Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Mười - Trụ Pháp Vũ - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH DẦN ĐỦ TẤT CẢ TRÍ ĐỨC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI

TRỤ PHÁP VŨ  

TẬP HAI  

Lại nữa Phật Tử! Bồ Tát trụ đạo địa này, diễn nói mưa pháp lớn, từ cõi khác đến Cõi Trời Đâu Suất diệt độ, kiến lập các hạnh nghiệp của Như Lai, rồi tùy tâm chúng sinh mà khai hóa, như bụi trần trong vô số trăm ngàn Cõi Phật.

Từ Cõi Trời Đâu suất giáng hạ sinh, đến lúc diệt độ, tạo lập các hạnh nghiệp của Như Lai rồi tùy tâm chúng sinh mà hóa độ, đạt tuệ tự tại, đạt đến sự biến hóa của đại thần thông Thánh minh, vừa phát tâm, biến được cõi nước nhỏ thành rộng lớn, làm cho nước lớn thành nhỏ.

Biến cõi nhơ uế thành thanh tịnh, cõi thanh tịnh thành nhơ uế. Tất cả cõi khác cũng như vậy. Vừa phát tâm, dùng một hạt bụi biến thành một Cõi Phật. Tạo ra ở tất cả cõi, đều có núi Thiết Vi, Đại Thiết Vi, các hào khe suối, một, hai, ba cho đến mười, năm mươi, trăm, vô số Cõi Phật được tạo lập, lại nhập vào một hạt bụi. Dù ở trong một hạt bụi nhưng không rộng hẹp, thêm bớt. Thị hiện các việc như vậy.

Vừa phát tâm, hiển hiện nghiêm tịnh một Cõi Phật, cho đến vô số cõi. Trong một niệm, hiện ra thân hình, biến khắp mười phương, đủ khắp các loài chúng sinh, ở một cõi nước, ở một Cõi Phật cũng vậy. Cho đến vô số Cõi Phật cũng không thể kể được. Nhập vô số Cõi Phật trong mười phương vào trong một sợi lông mà không làm tổn hại.

Vừa phát tâm liền hiện nhập hết thảy Cõi Phật vào một sợi lông, hiển hiện thật nghiêm tịnh. Vừa phát tâm, đồng lúc đã biến hóa ra nhiều ít như số bụi trần đầy trong vô số Cõi Phật. Biến hóa hiện ra thân, có vô số tay, dùng tay siêng năng cúng dường Chư Phật nơi mười phương. Mỗi mỗi bàn tay, thị hiện vô số hoa, như cát trong sông, đựng trong vạt áo, để cúng dường các đấng Thế Tôn.

Dùng các loại hương hoa để trang sức như tạp hương, hương cây, y phục, chăn, cờ phướn, lọng báu, làm tất cả các việc trang sức nghiêm tịnh như vậy. Mỗi mỗi thân, biến hóa ra nhiều đầu. Mỗi đầu hóa ra bao nhiêu là lưỡi, thăm hỏi các Đức Thế Tôn trong mười phương.

Vừa phát tâm, đã đi khắp mười phương, trong một niệm, làm cho vô số chúng sinh không thể kể được, đều thành bậc Tối Chánh Giác, cho đến khi tạo được nghiệp thanh tịnh để đạt được diệt độ. Trong ba đời, tạo ra vô số thân, dùng thân mình hiện ra vô số Phật, vô hạn các Cõi Phật, tạo lập sự thanh tịnh, lại làm cho thân mình ở khắp các Cõi Phật, tan hoại hợp thành, làm cho thân mình có đủ khắp mọi nơi.

Biến các Cõi Phật vào trong một lỗ chân lông có vô số chúng sinh. Vừa phát tâm, biến hiện Cõi Phật không cùng thành biển lớn, trong đó tạo ra các hoa sen. Hoa sen ấy sáng sạch, chiếu soi vô số Cõi Phật. Cũng ở trong đó, lại hóa hiện các Cõi Phật, hết thảy đều mẫn huệ vời vợi.

Thân đó có khắp trong Cõi Phật nơi mười phương, chiếu khắp cả mặt trời, mặt trăng, tạo ra vô số pháp môn sáng tịnh, làm cho khắp nơi đều thấy vô số Thế Giới được tạo lập nhưng không làm cho chúng sinh sợ, cho đến lúc mười phương hư hoại. Hiển hiện việc hư hoại ấy là biến ra tai họa gió, lửa, nước. Vừa phát tâm là chỉ dạy chúng sinh chí nguyện như mình, biến hóa sắc thân, trang nghiêm chí tánh.

Biến thân mình thành thân Như Lai. Biến thân Như Lai thành thân mình, dùng thân Như Lai tạo thành thân mình để ở trong Cõi Phật, tạo lập thân Phật ở trong cõi mình.

Phật Tử! Hãy lắng nghe! Bồ Tát nào trụ trong hạnh nghiệp của đạo địa mưa pháp thì hiện được sự biến hóa này và vô số trăm ngàn thần biến khác.

Lúc ấy, các Bồ Tát, Thiên, Long, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc, Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương, Đại Thần Diệu Thiên Vương, Tịnh Cư Thiên Vương đang ở trong Đạo Tràng, đều nghĩ: Bồ Tát có thần túc biến hóa, vô số công đức cao vợi, đi lại thản nhiên như vậy, còn oai thần của Như Lai Chí Chân hiện hóa ra sao?

Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng, dùng oai lực tam muội tự nhiên ở các Cõi Phật và chánh thọ an định tâm ý, làm cho các Bồ Tát, Thiên, Long, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc, Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương, Đại Thần Diệu Thiên Vương, Tịnh Cư Thiên Vương tự hiện thân mình vào thân Kim Cang tạng.

Lại làm cho tất cả thấy tam thiên đại thiên Thế Giới cũng ở trong thân mình. Ở đó, tạo nghiệp thanh tịnh nhưng cũng không thể chiếm khắp thân, trải qua ức kiếp tu hạnh tinh tấn, ở dưới cây Bồ Đề của Phật.

Cây ấy rộng ba mươi vạn dặm, nếu có trăm, hoặc ba ngàn ức cõi cao xa cây cũng trùm khắp. Ở Đạo Tràng, dưới cây Bồ Đề cao lớn như vậy, có Tòa Sư Tử. Lại có vị Bồ Tát tên Chư Thần Thông, sẽ thành Đấng Như Lai, hiệu là Ý Vương cũng đến đại thọ nơi Đạo Tràng.

Lúc ấy, chúng hội đều trông thấy từ xa, thấy Bồ Tát thật là trang nghiêm, khen ngợi oai đức nhưng không sao rốt ráo được. Hiện thần biến xong, Bồ Tát Kim Cang Tạng đưa chúng hội về chỗ cũ. Lúc ấy, hội chúng đều ngạc nhiên, im lặng không nói, thấy các Bồ Tát đều tịch tịnh an trụ.

Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt hỏi Bồ Tát Kim Cang Tạng: Phật Tử, thật là hy hữu! tam muội định này, oai quang như vậy, cảnh giới vi diệu.

Định của Bồ Tát này tên gì?

Đáp: Tên là nhất thiết Phật độ tự nhiên thân oai.

Lại hỏi: Tam muội này dùng hạnh gì để đến cảnh giới nghiêm tịnh?

Đáp: Đủ tất cả hạnh.

Thiện nam! Bồ Tát nào khéo tu định này, thì hình tượng giống loài ví như cát trong sông, bụi trong tam thiên đại thiên Thế Giới. Các Bồ Tát ở trong tam thiên đại thiên Thế Giới, tự hiện thân mình, lại đạt đạo địa mưa pháp. Bồ Tát nào trụ nơi đạo địa này, thì đạt được trăm ngàn định ý. Số lượng của sự hiện thân và sự phụng hành không sao kể được, không thể đo lường được.

Ngay các Bồ Tát trụ ở địa thiện tai diệu ý cũng không thể biết được thân, khẩu, ý nghiệp của vị này, dù dùng sức thần túc không thể biết được, xét tam muội trong ba đời mà Bồ Tát nhập cảnh giới Thánh tuệ, pháp biến hóa, pháp tạo tác, không thể lường biết được, ngay cả việc thường làm như cất chân lên đặt chân xuống cũng không ai biết được. Kể cả Bồ Tát hành nghiệp tinh tấn, hạnh trụ đạo địa thiện tai diệu ý của Bồ Tát cũng không thể biết được.

Phật Tử! Đạo Địa Mưa pháp của Bồ Tát này khi nói là bình đẳng nhưng kỳ thực nghĩa của nó rộng lớn, không thể hạn lượng, chỉ biết diễn thuyết đó là pháp chánh chân, không thể nghĩ bàn, phải nói lời đúng như thật. Dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng không thể ví dụ được.

Lại hỏi: Phật Tử! Hạnh nghiệp và cảnh giới huyền diệu của Như Lai ra sao mà làm cho các Bồ Tát lập hạnh nghiệp cảnh giới thần biến vô biên như vậy?

Đáp: Phật Tử! Ví như có người, thị hiện thân hình khắp bốn cõi, cầm trượng lớn như bốn cõi.

Hoặc như hai, ba cõi, tay cầm cây gậy lớn đập vào đá to và nói: Ta đập đá này nát như số bụi trong vô số Cõi Phật ở mười phương.

Có ai biết được số bụi này không?

Nếu ai biết được số bụi này, thì gọi là đã thành tựu đạo địa bình đẳng. Thành tựu đạo địa mưa pháp của Bồ Tát thật là vô lượng, vượt qua thí dụ, nhưng trí tuệ của Như Lai thì không thể ví dụ được, vì để được trở hành bậc Chí chân Chánh Giác thì phải tu tập các pháp Bồ Tát.

Lại nữa, Phật Tử! Ví như có người nắm hết đất trong bốn cõi, tưởng nhiều nhưng đó chỉ là số ít không đáng kể.

Cũng thế, Phật Tử! Ta nay chỉ giảng nói, ca tụng một ít đạo địa của Bồ Tát Mưa pháp, dù trải qua vô số kiếp để khen ngợi công đức cũng không thể hết được, huống gì đạo địa của Như Lai. Nay đây, trước Đức Như Lai, ta ân cần giao phó.

Nói tóm lại, Phật Tử! Giả sử làm cho chúng sinh nhiều như số bụi trong vô số Cõi Phật ở mỗi mỗi phương, đều đạt đạo địa như vậy, thì ở đó Bồ Tát phải nhiều như rừng mía, tre, gai, cỏ. Phải trải qua vô số kiếp thành tựu hạnh Bồ Tát, đầy đủ các Thánh Giả tuệ của Bồ Tát. Trí của Như Lai đối với Bồ Tát này, gấp cả trăm, cả ngàn, cả ức lần, không thể ví dụ được.

Phật Tử! Bồ Tát nhập Thánh tuệ của Như Lai Chí Chân, thì thân, khẩu, ý nghiệp hợp nhau không hai. Đó là Bồ Tát không bỏ sức tam muội, được gặp các Đức Phật, cúng dường và phụng sự.

Ở trong mỗi kiếp, cung phụng Chư Phật, không thể kể xiết, cúng dường tất cả, không thể thiếu thốn, lãnh thọ đạo pháp, quy y Chư Phật, tạo lập giáo pháp, hạnh nghiệp tăng thêm không gì sánh bằng, học biết pháp giới, không sao kể được, dù trải qua trăm ngàn ức kiếp.

Phật Tử! Ví như thợ vàng, dùng vật báu của Trời xỏ xâu làm thành chuỗi anh lạc lớn. Những hạt châu quý giá ấy trang sức nơi cổ của Tự tại Thiên Vương thì không ai sánh bằng. Cho dù những trân bảo kỳ dị quý hiếm có trong Cõi Trời, người cũng không trang nghiêm và tốt đẹp được như vậy.

Cũng thế, Phật Tử! Bồ Tát đạt được trụ thứ mười là vì tịnh tu tuệ hạnh, siêu việt không ai bằng, ngay cả Bồ Tát đạt địa thứ chín cũng không sánh bằng. Bồ Tát trụ địa này, ánh sáng rực rỡ thành tựu nhất thiết mẫn tuệ, hạnh ấy không ai sánh được. Với Thánh khí ấy, cứu giúp được tất cả, giống như ánh sáng Đại Thần vi diệu của Thiên Vương, vượt qua tất cả chỗ thọ sinh của Chư Thiên, soi chiếu các hành động của tâm tánh chúng sinh.

Cũng thế, Bồ Tát đạt đạo địa Mưa pháp thứ mười, có ánh sáng Thánh tuệ mà tất cả Thanh Văn, Duyên Giác Bồ Tát khác, không sánh kịp, dù Bồ Tát trụ địa thứ chín, cũng không sánh kịp. Lập hạnh như vậy, đạt được nhất thiết mẫn tuệ, làm lợi ích cho chúng sinh, thâm nhập những đạo nghĩa.

Lại nữa, Bồ Tát đó vì nhập Thánh tuệ của Chư Phật Thế Tôn như vậy nên thông đạt tuệ không cùng của ba đời. Cảnh giới Thánh tuệ biến khắp tất cả các Cõi Phật, soi rọi tất cả Cõi Phật mới kiến lập, biết hết các pháp và các cõi chúng sinh, luôn dùng pháp bình đẳng, đạt nhất thiết trí, nghe và thông hiểu tất cả âm thanh chúng sinh.

Phật Tử! Bồ Tát Đại Sĩ này, gọi là Bồ Tát Mưa pháp, trụ thứ mười. Bồ Tát trụ địa này, giả sử được làm đại thiên thần diệu hoặc làm Thiên Vương thì sẽ giảng pháp, độ cho vô số Thanh Văn, Duyên Giác Bồ Tát. Hỏi biết pháp giới thì không ai bằng.

Tu các hạnh như bố thí, ái kính, lợi ích thật nghĩa, thường không lìa niệm Phật, cho đến không lìa niệm đầy đủ nhất thiết chủng trí, thường suy nghĩ về cách làm bậc tối thượng trong chúng sinh, có trí rộng lớn trong đạo, phát tâm hình sắc như vậy, ân cần tinh tấn trong khoảnh khắc đạt vô số trăm ngàn tam muội chánh thọ, như số bụi trần trong các Cõi Phật, không sao kể hết. Có vô số Bồ Tát trong các Cõi Phật, cũng như số bụi trên làm quyến thuộc vây quanh.

Theo chí nguyện ấy uy lực của Bồ Tát đặc biệt thù thắng. Hoằng thệ rất rộng lớn, thần thông biến hóa đầy đủ, khen ngợi công đức không thể kể hết. Hạnh nghiệp nghiêm tịnh, vui vẻ vững tin. Nếu có thị hiện thân để thực hành thì dùng nhãn thông để thấy và hiểu rõ hạnh nghiệp, âm thanh chủng tánh trong trăm ngàn ức kiếp.

Lại nữa, Phật Tử! Bồ Tát thập trụ, nhập nhất thiết trí và dần thành tựu pháp môn. Ví như từ ao lớn A Nậu Đạt, có bốn dòng sông chảy tràn đầy bốn cõi, ngày thêm tăng trưởng không cùng tận, chảy ra biển lớn, nhưng biển lớn không tràn ngập.

Cũng thế, Bồ Tát bản nguyện, chí khí vững chãi, ban đủ nghĩa bốn ân cho chúng sinh, rồi khai hóa chúng sinh, công đức đó không thể cùng tận, ngày càng tăng trưởng, đạt nhất thiết trí, hạnh nghiệp vô biên không bến bờ.

Lại nữa, Phật Tử! Bồ Tát thập trụ, nhờ đó mà đạt Phật tuệ.

Ví như mười núi lớn, nương mặt đất đứng vững.

Mười núi đó là:

1. Tuyết sơn.

2. Hương huân.

3. Kha đà lợi.

4. Tật đố.

5. Chấp trì thuẫn.

6. Mã nhĩ.

7. Thuẫn trì.

8. Thiết vi.

9. Anh ý.

10. Đại thiết vi Tu Di Sơn Vương. Như Tuyết Sơn, có vô số cỏ thuốc dùng làm nhà cửa, trị bệnh chúng sinh. Cũng thế, Bồ Tát trụ địa duyệt dự, tạo lập hạnh nghiệp, hiểu rõ tất cả hạnh thế gian, dùng lời nói truyền tụng Kinh Điển thần chú, học kỹ thuật thế tục, hóa độ vô cùng. Như núi Hương huân, tỏa ra các mùi thơm tràn khắp mọi nhà, không sao lường được.

Cũng thế, Bồ Tát trụ địa Ly Cấu, dùng giới làm nhà cửa, hương giới tỏa xa, giữ gìn pháp cấm, không sao hạn lượng được, cùng nuôi dưỡng nghĩa giới. Như núi Kha Đà Lợi, các báu vật rất trong sạch dùng làm nhà cửa sinh ra vô số hoa, hoa ấy thọ nhận khắp các loài hoa khác.

Cũng thế, Bồ Tát trụ địa Hưng Quang, làm nhà ở trong đời, tu pháp Thiền định giải thoát tam muội chánh thọ vô hạn, học hỏi tất cả các định ý. Như núi Tật Đố, thành làm toàn bằng báu vật trong sạch, đó là nhà của người đạt năm thần thông, là nơi ở của vô số tiên nhân. Cũng thế, Bồ Tát trụ địa Vi Diệu. Làm nhà cửa giảng thuyết đạo pháp, với vô số pháp môn, học hỏi các tuệ.

Như núi lớn chấp trì thuẫn với báu chân tịnh, là nhà của quỷ thần có đủ thần thông, có vô số các loài quỷ. Cũng thế, Bồ Tát trụ địa Nan Thắng có đầy đủ các thần túc, biến hóa giảng thuyết vô hạn, thần thông vô hạn. Như núi lớn Mã nhĩ toàn bằng báu vật, dùng làm nhà cửa, có đủ loại trái, thọ nhận vô số báu.

Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi đạo địa Mục Kiến của Bồ Tát làm nhà cửa, tuyên thuyết độ thoát hết thảy hàng Thanh Văn, tùy thời giảng thuyết đạt đạo quả không cùng. Như núi lớn thuẫn trì, là nơi ở của rồng thần lớn, đủ các loại rồng không hạn lượng được.

Cũng thế, Bồ Tát trụ địa Huyền diệu tuyên thuyết giáo pháp. Văn ví dụ bị thiếu. Cũng thế, Bồ Tát trụ đạo địa Vô động khai sĩ là nơi ở tự tại của Bồ Tát, đi lại một mình, học hỏi lãnh thọ khắp các cảnh giới ở mười phương. Như núi Anh lý toàn bằng trân bảo, là nơi ở của vô số A Tu Nhân và Đại Thần.

Cũng thế, Bồ Tát trụ địa Thiện tai ý lấy sự thành tựu chúng sinh làm nhà, hiện ra thân Phật không bến bờ, làm cho chúng sinh mười phương đều đến lãnh thọ, rốt ráo tuệ hạnh, học hỏi ngọn gốc nghiệp vô thỉ của chúng sinh, luân chuyển không cùng tận.

Như ngọn núi Tu Di, dùng toàn trân bảo, làm chỗ ở của các Chư Thiên thần túc và vô số A Tu Luân. Cũng thế, Bồ Tát trụ đạo địa khai sĩ mưa pháp sẽ được mười lực, bốn vô sở úy của Như Lai, hiện ra vô số thân Phật.

Phật Tử! Như mười núi báu bao quanh biển lớn. Cũng thế, Bồ Tát trụ trí bình đẳng của mười địa là để sáng suốt phụng hành nhất thiết trí.

Ví như biển lớn, thành tựu được mười việc mà không ai làm được.

Mười việc đó là gì?

1. Dần dần được đầy đủ.

2. Không chứa tử thi.

3. Tiếp nhận nhiều cửa sông.

4. Thuần một vị.

5. Vô số trân bảo.

6. Màu sắc càng xa càng đậm.

7. Rộng lớn không bờ mé.

8. Nhận các thân lớn.

9. Nước không vượt bờ.

10. Nhận tất cả nước mưa mà không tràn. Cũng thế, Bồ Tát thực hành mười nghiệp tất không ai sánh bằng.

Mười việc đó là gì?

Từ lúc hành địa Duyệt dự, giữ thệ nguyện giáo hóa chúng sinh. Địa Ly cấu thì không ở chung với kẻ phạm giới. Địa Hưng quang hàng phục việc sát sinh của thế gian. Địa Huy diệu, vững tin Phật Đạo, không ai hoại được, luôn tu các hạnh bình đẳng.

Địa Nan thắng, đủ thần thông quyền biến, không thể hạn lượng, hóa độ thế tục tùy vào sở thích của chúng sinh. Địa Mục kiến, dùng nhân duyên sâu xa quán sát chúng sinh. Địa Huyền diệu, hiểu đúng đắn, các hành không trái. Địa vô động, tu tập vô số hạnh nghiêm tịnh của Như Lai. Địa thiện tai ý, hiểu sâu pháp môn giải thoát.

Phật Tử! Ví như châu Minh nguyệt lớn, vượt hơn mười loại trân bảo khác, nơi nào cũng đều được sáng soi. Gặp thợ mài ngọc, khéo phối hợp mài dũa sẽ sáng đẹp và luôn trong suốt rồi dùng dây chắc thật xâu trân bảo làm thành dây lưu ly, trang sức ở đầu các phướn cờ cao, sẽ phóng ra ánh sáng chiếu khắp xa gần. Các bậc Vua chúa, vì nhân dân mà giữ gìn trân bảo này, để được sáng soi.

Cũng thế, Bồ Tát, phát khởi nhất thiết trí thì tâm thông suốt, vào mười Bậc Thánh Hiền, biết đủ, thích ở nơi vắng, hiểu đúng việc tu đức, nhất tâm giải thoát tam muội chánh thọ.

Hiểu đúng việc tu tập ba pháp thanh tịnh, tu tập các việc đạo nghiệp chánh pháp. Khéo tu thuần tịnh, thần thông quyền biến, phân biệt hiểu rõ mười hai nhân duyên và các phẩm hạnh. Dùng trí tuệ quyền biến nắm giữ cờ Thánh mà được tự tại, từ đó phóng ra ánh sáng, dùng trí tuệ quán hạnh chúng sinh, đạt đến vị nhất sinh bổ xứ, thành tựu đạo Tối Chánh Giác, lại làm cho chúng sinh đều an trụ trong mười Địa.

Đó mới gọi là nhất thiết trí, là tu tập tích lũy hạnh Bồ Tát, là một phần của pháp môn tu tập công đức, đạt nhất thiết mẫn tuệ. Chúng sinh nào không có công đức thì hoàn toàn không được nghe đạo nghiệp lớn này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần