Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Sáu - Phẩm Tịnh Giới Ba La Mật - Tập Ba
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẨM SÁU
PHẨM TỊNH GIỚI BA LA MẬT
TẬP BA
Đức Phật dạy Từ Thị: Các vị Bồ Tát giữ mỗi giới đều được vô lượng công đức như vậy. Dù xả bỏ thân yêu mến cũng không được hủy phạm giới cấm của Phật.
Nên biết, giữ giới này giống như giữ tròng con mắt. Giữ giới cấm cẩn thận giống như giữ bình bát. Không vì đao bén năm dục mà chặt phá bị giữ giới nhỏ giống như giữ tội ngũ nghịch. Giới trọng hay giới khinh đều giữ tâm kiên cố như Kim Cang, không được cống cao ngã mạn.
Tuy giữ giới thanh tịnh như vậy nhưng so với nghiệp ác đã tạo từ vô thỉ giống như hạt vi trần trong đại thiên Thế Giới. Như vậy giữ giới thiện so với nghiệp ác kia giống như bụi trần. Đã biết như vậy rồi, tại sao giữ giới mà còn sinh ngã mạn!
Này Từ Thị! Bồ Tát thấy chúng sinh phá hủy giới cấm không nên khinh mạn họ, mà đối với mình còn phải giữ gìn hơn nữa.
Lại suy nghĩ như vậy: Xưa kia ta đã thề nguyện khiến chúng sinh trụ vững vào tịnh giới. Mặc dù chúng sinh khó hóa độ, nhưng ta phải cố gắng càng tinh tấn để lấy thuyền tịnh giới chở người phá giới ra khỏi biển sinh tử, đến bờ Niết Bàn.
Này Từ Thị! Nếu chúng sinh có thân này, cần có bốn điều kiện:
1. Ăn uống.
2. Áo quần.
3. Nhà cửa.
4. Thuốc thang.
Với bốn điều kiện này, Đại Bồ Tát phải mưu cầu như pháp, không được dùng phi pháp, không tự cao, cầu nhiều không chán, phải nên ít muốn biết đủ để nuôi thân. Giống như có người thân bị khổ vì mụt nhọt nên tìm thầy thuốc hay để lấy thuốc xoa, dùng vải bó lại, nằm trên nệm trong nhà kín. Đó là chỉ vì trị bệnh chứ không phải yêu lấy thân.
Bồ Tát vì bị tám khổ về thân, chỉ tìm thuốc pháp để làm thức ăn uống, mượn áo quần, nhà ở mà không thích thú sắc lực, tuổi thọ của thân này. Tu pháp thù thắng chỉ để làm an lạc chúng sinh, đoạn trừ ung nhọt sinh tử phiền não.
Bồ Tát ở trong đại chúng luôn quán xét lỗi lầm của mình, không chê bai xúc phạm người khác, tránh xa tiếng khen.
Nếu có ai khen ngợi, ta suy nghĩ như vậy: Tiếng khen này, ta đều không có phần, nay ta tự xét đã phạm nhiều tội lỗi. Trong pháp công đức, ta không có chút phần nào cả. Chúng sinh do vọng thấy nên nói ta có phần. Bồ Tát dùng tâm đại bi làm chỗ nương tựa, lấy tịnh giới Ba la mật đa làm bạn lữ.
Này Từ Thị! Có một loại tịnh giới chẳng phải là Ba la mật đa vì trì giới mà chấp tướng nên không phải là giữ giới tối thắng. Đó chỉ là tịnh giới chứ chẳng phải Ba la mật đa.
Vì sao vậy?
Vì chỉ gặt được quả báo hữu lậu của ba cõi, lúc tuổi thọ đã hết thì quả báo ấy cũng hết luôn. Nếu vì khắp tất cả hữu tình mà giữ gìn giới cấm, quán Đệ nhất nghĩa không, không có tướng ngã, tướng nhân, vì hữu tình mà giữ gìn giới cấm. Đó là tịnh giới Ba la mật đa.
Tịnh giới Ba la mật có thể khiến cho chúng sinh mau chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Tịnh giới Ba la mật đa là người dẫn đường cho các hữu tình. Hữu tình nào không có lòng tin thì làm cho họ có lòng tin thanh tịnh, có thể làm kho tàng cho tất cả hữu tình, làm anh lạc châu bảo vô giá để hữu tình trang sức thân.
Làm hương xoa thượng hạng cho tất cả hữu tình, làm người mô phạm cho hữu tình. Tịnh giới Ba la mật đa này không những cho người xuất gia mà cả tại gia nữa, già trẻ đều bình đẳng như nhau, không sinh ngã mạn, tăng thượng mạn, lìa bỏ tội lỗi, được oai nghi thanh tịnh, không còn các lo sợ và có thể chứng vô thượng bồ đề, Pháp Vương tối thắng.
Làm sao biết giới là đệ nhất?
Nếu chúng sinh giữ tịnh giới, tuy ở dòng họ thấp hèn, chẳng phải dòng họ giàu sang, cũng chẳng phải tự lực mà có thể làm lợi ích cho người khác, vì là tịnh giới Ba la mật đa còn làm cho tất cả Trời, Rồng, Dạ Xoa, nhân phi nhân, Quốc Vương, Đại Thần, Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ đều quy kính, lễ lạy, cúng dường tôn trọng và khen ngợi.
Người thấp hèn thọ trì giới cấm của Phật còn được cung kính tôn trọng như vậy, huống gì người tôn quý biết giữ gìn tịnh giới, thành tựu viên mãn tịnh giới Ba la mật đa. Nên biết nơi mà người giữ tịnh giới đi đứng nằm ngồi và kinh hành đều đem lại sự cát tường an ổn cho chúng sinh và Trời, Người đảnh lễ, đội lên đầu và đem cúng dường.
Do đó nên biết rằng, người giữ giới thanh tịnh là đệ nhất tối cao, tối thắng trong các chúng. Đó gọi là tịnh giới Ba la mật đa hoàn toàn viên mãn.
Phẩm 6: tịnh giới Ba La Mật.
Khi giữa đại chúng, Đức Thế Tôn rống tiếng Sư Tử nói đầy đủ bố thí Ba la mật đa rồi, Đại Bồ Tát Từ Thị chắp tay cung kính thưa: Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Ngài đã nói người tu hành đại thừa phải mở lòng từ bi rộng lớn để hành bố thí Ba la mật đa.
Còn tịnh giới Ba la mật đa phải làm cách nào để được viên mãn?
Tịnh giới là gì?
Phòng ngừa những lỗi lầm nào?
Giữ gìn như thế nào để được thanh tịnh?
Nếu giữ giới thanh tịnh thì đời hiện tại, vị lai được quả báo gì?
Và giữ gìn thế nào để chứng vô thượng bồ đề?
Cúi xin Đức Thế Tôn phân biệt giảng nói để làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình.
Lúc ấy, Đức Như Lai, Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn khen Đại Bồ Tát Từ Thị: Lành thay, lành thay! Ông đã giữ gìn giới thanh tịnh trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp, vì lợi ích an lạc cho hữu tình nên ông đã hỏi nghĩa như vậy. Ông hãy nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ, ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói.
Thiện nam, thiện nữ nào tu tập đại thừa, muốn tịnh giới Ba la mật đa được viên mãn nên phát tâm rộng lớn như vậy: Vì thương xót tất cả chúng sinh nên không sợ địa ngục, không mong cầu sinh lên Trời, giữ giới cấm không để cầu riêng mình giải thoát.
Lại chánh niệm tư duy: Xưa kia ta đã phát thệ nguyện rằng, nếu thấy hữu tình nào phá giới cấm thì sẽ khuyên họ giữ giới thanh tịnh một cách kiên cố, lấy giới thanh tịnh của Phật làm chuỗi anh lạc để trang sức thân. Nếu ta không giữ gìn giới thì lấy giới đâu để làm lợi ích cho hữu tình?
Do nhân duyên đó mà khuyên họ giữ giới. Nếu không như vậy thì làm sao đưa tất cả hữu tình đến vô thượng bồ đề.
Vì sao?
Vì kẻ phàm phu bản thân họ không thanh tịnh, là người phá giới, miệng tuy nói chánh pháp, khuyên mọi người giữ giới, nhưng cuối cùng chính mình lại phạm nên không tin, ngược lại bị khinh chê rằng: Nếu muốn dạy người khác giữ giới thanh tịnh, sao mình không giữ mà lại hủy phạm giới ư?
Lấy đó mà suy nghĩ thì ông nên giữ giới, nếu ông không giữ giới thì dù miệng ông nói ra nhưng không lọt vào tai của ông.
Như vậy, ông luôn bị mọi người khinh chê, làm sao có thể khuyên người giữ giới thanh tịnh?
Cho nên phải biết, trước tiên hãy tự kiểm thúc chính thân mình, xa lìa phóng dật, giữ tịnh giới Ba la mật đa một cách kiên cố, sau đó mới nói chánh pháp then chốt cho người. Nghe xong, hữu tình tin theo, lúc tin rồi, họ sẽ giữ gìn giới Phật đủ đầy, trong sạch, cho đến lúc chứng quả vô thượng bồ đề.
Này Từ Thị! Chúng sinh nào phát tâm bồ đề rộng lớn, vì tất cả chúng sinh trong năm cõi bốn loài, cho đến giữ gìn một giới cấm cũng được gọi là nhập vào tịnh giới Ba la mật đa của Phật, có thể chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Này Từ Thị! Đại Bồ Tát tu tập đại thừa thấy các hữu tình đọa trong đường ác, cần phải tu tập tịnh giới Ba la mật đa để cứu vớt chúng ra khỏi cảnh khổ ấy, an trí vào bờ kia Niết Bàn.
Nhưng khi tu hành, Bồ Tát gặp ba chướng lớn là: Sân hận, xan tham và nhiễm dục.
Sân giận có thể làm thoái tâm từ bi, tâm đại bi là cội gốc của tất cả hạnh bồ đề. Nhờ năng lực của đại bi mà nằm mộng không có tưởng sát sinh, huống gì khi thức lại giết sinh mạng để ăn thịt ư!
Tâm xan tham không thể nào bố thí. Tài sản của mình thì keo kiết, lại tham muốn của cải người khác. Cho nên Đại Bồ Tát thấy của cải như thấy rắn độc, không bao giờ tham đắm.
Nhiễm dục chẳng phải hạnh thanh tịnh, nên tránh xa bùn dơ năm dục. Tham dục này là nguồn gốc của các khổ. Nó làm chướng ngại sáu pháp Ba la mật đa và có thể thiêu đốt tâm bồ đề.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Tánh nữ yêu mị mê hoặc người
Như thù giả thân, chớ cho gần,
Tham dục mê loạn phá thanh tịnh
Như dòng thác chảy xô tường đá.
Tánh người nữ rất là dua nịnh
Như nước theo dòng, tánh không định,
Luôn nghĩ người khác cướp chồng mình
Người trí nghĩ kỹ nên tránh xa.
Như voi chúa trắng ở Tuyết Sơn
Sức vòi mạnh nhổ cây cao lớn
Thấy voi cái, tâm liền say mê
Dồn vào hầm bẫy bị điều phục.
Như nai ăn cỏ uống nước trong
Có thể băng xa các hang núi
Thợ săn giả làm tiếng của nai
Nai tìm tiếng đến bị chết ngay.
Như cá lặn sâu vào chỗ kín
Trong nước dạo chơi khó thấy được
Vì tìm thức ăn, nuốt mồi câu
Tham dục mất thân cũng như vậy.
Giống như ong mật tham hương hoa
Mùi hôi từ voi say lan tỏa
Ong tham bu ngửi khắp thân voi
Bị tai voi đập, ngã ra chết.
Như đèn không gió mà phực cháy
Phù du tưởng ánh sáng lao vào
Vào lửa để rồi tự thiêu thân
Tham ái mất thân cũng như vậy.
Năm trần quấn chặt thân chúng sinh
Mỗi trần hại người như thuốc độc
Người nhận pháp ấy suy nghĩ kỹ
Các khổ tích tụ không an lạc.
Lửa cháy hừng hực còn được chạm
Gió dữ xoáy tròn có thể ngăn
Nộc rắn sân giận điều phục được
Lòng người nữ rất khó ngăn cấm.
Nước công đức trong ao vô nhiệt
Chảy vào biển không uống được nữa
Mất đi tám mùi thành mặn chát
Gần gũi người nữ mất pháp lành.
Phật dạy Từ Thị: Do đó nên biết, dù trong mộng cũng không nên tưởng nghĩ gần gũi người nữ, huống gì khi thức mà hành dục với họ!
Lại nữa, đã lìa ba chướng ngại rồi, Đại Bồ Tát nên tu tập mười giới thanh tịnh.
Đó là: Ba giới thanh tịnh thuộc về thân, bốn giới thanh tịnh thuộc về khẩu và ba giới thanh tịnh thuộc về ý.
Ba giới của thân là không được sát sinh, trộm cắp và tà dâm.
Thế nào là không sát sinh?
Nghĩa là nếu thấy hữu tình bị tổn hại nên đem lòng từ bi đến cứu chúng, hoặc đem của cải chuộc lại cho nó được thoát. Nếu chuộc không được thì đem thân mạng mình thay thế nó, huống gì tự mình giết hại.
Không trộm cắp nghĩa là dù trong giấc mộng, Đại Bồ Tát cũng không có tư tưởng trộm cắp của cải người khác, huống gì khi thức mà có tâm lấy. Tài sản của mình thì đem bố thí với tâm thanh tịnh không tham tiếc và khuyên người khác đừng lấy những vật chủ không cho, luôn thực hành bố thí Ba la mật đa.
Xa lìa nhiễm dục nghĩa là Đại Bồ Tát tránh xa cảnh giới năm dục và nói tội lỗi năm dục cho hữu tình nghe để họ xa lìa năm dục, tà hạnh. Khen ngợi công đức vô lượng của người xuất gia để cho chúng sinh từ bỏ gia đình đi xuất gia, cứu vớt hữu tình ra khỏi ngục tham ái.
Đó là ba giới thiện thuộc về thân.
Bốn giới thuộc về miệng: Nghĩa là xa lìa lời nói lừa dối, lời ly gián, lời độc ác và lời không có ý nghĩa.
Lời nói lừa dối là không thấy nói thấy, việc nghe, nhận biết, hiểu biết… cũng như vậy. Đối với những sự hư dối này đều phải xả bỏ tất cả. Nói lời chân thật gọi là xa lìa vọng ngữ.
Lời nói ly gián là tới người này nói chuyện người kia, tới người kia nói chuyện người này để chống trái nhau rồi gây tranh cãi. Lìa bỏ lời ly gián, luôn nói lời hòa thuận, đó gọi là xa lìa việc nói lời ly gián.
Nói lời hung ác là phát ra những lời hung ác để cho người kia khổ não. Họ không muốn nghe mà bắt buộc phải nghe. Nếu lìa bỏ lời nói hung ác để cho người kia vui vẻ thì gọi là xa lìa lời nói hung ác.
Lời nói không có ý nghĩa, nghĩa là nói chuyện bàn luận với tâm nhiễm dục, dẫn đến tà luận không có lợi ích. Vì làm lợi ích cho hữu tình phải bỏ lời nói giả dối vô nghĩa mà nói lời chân thật hợp thời. Đó gọi là xa lìa lời nói vô nghĩa.
Như vậy, Bồ Tát lìa bỏ bốn lỗi thuộc về miệng, tu tập bốn loại lời nói thiện của Như Lai. Thường vì hữu tình nói lời dịu dàng để người nghe pháp hoan hỷ tín thọ. Giống như ngọc thủy thanh làm lắng trong nước đục, người nghe pháp tín thọ cũng như vậy.
Này Từ Thị! Ý nghiệp bất thiện cũng có ba: Tham lam, sân giận và ngu si.
Không tham lam tật đố nghĩa là thấy người khác giàu có, sang trọng thì mình không có tâm ganh tỵ, phải chánh tư duy suy nghĩ như vậy: Nguyện cho tất cả hữu tình được giàu có sang trọng, không bị thiếu kém. Các hữu tình ấy phải chịu khổ cực gian nan mới được như vậy.
Vì sao ta trở lại ganh tỵ với họ?
Tài sản của ta còn đem cho họ, huống gì chính họ làm ra, ta nên tùy hỷ chứ sao lại ganh tỵ?
Nhờ suy nghĩ như vậy mà đối với hữu tình kia ta không ganh tỵ, mà lại tùy hỷ. Nếu diệt trừ được lòng tham lam ganh tỵ như vậy gọi là Bồ Tát giữ giới với tâm thanh tịnh.
Không sân giận nghĩa là bị các hữu tình vu oan, phỉ báng, vô cớ bị đánh đập, chặt xẻo từng phần thân thể nhưng Bồ Tát không sân giận, lại nghĩ như vậy: Ta đã phát nguyện không nổi sân giận với các hữu tình, sao nay ta lại nổi sân với họ?
Xưa kia ta nguyện thường dùng thuốc chánh pháp để trừ bệnh sân cho hữu tình.
Nếu đối với chúng sinh mà nổi sân thì làm sao có thể cứu chữa được bệnh tất cả chúng sinh trong lúc bệnh mình không tự cứu chữa được?
Lại nữa, khi hữu tình sân giận thì Bồ Tát nhận lỗi về mình và nghĩ rằng: Vì phước đức của ta quá mỏng làm cho người khác nổi sân. Nếu ta không có lỗi thì họ chắc chắn không giận. Lại nữa, Đại Bồ Tát thấy hai hữu tình giận nhau kết thành thù oán, không chịu buông bỏ.
Thấy vậy, Bồ Tát thương xót nghĩ rằng: Nếu hữu tình không buông bỏ hận thù mà sân giận thì sẽ đọa vào địa ngục, bị lửa thiêu đốt thân, chịu đại khổ não, đó là lỗi của ta. Ta sẽ dùng thuốc chánh pháp để trị bệnh sân giận cho họ.
Xưa kia ta đã nguyện rằng: Nguyện cho tất cả chúng sinh trừ bỏ bệnh sân giận, vì sao ngày nay ta không đoạn trừ bệnh ấy cho họ mà mình lại bị ma sân trói giữ, không tự biết để bị lửa dữ thiêu đốt thân?
Đã bị ma bắt giữ, cầm dao đến giết hại, dù ta biết là ma quỷ nhưng không bao giờ nổi sân giận mà còn thương xót họ.
Không tà kiến nghĩa là tất cả chúng sinh đều có tà kiến rất là sâu dày. Bồ Tát đại bi lấy đuốc chánh kiến làm ánh sáng lớn chiếu sáng để họ thấy được Tam Bảo, tin tưởng và ưa thích công đức của Phật, Pháp, Tăng. Ngoại đạo và chúng sinh dù có làm chướng ngại cũng không thể nào phá hoại tâm chánh kiến của họ được và khiến họ tu Đại Thừa hạnh không thể nào thoái chuyển.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Bảy - Mười Hai Nhân Duyên
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Sáu - Phẩm Tịnh Giới Ba La Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Hai - Pháp Hội Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Năm - Phẩm Song - Kinh Ngưu Giác Sa La Lâm