Phật Thuyết Kinh đạo Thần Túc Vô Cức Biến Hóa - Phần Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠO THẦN TÚC VÔ CỰC BIẾN HÓA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn
PHẦN CHÍN
Bấy giờ, Đức Phật mới nói với Mục Liên: Này Mục Liên! Lắng nghe ta nói đạo thần túc biến hóa vô cực pháp ngôn.
Đức Phật dạy như thế, Mục Liên liền thọ giáo lắng nghe.
Đức Phật bảo: Lại nữa, này Mục Liên! Cõi tam thiên đại thiên này, có trăm ức mặt trời, mặt trăng, biển cả, núi Tu Di, bốn thiên hạ. Gọi là tam thiên đại thiên Thế Giới, là một Cõi Phật.
Mục Liên ý ông thế nào?
Ông có cho rằng, ta chỉ chứng đạo trong một Cõi Diêm Phù Lợi?
Mục Liên chớ thấy như vậy.
Vì sao?
Này Mục Liên! Đối với tất cả bốn thiên hạ, tùy theo chỗ mong ước cao thấp hay ở giữa của họ, mà nói pháp. Biết được ai sẽ thành Chánh Giác, ai ở trong bụng mẹ, ai ở Trời Đâu Thuật, ai được Niết Bàn, thảy đều biết hết.
Lại nữa, này Mục Liên! Lúc đó, ở phương Đông của Cõi Tam Thiên Đại Thiên cách bốn thiên hạ này một vạn hai ngàn bốn thiên hạ. Thế Giới bốn thiên hạ ấy, tên là Vô Trần, có Đức Phật hiệu là Tự Tỷ La Da Ma Đề đời Tấn dịch là Như Cảnh Minh Vô Cấu, hiện đang thuyết pháp.
Này Mục Liên! Thế Giới bốn thiên hạ kia, nhân dân không dâm dục, không giận dữ, không si mê. Thường gần gũi đạo, thích nghe pháp rồi thọ trì phụng hành. Nhân dân trong cõi ấy, cầu đạo Bồ Tát, ít có ai cầu đạo Bích Chi Phật, rất nhiều người cầu làm đệ tử.
Này Mục Liên! Đức Phật Như Cảnh Minh Vô Cấu kia, mỗi một lần thuyết pháp, có tới chín mươi chín ức người được hiểu rõ đệ tử thừa. Họ không nói bốn đức Sa Môn. Như vậy cho nên họ chẳng nghe nói đến bốn đức Sa Môn.
Những gì là bốn?
Đó là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán.
Này Mục Liên! Người ở Thế Giới đó, ngồi một chỗ, đều chứng được sáu thông, đạt được tám giải thoát đều tự thiền định nhớ nghĩ mà biết. Vì đã thoát ra khỏi ở sinh tử, nên vui mừng phấn khởi, ngồi cách đất bảy thước ở hư không, mà vui Niết Bàn.
Trong thân xuất ra lửa, trở lại tự thiêu đốt thân, cũng không có xương, cũng không thấy tro, đều không có tất cả những gì của mình.
Này Mục Liên! Như vậy Đức Phật kia, hiện đang thuyết pháp lặng lẽ độ người, lặng lẽ vui Niết Bàn.
Thế Giới đó không lấy, không cho, hoặc khi đói khát, nghĩ đến món ăn thức uống thì tự nhiên có ở trước. Y phục trang sức giống như ở Cõi Trời Đao Lợi. Hoặc khởi, hoặc diệt, hoặc sinh, không sinh từ bào thai mẹ, không có người nữ, do nơi phước mà tự nhiên sinh ra, đất đó đều một màu vàng ròng.
Lại nữa, này Mục Liên! Tuổi thọ nhân dân ở trong quốc độ của Đức Phật đó, là năm trăm năm có dài, có ngắn.
Này Mục Liên! Ý ông thế nào?
Ông có biết Đức Phật Như Cảnh Minh Vô Cấu Như Lai kia không?
Mục Liên thưa: Bạch Thế Tôn! Con không biết.
Đức Phật nói: Đức Như Lai ở cõi ấy, chính là ta đây. Ở khoảng thời gian đó, ta đem giáo pháp, dạy dỗ, hướng dẫn cho họ.
Này Mục Liên! Như vậy gọi là đạo thần túc biến hóa vô cực, thảy đều vượt hơn tất cả hàng đệ tử Bích Chi Phật.
Lại nữa, này Mục Liên! Lúc đó ở phương Nam của cõi Tam Thiên Đại Thiên, cách cõi này, một vạn tám ngàn bốn thiên hạ, có Thế Giới, tên là La Đà Na Tam Phi đời Tấn dịch là Bảo Đẳng Thế Giới. Thế Giới ấy, có ba thứ báu là vàng ròng, bạc trắng và thủy tinh.
Trong Thế Giới đó có Đức Phật, hiệu là La đà na kiền đầu đời Tấn dịch là Bảo Phẩm Như Lai, Chí Chân Chánh Đẳng, Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp.
Này Mục Liên! Đức Như Lai đó vì các hàng Bích Chi Phật mà thuyết pháp.
Thế Giới của Đức Phật đó Bồ Tát rất ít đệ tử tu hành ở cõi này diệt độ rồi sinh ra chỗ không có Phật và chỉ đạt được Bích Chi Phật.
Này Mục Liên! Ý ông thế nào?
Ông có biết Bảo Phẩm Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác kia không?
Mục Liên thưa: Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Con không biết.
Đức Phật nói: Đức Phật đó, nay chính là ta đây. Ở khoảng thời gian đó, ta thuyết pháp, hướng dẫn, dạy dỗ cho họ. Như vậy, gọi là đạo thần túc biến hóa vô cực. Tất cả đệ tử và Bích Chi Phật cách Phật rất xa.
Lại nữa, này Mục Liên! Lúc đó ở phương Tây của cõi Tam Thiên Đại Thiên, cách cõi bốn thiên hạ này, hai vạn hai ngàn bốn thiên hạ. Thế Giới đó tên là La Đà Na Chất Đa đời Tấn dịch là Bảo Ý.
Thế Giới đó có bảy thứ báu, là: Vàng ròng, bạc trắng, lưu ly, thủy tinh, mã não, ngọc báu đỏ, xa cừ. Đó là bảy thứ báu.
Này Mục Liên! Thế Giới đó dùng vật báu làm cây, chỗ kinh hành đều là vật báu. Dùng vật báu làm màn che giăng lên ở giao lộ, dùng vật báu làm lan can, để trang nghiêm làm ao tắm, nước trong ao có tám mùi vị. Món ăn thức uống tự nhiên nghĩ đến đều liền có.
Mặc y phục và ăn uống giống như ở Trời Đâu Thuật. Nhân dân ở cõi đó đều như vậy. Trong cõi đó, không nghe nói có người mẹ, cũng không thấy người mẹ, cũng không có người mẹ sinh khổ.
Ở trong chúng hội không có nam nữ hội hợp, cũng không buông thả đối với dục lạc, cũng không buông thả đối với của cải, cũng không buông thả đối với lười biếng, cũng không sinh từ bào thai. Tất cả mọi người ở Thế Giới đó, đều từ tạng hoa sen mà hóa sinh.
Này Mục Liên! Thế Giới Bảo ý có Đức Phật, hiệu là Bảo Đẳng Hữu Như Lai, là Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác, ở trong đó đang thuyết pháp. Đức Như Lai ấy, không nói những việc khác, mà toàn dùng khiếp tạng của Bồ Tát, khiến tất cả đều phát tâm bồ đề. Người được vô sở tùng sinh pháp nhẫn, nhiều như số A tăng kỳ, không thể tính.
Người được thọ ký sẽ thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác nhiều như số A tăng kỳ, không thể tính hết. Thế Giới của Đức Phật kia không có đệ tử là hàng Duyên Giác đều là Bồ Tát, có nhiều ở trong bốn thiên hạ kia. Cũng không có ân ái, tâm cũng không nhớ nghĩ. Bồ Tát đầy trong cõi bốn thiên hạ. Thọ mạng của Đức Phật đó là tám vạn bốn ngàn năm.
Tuổi thọ nhân dân ở cõi ấy, cũng như vậy, có dài, có ngắn. Người ở nước đó, khi tuổi thọ hết, không đọa ba đường ác, không sinh nơi hiểm nghèo, Bồ Tát ở nước đó, khi thọ mạng sắp hết, lại sinh vào cõi trong sạch, được thấy mặt Chư Phật Thế Tôn.
Ở cõi ấy, hoặc Trời, Rồng, Kiền Đạp Hòa, tâm họ luôn nghĩ bình đẳng, không khác, đều có nhất thiết trí. Có Trời, Kiền Đạp Hòa, tuy có tên như vậy, nhưng đều đồng một chí nguyện. Tuy có bao nhiêu trí nhưng đều dùng trí vô thượng. Có Trời, Kiền Đạp Hòa, hoặc người, luôn phục sức bằng trí tuệ.
Này Mục Liên! Ý ông thế nào?
Bảo Đẳng Hữu Như Lai kia hiện đang thuyết pháp, ông có biết không?
Mục Liên thưa: Bạch Đức Thiên Trung Thiên, con không biết.
Đức Phật nói: Đức Phật đó, nay chính là ta đây, ở khoảng thời gian ấy, ta đem giáo pháp, hướng dẫn, dạy dỗ cho họ. Như vậy, gọi là đạo thần túc biến hóa vô cực. Chẳng phải La Hán, Bích Chi Phật là có thể biết được.
Lại nữa, này Mục Liên! Lúc đó, ở phương Bắc của cõi Tam Thiên Đại Thiên, cách Thế Giới bốn thiên hạ này, ba vạn sáu ngàn bốn thiên hạ, có Thế Giới tên là Vô khủng cụ.
Thế Giới đó, có hai thứ báu là: Vàng ròng và bạc trắng. Thế Giới của Đức Phật đó, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Không sợ sinh ở nơi hiểm nghèo. Người ở cõi ấy, không có khuyết giới, đối với điều được thấy không bị hủy hoại, đối với chủng tánh cũng không hèn hạ, đối với các đạo khác và Nikiền ba hòa mà lại có chỗ tin biết.
Này Mục Liên! Thế Giới Vô khủng cụ bốn thiên hạ đó, có Đức Phật, hiệu là Vô Úy Hưng Như Lai là Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác, đang thuyết pháp ở đó. Đức Như Lai này, đi đến dưới cây Phật, đến ở dưới gốc cây Phật rồi, có bảy mươi hai ức na thuật ma đi đến chỗ đó các ma này, muốn làm não loạn. Khi đó, Đức Như Lai hiện ra như một Bồ Tát cầu đạo, chưa được Nhất thiết trí.
Lúc ấy, ma liền hóa ra bảy mươi hai ức na thuật cây, thì Bồ Tát này cũng hóa ra bảy mươi hai ức na thuật Bồ Tát, mỗi một vị đều ngồi ở dưới một gốc cây, khi ấy ma lấy làm lạ và rất sợ hãi, tự nghĩ: Nên xét đoán người nào mới chính là Bồ Tát. Lúc đó, ma muốn lôi kéo khỏi chỗ ngồi.
Khi ấy, Đức Phật hóa ra Bồ Tát, nói với chúng ma: Tất cả các pháp của chúng ma các ông, đều cũng như vậy.
Vì sao các ông lại xét đoán người nào mới chính là Bồ Tát để muốn lôi kéo ra?
Trong khoảng thời gian đó, ta sẽ thiền định nhớ nghĩ như ta từ trước đến nay đã tạo phước, thường phát tâm Vô Thượng, Chánh Giác để khuyên người, khiến người phát tâm cầu đạo Bồ Tát.
Vì sao các ông không khuyến khích giúp đỡ ý ta, trái lại muốn lôi kéo ta ra?
Bồtát thiền định suy nghĩ: Nếu ta tạo ra việc ác, không khuyên họ khiến họ cầu Bồ Tát, lại tự nhiên diệt đi thì còn có chỗ để lôi kéo nhau. Vì thế nên chẳng phải là chỗ ông có thể lôi kéo. Chớ tự xâm chiếm như vậy.
Lúc đó ma lại hỏi Bồ Tát: Ông đã làm được bao nhiêu phước mà phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, lại có thể khuyên người cầu đạo Bồ Tát?
Bồ Tát đáp chúng ma: Thí như cát sông Hằng. Một hạt cát là một Cõi Phật, ở trong Cõi Phật đó có nhiều châu báu nếu đem ban cho dùng ý đó để phát đạo này làm công đức thì công đức kia còn hơn cả việc ban cho này.
Lại nữa, này chúng ma! Ví như hằng hà sa các Thế Giới, tất cả mọi người đều đông đủ ở trong đó, nếu đem ban cho sự an ổn, cung kính hầu hạ trong ngàn kiếp, dùng phước công đức như vậy để cầu đạo.
Ma lại hỏi: Công đức mà ngài tạo như vậy. Nếu có ai đòi ngăn cản việc làm ấy của Bồ Tát, thì tội đó như thế nào?
Bồ Tát đáp: Như đã nói, hằng hà sa tất cả mọi người ở chỗ đó, mà đòi móc mắt của người ấy ra, tạo tội như vậy có nhiều không?
Ma nói: Rất nhiều!
Bồ Tát nói với chúng ma: Có ai ngăn cản Bồ Tát thì tội đó nhiều gấp bội. Vì ngăn cản Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Lúc đó, bảy mươi hai ức na thuật chúng ma, nhờ phương tiện ấy, thấy Bồ Tát biến hóa, đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Chúng ma phát tâm Bồ Tát rồi, dùng hoa Trời, hương Trời, rải hoa Trời trang sức, rưới hương thơm Trời, tung lên Bồ Tát, trên Trời với ngàn thứ âm nhạc trổi lên để cúng dường, vui thích với Bồ Tát.
Trong tiếng âm nhạc này đều nghe tiếng nói như vậy: Mau mau làm cho bậc Đạo sư của ba cõi, được thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác! Ca ngợi như vậy rồi, liền thấy Bồ Tát ngồi dưới gốc cây được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Lúc đó, liền có trăm ngàn Thiên Tử khác, tâm nghĩ như vậy: Các chúng ma, nay lại đến được đây, không còn trở lại ba đường ác, cũng sẽ được giải thoát. Nên liền phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Khi ấy, Đức Vô Khủng Cụ Thí nói: Nay ta thành Phật hiệu là Vô Khủng Cụ Như Lai.
Vì sao tên là Vô Khủng Cụ Thí?
Vì cùng xét rõ không còn sợ sệt nên gọi như vậy. Khi nói danh hiệu Đức Phật này, các Thế Giới đều nghe biết là Phật đã đắc đạo.
Đức Phật nói: Này Mục Liên! Như vậy Đức Vô Khủng Cụ Thí Như Lai kia, chính là ta đây. Ta ở Thế Giới đó, đem giáo pháp mà dạy dỗ, hướng dẫn cho họ.
Như thế, này Mục Liên! Như Lai gọi là Đạo thần túc biến hóa vô cực, tất cả đệ tử và Duyên Giác không thể biết được.
Lại nữa, này Mục Liên! Lúc đó ở phương Đông nam của cõi Tam Thiên Đại Thiên, cách cõi này tám vạn bốn ngàn tứ thiên hạ. Cõi nước đó, tên là Tam Mạn Đà chất đời Tấn dịch là Biến Đẳng. Đức Phật hiệu là Chất Đa Câu Trùng Hằng Tát A Kiệt A La Ha Tam Da Tam Phật đời Tấn Dịch là Huyễn Hoa Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác hiện đang thuyết pháp.
Thế Giới bốn thiên hạ đó rất đẹp, Đông, Tây, Nam, Bắc, mười tám ngả đường đều có đầy châu báu, đất mềm mại giống như áo Trời, đất mọc cỏ mềm mại cao bốn tấc tất cả những gì mọc trên đất, mỗi một loại đều có màu sắc khác nhau. Có khắp cả các đường đi, nếu chân đạp xuống đất cỏ mềm mại vừa ý, lúc cất chân lên, thì lại như cũ, đất đó bằng phẳng, như lòng bàn tay.
Này Mục Liên! Cả Thế Giới Biến đẳng ấy đều như thế. Có thành tên là Bạt đà uất trầm đời Tấn dịch là Thiện Tôn. Người trong thành đó vui vẻ, an ổn, giàu có, phồn thịnh, từ Đông qua Tây dài ba mươi hai do tuần. Từ Nam đến Bắc rộng mười hai do tuần.
Này Mục Liên! Thành Thiện tôn kia người người khác cùng ở trong đó, nhân dân đông đúc, số nhân dân nhiều không thể kể xiết.
Này Mục Liên! Đức Huyễn Hóa Như Lai Thế Tôn du hóa đến thành Thiện tôn và dừng nghỉ ở trong đó, mở một hội thuyết pháp, rống tiếng rống sư tử, khiến ba mươi na thuật người đều đắc A La Hán. Có ba mươi na thuật người đắc A Na Hàm. Có ba mươi na thuật người đắc Tư Đà Hàm. Có ba mươi na thuật người đắc Tu Đà Hoàn. Lại có ba mươi na thuật người phát hạnh Bích Chi Phật.
Còn số người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì không thể tính hết. Lại còn có những chúng sinh khác, nhiều vô số quyết làm những công đức.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Lòng Ham Muốn Dẫn đến đau Khổ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tát Giá
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Hai - Kinh để Dành Sữa
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Mười - Kim Cang Tạng Hàng Ma Pháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Miêu Ly
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi Sáu - Kinh Trộm Trâu ăn Thịt