật Thế Tôn, hiện sơ Phật Địa, trụ Sơ Địa ấy, hiện rõ ra tất cả cảnh giới của Như Lai, khiến cho các hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật được hớn hở vui mừng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn hiện rõ Cõi Phật của mình, tên là cõi nước Phật vô biên A tăng kỳ công đức chư bảo cụ cái bất khả tư nghì trang nghiêm, chu vi rộng trăm ngàn ức na do tha hằng hà sa số tam thiên đại thiên Thế Giới vi trần các Cõi Phật.
Lúc ấy, các Cõi Phật đều nhập vào Cõi Phật vô biên A tăng kỳ công đức chư bảo cụ cái bất khả tư nghì trang nghiêm và cùng mang một tên. Trong các Tu Di nhỏ, có Tu Di và đại Tu Di, tất cả hắc sơn và cả trong sông nhỏ, sông lớn và các biển lớn.
Các núi rừng, hang bàn đá, đỉnh núi, sườn núi, phấn uế, cát suối, nơi hiểm ác, thảy đều trừ diệt. Không có con đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và cả Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân cũng đều trừ diệt. Không có các chuỗi ngọc trang nghiêm công đức các Cõi Phật cũ.
Trong Cõi Phật đó, đất làm bằng ngọc lưu ly, bằng phẳng như lòng bàn tay, lớn như nhân đà la, sắc cam kim cương hình thành trong Cõi Phật này. Xuất hiện hoa báu tốt đẹp nhất và trang nghiêm nhất trong rừng A Luân Ca tên là Vua cây Bồ Đề được làm bằng bảy báu có đủ màu sắc đẹp đẽ.
Bồ Đề Thọ Vương cao vô biên hằng hà sa Cõi Phật trong Thế Giới vi trần, ngang dọc bằng nhau. Bồ Đề Thọ Vương ấy có đủ các loại châu báu tốt làm thành hoa, lá, quả, trái, cành, nhánh. Có đủ các loại báu Sư Tử vô ngại, ma ni, dùng để trang nghiêm. Các ngọc châu đỏ, tỳ lưu ly, xâu lưới linh, tơ lụa năm màu treo đầy.
Cây Bồ Đề ấy, phóng điện quang chói sáng bất tận, hoặc phóng ánh sáng màu vàng ròng, hoặc ánh sáng ma ni, hoặc ánh sáng nhân đà la cam, hoặc ánh sáng pha lê, hoặc ánh sáng báu của mặt trời, hoặc ánh sáng báu của mặt trăng. Cây Bồ Đề ấy, phát ra hương rất thơm ngát.
Những thứ hương ấy như hương Trầm Thủy, hương Đa Già La, hương Mặc Trầm Thủy, hương Đa Ma La Bạt, hương Mặc Chiên Đàn, hương Rồng chiên đàn, hương Ngưu đầu chiên đàn. Mùi hương lan tỏa khắp cả Cõi Phật. Bồ Đề Thọ Vương ấy, cất lên âm thanh, ca tụng và khen ngợi, hoặc mưa các vật báu khắp cả các Thế Giới.
Dưới cây Bồ Đề ấy, về phía Đông, xuất hiện ao lớn, bảy báu làm thành, trong sạch không nhơ, tên là Ma Ha Bồ Đề Trì Vương. Ao sâu vô biên hằng hà sa đẳng tam thiên đại thiên vi trần Thế Giới, chu vi bằng nhau. Cát vàng sông Diêm Phù rải dưới đáy, nước tám công đức chứa tràn đầy.
Quanh ao, bốn phía có bốn bậc thềm đều được gắn các loại báu. Và hàng lan can có đủ các loại báu xen kẽ nhau. Nước trong ao ấy nở ra hoa sen lớn, tên là Thiện khai phu bồ đề liên hoa tướng vương, do bảy báu làm thành. Hoa ấy cao rộng vô biên hằng hà sa tam thiên đại thiên vi trần Thế Giới, bảy báu hình thành.
Lại có trăm ngàn ức na do tha vô lượng, vô biên các hoa sen báu khác bao quanh, bảy báu diệu trang nghiêm làm lá, hương thơm thoang thoảng, khiến người ưa thích. Hoa sen Vua ấy, trên đài, lại xuất hiện Bồ Đề liễn vương, tên Vô biên bảo trang sức, được làm bằng bảy báu, cao a tăng kỳ hằng hà sa tam thiên đại thiên vi trần số Thế Giới, ngang dọc bằng nhau, những vật báu ấy trang sức bồ đề liễn vương.
Tất cả phục sức tuyệt đẹp, trên cả mọi thứ. Những vật báu ấy trang sức trong bảo điện. Tất cả những phục sức, tất cả những sự trang trí và sức thần thông, cả trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn ức phần, cũng không bằng một. Ví như, trước ánh sáng mặt trời, thì ánh lửa của con đom đóm kia bị lấn át.
Đúng như vậy! Trước vô biên vật báu nghiêm sức bồ đề liễn vương, bảo điện trang nghiêm ấy hoàn toàn không hiện trở lại như cũ. Các ánh sáng của vô lượng, vô biên các chuỗi ngọc trang nghiêm, của tất cả những phục sức thần thông trang nghiêm, đều có khả năng lấn át cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, khiến không thể tỏa sáng được.
Trước vô biên vật báu nghiêm sức Bồ Đề Điện Vương, cả những ánh sáng của Đế Thích, ánh sáng của tất cả Phạm thiên, ánh sáng của tất cả Thủ đà hội thiên, đều hoàn toàn không có những minh, những quang, những tinh, những chiếu.
Trong các điện ấy, xuất hiện tòa lớn Bồ Đề Sư Tử Vương tên là Thiên chiếu vô ngại Sư Tử trang nghiêm, do bảy báu tạo thành, màu sắc ánh sáng không gì sánh bằng, các việc đầy đủ, áo Trời Ca Thi Ca che bên trên, cao trăm ức hằng hà sa vi trần Thế Giới, dài rộng ngang bằng nhau.
Đức Thích Ca Mâu Ni liền ngồi lên Tòa Sư Tử ấy, đổi tên thành Vô Cấu Oai Công Đức Sư Tử Nguyệt Quang Tỳ Lô Giá Na Tạng Lưu Ly Tràng Viên Thông Quang Minh Công Đức Oai Tụ Nhật Nguyệt Trí Quang Vương Như Lai. Thân Phật cao lớn, ngay ngắn như trăm ức hằng hà sa vi trần Cõi Phật, trải cả tam thiên đại thiên Thế Giới. Từng phần của thân thảy đều trọn vẹn, đủ ba mươi hai tướng đại nhân, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân.
Trán tròn sáng, trang nghiêm cả đầu. Đỉnh đầu không thể thấy. Cơ thể thanh tịnh, ví như mặt trời, mặt trăng chiếu ánh sáng trong gương, thân của Đức Như Lai ấy cũng lại như vậy, không có thịt, máu và xương cốt, tủy, chẳng phải nhân khi cha, mẹ, ca la tha kết hợp, mà thân ấy hóa sinh trong sạch như cát vàng sông Diêm phù kia và màu sắc sáng như ánh sáng của tịnh lưu ly nhân đà la bảo cám.
Thân Như Lai thanh tịnh như vậy, không có một chút nhỏ tập khí. Đức Phật Thế Tôn ấy, các tướng đầy đủ, là Thầy Nhất Thiết Trí, các pháp tự tại, vượt qua bờ giác.
Đó là Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cao hơn hết, là Bậc Đại Từ, Tối Đại Nhân Sư, Bậc Trượng Phu đã sạch các lậu, thân Kim Cang trăm phước đức tụ tập, đầy đủ mười lực và bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng, chánh Sư Tử hống, mạng sống vô lượng, Cõi Phật thanh tịnh, thành đạo tự tại, quang minh tự nhiên. Có vô lượng, vô biên chúng Bồ Tát trước sau vây quanh. Sắc thân mỗi vị đều đầy đủ.
Dưới gốc cây báu, trong ao kia, trên các liễn hoa sen, các vị ngồi Tòa Sư Tử, thân hình tương xứng. Mỗi vị Bồ Tát đều tự trang nghiêm và cũng đầy đủ sự trang nghiêm như của Đức Như Lai. Cõi Phật công đức nghiêm tịnh như vậy. Thân đều thanh tịnh, chúng đều thanh tịnh.
Kiếp tên là Vô biên tế trang nghiêm ma ha kiếp vương, kiếp ấy cũng thanh tịnh. Nếu muốn nói về Cõi Phật rộng lớn này và những việc làm của Phật thì không thể làm được việc ấy. Biết được như vậy, gọi là Như Lai trụ Phật Sơ Địa.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông: Này Thiện Trượng Phu! Ông có thấy thần thông trí của Như Lai không?
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông đáp: Vâng, con đã thấy, bạch Thế Tôn!
Phật nói: Thiện Trượng Phu! Đấy là Sơ Địa của Phật, tên là Thậm thâm nan tri quảng minh trí đức.
Ông nên biết! Tại Cõi Trời Hỷ Lạc, có các Đức Như Lai Chánh Chân Nguyện Trang Nghiêm Công Đức Tướng Nhất Cái Chấn Thanh Chủ Oai Vương Như Lai. Bảo Đức Minh Triệt Tạng Công Đức Thân Tướng Tịnh Như Lai.
Bất Động Ly Nan Quang Minh Như Lai. Hữu Thần Thông Lực Liên Hoa Sinh Công Đức Oai Tướng Thắng Anh Lạc Ma ni Vương Như Lai. Được hàng Trời, người tôn trọng. Lại có Đức A Di Đà Như Lai, Liên Hoa Khai Phu Tinh Vương Như Lai.
Long Chúa Vương Như Lai. Bảo Đức Như Lai. Có những vị Như Lai như vậy, sinh vào Cõi Phật thanh tịnh. Đều là những vị đã đắc đạo, các Đức Như Lai ấy, đều đạt được sơ Phật Địa. Ở trong địa ấy, Như Lai hiện ra các thần thông như thần thông của ta ngày nay, không khác.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Trong đời năm uế trược, Chư Phật Như Lai có những vị hiện đắc đạo, sẽ đắc đạo, như Đức Thế Tôn kia hiện đắc, sẽ đắc Như Lai địa không?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu như Chư Phật Bồ Tát có khả năng hiện ra những phương tiện khéo léo thì có.
Vì sao?
Vì Chư Phật luôn khởi lòng đại từ đối với các chúng sinh, thấy các chúng sinh bị giam cầm trong rừng râm của ba cõi.
Các chúng sinh ấy, vì bị lưới ái che lấp, bị ám chướng của vô minh, nên tin theo tà kiến điên đảo không trong sạch, chịu vô lượng các khổ, vương vào ba bờ ác, luân hồi sáu nẻo, phiền não xoay vần, không còn biết trước sau. Các chúng sinh ấy, không biết Chư Phật và các pháp của Phật, các pháp của Bồ Tát, cũng không thật biết các giải thoát.
Này Thiện Trượng Phu! Chư Phật Bồ Tát biết tất cả chúng sinh ấy, chịu nhiều các khổ như vậy.
Thiện Trượng Phu! Bấy giờ, Phật sẽ xuất hiện trong đời ngũ trược, từ Trời Đâu Suất xuống, nhập thai, sinh thai, sơ sinh và lớn lên trong cung, mong muốn xuất gia, nơi Đạo Tràng, thực hành khổ hạnh, hàng phục ma, thành Phật, chuyển xe pháp lớn. Khi cùng nhau luận nghị với các ngoại đạo, dựa vào pháp hàng phục những kẻ ngạo mạn, cho đến khi hết thọ mạng, hiện đại Niết Bàn, nhập Niết Bàn với sức Tam Muội.
Tự thân hiện rõ là những xá lợi lớn như hạt cải được phân chia. Hàng trời, rồng, người, phi nhân đều sinh tâm vui mừng. Vì đã tạo vô lượng trăm ngàn ức na do tha các chỗ thờ xá lợi để cúng dường, hoặc xuất gia tu trì khổ hạnh trong pháp ấy. Hoặc gieo hạt giống với bồ đề, dứt trừ các phiền não, sang bờ giải thoát.
Này Thiện Trượng Phu! Tất cả Chư Phật có pháp như vậy, khiến vô lượng, vô biên các chúng sinh, dứt các phiền não, sang bờ giải thoát.
Thiện Trượng Phu! Ông nên biết! Nếu trong đời ngũ năm uế trược. Như Lai hiện ra sức thần thông, thì đều là sự ứng hóa của Phật, hoặc sức thần thông của các Bồ Tát, với phương tiện khéo léo ứng hóa mà hiện ra.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Thân Phật có mấy loại?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Lược nói có ba, đó là:
1. Báo thân.
2. Ứng thân.
3. Pháp thân.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là báo thân Như Lai?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu!
Nếu muốn thân Phật kia là báo, ông nên biết: Như hôm nay, ông thấy, ta hiện ra những vị hiện đang đắc đạo, những vị sẽ đắc đạo, ở các Cõi Phật thanh tịnh của các Như Lai, tất cả những vị này đều là báo thân.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là ứng thân của Như Lai.
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Giống như hôm nay, có tất cả những vị Phật Như Lai như Dũng Bộ Kiền Như Lai, Ma Khủng Bố Như Lai, Đại Từ Ý Như Lai hiện đang thành Phật, sẽ thành Phật ở trong đời uế trược.
Như Lai hiện ra từ Trời Đâu Suất xuống, cho đến nắm giữ tất cả chánh pháp, tất cả tượng pháp và tất cả mạt pháp.
Thiện Trượng Phu! Ông nên biết, những việc hóa ra như vậy, đều là ứng thân.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là pháp thân của Như Lai?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Chân pháp thân của Như Lai không hình thể, không hiện, không dính mắc, không thể thấy, không lời nói, không nơi trụ, không tướng, không báo, không sinh, không diệt, không thí dụ.
Như vậy, Thiện Trượng Phu! Thân không thể nói của Như Lai gọi là pháp thân, là trí thân, là thân không gì bằng, là thân không gì có thể so sánh được, là thân Tỳ Lô Giá Na, là thân hư không, là thân không dứt, là thân không hoại, là thân vô biên, là thân chí chân, là thân chẳng phải rỗng hư, là thân không thí dụ, đó gọi là chân thân.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Nếu như chân thể của Chư Phật không sắc, không hiện ra cho đến không thể nói.
Mà không thể nói há chẳng phải là đoạn tướng sao?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Ý ông thế nào?
Cõi hư không có thể có sự cắt đứt và có tướng không?
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chuyển Luân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Bảy - Chương Uy đức Tự Tại
Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Già Trẻ đều Chết
Phật Thuyết Kinh Hoa Tích đà La Ni Thần Chú
Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Chín - Phẩm Biến động