Phật Thuyết Kinh đạo Thần Túc Vô Cức Biến Hóa - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠO THẦN TÚC VÔ CỰC BIẾN HÓA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Pháp Khâm, Đời Tây Tấn  

PHẦN SÁU  

Lúc đó, Thích Đề Hoàn Nhân liền nghĩ: Như Nguyệt Thiên Tử đã nói, vì đã được pháp nhẫn không từ đâu sinh, tức là được thân cận Phật và được Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Biết được tâm niệm của Thích Đề Hoàn Nhân, Nguyệt Thiên Tử liền nói với Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Người không chỗ đạt được nhẫn thì được địa vị Chánh Đẳng, Chánh Giác không khó, người còn thấy được nhẫn thì cách quả vị Chánh Đẳng, Chánh Giác rất xa.

Thích Đề Hoàn Nhân lại hỏi: Thiên Tử vì sao nói như vậy?

Thiên Tử đáp: Này Câu Dực! Người đã được nhẫn mới nói như vậy. Người chẳng được nhẫn ấy không thể gần quả vị Chánh Đẳng, Chánh Giác, người được pháp nhẫn không từ đâu sinh giống như không chỗ sinh.

Như vậy là đạo.

Thích Đề Hoàn Nhân lại hỏi Thiên Tử: Đạo từ đâu mà cầu?

Thiên Tử đáp: Này Câu Dực! Đạo đối với ba cõi là không ngã, nên cầu đạo như thế.

Thích Đề Hoàn Nhân lại hỏi: Ba cõi vô ngã, làm sao mà cầu?

Thiên Tử đáp: Như pháp là không sinh, không sinh lại không sinh, nên cầu đạo như thế. Cầu như vậy rồi. Cầu như vậy tức là không cầu đối với cầu, người này là không chỗ khởi.

Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Đức Phật: Rất là lạ, bạch Thế Tôn! Những điều Nguyệt Thiên Tử nói, rất là sâu xa, như vậy chết từ đâu, mà sinh ở đây?

Cái chết tại đây, lại sinh chỗ nào?

Khi đó, Nguyệt Thiên Tử bảo với Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Như người làm trò ảo thuật, tạo ra người nam, người nữ.

Thì họ chết từ đâu, lại sinh ở đây?

Cái chết ở đây, lại sinh chỗ nào?

Thích Đề Hoàn Nhân trả lời Thiên Tử: Đã biết là huyễn hóa thì không khởi, không diệt, không thể thấy, không thể biết, là không có sở hữu.

Thiên Tử nói với Câu Dực: Như vậy, nói huyễn hóa là từ không có hội hợp lại sinh, diệt cũng không có chỗ hội hợp, huyễn hóa là như vậy. Người trí tuệ, không dùng đến nó, cũng không tiếp cận nó.

Thích Đề Hoàn Nhân nói: Đúng như lời ngài nói.

Thiên Tử trả lời Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Như ông đã hỏi, tôi trả lời cũng vậy. Như ông nói, các pháp như huyễn hóa.

Thích Đề Hoàn Nhân nghĩ: Thiên Tử này chết từ đâu mà lại sinh ở đây?

Cái chết tại đây thì sinh ở chỗ nào?

Nên muốn đem việc này để hỏi Đức Phật.

Thiên Tử nói với Thích Đề Hoàn Nhân: Ý của ông như thế nào?

Như Đức Như Lai giáo hóa thì đối tượng để giáo hóa cũng như vậy, hoặc đến, đi, trên, dưới, có thấy biết không?

Thích Đề Hoàn Nhân đáp: Này Thiên Tử! Không thể thấy được như vậy.

Thiên Tử lại nói: Như vậy việc giáo hóa này, có tạo ra được không?

Thích Đề Hoàn Nhân nói: Có thể tạo ra.

Thiên Tử lại nói: Này Câu Dực! Tất cả các pháp giáo hóa bình đẳng như thế, nếu đến, đi, trên, dưới được xem xét như vậy, thì này Câu Dực! Lúc đó không thể có sự tạo ra.

Ý của ông như thế nào?

Chẳng như thế, mà thấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng như vậy, người biến hóa ấy, có thể thấy, nghe, biết việc như vậy không?

Thích Đề Hoàn Nhân nói: Này Thiên Tử! Không thể thấy nghe biết được.

Thiên Tử nói: Này Câu Dực! Biết tất cả phần số như vậy, thì các pháp cũng như vậy. Hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc tâm suy nghĩ pháp, cũng không nhiễm không nhơ, cũng không dừng lại, cũng không tiếp cận, cũng không xa lìa. Đối với thấy, nghe, suy nghĩ chỗ nói như vậy, pháp như vậy, vì tất cả mà nói, vì chúng mà nói, không có sai khác.

Lúc đó, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nguyệt Thiên Tử này, nói không có nơi chốn, không sinh, không khởi, không diệt. Nguyệt Thiên Tử này, không ở địa vị của đệ tử, không ở địa vị của Bồ Tát.

Vì sao Bồ Tát thấy những việc sinh tử phải nhớ nghĩ trong vô số kiếp?

Vì sao nuôi dưỡng chúng sinh mà không thể biết được?

Đức Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Này Câu Dực! Có Bồ Tát kia, được bất khởi pháp nhẫn, cũng không nghĩ sinh, cũng không nghĩ khởi, cũng không nghĩ diệt, muốn thấy chúng Bồ Tát này, nên quán sát A La Hán Niết Bàn một trăm năm mà không thể biết được.

Vì sao?

Vì không nghĩ tưởng người khác, cũng không nghĩ tưởng ta. Lại nghĩ tưởng người khác, lại nghĩ tưởng ta, lại như vậy.

Này Câu Dực! Những việc làm của Bồ Tát rất là siêng năng ân cần, khổ hạnh. Không nghĩ đến sinh, cũng không nghĩ đến diệt, cũng không nghĩ tưởng đến người khác, không nghĩ tưởng đến ta. Vì thể tánh của các pháp, vốn đều Niết Bàn.

Này Câu Dực! Tất cả cũng không trói, cũng không mở, cũng không biết rõ pháp này là Bồ Tát, là như thế là giải thoát, là thị hiện nhớ nghĩ vậy nên liền khởi đại bi, như thế Bồ Tát chẳng mệt mỏi nhàm chán. Ở trong vô số Câu Lợi trăm ngàn kiếp, mà chẳng biếng nhác.

Này Câu Dực! Ví như có người rơi trong hầm lửa. Lại có người nam có lòng đại bi, chẳng quý trọng thân thể, chẳng tiếc mạng sống, bỏ năm dục và mọi sự ham thích, liền vào trong hầm lửa, bồng người này ra, người này tự thoát khỏi và cứu người kia cũng thoát khỏi.

Này Câu Dực! Ý ông thế nào?

Việc làm của người khác ấy có khó không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn! Việc làm của người ấy rất khó, rất khó!

Đức Phật nói: Này Câu Dực! Việc này chưa phải là khó, việc làm của Bồ Tát lại còn khó hơn nhiều. Bồ Tát đã thoát khỏi các dục, phát ý muốn đem cúng dường đầy đủ, đem tất cả những gì mình có, giúp cho tất cả.

Này Câu Dực! Việc này hơn việc trước nữa. Dùng ánh sáng của công đức, chiếu sáng mở bày cho tất cả. Như vậy là đã hơn tất cả đệ tử và Bích Chi Phật. Đại Bồ Tát tự đến với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lại nữa, này Câu Dực! Như vậy, nói chết từ đâu lại sinh ở đây.

Câu Dực lắng nghe! Về phương Đông, các cõi này tức từ Cõi Phật này, qua chín mươi hai na thuật trăm ngàn Cõi Phật. Cõi đó tên là La đà na tát già đời Tấn dịch là Trân bảo thẩm đế áo tạng. Cây cối trong Thế Giới ấy đều làm bằng báu, cành, lá, hoa, quả của cây đó có vô số màu sắc.

Chỗ Kinh Hành, dùng vô số vật báu để tạo thành. Trong nước đó, tất cả mọi thứ đều là các vật báu, dùng để trang nghiêm, không chỗ nào thiếu. Đất ấy đều là lưu ly xanh biếc, vô số vật báu trang trí xen lẫn nhau.

Lại nữa, này Câu Dực! Có Thế Giới, tên là La Đà Na Tiên Kỳ đời Tấn dịch là Trân bảo tích tụ.

Này Câu Dực! Đức Phật trong Thế Giới này, hiệu là La Đà Na Văn Đà La Đế Da A Đan Kiệt La Du đời Tấn dịch là Trân bảo hào trường xuất quá thượng tụ. Như Lai bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp. Trong cõi Đức Phật đó, không có người mẹ, cũng không nghe người mẹ, cũng không có đệ tử nương vào nhất giác đạo, mà toàn là Bồ Tát ở trong cõi đó.

Lại nữa, này Câu Dực! Đức Trân Bảo Hào Trường Xuất Quá Thượng Tụ Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đức Thế Tôn ấy thuyết pháp khiến cho bảy mươi hai Câu Lợi Bồ Tát đạt được Bất khởi pháp nhẫn. Bồ Tát được nhẫn này rồi có ý nghĩ là tất cả ngọc báu, nổi tiếng trên Cõi Trời và của dòng họ lớn đều dứt bỏ không dùng đến. Vì thế tất cả cõi Chư Phật đều chấn động.

Lúc đó, trong cõi Tam Thiên Đại Thiên, bao nhiêu là chánh báu hoa sen, nhiều loại hoa với vô số màu sắc rất là tươi đẹp, có đầy trong đó, để tung lên Đức Phật. Các hoa ấy ở trên Đức Phật, hóa thành lọng hoa, che trùm cõi Đức Phật rồi. Bồ Tát ấy, ở hư không, quá phấn khởi liền bay đến cõi khác, đứng trước Đức Phật mà cúng dường, đảnh lễ, nhiễu quanh, thưa hỏi, muốn nghe pháp…

Lại nữa, này Câu Dực! Bồ Tát được pháp nhẫn, không thích trụ ở một chỗ, mà có thể đi đến các cõi Chư Phật. Bồ Tát không đạt pháp nhẫn thì không thể đến các cõi khác.

Lại nữa, này Câu Dực! Đức Thế Tôn ở cõi ấy, xuất hiện đến mười hai kiếp, chỗ ở của Đức Phật đó, ban đêm luôn có ba thời thuyết pháp, thuyết pháp rồi thì có bảy mươi hai Câu Lợi Bồ Tát đạt được Bất khởi pháp nhẫn.

Này Câu Dực! Bồ Tát chưa được Bất khởi pháp nhẫn, không thể đến cõi khác. Người được Bất khởi pháp nhẫn, mới có thể đến Cõi Phật khác. Như vậy, Bồ Tát mất trong khoảng thời gian đó sẽ sinh qua ở cõi khác.

Này Câu Dực! Ông đem những việc này mà so sánh, thì sẽ thấy như thế. Như vậy, không thể tính, ức Cõi Phật, chư Bồ Tát thảy đều như vậy.

Này Câu Dực! Châu báu chất chứa trong cõi kia, tất cả mọi cái có được đều không lo sợ rơi vào ba đường ác, trí cũng không có khổ, cũng không có vui, cũng không chỗ để hỏi, cũng không chỗ nói, cũng không khổ sở, cũng không ăn uống.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát vui vẻ, dùng pháp để ăn uống. Trong cõi đó không có A La Hán, Bích Chi Phật.

Này Câu Dực! Châu báu chất chứa trong cõi ấy, Đức Trân Bảo Hào Trường Xuất Quá Thượng Tụ Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng, Chánh Giác, chính là Nguyệt Thiên Tử, nhập diệt từ cõi ấy, lại sinh ở Cõi Trời Đao Lợi này, lại muốn thấy Đức Phật nên đảnh lễ ta, nhiễu quanh ta, thưa hỏi ta.

Vì muốn hỏi ta, nên đến đây. Nhân chỗ hỏi này, mà gặp vô số ngàn người được chỗ biết sâu rộng. Lại nữa, Bồ Tát ở hội khác đối với Bất khởi pháp nhẫn đều đầy đủ.

Này Câu Dực! Nguyệt Thiên Tử này lại thấy Đức Phật, muốn giữ gìn tất cả pháp, muốn thọ trì pháp. Sau khi Đức Phật Niết Bàn, giáo pháp cuối cùng muốn tận, ở khoảng thời gian đó sẽ đắc đạo sinh trong loài người, đem giáo pháp sâu xa mầu nhiệm mà Đức Phật đã nói, soi sáng khắp nơi, truyền trao cả trăm ngàn người.

Người chưa được Bất khởi pháp nhẫn đều thích muốn học, giáo pháp cuối cùng khi sắp tận sẽ lại sinh ở Cõi Trời Đâu thuật thứ tư. Ở chỗ Bồ Tát Di Lặc giảng nói của Chư Phật Thế Tôn, không thể tính đếm, trăm ngàn Thiên Tử đời trước, chưa từng khởi lên ý đạo, nay nghe nói, đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi Đức Di Lặc hạ sinh, được Chánh Giác, Bồ Tát ấy hầu hạ Đức Di Lặc một vạn năm. Ở tại gia, thường cúng dường Đức Di Lặc và Chúng Tăng.

Sau đó, cùng đông đủ bốn ngàn người, phát lòng tin xuất gia vì đạo, làm Sa Môn, làm Sa Môn rồi, ở chỗ Đức Di Lặc Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng, Chánh Giác, đem hết thân mạng giữ gìn pháp. Sau Đức Di Lặc Niết Bàn, suốt thời pháp trụ, luôn gìn giữ pháp, một ngàn Đức Phật ở trong hiền kiếp, thiếu bốn vị, thường luôn được cúng dường hầu hạ ngay tại chỗ.

Lúc đó, Chư Phật Thế Tôn nói Kinh, nên tu phạm hạnh trong sạch. Cuối cùng qua bảy hằng sa kiếp, sẽ được thành Phật, ở một cõi, hiệu là Tự Nguyệt Quang Diệu Như Lai Bậc Vô Sở Trước Chánh Đẳng, Chánh Giác. Điều mong ước đã được đầy đủ.

Lúc đó, Nguyệt Tinh Thiên Tử nói với Thiên Tử: Lành thay! Nay được Đức Phật thọ ký, ông sẽ được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Ông vốn có những ân gì, cúng dường những gì, làm những việc gì?

Thương mến, cung kính, ưa thích, vui vẻ cúng dường cho Đức Phật, mới được Đức Như Lai thọ ký riêng ông!

Nghe xong, Nguyệt Thiên Tử nói với Nguyệt Tinh Thiên Tử: Đức Như Lai không lấy việc làm lành mà thọ ký cho người. Cũng không có chỗ sợ mà thọ ký cho người. Cũng không nói người này là được thọ ký hay không được thọ ký. Bồ Tát phải tự học pháp của Bồ Tát, Đức Thế Tôn sẽ thọ ký cho họ.

Vì sao ông hỏi như vậy?

Ta có những ân gì với Đức Phật mà được Đức Phật mến thương, nhớ nghĩ, vui vẻ, thương tưởng như vậy.

Nguyệt Tinh Thiên Tử hỏi Nguyệt Thiên Tử: Vui vẻ này từ đâu mà thấy?

Nguyệt Thiên Tử trả lời: Vui vẻ từ nơi tâm mà cầu.

Nguyệt Tinh Thiên Tử lại nói: Tâm không nghĩ tâm, thì ai được cái vui đó?

Nguyệt Thiên Tử đáp: Cái vui không thể nắm bắt, cũng không thể đạt được, đó là cái vui hơn hết, như vậy cái vui tối thượng là không thể đạt được.

Nguyệt Thiên Tử nói Nguyệt Tinh Thiên Tử: Cái vui như vậy, đối với cái vui có chỗ không thể ấy thì chẳng phải là cái vui. Cái vui này đối với việc buông lung mà không làm. Như vậy ở trong cái vui mà thường vui, lại không phát sinh ý thoái lui.

Như vậy, này Nguyệt Tinh Thiên Tử! Nên cầu pháp như thế, thì sẽ được cái vui, đối với chỗ làm của pháp mà không buông lung thì đó mới là cầu, không cầu, cũng không lìa cầu.

Vì sao?

Này Nguyệt Tinh Thiên Tử! Đối với pháp giới không cầu, đối với cái mình cầu cũng không.

Lúc đó, Nguyệt Tinh Thiên Tử nói với Nguyệt Thiên Tử: Bồ Tát học như vậy gọi là học Bồ Tát.

Nguyệt Thiên Tử lại hỏi: Thế nào là Bồ Tát học?

Nguyệt Tinh Thiên Tử đáp: Này Thiên Tử! Bồ Tát học ở Bồ Tát, là không thân, không thân hành. Không khẩu, không khẩu hành, không ý, không ý hành. Đó là Bồ Tát học Bồ Tát. Đối với thân, không có chỗ học, cũng không có chỗ đạt được, cũng không chỗ mất, cũng không chỗ quên.

Này Thiên Tử! Bồ Tát học như vậy.

Nguyệt Tinh Thiên Tử lại hỏi: Thiên Tử học như vậy được Đức Như Lai thọ ký ư?

Nguyệt Thiên Tử trả lời Nguyệt Tinh Thiên Tử: Người không học như vậy, thì Đức Như Lai không thọ ký.

Vì sao?

Vì không nghĩ đến cái học này, không nghĩ là có chỗ nói, cũng không nghĩ ta, cũng không nghĩ có chỗ mong cầu, cũng không nghĩ ta có chỗ học. Đó gọi là học. Một phần của lời nói đối với ở đời, không hợp với chúng hội, thì có nói ta học như vậy cũng là không thật, là chẳng nói. Không nghĩ nói có ta, cũng không nói là thật, cũng không nói ta là Bồ Tát học.

Nguyệt Tinh Thiên Tử lại hỏi: Việc đó có bao nhiêu để được trụ báo chắc chắn?

Nguyệt Thiên Tử đáp: Đối với điều mình mong muốn, thường đưa lên mà không hạ xuống, cũng không ở giữa. Đối với điều mình mong muốn thường ở tại tâm, chưa từng biếng nhác. Tuy có đó mà không làm, pháp ấy cao tột là bất như, xét kỹ pháp ấy như vậy rồi hiểu biết, gọi là trụ, là chắc chắn trụ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần