Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bốn mươi Chín - Phẩm Bất Thối Chuyển - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI ĐẦU  

PHẨM BỐN MƯƠI CHÍN 

PHẨM BẤT THỐI CHUYỂN  

PHẦN HAI   

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì thành tựu nhuần nhuyễn nghiệp thân, ngữ, ý dễ thương, dễ mến, đối với các hữu tình tâm không vướng mắc.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì thường xuyên thành tựu từ, bi, hỷ, xả v.v… khởi nghiệp thân, ngữ, ý tương ưng.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì quyết định không ở chung với năm cái là tham dục, sân nhuế, hôn trầm, thùy miên, trạo cử ác tác, nghi.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì tất cả thùy miên đều đã phá hết. Tất cả sự trói buộc của tùy phiền não đều vĩnh viễn chẳng thể hiện khởi được.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì vào ra qua lại, tâm chẳng mê lầm, luôn luôn an trụ chánh niệm, chánh tri, cử chỉ oai nghi, đi đứng nằm ngồi, cất bước hạ bước cũng lại như thế. Đi đến nơi nào đều nhìn xuống đất, an tường hệ niệm, thẳng đường mà đi. Cử động nói năng, đều không vội vàng thô tháo.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì các đồ dùng như đồ nằm, y phục đều luôn thơm sạch, không hôi hám, cũng không có mồ hôi cấu bẩn, các loại trùng trùng như rận, chí v.v… tâm ưa thanh cao, thân không tật bệnh.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì thân tâm thanh tịnh, chẳng phải như thân của người thường luôn bị tám vạn bốn ngàn hộ trùng gây hại.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát ấy, thiện căn tăng trưởng, vượt khỏi thế gian, thọ thân hình trong ngoài thanh tịnh, nên không có các loại trùng gây hại thân thể. Thiện căn như thế, dần dần tăng trưởng, và cứ như vậy, thân tâm càng thanh tịnh. Do nhân duyên này, các Bồ Tát ấy, thân tâm kiên cố, giống như kim cương, chẳng bị nghịch duyên xâm phạm não hại.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao mà Đại Bồ Tát ấy, thân tâm được thanh tịnh như thế?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Vì Đại Bồ Tát ấy các thiện căn như thế dần dần tăng trưởng, và cứ như vậy, do sức thiện căn mà thân tâm dua nịnh quanh co được trừ diệt, cho đến tận cùng đời vị lai rốt ráo chẳng khởi lên. Do đó mà được thân tâm thanh tịnh.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy, thiện căn như thế dần dần tăng trưởng, và cứ như thế, nghiệp thân, ngữ, ý vì do sức thiện căn làm trong sạch nên xa lìa tất cả uế trược tà vạy. Do đó mà thân tâm được thanh tịnh. Vì thân tâm thanh tịnh nên vượt qua địa vị Thanh Văn và Độc giác, an trụ địa vị Bồ Tát kiên cố Bất Động.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì chẳng xem trọng lợi dưỡng, chẳng màng danh dự. Đối với các đồ ăn uống, y phục, đồ nằm, phòng xá, của cải đều chẳng tham nhiễm. Tuy thọ mười hai công đức đầu đà nhưng hoàn toàn không ỷ lại.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì thường tu bố thí Ba la mật đa, tâm xan tham rốt ráo chẳng khởi. Thường tu tịnh giới Ba la mật đa, tâm phạm giới rốt ráo chẳng khởi. Thường tu an nhẫn Ba la mật đa, tâm sân giận rốt ráo chẳng khởi.

Thường tu tinh tấn Ba la mật đa, tâm giải đãi rốt ráo chẳng khởi. Thường tu tịnh lự Ba la mật đa, tâm tán loạn rốt ráo chẳng khởi. Thường tu bát nhã Ba la mật đa. Tâm ngu si rốt ráo chẳng khởi. Do đó các tâm ganh ghét, dua nịnh, dối trá, kiêu căn, phóng túng, che khuất, não hại cũng vĩnh viễn chẳng khởi.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì tuệ giác kiên cố, có khả năng ngộ nhập sâu xa, lóng nghe chánh pháp cung kính tín thọ, tùy theo pháp thế và xuất thế đã nghe, đều có khả năng dùng phương tiện hội nhập nghĩa thú bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Các sự nghiệp đã tạo tác trong thế gian cũng do bát nhã Ba la mật đa mà hội nhập pháp tánh, chẳng thấy có một sự việc nào nằm ngoài pháp tánh. Nếu có pháp nào chẳng tương ưng với pháp tánh, thì cũng có khả năng dùng phương tiện hội nhập nghĩa thú bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Do đó, chẳng thấy có pháp nào nằm ngoài pháp tánh.

