Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Mười - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Tập Một
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẨM MƯỜI
PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
TẬP MỘT
Lúc ấy Đức Phật Thế Tôn đang ngồi nơi tòa Sư Tử được trang nghiêm bằng nhiều loại ma ni quý báu, hiện đủ loại tướng và chung quanh Ngài toàn là chúng Đại Bồ Tát.
Đại Bồ Tát Từ Thị rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, quỳ gối chắp tay cung kính thưa: Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Thế Tôn đã làm lợi ích an lạc cho các Bồ Tát nên nói thiền định Ba la mật đa. Bây giờ con cúi xin Ngài vì các Bồ Tát mà nói bát nhã Ba la mật đa.
Bát nhã Ba la mật đa này có bao nhiêu loại?
Tu như thế nào để đạt được?
Cúi xin Ngài hãy phân biệt giải nói.
Đức Thế Tôn dạy: Này thiện nam! Ông hãy nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ, ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói. Bồ Tát tu hành bố thí Ba la mật đa cho đến thiền định Ba la mật đa đều từ nơi trí tuệ Ba la mật đa. Vì nó là căn bản, là mẹ sinh ra các Ba la mật.
Ví như năm căn: Mắt… nắm lấy năm trần, phát sinh ra thức, tất cả đều có chỗ dụng của nó. Như vậy, mỗi mỗi đều do tâm thức làm căn bản. Nếu lìa tâm ấy thì không thể làm được gì cả.
Đại Bồ Tát tu năm pháp Ba la mật đa trước luôn lấy bát nhã Ba la mật đa làm mẹ, nếu xa lìa bát nhã Ba la mật đa thì không đạt được gì cả. Cũng như thân hữu tình có mạng căn mới hoạt động được, nếu mạng căn chết thì không làm gì được nữa. Tu hành các độ cũng vậy, nếu không có trí tuệ thì cũng giống như vậy.
Ví như trong đất nước không có vị quan trí tuệ thì thiên hạ đảo lộn, nhân dân không an lạc. Cũng vậy, trong cõi Vua của pháp, nếu không có Vua trí tuệ thì tu hành bố thí cho đến thiền định Ba la mậtđa đều không thành tựu, không bao giờ đạt được Niết Bàn giải thoát.
Cũng như chủ buôn vào biển nhặt châu báu, cốt yếu là tìm được người chèo thuyền mới đến chỗ châu báu mà tùy ý lấy. Bồ Tát cũng vậy, trong biển sinh tử lấy năm pháp Ba la mật đa làm thuyền chở châu báu công đức, chủ yếu là nhờ thuyền trưởng vô thượng bát nhã Ba la mật đa mới đến được bờ bên kia.
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:
Trí tuệ là cội gốc
Sinh trưởng mầm pháp lành
Quả Phật đại bồ đề
Do trí tuệ phát sinh.
Như người gặp khổ nạn
Người trí luôn cứu giúp
Người tu tạo điều ác
Như đá ném biển sâu.
Không có chân trí tuệ
Đa văn vọng phân biệt
Người này không hiểu nghĩa
Như chén sao biết mùi!
Gọi là bậc Trưởng Lão
Không phải do tuổi già
Tuy nhỏ, có trí tuệ
Đó chính là Trưởng Lão.
Ở đời, người có đức
Chân chánh không tà vạy,
Không phân biệt tà chánh,
Sao biết lý đúng, sai?
Chánh trí nghe pháp mầu
Trí tương ưng với lý
Tùy thuận nơi đại thừa
Đó là người chánh trí.
Không vướng mắc được, mất
Buồn vui không lay động,
An trú như Tu Di
Đó là người chánh trí.
Được cung kính không mừng
Bị khinh chê không giận,
Trí tuệ như biển lớn
Đó là người chánh trí.
Không nói lỗi người khác
Không khen đức của mình,
Trí chiếu không mình, người
Được mọi người khen ngợi,
Dũng mãnh luôn tinh tấn
Tránh xa tất cả tướng
Diệt trừ tâm ngã mạn
Đó là người chánh trí.
Luôn quán sát chân chánh
Không thấy lỗi người khác,
Tin sâu quả thiện, ác
Đó là người chánh trí.
Người trí ở trong chúng
Không nói công đức mình
Nếu được người khen ngợi
Xấu hổ không nhận lấy.
Thành tựu các công đức
Khiêm tốn không thấy có
Như cây trái chín nhiều
Cành lá tự rũ xuống.
Phước trí sinh giàu sang
Tuy giàu không kiêu mạn
Người ngu tự kiêu căng
Người trí nên quán sát
Trí tuệ là bạn lành
Tránh xa bạn xấu ác
Đoạn diệt các phiền não
Tự nhiên được giải thoát.
Ai gần gũi người ác
Cũng nên phải tránh xa
Tôn kính bậc hiền thiện
Đó là người chánh trí.
Bồ Tát nhiều trí bi
Bị hại, vẫn thương xót
Như chiên đàn bị chặt
Mùi hương tỏa thơm ngát.
Không nhớ lỗi người khác
Luôn nghĩ những việc lành,
Trí tuệ không phân biệt
Là đệ nhất loài người.
Người trí luôn tịch tĩnh
Bị chê không phiền muộn,
Các ác không thể đốt
Như hơi ấm biển lớn.
đại bi không phân biệt
Gặp ác luôn thương xót
Như mặt trời tỏa sáng
Không bỏ Chiên Trà Xá.
Người trí tuy lỗi nhỏ
Vì lợi ích ở chung
Như vào rừng Chiêm Bặc
Tự nhiên được xông ướp.
Chánh trí không phân biệt
Như mặt trời chiếu khắp
Cũng như trăng trong sáng
Xua tan các mây che.
Người trí nhiều từ bi
Thường cứu kẻ khổ nghèo.
Thấy người xin không khinh
Nên sinh lòng hoan hỷ
Như cây mới sinh trưởng
Đêm ngày không dừng nghỉ
Người trí thích tu hành
Tăng trưởng cũng như vậy.
Người trí gặp kẻ thù
Giữ từ bi không bỏ
Như bẻ gãy cọng sen
Tơ sen vẫn không đứt.
Sinh tử như cây độc
Giác ngộ quả pháp thân
Sinh tử là Niết Bàn
Bản tánh đều bình đẳng.
Tịnh tuệ hạnh Hiền Thánh
đại bi ích vạn loài
Không chọn thù hay thân
Không bao giờ phân biệt
Tuổi già nhiều trí tuệ
Tịnh giới đều tròn đầy
Gần gũi người như vậy
Hạnh an lạc mau thành.
Người trí tuệ không cấu
Ba nghiệp luôn thanh tịnh
Nên gần gũi người ấy
Tôn kính hơn cha me.
Đừng gần gũi người ngu
Vì hoại tâm người lành
Như lửa đốt cây khô
Phải nên lánh người ấy.
Dung dưỡng người xấu ác
Muốn lợi nhưng bị hại
Như cho thú dữ ăn
Không ai không bị hại.
Cúng dường người trí tuệ
Tuy ít, được phước nhiều
Như người uống cam lồ
Luôn được vui an ổn.
Đức Phật dạy Đại Bồ Tát Từ Thị: Bát nhã Ba la mật đa này đều nhờ bạn lành khai mở chánh pháp. Kẻ tà kiến là kẻ thù của trí tuệ. Các ông nên gần gũi bạn lành, lánh xa bạn xấu ác. Bát nhã Ba la mật đa này chẳng phải chỉ phát sinh ra tất cả pháp lành mà Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều từ đây sinh ra. Nên biết, Kinh này là mẹ của tất cả Chư Phật.
Này Từ Thị! Đại Bồ Tát khi hành bố thí có hai loại trí, đó là trí nhỏ và trí lớn. Người trí nhỏ bố thí thì cầu sinh làm Trời, Người và quả giải thoát Nhị Thừa. bố thí như vậy chỉ được gọi là bố thí, không được gọi là bố thí Ba la mật đa.
Người trí lớn, bố thí với tâm không sở đắc, vì không sở đắc nên thành Phật Bồ Đề. Bố thí như vậy gọi là bố thí Ba la mật đa. Vì thế nên biết, bố thí Ba la mật đa là từ trí tuệ sinh ra.
Trì Giới Ba la mật đa cũng có hai loại: Trí nhỏ và trí lớn. Người trí nhỏ trì giới vì sợ ba đường ác nên cầu sinh vào Trời, Người và quả giải thoát nhị thừa. trì giới như vậy tâm không thanh tịnh, không được gọi là trì giới Ba la mật đa.
Người trí lớn trì giới vì làm lợi ích an lạc khắp các hữu tình, không trụ vào tướng mà vô sở đắc, hướng đến bồ đề. Trì giới như vậy gọi là trì giới Ba la mật đa. Cho nên phải biết trì giới Ba la mật đa là từ trí tuệ sinh ra.
Nhẫn Nhục Ba la mật đa cũng từ bát nhã Ba la mật đa sinh ra. Tất cả bản trí của hữu tình như mặt trời bị vô minh che lấp, làm cho ánh sáng nhẫn nhục không hiện ra được. Người tu nhẫn nhục, đoạn trừ vô minh, Thánh trí hiện tiền, mặt trời Phật do đây mà chiếu sáng.
Ví như trong một đất nước không có quan trí tuệ nên việc cai trị không công bằng, làm cho nhân dân ly tán, nếu có người trí tuệ, họ cũng sẽ trốn lánh. Người không có trí tuệ mà nhẫn nhục cũng như vậy. trí tuệ này như người mắt sáng, thấy rắn độc liền tránh xa.
Cũng vậy, người có mắt trí tuệ tránh xa rắn độc sân giận. Người không có mắt trí tuệ vì trong vô lượng kiếp quá khứ tu hành các điều thiện nhưng không có sức nhẫn nhục và mắt trí tuệ nên trong một niệm lửa sân thiêu đốt, tiêu diệt tất cả, không còn chút gì.
Như quăng lửa vào đống cỏ khô thì cỏ khô bị thiêu đốt trụi. Người trí tuệ có sức nhẫn nhục, giả sử gặp người ác đến đánh đập mắng nhiếc, Bồ Tát nên dùng chánh trí nhẫn nhục thì có thể điều phục được họ. Ví như voi lớn đã được điều phục rồi thì ra trận xông xáo, có thể phá tan quân địch.
Đại Bồ Tát cũng vậy, trụ trong nhẫn vô tướng không sân giận, dùng vô duyên đại bi mà rộng độ tất cả. Cho nên phải biết rằng, nhẫn nhục Ba la mật đa là từ bát nhã Ba la mật đa sinh ra. Tinh tấn Ba la mật đa cũng từ bát nhã Ba la mật đa sinh ra.
Vì sao?
Vì nếu không có bát nhã Ba la mật đa thì làm việc gì cũng đều không thành tựu. Vô biên pháp môn, quả Đại Bồ Đề đều an trụ vào đại trí tuệ phương tiện tối thắng, quán sát khắp cả, chủ yếu là có sức tinh tấn mới có thể viên mãn sáu pháp Ba la mật đa.
Cho nên phải biết rằng, tinh tấn Ba la mật đa đều từ bát nhã Ba la mật đa sinh ra. Thiền định Ba la mật đa cũng từ bát nhã Ba la mật đa sinh ra.
Vì sao?
Vì ý nghiệp rất tinh vi, khó mà lường được. Thân, khẩu nghiệp dễ diệt trừ nhưng vọng tâm khởi lên khó chế ngự được. Ví như gió thổi lửa dữ, ta vẫn có thể ngăn cản được, sóng biển ta cũng có thể làm dừng lại được, nhưng vọng tâm rất kho điều phục.
Vì sao?
Vì bị vô minh từ vô thỉ làm mê mờ tâm tánh. Giống như người nhiều tư tưởng thế gian, khi vọng tưởng khởi lên thì mong cầu lăng xăng, cứ theo ý nghĩ mà phát sinh mãi. Người vọng tưởng như vậy, nếu có nhập vào định thì tâm vẫn còn chấp thủ.
Vì không có trí tuệ nên trải qua trăm ngàn kiếp không bao giờ đạt được tam muội. Cũng như người ngu vọng chấp các kiến, chấp ngã là thường còn, hoặc chấp ngã là đoạn.
Những kiến chấp ấy không thanh tịnh thì làm sao tam muội hiện tiền?
Người có trí tuệ quán sát hai điều: Một là tự quán sát thấy thân mình có nhiều tật bệnh, khổ vui là đều do đời trước vọng tưởng điên đảo tạo ra các nghiệp, nay phải chịu quả báo. Nếu không si ái thì làm gì có bệnh.
Thân mình vốn nó là không, nhờ nhân duyên huyễn hóa mà có, nếu không tạo tác thì ai chịu khổ?
Hai là quán sát lại, tuy không có tướng ngã nhưng nghiệp phước đã tạo đều không mất.
Nên nguyện vô lượng phước đức của tất cả hữu tình ở pháp giới đều thanh tịnh, tất cả đều thành tựu sáu pháp Ba la mật đa, trang nghiêm thân bằng giới, định, tuệ, cho nên biết tất cả các hạnh đều lấy bát nhã Ba la mật đa làm mẹ. Giống như đại địa đều nương vào hư không mà đứng vững, nhưng hư không đó không có chỗ nương dựa. Bát nhã Ba la mật đa cũng vậy, cho nên biết trí tuệ là mẹ của thiền định Ba la mật đa.
Chẳng phải chỉ có năm pháp Ba la mật đa từ trí tuệ sinh ra, mà tất cả phước đức, tiếng khen ở thế gian, quả báo ở Cõi Trời, Người, cho đến căn lành vô lậu của xuất thế đều nhờ trí tuệ sinh ra. Giống như đại địa nương vào hư không mà được đứng vững.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Gò Mối
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Sáu - Không Phóng Dật - Tập Ba
THẦN THÔNG KHÔNG CHỐNG ĐƯỢC NGHIỆP LỰC
Phật Thuyết Kinh Bảo Lăng Già A Bạt đa La - Phẩm Hai - Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Chín - Phẩm Quán Hạnh - Phần Năm