Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Ngũ Vương - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA MƯƠI BA

PHẨM NGŨ VƯƠNG  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ năm vị quốc vương lớn, Vua Ba Tư Nặc đứng đầu, tụ tập trong vườn ngắm cảnh, cùng nhau bàn luận.

Năm Vua nào?

Ðó là Vua Ba Tư Nặc, Vua Tỳ Sa, Vua Ưu Ðiền, Vua Ác Sanh, Vua Ưu Đà Diên.

Năm Vua tụ tập một nơi, bàn luận việc này: Chư Hiền! Nên biết Như Lai nói năm dục này.

Thế nào là năm?

Nếu mắt thấy sắc rất yêu thích nghĩ nhớ, người đời hy vọng. Nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi biết vị, thân biết xúc chạm rất yêu thích nghĩ nhớ, người đời hy vọng. Như Lai nói năm dục này.

Trong năm dục, cái nào hơn hết?

Mắt thấy sắc là tối diệu chăng?

Tai nghe tiếng là tối diệu chăng?

Mũi ngửi mùi là tối diệu chăng?

Lưỡi biết vị là tối diệu chăng?

Thân biết xúc chạm là tối diệu chăng?

Năm việc này, cái nào là tối diệu?

Trong đó, hoặc có quốc vương nói: Sắc là tối diệu.

Hoặc có vị luận: Thanh là tối diệu.

Hoặc có vị luận: Hương là tối thắng.

Hoặc có vị luận: Vị là tối diệu.

Hoặc có vị luận: Xúc chạm là tối diệu.

Lúc ấy, người nói sắc diệu là Vua Ưu Đà Diên. Người nói thanh diệu là Vua Ưu Ðiền. Người nói hương diệu là Vua Ác Sanh. Người nói vị diệu là Vua Ba Tư Nặc. Người nói xúc chạm diệu là Vua Tỳ Sa.

Năm Vua bảo nhau: Chúng ta cùng luận năm dục này, nhưng lại chẳng biết cái nào là diệu!

Bấy giờ Ba Tư Nặc bảo bốn Vua: Nay Như Lai ở gần, tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Chúng ta cùng nhau đến chỗ Thế Tôn để hỏi nghĩa này. Nếu Thế Tôn có dạy gì, nên cùng vâng làm.

Các Vua nghe Vua Ba Tư Nặc nói xong, liền đưa nhau đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Vua Ba Tư Nặc đem việc bàn luận về năm dục bạch đầy đủ với Như Lai.

Thế Tôn bảo năm Vua: Các Vua luận theo sự thích hợp của mỗi người. Sở dĩ như thế vì hễ người tánh hạnh đắm sâu ở sắc, ngắm mãi không chán. Người này sẽ cho sắc là tối diệu, tối thượng không gì hơn. Người ấy không dính mắc các pháp thanh, hương, vị, xúc. Trong năm dục, sắc là tối diệu.

Nếu lại có người tánh hạnh dính mắc đối với thanh, người ấy nghe âm thanh thì cực kỳ hoan hỷ, không chán. Người này cho thanh là tối diệu, tối thượng. Trong năm dục, thanh là tối diệu.

Nếu lại có người tánh hạnh dính mắc hương, người ấy ngửi mùi thơm, cực kỳ hoan hỷ, không chán. Người này cho hương là tối thượng, tối diệu. Trong năm dục, hương là tối diệu.

Nếu lại có người tánh hạnh đắm vị, người ấy nếm vị xong, cực kỳ hoan hỷ, không biết chán. Người này cho vị là tối thượng, tối diệu. Trong năm dục, vị là tối diệu.

Nếu lại có người tánh hạnh ưa xúc chạm, người ấy được xúc chạm rồi, cực kỳ hoan hỷ, không chán, người này cho xúc là tối diệu, tối thượng. Trong năm dục, xúc là tối diệu.

Nếu người kia tâm đã dính sắc thì sẽ không để ý các pháp thanh, hương, vị, xúc.

Nếu người kia tánh hạnh đã dính thanh thì sẽ không để ý các pháp sắc, hương, vị, xúc.

Nếu người kia tánh hạnh dính mắc hương thì sẽ không để ý các pháp sắc, thanh, vị xúc.

Nếu người kia tánh hạnh dính vào mùi vị thì sẽ không để ý các pháp về sắc, thanh, hương, xúc.

Nếu người kia tánh hạnh dính mắc ở xúc chạm thì sẽ không để ý các pháp về sắc, thanh, hương, vị.

Thế Tôn liền nói kệ:

Lúc ý dục lừng lẫy,

Sở dục ắt khắc phục,

Ðược rồi hoan hỷ thêm,

Sở nguyện không có nghi.

Họ đã được dục này,

Ý tham dục không cởi,

Cho đây là hoan hỷ,

Duyên theo cho tối diệu.

Nếu lại lúc nghe tiếng.

Sở dục ắt khắc phục,

Nghe rồi hoan hỷ thêm,

Sở nguyện không có nghi.

Kia đã được tiếng này,

Ý tham không cởi mở,

Cho đây là hoan hỷ,

Theo đó là tối diệu.

Nếu lại lúc ngửi mùi,

Sở dục ắt khắc phục,

Ngửi rồi càng hoan hỷ,

Sở nguyện không có nghi.

Kia đã được tiếng này,

Ý tham không cởi mở,

Cho đây là hoan hỷ,

Theo đó là tối diệu.

Nếu lại lúc nếm vị,

Sở dục ắt khắc phục,

Ðược rồi càng hoan hỷ,

Sở nguyện không có nghi.

Kia đã được vị này,

Ý tham không cởi mở,

Cho đây là hoan hỷ,

Theo đó là tối diệu.

Nếu được lúc xúc chạm,

Sở dục ắt khắc phục,

Ðược rồi càng hoan hỷ,

Sở nguyện không nghi nan.

Kia đã được xúc chạm,

Ý tham không cởi mở,

Cho đây là hoan hỷ,

Theo đó là tối diệu.

Thế nên, Ðại Vương! Nếu nói sắc diệu thì nên bình đẳng mà luận.

Vì sao thế?

Ở sắc có khí vị. Nếu sắc không có khí vị thì chúng sanh trọn chẳng dính mắc. Vì có khí vị nên trong năm dục sắc là tối diệu.

Nhưng sắc cũng có lỗi lầm. Nếu sắc không có lỗi lầm thì chúng sanh đã không chán ghét. Vì có lỗi lầm nên chúng sanh chán ghét.

Nhưng sắc có xuất yếu. Nếu sắc không có tính ra khỏi thì chúng sanh không có ra khỏi biển sanh tử được. Vì có tính ra khỏi nên chúng sanh đến được trong thành Niết Bàn vô úy. Trong năm dục, sắc là tối diệu.

Nhưng, Ðại Vương! Nếu nói thanh diệu thì nên bình đẳng mà luận.

Vì sao thế?

Ở thanh có khí vị, nếu thanh không có khí vị thì chúng sanh trọn chẳng bị dính mắc. Vì có khí vị nên trong năm dục, thanh là tối diệu.

Nhưng thanh có lỗi lầm. Nếu thanh không có lỗi lầm thì chúng sanh đã không chán ghét. Vì có lỗi lầm nên chúng sanh chán ghét.

Nhưng thanh có tính ra khỏi. Nếu thanh không có tính ra khỏi thì chúng sanh này không ra khỏi biển sanh tử. Do tính ra khỏi nên chúng sanh được đến trong thành Niết Bàn vô úy. Trong năm dục, thanh là tối diệu.

Ðại Vương nên biết!

Nếu nói hương diệu thì nên bình đẳng mà luận. Sở dĩ như thế vì ở hương có khí vị. Nếu hương không khí vị, chúng sanh trọn không dính mắc. Vì có vị nên trong năm dục, hương là tối diệu.

Nhưng hương có lỗi lầm. Nếu hương không có lỗi lầm thì chúng sanh không chán ghét. Vì có lỗi lầm nên chúng sanh chán ghét.

Nhưng hương có tính ra khỏi. Nếu hương không có tính ra khỏi thì chúng sanh này không ra khỏi biển sanh tử được. Vì có tính ra khỏi nên chúng sanh được đến trong thành Niết Bàn vô úy. Trong năm dục, hương là tối diệu.

Lại nữa, Ðại Vương! Nếu nói vị diệu thì nên bình đẳng mà luận. Sở dĩ như thế vì ở vị có khí vị. Nếu vị không khí vị thì chúng sanh trọn không dính mắc. Vì có khí vị nên trong năm dục, vị là tối diệu.

Nhưng vị có lỗi lầm. Nếu vị không lỗi lầm thì chúng sanh không chán ghét. Vì có lỗi lầm nên chúng sanh chán ghét.

Nhưng vị có tính ra khỏi, nếu vị không có tính ra khỏi, thì chúng sanh này không ra khỏi biển sanh tử được. Vì có tính ra khỏi nên chúng sanh đến được trong thành Niết Bàn vô úy. Trong năm dục, vị là tối diệu.

Lại nữa, Ðại Vương nên biết! Ở xúc chạm không có khí vị thì chúng sanh trọn không dính mắc, vì có khí vị nên trong năm dục, xúc chạm là tối diệu.

Nhưng xúc chạm có lỗi lầm, nếu xúc chạm không lỗi lầm thì chúng sanh không chán ghét. Vì có lỗi lầm, nên chúng sanh chán ghét.

Nhưng xúc chạm có tính ra khỏi. Nếu xúc chạm không có tính ra khỏi thì chúng sanh này không ra khỏi biển sanh tử. Vì có tính ra khỏi nên chúng sanh được đến trong thành Niết Bàn vô úy. Trong năm dục, xúc chạm là tối diệu.

Thế nên, Ðại Vương! Chỗ nào ưa thích thì tâm dính mắc. Như thế, Ðại Vương, nên biết điều này. Bấy giờ, năm Vua nghe Phật dạy xong vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường