Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Mười - Phẩm Kệ Tụng Phần Thứ Nhất - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM MƯỜI
PHẨM KỆ TỤNG PHẦN THỨ NHẤT
PHẦN MỘT
Bấy giờ Thế Tôn muốn nói lại các nghĩa rộng trong Tu Đa La Kinh này nên nói bài kệ:
Các pháp không chắc thật
Đều do phân biệt sinh
Vì phân biệt là không
Bị phân biệt không có
Do hư vọng phân biệt
Mà có các thức sinh
Tám, chín thức các món
Như sóng lớn trong biển
Tập khí thường tăng trưởng
Tâm chuyển theo cảnh giới
Như sắt với nam châm
Tính chúng sinh sở y
Xa lìa các suy lường
Cùng lìa trí, sở tri
Chuyển y đặng giải thoát
Được như huyễn tam muội
Siêu quá nơi Thập Địa
Khi quán thấy tâm vương
Tưởng thức đều xa lìa
Khi tâm đã chuyển y
Ấy gọi là thường trụ
Ở nơi Liên Hoa cung
Khởi ra các huyễn cảnh
Đã ở cung ấy rồi
Tự tại không dụng công
Lợi ích cho chúng sinh
Như mầu ngọc Ma Ni
Không hữu vi, vô vi
Chỉ trừ vọng phân biệt
Phàm ngu mê chấp giữ
Như thạch nữ mộng con
Nên biết rằng linh hồn
Uẩn, giới, các thứ duyên
Các kiến hữu, phi hữu
Đều không, vô tự tính
Ta dùng phương tiện nói
Nhưng thật không có tướng
Phàm phu vọng chấp giữ
Năng tướng cùng sở tướng
Tất cả biết cùng không
Tất cả không tất cả
Do phàm ngu phân biệt
Phật không giác tự, tha
Các pháp như mộng huyễn
Không sinh, không tự tính
Vì đều là tính không
Không có, bất khả đắc
Ta chỉ nói một tính
Lìa nơi vọng kế chấp
Tự tính không có hai
Chỗ làm của các Thánh
Như tứ đại bệnh suy
Khắp cõi thấy hoa đốm
Cái thấy đó không thực
Thế gian cũng như vậy
Như huyễn hiện các tượng
Cây cỏ cùng ngói sỏi
Mà thật không có gì
Các pháp cũng như vậy
Không năng thủ sở thủ
Không trói không bị trói
Như huyễn như ảo tượng
Như mộng như hoa đốm
Nếu muốn thấy chân thật
Hãy lìa phân biệt, thủ
Nên tu quán chân thật
Tất không Phật, không nghi
Thế gian đồng như mộng
Sắc, của cải đều thế
Nếu thấy được như vậy
Là tối tôn trên đời
Ba giới do tâm khởi
Do mê hoặc thấy có
Lìa vọng không thế gian
Biết rồi chuyển nhiễm y
Sở kiến của phàm ngu
Vọng chấp có sinh diệt.
Bậc trí quán như thật
Không sinh cũng không diệt
Thường hành vô phân biệt
Xa lìa tâm, tâm pháp
Trú Trời sắc cứu cánh
Lìa các chỗ lỗi lầm
Nơi đấy thành chính giác
Đủ thần thông tự tại
Cùng các định thù thắng
Hóa hiện nơi thành này
Hóa thân vô lượng ức
Du khắp hết các cõi
Khiến ngu phu được nghe
Như hương, khó nghĩ lường
Xa lìa đầu, giữa cuối
Lại xa lìa hữu, vô
Không nhiều mà hiện nhiều
Không động mà biến khắp
Nói trong thân chúng sinh
Tính chân bị che lấp
Mê hoặc thành huyễn có
Không phải huyễn bị mê
Do tâm mê hoặc nên
Hết thảy đều thành có
Vì chúng trói buộc nhau
Tạng thức sinh thế gian
Như thế các thế gian
Chỉ có giả hiện bày
Các kiến như thác chảy
Có ra pháp và người
Nếu biết được như thế
Tức là chuyển sở y
Làm con ta đích thực
Thành tựu pháp tùy thuận
Do ngu phu phân biệt
Pháp cứng, ẩm, ấm, động
Giả danh không có thật
Lại không tướng, sở tướng
Thân hình và các căn
Đều do tám vật thành
Phàm ngu chấp sắc tướng
Thân kia bị lao lung
Phàm ngu vọng phân biệt
Nhân duyên hòa hiệp sinh
Không rõ tướng chân thật
Trôi lăn trong ba cõi
Các chủng tử trong thức
Hay hiện cảnh giới tâm
Do phàm ngu phân biệt
Vọng chấp nơi hai thủ
Vô minh cùng ái nghiệp
Các tâm do đó sinh
Vì vậy ta biết rõ
Đó là tính y tha
Vọng phân biệt có vật
Mê hoặc các tâm pháp
Phân biệt kia đều không
Mê vọng chấp là có
Tâm bị các duyên buộc
Sinh khởi nên chúng sinh
Nếu xa lìa các duyên
Ta nói không sở kiến
Đã lìa hết các duyên
Tự tướng và phân biệt
Trong thân không sinh khởi
Ta gọi là vô vi
Tâm sở chúng sinh khởi
Năng thủ và sở thủ
Sở kiến đều vô tướng
Phàm ngu vọng phân biệt
Hiển thị A lại da
Tạng thức rất thù thắng
Lìa năng thủ sở thủ
Ta nói là chân như
Trong uẩn không có người
Không ngã, không chúng sinh
Sinh chỉ là thức sinh
Diệt chỉ là thức diệt
Như tranh có cao thấp
Tuy thấy mà không thật
Các pháp cũng như vậy
Tuy thấy mà không có
Như thành Càn Thát Bà
Lại như bóng nắng lòa
Sở kiến thường như vậy
Trí quán không thể có
Nhân duyên cùng thí dụ
Lấy đó mà lập tôn
Càn thành, mộng, vòng lửa
Ảo tượng, ánh mặt trời
Nơi lửa, và mao luân
Lấy đó làm ví dụ
Để bày nghĩa vô sinh
Thế phân biệt đều không
Mê hoặc, như huyễn mộng
Thấy các loài không sinh
Ba cõi không sở y
Trong ngoài cũng như vậy
Thành tựu vô sinh nhẫn
Được như huyễn tam muội
Cùng với ý sinh thân
Đủ các món thần thông
Các lực và tự tại
Các pháp vốn vô sinh
Không, không có tự tính
Mê hoặc các nhân duyên
Nên nói có sinh diệt
Ngu phu vọng phân biệt
Lấy tâm hiện ra tâm
Cùng hiện các ngoại sắc
Mà thật không có gì
Như định lực quán thấy
Tượng Phật cùng khớp xương
Phân chẻ đến đại chủng
Giả bày ra thế gian
Thân, tài sản, chỗ ở
Ba pháp làm sở thủ
Ý thủ và phân biệt
Ba pháp làm năng thủ
Mê hoặc cùng vọng kế
Là phân biệt năng, sở
Chỉ theo văn tự, cảnh
Mà không thấy chân thật
Hành giả lấy tuệ quán
Các pháp không tự tính
Khi ấy trụ vô tướng
Hết thảy đều dứt bặt
Như lấy mực vẽ gà
Kẻ vô trí vọng thủ
Thật không có ba thừa
Phàm ngu không hiểu được
Nếu thấy các Thanh Văn
Cùng với Bích Chi Phật
Đều là chỗ hóa hiện
Của Bồ Tát đại bi
Ba cõi chỉ là tâm
Phân biệt hai tự tính
Chuyển y lìa nhân pháp
Ấy tức là chân như
Nhật nguyệt ánh đèn lửa
Đại chủng và Ma Ni
Không phân biệt tác dụng
Chư Phật cũng như vậy
Các pháp như mao luân
Xa lìa sinh, trụ, diệt
Lại lìa thường, vô thường
Nhiễm tịnh cũng như thế
Như bôi thuốc vào mắt
Thấy đất thành sắc vàng
Mà thật trong đất kia
Vốn không có tướng vàng
Kẻ ngu cũng như vậy
Tâm mê loạn vô thỉ
Vọng chấp các pháp thật
Như huyễn như ảo tượng
Nên quán một chủng tử
Cùng phi chủng đồng ẩn
Một chủng hết thảy chủng
Gọi các pháp của tâm
Các chủng tử là một
Chuyển y thành phi chủng
Bình đẳng đồng pháp ấn
Tất đều không phân biệt
Tất cả những chủng tử
Làm nhân cho các thức
Sinh các sự phiền não
Gọi là các chủng tử
Quán tự tính các pháp
Mê hoặc không bỏ đời
Tính vật vốn vô sinh
Biết rõ tức giải thoát
Bậc định quán thế gian
Các sắc do tâm khởi
Vô thỉ tâm mê hoặc
Thật không có sắc, tâm
Như huyễn và càn thành
Mao luân và ảo tượng
Không có mà hiện có
Các pháp cũng như vậy
Hết thảy pháp không sinh
Chỉ do mê hoặc thấy
Đã do mê vọng sinh
Ngu vọng chấp có hai
Do các thứ tập khí
Sinh các làn sóng tâm
Nếu khi tập khí đoạn
Sóng tâm không còn khởi
Tâm duyên các cảnh khởi
Như tranh nương vào vách
Nếu ở giữa hư không
Làm sao mà họa được
Nếu duyên một ít phần
Khiến tâm kia được sinh
Tâm đã do duyên khởi
Nghĩa duy tâm không thành
Tính tâm vốn thanh tịnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba