Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Ba - Phẩm Vô Thường - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường   

PHẨM BA

PHẨM VÔ THƯỜNG  

PHẦN HAI  

Bạch Thế Tôn! Vì sao với các pháp khác thì nói khởi phân biệt, mà với đệ nhất nghĩa thì lại không?

Phải chăng lời Thế Tôn dạy có trái lý, vì một nơi nói khởi, một nơi không nói khởi. Thế Tôn lại nói cái thấy hữu, vô là sa vào hư vọng phân biệt. Ví như huyễn sự, không thật có. Phân biệt cũng thế, lìa các tướng hữu vô.

Sao nói là đọa vào hai kiến?

Thuyết này lại không đọa vào kiến chấp của thế gian đó sao?

Phật dạy: Đại Huệ! Phân biệt không sinh không diệt.

Vì sao?

Vì không khởi tướng phân biệt có, không, vì các pháp thấy bên ngoài đều không có, vì hiểu rõ tự tâm hiện. Chỉ vì ngu phu phân biệt các pháp của tự tâm, bám vào các tướng, mà nói như thế, khiến họ biết những gì thấy đó đều là tự tâm, đoạn trừ các kiến chấp đắm trước ngã, ngã sở, lìa các ác nhân duyên năng tác sở tác, giác ngộ duy tâm, chuyển được ý lạc cittàs'raya, hiểu rõ các địa vị, vào cảnh giới Phật, xả bỏ các kiến về năm pháp, ba tự tính.

Do đó ta nói do hư vọng phân biệt chấp trước mà sinh các pháp tự tâm hiện và các cảnh giới. Nếu biết rõ như thật liền được giải thoát.

Bây giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Các nhân cùng với duyên

Do đó sinh thế gian

Cùng bốn cú tương ưng

Không biết pháp của ta

Thể lìa có, lìa không

Lìa câu và bất câu

Vì sao các người ngu

Phân biệt nhân duyên khởi

Không có cũng không không

Không vừa không vừa có

Quán thế gian như vậy

Chuyển tâm, chứng vô ngã

Hết thảy pháp không sinh

Vì do duyên khởi vậy

Kết quả của các duyên

Kết quả thì không sinh

Quả không tự sinh quả

Có hai quả là sai

Vì không có hai quả

Không thể có tính có

Quán các pháp hữu vi

Lìa năng duyên sở duyên

Nhất định chỉ là tâm

Nên ta nói tâm lượng

Lượng là chỗ tự tính

Xa cả hai duyên pháp

Được cứu cánh thanh tịnh

Nên ta nói tâm lượng

Ngã là tên bày đặt

Thật ra không thể có

Các uẩn là giả danh

Cũng đều không phải thật

Có bốn thứ bình đẳng

Tướng, nhân cùng sở sinh

Vô ngã là thứ bốn.

Kẻ tu hành quán sát

Lìa hết thảy các kiến

Cùng phân biệt năng sở

Không được cũng không sinh

Ta nói là tâm lượng

Không có cũng không không

Không, có đều xa lìa

Tâm xa lìa cũng bỏ

Ta nói là tâm lượng

Chân như, không, thật tế

Niết Bàn cùng pháp giới

Các loại thân ý sinh

Ta nói là tâm lượng

Vọng tưởng tập khí buộc

Các pháp do tâm sinh

Chúng sinh chấp ngoài có

Ta nói là tâm lượng

Cái thấy ngoài không có

Chỉ tâm hiện các pháp

Thân, tài sản, chỗ ở

Ta nói là tâm lượng.

Bấy giờ Đại Huệ Bồ Tát đại hữu tình lại bạch Phật rằng:

Như Lai có nói: Như ta đã nói, ông và các Bồ Tát không nên căn cứ vào lời mà phải nắm lấy ý nghĩa.

Bạch Thế Tôn! Vì sao không nên nương lời mà giữ nghĩa.

Lời ngữ là sao?

Nghĩa là sao?

Này Đại Huệ! Lời là do tập khí phân biệt làm nhân. Do yết hầu, lưỡi môi, quai hàm mà phát ra các âm thanh, lời nói, đàm luận với nhau. Ấy gọi là ngữ.

Còn nghĩa là gì?

Bồ Tát đại hữu tình ở một mình nơi chỗ thanh tịnh, lấy trí tuệ văn tư tu, suy nghĩ quán sát hướng về Niết Bàn, cảnh giới của tự trí, chuyển đổi các tập khí, thực hành các hành tướng của các địa, ấy gọi là nghĩa.

Lại nữa, này Đại Huệ! Bồ Tát đại hữu tình rành lời và nghĩa, biết lời và nghĩa không một không khác. Và nghĩa đối với lời cũng lại như vậy. Nếu nghĩa khác lời, thì nó sẽ không nhân lời mà rõ nghĩa. Nhưng do nơi lời mà thấy được ý, như đèn chiếu rõ hình sắc.

Đại Huệ! Ví như có người cầm đèn soi các vật biết vật này như thế ở chỗ như thế. Bồ Tát đại hữu tình cũng vậy. Do ngọn đèn lời mà đi vào cảnh giới tự chứng, lìa ngôn thuyết.

Lại này Đại Huệ! Nếu có người y theo lời nói mà nắm ý nghĩa về Niết Bàn bất sinh, bất diệt, về tam thừa, Nhất Thừa, năm pháp, tám thức, ba tự tính v.v... tất người ấy sẽ sinh kiến chấp hoặc có hoặc không, thấy có các sự vật khác nhau liền khởi phân biệt, như thấy huyễn sự cho là thật. Ấy là cái thấy của phàm phu, không phải của Bậc Thánh Hiền.

Khi ấy Thế Tôn lại nói bài kệ:

Nếu theo lời giữ nghĩa

Mà kiến lập các pháp

Vì những kiến lập ấy

Chết sa vào địa ngục

Trong uẩn không có ngã

Uẩn không phải là ngã

Không phân biệt như thế

Lại chẳng phải không có

Như kẻ ngu phân biệt

Hết thảy đều có tính

Nếu thấy được như vậy

Tức là thấy chân lý

Tất cả pháp nhiễm tịnh

Đều không có thể tính

Không như chúng được thấy

Cũng không phải là không.

Laị nữa, Đại Huệ! Ta sẽ vì ông nói tướng tri thức Jnànavijnanakajsana, ông cùng các Bồ Tát đại hữu tình nếu hiểu rõ tướng của trí thức liền mau được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Đại Huệ! Trí có ba loại, ấy là:

1. Thế gian trí Lautikajnàna.

2. Xuất thế gian trí Lokottarajnàna.

3. Xuất thế gian Thượng Thượng trí Lokottaratamajnàna.

Sao gọi là thế gian trí?

Ấy là chấp hết thảy các pháp có, không của ngoại đạo, phàm ngu.

Sao gọi là xuất thế gian trí?

Ấy là các chấp trước tự tướng ngã, cọng tướng ngã sở, nhân sinh, vũ trụ của hàng nhị thừa.

Sao là xuất thế gian Thượng Thượng trí?

Ấy là Chư Phật Bồ Tát quán tất cả pháp đều không tướng, không sinh, không diệt, không phải có, không phải không, chứng pháp vô ngã, nhập Như Lai địa.

Này Đại Huệ! Lại có ba loại trí, ấy là:

1. Tri tự tướng cọng tướng trí svasànànyalaksanàvadjàrakajnàna.

2. Tri sinh diệt trí utpàdaVuauàvadhàrakajnàna.

3. Tri bất sinh bất diệt trí Anutpàdànirodhàvadhàrakajnàna.

Lại này Đại Huệ! Sinh diệt là thức, không sinh diệt là trí, thức thì sa vào nhị nguyên tướng vô tướng, cùng các thứ sai biệt làm nhân cho nhau, trí thì lìa tướng và vô tướng, lìa nhân hữu, vô. Có các tướng tích tập ấy là thức, không tích tập tướng ấy là trí.

Bám trước vào cảnh giới ấy là thức, không bám trước cảnh giới ấy là trí. Do ba hòa hiệp tương ưng mà sinh là thức, vô ngại tự tính là trí.

Tướng có thể nắm được là thức, tướng không thể nắm được là trí, vì đấy là cảnh giới Thánh trí tự chứng, như trăng trong nước không vào không ra vậy.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Nhóm chứa nghiệp là tâm

Quán sát pháp là trí

Tuệ hay chứng vô tướng

Được tự tại uy quang

Bị cảnh buộc là tâm

Tướng giác sinh là trí

Cảnh thù thắng, vô tướng

Trí tuệ do đây sinh

Tâm, ý cùng với thức

Lìa các tướng phân biệt

Được pháp vô phân biệt

Bồ Tát, phi Thanh Văn

Nhẫn thù thắng tịch diệt

Trí Như Lai thanh tịnh

Hay sinh các thắng nghĩa

Xa lìa các sở hành

Samudàcàra varijitam

Ta có ba loại trí

Bậc Thánh hay sáng rõ

Phân biệt được các tướng

Mở bày hết thảy pháp

Trí ta lìa các tướng

Siêu việt nơi nhị thừa

Cùng các hạng Thanh Văn

Trí Như Lai vô cấu

Vì hiểu rõ duy tâm.

Lại nữa, này Đại Huệ! Các ngoại đạo có chín loại kiến về chuyển biến, ấy là:

1. Hình chuyển biến.

2. Tướng chuyển biến Laksana.

3. Nhân chuyển biến hetu.

4. Tương ưng chuyển biến yukti.

5. Kiến chuyển biến drsti.

6. Sinh chuyển biến utpàda.

7. Vật chuyển biến Bhàva.

8. Duyên minh liễu chuyển biến pratyayàbhivyakti.

9. Sở tác minh liễu chuyển biến kriyàbhivyakti.

Tất cả ngoại đạo do quan niệm ấy mà khởi các luận về chuyển biến dựa trên có và không. Hình chuyển biến là thấy hình thể thay đổi như vàng làm đồ trang sức. Như các thứ vòng, xuyến, chuỗi đeo cổ không giống nhau, hình trạng có sai khác nhưng thể không khác.

Hết thảy pháp biến đổi cũng như thế. Các pháp mà ngoại đạo chấp trước đều không như vậy cũng không khác vậy. Nên biết chỉ do phân biệt mà các pháp biến hóa. Như ván là do sữa, rượu là do trái chín. Ngoại đạo nói ở đây có biến hóa, mà kỳ thật không có cũng không không, vì do tự tâm thấy, không có vật bên ngoài.

Như thế đều là phàm phu mê muội, do tập khí phân biệt của mình sinh ra, chứ thật không có một pháp nào hoặc sinh hoặc diệt. Như do mộng huyễn thấy có các sắc tướng, như nói con của người thạch nữ có sống chết.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Hình tùy thời biến chuyển

Đại chủng cùng các căn

Thân trung hữu antaràbhava sinh dần

Vọng tưởng, không minh trí

Chư Phật không phân biệt

Duyên khởi cùng thế gian

Thế gian do duyên khởi

Như thành Càn Thát Bà.

Lúc ấy Đại Huệ Bồ Tát đại hữu tình lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Như Lai vì con giải nói nghĩa thâm mật samdhyatrha cùng giải nghĩa tướng parimocanàtrha nơi hết thảy pháp, khiến con cùng các Bồ Tát đại hữu tình biết rõ sự sai biệt giữa trói buộc và giải thoát, chúng con sẽ biết những phương tiện thiện xảo về hai tướng ấy, và sẽ không còn chấp lời giữ nghĩa.

Khi chúng con biết rõ nghĩa trói buộc thâm mật là gì và sự giải thoát của các pháp là gì, chúng con sẽ diệt trừ sự phân biệt lời và chữ.

Và nhờ trí tuệ, chúng con được nhập các Cõi Phật và các hội chúng. Được ấn thần thông, tự tại tổng trì, được giác tuệ, an trú trong mười nguyện vô tận, không cần dụng công biến hóa các thân, hào quang chiếu sáng như Trời Trăng, ngọc Ma Ni, đất nước lửa gió, an trú ở các địa, lìa kiến chấp phân biệt.

Biết các pháp đều như huyễn, mộng. Nhập quả vị Như Lai, hóa độ khắp chúng sinh. Khiến họ biết các pháp hư dối không thật, lìa hữu vô, đoạn cái chấp sinh, diệt, không chấp trước vào ngôn thuyết, khiến chuyển thức sở y.

Phật dạy: Hãy lắng nghe, ta sẽ nói cho ông.

Này Đại Huệ! Sự chấp trước ăn sâu abhinivésasamdhi đối với hết thảy các pháp y lời mà nắm ý thật là không cùng.

Ấy là: chấp trước tướng lakasanàbhivivésa.

Chấp trước duyên pratyayàbhi chấp trước hữu phi hữu bhàvàbhàbhinivesa. Chấp trước sinh phi sinh, chấp trước diệt phi diệt chấp trước thừa phi thừa. Chấp trước vi vô vi.

Chấp trước địa và tự tướng của địa, chấp trước vào chính sự phân biệt và vào cái hiện chứng that arising from enligthenment, chấp trước vào tướng hữu vô của các tông ngoại đạo, chấp trước ba thừa, một thừa...

Này Đại Huệ! Các loại chấp trước sâu xa ấy thật vô lượng, đều do phàm phu tự phân biệt rồi bám lấy. Những phân biệt ấy như tằm làm kén, lấy tơ vọng tưởng tự quấn mình, quấn người, chấp chặt hữu vô, ham muốn chằng chịt kiên cố.

Này Đại Huệ! Nhưng thật ở đây không có tướng ăn sâu hay không ăn sâu. Vì Bồ Tát đại hữu tình thấy các pháp đều ở trong tịch tịnh, không phân biệt.

Nếu rõ biết các pháp chỉ do tâm thấy thì thấy ngoại pháp hoặc không hoặc có đều đồng một tướng, rồi theo đó quán sát các chấp sâu xa phân biệt hoặc có hoặc không, thấy đều vắng lặng. Nên nói không có tướng chấp sâu dày với không sâu dày.

Đại Huệ! Ở đây không có sự trói buộc cũng không có sự giải thoát, chỉ những người không rõ chân thật mới thấy có trói buộc, có giải thoát.

Vì sao?

Vì hết thảy các pháp dù có dù không, thể tính của nó muốn tìm cũng không thấy được.

Lại này Đại Huệ! Kẻ phàm phu ngu muội có ba thứ trói buộc thâm sâu, ấy là tham, sân, si, do đó mà có yêu thích đời sau cùng ham muốn, vui mừng. Sự ràng buộc thâm sâu này khiến chúng sinh tiếp tục sinh trong năm đường. Nếu dây ràng buộc này đứt, thì không thấy đâu là tướng ràng buộc hay không ràng buộc.

Lại nữa, Đại Huệ này! Nếu có sự chấp trước vào ba duyên hòa hiệp, các thức bị ràng buộc sâu xa lần lượt khởi lên. Và vì có chấp trước nên có trói buộc sâu xa. Nếu thấy ba giải thoát, lìa ba thức hòa hiệp, thì hết thảy các trói buộc tất không sinh.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Phân biệt cái không thật

Ấy là tướng buộc ràng

Nếu biết được như thật

Các trói buộc đều đứt

Phàm ngu không rõ được

Theo lời mà thủ nghĩa

Như tằm ở trong kén

Vọng tưởng tự buộc ràng.

Đại Huệ Bồ Tát đại hữu tình lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn dạy, các pháp đều do phân biệt của tâm thức, không có tự tính. Đấy chỉ là vọng kế tưởng tượng sai lầm mà thôi.

Bạch Thế Tôn! Nếu chỉ do vọng chấp, không thật có các pháp thì có phải các pháp nhiễm hoặc tịnh đều là không?

Phải chăng không có gì nhiễm hay tịnh?

Phật dạy: Đại Huệ! Chính thế, chính thế! Như ông nói, phàm phu phân biệt các pháp, nhưng pháp tính không có như vậy. Đấy chỉ là vọng chấp, không gì có thật tính. Song các Bậc Thánh lấy tuệ nhãn của Thánh mà thấy biết như thật có tự tính các pháp.

Đại Huệ bạch: Nếu các Bậc Thánh dùng tuệ nhãn của mình mà thấy có tự tính các pháp, không phải thiên nhãn hay nhục nhãn, không giống như chỗ phân biệt của hạng phàm ngu, thì bạch Thế Tôn, làm sao hạng này lìa được phân biệt, vì họ không thể nào nhận biết Thánh pháp àryabhàvavastu?

Bạch Thế Tôn! Những người kia không điên đảo cũng không không điên đảo.

Vì sao?

Vì họ không thấy những pháp mà Thánh Nhân thấy. Vì cái thấy của Thánh Nhân lìa tướng hữu vô, nên Thánh cũng không phân biệt như sự phân biệt của phàm phu, vì không phải là cảnh giới của mình.

Bậc Thánh cũng thấy có tự tính các pháp như vọng chấp mà hiện, vì không nói có nhân cùng không nhân, nên họ cũng sa vào kiến chấp tự tính các pháp vậy.

Bạch Thế Tôn! Các cảnh giới khác đã không đồng với cảnh này của Thánh, như vậy thành lỗi vô cùng, vì như thế cái gì lập thành tự tính các pháp hóa ra không thể biết được.

Bạch Thế Tôn! Những gì do phân biệt mà có, không thể là tự tính của các pháp.

Thế thì sao trong khi đã bảo sự vật có ra là do vọng chấp phân biệt, lại còn nói rằng chúng thật không phải như người ta phân biệt?

Tại sao tự tính các pháp đã nói là không do phân biệt, lại nói do phân biệt mà có các pháp?

Bạch Thế Tôn! Đã đành sự phân biệt khác nhau nên các pháp cũng sai khác, vì nhân không giống nhau. Nhưng tại sao các pháp đều do phân biệt, mà chỉ cái phân biệt của phàm ngu là không như thật.

Và Thế Tôn lại còn nói: Vì muốn khiến chúng sinh xả bỏ các phân biệt nên ta nói các pháp do phân biệt thấy, không phải là pháp như thị.

Bạch Thế Tôn! Vì sao đã muốn chúng sinh lìa các pháp do kiến hữu vô chấp trước, mà còn chấp cảnh giới của Thánh trí, sa vào hữu kiến?

Vì sao không nói pháp tịch tịnh không vô, mà nói tự tính của Thánh trí?

Phật dạy: Đại Huệ! Không phải là ta không nói pháp tịch tịnh, cũng không phải ta sa vào hữu kiến vì đã nói tự tính của Thánh trí. Ta vì chúng sinh từ vô thỉ chấp trước nơi hữu, nên nói có cảnh giới ở trong tịch tịnh, khiến chúng nghe rồi không sinh hoảng sợ, có thể như thật chứng pháp không tịch, lìa các mê loạn, đi vào lý duy thức, biết các pháp hữu vô ở bên ngoài đều do tâm thấy, ngộ được ba giải thoát, được ấn như thật, thấy tự tính của pháp, rõ cảnh giới Thánh, xa lìa hết thảy chấp trước hữu vô.

Lại, này Đại Huệ! Các Bồ Tát đại hữu tình không nên lập thuyết rằng hết thảy pháp không sinh lời ấy tự nó đã hỏng.

Vì sao?

Vì tôn kia có đối đãi mà sinh vậy. Lại vì tôn kia tức đã lọt vào trong số hết thảy pháp, cái tướng không sinh cũng không sinh. Lại vì tôn kia do các phần làm thành.

Lại vì các pháp hữu, vô của tôn kia cũng đều không sinh, tôn ấy lọt vào trong số các pháp, nên tướng hữu vô cũng không sinh.

 Bởi thế hết thảy pháp không sinh thuyết ấy tự hỏng, không nên lập như thế, vì có nhiều lỗi lầm trong các phần của tam đoạn luận, lại có nhiều nhân khác nhau lẫn lộn trong đó. Cũng như thuyết các pháp không sinh, thuyết cho rằng các pháp đều không, vô tự tính cũng lại như vậy.

Đại Huệ! Bồ Tát đại hữu tình nên nói hết thảy pháp như huyễn như mộng, vì vừa được thấy cũng vừa không được thấy, vì hết thảy đều là mê loạn, trừ phi vì bọn ngu phu sợ hãi.

Đại Huệ! Kẻ phàm phu ngu muội sa vào kiến chấp hữu, vô, chớ nên làm cho chúng hoảng hốt xa lìa Đại Thừa.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Không tự tính, không thuyết

Không sự, không chỗ y

Phàm ngu phân biệt quấy

Ác giác như thây ma

Hết thảy pháp không sinh

Do ngoại đạo thành lập

Nhưng thuyết kia có sinh

Vì không do duyên thành

Hết thảy pháp không sinh

Kẻ trí không phân biệt

Tôn kia do nhân sinh

Nói thế tức là hỏng

Ví như mắt có màn

Vọng tưởng thấy hoa đốm

Các pháp cũng như vậy

Phàm ngu vọng phân biệt

Ba cõi chỉ giả danh

Mà không có thật thể

Do giả ấy bày ra

Liền phân biệt suy lường

Các sự tướng giả danh

Làm loạn động tâm thức

Con Phật tất vượt qua

Dạo nơi vô phân biệt

Không nước chấp có nước

Đều do khát mà sinh

Ngu thấy pháp cũng vậy

Bậc Thánh thì không thế

Thánh Nhân thấy thanh tịnh

Sinh nơi ba giải thoát.

Xa lìa cảnh sinh diệt

Thường du cảnh vô tướng

Kẻ tu cảnh vô tướng

Thì cái vô cũng không

Hữu vô đều bình đẳng

Cho nên sinh quả Thánh

Làm sao hết pháp hữu

Làm sao được bình đẳng

Nếu tâm không rõ pháp

Trong ngoài đều loạn động

Rõ rồi liền bình đẳng

Tướng loạn khi ấy diệt.

Đại Huệ Bồ Tát đại hữu tình lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! 

Như Phật đã dạy: Nếu biết cảnh giới chỉ là giả danh, đều bất khả đắc, tất không có sở thủ, vì không sở thủ nên cũng không có năng thủ, cả năng thủ sở thủ đều không, nên không khởi phân biệt, ấy gọi là trí.

Bạch Thế Tôn! Vì sao mà trí kia không được cảnh?

Có phải vì không rõ nghĩa một, khác, tự tướng, cọng tướng của hết thẩy pháp mà nói là không được?

Hay vì các pháp tự tướng cọng tướng nhiều thứ không giống nhau, che lấp lẫn nhau mà không được?

Hay vì núi cao tường đá, vì hàng rào, màn, rèm làm chướng ngại che lấp mà nói là không được?

Hay vì quá xa, quá gần, quá già quá bé, các giác quan căn mù tối không đầy đủ mà gọi là không được?

Nếu vì không rõ biết nghĩa một, khác, tự tướng cọng tướng của các pháp mà nói là không được, thì đấy không gọi là trí mà đúng là vô trí, vì có cảnh giới mà không biết được. Nếu vì các pháp có tự tướng cọng tướng không đồng, che lấp nhau mà không được, thì đây cũng là phi trí ajnàna.

Vì biết nơi cảnh giới mới gọi là trí chứ không phải không biết mà gọi là trí. Nếu vì bị núi cao tường đá, hàng rào, rèm, màn che lấp hay vì quá xa quá gần, già, bé, mù, tối mà không biết, thì đó cũng là phi trí, vì có cảnh giới mà trí không đầy đủ nên không biết.

Phật dạy: Đại Huệ! Cái thật trí ở đây không phải như ông nói. Chỗ ta nói không phải nói sự ẩn che. Ta nói cảnh giới chỉ là giả danh bất khả đắc, vì biết rõ do tự tâm thấy, các pháp bên ngoài có hoặc không, trí tuệ hoàn toàn không chấp.

Vì không chấp nên sở tri chướng không khởi, nhập vào ba giải thoát, trí và thể đều quên. Không phải như hết thảy phàm phu vì tập khí hí luận từ vô thỉ chấp trước pháp ngoài hoặc có hoặc không, chấp các hình tướng...

Biết như thế gọi là không biết, không hiểu các pháp do tâm hiện, chấp ngã, ngã sở, trí phân biệt cảnh, không biết ngoại cảnh vừa có vừa không, vì tâm những kẻ ấy ở trong đoạn kiến. Vì khiến chúng xa lìa các phân biệt như thế, nên nói hết thảy pháp do tâm kiến lập.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Nếu có các sở duyên

Trí tuệ không quán thấy

Đấy là ngu, không trí

Ấy là vọng chấp trước

Vô biên tướng lấp nhau

Chướng ngại cùng xa, gần

Trí tuệ không thấy được

Đấy gọi là tà kiến

Già, bé, các căn tối

Mà thật có cảnh giới

Không thể sinh trí tuệ

Ấy gọi là tà kiến.

Lại nữa, Đại Huệ! Kẻ ngu si phàm phu bị mê hoặc từ vô thỉ vì sự hư dối, tà kiến, phân biệt, không hiểu pháp như thật và ngôn ngữ bàn về pháp ấy, chấp trước vào các tướng ở ngoài tâm và những lời thuyết pháp phương tiện. Không thể tu tập pháp chân thật thanh tịnh lìa tứ cú.

Đại Huệ bạch: Chính thế, bạch Thế Tôn, chính như Thế Tôn dạy. Nguyện xin Thế Tôn vì con nói pháp như thật siddhàntanaya và pháp ngôn thuyết désanànaya, khiến con cùng các Bồ Tát đại hữu tình hiểu rành rẽ hai pháp này, không bị lung lạc vì ngoại đạo và Nhị Thừa.

Phật dạy: Ông hãy lắng nghe, lắng nghe. Ta sẽ nói cho ông.

Này Đại Huệ! Chư Như Lai trong ba đời có hai thứ pháp, ấy là pháp ngôn thuyết và pháp như thật. Ngôn Thuyết pháp là tùy theo tâm của chúng sinh mà nói những giáo lý phương tiện khác nhau. pháp như thật là người tu hành lìa phân biệt các pháp do tâm hiện, không sa vào hý luận một, khác, cùng, không cùng.

Siêu việt hết thảy tâm, ý, ý thức. Ở nơi cảnh giới của Thánh trí tự chứng, lìa các kiến chấp về nhân duyên, tương ưng. Hết thảy ngoại đạo, Thanh Văn, Duyên Giác, những người sa vào nhị biên đều không thể biết được, ấy gọi là pháp như thật. Hai thứ pháp ấy, ông cùng các Bồ Tát đại hữu tình nên khéo tu học.

Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:

Ta nói hai thứ pháp

Ngôn giáo và như thật

Giáo pháp cho phàm phu

Thật pháp bậc tu hành.

****

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần