Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Hai - Phẩm Thực Hành Tất Cả Pháp - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM THỰC HÀNH TẤT CẢ PHÁP
PHẦN NĂM
Đại Huệ Bồ Tát lại bạch: Bạch Thế Tôn! Nghĩa Duyên khởi Phật nói là, các pháp do có sự xúc tác mà sinh khởi, không phải tự sinh khởi.
Ngoại đạo cũng nói Thắng tính, Tự tại Isvara, Thời kala, ngã, vi trần, sinh ra các pháp.
Như vậy, Đức Thế Tôn chỉ dùng danh từ khác, chứ ý nghĩa có khác gì thuyết ngoại đạo?
Bạch Thế Tôn! Ngoại đạo nói do tác giả mà từ không sinh có, Thế Tôn cũng nói do nhân duyên mà hết thảy pháp vốn không nay sinh, sinh rồi hoàn diệt. Như chỗ Phật nói, vô minh duyên hành cho đến Lão Tử, thuyết này là thuyết không nhân, không phải thuyết hữu nhân.
Theo như Thế Tôn dạy: Vì cái này có nên cái kia có, nếu đây là đồng thời tạo thành, không phải kế tục đối đãi nhau, thì nghĩa ấy không đúng. Cho nên thuyết của ngoại đạo hay hơn, không phải thuyết của Như Lai hay hơn.
Vì sao?
Ngoại đạo nói nhân không do duyên sinh mà có sinh kết quả. Thế Tôn nói quả đối đãi với nhân, nhân lại đối đãi với nhân khác, xoay vần như thế, thành cái lỗi vô cùng. Lại cái này có nên cái kia có tức là không nhân.
Phật dạy: Đại Huệ! Ta thấu rõ các pháp chỉ do tâm hiện, không năng thủ sở thủ, nên nói vì cái này có nên cái kia có, đây không phải là lỗi không nhân.
Đại Huệ! Nếu không rõ các pháp đều do tâm hiện, cho là có năng thủ sở thủ, chấp trước cảnh ngoài hoặc có hoặc không, thì đấy là lỗi của kẻ chấp, không phải thuyết duyên sinh của ta.
Đại Huệ Bồ Tát lại bạch: Thế Tôn đã có ngôn thuyết tất phải có các pháp, nếu không có các pháp thì ngôn thuyết do đâu mà khởi?
Đại Huệ! Tuy không có pháp cũng có ngôn thuyết được. Vậy ông không thấy lông rùa sừng thỏ, con của thạch nữ v.v... thế gian vẫn nói.
Đại Huệ! Những pháp kia phi có phi không, mà cũng có ngôn thuyết vậy.
Đại Huệ! Như chỗ ông nói, vì có ngôn thuyết nên có các pháp, luận ấy không thành.
Đại Huệ! Không phải hết thảy các Cõi Phật đều có ngôn thuyết, ngôn thuyết chỉ là giả lập.
Đại Huệ! Có Cõi Phật trừng mắt mà khai thị pháp, hoặc ra dấu, hoặc nhướng mày, hoặc động con ngươi, hoặc mỉm cười, hoặc ngáp, hoặc tằng hắn, hoặc nhớ nghĩ, hoặc rùng mình... dùng những cách ấy mà khai thị pháp.
Đại Huệ! Trong các Cõi Phật, như Cõi Bất thuấn animisalokadhàtu, Cõi Diệu hương Gandhaskgandhadhàtu, Cõi Phổ Hiền Samantabhadra, chỉ nhìn trừng, không chớp mắt mà khiến các Bồ Tát được vô sinh pháp nhẫn anutpattikadharmaksànti cùng các tam muội thù thắng.
Đại Huệ! Không phải do ngôn ngữ mà các pháp trong Thế Giới này có ruồi, kiến v.v... sâu bọ, tuy không ngôn thuyết mà vẫn thành tựu được các công việc của chúng.
Thế Tôn lại nói bài tụng:
Như sừng thỏ, hư không
Cùng con của Thạch nữ
Không có mà có lời
Pháp vọng chấp cũng vậy
Trong nhân duyên hòa hợp
Ngu phu vọng chấp sinh
Không khéo rõ như thật
Nên trôi lăn ba cõi.
Khi ấy Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn dạy âm thanh là thường còn, do đâu mà nói như vậy?
Nityasatda.
Đại Huệ! Do nơi vọng pháp bhrànti mà nói, vì các vọng chấp ấy Thánh Nhân cũng có, nhưng Thánh Nhân không điên đảo. Đại Huệ, thí như bóng nắng, vòng lửa, tóc rũ, thành Càn Thát Bà, mộng huyễn, bóng trong gương... Những người vô trí sinh giải thích điên đảo, người có trí thì không, nhưng không phải chúng không hiện.
Đại Huệ! Khi vọng pháp hiện lên, có muôn sai ngàn biệt, nhưng không phải vô thường.
Vì sao?
Vì lìa hữu vô vậy.
Sao là lìa hữu vô?
Vì hết thảy ngu phu có đủ thứ sai biệt, như nước Sông Hằng vừa được thấy vừa được không thấy: Ngạ quỷ không thấy nên không thể nói là có, những loài khác thấy, nên không thể nói là không. Bậc Thánh đối các pháp hư vọng như thế xa lìa kiến chấp điên đảo.
Đại Huệ! Vọng pháp là thường còn vì tướng nó không có sai biệt. Không phải các vọng pháp có tướng sai biệt mà vì phân biệt nên có sai khác. Bởi thế nên nói thể của vọng pháp là thường.
Đại Huệ! Làm sao gọi là được chân thật của vọng pháp?
Ấy là Bậc Thánh đối vọng pháp không khởi giác điên đảo, không điên đảo. Nếu có một ít lý tưởng nơi vọng pháp tất không phải là Thánh Trí, đấy là hí luận của ngu phu.
Đại Huệ! Nếu phân biệt vọng pháp là điên đảo, không điên đảo, ấy là thành tựu hai thứ chủng tính:
1. Thánh chủng tính àryagotra.
2. Phạm Thiên Chủng tính Bàlaptrhagjanagotra.
Đại Huệ! Thánh chủng tính lại có ba: Thanh Văn, Duyên Giác, Phật.
Đại Huệ! Sao gọi là ngu phu phân biệt vọng pháp sinh ra chủng tính Thanh Văn?
Ấy là chấp tự tướng cọng tướng.
Đại Huệ! Sao lại nói ngu phu phân biệt vọng pháp mà thành chủng tính Duyên Giác?
Ấy là khi chấp trước tự tướng, cọng tướng, rồi xa lìa huyên náo.
Đại Huệ! Sao là người trí phân biệt vọng pháp mà được thành tựu chủng tính Phật thừa?
Ấy là liễu đạt các pháp đều do tự tâm phân biệt, ngoài tâm không có pháp.
Đại Huệ! Có những người ngu phân biệt các thứ sự vật của vọng pháp, rồi cả quyết thế này với không thế nọ, ấy là thành tựu chủng tính sinh tử.
Đại Huệ! Các sự vật thuộc vọng pháp kia không phải thị vật cũng không phải phi vật.
Đại Huệ! Những bậc trí, nhờ đã làm một cuộc cách mạng trong tâm, ý, thức, tập khí tà ác, ba tự tính, ba pháp, nên nói các vọng pháp ấy tức là chân như. Cho nên nói chân như là tâm giải thoát. Ta nay khai thị rõ ràng nghĩa ấy. Lìa phân biệt là lìa hết thảy các phân biệt.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn, cái vọng pháp nói đó là có hay không?
Vọng pháp ấy cũng như cái huyễn vốn không có chấp trước, nếu nó có tướng chấp trước thì nó không thể chuyển được, và như vậy tức là lý duyên khởi không khác gì thuyết tác giả sinh của ngoại đạo.
Đại Huệ lại nói: Nếu các vọng pháp đồng với huyễn, tất nó sẽ làm nhân cho những vọng pháp khác.
Phật dạy: Đại Huệ! Không phải các huyễn sự làm nhân cho vọng hoặc, vì các huyễn không sinh ra cái lỗi lầm, vì các huyễn sự không có tính phân biệt.
Đại Huệ! Phàm huyễn sự là do bùa chú của người mà sinh, không phải do tập khí lỗi lầm của phân biệt mà sinh. Cho nên huyễn sự không sinh lỗi lầm.
Đại Huệ! Những pháp mê lầm chỉ là chấp trước của tâm kẻ ngu, không phải pháp của Bậc Thánh.
Bấy giờ Thế Tôn nói bài tụng:
Thánh không thấy vọng pháp
Trong đó cũng không thật
Vì vọng tức là chân
Trong ấy cũng chân thật
Nếu xa lìa vọng pháp
Mà có tướng sinh ra
Đấy lại tức là vọng
Như lòa, chưa thanh tịnh.
Lại nữa, Đại Huệ! Huyễn không phải là không, vì nó tương tự với không huyễn nên nói tất cả pháp đều như huyễn.
Đại Huệ nói: Bạch Thế Tôn! Có phải do sự chấp trước các huyễn tướng mà nói hết thảy pháp như huyễn?
Hay vì do nơi các tướng điên đảo của sự chấp trước ấy mà nói như huyễn?
Bạch Thế Tôn! Không phải hết thảy các pháp đều như huyễn cả.
Vì sao?
Thấy các sắc tướng không có gì là không nhân.
Bạch Thế Tôn, nếu hết thảy đều không do nhân mà hiện các sắc tướng, thì các tướng ấy mới như huyễn. Vậy nên, bạch Thế Tôn, không thể nói do chấp trước các huyễn tướng mà nói hết thảy pháp đều tương tự với huyễn.
Phật dạy: Đại Huệ! Không phải do chấp các huyễn tướng mà nói hết thảy pháp như huyễn.
Đại Huệ! Vì hết thảy pháp không thật, mau diệt như làn chớp nên nói là như huyễn.
Đại Huệ! Thí như làn chớp vừa thấy đã mất, phàm phu ở thế gian đều thấy, cũng thế, tất cả pháp đều do tự tâm phân biệt tự tướng cọng tướng mà ra, vì không biết quán sát thật ra không có gì, mà lại vọng chấp các sắc tướng.
Khi ấy Thế Tôn nói bài tụng:
Hư huyễn, không tương tự
Cũng không có các pháp
Không thật, mau như chớp
Nên biết là như huyễn.
Bồ Tát Đại Huệ lại bạch: Bạch Thế Tôn, như Phật nói trước kia, hết thảy pháp đều không sinh.
Nay lại nói như huyễn, có phải là trước sau nói có mâu thuẫn nhau chăng?
Đại Huệ! Không mâu thuẫn, vì sao?
Ta biết rõ chỗ sinh chính là vô sinh, chỉ vì tự tâm thấy ra như thế. Tất cả pháp ngoài hoặc có hoặc không đều thấy là vô sinh, vì chúng vốn không sinh.
Đại Huệ! Vì muốn xa lìa thuyết do nhân sinh của ngoại đạo nên ta nói các pháp không sinh.
Đại Huệ! Ngoại đạo thi nhau chấn hưng tà kiến, nói do có, không, sinh ra các pháp, không cho là do chính sự chấp trước phân biệt của mình.
Đại Huệ! Ta nói các pháp không có, vô sinh, nên gọi là vô sinh.
Đại Huệ! Khi nói các pháp có là vì muốn khiến các đệ tử biết do nghiệp có sinh tử để ngăn ngừa đoạn kiến cho rằng không có gì cả.
Đại Huệ! Như Lai nói các tướng như huyễn là để khiến lìa chấp cho rằng các tướng có tự tính, vì phàm phu sa đọa vào ác kiến tham dục, không rõ các pháp đều do tự tâm hiện. Vì muốn chúng lìa chấp trước vào các tướng do nhân duyên sinh khởi, nên nói các pháp như huyễn như mộng.
Các người ngu chấp trước ác kiến, lừa dối mình, người, không thể thấy rõ chỗ như thật trú yathàbhùtàvasthàna của hết thảy pháp.
Đại Huệ! Thấy chỗ như thật trú của hết thảy pháp nghĩa là hiểu rõ do tâm hiện.
Bấy giờ Thế Tôn nói bài tụng:
Không tác nên không sinh
Có pháp có sinh tử
Hiểu rõ thảy đều huyễn
Đối tướng, không phân biệt.
Lại này Đại Huệ! Nay ta sẽ nói tướng trạng của danh, cú, văn. Các Bồ Tát quán tướng ấy, hiểu rõ nghĩa, sẽ mau thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, lại có thể khai ngộ cho hết thảy chúng sinh.
Đại Huệ! Danh thân là gì?
Ấy là do sự đặt tên, tên tức là thân, nên gọi là danh thân. Cú thân có khả năng làm rõ nghĩa quyết định rốt ráo. Văn thân là từ đó mà thành tên gọi và câu văn.
Lại này Đại Huệ! Cú thân là sự đầy đủ ý nghĩa diễn đạt trong một câu. Danh thân là tên của các chữ khác nhau, như từ chữ a đến chữ ha Akãra Hakàra. Văn thân là dài ngắn cao thấp.
Lại, cú thân là như dấu chân người, súc vật v.v... để lại trên ngã tư đường, danh là thuộc vào bốn uẩn vô hình nên dùng tên gọi.
Văn là tự tướng của danh, vì nhờ văn mà rõ. Ấy là thân của danh, cú văn. Ông hãy tu tập tướng của danh cú văn ấy.
Rồi Thế Tôn nói bài kệ:
Thân của chữ và câu
Cùng thân vần sai khác
Phàm ngu chấp vào đấy
Như voi sa bùn sâu.
Lại nữa, Đại Huệ! Trong đời vị lai có những hạng tà trí theo lối ngu ác, lìa pháp như thật, vì thấy các tướng một, khác, cùng, không cùng.
Khi được người trí hỏi thì họ đáp:
Hỏi thế này không đúng: Sắc v.v... và vô thường là một hay khác?
Cũng thế, Niết Bàn và các uẩn skandhas, tướng, sở tướng, y, sở y, tạo, sở tạo, kiến, sở kiến, đất, vi trần, trí và kẻ trí... là một hay khác?
Các câu hỏi như thế về những tướng sai khác của hiện hữu nối tiếp nhau dựa từ vấn đề này đến vấn đề khác không cùng tận. Những người bị hỏi về những vấn đề không thể nói như thế, sẽ trả lời rằng Đức Như Lai đã gạt qua một bên những vấn đề đó, cho là bất khả thuyết.
Tuy nhiên, những người mê lầm kia không thể hiểu ý nghĩa những gì họ nghe từ Phật vì họ thiếu trí giác. Các Đức Như Lai Chánh Đẳng Giác không giải thích những việc ấy cho tất cả, bởi vì muốn cho chúng khỏi kinh sợ.
Đại Huệ! Không nói những điều bất thuyết vyàhritàni là vì muốn cho những người ngoại đạo ra khỏi tà kiến về Tác giả.
Đại Huệ! Ngoại đạo chấp có tác giả, bảo rằng mạng với thân là một hay khác?
Những lời như vậy gọi là lời vô ký avyàktravàda. Các việc không thể diễn đạt mà ngoại đạo nói không phải là giáo lý ta, lìa năng thủ sở thủ, không khởi phân biệt.
Sao có sự gạt sang một bên?
Này Đại Huệ! Nếu có chấp năng thủ sở thủ, tức không hiểu mọi vật đều do tự tâm thấy, nên gạt sang một bên.
Đại Huệ! Chư Phật Như Lai dùng bốn ký luận để nói pháp cho chúng sinh.
Đại Huệ! Có những luận ta sẽ nói vào một thời khác, vì căn cơ chúng sinh chưa thuần thục nên chưa nói.
Lại này Đại Huệ! Vì sao hết thảy pháp không sinh?
Vì lìa năng tác sở tác, không có tác giả.
Vì sao hết thảy pháp không tự tính?
Vì Bậc Thánh chứng trí quán tự tướng và cọng tướng đều không thể có.
Vì sao hết thảy pháp không đến, đi?
Vì các tự tướng cọng tướng không từ đâu đến cũng không đi đến đâu.
Sao lại hết thảy pháp không diệt?
Vì hết thảy pháp không tính, tướng, bất khả đắc.
Vì sao nói hết thảy pháp vô thường?
Vì các tướng khởi lên đều có đặc tính vô thường.
Vì sao nói hết thảy pháp thường?
Vì các tướng khởi tức không khởi, không có gì cả.
Cái tính vô thường vốn thường nên ta nói hết thảy pháp thường.
Rồi Thế Tôn nói bài tụng:
Nhất hướng và phản vấn
Phân biệt cùng đáp thẳng
Bốn cách nói như thế
Phá phục các ngoại đạo
Số luận và thắng luận
Nói sinh từ có, không
Các thứ thuyết như vậy
Tất cả đều vô ký
Vì khi trí quán sát
Thể tính chúng không có
Bất khả thuyết như vậy
Nên nói không tự tính.
Khi ấy Bồ Tát Đại Huệ bạch: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn vì con nói về bậc Tu Đà Hoàn và những đặc tính của quả vị ấy. Con và các Bồ Tát đại hữu tình nhờ nghe nghĩa ấy sẽ biết rõ các phương tiện để chứng những quả vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Biết nghĩa ấy rồi con sẽ diễn nói lại cho chúng sinh, khiến chúng chứng được hai vô ngã, trừ sạch hai chướng ngại, dần thông đạt đặc tính các địa, được cảnh giới trí tuệ không thể nghĩ bàn của Như Lai, như ngọc ma ni nhiều màu, khiến khắp chúng sinh đều được lợi ích.
Phật dạy: Đại Huệ! Hãy lắng nghe, ta sẽ nói.
Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Đại Huệ! Bậc Tu Đà Hoàn, và Tư Đà Hàm có ba cấp bậc khác nhau, là hạ, trung, thượng. Bậc hạ là còn sinh lại trong các cõi bảy lần, bậc trung còn sinh ba lần, năm lần, bậc thượng thì ngay đời này đã nhập Niết Bàn.
Đại Huệ! Ba hạng người ấy đã cắt đức ba món kết sử Samyojana là thân kiến sathàyadrsti nghi Vicikitsà, giới cấm thủ sìlavratapasà mar'sa, lần lần tiến lên đắc quả A La Hán.
Đại Huệ! Thân kiến có hai loại, ấy là câu sinh và phân biệt. Phân biệt thân kiến là, như do duyên khởi có vọng chấp về ba cõi.
Đại Huệ! Thí như do tính duyên khởi mà sinh các chấp trước vào vọng kế tưởng tượng sai lầm. Các pháp ấy chỉ là tướng do phân biệt sai lầm sinh ra, chúng lìa hữu và vô, cũng không phải là cũng có cũng không. Kẻ phàm phu ngu si chấp càn, như con thú khát tưởng tượng ra nước.
Đại Huệ! Đây là kiến chấp về một cái ngã riêng biệt mà do không có trí tuệ, vị ấy đã tích tập từ lâu đời, đến khi thấy được nhân vô ngã thì xa lìa được.
Đại Huệ! Câu sinh thân kiến là quan sát khắp thân mình và thân người, các tướng uẩn vô sắc như thọ, tưởng v.v... Và sắc do tứ đại tạo, các đại ấy làm nhân cho nhau, nên không có cái gọi là săc uẩn quán như vậy rồi thấy rõ quan niệm hữu, vô là một quan niệm phiến diện về chân lý, liền xa lìa hữu vô. Vì đã xả thân kiến nên không sinh tham dục. Đó gọi là tướng thân kiến.
Đại Huệ! Nghi tướng là khi rõ thấy tướng các pháp sở chứng, và khi hai kiến chấp và phân biệt thân nói trên đã đoạn trừ, thì không còn sinh hoài nghi gì đối với chính pháp của Phật, lại cũng không có ý tưởng theo một bậc thầy nào khác vì phân biệt tịnh, bất tịnh. Đấy gọi là nghi tướng mà bậc Dự Lưu từ bỏ được.
Đại Huệ! Vì sao Tu Đà Hoàn không giữ giới cấm?
Vì đã thấy rõ tướng khổ của mọi chỗ thọ sinh, cho nên không giữ. Giữ giới là vì kẻ phàm phu ngu tham trước dục lạc thế tục ở trong các cõi cho nên mới khổ hạnh giữ giới nguyện sinh vào các cõi vui.
Bậc Tu Đà Hoàn không giữ tướng ấy, chỉ vì cầu chứng được pháp vô lậu, vô phân biệt, rất thù thắng mà tu hành các giới phẩm. Ấy gọi là tướng giới cấm thủ.
Đại Huệ! Bậc Tu Đà Hoàn xả ba kết nên lìa tham sân si.
Đại Huệ Bồ Tát bạch: Tham có nhiều món.
Xả những món tham nào?
Đại Huệ! Xả các tham dục triền miên về nữ sắc, vì thấy rõ cái vui hiện tại sẽ sinh các khổ về sau, lại vì đã được pháp lạc Tam Muội thù thắng, nên xả cái tham ấy, không phải xả cái tham Niết Bàn.
Đại Huệ! Sao gọi là quả Tư Đà Hàm?
Ấy là vì không rõ tướng của sắc, khởi phân biệt về sắc, khi sinh trở lại một lần trong đời, khéo tu các thiền định, dứt các khổ mà thực hiện Niết Bàn. Ấy gọi là Tư Đà Hàm.
Đại Huệ! Sao gọi là quả A Na Hàm?
Ấy là cũng thấy hữu, vô của các sắc tướng quá khứ, hiện tại, vị lai, nhưng các phân biệt lỗi lầm không do mắt mà khởi, vĩnh viễn xa lìa các ràng buộc, không trở lại, ấy gọi là A Na Hàm.
Đại Huệ! A La Hán ấy là, đã thành tựu tất cả thiền tam muội, giải thoát, các lực, thần thông, đã dứt trừ vĩnh viễn các phiền não, khổ, phân biệt, ấy gọi là A La Hán.
Đại Huệ bạch: Bạch Thế Tôn!
A La Hán có ba hạng là: Một mực cầu tịch, thối nguyện Bồ Đề, do Phật biến hóa.
Đây Phật muốn dạy A La Hán nào?
Đại Huệ! Đây nói về hạng A La Hán cầu tịch diệt, không phải hai hạng kia.
Này Đại Huệ! Hai hạng kia là những người đã phát nguyện thực hành phương tiện thiện xảo và những người muốn trang nghiêm hội chúng của Phật mà hóa sinh.
Này Đại Huệ! Họ ở chỗ hư dối mà nói các pháp, nghĩa là họ đã lìa các việc như chứng quả, thiền, thiền giả cùng các các bậc thiền, và vì biết rằng Thế Giới này không gì khác hơn là do tâm thấy, họ giảng về quả đạt được cho tất cả chúng sinh.
Này Đại Huệ! Nếu Tu Đà Hoàn nghĩ thế này: Ta đã lìa các trói buộc, như vậy tức có hai lỗi, lỗi sa vào ngã kiến, và lỗi không đoạn các trói buộc.
Lại nữa, này Đại Huệ! Nếu vượt khỏi các bậc thiền, các món vô lượng và Vô Sắc Giới, thì hãy xa lìa các tướng do tự tâm thấy.
Đại Huệ! Diệt tưởng định và diệt thọ định không thể siêu việt được cảnh do tự tâm thấy, vì vẫn chưa lìa được tự tâm vậy.
Thế Tôn lại nói bài tụng:
Các thiền cùng vô lượng
Vô sắc tam ma đề
Cùng định diệt tưởng thọ
Ngoài tâm không thể có
Quả Dự Lưu, Nhất Lai
Bất Hoàn, A La Hán
Các Thánh Nhân như thế
Đều nương cọng tâm có
Thiền giả duyên nơi thiền
Dứt hoặc, thấy chân thường
Đấy đều là vọng tưởng
Biết rõ tất giải thoát.
Lại này Đại Huệ!
Có hai món giác trí, ấy là:
1. Trí quán sát pravicayabydhi và.
2. Trí thủ tướng phân biệt chấp trước kiến lập vikalpalaksanagràhàbhinive'sapratisthàpikabudhi.
Trí quán sát là quán hết thảy pháp lìa bốn câu, bất khả đắc.
Bốn câu là gì?
Ấy là một khác, câu bất câu, hữu vô, thường vô thường. Lìa bốn trường hợp ấy về các pháp gọi là lìa hết thảy pháp.
Đại Huệ! Ông nên tu học quán các pháp như thế.
Sao gọi là trí thủ tướng phân biệt chấp trước kiến lập?
Ấy là đối với các đại cứng, ẩm, ấm, động, bám giữ tướng, chấp trước hư không, vọng phân biệt, dùng tôn, nhân, dụ pratijnahetudrstanta mà vọng cho là có, ấy là trí thủ tướng phân biệt chấp trước kiến lập. Đấy là hai món tướng giác trí.
Bậc Bồ Tát đại hữu tình biết các tướng ấy của trí, liền có thể thông đạt nhân pháp đều vô ngã, dùng trí vô tướng khéo quán sát các địa, giải và thành, nhập vào Sơ Địa, được một trăm thứ định, dùng tam muội thù thắng thấy được trăm Phật trăm Bồ Tát, biết các chuyện trước và sau một trăm kiếp.
Hào quang chiếu sáng một trăm Cõi Phật, khéo rõ biết tướng của các địa vị cao tột, dùng nguyện lực thù thắng mà biến hiện tự tại, đến cõi pháp vân, được Phật quán đảnh.
Vào các Cõi Phật theo mười nguyện vô tận mà giáo hóa chúng sinh được thành tựu, làm các sự ứng hiện không ngừng, mà vẫn thường an trú trong pháp lạc tam muội thù thắng của cảnh giới Thánh Trí tự chứng.
Lại nữa, Đại Huệ! Bồ Tát đại hữu tình nên rõ biết các sắc do tứ đại tạo.
Rõ biết thế nào?
Đại Huệ! Bồ Tát đại hữu tình nên quán thế này: Các đại chủng kia thật ra vốn không sinh, vì ba cõi chỉ là phân biệt, chỉ có tâm hiện, không có ngoại vật. Quán sát như thế liền xa lìa tính của các sắc do Tứ Đại tạo, vượt ngoài tứ cú, lìa ngã, ngã sở, an trú chỗ như thật, thành tựu tướng vô sinh.
Đại Huệ! Các đại chủng kia làm sao tạo sắc?
Đại Huệ! Ấy là đại chủng do hư vọng phân biệt cho là ướt, nảy sinh ra nước bên trong và bên ngoài, đại chủng được phân biệt là mãnh liệt sinh ra lửa bên trong và ngoài, đại chủng phân biệt là động sinh ra gió trong và ngoài, đại chủng được cho là phân đoạn các hình sắc sinh ra đất và không gian bên trong và ngoài. Lìa hư không, do chấp trước các tà đế nên có sự nhóm họp của năm uẩn, sinh ra các đại chủng và các sắc do đại chủng tạo.
Đại Huệ! Thức là do sự chấp trước cảnh giới và ngôn thuyết làm nhân khởi, ở các cõi tiếp nối thọ sinh.
Đại Huệ! Các đại tạo sắc v.v... được cho là có các đại chủng làm nhân, tuy nhiên những đại chủng này là phi hữu.
Bởi vì, Đại Huệ! Về những vật có hình tướng, chỗ ở, tác dụng, v.v... người ta có thể nói chúng do sự phối hợp của nhiều phần tử sinh quả khác nhau, nhưng về những sự vật không hình tướng đặc biệt thì không thể nói. Bởi lẽ ấy Đại Huệ, những đại chủng và sở tạo sắc đều là phân biệt của ngoại đạo, không phải thuyết của ta.
Lại nữa, Đại Huệ! Nay ta sẽ nói thể tướng của năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Đại Huệ! Sắc là bốn đại và sở tạo sắc. Những thứ này tướng đều khác nhau. Thọ v.v... không có sắc.
Đại Huệ! Nhưng các uẩn vô sắc không thể đếm được có bốn, vì nó như hư không. Đại Huệ, ví như hư không vượt ngoài số đếm và tướng, nhưng do phân biệt mà nói đây là hư không, các uẩn vô sắc cũng thế, lìa số đếm và tướng, lìa hữu, vô v.v... bốn cú.
Số đếm là do phàm phu nói, không phải Thánh Giả. Các Bậc Thánh chỉ nói như huyễn làm ra, giả lập, lìa khác và không khác, như mộng với bóng, không có tướng riêng biệt. Vì không hiểu cảnh giới của Thánh Trí nên thấy có các uẩn phân biệt trước mắt, ấy là tướng tự tính của các uẩn.
Đại Huệ! Những phân biệt như vậy ông nên xa lìa, xa lìa đó rồi liền nói các pháp tịch diệt thanh tịnh, được pháp vô ngã, nhập viễn hành địa dùramyamà, thành tựu vô lượng tam muội tự tại, được thân ý sinh, các định như huyễn, các lực thần thông tự tại đều đầy đủ, như đất lớn lợi ích khắp quần sinh.
Lại này Đại Huệ! Niết Bàn có bốn thứ.
Bốn thứ ấy là gì?
Ấy là:
Niết Bàn các pháp tự tính vô tính Bhàvasvabhàvàbhàvanirvana.
Niết Bàn các tướng tính vô tính Laksanavicitrabhàvabhàvanirvàna.
Niết Bàn giác tự tướng tính vô tính Svalaksanabhàvàbhàvàvabodhanirvàna.
Niết Bàn đoạn tự tướng cọng tướng các uẩn.
Skandhànàmsvasàmànyalaksanasamtatiprabandhabyucchedanirvàna.
Đại Huệ! Bốn thứ Niết Bàn này là nghĩa của ngoại đạo, không phải do ta nói.
Đại Huệ! Điều ta nói là, các thức phân biệt nóng v.v... diệt gọi là Niết Bàn.
Đại Huệ Bồ Tát bạch: Bạch Thế Tôn! Vậy chớ Thế Tôn không lập có tám thức đấy hay sao?
Ta có lập.
Nếu đã lập thì sao chỉ nói ý thức diệt mà không nói bảy thức kia diệt?
Đại Huệ! Do ý thức làm nhân cùng các sở duyên mà sinh bảy thức kia.
Đại Huệ! Khi ý thức phân biệt khởi chấp trước, liền sinh các tập khí nuôi dưỡng tạng thức. Mạt Na Thức cùng ngã, ngã sở mà nó chấp trước tính toán đều nương tạng thức mà có, không có thể tướng riêng biệt.
Tạng thức làm nhân và duyên cho nó, chấp trước các cảnh giới do tự tâm hiện, nên toàn thể hệ thống tâm thức đắp đổi làm nhân lẫn nhau.
Đại Huệ! Thí như sóng biển, cảnh do tự tâm hiện cũng bị ngọn gió cảnh giới thổi mà có ra sinh diệt. Bởi thế, khi ý thức diệt thì bảy thức kia cũng diệt.
Bấy giờ Thế Tôn nói bài tụng:
Ta không chấp tự tính
Cùng các tướng đã làm
Hết phân biệt cảnh giới
Thế gọi là Niết Bàn
Ý thức nhân của tâm
Tâm làm nhân, sở duyên
Cho cảnh giới của ý
Các thức từ đó sinh
Như thác nước tuôn chảy
Sóng lớn tất không khởi
Cũng thế ý thức diệt
Thì các thức không sinh.
Lại nữa, Đại Huệ! Ta sẽ nói tướng sai biệt của tự tính vọng kế parikalpitasvabhàvaprabhedanyalaksana khiến ông và các Bồ Tát biết nghĩa ấy mà vượt ngoài các vọng tưởng, chứng cảnh giới của Thánh Trí, biết được các pháp ngoại đạo, xa lìa phân biệt năng thủ sở thủ, đối các tướng y tha khởi paratantra, không còn sinh bám víu vọng chấp.
Đại Huệ! Sao gọi là những tướng sai biệt của vọng kế?
Ấy là phân biệt ngôn thuyết abhilàpavikalpa, phân biệt sở thuyết abhidheyavikalpa phân biệt tướng laksanavikalpa, phân biệt tài, phân biệt tự tính svabhàva phân biệt nhân hetu, phân biệt kiến drsti, phân biệt lý yukti, phân biệt sinh utpàda, phân biệt bất sinh anutpàda, phân biệt tương thuộc sambandha, phân biệt phược giải bandhàbandha.
Đại Huệ! Ấy là các tướng sai biệt của vọng kế.
Sao là phân biệt ngôn thuyết?
Ấy là chấp trước các tiếng lời hay đẹp.
Sao là phân biệt ý nghĩa?
Là chấp rằng thật có những sự vật như đã được nói ra cho rằng đây là cảnh mà Thánh Trí đã chứng và theo đó mà nói, ấy là phân biệt sở thuyết ý nghĩa.
Sao gọi là phân biệt tướng?
Ấy là chấp vào các sự vật đã được diễn đạt, như con thú khát tưởng tượng ra nước, phân biệt các tướng cứng, ẩm, ấm, động. Ấy là phân biệt tướng.
Sao gọi là phân biệt tài?
Là bám giữ các thứ tiền tài vàng bạc vv... các thứ báu vật, mà nói ra ngôn thuyết.
Sao là phân biệt tự tính?
Ấy là dùng ác kiến mà phân biệt như thế này: Đây là tự tính, nhất định không phải những cái khác.
Sao gọi là phân biệt nhân?
Là đối với nhân duyên, khởi phân biệt có không.
Sao là phân biệt kiến?
Ấy là sự chấp trước ác kiến của ngoại đạo, chấp có không, khác không khác, cùng không cùng v.v...
Sao là phân biệt lý?
Ấy là chấp có tướng ngã, ngã sở mà sinh ngôn thuyết.
Sao là phân biệt sinh?
Ấy là kể các pháp hoặc có hoặc không do nhân duyên mà sinh.
Sao là phân biệt bất sinh?
Ấy là chấp rằng tất cả bản lai không sinh.
Sao gọi là phân biệt tương thuộc?
Ấy là đây và đó y cứ vào nhau, hỗ tương hệ thuộc, như vàng và dây vàng.
Sao là phân biệt phược giải?
Ấy là chấp do có cái trói buộc mà có cái bị trói buộc, như dùng sợi dây mà cột rồi lại mở. Ấy là phân biệt trói mở.
Đại Huệ! Đấy là những tướng sai biệt của vọng kế, hết thảy phàm ngu đều chấp trước vào đó hoặc chấp có hoặc chấp không.
Đại Huệ, ở nơi pháp duyên khởi chấp các tự tính vọng kế, như thấy những huyễn vật khác nhau mà phân biệt vật này huyễn vật kia khác với huyễn.
Đại Huệ! Huyễn và các vật không phải một cũng không phải khác. Nếu khác thì huyễn không làm nhân cho các sự vật. Nếu là một thì huyễn và các vật đáng lẽ không khác nhau, nhưng vì có khác nên biết không phải là một.
Đại Huệ! Ông và các Bồ Tát không nên do huyễn mà sinh chấp trước hữu vô.
Bấy giờ Thế Tôn lại nói bài tụng:
Tâm bị cảnh trói buộc
Do đó có giác tướng
Nơi vô tướng cao thượng
Trí tuệ bình đẳng sinh
Theo vọng kế thì có
Theo duyên khởi tất không
Vọng kế tức mê hoặc
Duyên khởi lìa phân biệt
Các thứ phân biệt sinh
Đều huyễn, không thành tựu
Các tướng trạng chỉ hiện
Vọng phân biệt, không chân
Các tướng ấy là lỗi
Do tâm trói buộc sinh
Kẻ vọng chấp không hiểu
Phân biệt pháp duyên khởi
Các tính vọng kế ấy
Đều tức là duyên khởi
Vọng kế có nhiều loại
Trong duyên khởi phân biệt
Thế tục, đệ nhất nghĩa
Thứ ba không nhân sinh
Vọng kế là thế tục
Dứt vọng tức Thánh cảnh
Như kẻ tu quán hạnh
Nơi một, hiện các tướng
Kỳ thật không có gì
Tướng vọng kế cũng vậy
Như mắt bị đau màn
Vọng tưởng thấy các màu
Màu không sắc phi sắc
Không hiểu duyên khởi vậy
Như vàng lìa cấu bẩn
Như nước lìa bùn dơ
Như hư không không mây
Sạch vọng tưởng cũng thế
Vọng chấp vốn là không
Theo duyên khởi thì có
Kiến lập và bác bỏ
Đều do phân biệt sinh
Nếu không tính vọng kế
Mà có các duyên khởi
Không pháp mà có pháp
Pháp có từ không sinh
Do nhân nơi vọng kế
Mà có các duyên khởi
Tướng, nên thường theo nhau
Mà sinh ra vọng kế
Vì duyên khởi nương vọng
Rốt ráo không thật có
Khi thanh tịnh hiển bày
Gọi là đệ nhất nghĩa
Vọng kế có mười hai
Duyên khởi có sáu thứ
Cảnh tự chứng chân như
Thì không có sai biệt
Chân lý là năm pháp
Cùng với ba tự tính
Người tu hành quán đấy
Không làm trái chân như
Do nơi tướng duyên khởi
Vọng chấp các thứ danh
Tướng các vọng kế kia
Có ra từ duyên khởi
Trí tuệ khéo quán sát
Không duyên, không vọng kế
Trong chân như không vật
Làm sao phân biệt sinh
Trí viên thành nếu có
Tất phải lìa hữu vô
Đã xa lìa hữu vô
Làm sao có hai tính
Vọng kế thành hai tính
Hai tính do an lập
Phân biệt thấy các tướng
Thanh tịnh là Thánh hạnh
Các tướng của vọng kế
Trong duyên khởi phân biệt
Nếu phân biệt khác thế
Là sa luận ngoại đạo
Vì cái thấy sai lầm
Vọng chấp vào cảnh vọng
Lìa hai thứ chấp ấy
Gọi là pháp chân thật.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn xin vì con nói các hành tướng tự chứng Thánh Trí và hành tướng của nhất thừa, con và các Bồ Tát được hiểu rõ chỗ ấy sẽ không còn tùy kẻ khác mà giác ngộ.
Phật dạy: Ông hãy nghe kỹ, ta sẽ nói cho.
Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Đại Huệ! Bồ Tát đại hữu tình y nơi Thánh Giáo, không phân biệt, nên ở một mình chỗ vắng lặng tu quán nội tâm, không do kẻ khác mà ngộ, lìa kiến phân biệt, dần tiến lên Phật Địa, tu hạnh như thế gọi là hành tướng của tự chứng Thánh Trí.
Sao gọi là hành tướng của nhất thừa?
Ấy là chứng được đạo nhất thừa vậy.
Sao gọi là biết đạo nhất thừa?
Là lìa phân biệt năng thủ sở thủ, an trú trong như thật.
Đại Huệ! Đạo nhất thừa này ngoài Như Lai, ngoại đạo, Nhị Thừa, Phạm Vương v.v... không thể đạt đến.
Bạch Thế Tôn! Vì sao nói có ba thừa mà không nói một thừa?
Đại Huệ! Vì Thanh Văn, Duyên Giác không có pháp để tự Niết Bàn, nên ta không nói một thừa, vì những kẻ kia thường nương theo lời Như Lai dạy mà hàng phục, xa lìa, nhờ tu hành như vậy mà được giải thoát, không phải tự chứng đắc.
Lại những người kia chưa thể trừ được chướng ngại của trí và tập khí của nghiệp, chưa giác ngộ được pháp vô ngã, chưa thoát khỏi bất tư nghì biến dị tử, cho nên ta nói có ba thừa.
Nếu những kẻ kia hay trừ được hết các tập khí lỗi lầm, giác ngộ pháp vô ngã, liền xa lìa sự mê say trong định để giác ngộ cảnh giới vô lậu, ở trong các cảnh giới vô lậu cao thượng xuất thế gian mà tu các công đức, đầy đủ các phương tiện, được pháp thân tự tại không thể nghĩ bàn.
Bây giờ Thế Tôn nói bài tụng:
Thiên thừa cùng phạm thừa
Thanh Văn, Duyên Giác thừa
Chư Phật Như Lai thừa
Các thừa mà ta nói
Nếu còn chứa tâm khởi
Các thừa chưa rốt ráo
Khi tâm bị chuyển diệt
Không có thừa, thừa giả
Xe và người ngồi xe
Không có thừa độc lập
Nên ta gọi nhất thừa
Vì nhiếp phục kẻ ngu
Nói các thừa sai biệt
Giải thoát có ba thứ
Là lìa các phiền não
Cùng với pháp vô ngã
Trí bình đẳng giải thoát.
Thí như gỗ trong nước
Theo làn sóng bồng bềnh
Tâm Thanh Văn cũng thế
Bị gió tưởng thổi động
Tuy hết khởi phiền não
Tập khí kia vẫn chuyển
Say vì rượu tam muội
Chấp trước cảnh vô lậu
Không phải đường cứu cánh
Lại cũng không thối chuyển
Được thân tam muội rồi
Hết kiếp vẫn chưa tỉnh
Như người say bí tỉ
Nhả rượu liền tỉnh ngộ
Thanh Văn cũng như vậy
Giác rồi sẽ thành Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Một - Phẩm địa Cực Hỷ - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Mười Bảy - Vô Tận
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Năm Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Chín - Khoảnh Khắc Tái Sanh
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Tam Tụ
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thập Vô