Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Xảo Tiện - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BA
PHẨM HAI MƯƠI BA
PHẨM XẢO TIỆN
PHẦN MỘT
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, làm sao tu tập Tam Ma Địa không, vô tướng, vô nguyện?
Làm sao nhập Tam Ma Địa không, vô tướng, vô nguyện?
Làm sao tập bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo?
Làm sao tu bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo?
Làm sao tập các pháp bồ đề phần khác?
Làm sao tu các pháp bồ đề phần khác?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, nên quán sắc uẩn cho đến thức uẩn đều không.
Nên quán nhãn xứ cho đến ý xứ đều không.
Nên quán sắc xứ cho đến pháp xứ đều không.
Nên quán nhãn giới cho đến ý giới đều không.
Nên quán sắc giới cho đến pháp giới đều không.
Nên quán nhãn thức giới cho đến ý thức giới đều không.
Nên quán nhãn xúc cho đến ý xúc đều không.
Nên quán các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra đều không.
Nên quán địa giới cho đến thức giới đều không.
Nên quán nhân duyên cho đến tăng thượng duyên đều không.
Nên quán vô minh cho đến lão tử đều không.
Nên quán bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa đều không.
Nên quán pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không đều không.
Nên quán chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì đều không.
Nên quán Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo đều không.
Nên quán bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo đều không.
Nên quán bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc đều không.
Nên quán tám giải thoát cho đến mười biến xứ đều không.
Nên quán pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện không.
Nên quán Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa đều không.
Nên quán Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa đều không.
Nên quán tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa đều không.
Nên quán năm loại mắt, sáu phép thần thông đều không.
Nên quán mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng đều không.
Nên quán đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả đều không.
Nên quán ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp đều không.
Nên quán pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả đều không.
Nên quán trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đều không.
Nên quán quả Dự Lưu cho đến Ðộc giác bồ đề đều không.
Nên quán tất cả hạnh Đại Bồ Tát, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật đều không.
Nên quán pháp hữu lậu, vô lậu đều không.
Nên quán pháp thế gian và xuất thế gian đều không.
Nên quán pháp hữu vi, vô vi đều không.
Nên quán pháp quá khứ, vị lai, hiện tại đều không.
Nên quán pháp thiện, bất thiện, vô ký đều không.
Nên quán pháp của Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới đều không.
Thiện Hiện nên biết! Khi Đại Bồ Tát ấy quán như vậy thì tâm không loạn. Nếu tâm không loạn thì không thấy pháp, nếu không thấy pháp thì không tác chứng.
Vì sao?
Vì các Đại Bồ Tát học một cách rốt ráo tự tướng của các pháp đều không. Không có pháp nào tăng, không có pháp nào giảm, cho nên đối với các pháp không thấy, không chứng.
Vì sao?
Vì trong thắng nghĩa đế của các pháp, người chứng, pháp được chứng, thời gian chứng, nơi chốn chứng và do đây chứng, chung hoặc riêng đều không thể dắc và không thể thấy.
Bấy giờ, Thiện Hiện liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Ngài nói: Các Đại Bồ Tát nên quán pháp không, nhưng không chứng.
Vì sao các Đại Bồ Tát nên quán pháp không mà không chứng?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Đại Bồ Tát quán pháp không, trước tiên hãy nghĩ như vậy: Pháp ta nên quán, các tướng của nó đều không, không nên chứng. Vì học mà ta quán các pháp không, chứ không phải vì chứng mà quán các pháp không. Nay là lúc ta học, chẳng phải lúc ta chứng.
Đại Bồ Tát ấy khi chưa nhập định thì buộc tâm vào cảnh chứ chẳng phải nhập định rồi buộc tâm vào cảnh. Lúc này, Đại Bồ Tát ấy không thối lui tất cả pháp phần bồ đề, không chứng lậu tận.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát ấy thành tựu trí tuệ rộng lớn như vậy, khéo trụ vào pháp không, và tất cả pháp phần bồ đề, luôn nghĩ như vậy: Bây giờ nên học chứ không nên chứng.
Đại Bồ Tát ấy hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, thường nghĩ:
Đối với bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với tám giải thoát cho đến mười biến xứ, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với năm loại mắt, sáu phép thần thông, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với tất cả hạnh Đại Bồ Tát, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật, bây giờ ta nên học chứ không nên chứng.
Nay vì học trí nhất thiết trí mà ta cần phải học quả Dự Lưu cho đến Ðộc giác bồ đề, để cho hoàn hảo chứ không chứng.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu nên tập Tam Ma Địa không, vô tướng, vô nguyện. Nên trụ Tam Ma Địa không, vô tướng, vô nguyện. Nên tu Tam Ma Địa không, vô tướng, vô nguyện, nhưng đối với thật tế không tác chứng.
Nên tập bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Nên trụ bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Nên tu bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, nhưng đối với thật tế không tác chứng.
Nên tập các pháp phần bồ đề khác. Nên trụ vào các pháp phần bồ đề khác. Nên tu các pháp phần bồ đề khác, nhưng đối với thật tế không tác chứng.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy tuy tập pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, cũng trụ vào pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện và cũng tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, nhưng không chứng quả Dự Lưu cho đến không chứng Ðộc giác bồ đề.
Tuy tập bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, cũng trụ vào bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo và cũng tu bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, nhưng không chứng quả Dự Lưu cho đến không chứng Ðộc giác bồ đề.
Tuy tập các pháp phần bồ đề khác, cũng trụ vào các pháp phần bồ đề khác và cũng tu các pháp phần bồ đề khác, nhưng không chứng quả Dự Lưu cho đến không chứng Ðộc giác bồ đề.
Nhờ đó mà Đại Bồ Tát ấy không rơi vào Địa vị Thanh Văn và Ðộc giác, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thiện Hiện! Ví như tráng sĩ dung mạo đẹp đẽ, oai hùng, khỏe mạnh, ai thấy cũng hoan hỉ và có đầy đủ quyến thuộc thanh tịnh, viên mãn thù thắng. Ðối với các binh pháp đã học, đạt đến chỗ rốt ráo, cầm khí trượng rất tài giỏi, hiên ngang bất động. Có sáu mươi bốn tài năng, mười tám môn học sáng suốt, tất cả các kỹ thuật đều tài giỏi, mọi người ai nấy đều khâm phục, kính ngưỡng.
Vì tài giỏi, nên bỏ công ít mà được lợi nhiều. Do đây mà mọi người cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen không lúc nào ngớt. Lúc này, sự vui mừng của tráng sĩ tăng gấp bội, làm cho quyến thuộc cũng vui mừng lây.
Vì có việc cần nên tráng sĩ đưa cha mẹ, vợ con, quyến thuộc lên đường đi đến phương khác. Trên đường đi, băng qua vùng hoang vu, hiểm nạn. Trong đó có rất nhiều thú dữ, giặc cướp, oán thù mai phục đáng sợ.
Quyến thuộc lớn nhỏ đều kinh hãi. Người tráng sĩ ấy nhờ có nhiều kỹ thuật oai hùng lẫm liệt nên thâm tâm thản nhiên, an ủi cha mẹ và quyến thuộc: Đừng có lo lắng, sợ hãi, không có chuyện gì đâu. Nhờ khả năng tài giỏi, tráng sĩ ấy đưa quyến thuộc đến nơi an ổn, thoát khỏi ách nạn nên mọi người vui mừng, sung sướng.
Ở trong vùng hoang vu, tráng sĩ kia không bị thú dữ, oác tặc giết hại là vì sao vậy?
Vì tráng sĩ oai phong lẫm liệt, có đủ các kỹ thuật nên không sợ gì hết.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, vì thương xót các hữu tình trong khổ sanh tử mà hướng dẫn họ đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, phổ duyên cho hữu tình phát sanh bốn vô lượng tâm.
Tâm câu hành an trụ với bốn vô lượng, siêng năng tu tập bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa khiến mau viên mãn. Đại Bồ Tát ấy chưa viên mãn sáu pháp Ba la mật đa, vì muốn tu học trí nhất thiết trí, nhưng không chứng lậu tận.
Tuy trụ vào pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng không chuyển theo thế lực đó, cũng không bị sự ngăn cản đó lôi kéo. Đối với môn giải thoát cũng không tác chứng. Vì không chứng nên chẳng rơi vào Địa vị Thanh Văn và Ðộc giác, nhất định đi đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thiện Hiện nên biết! Giống như chim cánh vàng bay lượn trên hư không, bay lượn tự do chẳng bị rơi xuống đất. Mặc dù nương hư không chơi nhưng không chiếm lấy hư không, cũng không bị hư không làm trở ngại.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát cũng vậy, mặc dù luôn luôn tập trụ tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, nhưng trong đó không chứng. Do không chứng nên chẳng rơi vào địa vị Thanh Văn và Ðộc giác.
Tu mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả và mười tám Pháp Phật bất cộng v.v… và vô lượng Phật Pháp khác. Nếu chưa viên mãn thì không bao giờ nương vào không, vô tướng, vô nguyện để mà chứng lậu tận.
Thiện Hiện! Giống như tráng sĩ có tài bắn cung giỏi, muốn chứng minh tài năng của mình bèn giương cung lên hư không, và mục đích muốn mũi tên bay trong hư không chẳng rơi xuống đất, nên lấy mũi tên sau bắn vào đuôi mũi tên trước. Cứ lần lượt như vậy mãi, từng mũi tên nối tiếp nhau không rơi xuống được. Nếu muốn nó rơi, chỉ có cách là ngưng bắn mũi tên sau, lúc đó các mũi tên mới rơi xuống.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu được phương tiện thiện xảo bảo hộ, cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Nếu căn lành chưa thành thục thì đối với trung đạo không bao giờ chứng thật tế. Còn như đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, nhờ tất cả căn lành được thành thục, thì bấy giờ Bồ Tát mới chứng thật tế và đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Cho nên, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu đều phải quán sát thật kỹ như vậy. Như trước đã nói về thật tướng của các pháp, tu các hạnh Đại Bồ Tát mà hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Bấy giờ, Thiện Hiện liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát thật là hi hữu, có thể làm những việc khó làm. Mặc dù luôn tu học thật tướng của các pháp, luôn tu học chân như, pháp giới, pháp tánh cho đến cảnh giới bất tư nghì. Luôn tu học pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Luôn tu học Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Luôn tu học bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh Đạo.
Luôn tu học ba môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện và tất cả pháp phần bồ đề khác, nhưng ở trong trung đạo chẳng rơi vào Địa vị Thanh Văn và Ðộc giác, không thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?
Phật Bảo: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát thề chẳng lìa bỏ các hữu tình.
Nghĩa là nguyện như vậy: Nếu các hữu tình nào chưa được giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, thì ta quyết không bao giờ bỏ gia hạnh căn lành.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát dùng nguyện lực thù thắng mà nghĩ như vậy: Nếu các hữu tình nào chưa giải thoát, trọn đời ta không lìa bỏ họ. Do phát khởi tâm rộng lớn như vậy nên chắc chắn không bị thối lui, rơi lại giữa đường.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát luôn nghĩ như vậy: Ta không nên lìa bỏ tất cả hữu tình, quyết làm cho họ được giải thoát. Nhưng các hữu tình hành theo pháp bất chánh, nên vì độ họ mà luôn sống trong sự tịch tĩnh của pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Mặc dù luôn sống như vậy nhưng không thủ chứng.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng, tuy luôn hiện khởi ba môn giải thoát cho đến chứng đắc trí nhất thiết trí, nhưng trong thời gian đó không chứng thật tế.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát thường ưa thích quán sát chỗ sâu xa ấy, nghĩa là thích quán sát pháp nội không, ngoại không, nội ngoại không, đại không, không không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán không, bản tính không, tự tướng không, nhất thiết pháp không, vô tính không, vô tính tự tính không.
Cũng ưa thích quán sát bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo, và pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện v.v… tự tướng đều là không.
Thiện Hiện nên biết! Quán như vậy rồi, Đại Bồ Tát nghĩ: Các loại hữu tình do năng lực của bạn ác mà có tưởng chấp về ngã, nói rộng cho đến tưởng chấp về người thấy. Do tưởng chấp này có sở đắc, cho nên luân hồi trong sanh tử, chịu các khổ. Vì đoạn tưởng chấp của các hữu tình nên hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, vì các hữu tình mà nói pháp thâm diệu để đoạn trừ tưởng chấp mà lìa khổ sanh tử.
Bấy giờ, tuy các Đại Bồ Tát học ba môn giải thoát nhưng không nương vào đây mà chứng thật tế. Vì không chứng thật tế nên không rơi vào quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Ðộc giác bồ đề. Nhờ suy nghĩ như vậy, Đại Bồ Tát ấy hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, thành tựu căn lành, không chứng đắc thật tế.
Mặc dù chưa chứng thật tế nhưng không thối lui làm mất bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định Vô Sắc. Cũng không thối lui làm mất bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Cũng không thối lui làm mất pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.
Cũng không thối lui làm mất tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Cũng không thối lui làm mất pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Cũng không thối lui làm mất chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Cũng không thối lui làm mất Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.
Cũng không thối lui làm mất bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Cũng không thối lui làm mất các Bậc Bồ Tát. Cũng không thối lui làm mất pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa. Cũng không thối lui làm mất năm loại mắt, sáu phép thần thông. Cũng không thối lui làm mất mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.
Cũng không thối lui làm mất đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Cũng không thối lui làm mất pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Cũng không thối lui làm mất trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Cũng không thối lui làm mất vô lượng, vô biên các Phật Pháp khác.
Thiện Hiện nên biết! Bấy giờ, Đại Bồ Tát ấy thành tựu tất cả pháp phần bồ đề, cho đến chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đối với các công đức ấy không bao giờ suy giảm. Bồ Tát ấy hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, dùng phương tiện thiện xảo mà nhiếp giữ. Trong từng sát na, bạch pháp tăng trưởng, các căn nhanh nhẹn, tất cả Thanh Văn và Ðộc giác không thể sánh kịp.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát luôn suy nghĩ: Các loài hữu ngày đêm tâm thường hành bốn điên đảo, là: Tưởng điên đảo, tâm điên đảo, thấy điên đảo về thường. Tưởng điên đảo, tâm điên đảo, thấy điên đảo về lạc. Tưởng điên đảo, tâm điên đảo, thấy điên đảo về ngã. Tưởng điên đảo, tâm điên đảo, thấy điên đảo về tịnh.
Vì các hữu tình ấy mà ta hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, tu hạnh Đại Bồ Tát. Khi chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, nói pháp không điên đảo cho các hữu tình, nghĩa là nói sanh tử không thường, không lạc, không ngã, không tịnh, chỉ có Niết Bàn vi diệu, tịch tĩnh mới đầy đủ các công đức chơn thật của thường, lạc, ngã, tịnh.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy thành tựu niệm này, hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, dùng phương tiện thiện xảo mà nhiếp giữ. Nếu chưa viên mãn mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng và vô lượng, vô biên các Phật Pháp khác, thì cuối cùng không chứng nhập định thù thắng của Chư Phật.
Thiện Hiện nên biết! Khi ấy, Đại Bồ Tát ấy học ba môn giải thoát ra vào tự tại nhưng chưa chứng thật tế, cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Nhờ hành công đức nên chưa viên mãn hoàn toàn, không chứng thật tế và các công đức khác. Nếu khi nào đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mới có thể chứng đắc.
Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy tu tập tuy chưa viên mãn các công đức khác nhưng đã tu viên mãn pháp môn vô nguyện Tam Ma Địa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Năm - Học địa
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Giáo Giới Phú Lâu Na
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Xảo Tiện - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lục Nhập Xứ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Phương Quảng - Phần Bảy - Diệt định
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Năm