Này Thiên hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển, thì dù có ác ma hiện ra trước, hoá ra tám đại địa ngục. Lại ở trong mỗi đại địa ngục, hóa làm nhiều Bồ Tát, nhiều ngàn Bồ Tát, nhiều trăm ngàn Bồ Tát, nhiều ức Bồ Tát, nhiều trăm ức Bồ Tát, nhiều ngàn ức Bồ Tát, nhiều trăm ngàn ức Bồ Tát, nhiều trăm ngàn ức triệu Bồ Tát, đều bị lửa dữ thiêu đốt xuyên suốt, ai nấy đều chịu nỗi khổ đắng cay chua chát độc hại cùng cực.

Hóa làm như thế rồi, nói với các Bồ Tát bất thối chuyển: Đây là các Đại Bồ Tát đều được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thọ ký bất thối chuyển, nên sanh vào đại địa ngục như thế, luôn luôn chịu các nỗi khổ kịch liệt như vậy. Các ông là Bồ Tát đã nhận sự thọ ký bất thối chuyển của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng sẽ đọa vào đại địa ngục này, chịu các nỗi khổ kịch liệt.

Phật thọ ký cho các ông chịu nỗi khổ cùng cực trong đại địa ngục, chứ chẳng phải thọ ký quả vị giác ngộ cao tột bất thối chuyển cho các ông. Cho nên, các ông phải mau xả bỏ tâm đại Bồ Đề mới có thể được thoát khỏi nỗi khổ của đại địa ngục, sanh lên Cõi Trời, hoặc sanh vào cõi người hưởng thụ sự giàu sang, khoái lạc.

Này Thiện Hiện! Lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát bất thối chuyển thấy nghe việc này, tâm họ bất động, cũng chẳng sợ hãi, nghi ngờ, chỉ nghĩ thế này: Đại Bồ Tát được thọ ký bất thối chuyển mà đọa vào địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, A Tố Lạc, thì chẳng bao giờ có việc ấy.

Vì sao?

Vì địa vị Bồ Tát bất thối chuyển nhất định không có nghiệp bất thiện, cũng không có nghiệp thiện mà rước lấy quả khổ. Như Lai nhất định không nói lời hư dối. Những điều Phật dạy đều vì lợi lạc cho tất cả hữu tình, do tâm đại từ bi mà lưu xuất. Những điều đã thấy nghe nhất định là do ác ma làm ra, nói ra.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu là Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển, giả sử có ác ma giả dạng Sa Môn đi đến chỗ vị ấy nói như thế này: Trước đây ông đã nghe nên tu bố thí Ba la mật đa rốt ráo viên mãn, nên tu tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa rốt ráo viên mãn thì sẽ chứng quả vị giác ngộ cao tột.

Những điều đã nghe như thế đều là tà thuyết, phải mau xả bỏ. Lại, trước đây ông đã nghe nên đối với thiện căn công đức của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các đệ tử trong quá khứ, vị lai, hiện tại, từ khi mới phát tâm cho đến trụ pháp, đều sanh tùy hỷ, tập trung tất cả cùng với hữu tình hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột.

Những điều đã nghe như thế cũng là tà thuyết, phải mau xả bỏ. Nếu ông xả bỏ tà pháp đã nghe, thì ta sẽ dạy ông Phật Pháp chân thật, khiến ông tu học, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột. Những điều ông đã nghe trước đây chẳng phải là lời chân thật của Phật. Văn tụng ấy là loại soạn tập hư vọng.

Những điều ta nói mới là lời chân thật của Phật, thì này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát nghe nói như thế, tâm chấn động sợ hãi nghi ngờ thì nên biết vị ấy chưa được Chư Phật thọ ký bất thối chuyển. Vị ấy đối với quả vị giác ngộ cao tột còn chưa quyết định.

Này Thiện Hiện! Còn nếu Đại Bồ Tát nghe nói như thế mà tâm bất động, cũng chẳng sợ hãi, nghi ngờ, chỉ theo pháp tánh vô tác, vô tướng, vô sanh mà an trụ, thì này Thiện Hiện!

Đại Bồ Tát ấy có làm điều gì cũng chẳng tin lời kẻ khác, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu bố thí Ba la mật đa, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà an trụ pháp không nội, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà an trụ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi.

Pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà an trụ chân như, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu bốn niệm trụ, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà an trụ Thánh đế khổ, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu bốn tịnh lự, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu tám giải thoát, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu pháp môn giải thoát không, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu Bậc Cực Hỷ, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu năm loại mắt, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu sáu phép thần thông.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu pháp môn Tam Ma Địa, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu pháp môn Đà La Ni. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu mười lực Phật, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu phép quán mười hai chi duyên khởi theo chiều thuận nghịch. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà khởi chứng trí quả Dự Lưu, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà khởi chứng trí quả Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà khởi chứng trí quả vị Độc giác. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà khởi nhập trí Bậc Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà nghiêm tịnh Cõi Phật, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà thành thục hữu tình. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà khởi thần thông Bồ Tát.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu trí nhất thiết, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà đoạn tất cả tập khí phiền não tương tục. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu pháp không quên mất, chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tu tánh luôn luôn xả.

Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà tự nhiếp thọ tuổi thọ viên mãn. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà chuyển pháp luân. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà hộ trì chánh pháp. Chẳng theo sự chỉ bày của kẻ khác mà hướng đến quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Như A La Hán lậu tận có làm việc gì chẳng tin lời kẻ khác, hiện chứng pháp tánh không nghi không hoặc, tất cả ác ma chẳng có thể làm lay động. Cũng vậy, Đại Bồ Tát bất thối chuyển, tất cả Thanh Văn, Độc giác, ngoại đạo, các ác ma v.v… chẳng thể phá hoại, lung lạc tâm họ, làm cho đối với quả vị giác ngộ cao tột sanh thối lui.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy quyết định đã trụ địa vị bất thối chuyển, có làm việc gì đều tự tư duy, chẳng phải tin vào kẻ khác mà làm. Cho đến Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có dạy bảo còn chẳng tin làm, huống là tin và làm theo lời của Thanh Văn, Độc giác, ngoại đạo, ác ma v.v… việc làm của Bồ Tát ấy nếu chỉ tin vào kẻ khác mà làm thì quyết không có việc đó.

Vì sao?

Này Thiện Hiện! Vì Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy có pháp nào có thể tin tưởng làm theo.

Vì sao?

Này Thiện Hiện! Vì Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy sắc, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của sắc, chẳng thấy chân như của thọ, tưởng, hành, thức có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy nhãn xứ, chẳng thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của nhãn xứ, chẳng thấy chân như của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy sắc xứ, chẳng thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của sắc xứ, chẳng thấy chân như của thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy nhãn giới, chẳng thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của nhãn giới, chẳng thấy chân như của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy sắc giới, chẳng thấy thanh, hương, vị, xúc, pháp giới có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của sắc giới, chẳng thấy chân như của thanh, hương, vị, xúc, pháp giới có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy nhãn thức giới, chẳng thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của nhãn thức giới, chẳng thấy chân như của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy nhãn xúc, chẳng thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của nhãn xúc, chẳng thấy chân như của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, chẳng thấy các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, chẳng thấy chân như của các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy địa giới, chẳng thấy thủy, hỏa, phong, không, thức giới có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của địa giới, chẳng thấy chân như của thủy, hỏa, phong, không, thức giới có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy vô minh, chẳng thấy hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của vô minh, chẳng thấy chân như của hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy bố thí Ba la mật đa, chẳng thấy tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của bố thí Ba la mật đa, chẳng thấy chân như của tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy pháp không nội, chẳng thấy pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo.

Pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh có thể tin tưởng, làm theo.

Cũng chẳng thấy chân như của pháp không nội, chẳng thấy chân như của pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo.

Pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy chân như, chẳng thấy pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì có thể tin tưởng, làm theo.

Cũng chẳng thấy chân như của chân như, chẳng thấy chân như của pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy bốn niệm trụ, chẳng thấy bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo có thể tin tưởng, làm theo.

Cũng chẳng thấy chân như của bốn niệm trụ, chẳng thấy chân như của bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy Thánh đế khổ, chẳng thấy Thánh đế tập, diệt, đạo có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của Thánh đế khổ, chẳng thấy chân như của Thánh đế tập, diệt, đạo có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy bốn tịnh lự, chẳng thấy bốn vô lượng, bốn định vô sắc có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của bốn tịnh lự, chẳng thấy chân như của bốn vô lượng, bốn định vô sắc có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy tám giải thoát, chẳng thấy tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của tám giải thoát, chẳng thấy chân như của tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy pháp môn giải thoát không, chẳng thấy pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của pháp môn giải thoát không, chẳng thấy chân như của pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy năm loại mắt, chẳng thấy sáu phép thần thông có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của năm loại mắt, chẳng thấy chân như của sáu phép thần thông có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy pháp môn Tam Ma Địa, chẳng thấy pháp môn Đà La Ni có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của pháp môn Tam Ma Địa, chẳng thấy chân như của pháp môn Đà La Ni có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy mười lực Phật, chẳng thấy bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của mười lực Phật, chẳng thấy chân như của bốn bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy quả Dự Lưu, chẳng thấy quả Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của quả Dự Lưu, chẳng thấy chân như của quả Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy quả vị Độc giác có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của quả vị Độc giác có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy trí nhất thiết, chẳng thấy trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của trí nhất thiết, chẳng thấy chân như của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy địa vị phàm phu, chẳng thấy địa vị Thanh Văn, địa vị Độc giác, địa vị Bồ Tát, địa vị Như Lai có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của địa vị phàm phu, chẳng thấy chân như của địa vị Thanh Văn, địa vị Độc giác, địa vị Bồ Tát, địa vị Như Lai có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy chẳng thấy quả vị giác ngộ cao tột của Chư Phật có thể tin tưởng, làm theo. Cũng chẳng thấy chân như của quả vị giác ngộ cao tột của Chư Phật có thể tin tưởng, làm theo.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu là Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển, giả sử có ác ma giả dạng Bí Sô, đến chỗ vị ấy nói như thế này: Pháp của các ông tu hành là pháp sanh tử, chẳng phải do pháp này mà đạt được trí nhất thiết trí. Nay các ông nên tu đạo hết khổ, mau hết các khổ, chứng nhập Niết Bàn.

Khi ấy, ác ma liền nói cho Bồ Tát nghe pháp tương tợ đạo, đọa sanh tử, đó là quán tưởng xương, hoặc quán tưởng xanh bầm, hoặc quán tưởng mủ vỡ ra, hoặc quán tưởng sình chướng, hoặc quán tưởng trùng ăn, hoặc quán tưởng chuyển thành màu đỏ. Hoặc từ, hoặc bi, hoặc hỷ, hoặc xả. Hoặc Sơ Thiền, hoặc cho đến đệ Tứ Thiền. Hoặc Không vô biên xứ hoặc cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Rồi bảo Bồ Tát: Đây là Chân đạo, Chân hạnh. Ông tu đạo này, hạnh này sẽ đắc quả Dự Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Hoàn, hoặc quả A La Hán, hoặc quả vị Độc giác. Ông do đạo này, do hạnh này mau hết tất cả sanh, lão, bệnh, tử chứ chịu khổ sanh tử lâu làm gì.

Thân khổ hiện tại còn nên nhàm chán vứt bỏ, huống là cầu thân khổ ở tương lai! Nên tự suy nghĩ kỹ, bỏ sự tin tưởng trước kia đi, thì này Thiện Hiện! 

Đại Bồ Tát ấy khi nghe lời đó, tâm họ Bất Động, cũng chẳng sợ hãi, nghi ngờ, chỉ nghĩ thế này: Nay Bí Sô này làm lợi ích cho ta chẳng nhỏ, có thể vì ta mà nói đạo pháp tương tợ, khiến ta biết đạo này chẳng thể chứng quả Dự Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Hoàn, hoặc quả A La Hán, hoặc quả vị Độc giác, huống là có thể chứng quả vị giác ngộ cao tột của Chư Phật.

Đại Bồ Tát ấy nghĩ như thế rồi, phát sanh hoan hỷ sâu sắc, lại nghĩ tiếp: Nay Bí Sô này rất ích lợi cho ta, vì ta mà phương tiện nói pháp trở ngại, khiến ta biết rõ pháp trở ngại rồi, đối với đạo ba thừa, tự tại tu học.

Này Thiện Hiện! Bấy giờ, ác ma biết Bồ Tát ấy, tâm rất vui mừng, lại nói thế này: Này Thiện Nam Tử! Ngươi có muốn thấy các Đại Bồ Tát, trải qua thời gian lâu xa, siêng năng tu hành hạnh vô ích chăng?

Đó là chúng Đại Bồ Tát trải qua hằng hà sa số đại kiếp dùng vô lượng các thứ y phục, đồ ăn uống, đồ nằm, thuốc thang, của cải, hương hoa v.v… thượng diệu để cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen hằng hà sa số Chư Phật Thế Tôn.

Lại ở chỗ Hằng hà sa Chư Phật tu hành bố thí Ba la mật đa, tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Cũng ở chỗ Hằng hà sa Chư Phật học an trụ pháp không nội, học an trụ pháp không ngoại, nội pháp không ngoại, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cảnh không, vô tế không, tán không.

Pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh.

Cũng ở chỗ Hằng hà sa Chư Phật học an trụ chân như, học an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu bốn niệm trụ, tu bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo. Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật học an trụ Thánh đế khổ, học an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu bốn tịnh lự, tu bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu tám giải thoát, tu tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu pháp môn giải thoát không, tu pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu Bậc Cực Hỷ, tu Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu năm loại mắt, tu sáu phép thần thông.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu pháp môn Tam Ma Địa, tu pháp môn Đà La Ni.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu mười lực Phật, tu bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu pháp không quên mất, tu tánh luôn luôn xả.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu quán mười hai chi duyên khởi theo chiều thuận nghịch.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật nghiêm tịnh Cõi Phật, thành thục hữu tình.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu các thần thông thù thắng của Bồ Tát.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu tuổi thọ viên mãn, học chuyển pháp luân, hộ trì chánh pháp.

Cũng ở chỗ hằng hà sa Chư Phật tu trí nhất thiết, tu trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Các chúng Đại Bồ Tát ấy cũng gần gũi phụng sự Hằng hà sa Chư Phật, ở chỗ Chư Phật thỉnh vấn đạo Đại Bồ Tát, nghĩa là nói như thế này: Đại Bồ Tát an trụ Đại Thừa như thế nào?

Đại Bồ Tát tu hành bố thí Ba la mật đa, tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa như thế nào?

Đại Bồ Tát học an trụ pháp không nội, học an trụ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn.

Pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh như thế nào?

Đại Bồ Tát học an trụ chân như, học an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì như thế nào?

Đại Bồ Tát tu bốn niệm trụ, tu bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo như thế nào?

Đại Bồ Tát học an trụ Thánh đế khổ, học an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo như thế nào?

Đại Bồ Tát tu bốn tịnh lự, tu bốn vô lượng, bốn định vô sắc như thế nào?

Đại Bồ Tát tu tám giải thoát, tu tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ như thế nào?

Đại Bồ Tát tu pháp môn giải thoát không, tu pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện như thế nào?

Đại Bồ Tát tu Bậc Cực Hỷ, tu Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân như thế nào?

Đại Bồ Tát tu năm loại mắt, tu sáu phép thần thông như thế nào?

Đại Bồ Tát tu pháp môn Tam Ma Địa, tu pháp môn Đà La Ni như thế nào?

Đại Bồ Tát tu mười lực Phật, tu bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng?

Đại Bồ Tát tu pháp không quên mất, tu tánh luôn luôn xả như thế nào?

Đại Bồ Tát tu phép quán mười hai chi duyên khởi theo chiều thuận nghịch như thế nào?

Đại Bồ Tát nghiêm tịnh Cõi Phật, thành thục hữu tình như thế nào?

Đại Bồ Tát tu các thần thông thù thắng của Bồ Tát như thế nào?

Đại Bồ Tát tu tuổi thọ viên mãn như thế nào?

Đại Bồ Tát học chuyển đại pháp luân như thế nào?

Đại Bồ Tát hộ trì chánh pháp khiến được tồn tại lâu dài như thế nào?

Đại Bồ Tát tu trí nhất thiết, tu trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng như thế nào?

Thỉnh vấn Hằng hà sa Chư Phật Thế Tôn như thế, Chư Phật vì họ lần lượt giảng thuyết. Các chúng Đại Bồ Tát ấy theo lời Phật dạy, an trụ tu học, trải qua vô lượng kiếp nổ lực tinh tấn, còn chẳng thể chứng đắc trí nhất thiết trí, huống là sở tu sở học của các ông ngày nay mà có thể chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột!

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy tuy nghe nói như vậy nhưng tâm không đổi khác, chẳng kinh, chẳng sợ, không nghi, không hoặc, lại càng hoan hỷ, nghĩ thế này: Nay Bí Sô này đem đến cho ta nhiều lợi ích, vì ta mà phương tiện nói pháp chướng đạo, khiến ta biết pháp chướng đạo này, quyết định chẳng có thể chứng đắc quả Dự Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Hoàn, hoặc quả A La Hán, hoặc quả vị Độc giác, huống là có thể chứng đắc trí nhất thiết trí.

Này Thiện Hiện! Khi ấy ác ma kia biết tâm Đại Bồ Tát ấy chẳng thối lui, không sợ hãi, không nghi hoặc, liền ngay nơi ấy hoá làm vô lượng hình tượng Bí Sô, nói với Bồ Tát: Những Bí Sô này đều ở đời quá khứ mong cầu quả vị giác ngộ cao tột, trải qua vô lượng kiếp, tu hành các hạnh khổ hạnh khó làm mà chẳng có thể chứng đắc, nay đều thối lui trụ quả vị A La Hán, các lậu đã hết, qua khỏi biển khổ, thì làm sao mà các vị có thể chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột?

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy thấy nghe như vậy rồi, liền nghĩ như thế này: Nhất định là ác ma hoá làm hình tượng Bí Sô như thế để nhiễu loạn tâm ta, nhân đó nói pháp tương tợ chướng đạo chứ không có Đại Bồ Tát nào tu hành bát nhã Ba la mật đa cho đến địa vị viên mãn, mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, còn thối lui rơi vào địa vị Thanh Văn hoặc địa vị Độc giác!

Lúc bấy giờ, Bồ Tát lại nghĩ thế này: Nếu Đại Bồ Tát tu hành bố thí Ba la mật đa, tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa đến chỗ viên mãn mà chẳng đắc quả vị giác ngộ cao tột, chắc chắn không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát học an trụ pháp không nội, học an trụ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn.

Pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát học an trụ chân như, học an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu bốn niệm trụ, tu bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát học an trụ Thánh đế khổ, học an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó. Nếu Đại Bồ Tát tu bốn tịnh lự, tu bốn vô lượng, bốn định vô sắc đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu tám giải thoát, tu tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu pháp môn giải thoát không, tu pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu Bậc Cực Hỷ, tu Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu năm loại mắt, tu sáu phép thần thông đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó. Nếu Đại Bồ Tát tu pháp môn Tam Ma Địa, tu pháp môn Đà La Ni đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu mười lực Phật, tu bốn bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó. Nếu Đại Bồ Tát tu pháp không quên mất, tu tánh luôn luôn xả đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu phép quán mười hai chi duyên khởi theo chiều thuận nghịch đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát nghiêm tịnh Cõi Phật, thành thục hữu tình đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu các thần thông thù thắng của Bồ Tát đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu tuổi thọ viên mãn đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát học chuyển pháp luân, hộ trì chánh pháp đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Nếu Đại Bồ Tát tu trí nhất thiết, tu trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng đến chỗ viên mãn mà chẳng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thường hành bát nhã Ba la mật đa, thì luôn nghĩ thế này: Nếu Đại Bồ Tát theo lời Phật dạy, tinh cần tu học, thì thường chẳng xa lìa diệu hạnh đã nhiếp thọ là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Thường chẳng xa lìa tác ý tương ứng với bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Thường chẳng xa lìa tác ý tương ứng với trí nhất thiết trí.

Thường dùng phương tiện khuyên các hữu tình tinh cần tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Đại Bồ Tát ấy quyết định chẳng từ bỏ bố thí Ba la mật đa, quyết định chẳng từ bỏ tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Quyết định chẳng từ bỏ pháp không nội, quyết định chẳng từ bỏ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo.

Pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh.

Quyết định chẳng từ bỏ chân như, quyết định chẳng từ bỏ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì.

Quyết định chẳng từ bỏ bốn niệm trụ, quyết định chẳng từ bỏ bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo.

Quyết định chẳng từ bỏ Thánh đế khổ, quyết định chẳng từ bỏ Thánh đế tập, diệt, đạo. Quyết định chẳng từ bỏ bốn tịnh lự, quyết định chẳng từ bỏ bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Quyết định chẳng từ bỏ giải thoát. Quyết định chẳng từ bỏ tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Quyết định chẳng từ bỏ pháp môn giải thoát không, quyết định chẳng từ bỏ pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện.

Quyết định chẳng từ bỏ Bậc Cực Hỷ, quyết định chẳng từ bỏ Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân. Quyết định chẳng từ bỏ năm loại mắt, quyết định chẳng từ bỏ sáu phép thần thông.

Quyết định chẳng từ bỏ pháp môn Tam Ma Địa, quyết định chẳng từ bỏ pháp môn Đà La Ni. Quyết định chẳng từ bỏ mười lực Phật, quyết định chẳng từ bỏ bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng.

Quyết định chẳng từ bỏ pháp không quên mất, quyết định chẳng từ bỏ tánh luôn luôn xả. Quyết định chẳng từ bỏ trí nhất thiết, quyết định chẳng từ bỏ trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Quyết định chẳng từ bỏ quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thường hành bát nhã Ba la mật đa, thì luôn luôn nghĩ thế này: Nếu Đại Bồ Tát hiểu biết việc ma, thì chẳng theo việc ma. Hiểu biết bạn ác, thì chẳng nghe lời bạn ác. Hiểu biết cảnh giới, thì chẳng chuyển theo cảnh giới. Đại Bồ Tát ấy quyết định chẳng từ bỏ bố thí Ba la mật đa, quyết định chẳng từ bỏ tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Quyết định chẳng từ bỏ pháp không nội, quyết định chẳng từ bỏ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi.

Pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh.

Quyết định chẳng từ bỏ chân như, quyết định chẳng từ bỏ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì.

Quyết định chẳng từ bỏ bốn niệm trụ, quyết định chẳng từ bỏ bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi Đẳng Giác, tám chi Thánh đạo. Quyết định chẳng từ bỏ Thánh đế khổ, quyết định chẳng từ bỏ Thánh đế tập, diệt, đạo.

Quyết định chẳng từ bỏ bốn tịnh lự, quyết định chẳng từ bỏ bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Quyết định chẳng từ bỏ tám giải thoát, quyết định chẳng từ bỏ tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Quyết định chẳng từ bỏ pháp môn giải thoát không, quyết định chẳng từ bỏ pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện.

Quyết định chẳng từ bỏ Bậc Cực Hỷ, quyết định chẳng từ bỏ Bậc Ly Cấu, Bậc Phát Quang, Bậc Diệm Tuệ, Bậc Cực Nan Thắng, Bậc Hiện Tiền, Bậc Viễn Hành, Bậc Bất Động, Bậc Thiện Tuệ, Bậc Pháp Vân.

Quyết định chẳng từ bỏ năm loại mắt, quyết định chẳng từ bỏ sáu phép thần thông.

Quyết định chẳng từ bỏ pháp môn Tam Ma Địa, quyết định chẳng từ bỏ pháp môn Đà La Ni.

Quyết định chẳng từ bỏ mười lực Phật, quyết định chẳng từ bỏ bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám Pháp Phật bất cộng.

Quyết định chẳng từ bỏ pháp không quên mất, quyết định chẳng từ bỏ tánh luôn luôn xả.

Quyết định chẳng từ bỏ trí nhất thiết, quyết định chẳng từ bỏ trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Quyết định chẳng từ bỏ quả vị giác ngộ cao tột.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Nếu là Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển khi nghe pháp yếu mà chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã nói, thì thâm tâm hoan hỷ, cung kính tín thọ, khéo hiểu nghĩa thú.

Tâm họ kiên cố, giống như kim cương chẳng thể lay chuyển, chẳng thể lung lạc, thường siêng tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, cũng khuyên các hữu tình tinh cần tu học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Này Thiện Hiện! Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng như thế, thì nên biết đó là Đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển, thì đối với cái gì thối chuyển mà gọi là bất thối chuyển?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng sắc thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng thọ, tưởng, hành, thức thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng nhãn xứ thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng sắc xứ thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng nhãn giới thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng sắc giới thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng thanh, hương, vị, xúc, pháp giới thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng nhãn thức giới thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng nhãn xúc thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng địa giới thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng thủy, hỏa, phong, không, thức giới thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng vô minh thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy vì đối với tưởng tham thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển. Đối với tưởng sân, tưởng si, các tưởng ác kiến thối chuyển, nên gọi là bất thối chuyển.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần