Phật Thuyếtkinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Vô Minh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU

THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU

THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM VÔ MINH  

Bấy giờ, trong đại hội có Bồ Tát tên Trí Thanh Tịnh, phân biệt rõ về không, không sanh già bệnh chết, người dâm nộ si nhiều, người dâm nộ si ít. Phân biệt rõ ràng chúng sanh có ba bậc khác nhau, trong hạng người đó có những bệnh nặng gì, bị bệnh nặng đó là tà kiến.

Bồ Tát Trí Thanh Tịnh đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật: Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác không việc gì không biết, không điều gì không thấy, quá khứ đương lai hiện tại, từ loài người đến côn trùng, tâm nghĩ pháp gì, miệng nói lời gì, thân làm thiện ác, giới cấm sâu xa, oai nghi giới luật, biết nhiều biết ít, biết nặng biết nhẹ…

Những gì con hỏi chẳng phải không, chẳng phải bất không. Chẳng phải hữu, chẳng phải bất hữu. Chẳng phải hữu không, chẳng phải hữu hữu. Chúng sanh thuộc ba tụ, ai là nhẹ, ai là nặng, ai là hiện báo, ai là sanh báo, ai là hậu báo.

Thế nào là tưởng tri diệt, thế nào là Niết Bàn, thế nào là Vô Dư?

Phật dạy Bồ Tát Trí Thanh Tịnh: Lành thay! Lành thay! Ta rất vui khi ông hỏi nghĩa này. Vì thương xót tất cả, được nhiều lợi ích mới ở trước Phật hỏi pháp bình đẳng. Ông hãy về lại chỗ ngồi, ta sẽ giải nói cho ông về cú nghĩa loại đầu, giữa, cuối. Nếu nghiệp đen thì thọ quả báo đen, nghiệp trắng, nghiệp trắng thọ quả báo trắng. Ta sẽ phân biệt rõ ràng để ông biết.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Như người trồng cây trái

Hạt đắng, quả cũng đắng

Bị tội mắc báo đen

Chịu khổ vô số kiếp

Giống ngọt, được quả ngọt

Trở lại thọ báo ngọt

Hương thơm rất ngon ngọt

Được hưởng báo thanh bạch

Như người ở ao nước

Trong ngoài đều thanh tịnh

Không gió, không bụi dơ

Thơm đẹp được mát mẻ

Có chúng sanh nào thấy

Ưa thích không thể xa

Phật đạo hạnh thanh tịnh

Giống như cỏ khác đậu

Những chúng sanh báo đen

Đọa ba đường ác nạn

Theo dòng nước lên xuống

Nổi trôi chỗ ách nạn

Khi ấy phiền não khổ

Tự chịu không ai thay

Chẻ xương thấu tủy não

Thiêu đốt không thể lường

Đã đến ngục vô cứu

Ý ngộ cầu giải thoát

Bị vô minh che lấp

Không thấy ánh sáng huệ

Như người đi lạc đường

Về Nam cho là Bắc

Suốt ngày tâm không ngộ

Tuy nghe cũng không tin

Chịu tội khổ não nặng

Đau đớn càng tăng thêm

Lâu sau tội tuy hết

Bị người đời khinh ghét

Thân thể hôi, xấu xí

Như heo nằm vũng phân

Lần lượt vào vạc sôi

Chết rồi sống trở lại

Vốn do ngu si tạo

Thọ báo như bóng hình

Thiện ác đều tương ứng

Phân loại theo chúng sanh

Vô đạo, không bè đảng

Hành cũng có cao thấp

Giữ giới sanh lên Trời

Không thí, phước rất ít

Ăn cơm sợ người thấy

Xấu hổ không lộ diện

Tuy có chúng Thiên Nữ

Âm nhạc không hòa nhã

Luôn luôn đi dạo chơi

Sợ gặp Thiên Thần đẹp

Nếu giới, thí đầy đủ

Cam lồ, y, thực đến

Kỹ nhạc vây xung quanh

Như trăng sáng trong sao

Luôn luôn đi dạo chơi

Tùy tùng tự trang nghiêm

Nhạc Trời tự nhiên trỗi

Đây do ở nhơn gian

Đủ trì giới, bố thí

Phước báo như hình bóng

Chư thiên tuy hưởng phước

Cũng có kiếp số nạn

Khi gần sắp qua đời

Mới biết pháp suy tàn

Niệm thiện chuyển rất ít

Còn phải chịu làm thân

Luân hồi trong năm đường

Trải qua vô số kiếp

Thiện ác chịu quả báo

Không riêng giàu hay hèn

Trong ấy bậc vượt lên

Như ta, Thích Ca Văn.

Khi Phật nói kệ này rồi, trong đại chúng có Chư Thiên và người gồm bảy vạn bảy ngàn ức na do tha đều phát tâm đạo vô thượng chánh chơn.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy Bồ Tát Trí Thanh Tịnh: Đại Bồ Tát nhất sanh bổ xứ dùng quyền phương tiện sanh trong nhà bần tiện, muốn được thị hiện trừ kiết sử vô minh, ở trong thai mười tháng, khi mới sanh hiện không có tay chân, cha mẹ thấy vậy cho là quỷ nên đem quăng nơi đồng hoang, không muốn cho ai thấy.

Vì sao?

Vì Bồ Tát quyền hóa muốn cho cha mẹ cùng quyến thuộc ngu si thấy được ánh sáng của đạo. Sau đó vài tháng, người mẹ lại mang thai, đủ mười tháng sanh một cậu bé đoan nghiêm tuấn tú, hiếm có trên đời, nhưng vừa mới sanh ban ngày thì tối chết.

Cha mẹ kêu khóc đấm ngực, ngước lên Trời kêu: Thần núi, Thần cây sao không thương tôi?

Trước đây sanh một đứa con nhưng không có tay chân, đành phải quăng vào đồng hoang. Nay sanh một đứa con đẹp đẽ, tướng mạo không ai bằng, giống như Thiên Thần, nhưng lại sanh ban ngày thì tối chết.

Ruột gan tôi đứt đoạn, phải làm sao bây giờ?

Qua vài tháng, người mẹ lại mang thai, đủ mười tháng sanh một bé trai nhưng ba đầu tám chân, bốn mắt, tám tay, ai thấy cũng rợn tóc gáy. Cha mẹ quyến thuộc muốn bỏ mà đi, Bồ Tát quyền hiện cho họ không đi được.

Cha mẹ hỏi: Con là Trời, là Rồng, Quỷ Thần, A Tu La, Càn Thác Bà, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người hay là Phi Nhân?

Bấy giờ, cậu bé nói với cha mẹ bằng kệ:

Chẳng Trời, Quỷ, Dạ Xoa

Tu Luân, Ca Lầu La

Vì trừ ngu cha mẹ

Quyền sanh nhà mẹ cha

Con trước không tay chân

Cũng chính là thân con

Sáng sanh, chiều lại chết

Bậc Bát Trụ Vô Thượng

Nay con thọ thân hình

Ba đầu, tám tay chân

Sao lại bỏ con đi?

Đi đến cửa địa ngục

Khổ địa ngục đầy đủ

Mười tám vạc dầu sôi

Mỗi vạc dầu sôi ấy

Có mười sáu vạc nhỏ

Chịu khổ vô lượng kiếp

Muốn ra khỏi rất khó

Cha mẹ người ngu si

Không biết pháp chơn tánh

Tà kiến thờ cúng Thần

Cho là thoát khổ nạn

Như ngọn lửa hừng hực

Lại thêm củi, cỏ khô

Thiêu đốt gốc căn lành

Muốn diệt cũng chưa khó

Nay con làm thân lại

Hiện thân đẹp đẽ xưa

Đạo vững tâm kiên cố

Tu tập ba thông huệ

Từ A tăng kỳ kiếp

Thề độ người chưa độ

Giữ giới, nguyện không quên

Thác sanh nhà cha mẹ

Trước sau bỏ thân mạng

Số ấy như vi trần

Trải qua bao nhiêu chỗ

Đều nhờ phước giúp đỡ

Bao nhiêu loài quần sanh

Dấu chân đi khác nhau

Sẽ hoan hỷ độ họ

Cũng độ bằng khủng bố

Tùy theo niệm chúng sanh

Để họ được toại nguyện

Bệnh chúng sanh chẳng một

Cho uống thuốc Cam Lồ

Cho đi vào đường chánh

Không để vào đường tà

Chư Thiên hưởng phước lạc

Cam lồ trừ bệnh vui

Không trái Thánh Giáo vui

Giải thoát Niết Bàn vui.

Khi Bồ Tát nói kệ này, cha mẹ dòng họ và những người trong hội đều phát tâm vô thượng bình đẳng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần