Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Chín - Phẩm Thiền định Ba La Mật đa - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường  

PHẨM CHÍN

PHẨM THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT ĐA  

TẬP HAI  

Này Từ Thị! Đại Bồ Tát tu tập thiền định có năm chướng ngại làm ngăn che tất cả hữu tình:

1. Tham dục.

2. Sân nhuế.

3. Trạo hối.

4. Hôn trầm.

5. Nghi hoặc.

Phải đoạn trừ năm ngăn che này mới thiền định được, làm cho thân tâm không lay động.

Cho nên Bồ Tát phải quán sát nó do đâu mà khởi?

Làm sao để xa lìa nó?

Trước tiên, Đại Bồ Tát nên quán sát sắc dục giống như trăng dưới nước, hễ nước động thì trăng động, tâm sinh thì pháp cũng sinh.

Tâm tham dục cũng vậy, mỗi niệm mỗi niệm không đứng yên, sinh đó diệt đó. Lại quán sắc dục như mãng xà ở trong đồng hoang khi độc sân nổi lên đầu nó phùng ra như cái lộng.

Người đi đường nóng bức nên lao vào núp dưới lộng, bị tiếp xúc với khí độc của nó đưa đến mất mạng. Người tham dục cũng vậy, đi trong đồng hoang sinh tử, vọng thấy cảnh dục liền sinh lòng đắm nhiễm. Dục tưởng vừa khởi lên liền làm tan mất thiền định. Đó gọi là bị tham dục che phủ.

Lại quán tánh dục giống như lửa địa ngục thiêu đốt hữu tình, như thác nước chảy nhận chìm tất cả, không có chút từ bi. Giống như La Sát làm não hại hữu tình, cũng như ngục tốt làm thương tổn tay chân người, như đao bén, như đồ tể đoạn mạng chúng sinh, như xúc chạm vào thuốc độc phải mạng chung.

Như từ núi cao rơi xuống vực sâu, bị khổ não lớn, như trong đêm tối tăm không thấy gì cả, như bệnh cùi hủi không thể trị liệu, như biển lớn khó mà khô cạn. Tham dục sâu rộng quá hơn biển lớn, năm dục to nặng hơn núi Diệu Cao, giống như trái khẩn ba tươi tốt rất muốn nhìn, nhưng nếu chạm vào nó thì sẽ chết ngay.

Như con dê bị treo trên cột, chắc chắn sẽ chết, như đội mão bằng vàng nóng đỏ, bị nó thiêu đốt đến chết. Như ở quá khứ, Chuyển Luân Vương, Thích Đề Hoàn Nhân, Tứ Đại Thiên Vương… các Trời lực sĩ Na La Diên, tất cả hữu tình đều do tham dục mà khởi binh đánh nhau, xương cốt chất như núi Tỳ Phú La. Quá khứ đã như vậy thì hiện tại, vị lai cũng thế.

Người thế gian đối với thân thuộc, cha mẹ, anh em rất thương yêu nhau, dù bỏ thân mạng cũng không tiếc, nhưng vì tham dục mà oán ghét lẫn nhau, tạo nên tâm độc ác rồi giết hại nhau.

Người tham sắc có hai nguyên nhân đau khổ:

1. Giàu sang vì tham sắc dục mà chịu hèn hạ, đủ mọi sự khinh khi.

2. Bị dao tham dục móc mắt trí tuệ, không thể nào phân biệt được, giống như người mù.

Vì nhân duyên này mà chết đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ.

Lại nữa, người tham dục lòng không biết nhàm chán, giống như lửa được thêm củi, như Vua Chúa tham đất đai, như chủ buôn tham tài lợi, như cầu tuệ giải mà tham nghe pháp, như các vị Bồ Tát thích độ chúng sinh. Với những việc ấy, những người này làm tròn không biết nhàm chán.

Người tham dục cũng vậy, không biết nhàm chán, cứ tìm cầu cảnh dục trong buồn khổ gian nan. Khi được rồi thì ôm chặt, làm cho khổ tăng gấp trăm lần, sau khi chết đọa vào địa ngục chịu khổ kịch liệt. Người cầu thiền định không bao giờ tưởng nhớ đến oan gia sắc dục, huống gì gần gũi nó. Đó gọi là bị tham dục che phủ.

Người bị sân hận che lấp giống như người say rượu, lúc uống vào thì sắc mặt biến đổi. Sân giận cũng vậy, làm cho nhan sắc biến đổi, thân tâm run rẩy. Hoặc đi hủy báng, não hại người khác. Hoặc lửa sân thiêu đốt tâm thì làm sao tu tập thiền định. Giặc chém công đức chẳng qua là sân hận nên ai muốn tu tập thiền định phải nên tránh xa nó.

Người bị trạo hối che lấp giống như người điên, thân tâm tán loạn, hoặc nhờ vào bà con làng xóm sống qua ngày, vọng khởi tìm cầu những việc khổ vui, nhớ lại những việc thiện ác đã làm, xao động như vậy không thể nào yên tịnh, nó che lấp hành xả, làm chướng ngại chánh định. Như vậy gọi là bị trạo hối che phủ.

Người bị hôn trầm che chướng thì dã dượi, mỏi mệt, nhăn mặt nhíu mày, hôn ám, không làm gì được. Nó che lấp sự khinh an, làm chướng ngại quán tuệ. Người tu thiền định nên trừ bỏ nó. Đó gọi là bị hôn trầm che phủ.

Người bị nghi ngờ che lấp thì thường hoài nghi, mê mờ, đối với sự, lý không xác định được, làm chướng ngại bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, nhân quả ba đời, làm cho tánh tướng của Tam Bảo không được hiển hiện, như vậy làm sao có thiền định vi diệu. Đó gọi là bị nghi ngờ che phủ.

Do năm sự che lấp này mà học hành khó thành tựu, giới, định, tuệ không thể hiển bày. Biết như vậy nên tư duy thật kỹ.

Người tu tập thiền định nên tránh xa nó, phải tinh tấn tu tập mới có thể diệt trừ khổ dục, đạt được thiền định thâm sâu mà không chấp trước, nhờ thiền định này mà chứng năm trí chứng thông, đó là: thiên nhãn trí chứng thông, thiên nhĩ trí chứng thông, tha tâm trí chứng thông, túc trú trí chứng thông, thần cảnh trí chứng thông.

Thế nào là thiên nhãn trí chứng thông?

Nghĩa là nhờ năng lực của thiên nhãn mà thấu triệt vô lượng, vô biên Thế Giới Chư Phật trong mười phương.

Thấy tất cả các loài chúng sinh như: Noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, loài có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, không có tưởng, chẳng phải không tưởng… như xem trái xoài trong lòng bàn tay. Các hữu tình đó đều bị các khổ trói buộc.

Quán vậy rồi Bồ Tát khởi tâm đại bi: Những hữu tình này rơi trong biển sinh tử, nơi hầm lớn phân dơ, nay ta vì sao buông bỏ họ, không chịu cứu?

Do đó càng thêm tinh tấn, thân tâm không mỏi mệt liền phát khởi Niệm Phật Tam Muội, nhờ dùng năng lực của định nên thấy tất cả Chư Phật trong mười phương đầy khắp hư không, ngồi tòa Kim Cang thành Đẳng Chánh Giác.

Hoặc thấy Chư Phật bắt đầu chuyển pháp luân hoặc thấy Chư Phật đến ở Thiên Cung, hoặc thấy Như Lai từ bảo tòa bước xuống, hoặc thấy Như Lai vào xóm khất thực, hoặc thấy Như Lai tùy căn cơ mà nói pháp, hoặc ứng thân nói pháp cho quốc vương, Đại Thần, Trưởng Giả, Bà La Môn.

Hoặc ứng thân nói pháp cho Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ. Hoặc ứng thân nói pháp cho Trời, Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, Càn Thát Bà, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân.

Hoặc ứng thân nói pháp cho Ngạ Quỷ, Tỳ Xá Xà, Cưu Bàn Trà, Bổ Đát Na Ca Sất, Bổ Đát Na, Vua Diêm Ma La, ngạ quỷ, bàng sinh… tất cả đều tùy theo âm thanh của mỗi loài, nên mỗi loài, mỗi cõi đều nói: Như Lai vì mình mà thuyết pháp, làm cho tất cả đều được hiểu rõ và vui mừng khôn xiết.

Hoặc thấy Chư Phật nói sáu Độ cho hàng Bồ Tát, hoặc nói mười hai nhân duyên cho hàng Duyên Giác, nói pháp bốn Đế cho Thanh Văn, hoặc khuyên hữu tình sống trong mười điều thiện.

Hoặc thấy Chư Phật hiện thân Phạm vương để nói pháp, hoặc hiện thân Đế Thích để nói pháp, hoặc hiện thân Hộ Thế Tứ Thiên Vương để nói pháp, hoặc hiện thân Đại Tự Tại Thiên, Na La Diên Thiên, Nhật Thiên Tử, Nguyệt Thiên Tử, Rồng, Dạ Xoa, Chư Tiên, Bà La Môn… để nói pháp.

Hoặc hiện thân Chuyển Luân Vương, thân Quốc Vương, Tể Tướng, Nam Nữ, Hòa Thượng, A Xà Lê và Chư Phật cùng đệ tử để nói pháp. Hoặc hiện thân trong loài địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh để nói pháp. Tất cả nghe xong liền xa lìa các khổ nạn và đói khát, không tàn hại lẫn nhau mà đem lòng từ bi đến cho nhau.

Hoặc thấy Phật thị hiện nhập Bát Niết Bàn trong rừng Sa la để nói pháp, hoặc thấy sau khi Phật Niết Bàn phân chia Xá Lợi, xây dựng Chùa Tháp mà hiện ra để nói pháp, khiến chúng sinh đến cúng dường được giải thoát. Chư Phật hiện đủ tướng như vậy đều là cứu chúng sinh vượt ra khỏi sinh, già, bệnh, chết.

Các tướng như vậy đầy khắp cõi hư không và vô vàn sự kỳ diệu khác đều là do thần thông tự tại của Chư Phật biến hóa, thật là những việc hy hữu. Bồ Tát tuy thấy đủ thần thông biến hóa ấy nhưng chỉ được gọi là thiên nhãn do thiền định, chứ không được gọi là Ba la mật đa.

Thiên nhãn mà Đại Bồ Tát chứng đắc, vượt hơn thiên nhãn của tất cả Trời, Rồng, Bát Bộ, Hữu Học, Vô Học, Thanh Văn và Độc Giác đã chứng đắc. Thiên nhãn của Đại Bồ Tát là tối thượng, tối thắng, tối tôn, tối diệu, rốt ráo minh tịnh, có năng lực lớn.

Nhờ thiên nhãn này mà Đại Bồ Tát thấy vô lượng, vô biên Chư Phật, Bồ Tát ở quá khứ đi, đứng, nằm, ngồi, vô vàn oai nghi, vô lượng hạnh môn, thiền định giải thoát, Thập địa diệu trí, môn Đà La Ni, vô ngại biện tài, những phương tiện khéo léo đều được viên mãn.

Thiên Nhãn thanh tịnh của Đại Bồ Tát thấy các màu sắc, hình tượng không bị chướng ngại, không đắm, không nhiễm, không nắm bắt tướng của tất cả màu sắc hình tượng, xa lìa tất cả kiến chấp tùy miên. Nhãn căn đó bản tánh vốn thanh tịnh, không nương tựa vào những cảnh giới.

Nhãn căn này không do tất cả tập khí tùy miên phiền não sinh ra, cũng không đắm nhiễm, không mê, không loạn, không bị mê mờ, lại không có sự phân biệt, không bị vướng mắc vào phiền não chướng và sở tri chướng, đối với tất cả các pháp được tự tại.

Nhãn căn này có thể thông suốt tất cả pháp bình đẳng, trú vào chân giải thoát. Thiên nhãn này còn biết rõ tất cả căn tánh sai biệt, không thể có tướng hoại diệt, trong một sát na có thể thấy được tất cả loài hữu tình. Thể tánh của thiên nhãn này trong sáng thanh tịnh, có thể lìa bỏ tất cả pháp cấu uế hỗn loạn, có thể biết rõ tánh từ bi, không từ bỏ hữu tình, cũng không vướng mắc, không tham lam, không tổn hoại.

Thiên nhãn này là cảnh giới thắng nghĩa do chân đế sinh ra mà trí tuệ là người dẫn đường đi đầu, trụ vào đại bi để thấu hiểu, thông đạt các pháp và những nghĩa lý sâu xa, lìa các hý luận. Nói như thật những điều đã thấy, nghe.

Tránh xa tất cả các pháp bất thiện, tâm hướng đến vô thượng bồ đề không bị chướng ngại, thấy người xan tham khuyên họ bố thí, thấy người hủy phạm giới cấm thì nên thương xót, thấy người sân giận bảo họ nhẫn nhục, thấy người biếng nhác khuyên họ tinh tấn.

Thấy người tâm tán loạn khuyên họ tu tập thiền định, thấy người ngu si bảo họ học trí tuệ, người đi theo đường phi pháp chỉ họ trở về con đường chánh pháp, người có tâm tiểu thừa nên đem đại thừa dạy họ, để cho tất cả hữu tình nhập nhất thiết trí, đạt được thần thông, viên mãn bồ đề, thành tựu trí nhất thiết trí.

Từ Thị nên biết! Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành thiền định Ba la mật đa, đạt được thiên nhãn trí thông thanh tịnh.

Này Từ Thị! Sao gọi là Đại Bồ Tát tu hành thiền định Ba la mật đạt được thiên nhĩ trí thông?

Nghĩa là năng lực thiên nhĩ của Đại Bồ Tát chứng đắc thù thắng hơn thiên nhĩ của Trời, Rồng, Bát Bộ, Thanh Văn, Độc Giác. thiên nhĩ mà Đại Bồ Tát chứng đắc là tối thượng, tối tôn, tối thắng, tối diệu lắng trong cực độ, có năng lực vô cùng lớn mạnh.

Vì sao?

Vì do công đức này mà hồi hướng lên vô thượng bồ đề.

Đại Bồ Tát dùng thiên nhĩ này có thể nghe tất cả âm thanh của Chư Phật Như Lai, Độc Giác, Thanh Văn, Trời, Rồng, Bát Bộ, Nhân phi nhân, cho đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hữu tình, phi tình… có bao nhiêu loại tâm thì thiên nhĩ cũng đều nghe tất cả và nghe âm thanh phát ra của ba nghiệp sai biệt.

Bồ Tát như vậy đều biết như thật tất cả. Hễ chúng sinh phát ngôn là đã tạo nhân thiện ác, phát lời tham đắm với tiếng mê hoặc thì thiên nhĩ của Bồ Tát cũng biết như thật. Hoặc nói lý lẽ tuy chân chánh mà lời nói thô kệch, hoặc nói lý lẽ tuy bất chánh nhưng lời nói hòa nhã, hoặc cả hai lời nói và lý lẽ đều tốt đẹp, hoặc thô kệch, với thiên nhĩ này đều biết như thật.

Thiên nhĩ này có thể nghe tất cả tiếng của phàm, Thánh. Ở phàm phu thì không chán, ở Thánh Hiền thì không hân hoan. Đối với cảnh giới của Hiền Thánh thì tâm yêu thích, còn với cảnh giới phàm phu thì sinh lòng đại bi. Như vậy tất cả âm thanh chặng trước, giữa và sau, thiên nhĩ này đều biết như thật, không sinh chấp trước.

Thiên nhĩ này nghe tiếng khắp tất cả vô lượng, vô biên Thế Giới trong mười phương. Tất cả âm thanh của Chư Phật nói pháp đều biết như thật, tâm không tán loạn, cũng không quên mất, tùy theo căn cơ chúng sinh mà nói pháp, hiểu rõ pháp tánh không, bền chắc, chẳng phải không bền chắc, chẳng hư chẳng thực.

Nghe một lời nói chánh pháp của Như Lai là nghe tất cả pháp môn của vô số Chư Phật, tức là trong một lúc đều nghe không lẫn lộn, không loạn động, không chướng ngại nhau, có thể lãnh thọ từng câu văn, từng chương cú, biết như thật về nghĩa lý tánh tướng.

Lại nghe tiếng của Như Lai, tùy theo âm tiếng của mỗi loài chúng sinh nói pháp để họ thấu rõ tướng chân thật mà được giải thoát, và đem công đức này hồi hướng về thiên nhĩ thanh tịnh của Như Lai. Nguyện đời vị lai không nghe tên của Nhị Thừa là Thanh Văn và Độc Giác.

Từ Thị nên biết! Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành thiền định mà đạt được thiên nhĩ trí thông thanh tịnh.

Này Từ Thị! Sao gọi là Đại Bồ Tát có tha tâm trí thông?

Nghĩa là Bồ Tát biết tâm của tất cả hữu tình ở quá khứ, hiện tại và vị lai là ác, là thiện hay vô ký.

Lại biết những nghiệp nhân quả sai biệt của tất cả hữu tình ở quá khứ, biết tất cả chúng sinh có tâm lớn, tâm nhỏ, tâm không lớn không nhỏ, tâm có tham dục hay không tham dục, tâm dơ cấu hay tâm thanh tịnh, tâm ngu si hay tâm trí tuệ, tâm rộng hay tâm hẹp, tâm định hay tâm loạn, tâm trói buộc hay tâm giải thoát, tâm thắng hay tâm bại, tâm cao thượng hay tâm thấp hèn…

Lại biết hữu tình có tâm tương ưng với bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, từ, bi, hỷ, xả, có tướng, không tướng và biết tất cả tâm hữu tình tương ưng với Thanh Văn, Độc Giác, Đại Thừa Bồ Tát.

Các hữu tình này có đủ căn lành như vậy, hoặc có hữu tình sinh trong quý tộc mà làm việc thấp hèn, hoặc sinh trong dòng thấp hèn mà tánh thanh tịnh, hoặc tâm tánh bất thiện mà làm việc thanh tịnh, hoặc cả hai thanh tịnh, hoặc cả hai bất thiện.

Tất cả tâm hành sai khác của hữu tình quá khứ, Bồ Tát đều biết như thật, tùy theo sự thích ứng của họ mà nói pháp. Đây gọi là Tha tâm trí thông, biết rõ tất cả hữu tình ở đời quá khứ.

Lại biết rõ hữu tình vị lai, do hiện tại bố thí nên sinh ra nhân tịnh giới cho đời vị lai. Lại biết hữu tình hiện tại trì giới nên sinh ra nhân nhẫn nhục ở đời vị lai. Lại biết hiện tại nhẫn nhục nên sinh nhân tinh tấn đời vị lai. Biết hữu tình hiện tại tinh tấn nên sinh nhân thiền định đời vị lai. Biết hữu tình hiện tại tu tập tướng thiện nên sinh nhân tuệ vô tướng ở đời vị lai.

Biết hữu tình hiện tại tu tập điều thiện nhỏ nên sinh nhân đại thừa đời vị lai. Các tướng trạng nhân duyên của các tâm như vậy, Đại Bồ Tát đều biết như thật, tùy duyên cứu vớt mà tâm không mỏi mệt, đưa các hữu tình vào sâu tuệ Phật không tăng không giảm, nói pháp như vậy không dừng nghỉ. Đối với pháp không bao giờ có tâm keo kiệt. Đây gọi là tha tâm trí thông của Bồ Tát có biết rõ đời vị lai.

Lại biết hữu tình đời hiện tại có tâm tham dục hay không tham dục, tâm có tội lỗi hay không tội lỗi, tâm ngu si hay tâm trí tuệ, tâm rộng hay tâm hẹp, tâm định hay tâm loạn, tâm động hay không động, tâm bị trói buộc hay giải thoát, tâm dơ uế hay không dơ uế, tâm quảng đại hay tâm vô lượng, tâm cao thượng hay hạ liệt… Bồ Tát đều biết như thật. Những hữu tình bị vô lượng phiền não trói buộc, Bồ Tát đều biết như thật.

Biết vậy rồi, tùy theo căn cơ thích ứng sai khác mà Bồ Tát nói pháp.

Tâm liễu ngộ hay vô tâm, không vướng mắc mình và người, Bồ Tát dùng phương tiện khéo léo, trí tuệ thiền định, biết được rõ ràng căn tánh của chúng sinh lanh lợi hay đần độn để dứt trừ hẳn nguồn gốc phiền não sinh tử, hiểu rõ bản tánh vốn không, tròn đầy không thiếu khuyết, không nhiễm, không vướng, cũng không có lỗi lầm, không cặn đục, không nhơ nhớp, cũng không thô kệch. Biết rõ các pháp như huyễn hóa, biết tâm hành sai biệt của hữu tình.

Từ Thị nên biết! Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành thiền định mà được tha tâm trí thông thanh tịnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần