Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Hai - Phẩm Thực Hành Tất Cả Pháp - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM THỰC HÀNH TẤT CẢ PHÁP
PHẦN BỐN
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Đại Huệ Bồ Tát: Đại Huệ! Tướng không, vô sinh, không hai, vô tự tính ấy, có thể tìm thấy trong Kinh của Chư Phật nói.
Đại Huệ! Kinh tùy thuận tâm chúng sinh mà nói, nhưng chân lý không nằm trong lời. Thí như những con thú bị quáng nắng tưởng thấy nước mà thật không có nước, những gì các Kinh nói cũng thế, chỉ thuận theo phân biệt của ngu phu, khiến chúng sinh hoan hỷ, đều không phải là các pháp hiển bày chỗ chứng chân thật của Thánh Trí.
Đại Huệ, hãy theo nghĩa, không nên bám vào lời.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Trong Kinh nói bản tính Như Lai tạng vốn thanh tịnh, hằng tồn không dứt, không biến dịch, đủ ba mươi hai tướng, ở trong tất cả thân chúng sinh, bị quấn trong lớp áo dơ uế của uẩn giới xứ, bị ô nhiễm vì tham, nhuế, si... và sự phân biệt hư vọng, như ngọc vô giá bọc trong áo dơ. Ngoại đạo thì nói ngã là tác giả thường trú, lìa câu na guna, đức, tự tại, bất diệt.
Như Lai tạng mà Thế Tôn dạy không phải giống như Ngã của ngoại đạo sao?
Phật dạy: Này Đại Huệ! Như Lai tạng do ta nói không giống ngã ngoại đạo nói.
Đại Huệ! Như Lai dùng các nghĩa tính không, thật tế, Niết Bàn, bất sinh, vô tướng, vô nguyện v.v... Mà diễn tả Như Lai tạng.
Vì muốn ngu phu lìa sợ hãi đối với vô ngã mà nói pháp môn Như Lai tạng, vô phân biệt, vô ảnh tượng. Các Bồ Tát vị lai, hiện tại không nên do đó mà chấp ngã.
Đại Huệ! Thí như thợ gốm do đất sét, nhân công, nước gỗ, mà làm ra các vật dụng, Như Lai cũng thế, vì để giảng dạy pháp môn viễn ly hết thảy tướng phân biệt, vô ngã, mà phải dùng trí tuệ phương tiện khéo, sử dụng các danh từ khác nhau như khi thì nói Như Lai tạng, khi thì nói vô ngã v.v...
Đại Huệ! Ta nói Như Lai tạng là để nhiếp phục ngoại đạo chấp ngã, khiến lìa tà kiến, thâm nhập ba giải thoát, mau chứng Vô Thượng Bồ Đề.
Vì thế Như Lai tạng mà Chư Phật nói không giống với ngã của ngoại đạo. Muốn xa lìa tà kiến ngoại đạo, ông nên biết nghĩa Như Lai tạng là vô ngã.
Khi ấy Thế Tôn nói bài tụng:
Uẩn tương tục và người
Các duyên và vi trần
Thắng, tự tại, tác giả
Đều do tâm phân biệt.
Bồ Tát Đại Huệ quán chúng sinh đời vị lai mà hỏi Phật rằng: Bạch Thế Tôn, xin vì con nói pháp tu đầy đủ để thành tựu bậc đại tu hành như các Bồ Tát đại hữu tình.
Phật dạy: Đại Huệ! Bồ Tát đại hữu tình đủ bốn điều kiện thì thành bậc đại tu hành, ấy là:
1. Quán sát cảnh tự tâm hiện.
2. Xa lìa kiến chấp sinh, trú, diệt.
3. Biết rõ các pháp do tâm sinh vốn không có tự tính.
4. Chuyên cầu tự chứng Thánh Trí.
Nếu các Bồ Tát thành tựu bốn pháp ấy thì gọi là bậc đại tu hành.
Đại Huệ! Sao là quán sát cảnh tự tâm hiện?
Là quán ba cõi không ngoài tâm, lìa ngã, ngã sở, không có hành động tạo tác, không đến đi, chỉ do tập khí chấp trước từ vô thỉ huân thành. Bồ Tát quán sát cảnh tự tâm hiện như thế.
Đại Huệ! Sao gọi là lìa cái thấy sinh trú diệt?
Ấy là quán sát hết thảy pháp như huyễn mộng sinh, không tự sinh, không cộng sinh, không tự tha cùng sinh, chỉ do tự tâm hiện.
Thấy ngoại vật không thực có, thấy các thức không sinh, các duyên không tích tụ, thấy do phân biệt mà có ra ba cõi. Quán sát như thế, hoặc ở trong hoặc ở ngoài, các pháp đều bất khả đắc, biết rõ không có thể tính chân thật, nên xa lìa kiến chấp về sinh, chứng tính như huyễn.
Khi ấy Bồ Tát liền được vô sinh pháp nhẫn, an trú địa thứ tám, hiểu rõ tâm, ý, thức, năm pháp, ba tự tính, hai vô ngã, chuyển thức sở y, được thân ý sinh.
Đại Huệ nói: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là thân ý sinh?
Đại Huệ! Thân ý sinh nghĩa là, như ý đi rất mau, không bị chướng ngại, gọi là thân ý sinh.
Này Đại Huệ! Thí như tâm ý nhớ đến các sự vật đã thấy được trước kia ở cách ngoài vô lượng trăm ngàn do tuần, niệm niệm nối tiếp không dứt liền đi đến chỗ ấy, không bị thân và sông núi đá tường ngăn ngại.
Thân ý sinh cũng thế, được năng lực như huyễn tam muội thần thông tự tại, các tướng trang nghiêm, nhớ đến lời nguyện thành tựu chúng sinh nên liền đi nhanh như ý mà sinh vào tất cả Thánh chúng. Ấy gọi là Bồ Tát được xa lìa sinh, trú, diệt.
Đại Huệ! Sao là quán sát các pháp bên ngoài đều không tính?
Ấy là quán hết thảy pháp như ảo tượng, như chiêm bao, như mao luân. Do hí luận, chấp trước, tập khí hư vọng từ vô thỉ làm nhân. Quán sát tất cả pháp đều thế, rồi chuyên cầu Thánh Trí tự chứng.
Đại Huệ! Ấy gọi là Bồ Tát đủ bốn pháp thành bậc đại tu hành. Ông nên theo đó siêng năng tu học.
Đại Huệ Bồ Tát lại bạch: Nguyện xin Thế Tôn vì con nói nhân duyên của hết thảy các pháp, khiến con và các Bồ Tát liễu đạt nghĩa ấy, sẽ xa biên chấp hữu, vô, không vọng chấp các pháp sinh từ từ hay sinh lập tức.
Phật dạy: Đại Huệ! Hết thảy các pháp do duyên sinh khởi. Có hai thứ duyên, trong và ngoài. Ngoài là các duyên như đất sét, nước, gậy, dây, nhân công v.v... làm thành cái bình.
Như bình làm bằng đất sét, hay vải làm bằng sợi tơ, hay tấm thảm làm bằng cỏ, hay mầm sinh từ hạt giống, gia ua sinh từ sữa... tất cả đều như vậy, gọi là duyên bên ngoài.
Trong là vô minh, ái, nghiệp v.v... sinh các pháp uẩn, giới, xứ ấy là duyên bên trong. Đây là do ngu phu phân biệt mà thành có.
Đại Huệ, nhân có sáu thứ:
1. Đương hữu.
2. Tương thuộc.
3. Tướng.
4. Năng tác.
5. Hiển liễu.
6. Quán đãi.
Đương hữu là các pháp trong ngoài làm nhân sinh ra quả. Tương thuộc là các pháp trong ngoài làm duyên sinh ra quả, các chủng tử uẩn v.v... tướng là làm cho các tướng không gián đoạn, sinh ra quả tương tục. Năng tác là nhân tối thắng để sinh quả như Chuyển Luân Vương.
Hiển liễu là khi phân biệt sinh, làm cho cảnh tượng hiện rõ như đèn soi các vật. Quán đãi là khi hoại diệt thì tương tục cũng dứt, không còn sinh vọng tưởng.
Đại Huệ! Đây là do ngu phu tự phân biệt, không phải sinh từ từ cũng không phải sinh tức khắc. Tại sao, nếu như sinh tức khắc thì thành ra năng tác và sở tác không khác nhau, không thể tìm tướng nhân của nó.
Còn nếu sinh từ từ thì tìm cái thể của nó không được, như chưa sinh con sao gọi là cha?
Người lý luận cho rằng vì các nhân duyên hetipratyaya, sở duyên duyên àrambanapratyaya vô gián duyên nirantarapratyaya, tăng thượng duyên adhipatipratyaya v.v... sở sinh, năng sinh lệ thuộc lẫn nhau, nên theo thứ tự sinh dần. Lý ấy không vững, đều là vọng tình chấp trước.
Đại Huệ! Dần dần hay tức khắc đều không sinh, chỉ có tâm hiện ra thân, tài sản v.v... ngoài tự tướng cọng tướng ra không có tính, chỉ vì các thức khởi, các kiến tự phân biệt mà thôi.
Đại Huệ, do đấy ông nên xa lìa các kiến chấp tiệm sinh hay đốn sinh, đối với các tướng do nhân duyên hòa hợp thành.
Khi ấy Đức Thế Tôn nói bài tụng:
Hết thảy pháp không sinh
Lại cũng không có diệt
Trong các thứ duyên kia
Phân biệt tướng sinh diệt
Không ngăn các duyên hội
Diệt cùng sinh như thế
Mà phải dứt vọng tình
Của phàm ngu chấp trước
Hữu, vô của duyên sinh
Đều rốt ráo không sinh
Tập khí mê chuyển tâm
Do đó ba cõi hiện
Bản lai không vật sinh
Lại cũng không có diệt
Quán các pháp hữu vi
Đều như hoa đốm sinh
Lìa năng thủ sở thủ
Và kiến chấp sai lầm
Không năng sinh sở sinh
Lại cũng không nhân duyên
Chỉ thuận theo thế tục
Mà nói có sinh diệt.
Bấy giờ Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn vì con nói pháp môn tinh yếu của sự phân biệt ngôn thuyết, để con và Chư Bồ Tát đại hữu tình biết rõ điều ấy, thông đạt hai nghĩa năng thuyết sở thuyết, mau thành Vô Thượng Bồ Đề, khiến các chúng sinh được thanh tịnh đối với hai nghĩa ấy.
Phật dạy: Đại Huệ! Có bốn thứ ngôn thuyết, ấy là:
1. Lời do tướng.
2. Lời do mộng.
3. Lời do chấp trước lỗi lầm.
4. Lời do vô thỉ vọng tưởng.
Đại Huệ! Lời do tướng là lời nói do chấp văn tự và do phân biệt sắc tướng.
Lời do mộng là lời nói do mộng thấy các cảnh, khi tỉnh nhớ lại, không theo cảnh thật có.
Lời do chấp trước lỗi lầm là nhớ lại oán thù và những việc đã làm, rồi nói.
Lời do vô thỉ vọng tưởng là lời nói do tập khí vọng chấp từ vô thỉ ưa hí luận. Đó là bốn thứ ngôn thuyết.
Đại Huệ bạch: Bạch Thế Tôn! Xin vì con nói các hành tướng của ngôn ngữ ở nơi nào, vì duyên cớ gì, tại sao khởi phân biệt?
Phật dạy: Đại Huệ! Do đầu, ngực, yết hầu, lỗ mũi, môi, răng, lưỡi hòa hiệp khởi ra lời nói.
Đại Huệ: Bạch Thế Tôn! Ngôn ngữ là khác anyà hay không khác anayà với phân biệt?
Phật dạy: Đại Huệ! Không khác cũng không không khác.
Vì sao?
Phân biệt làm nhân khởi ra ngôn ngữ vậy. Nếu khác, thì lời nói không thể làm nhân cho ngôn ngữ. Nhưng nếu không khác, thì lời nói không thể diễn đạt ý nghĩa. Bởi thế mà nói không khác cũng không không khác.
Đại Huệ: Bạch Thế Tôn! Lời nói là đệ nhất nghĩa, hay cái được diễn đạt bằng lời là đệ nhất nghĩa?
Phật dạy: Không phải lời cũng không phải cái được diễn bằng lời.
Vì sao?
Đệ nhất nghĩa là cảnh giới an lạc của bậc Thánh, không thể chỉ do lời nói mà vào được, cho nên lời không phải là đệ nhất nghĩa. Đệ nhất nghĩa là cảnh mà Thánh Trí tự chứng ở bên trong, không phải cảnh giới của lời và của trí phân biệt. Lời không thể chỉ rõ cảnh giới ấy.
Đại Huệ! Lời nói là do nhân duyên sinh, có sinh diệt, giao động, xoay chuyển, cái gì do duyên sinh và có xoay chuyển thì không thể làm rõ đệ nhất nghĩa.
Đệ nhất nghĩa không có tướng tự tha, ngôn ngữ có tướng nên không thể chỉ rõ đệ nhất nghĩa. Đệ nhất nghĩa là chỉ có ở tự tâm, mọi tướng bên ngoài đều không, nên ngôn ngữ phân biệt không thể chỉ rõ.
Bởi thế, này Đại Huệ! Ông nên xa lìa ngôn ngữ phân biệt.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:
Các pháp không tự tính
Cũng không có ngữ ngôn
Không thấy nghĩa không không
Nên ngu phu luân chuyển
Hết thảy pháp không tính
Lìa ngôn ngữ phân biệt
Các hữu là như huyễn
Không sinh tử, Niết Bàn
Như Vua cùng trưởng giả
Vì khiến các con vui
Trước chỉ cái tương tự
Sau cho cái như thật
Ta nay cũng như thế
Trước nói pháp tương tự
Về sau mới tuyên bố
Pháp tự chứng, thật tế.
Bồ Tát Đại Huệ bạch: Xin Phật vì con nói nghĩa lìa nhất dị ekatvànyatva, cùng không cùng ubhayanobhaya, hữu vô nàstyastitva, phi hữu vô naivàstinanàsti, thường vô thường nityànitya v.v... những điều mà các ngoại đạo không thể nói, những cảnh giới của Thánh Trí tự chứng.
Khi hiểu được, con sẽ viễn ly vọng chấp tự tướng cọng tướng, nhập cảnh giới chân thật đệ nhất nghĩa, tuần tự được các địa, vào quả vị Như Lai.
Do nguyện lực con sẽ không cần dụng công mà hiện khắp vô biên cảnh giới như ngọc ma ni, vì liễu tri tất cả pháp đều do tự tâm phân biệt.
Khi được nghe Phật dạy, con và các Bồ Tát đối với những pháp ấy sẽ lìa chấp tự tính, lìa các kiến chấp tự tướng cọng tướng, mau chứng Vô Thượng Bồ Đề, khiến chúng sinh được đầy đủ các công đức.
Phật dạy: Đại Huệ! Hay thay, lành thay! Ông vì thương xót chúng sinh mà hỏi ta nghĩa ấy, vì lợi ích nhiều người, vì an lạc nhiều người.
Đại Huệ! Kẻ phàm phu vô trí không biết duy tâm, do tập quán hư vọng mà chấp ngoại vật, phân biệt các tính một, khác, có, không, không có, không không, thường, vô thường v.v...
Đại Huệ! Như con thú vì cơn khát hành hạ, do bóng nắng mà tưởng tượng nước, mê hoặc chạy theo, không biết đấy chẳng phải nước.
Kẻ phàm phu cũng vậy, do huân tập hý luận phân biệt từ vô thỉ, do ba độc thiêu đốt tâm nên ưa cảnh giới sắc, thấy có sinh, trú, diệt, chấp thủ pháp trong ngoài, sa vào các chấp trước một, khác v.v...
Đại Huệ! Như thành Càn Thát Bà không phải thành cũng không phải phi thành, kẻ vô trí vì thói quen chấp trước vào hạt giống thành từ vô thỉ, nên tưởng có thành.
Ngoại đạo cũng vậy. Vì vọng tưởng từ vô thỉ nung nấu, nên không hiểu rõ cảnh tự tâm hiện, bám vào các ngôn thuyết một, khác v.v...
Đại Huệ! Thí như có người nằm mộng thấy trai, gái, voi, ngựa, xe, kẻ bộ hành, thành ấp, vườn rừng... các thứ trang nghiêm. Khi tỉnh nhớ lại cảnh kia vốn không phải chuyện thật.
Đại Huệ! Ý ông thế nào?
Người như thế có khôn ngoan không?
Bạch Thế Tôn không! Đại Huệ! Ngoại đạo cũng thế. Do ác kiến ngốn ngấu không rõ duy tâm, chấp trước các quan niệm một, khác, hữu, vô v.v...
Này Đại Huệ! Thí như tượng vẽ không có chỗ cao, thấp, kẻ ngu lầm thấy tưởng có cao thấp. Các ngoại đạo đời sau cũng vậy, do ác kiến huân tập, vọng tâm tăng trưởng, nên chấp một, khác v.v... mà tự hại, hại người.
Đối với thuyết lìa hữu vô, vô sinh thì xem là chuyện không tưởng, chúng bài bác nhân quả, triệt hết căn lành. Nên biết những kẻ phân biệt có, không, khởi các tướng tự, tha như thế sẽ đọa vào địa ngục. Muốn cầu pháp thù thắng, ông hãy xa lìa.
Đại Huệ, thí như những người đau mắt thấy hoa đốm mao luân bèn gọi nhau: Thật là việc hiếm có, đẹp tuyệt! Kỳ thật hoa đốm ấy lìa có không, thấy và bị thấy.
Ngoại đạo cũng thế, ác kiến phân biệt một, khác, cùng, không cùng v.v... phỉ báng chính pháp, tự chôn mình, chôn người. Đại Huệ, thí như vòng lửa thật không phải vòng, kẻ ngu mới chấp, không phải bậc trí. Ngoại đạo cũng thế, vì ác kiến chấp trước một, khác, cùng, không cùng... nên khởi sinh các pháp.
Đại Huệ! Thí như bọt nước giống ngọc pha lê, kẻ ngu chấp thật chạy theo lượm nhặt. Nhưng bọt nước kia vốn lìa ngọc và phi ngọc.
Này Đại Huệ! Khi thành lập ba lượng hiện lượng, tỉ lượng và phi lượng thì Thánh Trí tự chứng xa lìa được hai tự tính y tha, biến kế.
Đại Huệ! Người tu hành khi chuyển được tâm, ý, thức, năng thủ, sở thủ, an trú pháp tự chứng ở Như Lai địa, thì không khởi các tưởng có, không.
Đại Huệ! Người tu hành nếu khởi những chấp hữu, vô tức đã chấp các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.
Đại Huệ! Hết thảy tự tướng và cọng tướng của các pháp đều do hóa thân Phật nói, không phải pháp thân Phật nói.
Đại Huệ! Hóa thân Phật nói thì chỉ thuận theo kiến chấp của ngu phu, không phải khai thị pháp lạc tam muội của Thánh Trí tự chứng.
Đại Huệ! Thí như trong nước có bóng cây, bóng ấy không phải bóng hay phi bóng, không phải không bóng hay không phi bóng.
Ngoại đạo cũng thế, vì ác tà kiến huân tập, không rõ tự tâm hiện, nên sinh các phân biệt một, khác v.v...
Đại Huệ! Thí như gương sáng không phân biệt, tùy duyên mà hiện các hình bóng, những bóng kia không phải bóng hay phi bóng, mà lại được thấy ra là bóng với phi bóng, là do người ngu phân biệt, sinh tưởng về bóng.
Ngoại đạo cũng thế, đối các hình bóng do tự tâm hiện, lại khởi chấp các tướng một, khác, cùng, không cùng.
Đại Huệ! Thí như tiếng vang do các âm thanh của gió, nước, người v.v... hòa hiệp mà có, tiếng vang ấy không có cũng không không, vì được nghe như tiếng mà thực không phải tiếng.
Ngoại đạo cũng thế, do sự huân tập phân biệt của tự tâm, nên khởi các kiến chấp một, khác, cùng, không cùng.
Đại Huệ! Thí như ở trên đất không có cây cỏ, ánh Trời chiếu làm nên những làn sóng nắng. Những làn sóng kia không phải có cũng không phải không, vì là đảo tưởng, không phải tưởng.
Kẻ phàm ngu cũng vậy, do tập khí sai lầm từ vô thỉ, nên ở trong pháp tính do Thánh Trí chứng lại có sinh, trụ, diệt, một, khác, có, không, cùng, không cùng v.v...
Đại Huệ! Thí như người gỗ hay thây ma nhờ bùa lực của Tỳ Xá Xà Pi'sàca mà cử động chuyển xoay không ngừng, kẻ vô trí xem là thật. Phàm phu ngu si cũng thế, hùa theo ngoại đạo khởi ác tà kiến, vọng chấp một, khác v.v...
Bởi thế, Đại Huệ! Ông nên ở trong pháp tự chứng xa lìa hết thảy phân biệt sinh, trụ, diệt, hữu, vô, cùng, không cùng v.v...
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:
Các thức ấm có năm
Như bóng cây trong nước
Cái thấy như huyễn mộng
Không nên vọng phân biệt
Ba cõi như ảo tượng
Huyễn mộng và mao luân hoa đốm
Nếu quán được như thế
Hoàn toàn được giải thoát
Như bóng nắng mùa hè
Kích động mê loạn tâm
Thú khát chấp là nước
Mà thật không phải nước
Chủng tử thức cũng vậy
Chuyển động thấy cảnh giới
Như mắt thấy không hoa
Ngu phu sinh mê đắm
Từ vô thỉ sinh tử
Trói buộc trong chấp trước
Nay phải nên xả bỏ
Như người bị diệt tẩn
Như vật huyễn, như máy
Như mây, mộng, điện, chớp
Quán sát đời như thế
Dứt sạch ba tương tục
Trong ấy không có gì
Như ảo tượng hư không
Biết các pháp như thế
Thì hết sở tri chướng
Năm uẩn như hoa đốm
Không nên vọng phân biệt
Chỉ là tên bày đặt
Tìm tướng bất khả đắc
Như bức vẽ xỏa tóc
Như mộng, thành nhạc thần
Vòng lửa và ảo tượng
Thật không mà thấy có
Như vậy thường, vô thường
Một, khác, cùng, không cùng
Do trói buộc vô thỉ
Ngu phu vọng phân biệt
Gương sáng, mắt pha lê
Ma ni ngọc đẹp báu
Trong đó hiện bóng hình
Kỳ thật không gì có
Tâm thức cũng như vậy
Hiện khắp các sắc tướng
Như mộng, như bóng nước
Lại như con Thạch nữ.
Lại nữa Đại Huệ! Pháp Chư Phật nói lìa bốn cú nghĩa là lập bác, một khác, cùng không cùng, có không...
Đại Huệ! Pháp Phật lấy tứ đế, duyên khởi, diệt đạo, giải thoát làm đầu, không tương ưng với những pháp như thắng tính praktri, tự tại isvara, túc tác không nhân, tự nhiên, vi trần v.v...
Đại Huệ! Pháp Phật nói là để thanh tịnh hai thứ chướng ngại là trí chướng và hoặc chướng, khiến dần an trú trong một trăm linh tám cú về pháp vô tướng, mà phân biệt rõ các thừa cũng như thương chủ khéo hướng dẫn người.
Lại nữa Đại Huệ! Có bốn loại thiền:
1. Thiền ngu phu Halopacàrikadhyàna.
2. Thiền quán sát nghĩa Arthapravicayadhyàna.
3. Thiền phan duyên chân như Tathatàlambanadhyàna.
4. Thiền Như Lai Tathàgatadhyàna.
Đại Huệ! Thiền ngu phu là những người tu hạnh Thanh Văn, Duyên Giác biết nhân vô ngã, thấy thân mình thân người chỉ là bộ xương ráp lại, đều là tướng vô thường, khổ, bất tịnh. Quán sát như thế kiên trì không bỏ, dần đạt đến định vô tưởng diệt, ấy là thiền ngu phu.
Sao là thiền quán sát nghĩa?
Ấy là khi biết rõ nhân vô ngã trên phương diện tự tướng, cọng tướng rồi, còn xa lìa chấp ngoại đạo cho mọi pháp là tự sinh tha sinh, tự tha sinh, thuận theo nghĩa pháp vô ngã của Bồ Tát địa mà quán sát, ấy là thiền quán sát nghĩa.
Sao gọi là thiền phan duyên chân như?
Ấy là, nếu phân biệt có hai vô ngã tức là vọng niệm, nếu biết như thật thì niệm kia không khởi, ấy gọi là thiền phan duyên chân như.
Sao gọi là Như Lai thiền?
Ấy là pháp lạc tam muội khi vào Phật Địa, an trú trong cảnh giới của tự chứng Thánh Trí, vì chúng sinh mà làm các việc không thể nghĩ bàn.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:
Thiền của hàng ngu phu
Thiền quán sát nghĩa tướng
Thiền phan duyên chân như
Thiền Như Lai thanh tịnh
Kẻ tu hành trong định
Quán thấy bóng nhật nguyệt
Ba đầu ma thâm hiểm padmapàtàla
Lửa hư không, tranh vẽ
Các hình tướng như thế
Liền sa pháp ngoại đạo
Lại đọa vào cảnh giới
Thanh Văn, Bích Chi Phật
Xa lìa tất cả đấy
An trú vô sở duyên
Tức có thể thâm nhập
Tướng như như chân thật
Ở mười phương Quốc Độ
Vô lượng các Đức Phật
Liền đưa tay quang minh
Mà xoa đầu người ấy.
Bấy giờ Đại Huệ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp Niết Bàn mà Chư Phật Như Lai nói là những pháp gì?
Phật dạy: Khi tập khí và tự tính của các thức cùng thói tà kiến của tạng thức, ý và ý thức được chuyển hoá, thì ta và Chư Phật gọi đó là Niết Bàn, tức là cảnh giới tính không của các pháp.
Lại nữa này Đại Huệ! Niết Bàn là cảnh giới của Thánh Trí tự chứng, xa lìa đoạn, thường, hữu, vô.
Sao gọi là phi thường?
Là lìa phân biệt tự tướng cộng tướng.
Sao là phi đoạn?
Vì đấy là sở hành của hết thảy các bậc tự chứng Thánh Trí trong cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.
Lại nữa, Đại Huệ! Đại Niết Bàn không phải hoại không phải chết, nếu chết sẽ sinh lại, nếu hoại sẽ thành ra hữu vi. Cho nên Niết Bàn không hoại không chết, đấy là chỗ những bậc tu hành đạt đến.
Lại nữa, Đại Huệ, Niết Bàn không xả, không đắc, không đoạn, không thường, không một, không khác, nên gọi là Niết Bàn.
Lại nữa, Đại Huệ! Thanh Văn Duyên Giác biết rõ tự tướng cọng tướng, xa lìa huyên náo, không sinh điên đảo, không khởi phân biệt, do đó liền sinh tưởng là Niết Bàn.
Lại nữa, Đại Huệ! Có hai loại tướng của tự tính, ấy là:
1. Tướng chấp trước tự tính ngôn thuyết.
2. Tướng chấp trước tự tính các pháp.
Tướng chấp trước tự tính ngôn thuyết là do chấp trước hý luận, và tập khí ngôn thuyết từ vô thỉ mà khởi lên. Tướng chấp trước tự tính các pháp là bởi không biết vạn pháp do tự tâm hiện, mà khởi lên.
Lại nữa, này Đại Huệ! Chư Phật có hai thứ gia trì để nâng đỡ các Bồ Tát, khiến các Bồ Tát này đảnh lễ chân Phật thỉnh hỏi các nghĩa lý.
Hai thứ gia trì ấy là khiến cho Bồ Tát nhập tam muội, và hiện thân trước Bồ Tát đưa tay lấy nước cam lộ rưới đầu.
Đại Huệ! Chư Bồ Tát Sơ Địa nhờ Chư Phật nâng đỡ mà nhập định Đại Thừa quang minh. Nhập định ấy xong, Chư Phật mười phương đều hiện thân trước mặt nói lời ủy dụ, như trường hợp Bồ Tát Kim Cương Tạng và các Đại Bồ Tát khác, những vị đã thành tựu đức tướng.
Đại Huệ! Những Bồ Tát ấy nhờ Phật nâng đỡ mà nhập tam muội xong, lại nhờ thiện căn tích tụ từ trăm ngàn đời kiếp mà tuần tự tiến lên các địa, thông đạt được cái gì nên làm cái gì không nên dịch theo Suzuki.
Bồ Tát ấy lên bậc pháp Vân Địa, ở trong cung điện đẹp hình hoa sen lớn, ngồi trên tòa báu, được các Bồ Tát đồng hàng vây quanh.
Đầu vị ấy đội mão ngọc, thân tỏa ánh sáng như ánh vàng ròng của hoa chiêm bặc, như mặt trăng tròn, chiếu hào quang lớn. Chư Phật mười phương duỗi bàn tay hoa sen tới chỗ ngồi của những Bồ Tát này mà rưới đầu với nước cam lộ.
Như thái tử con Vua chuyển luân nhờ được quán đảnh mà được tự tại, những Bồ Tát này cũng thế. Ấy là hai thứ gia trì. Các Đại Bồ Tát nhờ hai thứ gia trì này mà diện kiến được hết thảy Chư Phật. Nếu không nhờ gia trì thì không diện kiến được.
Lại nữa, Đại Huệ! Các Bồ Tát mà nhập được tam muội, hiện thần thông nói pháp, tất cả ấy đều nhờ hai lực gia trì của Chư Phật.
Đại Huệ! Nếu Bồ Tát lìa sự gia trì của Phật mà thuyết pháp được, thì phàm phu cũng có thể nói pháp.
Đại Huệ! Nơi Như Lai đến, nhờ lực gia trì của Như Lai mà hết thảy núi rừng, cỏ cây, thành quách, cung điện và các nhạc khí đều phô diễn pháp âm, huống chi loài hữu tình. Những kẻ điếc, mù, câm, ngọng, đều được lìa khổ mà giải thoát.
Đại Huệ! Năng lực gia trì của Như Lai có những tác dụng rộng lớn như vậy.
Đại Huệ Bồ Tát bạch: Vì sao Như Lai phải dùng năng lực gia trì để khiến các Bồ Tát nhập tam muội, và đạt các địa vị cao?
Phật dạy: Này Đại Huệ! Vì muốn khiến các Bồ Tát xa lìa phiền não và nghiệp, khiến khỏi sa vào hàng Thanh Văn, khiến mau vào Như Lai địa, khiến tăng trưởng các pháp đã chứng.
Này Đại Huệ! Nếu không có sự nâng đỡ của Như Lai thì các Bồ Tát ấy sẽ sa vào ma cảnh của ngoại đạo, Thanh Văn, không được Vô Thượng Bồ Đề.
Đức Thế Tôn lại nói bài tụng:
Như Lai nguyện thanh tịnh
Có lực gia trì lớn
Ở Sơ Địa, Thập Địa
Cho tam muội, rưới đầu.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Bảy - Phẩm Lãnh Hội Chánh Pháp
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm Viên Bị Thành Tựu
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN (Trọn Bộ - Bản chuẩn nhất)
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thực Hành Phương Tiện - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Bát Niết Bàn - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thất Xứ
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba - Phẩm Không Buông Lung - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Tuệ đáo Bỉ Ngạn