Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Một - Phẩm Chánh Sĩ - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MỘT

PHẨM CHÁNH SĨ  

TẬP MỘT  

Nghe như vậy!

Một thuở, Đức Phật hành hóa trên núi Linh Thứu tại thành Vương Xá cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm ba vạn hai ngàn vị, tám vạn ngàn Bồ Tát đều đạt đến Bậc Thánh không chỗ nào chẳng sáng tỏ, là bậc Sa Môn Đại Sĩ.

Đã đạt thần thông, đã được tổng trì biện tài vô ngại, chứng đắc pháp nhẫn vô sở trước bất khởi, hiểu rõ định hạnh, thấy được tâm của chúng sinh để tùy nghi hóa độ mà vì họ thuyết pháp, Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đế Thích, Vua Trời Phạm Nhẫn và còn vô số các Trời, Rồng Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Già Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân Phi Nhân… mỗi loại có hàng trăm ngàn chúng đều đến trong hội.

Bấy giờ, Đồng chân Bồ Tát Nhuyễn Thủ đang ở trên sườn một ngọn núi khác, cùng với hai mươi lăm vị Chánh Sĩ mà giảng luận đạo pháp. Tên các vị Bồ Tát đó là Bồ Tát Long Thủ, Bồ Tát Long Thí, Bồ Tát Thủ Cụ, Bồ Tát Thủ Tạng, Bồ Tát Liên Thủ, Bồ Tát Liên Thủ Tạng, Bồ Tát Trì Nhân, Bồ Tát Trì Địa, Bồ Tát Bảo Chưởng, Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Bồ Tát Sư Tử Ý.

Bồ Tát Sử Tử Bộ Lôi Âm, Bồ Tát Hư Không Tạng, Bồ Tát Phát Ý Chuyển Pháp Luân, Bồ Tát Biện Chư Cú, Bồ Tát Biện Tích, Bồ Tát Hải Ý, Bồ Tát Đại Sơn, Bồ Tát Hỷ Kiến, Bồ Tát Hỷ Vương, Bồ Tát Sát Vô Ngạn, Bồ Tát Du Vô Tế Pháp Hạnh, Bồ Tát Siêu Ma Kiến, Bồ Tát Vô Ưu Thí, Bồ Tát Chư Nghị Cáo. Đó là hai mươi lăm vị Chánh Sĩ.

Trên Trời Đâu Suất có bốn vị Thiên Tử đều đứng hầu sau Bồ Tát Nhuyễn Thủ, những vị Thiên Tử đó là: Thiên Tử Phổ Hoa, Thiên Tử Quang Hoa, Thiên Tử Mỹ Hương, Thiên Tử Thường Tấn Pháp Hạnh. Lại có nhiều vô số kể các Thiên Tử khác đều đến đó đứng hầu.

Những Chánh Sĩ, các Thiên Tử ấy cũng đều ngồi lại lần lượt giảng giải, bàn luận hỏi rằng: Thưa Nhân Giả! Muốn biết trí tuệ của Phật rộng khắp vô hạn, không thể nghĩ bàn, chẳng thể xưng lượng, không thể diệt độ đến cõi cùng cực, không thể dùng cái ý tưởng nhỏ mọn mà tư duy nguồn cội của áo giáp đại đức.

Phải dùng cái phương tiện thệ nguyện gì để mặc áo giáp giới đức mà có thể đạt tới đại thừa, Phật thừa, các thông tuệ thừa, bất khả tư nghị thừa, để cho những điều ấy ứng hợp với đạo ư?

Bồ Tát Long Thủ nói: Tích lũy công đức chẳng biết nhàm chán, kiến lập phúc lộc tốt lành chẳng thể hạn lượng mà chẳng hủy hoại áo giáp giới đức. Tất cả việc đã làm không mong cầu gì thì điều ấy ứng hợp với các thông tuệ của đại thừa vậy.

Bồ Tát Long Thí nói: Tâm bình đẳng rộng khắp, điều hòa ý chí, tính thấm nhuần, ý nhu nhuyến, mà lòng nhân hậu kiên trì an trụ chính nguyện. Bằng các thông tuệ, mặc giáp giới đức, hóa độ sinh tử thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Thủ Cụ nói: Số kiếp nhiều không kể xiết hướng về đại thừa, mặc giáp giới đức, đối với số kiếp chẳng nghĩ đến kiếp số thì ứng với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Thủ Tạng nói: Những ai tự kiến lập, an ổn cho riêng mình thì chẳng thể đạt đến thông tuệ của đại thừa, bỏ sự an vui của mình, kiến lập cho chúng sinh, muốn cho luôn có sự an vui lớn, khiến chẳng cầu mong cũng không chỗ khởi. Khuyến tấn mọi người đứng vững nơi đạo pháp thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Liên Thủ nói: Này chư vị!

Còn nhớ Như Lai đã giảng rằng: Giả sử có người tự chẳng nhu thuận, không có tịch tĩnh, chẳng theo Luật dạy mà muốn điều phục tịch tĩnh cho người khác, đem Luật khuyên người, thật chưa từng có vậy. Tự mình điều thuận tịch tĩnh, tuân theo luật pháp mới có thể hóa độ, khích lệ được kẻ cang cường, rối loạn, ức chế được kẻ phạm cấm giới. Như thế thì ứng hợp với các thông tuệ của đại thừa vậy.

Bồ Tát Liên Thủ Tạng nói: Kẻ cùng ở trần lao sống theo pháp thế gian thì chẳng hóa độ được cuộc đời. Những ai chẳng cùng trần lao sống theo pháp thế gian thì mới có thể độ được đời. Vậy nên Bồ Tát có lợi, không lợi, hoặc khen, hoặc chê, có danh, không danh, hoặc khổ, hoặc vui, chẳng động, chẳng lay thì mới ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Trì Nhân nói: Không thể theo người khác mà đạt đến các thông tuệ đại thừa. Ta riêng một mình mà không có bè bạn. Do vì chúng sinh nên thề mặc áo giáp đức, thiết lập sự hộ trì tất cả thì ta đã kịp thời đến cứu tế, ủng hộ, luôn tinh tấn dù trong chốc lát cũng chẳng biếng nhác, giáo hóa dân chúng, kiến lập, phát khởi học tập. Đó là ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Trì Địa nói: Ví như các Nhân Giả được sự nâng đỡ của đất, tất cả các loại trái cây, trăm thứ hạt để ăn, dược thảo, cây cối đều nhờ đất mà sinh, nhưng đất không vứt bỏ thứ gì, cũng chẳng cầu báo đáp. Dân chúng, mọi thứ, mọi loài đều nhờ đất mà sống.

Đất chẳng từ chối, chán nản, chẳng mệt nhọc, Khai sĩ, Đại Sĩ cũng phải như vậy, phải phát tâm như đất, tâm không chỗ chấp trước, chẳng đem vui, giận khuyên bảo lê dân khiến họ hướng về Phật tuệ mà không nghĩ tưởng đến việc báo đền. Ấy là ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Bảo Chưởng nói: Nhân Giả nên biết! Mặc giáp đức cao thượng mới đến được Phật tuệ, không thể bại hoại khiến phải bỏ đại thừa, dù ở trong mộng cũng chẳng để tâm vào hai thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, thường dùng tâm thật, các tâm thông tuệ, vì người giảng giải, tuyên nói với tấm lòng trân quý không chỗ tham trước, không chỗ ái kính, khuyên chúng đại thừa thề mặc áo giáp đức.

Học thừa của họ không phải không có thừa, chẳng tăng, chẳng giảm. Tâm họ như vậy, không chỗ kính mộ thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa.

Bồ Tát Bảo Ấn Thủ nói: Thấy chúng sinh rơi vào trong sáu đường mà phát tâm thương xót, ban ân huệ cho chúng sinh, làm người trao cho họ giáo pháp. Họ không tin thì làm người tạo cho họ lòng tin. Họ thiếu trí thì làm người giúp cho họ nghe rộng hiểu nhiều.

Họ xan tham thì làm người làm cho họ có trí tuệ. Họ phạm giới thì làm người giúp họ hộ trì giới cấm. Họ sân hận thì làm người cho họ hạnh nhẫn nhục. Họ biếng nhác thì làm người giúp họ tinh tấn. Họ loạn ý thì làm người khiến họ được nhất tâm. Họ tà trí thì làm cho họ có trí tuệ. Cứ tùy theo chúng sinh xa rời pháp thanh tịnh nào mỗi mỗi đều ứng thời thiết lập đầy đủ các pháp đối trị. Bậc Khai sĩ tạo nhiều thủ ấn của gốc đức ấy, đưa đến ba món báu.

Những gì là ba?

Đó là:

1. Kiến lập đủ cho quần sinh trí tuệ Phật, khuyến khích, giúp đỡ họ đến với Bảo ấn thủ.

2. Đã thành tựu cội gốc công đức là Bảo ấn thủ.

3. Nghĩ tất cả pháp như hư không là Bảo ấn thủ.

Kiến lập lên như thế nào là ba báu. Đó là ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Sư Tử Ý nói: Các Nhân Giả nên biết! Nếu mặc áo giáp vô úy thì không sợ hãi.

Những áo giáp đức đã thề mang vào như: Áo giáp không khó, áo giáp không ngăn ngại, áo giáp không khiếp nhược, áo giáp không biếng nhác. Đó chính là Phật tuệ.

Vậy hành giả chẳng nên kinh sợ, không khó, không ngại, không khiếp nhược, không biếng nhác, lìa khỏi ách nạn, chẳng rởn lông kinh sợ, từ đầu đến cuối không lỗi lầm dơ bẩn, cũng chẳng ngưỡng mong đức của Nê Hoàn, bình đẳng an trụ trong khổ vui mà không hai hạnh. Như vậy là ứng hợp với các thông tuệ của đại thừa.

Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm nói: Các Nhân Giả nên biết! Những việc chẳng phải tài hạnh thấp hèn kia là đã kiến tạo nên người Chánh Sĩ.

Người Chánh Sĩ hướng về bình đẳng, rời khỏi tà kiến.

Người Chánh Sĩ lòng chất phác mà không dua nịnh.

Người Chánh Sĩ lao nhọc, khiêm nhường, nhu thuận, tôn thầy, kính Thánh.

Người Chánh Sĩ siêng học, chẳng biết mệt mỏi. Đã học thì học đến tận nguồn gốc.

Người Chánh Sĩ kính mừng chánh trị, kiến lập chánh nghiệp.

Người Chánh Sĩ nếu có muốn là muốn xả bỏ những pháp ô uế. Người Chánh Sĩ nếu có sân giận thì ý không có oán kết.

Người Chánh Sĩ nếu có ngu si thì dùng trí tuệ chiếu trừ tối tăm.

Người Chánh Sĩ tịch nhiên, rỗng lặng, gần với kho tàng định.

Người Chánh Sĩ bố thí đầy đủ ân huệ và mọi tai nạn, bần khổ đều được cứu tế ngay.

Người Chánh Sĩ giữ gìn thân, miệng, ý, trong sáng mà lặng yên.

Người Chánh Sĩ lời nói việc làm tương ứng, tánh tình chất phác, ngay thẳng.

Người Chánh Sĩ chí đã kiên cường, ưa chuộng pháp chân đế.

Người Chánh Sĩ lìa phi pháp, gần gũi hộ trì chánh pháp, ưa hộ trì chánh pháp.

Người Chánh Sĩ khinh thường thân mạng mình nhưng chẳng bỏ rơi chúng sinh.

Người Chánh Sĩ đã vang dậy danh tiếng, thích bố thí nhưng lòng không ham thích.

Người Chánh Sĩ chí thuần thục đạo pháp, tiêu trừ hóa giải hết hung ác, giả trá.

Người Chánh Sĩ thì đem kho báu cứu tế nghèo thiếu.

Người Chánh Sĩ là thuốc hay trị lành các bệnh tật.

Người Chánh Sĩ hộ trì những kẻ sợ hãi, khiến họ được tự trở về.

Người Chánh Sĩ dắt dẫn các tà kiến đến chỗ không bờ bến.

Người Chánh Sĩ gắng sức tế độ nhọc nhằn, dơ bẩn, khuyên đến với Kinh Điển.

Người Chánh Sĩ nhẫn nhịn điều hòa sân giận mà thuận theo điều cần nên làm. Vậy nên, kiến lập pháp của bậc Chánh Sĩ, đó chính là ứng hợp với các thông tuệ của đại thừa vậy.

Bồ Tát Hư Không Tạng nói: Tu bằng lòng từ vô lượng hư không. Hạnh tinh tấn kia chưa từng phế bỏ hạnh đại bi, các căn vui mừng đều lộ vẻ hớn hở. Đối với các ái dục đã được vui sướng xem như hư không, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ đều cũng như hư không thì ứng hợp với các thông tuệ của đại thừa vậy.

Bồ Tát Phát Ý Chuyển Pháp Luân nói: Phát tâm Bồ Tát, đã phát tâm thì chẳng nên phát tâm để cho ma phá hoại được, không để cho Như Lai vui mừng, không để cho Trời người chẳng vui mừng, không để cho gốc đức bị hao tổn.

Nếu muốn xây dựng đạo ý thì phải tùy thuận khuyến dụ, khiến cho chúng ma tệ ác chẳng làm hại được. Phát tâm mà thuận theo ý Như Lai thì Trời, người vui mừng, chẳng mất gốc đức mà bản thân đã tạo nên. Tu được tất cả sự phát tâm như thế tức là chuyển bánh xe pháp.

Vì sao?

Vì Bồ Tát ấy, các nhân duyên phát tâm của họ là không có chỗ sinh. Họ hiểu rõ các pháp hằng không sinh khởi. Chư Phật Như Lai thuận theo Chánh Giác để chuyển pháp luân. Phát tâm mặc áo giáp giới đức như vậy là ứng hợp với các thông tuệ đại thừa.

Bồ Tát Biện Chư Cú nói: Người Chánh Sĩ nên biết! Cái đạo tâm ấy là người Chánh Sĩ vào khắp trần lao, sân hại, hữu lậu, vô lậu, hữu vi vô vi, cũng vào nơi tội lỗi mà không hệ lụy trong tội lỗi, cũng vào trong việc thiện, cũng vào pháp thế gian để độ pháp thế gian, cũng vào những điều chấp là đoạn diệt và thường còn, cũng vào những việc của các ấm, các suy, các nhập, cũng vào đất, nước, gió, lửa.

Vì sao?

Vì phần các nhân duyên đều tự nhiên. Cái tánh vốn thanh tịnh, ở đâu nếu đã có lời nói thì tất cả mọi thuyết giảng đều là rỗng không và không có sở hữu. Ví như hư không chỗ nào chẳng vào được. Đạo tâm như thế sẽ đến khắp tất cả, Bồ Tát với trí tuệ như thế thì trừ bỏ tất cả văn tự, biện tài, phân biệt được các trần là kiến lập được tuệ biện tài. Nếu có thể vào được Nhất thánh trí như thế tức là ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

Bồ Tát Biện Tích nói: Tất cả điều đã nói đều không có lời để nói. Tất cả âm thanh là những gì không thể có được. Bồ Tát với trí tuệ như thế thì lời tốt, lời xấu đều chẳng vui chẳng thích. Ví như núi Thái Sơn, gió thổi đến thì liền bị dội lại mà núi chẳng lay động. Bồ Tát được như vậy thì đối với các học phái khác tất cả lời nói của chúng sinh chẳng làm lay động được.

Các pháp ngoại đạo cũng không trụ chấp như Như Lai đã nói: Đối với pháp ngoại đạo các pháp khác phải quan sát, không vì đó mà để tăng giảm, cũng không rối loạn tâm mình. Thấy hết các biện tài, tất cả các pháp. Thấu rõ tường tận các pháp mà chẳng tự cao, cũng không chỗ suy nghĩ. Bồ Tát hay tu hành tuệ như thế thì ứng hợp với các thông tuệ đại thừa vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần