Phật Thuyết Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẬT THUYẾT
KINH KHAI GIÁC TỰ TÁNH
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Duy Tịnh, Đời Triệu Tống
PHẦN BA
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát cần phải biết rõ năm pháp kiến. Nếu biết rồi thì nên lìa bỏ.
Năm pháp kiến ấy là gì?
1. Kiến về tự tánh điên đảo.
2. Kiến về hữu.
3. Kiến về vu báng.
4. Kiến.
5. Đại kiến.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát cần phải biết rõ năm pháp kiến.
Nếu biết rồi thì nên lìa bỏ.
Năm pháp kiến ấy là gì?
1. Kiến về tự tánh điên đảo.
2. Kiến về hữu.
3. Kiến về vu báng.
4. Kiến.
5. Đại kiến.
Này Tu Bồ Đề! Trong sắc pháp, nếu Đại Bồ Tát có thể lìa bỏ năm pháp kiến này thì tự tánh của các sắc không có sở đắc.
Nếu khi tự tánh của sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc cũng không có sở đắc.
Nếu khi sắc trong sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc có sở đắc.
Nếu sắc trong sắc có sở đắc thì sắc trong sắc ấy không có sở đắc.
Vì vậy, trong các sắc nếu có sở đắc hay không có sở đắc thì các loại sắc đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô Thượng Bồ Đề.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Trong thức pháp, nếu Đại Bồ Tát có thể lìa bỏ năm loại pháp kiến ấy thì tự tánh của các thức không có sở đắc.
Nếu khi tự tánh của thức không có sở đắc thì thức trong thức cũng không có sở đắc.
Nếu khi thức trong thức không có sở đắc thì thức trong thức có sở đắc.
Nếu thức trong thức có sở đắc thì thức trong thức ấy không có sở đắc.
Vì vậy, ở trong các thức nếu có sở đắc hay không có sở đắc thì các loại thức đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô Thượng Bồ Đề.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát cần phải biết rõ năm loại pháp nghi.
Nếu biết rồi thì nên lìa bỏ.
Năm pháp nghi là gì?
1. Nghi về pháp.
2. Nghi các cõi khổ.
3. Nghi về sự tịch tịnh của pháp Phật và Bồ Tát.
4. Nghi.
5. Đại nghi.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy, ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát cần phải biết rõ năm pháp nghi. Nếu biết rồi nên lìa bỏ.
Năm pháp nghi ấy là gì?
1. Nghi về pháp.
2. Nghi các cõi khổ.
3. Nghi về sự tịch tịnh của Pháp Phật và Bồ Tát.
4. Nghi.
5. Đại nghi.
Này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, nếu Đại Bồ Tát lìa bỏ năm pháp nghi này thì tự tánh của các sắc không có sở đắc.
Nếu khi tự tánh của sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc không có sở đắc.
Nếu khi sắc trong sắc không có sở đắc thì sắc trong sắc có sở đắc.
Nếu sắc trong sắc có sở đắc thì sắc trong sắc ấy không có sở đắc.
Vì vậy, ở trong các sắc có sở đắc hay không có sở đắc thì các loại sắc đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô Thượng Bồ Đề.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, ở trong thức pháp, nếu Đại Bồ Tát có thể lìa bỏ năm pháp nghi thì tự tánh của các thức không có sở đắc.
Nếu khi tự tánh của thức không có sở đắc thì thức trong thức không có sở đắc.
Nếu khi thức trong thức không có sở đắc thì thức trong thức có sở đắc.
Nếu thức trong thức có sở đắc thì thức trong thức ấy không có sở đắc.
Vì vậy, ở trong các thức có sở đắc hay không có sở đắc thì các loại thức đều được siêu việt, liền được giải thoát, thành tựu quả Vô Thượng Bồ Đề.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, nếu Đại Bồ Tát có sự mong cầu, hoặc trong sắc mà có pháp để nói, hoặc trong sắc thân ngữ ý nghiệp thanh tịnh, chính ở trong sắc ấy đã nói đúng, đã khen ngợi đúng. Do mong cầu như vậy, nói pháp như vậy, thân khẩu ý nghiệp thanh tịnh như vậy mà Đại Bồ Tát ấy ở trong sắc đã cầu ngược lại với cái khổ.
Nên biết, Đại Bồ Tát ấy không nói pháp chân chánh, không thể làm thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp.
Này Tu Bồ Đề! Mặc dù Đại Bồ Tát mong cầu sắc, trong sắc nói pháp, trong sắc làm thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp, nhưng ở trong sắc không nói năng đúng, không được khen ngợi đúng. Vì không mong cầu như vậy, không nói pháp như vậy, không thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp như vậy.
Đại Bồ Tát nào ở trong sắc mà mong cầu như vậy thì nên biết rằng Đại Bồ Tát ấy nói pháp chân chánh, ở trong sắc có thể làm thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong thức pháp, nếu Đại Bồ Tát có sự mong cầu, hoặc ở trong thức có nói pháp, hoặc ở trong thức làm thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp. Chính ở nơi thức ấy đã nói năng đúng, khen ngợi đúng. Do mong cầu như vậy, nói pháp như vậy, thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp như vậy mà Đại Bồ Tát ấy ở trong thức ấy đã cầu ngược lại với khổ.
Nên biết, Đại Bồ Tát ấy không nói pháp chân chánh, không thể làm thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp.
Này Tu Bồ Đề! Mặc dù Đại Bồ Tát cầu thức, ở trong thức mà nói pháp, ở trong thức mà thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp, nhưng ở trong thức không có sự nói năng đúng, không khen ngợi đúng. Do không cầu như vậy, không nói pháp như vậy, không thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp.
Nếu Đại Bồ Tát ở trong thức mà cầu như vậy thì nên biết, Đại Bồ Tát ấy nói pháp chân chánh, ở trong thức làm thanh tịnh thân khẩu ý nghiệp.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Nếu Đại Bồ Tát tâm muốn trụ trong cảnh giới bình đẳng, đối với sắc pháp ấy, khi có lòng tin hiểu thì cả hai trong hai trường hợp có sở đắc, nghĩa là sự tin hiểu về sắc và có khả năng tin hiểu về sắc.
Chính ở trong sắc, Đại Bồ Tát ấy theo sự tin hiểu mà nói khả năng tin hiểu, theo khả năng tin hiểu mà nói sự tin hiểu, nên biết rằng đối với trong các sắc, Đại Bồ Tát ấy không nói pháp một cách chân chánh.
Vì sao?
Này Tu Bồ Đề! Vì sự tin hiểu về sắc và khả năng tin hiểu về sắc không có tướng khác.
Này Tu Bồ Đề! Nếu với trong sắc, về khả năng và sự tin hiểu có tướng khác thì các sự tin hiểu của tất cả chúng sanh ở trong pháp bình đẳng có tướng sai khác, có thể thấy, có thể đắc, tức là chẳng phải mộng, không có sở duyên mà lại tin hiểu có thể đắc. Do hàng chúng sanh phàm phu ở trong các sắc sanh thật kiến, không tương ưng đúng lý, với sự tin hiểu vô phân biệt.
Này Tu Bồ Đề! Nếu ở trong sắc không có sự tin hiểu để chuyển thì tất cả sự tin hiểu của chúng sanh đều bình đẳng. Ở trong sự tin hiểu không có tướng sai biệt để thấy để đắc, nó như mộng… không có sở duyên mà lại tin hiểu có sở đắc.
Do phàm phu chúng sanh ấy ở trong các sắc không có thật kiến, tức là tương ưng đúng lý với sự tin hiểu vô phân biệt, cho nên biết rằng: Sự tin hiểu về sắc và khả năng tin hiểu về sắc không có tướng khác.
Đại Bồ Tát nên thấy như vậy. Ai thấy như vậy thì không có tướng khác để thấy, liền ở trong sắc theo khả năng tin hiểu mà sanh ra, tức là sự tin hiểu. Những gì nói trong đây là làm cho nghĩa được sáng tỏ. Đại Bồ Tát nào quán sát như vậy, nói ra điều gì đều là nói chân chánh.
Do như vậy nên biết: Trong sắc, hai pháp khả năng và sự tin hiểu đều hòa hợp. Nếu lìa khả năng thì không có sự, vì cả hai đều phải có. Trước đây, các Đại Bồ Tát đối với tưởng của khả năng tin hiểu về sắc đã quán như thật.
Lại nữa, với tưởng cả hai về sắc cũng như thật quán.
Quán như vậy rồi thì với tất cả sắc đều không có sở đắc.
Khi tất cả sắc không có sở đắc thì trong sắc động loạn có sở đắc.
Khi trong sắc động loạn có sở đắc thì tướng của sắc động loạn có sở đắc.
Khi tướng của sắc động loạn có sở đắc thì pháp của sắc động loạn có sự hợp tập.
Khi pháp của sắc đã tập hợp thì trong sắc ấy không động loạn, pháp bình đẳng nhưng có sự tập hợp.
Các Đại Bồ Tát nếu đối với sắc đã nói ở trên như vậy mà tất cả pháp động loạn và pháp không động loạn không tập hợp thì ở trong sắc không có pháp động loạn và không động loạn, lấy pháp bình đẳng để làm nơi nương tựa thì nên tu tập tất cả Phật pháp, làm thành thục các hữu tình, trang nghiêm cõi Phật, mau chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.
Ở trong các sắc, các Đại Bồ Tát nếu có thể hoàn toàn giác ngộ như vậy thì nói ra điều gì là nói đúng đắn.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu Đại Bồ Tát tâm muốn trụ trong cảnh giới bình đẳng, khi thức pháp ấy có lòng tin hiểu thì cả hai trong hai trường hợp có sở đắc, nghĩa là sự tin hiểu về thức và khả năng tin hiểu về thức.
Đại Bồ Tát ấy liền ở trong thức theo sự tin hiểu mà nói khả năng tin hiểu, theo khả năng tin hiểu mà nói sự tin hiểu, nên biết Đại Bồ Tát ở trong các thức không nói pháp một cách đúng đắn.
Vì sao?
Này Tu Bồ Đề! Vì sự tin hiểu về thức và khả năng tin hiểu về thức không có tướng khác.
Này Tu Bồ Đề! Nếu ở trong thức, về khả năng và sự tin hiểu có tướng khác thì tin hiểu của tất cả chúng sanh trong pháp bình đẳng có tướng sai khác có thể thấy, có thể đắc, chẳng phải mộng… không có sở duyên mà tin hiểu có sở đắc.
Do hàng phàm phu chúng sanh ấy ở trong các thức sanh có thật kiến, không tương ưng đúng lý với sự tin hiểu vô phân biệt.
Này Tu Bồ Đề! Ở trong thức, nếu không có sự tin hiểu để chuyển thì các tin hiểu của tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Ở trong sự tin hiểu không có tướng sai biệt để thấy để đắc thì như trong mộng, không có sở duyên mà tin hiểu có sở đắc. Do hàng phàm phu chúng sanh ở trong các thức không có thật kiến tương ưng đúng lý với sự tin hiểu vô phân biệt.
Cho nên biết rằng: Khả năng tin hiểu về thức và sự tin hiểu về thức tướng giống nhau. Các Đại Bồ Tát nên thấy như vậy. Ai thấy như vậy tức là không có tướng khác để thấy, chính ở trong thức theo khả năng tin hiểu mà sanh ra, tức là sự tin hiểu. Những gì đã nói trên đây là làm nghĩa sáng tỏ.
Nếu Đại Bồ Tát quán sát như vậy, các lời đã nói ra đó là nói đúng đắn. Vì vậy nên biết, khả năng và sự tin hiểu hai pháp hòa hợp, nếu lìa khả năng thì không có sự, vì cả hai đều phải có.
Các Đại Bồ Tát trước đây có tưởng về khả năng tin hiểu thức mà quán sát như thật, lại ở trong tưởng của hai thức cũng quán như thật.
Quán như vậy rồi thì tất cả thức đều không có sở đắc. Nếu khi tất cả thức không có sở đắc thì trong thức động loạn lại có sở đắc.
Nếu khi trong thức động loạn có sở đắc thì tướng động loạn của thức có sở đắc. Nếu khi tướng thức động loạn có sở đắc thì pháp của thức động được tập hợp. Vì pháp của thức động loạn được tập hợp nên trong thức ấy không có động loạn, pháp bình đẳng nhưng có tập hợp.
Các Đại Bồ Tát nếu đã nói trong thức trước đây đúng như vậy thì tất cả pháp động loạn và pháp không động loạn không có sự tập hợp, thì trong thức ấy không có pháp động loạn và không động loạn, lấy pháp bình đẳng để làm chỗ nương tựa, nên tu tập tất cả Phật Pháp, làm thành tựu các hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật, mau thành tựu quả Vô Thượng Bồ Đề.
Ở trong các thức, nếu các Đại Bồ Tát hoàn toàn giác ngộ như vậy thì những điều đã nói ra là nói đúng đắn.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ năm loại tướng để tu tập pháp từ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Từ: Giữ gìn chánh pháp.
2. Từ: Giữ gìn các sự an vui của thế gian.
3. Từ: Giữ gìn sự an vui thù thắng vi diệu của xuất thế gian.
4. Từ.
5. Đại từ.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng để tu hành pháp từ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Từ: Giữ gìn chánh pháp.
2. Từ: Giữ gìn những sự an vui của thế gian.
3. Từ: Giữ gìn những sự an vui thù thắng vi diệu của xuất thế gian.
4. Từ.
5. Đại từ.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng để tu hành pháp bi.
Năm pháp ấy là gì?
1. Bi: Không chấp trước.
2. Bi: Hòa hợp.
3. Bi: Không ly tán.
4. Bi.
5. Đại bi.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng để tu hành pháp bi.
Năm pháp ấy là gì?
1. Bi: Không chấp trước.
2. Bi: Hòa hợp.
3. Bi: Không ly tán.
4. Bi.
5. Đại bi.
Này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng để tu hành pháp Hỷ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Hỷ: Chánh pháp thanh tịnh, không hoại, tùy hỷ mà giữ gìn.
2. Hỷ: Các sự an vui của thế gian không hoại, tùy hỷ giữ gìn.
3. Hỷ: Sự an vui vi diệu của xuất thế gian không hoại, tùy hỷ giữ gìn.
4. Hỷ.
5. Đại hỷ.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành pháp Hỷ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Hỷ: Chánh pháp thanh tịnh không hoại mà tùy hỷ giữ gìn.
2. Hỷ: Các sự an vui của thế gian không hoại, tùy hỷ giữ gìn.
3. Hỷ: Các sự vui vi diệu của xuất thế gian không hoại, tùy hỷ giữ gìn.
4. Hỷ.
5. Đại hỷ.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành pháp xả.
Năm pháp ấy là gì?
1. Xả: Diệt trừ các hiểu biết không chân chánh và các tạp nhiễm.
2. Xả: Xa lìa tất cả lỗi lầm, vứt bỏ các tạp nhiễm.
3. Xả: Cất giữ tất cả các công đức, diệt trừ các tạp nhiễm.
4. Xả.
5. Đại xả.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy, ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành pháp xả.
Năm pháp ấy là gì?
1. Xả: Diệt trừ các hiểu biết không chân chánh.
2. Xả: Lìa tất cả lỗi lầm, vứt bỏ các tạp nhiễm.
3. Xả: Cất chứa tất cả các công đức, diệt trừ các tạp nhiễm.
4. Xả.
5. Đại xả.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành bố thí độ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Bố thí về thề nguyện.
2. Bố thí về tài của và sự không sợ sệt.
3. Bố thí pháp.
4. Bố thí.
5. Đại bố thí.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
Ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành bố thí độ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Bố thí về lời nguyện.
2. Bố thí về tài của và sự không sợ sệt.
3. Bố thí pháp.
4. Bố thí.
5. Đại bố thí.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành giữ Giới Độ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Giới: Làm lợi ích cho Hữu Tình.
2. Giới: Làm cho pháp định.
3. Giới: pháp vô lậu.
4. Giới.
5. Đại giới.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành trì giới độ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Giới: Làm lợi ích cho hữu tình.
2. Giới: Làm cho pháp an định.
3. Giới: pháp vô lậu.
4. Giới.
5. Đại giới.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành nhẫn độ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Nhẫn nhục: Chịu kẻ oán làm hại.
2. Nhẫn nhục: Chấp nhận chịu khổ.
3. Nhẫn: Quán sát pháp thật kỹ.
4. Nhẫn.
5. Đại nhẫn.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành nhẫn nhục độ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Nhẫn nhục: Chịu kẻ oán làm hại.
2. Nhẫn nhục: Chấp nhận chịu khổ.
3. Nhẫn: Quán sát pháp thật kỹ.
4. Nhẫn.
5. Đại nhẫn.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành tinh tấn độ.
Năm pháp ấy là gì?
1. Tinh tấn: Suy nghĩ đọc tụng giảng nói.
2. Tinh tấn: Xa lìa tất cả lỗi lầm.
3. Tinh tấn: Tích chứa các công đức.
4. Tinh tấn.
5. Đại tinh tấn.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ năm loại tướng tu hành tinh tấn độ.
Năm tướng ấy là gì?
1. Tinh tấn suy nghĩ đọc tụng giảng nói.
2. Tinh tấn xa lìa tất cả lỗi lầm.
3. Tinh tấn tích chứa các công đức.
4. Tinh tấn.
5. Đại tinh tấn.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm tướng tu hành thiền định độ.
Năm tướng ấy là gì?
1. Thiền định: Hiểu hoàn hảo không lìa văn tự.
2. Thiền định hoàn toàn lìa văn tự, đầu tiên làm thanh tịnh thế gian.
3. Thiền định xuất thế gian.
4. Thiền định.
5. Đại thiền định.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm tướng tu hành thiền định độ.
Năm tướng ấy là gì?
1. Thiền định: Hiểu hoàn hảo không lìa văn tự.
2. Thiền định: Hoàn toàn lìa văn tự, đầu tiên làm thanh tịnh thế gian.
3. Thiền định xuất thế gian.
4. Thiền định.
5. Đại thiền định.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Ở trong sắc pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành trí tuệ độ.
Năm tướng ấy là gì?
1. Trí tuệ: Hiểu hoàn hảo không lìa văn tự, chỗ nương tựa của định.
2. Trí tuệ: Hoàn toàn lìa văn tự, đầu tiên làm thanh tịnh thế gian, chỗ nương tựa của định.
3. Trí tuệ: Ra khỏi thế gian, làm chỗ nương tựa của định.
4. Trí tuệ.
5. Đại trí tuệ.
Này Tu Bồ Đề! Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Ở trong thức pháp, Đại Bồ Tát nên biết rõ có năm loại tướng tu hành trí tuệ độ.
Năm tướng ấy là gì?
1. Trí tuệ: Hiểu hoàn hảo không lìa văn tự, chỗ nương tựa của định.
2. Trí tuệ: Hoàn toàn lìa văn tự, đầu tiên làm thanh tịnh thế gian, chỗ nương tựa của định.
3. Trí tuệ: Ra khỏi thế gian, làm chỗ nương tựa của định.
4. Trí tuệ.
5. Đại trí tuệ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Pháp Thí
Phật Thuyết Kinh Công đức Tạo Tháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tu Tập
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Bốn - Diệu Hạnh Vũ Trụ
Phật Thuyết Kinh đại Tập Ví Dụ Vương - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười - Phẩm Lý Thú Bát Nhã
Phật Thuyết Kinh A Di đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật đàn Quá độ Nhân đạo - Phần Một