Phật Thuyết Kinh Thuận Quyền Phương Tiện - Phẩm Bốn - Phẩm Tên Gọi Giả - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

THUẬN QUYỀN PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN

PHẨM TÊN GỌI GIẢ  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Cô ra khỏi cửa còn chồng cô ở đâu?

Cô gái đáp: Thưa Tôn Giả! Chồng tôi không phải chỉ một người.

Vì sao?

Giả sử có các chúng sinh ưa thích siêng năng tu hành, không buông lung tâm ý, thực hành theo phương tiện thiện xảo thì các chúng sinh ấy đều là chồng tôi.

Tôn Giả Tu Bồ Đề hoi: Thế nào là ưa thích thực hành theo phương tiện thiện xảo?

Cô gái đáp: Thưa Tôn Giả! Nếu có chúng sinh ưa thích tất cả các dục lạc thì tôi cho họ những sự dục lạc ấy, sau đó, tôi dùng phương tiện giúp họ phát tâm cầu đại đạo. Nếu có chúng sinh nhờ nơi ái dục mà biết giữ gìn giới luật, tôi cũng cho họ được hưởng những sự ái dục ấy, rồi sau đó, tôi rời xa họ, dùng phương tiện thiện xảo tùy thời giáo hóa họ.

Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Từ ban đầu, Đức Như Lai làm gì có sự cho phép ưa thích dục lạc, Ngài có tùy thời nghĩ đến thế nào đi nữa cũng không trái với giáo pháp. Đức Như Lai Chí Chân chưa bao giờ dạy người khác làm theo sự ái dục.

Cô gái đáp: Tôn Giả không nghe hay sao?

Đức Phật đã dạy: Tỳ Kheo nào tùy ý ưa thích y phục, thực phẩm, đồ nằm ngồi, thuốc thang trị bệnh, hoặc chỗ ở… đều nên bình đẳng ban cho họ, rồi sau đó, các Hòa Thượng, A Xà Lê dạy cho họ được thể nhập đại đạo.

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Đúng vậy, đúng như lời cô nói.

Cô gái lại nói: Vì vậy, Tôn Giả nên hiểu rõ, Đức Như Lai cũng cho phép tùy thời nghi thuận theo dục lạc, dùng phương tiện thiện xảo này để hóa độ chúng sinh.

Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Những chúng sinh nào được giáo hóa bằng phương tiện thiện xảo tùy theo dục lạc này?

Cô gái đáp: Nếu có thể đếm được có bao nhiêu vì sao trong tam thiên đại thiên Thế Giới này thì các chúng sinh được tôi hóa độ bằng phương tiện thiện xảo tùy thuận dục lạc cũng nhiều ngần ấy và tôi cũng khiến cho những người phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng nhiều không thể tính kể.

Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Cô dùng phương tiện thiện xảo để ban dục lạc cho người khác như thế nào?

Cô gái đáp: Nếu có chúng sinh ưa thích sinh về cõi Phạm Thiên, tôi tu phạm hạnh, tùy theo họ tu vô lượng các thiền, đạt được sự an lạc trong thiền rồi, sau đó, tôi mới giáo hóa họ hướng về Phật đạo. Hoặc có chúng sinh thích Cõi Trời Đế Thích, tôi thị hiện ban cho họ niềm an vui của Cõi Trời Đế Thích, sau đó, thị hiện pháp vô thường của Cõi Trời này, nhân đó, giáo hóa khiến cho họ phát tâm cầu chánh đạo.

Nếu có chúng sinh ưa thích Cõi Trời, Rồng, Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già…, tôi đều thị hiện cho họ những sự vui thích trong các cõi ấy, sau đó, biến hóa tất cả những cõi ấy đều không thật có và hóa độ khiến họ phát tâm cầu đại đạo.

Nếu có chúng sinh thích ngôi vị Chuyển Luân Vương, hoặc thích chức vị đại thần, quan lại trấn giữ các châu huyện, quân tử, phạm chí, hoặc chỉ thích làm thường dân, hoặc có người thích các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc… nhỏ nhiệm, trơn láng, hoặc thích ngửi hương hoa, thích hương xoa thân, y phục, dù lọng.

Hoặc thích vàng, bạc, ngọc minh nguyệt, thủy tinh, lưu ly, xa cừ, mã não, bạch ngọc, châu báu… vô số người ưa thích nhiều loại khác nhau không thể tính kể… hoặc có người thích đàn trống, múa hát, những loại âm thanh khơi gợi dục tình, lời lẽ bi thương… tôi đều tùy theo ý muốn của họ làm cho họ được vừa ý. Sau đó mới khuyên họ phát tâm cầu chánh đạo, giải thoát chúng sinh. Tùy theo căn cơ thượng, trung, hạ của họ, tôi đều khiến họ được lợi ích.

Tôn Giả Tu Bồ Đề nói với cô gái: Nếu mong cầu đạt được Thánh Đạo thì liền bị ngăn che, không có pháp mong cầu mới không bị chướng ngại. Một người nào mà được hóa độ nhờ ứng hợp với giới luật, xa lìa nhân duyên mà được pháp chưa từng có, đó là điều rất khó.

Sự hành hóa của Bồ Tát Đại Sĩ nhiều vô lượng, các vị dùng pháp này để tạo nghiệp phước vô thượng, các vị cũng dùng pháp này để giáo hóa chúng sinh, khiến họ được thuận hợp với giới luật. Tôi rất lấy làm vui mừng.

Khi ấy có hai người con của Trưởng Giả đồng đến trong chúng hội nơi sân nhà cô gái để nghe pháp. Nghe cô gái giảng nói về pháp phương tiện thiện xảo, tùy theo sự ưa thích dục lạc của chúng sinh mà hóa độ, khiến cho họ phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng.

Hai Đồng tử thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả không nên dùng trí tuệ của mình mà nói về trí tuệ của Bồ Tát, cảnh giới trí tuệ của Tôn Giả như thế nào?

Như ánh sáng của đom đóm, có thể chiếu sáng một vùng bóng tối bằng bàn tay hay không?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Này thiện nam! Ánh sáng của đom đóm không đủ chiếu sáng một bàn tay.

Cũng vậy, thưa Tôn Giả! Những thiện nam, thiện nữ học theo thừa Thanh Văn đức mỏng, phước mỏng, ánh sáng phước đức và trí tuệ vừa chợt nghĩ đến không bao lâu liền mong đến diệt độ.

Giống như trong kiếp lửa thiêu đốt tất cả những dòng nước trong sông Hằng, trong suối nguồn có thể dập tắt lửa được không?

Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Giả sử tất cả những dòng nước trong trăm ngàn vạn ức biển, sông ngòi cũng không thể dập tắt được ngọn lửa hừng hực trong kiếp thiêu, huống chi là nước trong các sông suối.

Cô gái nói: Thưa Tôn Giả! Cũng vậy, ánh sáng trí tuệ của các Bồ Tát không thể suy lường, oai đức cũng không thể tính kể. Giả sử Bồ Tát có hưởng năm dục lạc trong các kiếp nhiều như cát sông Hằng đi nữa, trí tuệ cũng vẫn không hết. Ánh sáng công đức trí tuệ của Bồ Tát cao vời lồng lộng vô cùng.

Thưa Tôn Giả! Như người nghèo khổ bị bệnh nguy khốn, có vị thầy thuốc đến tùy bệnh cho thuốc. Bệnh nặng nhẹ gì người ấy cũng được thuyên giảm, người ấy uống thuốc rất dễ dàng, vì tự biết mình nghèo hèn, phước mỏng, cố gắng tự chịu uống đắng để được lành bệnh.

Vì sao?

Vì người nghèo tự biết mình không có nhiều tiền của.

Thưa Tôn Giả! Cũng vậy, những người tu theo thừa Thanh Văn luôn biết vừa đủ, không ham muốn, ở chỗ vắng vẻ, từ bỏ bỏn sẻn, ganh ghét, nhưng vì ít hiểu biết nên phải chịu tất cả những khổ não. Sau đó mới được diệt tận các lậu, được tâm giải thoát. Nên biết như vậy.

Thưa Tôn Giả! Như người nghèo khổ được uống thuốc thang nên được hết bệnh, đó là sự giải thoát của thừa Thanh Văn.

Lại như vị Quốc Vương trên đỉnh đầu có oai tướng, khi bị bệnh có ngự y lo thuốc thang chữa trị, dùng loại thuốc của bậc đế vương có màu đẹp vị ngon, uống vào thì mặt mày, đầu cổ đều được an ổn, thân thể không còn đau bệnh vì thuốc có đầy đủ các vị.

Vị Quốc Vương có đầy vàng, bạc, châu báu, có nhiều loại hương hoa thơm xông ướp thân, có các âm nhạc luôn luôn nghe vui tai… vậy thì vị Quốc Vương ấy có gì phải lo sợ, buồn rầu không?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Không có gì phải lo sầu. Vì Quốc Vương ấy có nhiều loại thuốc quý để trị bệnh, dùng nhiều âm nhạc để giải trí, tất cả những bệnh tật đều được tiêu trừ, hoàn toàn an ổn.

Cô gái nói: Thưa Tôn Giả! Cũng vậy, nếu Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo bằng tất cả những dục lạc, ưa thích tất cả những niềm vui đạo pháp, tự an vui tu hành tự tâm, rồi thọ nhận tất cả các dục lạc, cho đến khi đạt đạo chánh chân vô thượng, thành bậc Chánh Giác tối tôn.

Thưa Tôn Giả! Vì vậy cũng như vị thầy thuốc dùng thuốc để trị bệnh, Bồ Tát hiển bày trí tuệ như vậy để giáo hóa chúng sinh.

Lại nữa, thưa Tôn Giả! Năm dục vốn không nguồn gốc cũng không xứ sở. Bồ Tát thọ nhận năm dục mà vẫn hiểu rõ mình đang làm điều gì. Vì năm dục không có phước đức thì các công đức cũng không thể đạt, cũng đều không thật có, Nhất thiết trí cũng không thể thủ đắc, không có tên gọi. Nếu nhận những điều đó cũng chỉ là thân đạt được các tưởng.

Những gì là có đạo?

Những gì là không có đạo?

Năm ấm vốn rỗng lặng, sự rỗng lặng cũng trống không, nếu nhận được điều đó tức cũng chẳng có các dục lạc. Nhàm chán và không hề mong cầu các dục lạc, đó là chí nguyện về đạo. Bị năm ấm rượt đuổi, không thể định tâm, đó gọi là không có đạo.

Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi hai người con Trưởng Giả: Cô gái này là gì của hai vị?

Hai vị Đồng tử chắp tay nói kệ:

Đây: Bậc cha mẹ tôi

Từ bi ban an ổn

Người thân thiết của tôi

Bậc Thế Tôn Vô Thượng.

Các oai thần như vậy

Đạt được các công đức

Nhóm họp đủ các hạnh

Giải thoát vô số khổ.

Giảng nói Kinh Pháp này

Đầy đủ các hạnh nghiệp

Ban niềm vui trí tuệ

Tâm thực hành pháp không.

Diễn bày các Kinh Pháp

Khiến tất cả tinh tấn

Cho tôi niềm vui pháp

Giáo hóa về hạnh không.

Từ bỏ nơi gia đình

Như lửa đốt cháy thân

Khéo dùng phương tiện này

Diệt trừ lưới phiền não.

Như trừ rắn độc cắn

Dứt bỏ các độc hại

Các tham dục cũng vậy

Ân ái làm thương tổn.

Như người bị nạn lửa

Phải mau dập tắt lửa

Lửa phiền não cũng thế

Muốn thoát nạn tham dục.

Phải hiểu rõ nghĩa pháp

Để tiêu trừ sợ hãi

Nhờ trừ các nạn này

Ánh sáng trí tuệ hiện.

Tôi chẳng ham tham dục

Do đó đạt trí tuệ

Các nghĩa không có nghĩa

Là tham dục thế gian.

Khi ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi cô gái: Cô dùng phương tiện thiện xảo như thế nào để không bỏ tất cả chúng sinh, tùy theo thời nghi mà giáo hóa cho tất cả?

Cô gái đáp: Thưa Tôn Giả! Ở đời, người nữ thường nhiều dục lạc, không biết nhàm chán như người nam, tâm ý người nữ lúc nào cũng ưa thích dục lạc. Vì vậy, Bồ Tát thực hành phương tiện thiện xảo để giáo hóa họ, các vị luôn thị hiện thân nữ để hóa độ, vì thân người nam không thể thị hiện vào chỗ các dâm nữ.

Tôn gia Tu Bồ Đề hỏi: Hiện nay, cô đang làm thân người nữ để giáo hóa người nữ đó chăng?

Khi ấy, trong khoảnh khắc, cô gái chuyển thân nữ thành thân đồng nam khoảng mười hai tuổi, vì hai người con Trưởng Giả mà mặc y phục của người nam thanh tịnh, rồi hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả là phàm phu hay là bậc hữu học?

Tôn Giả đáp: Tôi không phải phàm phu cũng chẳng phải là bậc hữu học.

Cô gái nói: Thưa Tôn Giả! Cũng vậy, tôi chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ.

Khi ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề nghĩ: Đồng nam này quả là người thành tựu hạnh nghiệp trí tuệ vi diệu, sâu xa của Bồ Tát nên mới nói như vậy.

Biết được suy nghĩ của Tôn Giả Tu Bồ Đề, vị đồng nam hỏi: Thưa Tôn Giả! Thế nào là diệt tận các lậu?

Xin Tôn Giả hãy giảng nói rõ ý nghĩa chung quy của chúng?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Tôi chẳng phải là bậc đã diệt tận các lậu.

Đồng nam ấy lại hỏi: Các lậu là gì?

Quá khứ, hiện tại, vị lai, các lậu đều không thể diệt tận, quá khứ đã diệt tận, hiện tại thì không ngừng chỗ nào, vị lai thì chưa đến. Diệt tận các lậu đời vị lai thì không thể được, nên cũng không diệt tận.

Các lậu trong hiện tại, đã quay về sự diệt tận nhưng không ở chỗ nào, nên cũng không thể diệt tận… Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Này Thiện Nam! Tôi thật sự không thể đáp lời ấy được. Bây giờ đã sắp quá giờ ngọ, tôi chỉ muốn khất thực để khỏi phải ăn phi thời.

Khi đó, vị đồng nam có pháp tam muội tên là Phổ Châu Phật độ diệu hoa, vị ấy dùng tam muội này để nhập vào chánh định. Khi vị đồng nam ấy nhập vào tam muội, Tôn Giả Tu Bồ Đề từ xa nhìn thấy từ nơi thân vị ấy hiện ra tất cả các Cõi Phật nhiều không thể tính kể ở khắp mười phương, còn đồng nam ấy thì đứng hầu bên Phật.

Ở các Cõi Phật ấy, nơi thì mặt trời vừa mọc chiếu sáng thiên hạ, nơi thì vào giờ ăn sáng, nơi thì giữa buổi sáng, chỗ thì sắp đúng giờ ăn trưa, nơi thì ngay lúc đánh kiền chùy, chỗ thì đang ngay giờ thọ thực, có nơi thì đã dùng cơm xong và đang rửa bát.

Cũng có Cõi Phật đang vào giờ đi khất thưc, có chỗ đang đúng giữa ngọ, có nơi vào lúc quá buổi trưa, có chỗ đang lúc đầu đêm, có nơi đang nửa đêm, chỗ thì đã gần sáng, hoặc có Cõi Phật không có mặt trời, mặt trăng, mọi chúng sinh, người và vật đều tự có ánh sáng…

Hiện ra các công đức cao vời như vậy xong, đồng nam hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Tôn Giả muốn thọ thực vào giờ nào?

Tôn Giả hãy xem bây giờ đang là lúc nào?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Này thiện nam! Bây giờ chưa đúng giờ, không nên thọ thực. Ở các Cõi Phật khác cũng chưa đến giờ thọ thực.

Khi đó, đồng nam ấy liền dùng tam muội Chánh thọ thị hiện thần thông, khiến cho mặt trời trở về hướng Đông như vào buổi sáng rồi thưa: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả hãy xem bây giờ đang còn rất sớm, Tôn Giả hãy an tâm, vẫn chưa đến giờ thọ thực.

Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Này Thiện Nam! Ngươi tên là gì?

Thưa Tôn Giả! Xin Tôn Giả hãy thưa hỏi Đức Thế Tôn, Thế Tôn sẽ trả lời cho Tôn Giả biết tôi tên là gì.

Thưa Tôn Giả! Tất cả các tên gọi đều không có tên. Tất cả các tên gọi đều theo tư tưởng, rất hư dối, không thật có. Các vọng tưởng cũng đều không chân thật, chẳng có tên gọi. Cho nên, tất cả vốn đều không.

Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Lại nữa, này thiện nam! Vậy thì nhất thiết trí cũng là tên gọi giả chăng?

Nhất thiết trí có được tên gọi nhờ tư tưởng là không chân thật hay sao?

Thưa vâng, Tôn Giả! Nhờ tư tưởng mà có được danh hiệu nên nhất thiết trí là không thật có.

Vì sao?

Vì Nhất thiết trí là không thể suy lường nên cũng là tên gọi giả. Tất cả mọi điều ở trong các Cõi Phật đều vốn không có ngọn nguồn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần