Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trí ấn - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Cát Tường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA TRÍ ẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trí Cát Tường
PHẦN BA
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát như thế, nếu có mong muốn thấy được các cõi nước Chư Phật, khắp mười phương Thế Giới và tất cả Như Lai, thì đều được như sở nguyện.
Này Xá Lợi Phất! Tam Ma Địa này là pháp môn cao hơn hết, là vô lượng, vô biên pháp nhãn sâu xa, của các Đại Bồ Tát. Đối với các pháp đều có được sự hiểu biết thông suốt, không còn chướng ngại, không bị quên mất. Đó gọi là pháp môn Như Lai tối thắng Tổng trì Đà La Ni.
Nếu các Bồ Tát, tâm muốn hoàn thiện tất cả tướng nói năng, muốn thành tựu tánh vi diệu Vô Thượng Bồ Đề thì cần phải hết lòng siêng năng tu tập pháp môn Trí ấn Tam Ma Địa ấy.
Nếu các Bồ Tát, muốn xa lìa những nghiệp ác, việc làm không bị các chướng ngại, thành tựu pháp thanh tịnh tối thượng, dùng sức trí tuệ đánh dẹp ma oán, xa lìa điều ác, các tướng bình đẳng, như trí Như Lai, không nhiễm các nhơ bẩn, hết sạch các nghiệp chướng, trong sạch không dơ, an trụ nơi trí địa rốt ráo của Như Lai.
Có khả năng, khiến cho các điều ác và tất cả ma oán dứt sạch, không còn chỗ lung lạc, giác trí sáng suốt. Biết rõ đủ những thứ cảnh tướng, phân biệt, yêu thích, của tất cả chúng sinh, các nghiệp lành và ác, nhân quả sai khác của tất cả các chúng sinh kia.
Biết rõ tâm địa vi tế, phiền não trói buộc, của tất cả các chúng sinh. Có khả năng, biết được phương pháp tháo gỡ, tất cả những sợi dây trói buộc của các hữu tình thì cần phải tu học pháp môn Trí ấn thắng Tam Ma Địa, phương tiện cao tột mà Như Lai đã nói.
Nếu các Bồ Tát muốn cho chúng sinh an vui mãi mãi, tâm luôn suy nghĩ cầu pháp vô thượng thì cần phải siêng năng tu tập môn Tam Ma Địa sẽ tự nhiên thành tựu được thắng pháp vô thượng.
Nếu các Bồ Tát, muốn giảng nói các phương pháp để sửa trị mọi thứ căn bệnh, của các hữu tình, ứng hợp với các Phật Như Lai thì phải siêng năng tu tập môn Trí ấn Tam Ma Địa này sẽ tự nhiên được phân biệt, giảng nói pháp, không bị chướng ngại.
Nếu các Bồ Tát, tâm mong muốn được Thánh pháp của ba thừa kia, phân biệt tướng chân đế và tục đế, tỏ ngộ pháp nghĩa sâu xa thì cần phải tu tập môn Trí ấn Tam Ma Địa này, sẽ tự nhiên đối với pháp, trí tuệ sáng suốt không sinh ám độn.
Nếu các Bồ Tát, muốn ở câu chi trăm ngàn kiếp số, liễu ngộ được sự sinh diệt, huyễn hóa, không vững chắc. Có khả năng chứng biết, tự tánh chân thật của các pháp, thanh tịnh giải thoát thì cần phải siêng năng tu tập môn Trí ấn Tam Ma Địa này.
Nếu các Bồ Tát, mong muốn đối với mười hai nhân duyên sinh diệt, vô minh vì vô thỉ phát sinh, nghiệp hành chiêu tập khổ báo, tham đắm, dính mắc, ái dục đầy dẫy, giả có tụ thành tướng sinh, tử, bệnh, biến đổi, vô thường, trôi lăn các nẻo, ngay với nhân sinh diệt, mà tự giác ngộ thì cần phải siêng năng tu tập thắng Tam Ma Địa này.
Nếu các Bồ Tát, muốn biết rõ tất cả tạp loại hữu tình, khởi kiến, tạo tướng nghiệp báo sai khác, tâm thức thông minh hay ngu muội, chánh niệm hay điên đảo, dị phần hữu tình, biết rõ ràng như thật, căn tánh lợi độn, tìm cách dạy bảo, dần dần khiến ngộ nhập chánh pháp chân thật, trụ tín hạnh địa thì cần phải siêng năng tu tập thắng Tam Ma Địa này.
Nếu các Bồ Tát, tâm mong muốn thành tựu các cõi nước của Chư Phật, nghiệp nhân thanh tịnh, cảnh giới thuần thiện, thân tâm vắng lặng, quyến thuộc đều thuận, xa lìa ganh ghét, kiêu mạn, lỗi lầm, gần gũi cung kính, yêu thương, bình đẳng, không tưởng oán ghét thì phải nên tu tập thắng Tam Ma Địa này.
Nếu các Bồ Tát, muốn khơi dậy trí tuệ nơi mình, có ánh sáng thù thắng vi diệu, soi sáng sự sinh tử, ngu si nghiệp chướng, nặng nề của mình và người, cắt đứt nghi hoặc ở ba cõi, diệt các khổ báo, giải thoát tự tại thì phải nên tu tập thắng Tam Ma Địa này.
Nếu các Bồ Tát, muốn biết sự chết ở đây, sinh ở kia, thọ mạng dài ngắn, nơi trải qua nhiều kiếp, cho đến sự sinh diệt trong từng sátna, phân hạng định do nghiệp đời trước, sức mạnh dẫn dắt, cảm lấy những điều như vậy, quả báo của tự loại, biết rõ như thật, trước sau quyết định, thọ mạng căn bản, của tất cả hữu tình trong mười phương Thế Giới thì phải nên siêng năng tu tập thắng Tam Ma Địa này.
Nếu Bồ Tát, muốn biết sự bắt đầu thực hành diệu hạnh ở nhân địa, sự đoạn diệt tu chứng của bốn Thánh đế, sự quán ngược quán xuôi mười hai nhân duyên, vắng lặng, tự giác, vi diệu, sâu xa. Hạnh nhân thanh tịnh của mười Ba la mật, mỗi mỗi đều được quả báo rốt ráo của hàng Thanh Văn và Bích Chi Ca, Bồ Tát, Như Lai thì cần phải siêng năng, tu tập thắng Tam Ma Địa này.
Nếu Bồ Tát, đối với tất cả ngôn ngữ, âm thanh, muốn tranh luận, khéo léo, mau lẹ, hợp thời, đối đáp không sơ xuất, không nhầm lẫn, phương tiện khéo léo với các thế tục và dùng đến thắng nghĩa, để chỉ dạy rõ ràng, khiến cho người dễ hiểu, không sinh nghi hoặc, có được quyết định chắc chắn thì phải siêng năng tu tập thắng Tam Ma Địa này.
Nếu có Bồ Tát, muốn biết rõ chánh nhân Phật pháp, khéo léo thực hành phương tiện, tùy thuận của ba thừa, căn bản sai khác có cao, thấp và giữa, xứng tánh ngộ nhập nhân địa Bồ Tát, dần dần dùng sự huân tu, để trồng các căn lành, được trí Như Lai thì phải nên siêng năng, tu tập thắng Tam Ma Địa này.
Nếu các Bồ Tát, ý muốn thành tựu trí giác tròn đầy của Chư Phật Như Lai, không khởi phân biệt, hiện đủ loại thân, dùng lòng từ bình đẳng, chuyển hóa, nhiếp thọ tất cả những hữu tình, khiến cho chúng, khởi tâm vui vẻ, yêu thích, tu học tâm nguyện hạnh địa của Bồ Tát thì cần phải siêng năng, tu tập thắng Tam Ma Địa này.
Này Xá Lợi Phất! Pháp Tam Ma Địa mà ta đã nói, đó là cao tột hơn cả, như châu ma ni. Hễ tất cả hữu tình, thích muốn điều gì đều được như ý, không có gì là không đầy đủ.
Này Xá Lợi Phất! Nếu các Đại Bồ Tát… đạt được pháp Như Lai Tam Ma Địa này, thì các pháp Thánh tài và hạnh vi diệu, tất cả đều được như ý, hạnh nguyện tròn đầy. Thế nên, cần phải siêng năng tu học.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa này, nên liền nói kệ:
Trí Như Lai có được
Cao tột không ai bằng
Theo tánh tướng sai khác
Tất cả đều chứng được.
Ánh sáng trí bình đẳng
Chiếu khắp các chấp, buộc
Hay nhập môn trí tuệ
Được vô lượng tự tại.
Tướng trí và tánh trí
Hay nhận định các pháp
Phân biệt các ác, lành
Thế tục và thắng nghĩa
Hiểu rõ pháp như thế
Trí tuệ không có hết
Ví như ánh mặt trời
Chiếu sáng cả ba cõi,
Khắp những nơi tối tăm
Xua tan được tất cả
Thành tựu pháp bình đẳng
Là Thánh trí chân thật.
Tất cả Tam Ma Địa
Từ Trí ấn mà ra
Gọi là Chư Phật chủng
Cũng gọi Đại ma ni
Lợi ích các hữu tình
Cũng như người thế gian
Có châu báu quý nhất
Của cải không cùng tận,
Giúp những người nghèo khổ
Khiến đều được no đủ
Pháp tài cho chúng sinh
Cũng không bao giờ hết.
Thần thông và trí tuệ
Là pháp tốt đẹp nhất
Đều từ Tam Ma Địa
Trí ấn báu sinh ra.
Ví như các cõi nước
Có ngọc ma ni lớn
Các Vua đều yêu thích
Các quan đều giữ gìn.
Ma ni báu lớn thế
Các vật báu không hơn
Ta nói Trí ấn báu
Rất đặc biệt bậc nhất.
Trí tổng trì sáng suốt
Phá tan các kiến hoặc
Cảnh giới đều rõ ràng
Xa lìa các tối tăm.
Tâm an trú vắng lặng
Không phân biệt tốt xấu
Tu trí tuệ thanh tịnh
Tài pháp không cùng tận.
Tham đắm không dính mắc
Không sáu mươi hai kiến
Chánh niệm đều bình đẳng
Vào pháp môn cam lồ.
Mau được trí Như Lai
Thành tựu thân tướng tốt
Đầy đủ ba mươi hai
Đạt Bồ Đề cao tột.
Bằng tất cả Phật giác
Diệu trí đã sáng ngời
Đến bờ kia giác ngộ
Tự tánh chứng Niết Bàn.
Đủ tự, tha viên mãn
Công đức đều thành tựu
Không lường, không ngằn mé
Pháp sâu xa nhiệm mầu.
Tổng trì Đà La Ni
Giải thoát, thường vắng lặng
Thường đầy đủ mười lực
Lại dùng biển nguyện lớn
Bố thí Ba la mật
Trì giới và nhẫn nhục
Tinh tấn cùng Thiền định
Trí tuệ thường vững vàng.
An trụ trong Lục Độ
Luôn luôn, không gián đoạn
Không có những sợ hãi
Lìa phiền não khổ nghiệp.
Ma La và quyến thuộc
Không thể có cơ hội
Hay dẫn dắt chúng sinh
Không xả bỏ chánh pháp.
Dần vào nhà Như Lai
Được dạo cửa Trí ấn.
Thường ở trong hiền kiếp
Thế Giới khắp mười phương.
Tất cả các hội Phật
Đều gần gũi vui theo.
Đó là chân Phật Tử
Không ai phá hoại được
Nếu có người tin hiểu
Hay ghi chép kinh này
Hoặc đọc tụng thọ trì
Vui thích lưu truyền khắp
Luôn luôn không lười mỏi
Với nghĩa vị rõ ràng.
Phải biết kinh như vậy
Mẹ Chư Phật ba đời
Sinh ra Trí ấn báu
Kho công đức Như Lai.
Bấy giờ, trong hội, tất cả Bồ Tát, đông đến số Khắc Già Sa Na Dữu Đa, nghe Phật Như Lai nói Tam Ma Địa ấy liền lìa được các chướng ngại, tâm được giải thoát. Đối với pháp Đà La Ni bí mật sâu xa, tùy ý ngộ nhập, nhận định rõ ràng, quyết định giữ gìn.
Lại có sáu mươi tám na dữu đa Bồ Tát, ở trăm ngàn kiếp đã tu tập thiền định giải thoát, lìa các vọng tưởng sinh tử sợ hãi, thường thích huân tu thắng hạnh vi diệu, nghe pháp Tam Ma Địa tối thắng này, trong lòng cảm thấy hớn hở. Đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đạt được không thoái chuyển, chứng được âm thanh Đà La Ni, đạt được biện tài vô ngại giải.
Lại có sáu mươi ức các Trời, Người, nghe Phật nói pháp môn Trí ấn, vui mừng vô lượng, cung kính ca ngợi, lễ bái cúng dường và đối với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tâm sinh ưa thích. Đối với thắng pháp sâu xa Tam Ma Địa, không có nghi hoặc đều sinh tâm tin hiểu.
Đối với tâm bồ đề, vững chắc không xả bỏ. Đối với môn Trí ấn, thì dũng mãnh tinh tấn. Do sức đại nguyện, vốn tu các căn lành nên căn tánh thành thục, liền được trụ ở địa vị không thoái chuyển. Tin và lãnh nhận hạnh nguyện mà Như Lai đã thực hành, tâm ý quyết định, không có sự thoái thất.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn biết được nhân duyên căn lành của các Bồ Tát ấy đã thành thục và muốn thọ ký cho họ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trí ấn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tam Khổ
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Mười Tám - Phẩm Dọc đường Thấy Người Bệnh
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Mười Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh điều Tương Sĩ
Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Mười Hai - Phẩm Tối Thắng - Tập Ba