Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Bảy - Phẩm đàm Luận

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

TRÌ TÂM PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BẢY

PHẨM ĐÀM LUẬN  

Bấy giờ, Phạm Thiên Trì Tâm bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao Bồ Tát Phổ Thủ ngồi im lặng trong chúng hội, không giảng nói cũng chẳng bàn luận?

Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Thủ: Bồ Tát có thể vì chúng hội mà thuyết pháp không?

Nếu có điều gì chưa rõ thì hãy thưa hỏi.

Bồ Tát Phổ Thủ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có thể nương theo ý nghĩa của pháp mà đạt được Chánh Giác không?

Pháp ấy có thể giảng nói chăng?

Đức Phật dạy: Này Phổ Thủ! Pháp là không thể giảng nói được.

Bồ Tát Phổ Thủ thưa: Bạch Thế Tôn! Pháp có ngôn từ, có thể tư duy và giảng nói được không?

Đức Phật dạy: Pháp không có ngôn từ, không thể tư duy, cũng chẳng thể giảng nói được.

Bồ Tát Phổ Thủ thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp không có ngôn từ, không thể tư duy cũng chẳng luận bàn thì không thể giảng nói.

Phạm Thiên Trì Tâm thưa với Bồ Tát Phổ Thủ: Chẳng phải nhân giả đã giảng nói chánh pháp cho chúng sinh sao?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Này Phạm Thiên! Có thể giảng nói về pháp tánh, phân biệt làm hai chăng?

Phạm Thiên đáp: Không thể được.

Bồ Tát Phổ Thủ hỏi: Pháp tánh ấy có thể hội nhập vào tất cả các pháp chăng?

Phạm Thiên đáp: Đúng vậy.

Bồ Tát Phổ Thủ nói: Này Phạm Thiên! Nếu như vậy thì pháp tánh vốn không hai, nhưng pháp tánh lại bao trùm tất cả các pháp, thế thì sao lại giảng nói pháp cho chúng sinh?

Phạm Thiên hỏi: Người nào có thuyết pháp tức là còn chấp vào ngã, ngã sở, sao lại nói là không có hai tướng?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Này Phạm Thiên! Nếu có sự chứng đắc thì có thể giảng nói, hoặc có người nghe chăng?

Phạm Thiên hỏi: Đức Như Lai đã chẳng giảng nói chánh pháp đó sao?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Này Phạm Thiên! Đức Như Lai tuy có giảng nói nhưng không có hai tướng.

Vì sao?

Vì Như Lai là không hai, không tạo tác hai tướng.

Phạm Thiên hỏi: Nếu các pháp không có hai tướng thì ai tạo ra hai tướng ấy?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Chúng sinh nương vào danh mà chấp là có ngã và ngã sở, hàng phàm phu do mê mờ nên tạo ra hai tướng. Thật sự hai tướng ấy hoàn toàn chẳng khác, cho đến tạo ra vô số nhưng vẫn không khác, vì các pháp là chân thật nên không có hai tướng, cũng không thể tạo ra hai tướng.

Phạm Thiên hỏi: Làm thế nào để biết pháp là không hai?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Này Phạm Thiên! Nếu có thể biết thì gọi là có hai tướng, người nào có thể biết pháp là khổng hai thì người ấy hiểu được giáo pháp. Đức Như Lai tuy giảng nói có pháp chân thật, nhưng Như Lai không có đối tượng để thuyết pháp.

Vì sao?

Vì các pháp không có văn tự.

Phạm Thiên hỏi: Đức Như Lai thuyết pháp có nơi hướng đến chăng?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Này Phạm Thiên! Hướng đến nơi không có đối tượng để hướng đến, mới gọi là sự thuyết pháp của Đức Như Lai.

Phạm Thiên hỏi: Đức Như Lai thuyết pháp lẽ nào không hướng đến Niết Bàn chăng?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Này Phạm Thiên! Niết Bàn mà có xứ sở đi đến sao?

Phạm Thiên thưa: Như vậy là Niết Bàn không có xứ sở đi, đến?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Đúng vậy, Như Lai thuyết pháp hướng đến nơi không có đối tượng để hướng đến.

Phạm Thiên thưa: Ai có thể nghe pháp này?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Người có tâm bình đẳng.

Phạm Thiên thưa: Thế nào là tâm bình đẳng?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Không có sự giáo hóa cũng chẳng có đôi tượng được nghe.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể nghe pháp của Như Lai giảng nói?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Đối với pháp tánh thì chẳng có đôi tượng nghe.

Phạm Thiên hỏi: Nên nương vào điều gì để hiểu rõ pháp ấy?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Người có thể biết rõ nhưng không tranh luận.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là Tỳ Kheo ưa tranh luận?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Người cho là điều ấy ứng hợp với Như hay chẳng ứng hợp với như, thì gọi là tranh luận. Điều ấy có nhân duyên hoặc không có nhân duyên, gọi là tranh luận. Đây là phiền não, là trói buộc, gọi là tranh luận.

Pháp ấy là tốt, là xấu, gọi là tranh luận. Người hay giữ giới, phá giới gọi là tranh luận. Đây là giữ gìn hoặc xả bỏ, gọi là tranh luận. Cho là có sự chứng đắc, có thời gian gọi là tranh luận.

Lại nữa, này Phạm Thiên! Cho là có tên gọi, không có tên gọi, hoặc khởi lên các pháp khác đều gọi là tranh luận. Đức Như Lai thuyết pháp không có tranh luận, không có phiền não, không làm gì khác, không có các lý lẽ để tranh luận thì gọi là Sa Môn. Sa Môn là không tham dục, bình đẳng đối với các hình sắc.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là Tỳ Kheo hành trì theo lời Phật dạy?

Bồ Tát Phổ Thu đáp: Này Phạm Thiên! Giả sử chịu các sự xua đuổi để được nghe giáo hóa mà vẫn không cho là bị hoạn nạn, gọi là thuận theo lời Phật dạy mà không hề buông lung. Không vướng mắc vào hai tuệ là thuận theo lời Phật dạy.

Nếu mong cầu được hội nhập, không bị mê hoặc là thuận theo lời Phật dạy. Không tranh luận về chí nguyện là thuận theo lời Phật dạy. Hộ trì chánh pháp là thuận theo lời Phật dạy. Không hủy hoại chánh pháp là thuận theo lời Phật dạy.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là Tỳ Kheo hộ trì chánh pháp?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Nếu giữ gìn khắp tất cả, không hủy hoại, gọi là hộ trì chánh pháp, không trái với pháp tánh là hộ trì chánh pháp.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là Tỳ Kheo gần gũi Đức Như Lai, thuận theo giáo pháp để thực hành chân chánh?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Nếu Tỳ Kheo đối với các pháp mà không thây có xa hoặc gần, cũng chẳng có đối tượng để thấy, đó gọi là Tỳ Kheo gần gũi với Đức Như Lai, cung kính thuận theo giáo pháp, gọi là thứ lớp thực hành.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là Tỳ Kheo hầu cận Đức Phật?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Này Phạm Thiên! Nếu thân của Tỳ Kheo không tạo tác, cũng chẳng có đối tượng được tạo tác không ngôn từ, cũng chẳng có ý niệm, gọi là cúng dường, hầu cận Đức Phật.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là cúng dường Như Lai?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Không phải cúng dường y phục, thức ăn mà nên cung kính, thuận theo Đức Phật.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể thấy Đức Như Lai?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Là người không chấp vào nhục nhãn, không chấp vào thiên nhãn, không chấp vào tuệ nhãn, cũng không thấy có đối tượng nào để chấp.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể thấy pháp?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Người nào không đoạn diệt pháp duyên khởi thì thấy pháp.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể thấy pháp duyên khởi?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Người không dấy khỏi bình đẳng.

Nếu bình đẳng không dấy khởi thì không có sự sinh khởi Phạm Thiên hỏi: Ai đạt được thần thông?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Người không dấy khởi các lậu cũng chẳng có đối tượng để diệt trừ.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể theo học với Như Lai?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Người không tạo tác, không dấy khởi cũng chẳng xả bỏ.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là đạt được bình đẳng?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Đối với ba cõi đều chẳng có đôi tượng đạt đến.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là khéo léo giáo hóa?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Đối với các pháp hiện có không còn lệ thuộc.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là an lạc?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Người không chấp vào ngã và ngã sở.

Phạm Thiên hỏi: Ai là người đạt được giải thoát?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Không bị các kết sử trói buộc.

Phạm Thiên hỏi: Ai là người được độ?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Không có nơi sinh tử, cũng chẳng được diệt độ.

Phạm Thiên hỏi: Tỳ Kheo dứt sạch các lậu là dứt sạch điều gì?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Này Phạm Thiên! Đối với các chỗ tận mà không thấy có đối tượng để dứt sạch, người biết các lậu là không có nguồn gốc, biết rõ như vậy gọi là dứt sạch các lậu.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là lời nói chân thật, dứt bặt các ngôn từ?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Người có thể phân biệt, nhận biết rõ các điều khó.

Phạm Thiên hỏi: Ai là người chứng đạo?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Hàng phàm phu chứng đạo thì không nghĩ là đạt đến. Đối với pháp Hiền Thánh cũng không có nơi hướng đến, nên hiểu rõ tường tận tất cả pháp.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể thấy Thánh đế?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Thánh đế là không thể thấy.

Vì sao?

Vì người nào cho là có thấy đều là hư vọng, nên không có sự quan sát gọi là thấy Thánh đế.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là quan sát để thấy Thánh đế?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Đối với tất cả sự thấy mà không có đối tượng để thấy thì gọi là thấy Thánh đế.

Phạm Thiên hỏi: Nên cầu Thánh đế ở đâu?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Nên cầu trong bốn thứ điên đảo.

Phạm Thiên hỏi: Tại sao nói như vậy?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Bốn thứ điên đảo là suy xét tận nguồn gốc của chúng nhưng hoàn toàn không có thường, không có lạc. Cũng không có ngã và ngã sở. Không có sự tịnh và pháp chân thật vô thường ấy chính là chẳng phải thường, vô lạc ấy chính là chẳng phải lạc, vô ngã ấy chính là chẳng phải ngã, vô không ấy chính là chẳng phải không.

Lại nữa, này Phạm Thiên! Đối với tất cả các pháp là không có lạc, là mong cầu Thánh đế. Người nào cầu Thánh đế thì không thấy có khổ, không đoạn tập, không chứng diệt, cũng không tu tập đạo.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là tu tập đạo?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Không nghĩ đến tạo tác cũng chẳng phải là không tạo tác, xa lìa hai tướng là đạo hay chẳng phải đạo để cầu đạo, không thủ đắc đối với tất cả pháp, đấy mới gọi là đạo.

Nếu đối với đạo mà không dấy khởi cũng chẳng phải không dấy khởi, không có sự đoạn trừ cũng chẳng phải khổng đoạn trừ, không sinh tử cũng không diệt độ.

Vì sao?

Vì không dấy khởi cũng chẳng phải không có sự dấy khởi. Đó gọi là đạo của Bậc Hiền Thánh.

Bấy giờ, con của Phạm chí Đại Tánh tên là Phổ Hạnh thưa Bồ Tát Phổ Thủ: Thế nào là Ưu Bà Tắc quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Nếu Ưu Bà Tắc không dấy khởi hai kiến chấp thì Ưu Bà Tắc ấy quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Vị ấy không chấp vào ngã, không chấp vào người khác, không chấp vào Phật cũng không chấp nơi chính mình, không chấp vào pháp cũng không chấp nơi chính mình.

Không chấp vào Tăng cũng không chấp nơi chính mình, không khởi các kiến chấp thì Ưu Bà Tắc ấy đã quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng.

Nếu Ưu Bà Tắc không dùng sắc để cầu thấy Phật, cũng không dùng thọ, tưởng, hành, thức để cầu thấy Phật, không tạo tác cũng chẳng mong đạt được quả vị Phật, đó gọi là quy y Phật.

Nếu đối với các pháp không phân biệt, không cho là giống nhau cũng không có sự so sánh, đó gọi là quy y Pháp.

Nếu đối với các pháp hữu vi mà không có sự lệ thuộc, không mong cầu đạt được an lạc đối với pháp hữu vi, cũng chẳng mong cầu an lạc đối với pháp vô vi, đó gọi là quy y Tăng.

Nếu Ưu Bà Tắc không chấp nơi Phật, không chấp vào pháp và Tăng thì gọi là quy y Phật, Pháp, Tăng.

Bồ Tát Phổ Hạnh hỏi: Nếu Bồ Tát cầu Phật Đạo là cầu điều gì?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Đó là cầu nơi hư không.

Vì sao?

Vì đạo bình đẳng như hư không.

Bồ Tát Phổ Hạnh hỏi: Thế nào là Bồ Tát cầu Phật Đạo?

Bồ Tát Phổ Thủ đáp: Nếu Bồ Tát đối với tất cả sự mong cầu mà chẳng thấy có đối tượng để mong cầu, biết rõ về các pháp, do biết rõ các pháp nên hiểu rõ về chúng sinh, đó gọi là Bồ Tát cầu Phật Đạo.

Bồ Tát Phổ Hạnh lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát được gọi là Bồ Tát?

Đức Phật dạy: Này Thiện Nam! Nếu Bồ Tát thấy chúng sinh tà kiến mà phát tâm từ bi, khiến họ có được chánh kiến, dẫn dắt chúng sinh hội nhập vào đạo chân chánh thì Bồ Tát ấy được gọi là Bồ Tát.

Vì sao?

Vì Bồ Tát ấy không an trụ cũng chẳng phải không an trụ, chỉ vì chúng sinh mà phát nguyện, vì vô lượng chúng sinh bị rơi vào tà kiến nên tạo lập chí nguyện.

Do đó, này Thiện Nam! Bồ Tát vì chúng sinh bị rơi vào tà kiến mà phát tâm từ bi, tạo lập chí nguyện nơi đạo, cho nên gọi là Bồ Tát.

Bấy giờ, Bồ Tát Đạo Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn nói về việc làm thế nào để được gọi là Bồ Tát?

Đức Phật bảo: Nếu ông muốn nói thì hãy tùy ý.

Bồ Tát Đạo Ý bạch Phật: Ví như người nam, người nữ trong thế gian tinh tấn giữ tám giới trong một ngày một đêm, không hủy phạm cũng chẳng thiếu sót.

Thưa Bậc Đại Thánh! Như vậy vị ấy thực hành hạnh Bồ Tát từ khi mới phát tâm chưa thành Phật, luôn giữ gìn tám giới, đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Kiên Ý nói: Nếu Bồ Tát tâm kiên cố, thực hành lòng từ đầy đủ thì đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Độ Nhân nói: Ví như thuyền, như cầu có đưa người qua sông nhưng không hề thấy khổ nhọc, cũng chẳng phân biệt, người tu hành có tâm như ví dụ này thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Khí Ác nói: Nếu Bồ Tát kiến lập được các cõi Phật thì có thể diệt trừ sạch tất cả các điều ác, đấy gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Quan Thế Âm nói: Nếu chúng sinh được thấy Bồ Tát thì sẽ lập chí nguyện hướng đến Phật Đạo, chỉ quan sát về danh hiệu của Bồ Tát thì liền được giải thoát, đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Đắc Đại Thế nói: Người nào bước đi làm chấn động cả tam thiên đại thiên Thế Giới Cõi Phật và tất cả cung điện của ma thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Hoạn Yểm nói: Giả sử trong hằng hà sa kiếp, ngày đêm ân cần tinh tấn, hoặc tu tập liên tục trong nửa tháng, một tháng, mười hai tháng, mười năm hoặc một ngàn năm, ức trăm ngàn năm mới có Đức Phật ra đời.

Hoặc lại cúng dường Chư Như Lai nhiều như số cát Sông Hằng, tu hành thanh tịnh, sau đó mới được thọ ký, lại vì chúng sinh mà phát tâm đại bi, kiến lập Phật Đạo, không hề nhớ nghĩ, không buông lung, tâm không nghi ngờ, cũng chẳng biếng nhác, đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Đạo Sư nói: Nếu vì những chúng sinh rơi vào đường tà mà phát tâm đại bi khiến họ an trụ trong chánh đạo, không buông lung cũng chẳng mong cầu, đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Đại Sơn nói: Người nào đối với các pháp mà bình đẳng như núi lớn không phân biệt thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Câu Tiêu nói: Người nào không thấy có sự diệt trừ tất cả phiền não thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Dũng Tâm nói: Nếu dùng tâm suy nghĩ về tất cả các pháp mà phát khởi tâm nhẫn nhục, không hề tăng giảm, thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Dục Sư Tử Biến nói: Người nào không âu lo, không sợ hãi, đem pháp vi diệu để giáo hóa ngoại đạo thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Niệm nói: Nếu dùng tâm để hội nhập tâm, không có suy nghĩ, cũng chẳng phải không suy nghĩ thì gọi là Bồ Tát.

Thiên Tử Thiện Nhuận nói: Nếu sinh ra trong các cung điện của Cõi Trời mà không bị đắm nhiễm, cũng không chấp vào pháp lìa tham dục thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Thành Ngôn nói: Nếu luôn nói lời thành thật, lời nói của người ấy hợp với như và chân lý cũng chẳng phải không hợp với chân lý thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Ái Kính nói: Nếu thấy tất cả hình sắc đều là hình sắc của Phật thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Thường Thảm nói: Nếu thấy chúng sinh bị rơi vào nẻo luân hồi, đối với tất cả các niềm vui, vị ấy không vui mừng, chỉ nghĩ: Ta sẽ cứu giúp tất cả chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Mạc Năng Đương nói: Bạch Thế Tôn! Người nào không bị ma tham dục quấy phá thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Thường Tiếu Hỷ Căn nói: Người nào vui thích vô lượng, các căn hoan hỷ, viên mãn hạnh nguyện của mình, việc làm đã xong thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Hoại Chư Nghi Võng nói: Người nào không xa lìa tâm ý, cũng chẳng nghi ngờ đối với tất cả các pháp thì gọi là Bồ Tát.

Đồng nữ Sư Tử nói: Người nào không thấy có pháp của nữ, không có pháp của nam, có thể thị hiện vô số thân tướng để giáo hóa chúng sinh. Đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Bảo Nữ nói: Người nào không ưa thích châu háu, chỉ ưa thích ba ngôi báu là Phật, Pháp và Tăng thì gọi là Bồ Tát.

Ưu Bà Tắc Ly Ưu Thí nói: Nếu không điên đảo, cũng chẳng mê lầm, Bồ Tát đối với đạo và tất cả các pháp mà không có thủ đắc, không sinh khởi cũng chẳng diệt trừ thì gọi là Bồ Tát.

Trưởng Giả Hiền Hộ nói: Nếu Bồ Tát giả dùng danh hiệu để dẫn dắt chúng sinh đạt đến Phật Đạo, thì gọi là Bồ Tát.

Đồng nữ Bảo Nguyệt nói: Nếu luôn tôn trọng, tu tập phạm hạnh, bố thí bình đẳng, không phân biệt cũng không tham dục, huống nữa là mong cầu của cải giàu có, đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Hương Hoa nói: Như Chư Thiên Cõi Trời Đao Lợi dùng hương giới để xông ướp thân mình, Bồ Tát không tỏa ra hương khác mà chỉ dùng hương pháp của giới cấm, nên gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Tạo Lạc nói: Người nào không ưa thích các pháp khác, chỉ mong đạt được ba pháp là cúng dường Phật, giảng nói Kinh Pháp và giáo hóa chúng sinh, thì gọi là Bồ Tát.

Phạm Thiên Trì Tâm nói: Giả sử Bồ Tát không mong cầu các pháp, cũng không mong muốn Kinh Điển của Chư Phật, chỉ nương theo hào quang mà được giác ngộ, thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Từ Thị nói: Nếu chúng sinh nào nhìn thấy Bồ Tát thì chúng sinh ấy liền thực hành tam muội về lòng từ, đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Phổ Thủ nói: Nếu Bồ Tát giảng nói về tất cả các pháp nhưng không có đối tượng để giảng nói, không khởi tưởng về pháp, cũng chẳng nhớ nghĩ đến các pháp, đó gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Minh Võng nói: Giả sử hào quang hiện có của Bồ Tát có thể diệt trừ hết các phiền não, tham dục, thì gọi là Bồ Tát.

Bồ Tát Phổ Hoa nói: Nếu thấy Chư Như Lai khắp mười phương Cõi Phật như rừng hoa thì gọi là Bồ Tát. Như vậy, hàng Bồ Tát mỗi vị đều nêu bày theo ý nguyện của mình.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Phổ Hạnh: Nếu Bồ Tát vì các chúng sinh mà nhận chịu các thứ khổ não nhưng không hề quên mất nguồn gốc của tất cả công đức, cũng không bỏ chúng sinh, đó gọi là Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần