Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Mười - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Tập Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Đề Vân bát nhã, Đời Đường  

PHẨM MƯỜI

PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA  

TẬP SÁU  

Bấy giờ Đức Phật dạy Đại Bồ Tát Từ Thị cùng đại chúng: Các ông hỏi bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này là pháp môn công đức vô tận của đại thừa không thể nghĩ bàn. Nghe Kinh này, đại chúng trong hội Kinh này cũng sẽ tròn đầy công đức như vậy.

Nếu ai nghe Kinh này có tâm tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói thì những người ấy được lợi ích vô lượng không thể nghĩ bàn, không thể ví dụ, không tính đếm được.

Khi ấy Đức Thế Tôn cởi y trao cho Từ Thị và nói: Lành thay, lành thay! Này thiện nam, ông hỏi bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như vậy đã làm cho tất cả mười phương Chư Phật Như Lai trong đều tùy hỷ.

Nhận y Phật rồi, Bồ Tát Từ Thị đội lên đầu, cung kính thưa: Bạch Thế Tôn! Y này là chân thân bảo Tháp của Như Lai. Tất cả Trời, Rồng, Nhân Phi Nhân đều phải làm lễ, đi nhiễu bên phải, cung kính cúng dường.

Bồ Tát Từ Thị vừa nói xong, bỗng nhiên đại chúng thấy đủ thứ hoa, vòng hoa báu, cờ xí, tàn lọng từ mười phương đến ở hư không ngay trên đỉnh đầu Đức Phật, trong chốc lát che khắp cả đại hội, Từ Thị Bồ Tát và cả đại chúng.

Từ trong những phẩm vật cúng dường như tàng lọng, cờ xí… phát ra âm thanh khen ngợi: Lành thay, lành thay! Bồ Tát Từ Thị đã hỏi nghĩa như vậy, thâm tâm chúng ta phải tùy hỷ cúng dường.

Khi ấy Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả tàn lọng, vòng hoa, cờ xí… này từ đâu mà phát ra âm thanh khen ngợi tùy hỷ như vậy?

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Trong đời quá khứ, Bồ Tát Từ Thị đã tu hành hạnh Bồ Tát, độ thoát vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh nên nay được trụ vào địa Bồ Tát không thoái chuyển.

Hoặc trong Thanh Văn, Độc Giác, Trời, Người, do nhân duyên kiếp trước mà các chúng sinh ấy ở mười phương Thế Giới đều dùng đủ loại hoa, vòng hoa, tàn lọng, cờ xí cúng dường Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa và Phật Như Lai, khen ngợi công đức của Từ Thị, cho nên có âm thanh ấy.

Đức Phật nói Kinh này xong, tất cả chúng hội hướng đến chỗ Bồ Tát Từ Thị trân trọng nói: Hôm nay chúng ta được lợi ích lớn, được gần gũi cúng dường vị ấy, được ở chỗ Đức Thế Tôn nghe Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa này.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh này được nghe danh hiệu Phật và Bồ Tát Từ Thị còn được vô lượng, vô biên công đức, huống gì gần gũi trước Phật, được nghe Kinh này và tin hiểu, thọ trì.

Đức Thế Tôn dạy Xá Lợi Phất: thiện nam, thiện nữ nào trong một kiếp đem vàng bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, trân châu, ma ni, đầu, mắt, tủy não… để bố thí mà không tiếc nuối và giữ gìn giới cấm, nhẫn nhục, tinh tấn tu tập thiền định.

Nếu người nào nghe Kinh này, dù chỉ một kệ bốn câu thì công đức thành tựu đại thừa bát nhã Ba la mật đa của người này thắng vượt công đức trên. Nếu xa lìa pháp này, không thể thành tựu các Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Phất! Do đó mà thiện nam, thiện nữ nào nghe Kinh Điển này mà tin hiểu, thọ trì, suy nghĩ tu tập, ta nói người ấy mau thành vô thượng bồ đề. Nên biết người ấy đã được pháp ấn bồ đề của Chư Phật Như Lai.

Xá Lợi Phất! Khi nói Kinh này, nếu có Bồ Tát phát nguyện như vậy: Nay con sẽ trì tụng Kinh này và vì người khác giảng nói, người ấy thường có tâm niệm như vậy, thì đó là viên mãn bố thí Ba la mật đa.

Vì sao?

Vì trong tất cả các sự bố thí, bố thí pháp là tối thắng. Nếu trì Kinh này, giữ gìn phòng hộ pháp thân tức là viên mãn trì giới Ba la mật đa.

Thuận với vô sinh nhẫn gọi là nhẫn nhục Ba la mật đa. Như lý, không giải đãi là tinh tấn Ba la mật đa. An trú trong tịch diệt là thiền định Ba la mật đa. Tự nhiên được trí tuệ, không nhờ vào duyên sinh mà giác ngộ, gọi là trí tuệ Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có người thọ trì Kinh này, dù chỉ một kệ bốn câu thì mau viên mãn vô thượng bồ đề. Nếu Bồ Tát thọ trì Kinh này, đọc tụng, ghi chép, hoặc giữ gìn Kinh này thì sinh ở đâu cũng đều gặp Phật. Nên biết người ấy đã được tất cả pháp tàng của Như Lai. Nếu người thọ trì Kinh Điển này, tuy hình tướng có sai khác nhưng tâm bồ đề không có hai tướng.

Vì sao?

Này Xá Lợi Phất! Vì Kinh này là pháp ấn thật tướng bồ đề không thoái. Do đó nên biết, các Bồ Tát tùy thuận theo Kinh này thì được vô thượng bồ đề không thoái chuyển. Nếu Bồ Tát tùy thuận Kinh này là tùy thuận với tất cả Phật Pháp.

Khi ấy, Hộ Thế Tứ Thiên Vương cùng các Đại Vương quyến thuộc đều chắp tay cung kính tôn trọng, nhất tâm giữ chánh niệm, thưa: Bạch Thế Tôn! Tứ Thiên Vương chúng con nay sẽ giữ gìn chánh pháp của Như Lai. Nếu thiện nam, thiện nữ nào trì Kinh này thì người đó là Pháp Sư, con sẽ tôn thờ, cung kính cúng dường như Chư Phật không khác.

Vì sao?

Vì tất cả Chư Phật và pháp đại thừa đều từ Kinh này mà ra.

Lúc ấy, Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con tuy theo Phật, được nghe nhiều Kinh nhưng chưa từng được nghe Kinh thâm sâu này. Con cùng chúng Trời sẽ bảo vệ Kinh này. Nếu Kinh này có mặt ở thành ấp, xóm làng, rừng núi, dưới gốc cây, nơi thanh vắng… mà có người thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói, thì Chư Thiên chúng con sẽ làm thính chúng.

Nhờ Kinh này mà sắc lực của quốc vương, hoàng hậu, hoàng phi, quyến thuộc nơi đó ngày càng dồi dào, không còn lo buồn gì cả. Chúng con luôn cung cấp, ủng hộ đại thần, khanh tướng, tất cả nhân dân và người thuyết pháp, khiến cho họ không có lo âu.

Chúng con làm cho thời tiết của các quốc giới được thuận lợi, có thứ tự, không trái ngược, tất cả địch thù không thể xâm lăng làm hại, lúa má được mùa nhân dân an lạc, làm tăng thêm sắc lực của Pháp Sư biện tài vô ngại. Lại khiến cho Pháp Sư ở trong chúng được Đại vô úy, giống như Sư Tử vương thuyết pháp cho mọi người.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Thiên đế: Lành thay, lành thay! Này Kiều Thi Ca, ông ủng hộ Kinh này và Pháp Sư không còn nguy nạn. Ông nên biết rằng, nếu ai ủng hộ Pháp Sư thì người đó là hộ pháp. Người hộ pháp là ủng hộ đất nước và nhân dân.

Bấy giờ, các Đại Phạm Thiên Vương ở Thế Giới Tố Ha bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con và chúng Trời Phạm Thiên bỏ sự khoái lạc thiền định, thích theo đến chỗ có Kinh Điển này và Pháp Sư.

Con sẽ đến đó hiện ra bốn tướng để Pháp Sư biết có chúng con đến:

1. Thấy ánh sáng lớn.

2. Nghe có mùi thơm lạ.

3. Làm cho Pháp Sư đó được biện tài vô ngại.

4. Làm cho thính chúng nhất tâm chánh niệm.

Do bốn tướng này mà biết có con ở trong hội, con sẽ làm người hộ pháp để nghe chánh pháp.

Khi ấy, Ma Vương Ba tuần thưa: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói Kinh này làm cho cung điện của con không còn màu sắc ánh sáng, bị chấn động, không an ổn, thế lực bị suy hao.

Đức Phật nói: Các vị Đại Bồ Tát nghe Kinh này, Kinh này ở chỗ nào mà có thiện nam, thiện nữ thọ trì cho đến một kệ bốn câu, khi lọt vào tai thì tin hiểu thọ trì. Nên biết người này đã được thọ ký vô thượng bồ đề, sẽ kế thừa ngôi vị Phật.

Ma Vương Ba tuần thưa: Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ đó nhờ thọ trì Kinh này mà làm cho oai đức, thế lực của quyến thuộc con bị tiêu diệt. Như vậy, nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói Kinh này, dù người đó ở đâu, chúng con nguyện luôn ủng hộ, không bao giờ khởi một tâm niệm làm chướng ngại.

Đức Thế Tôn dạy Xá Lợi Phất: Đời vị lai ông nên thọ trì, đọc tụng, lưu bố Kinh này để cho chánh pháp được tồn tại lâu dài.

Xá Lợi Phất thưa: Xin vâng, bạch Thế Tôn! Con sẽ thọ trì.

Phật dạy A Nan: Ông nên thọ trì, đọc tụng, lưu bố Kinh này.

A Nan thưa: Xin vâng, bạch Thế Tôn! Con sẽ thọ trì. Tuy nhiên, chúng con luôn phụng hành nhưng không bằng các vị Bồ Tát lưu bố rộng rãi.

Phật dạy A Nan: Đừng lo sợ Kinh này không được lưu bố, vì vô số Đại Bồ Tát trong đại hội này đều nguyện lưu truyền.

Trong hội có sáu mươi câu chi Đại Bồ Tát vì muốn bảo hộ, giữ gìn Kinh Điển này liền đứng dậy thưa: Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Chúng con thề sẽ lưu bố Kinh này khắp cả mười phương Thế Giới. Thế Giới Tố Ha đã có Từ Thị tuyên nói Kinh này không cho gián đoạn.

Sau khi Phật diệt độ năm trăm năm, có chúng sinh nào vừa mới nghe Kinh này đã lọt vào tai thì biết người đó được Phật thọ ký. Ai thọ trì Kinh này, dù một kệ bốn câu, nên biết những người đó đều do oai thần của Đại Bồ Tát Từ Thị kiến lập.

Đức Thế Tôn dạy chúng Bồ Tát: Lành thay, lành thay! Này các thiện nam tử, ở chỗ ta, các ông đã ủng hộ Kinh này nên biết rằng, các ông cũng phải ủng hộ Kinh này ở vô lượng hằng sa cõi nước Chư Phật.

Khi đó Đại Bồ Tát Từ Thị quỳ chắp tay thưa: Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Con hỏi Kinh này là xúc phạm đến Như Lai. Nay trước Phật con xin chí thành sám hối, cúi xin Ngài rủ lòng từ bi thương xót, tha thứ lỗi lầm cho con và các vị Bồ Tát đây cũng xin sám hối nhận tội như con.

Phật dạy: Này Từ Thị! Ông đã được bát nhã Ba la mật đa với nghĩa lý thâm sâu, với pháp đại thừa không có nghi ngờ, với thân, khẩu, ý không lầm lỗi, tất cả Chư Phật đều ấn khả cho ông. Pháp của ông nói ra cũng như pháp của ta đã nói.

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?

Và chúng con phụng trì thế nào?

Phật dạy: Kinh này tên là Quá Khứ Hiện Tại Vị Lai Đại Bồ Tát Ma ha tát Đại Thừa Lý Thú, cũng là mắt của tất cả chúng sinh, cũng là mẹ của Chư Phật, cho nên Kinh này tên là Đại Thừa Bồ Tát Lý Thú Lục Ba La Mật Đa Vô Lượng Vô Biên Vô Tận Nghĩa Kinh. Với danh tự như vậy, ông nên thọ trì.

Được nghe Đức Phật nói xong, Cụ Thọ A Nan, tất cả đại Thanh Văn, Đại Bồ Tát Từ Thị và tất cả Đại Bồ Tát, tất cả thế gian Trời, Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân, cùng Đại Bồ Tát Vô Tận Tạng ở Thế Giới Bất thuấn đều hoan hỷ tin thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần