Phật Thuyết Kinh đại Thừa Già Da Sơn đảnh - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA GIÀ DA SƠN ĐẢNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẦN HAI  

Này thiện nam! Trí gọi là đạo. Đạo cùng với tâm hòa hợp, chẳng phải là không hòa hợp. Lại nữa, trí chính là hòa hợp, chẳng phải là không hòa hợp.

Bồ Tát Dũng Tu Trí Tín thưa: Thưa Bồ Tát! Vì lý do gì trí chính là hòa hợp, chẳng phải là không hòa hợp?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này thiện nam! Vì trí khéo có khả năng xem xét ấm, xứ, giới, khéo có khả năng xem xét pháp duyên khởi, và khéo có khả năng xem xét xứ, phi xứ. Như vậy là nó hòa hợp chứ chẳng phải là không hòa hợp.

Lại nữa, này thiện nam!

Đại Bồ Tát có mười trí:

1. Trí nhân.

2. Trí quả.

3. Trí nghĩa.

4. Trí phương tiện.

5. Trí bát nhã.

6. Trí thâu tóm.

7. Trí Ba la mật.

8. Trí đại bi.

9. Trí giáo hóa chúng sinh.

10. Trí không có chỗ vướng mắc với tất cả pháp.

Này thiện nam! Đấy là mười trí của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát có mười thứ phát khởi:

1. Thân phát khởi làm cho thân nghiệp của tất cả chúng sinh được thanh tịnh.

2. Khẩu phát khởi làm cho khẩu nghiệp của tất cả chúng sinh được thanh tịnh.

3. Tâm phát khởi làm cho ý nghiệp của tất cả chúng sinh được thanh tịnh.

4. Phát khởi bên trong, không chấp giữ nơi tất cả chúng sinh.

5. Phát khởi bên ngoài, thực hành hạnh bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

6. Phát khởi trí, tu tập hết mọi trí của Chư Phật.

7. Phát khởi quốc độ, hiện ra tất cả công đức trang nghiêm của Cõi Phật.

8. Phát khởi giáo hóa chúng sinh, biết đến các loại thuốc trừ bệnh phiền não.

9. Phát khởi chân thật, có khả năng thành tựu tu quyết định.

10. Phát khởi đầy đủ trí vô vi, tâm không vướng chấp vào tất cả ba cõi.

Này thiện nam! Đấy gọi là mười thứ phát khởi của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát có mười hành:

1. Hành Ba La Mật.

2. Hành nhiếp vật.

3. Hành bát nhã.

4. Hành phương tiện.

5. Hành đại bi.

6. Hành cầu tư lương của tuệ.

7. Hành cầu tư lương trí.

8. Hành tín tâm thanh tịnh.

9. Hành nhập vào các đế.

10. Hành không phân biệt cảnh yêu ghét.

Này thiện nam! Đấy là mười hành của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát có mười thứ quán vô tận:

1. Quán thân vô tận.

2. Quán sự vật vô tận.

3. Quán pháp vô tận.

4. Quán ái vô tận.

5. Quán kiến vô tận.

6. Quán tư lương vô tận.

7. Quán thủ vô tận.

8. Quán không vướng mắc vô tận.

9. Quán tương ưng vô tận.

10. Quán Đạo Tràng biết được tự tánh vô tận.

Này thiện nam! Đấy là mười thứ quán vô tận của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát có mười thứ hành điều phục:

1. Hành điều phục keo kiệt ganh ghét bằng sự bố thí nhiều như mưa.

2. Hành điều phục phá giới bằng tu ba nghiệp thanh tịnh.

3. Hành điều phục sân hận bằng tu tập tâm từ.

4. Hành điều phục biếng nhác bằng nỗ lực tinh tấn cầu pháp không biết mệt mỏi.

5. Hành điều phục hành xấu ác bằng thiền định giải thoát thần thông.

6. Hanh điều phục vô minh bằng quyết định phát sinh tư lương của tuệ phương tiện thiện xảo.

7. Hành điều phục phiền não bằng cách làm tròn đầy tư lương của nhất thiết trí.

8. Hành điều phục điên đảo bằng sự phát sinh con đường chân thật với tư lương không điên đảo.

9. Hành điều phục không tự tại bằng sự tự tại nơi thời, phi thời.

10. Hành điều phục chấp ngã bằng cách quán các pháp là vô ngã.

Này thiện nam! Đấy là mười hành điều phục của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát có mười Địa vắng lặng:

1. Địa của thân vắng lặng, xa lìa ba nghiệp xấu ác của thân.

2. Địa của khẩu vắng lặng, trừ bốn nghiệp của miệng để được thanh tịnh.

3. Địa của tâm vắng lặng, vĩnh viễn bỏ ba nghiệp ác của ý.

4. Địa của bên trong vắng lặng, không vướng mắc vào chính mình.

5. Địa của bên ngoài vắng lặng, không vướng mắc vào tất cả các pháp.

6. Địa vắng lặng của tư lương nơi trí, không vướng mắc vào chỗ hành đạo.

7. Địa vắng lặng không tự cao xem xét tự tánh của Thánh trí.

8. Địa vắng lặng của thần thông rốt ráo đến tận cùng, phát sinh trí tuệ Ba la mật.

9. Địa vắng lặng chấm dứt mọi hý luận không dối gạt tất cả chúng sinh.

10. Địa vắng lặng của thân tâm không bị tham ái, dùng đại bi giáo hóa chúng sinh.

Này thiện nam! Đấy là mười địa vắng lặng của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, này thiện nam! Các Đại Bồ Tát tu hành như thật thì có thể thành tựu Bồ Đề, còn tu hành không như thật thì không thể thành tựu. Tu hành như thật là theo chỗ giảng nói như vậy mà tu hành. Tu hành không như thật chỉ là lời nói suông, không thể tin nhận, không thể tu tập.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát có hai hành như thật:

1. Hành như thật của đạo.

2. Hành như thật của đoạn.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có hai hành như thật:

1. Hành như thật tự điều phục.

2. Hành như thật giáo hóa chúng sinh.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có hai hành như thật:

1. Hành như thật của trí có công dụng.

2. Hành như thật của trí không có công dụng.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có hai hành như thật:

1. Hành như thật khéo kiến lập các địa.

2. Hành như thật khéo xem xét các địa không sai biệt.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có hai hành như thật:

3. Hành như thật khéo xa lìa mọi lỗi lầm của các địa.

4. Hành như thật khéo làm tròn đầy công đức nơi các địa.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có hai hành như thật:

1. Hành như thật khéo nói về địa Thanh Văn, Bích Chi Phật.

2. Hành như thật khéo nói về pháp không thoái chuyển nơi Bồ Đề Phật.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có hành như thật vô lượng, vô biên như vậy. Nếu ai có thể thực hành đúng như thế, thì nên biết người ấy không bao lâu nữa sẽ thành Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng. Các Đại Bồ Tát nên siêng năng tu học.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Lành thay! Lành thay! Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Ông đã khéo giảng nói, thích ứng.

Phật giảng nói Kinh này rồi, các Đại Bồ Tát như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Dũng Tu Trí Tín và Thiên Tử Tịnh Nguyệt Oai Quang, Thiên Tử Quyết Định Quang Minh cùng chúng hội và tất cả thế gian, Trời, Người, A Tu La đều rất vui vẻ tin nhận, phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần